Thần học thân xác không chỉ dành cho người lớn và chỉ có vậy thôi! Dưới đây là ba sự thật rất đơn giản mà mọi đứa trẻ nên biết khi nhìn vào thân thể của chúng.
Là cha mẹ, chúng ta bắt đầu nói cho con cái của mình về các bộ phận khác nhau nơi cơ thể của chúng từ khi chúng còn bé: để chúng biết cách phác họa cho đôi tai, cặp mắt, cái rốn và những ngón chân… để khi lớn lên, chúng dần dần biết được cơ thể của chúng hoạt động như thế nào.
Với tư cách là cha mẹ và các nhà giáo dục công giáo, chúng ta không chỉ xem thân thể theo chiều kích sinh học của nó, nhưng còn muốn con cái của mình hiểu được ý nghĩa và mục đích của thân thể. Làm thế nào để nói cho trẻ nhỏ về cơ thể một cách đơn giản và dễ hiểu?
Trong triều đại Giáo hoàng của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã phổ biến loạt bài giáo lý trong những buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư, hơn sáu năm trong đó có khoảng 135 bài được biên soạn để tạo nên chủ đề mà ngày nay gọi là “thần học thân xác”. Nó bàn về các câu hỏi như:
Tại sao Chúa lại ban cho chúng ta một thân xác?
Có một thân xác và một linh hồn nghĩa là gì?
Con người được tạo nên giống hình ảnh và họa ảnh của Chúa có nghĩa là gì?
Phải đối xử với thân xác của mình như thế nào?
Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết điều gì về mục đích của thân xác chúng ta?
Vì thế cho nên thần học thân xác rất phong phú và phức tạp. Trong tương lai nền thần học này còn phải phát huy những tiềm năng của nó, nhưng hiện tại nó cũng có nhiều điều để nói cho chúng ta biết về các mối tương quan của chúng ta, về tình yêu, tính dục và giới tính, về căn tính và ý nghĩa của cuộc sống chúng ta. Nó dạy những nguyên tắc cơ bản mà các cha mẹ có thể gợi ra cho con cái của họ ngay khi chúng con nhỏ, và những nguyên tắc này sẽ giúp chúng trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Dưới đây là ba sự thật rất đơn giản mà mọi đứa trẻ nên biết khi nhìn vào thân thể của chúng.
1. THÂN XÁC CỦA BẠN THẬT TỐT ĐẸP
Thiên Chúa đã tạo ra thế giới và nhờ tình yêu mà mọi thứ được tạo thành. Sách Sáng thế chép rằng, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Chúng ta là thân xác và linh hồn, hai thứ ấy kết hợp lại tạo nên con người chúng ta. Khi tội lỗi xâm nhập vào trần gian, nó không làm cho thân xác của chúng ta trở nên xấu xa, nhưng đã phá hủy tính hài hòa ban đầu mà chúng ta có với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Tội lỗi đã gây ra sự suy tàn và chết chóc cho thân xác chúng ta, tuy nhiên nó không tiêu diệt được tính lương thiện vốn bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa.
Làm thế nào giúp các em hiểu được cụ thể rằng thân xác là tốt đẹp? Chúng ta có thể nhấn mạnh đến vẻ đẹp của cơ thể của các em, sự ngọt ngào của làn da, sắc màu của đôi mắt, sự kỳ diệu khi có thể làm được các chuyển động…. Đó cũng là một điều tốt để không tập chú chỉ trích thân xác của chúng ta, nhưng trái lại, để cảm tạ vì dáng vẻ của nó và vì tất cả những gì nó cho phép chúng ta làm. Chúng ta hãy thận trọng khi nói và hành động sao cho các em biết rằng thân xác là thứ gì đó tuyệt diệu, được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh và họa ảnh của Ngài, và vì thế nó rất tốt.
2. THÂN XÁC CỦA BẠN LÀ MỘT MÓN QUÀ
Nếu không có thân xác, chúng ta không phải là con người. Toàn bộ thân thể của chúng ta là một món quà – tay, chân, cơ bắp, các bộ phận, tế bào, các khớp thần kinh… – món quà đến từ Thiên Chúa. Vậy thì, món quà không chỉ là thứ mà ta nhận với lòng biết ơn: đó là thứ mà đến lượt mình phải biết cho đi. Chúng ta được hướng dẫn để hiến mình qua thân xác của chúng ta, và bằng cách như vậy chúng ta biết yêu thương bản thân và yêu thương người khác.
