Ba từ khóa bảo vệ gia đình hạnh phúc: xin phép, cám ơn và xin lỗi

108
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào sáng Chúa nhật lễ Thánh Gia Thất, sau khi diễn giải về ý nghĩa của ngày lễ này, ĐTC đã công bố một năm dành cho gia đình. Năm Gia đình sẽ được bắt đầu vào ngày 19/3/2021 và kết thúc vào ngày 26/6/2022, nhân dịp Hội nghị gia đình thế giới lần thứ X. Toàn thể các gia đình trong Giáo hội sẽ dành một năm để suy ngẫm, đào sâu nội dung văn kiện mà Đức Thánh Cha đã ban hành trong Tông huấn Amoris Laetitia.
Anh chị em thân mến
Một vài ngày trước lễ Giáng sinh phụng vụ mời gọi chúng ta hướng lòng về gia đình thánh của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Thật tuyệt vời khi suy gẫm về hành động mà Con Thiên Chúa đã muốn có, giống như các trẻ em, hơi ấm của một gia đình. Bởi vì đó chính là gia đình của Chúa Giêsu. Gia đình Nazareth là một gia đình mẫu mực, qua đó mọi gia đình trên thế gian có thể tìm thấy điểm quy chiếu và cảm hứng chắc chắn. Mùa xuân cuộc sống nhân loại của Con Thiên Chúa được nảy mầm tại Nazareth, trong giây phút Ngài được thụ thai nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria. Giữa những bức tường mến khách của gia đình Nazareth, thời thơ ấu của Chúa Giêsu được diễn ra trong niềm vui, được bao bọc bởi sự chăm sóc của Mẹ Maria và thánh Giuse, qua đó Chúa Giêsu có thể thấy được sự dịu dàng của Thiên Chúa (Xem Tông thư Patris corde, 2).
Noi gương thánh gia, chúng ta được mời gọi tái khám phá giá trị giáo dục của gia đình: nói đòi hỏi phải được đặt trên cả tình yêu vốn luôn tái tạo các mối tương quan bằng cách mở ra mọi chân trời hy vọng. Nơi gia đình ta có thể trải nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi nó là ngôi nhà cầu nguyện, khi tình thương mến nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng; khi sự tha thứ vượt thắng cả những bất hòa; khi sự cay nghiệt của cuộc sống hằng ngày được xoa dịu lẫn nhau bằng sự dịu dàng và bằng việc tuân theo thánh ý Chúa cách thanh thản. Bằng cách này, gia đình được mở ra cho niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban niềm vui. Đồng thời tìm thấy năng lượng thiêng liêng được thổ lộ ra bên ngoài, cho người khác, cho việc phục vụ anh chị em, cộng tác để xây dựng một thế giới luôn mới mẻ và tốt đẹp. Nhờ vậy gia đình có khả năng trở thành người cổ võ những điều tích cực; gia đình truyền giáo bằng mẫu gương của cuộc sống. Đúng vậy, trong mọi gia đình đều có những vấn đề, đôi khi có cãi vả nhau. “Thưa cha, con đã cãi nhau..” – Chúng ta là những con người, yếu đuối, và tất cả chúng ta đôi lần có cãi nhau trong gia đình. Tôi nói với anh chị em một điều: nếu trong gia đình chúng ta cãi nhau, ngày nào không có kết thúc thì ngày đó không có bình yên. “Vâng tôi đã cãi nhau”, nhưng trước khi kết thúc một ngày, phải làm hòa. Và anh chị em biết tại sao không? Bởi vì ngày hôm sau chiến tranh lạnh xảy ra thì thật là nguy hiểm. Không giúp được gì. Và còn nữa, trong gia đình có ba từ, ba từ đó luôn bảo vệ gia đình: xin phép – cám ơn – xin lỗi.
Xin phép để không xâm phạm vào cuộc sống của người khác. “Xin phép”: Tôi có thể làm điều này không? Tôi có thể làm điều này cho anh không? “Xin phép” để không bao giờ xen vào chuyện người khác. “Xin phép” là lời đầu tiên. Cám ơn: vì bao nhiêu sự giúp đỡ, phục vụ mà chúng ta làm cho nhau trong gia đình. Phải cám ơn luôn luôn. Lòng biết ơn là máu của linh hồn cao quý. Và tiếp theo một từ rất khó nói là “xin lỗi”. Vì chúng ta luôn làm những điều tồi tệ và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều này. Xin lỗi, xin lỗi. Anh chị em đừng quên ba từ này: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Nếu bầu khí trong một gia đình có những từ này, gia đình đó hạnh phúc.
Đối với mẫu gương truyền giáo với gia đình mà ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta, đề xuất cho chúng ta ý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, sẽ được ra mắt nhân kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn, ngày 19 tháng 3 tới đây. Và sẽ có một năm để suy ngẫm về Tông huấn Amoris laetitia và đó sẽ là cơ hội để đào sâu nội dung của tài liệu [19 tháng 3 năm 2021-tháng 6 năm 2022].
Những suy tư này sẽ được đưa ra cho các cộng đoàn gia đình trong Giáo hội, để cùng đồng hành với họ trong lộ trình sống của họ. Kể từ bây giờ tôi mời gọi tất cả mọi người tham gia vào các sáng kiến, sẽ được thúc đẩy trong suốt năm, được điều phối bởi Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Chúng ta phó thác cho Gia đình thánh Nazareth, cách đặc biệt cho thánh Giuse là chồng và là người cha nhiệt tình, lộ trình này của các gia đình trên toàn thế giới.
Nguyện xin Đức Đức Trinh Nữ Maria, đấng chúng ta đang hướng về qua lời kinh Angelus, cho các gia đình trên toàn thế giới ngày càng được lôi cuốn bởi lý tưởng Phúc Âm của Thánh Gia, để trở thành men cho nhân loại mới và cho tình đoàn kết cụ thể và phổ quát.
Lm. G. Võ Tá Hoàng