Bà Phước

Ngày xửa, ngày xưa, khi tôi còn thơ bé tôi đã nghe danh từ “bà phước”, nhưng tôi chẳng hiểu “bà phước” là gì ? Lúc ấy, tôi chỉ biết đó là hình ảnh của một người sống rất giản dị, bình dân, sống thật gần gũi với bà con làng xóm và hay giúp đỡ người nghèo khổ, đau bệnh …

Khi lớn lên, năm ấy, tôi khoảng chừng mười bốn, mười lăm tuổi, hình ảnh “bà phước” lại hiện lên trong tâm trí tôi. Lúc này, tôi dần dà tìm hiểu rõ ý nghĩa “bà phước”. “Bà phước” là danh từ chỉ những người chọn một lối sống tu trì trong một Hội dòng nào đó. “Bà phước” là người cả cuộc đời sống tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ hạnh phúc con người. Bà phước cũng là những người thích làm công việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người neo đơn, dạy dỗ trẻ mồ côi, đặc biệt chăm sóc những người bị bỏ rơi bên lề xã hội,… Hình ảnh “bà phước”  ấy không biết từ bao giờ đã đi vào tâm trí tôi. Một ngày kia, sau khi đã suy nghĩ, cầu nguyện để tìm ý Chúa, tôi quyết định bước vào cửa Nhà dòng (Cộng đoàn Tân Bắc) xin tu. Một “bà phước” đã mở cửa đón nhận tôi vào tu viện, hình ảnh bà nhỏ nhắn xinh xinh, tay lúc nào cũng cầm chiếc quạt lá phe phẩy, miệng cười chúm chím thật duyên dáng và dễ thương… Sau hai mươi bảy năm, nhìn lại (ngày tôi vào Dòng là ngày 08.10.1987) người bà thân yêu nay không còn hiện diện ở dương thế. Hình ảnh người bà nhỏ bé ấy đã để lại trong tôi không ít thổn thức thương nhớ, mến yêu !

“Ai vui vẻ dâng hiến, sẽ được Thiên Chúa yêu thương”. (x. 2 Cr 9,7) Ai đã một lần có dịp tiếp xúc với bà đều thấy bà có tính hài hước, vui vẻ, thích đùa giỡn, hiền lành và nhất là nhân đức nghèo khó được trổi vượt qua cách sống. Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho bà những ân huệ của Người. Vì qua lối sống của bà, tôi nhận ra Chúa yêu thương bà cách đặc biệt. Có lẽ, từ ngàn xưa, Thiên Chúa yêu thương bà, đã gọi và chọn bà làm “bà phước” trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Đồng thời, tôi thấy bà có phước, vì được bố mẹ đặt tên cho bà là “Yên”. Chính cái tên ấy, cuộc đời bà đã gắn liền với cái nghĩa của tên : 95 năm sống yên lặng trên dương gian, 48 năm yên bình trong đời thánh hiến. Đặc biệt vào thời gian cuối đời, khi phải chịu đau đớn liên lỉ vì căn bệnh mục xương, bà vẫn bình yên chịu đựng,… Bà cho biết nhiều đêm chẳng ngủ được vì cơn đau, nhưng bà vẫn bình lặng trong âm thầm và nhỏ nhẹ kêu Tên Cực Trọng : “Giêsu! Con đau quá!” Tôi thiết nghĩ: chính sự đau đớn trong thân xác của bà gắn kết với nỗi đau của Đức Giêsu-Kitô trên thập giá năm xưa, nên bà đón nhận trong bình an, thanh thản. Đến “Giờ” Thiên Chúa ân thưởng cho bà, bà ra đi thật bình an như đi vào giấc ngủ “Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn.” (Tv 4,9) Bà thật có phước, vì bà cũng là “bà phước” cuối cùng trong số 16 bà cội rễ (di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1945) của Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

Tôi đâu ngờ tối ngày 02.10, lại là lần cuối cùng tôi được hàn huyên với bà ! Vào lúc 11g50’ngày 04.10.2014, ngày kính thánh Phanxicô Assisi cũng là ngày thứ Bảy đầu tháng trong tháng Mân Côi, Thiên Chúa đã đến đón bà về Nước Trời để hưởng hạnh phúc vinh quang của Người, sau bao ngày cùng với Chúa chịu đau đớn trong thân xác (x Rm 8, 17). Sự ra đi của bà quá tươi tắn, nhẹ nhàng và mau mắn, tôi thiết nghĩ bà như người trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị dầu đèn để khi Chàng Rể đến liền nhanh nhẹn, vui vẻ ra mở cửa đón Người (x. Mt 25,10). Tôi mong ước, khi bà về Trời, ở gần bên Chúa, bên Mẹ, bà chuyển cầu cùng Chúa cho từng chị em trong Hội dòng tôi cũng được ơn sống lành, chết lành như bà. Khi ấy mỗi chị em cũng xứng danh là “bà phước”của Chúa và của muôn người.

Nt. Maria Thùy Linh, MTG Thủ Đức

Exit mobile version