Để dạy cho con cái của mình biết rằng thân xác của chúng là một món quà, chúng ta bắt đầu bằng cách lôi kéo sự chú ý của chúng đến những gì mà thân xác mang lại: khả năng di chuyển, học tập, cảm nhận và hiểu biết thế giới. Chúng ta có thể nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc yêu thương và tôn trọng Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta món quà là thân xác, nhờ đó chúng ta tạ ơn Ngài suốt ngày và kính trọng các điều răn của Ngài. Điều đó cũng dạy cho con cái biết yêu thương và kính trọng lẫn nhau, nghĩa là dạy cho chúng biết chăm sóc tốt cho thân thể của mình bằng cách vệ sinh, đánh răng, ăn uống lành mạnh, ngủ đúng giấc và rèn luyện tốt, tóm lại là đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Chúng ta có thể giải thích cho con cái của mình biết rằng khi chúng làm việc nhà, việc bổn phận hay làm những điều tốt… là chúng đang tạo ra những món quà cho bản thân.
Nhưng cũng phải nói rằng khi một đứa trẻ đau yếu hay khuyết tật, điều đó không làm mất đi ơn sủng vốn được tạo thành trong thân thể của chúng. Khi tội lỗi xâm nhập vào trần gian, làm cho thân xác phải chết, bệnh tật và đau khổ – tất cả chúng ta đều trải nghiệm được nó nơi thân xác của mình, cách này hay cách khác -, nhưng hễ chúng ta còn hít thở thì thân xác của chúng ta là món quà mà qua đó chúng ta sống, yêu thương và cho đi. Chúa Giêsu đã đến để trả lại tất cả mọi sự trọn vẹn theo nguyên bản của nó, và một ngày nào đó thân xác của chúng ta sẽ được sống lại và được chữa lành hoàn toàn.
3. NÓI BẰNG CƠ THỂ CỦA BẠN
Thánh Gioan Phaolô II nói: “Thân xác của bạn, và chỉ một mình nó, có khả năng làm cho những gì không nhìn thấy được nên hữu hình: tinh thần và thiêng liêng”. Những gì chúng ta làm với thân thể của mình bao gồm: nói bằng cơ thể của mình. Mọi cử chỉ, tư tưởng, lời nói, mọi hành động đều nói lên điều gì đó về chúng ta và về Thiên Chúa. Với thân xác của mình chúng ta có thể nói sự thật hay nói dối. Chúng ta có yêu người khác bằng tính thật thà và trung thực không? Hay chúng ta sử dụng người khác vì lợi ích của mình?
Chúng ta có thể nói với con cái của mình qua ngôn ngữ của thân thể bằng cách thu hút sự chú ý của chúng vào khả năng mà chính cơ thể mang lại cho nó. Hãy khích lệ chúng luôn nói sự thật với thân xác của mình. Hãy dạy cho con cái mình nhận biết những cảm xúc và hãy gọi tên những cảm xúc ấy, để chúng có thể nhận biết và hiểu được nó tốt hơn. Khi một đứa trẻ dùng thân xác của mình để giúp đỡ, hoặc ngược lại, để làm tổn thương ai đó, chúng ta có thể chỉ cho các em biết rằng: “Đôi tay không dùng để đánh đập”, “cảm ơn vì đã cho ta thấy được tình thương của con qua cái vuốt ve dịu dàng này”. Chúng ta cũng nhắc nhở con cái của mình biết rằng, thân xác dành để ca ngợi Thiên Chúa, cũng như trong các cử chỉ nhỏ nhặt: quỳ, đứng, chắp tay, cúi mình, giơ tay lên….
Một cách rất đơn giản, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể làm cho con cái hiểu rằng thân thể của chúng ta rất quan trọng và chúng ta được tạo nên để ngợi khen Thiên Chúa qua thân xác: chúng là trung gian để yêu thương, để bước vào trong mối tương quan, để ngợi ca. Với trẻ nhỏ điều tốt nhất đó là thể hiện điều này qua những lời nói và cử chỉ dễ hiểu, và nhất là qua mẫu gương của chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng