Bạn thân mến,
Cho đến hôm nay, chắc bạn cũng đã hiểu bác ái là gì rồi, bạn nhỉ! Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót không thể tha thứ nếu quan tâm đến chỉ mình bác ái, bạn ạ!
Chắc bạn sẽ nói: gì ghê vậy chứ! Nhưng, nó là thế đấy! Bởi có một điều, dầu không được đề cập, nhưng khi nói đến bác ái, nó có mặt lập tức. Nó luôn xuất hiện với bác ái, bên cạnh bác ái… như bóng với hình, nhưng lại không mấy được chú ý và đôi khi còn gây khó chịu cho những kẻ vô tâm vô tính. Điều ấy chính là CÔNG BẰNG.
Vâng, có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên về điều này, khi họ cho rằng bác ái và công bằng là những điều khó tương hợp với nhau, vì bản chất của bác ái là cho đi, là mở ra… trong khi công bằng lại như ích kỷ, nó đóng lại, sòng phẳng, khép kín…
Không đơn giản như nếp nghĩ ấy, bạn ạ! Thực ra, công bằng là một điều gì đó hoàn toàn tự nhiên. Nó còn căn bản hơn cả bác ái nữa đấy! Xét theo logic, công bằng còn đi trước cả bác ái. Bởi công bằng là nguyên tắc của trật tự tự nhiên. Nó chi phối cả vũ trụ này, chứ không riêng gì sinh hoạt trên trái đất. Nhờ có công bằng mà vũ trụ trở nên phong phú, đa dạng mà không hề kình chống nhau nhưng lại tương hợp hết sức hài hoà và đẹp đẽ…
Có được một vũ trụ huyền vi như thế, là vì muôn tạo vật đều hoạt động đúng theo bản tính của loài nó thuộc về. Đất, đá phải ở dưới chân; thảo mộc thì vươn về ánh sáng; mèo thì phải kêu meo meo và chó thì phải sủa gâu gâu… Bạn không thể bắt chó sủa “meo meo” và buộc mèo kêu “gâu gâu” được… Nếu không, chó sẽ không thể giữ nhà với tiếng mèo kêu, và mèo không thể đuổi chuột với tiếng gâu gâu… Và bạn, bạn phải dùng lý trí của bạn để vươn tới SỰ THẬT và ý chí cùng con tim của bạn để tìm đến SỰ THIỆN, hợp theo bản tính của con người, là thế đấy!
Thượng Đế đã muốn tất cả mọi loài hoạt động theo bản tính của mình để cùng đi vào tương quan hài hoà và trật tự trong trời đất. Xét ở phạm vi nhỏ hẹp của thế giới ta đang sống, từ khoáng vật, qua sinh vật, đến thực vật, lên động vật và cuối cùng là con người; mọi vật đều khác nhau, không chỉ giữa các loài mà ngay cả các cá thể trong loài nữa. To như voi hay nhỏ như kiến, nhanh như sóc hay châm như sên, hùng dũng như sư tử hay nhát đảm như thỏ đế, nặng như đá hay nhẹ như bông… tất cả đều có giá trị như nhau, cần thiết như nhau và quan trọng như nhau…
Để có thể tồn tại và phát triển, mỗi sự vật hay sinh vật, đều phải là mình như “mình là”. Và sự tồn vong, sống còn của cái này phải phụ thuộc vào sự hiện hữu của cái khác trong vòng tròn sinh tử. Nếu không có thảm thực vật dưới chân, sẽ không thể có những cánh rừng. Nếu không có những cánh rừng, nước sẽ không ngấm sâu vào đất. Nếu không có nước trong lòng đất, mọi sinh vật sẽ héo tàn và bị tiêu diệt… Trong thế giới của tương quan hỗ tương này, mọi sự đều phải thể hiện ra được mình là gì “như mình phải là” theo ý Thượng Đế. Đó chính là lẽ công bằng.
Vâng, có thể bạn sẽ nói: “Mình phải là mình” hay “mỗi người phải đứng trên đôi chân của mình”… là điều bình thường mà! Vâng, bạn nói đúng! Nhưng nó không chỉ thế mà còn sâu xa hơn thế! “Là mình”, không chỉ như bạn muốn trở thành một ai đó như bạn muốn. Nhưng căn bản và cốt lõi hơn cả, “là mình”, trước hết, là bạn phải đảm nhận đúng giới tính của bạn. Nghĩa là bạn phải sống như là một người nam, hoặc một người nữ theo đúng giới tính tự nhiên của bạn (song chúng ta không bàn đến vấn đề tâm lý giới tính ở đây). Bởi nam tính hay nữ tính, đó là ân ban của Thượng Đế cho cuộc sống con người. Đó là những gì làm cho cuộc sống nên nhẹ nhàng, thi vị, ý nghĩa và huyền nhiệm hơn… Chính bởi có “chí khí nam nhân” và “yểu điệu thục nữ”, mà sự thu hút của hai giới đã đưa con người đến sống trong tương quan yêu thương của cái gọi là mái ấm gia đình… Và hạnh phúc cũng đến từ đây, bạn ạ!
Kế đến, trong đời sống của xã hội dân sự giữa những con người với nhau, công bằng chính là nguyên tắc và phương tiện để đưa bạn và từng người, với những khác biệt bên ngoài về thể lý như sức vóc, dáng vẻ, thể trạng… lẫn khác biệt bên trong về tâm thần như khí chất, tính tình, thiên hướng… vào trong sự hài hoà của cuộc sống chung trong xã hội và thế giới. Bạn được trao ban tài năng không vì cá nhân bạn, nhưng vì cuộc sống chung và vì người khác. Bởi tài năng ấy sẽ mất đi động lực để hình thành, sẽ không thể phát huy và hoàn chỉnh nếu bạn sống cô độc, một mình…
Chính vì thế, trong cuộc sống chung ấy, mỗi người đều có chỗ đứng riêng với bổn phận và trách nhiệm cá nhân. Người là nông dân, kẻ là thương gia; kẻ làm tiều phu, người làm ngư phủ; người là công nhân, kẻ làm quản trị; người làm thường dân, kẻ làm công chức; người chuyên sản xuất kẻ lo an dân; kẻ học hành, người dạy dỗ; kẻ thi hành, người lãnh đạo… mỗi người trong xã hội ấy, cần phải sống đúng vai trò của mình mới có thể ghép nên bức tranh sinh động của cuộc sống. Tương tự các ngón tay dài ngắn, với chức năng khác nhau trên một bàn tay, phải phối hợp mới có thể cầm nắm, chỉ trỏ… được. Năng lực mỗi người không như nhau; và nó cần đến người khác nhằm tìm thấy động lực để phát triển, để sống như một người và sống trong xã hội con người. Mỗi người phải sống đúng năng lực của mình và đóng góp vào xã hội con người bằng chính năng lực của riêng mình. Đó là công bằng mà Thượng Đế đã thiết định.
Sẽ là bất công nếu mỗi người không sống, hay sống không đúng vai trò của mình. Sẽ là bất công trầm trọng nếu kẻ lãnh đạo không chăm lo cho trăm họ được an vui, hạnh phúc. Sẽ là tội ác nếu kẻ lãnh đạo không đủ tầm và thiếu tâm nhưng lại thừa gian manh và tàn độc để đổ tất cả sai lầm và khó khăn lên đầu người dân vô tội. Sẽ là một sự sỉ nhục và đáng phỉ nhổ nếu là kẻ lãnh đạo bất tài, vô tướng nhưng thường vênh váo với những phát ngôn vu vơ, vô nghĩa của kẻ thiểu năng trí tuệ đóng tuồng trong một vai hài rẻ tiền…
Bạn thân mến,
Công bằng sẽ giúp bạn là mình khi đi vào tương quan với người khác. Công bằng sẽ làm cho bạn trở nên dễ thương, đáng mến khi bạn quan tâm đến chất lượng cuộc sống quanh bạn. Chúng ta hãy cùng xây dựng các mối tương quan hỗ tương bằng năng lực yêu thương mà Thượng Đế đã ban tặng, bạn nhé!
Cần Giờ SDB