Ba lời khuyên để giúp trẻ em được hạnh phúc nhất có thể

52

Làm thế nào để một em bé hạnh phúc nhất có thể? Câu hỏi mà tất cả các cha mẹ đều đặt, bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học Alain Braconnier đưa ra ba câu trả lời cụ thể.

Tất cả cha mẹ đều mong con mình hạnh phúc. Và các cha mẹ đều có thể mang lại hạnh phúc chốc lát cho con mình. Ngược lại, làm cho con hạnh phúc… sau này thì có vẻ phức tạp hơn. Một phần, vì không có một lối giáo dục nào gọi là hoàn hảo, không có cha mẹ nào hoàn hảo, cũng không có con cái nào hoàn hảo, mặt khác, vì mỗi đứa con đều có cá tính riêng của nó, nhiều ít tính lạc quan của nó. Tuy nhiên, bác sĩ Alain Braconnier đề nghị với chúng ta ba con đường mà nếu các bạn khai phá thì sẽ góp phần làm cho con cái các bạn có… hạnh phúc thật sự!

Bác sĩ Alain Braconnier là chuyên gia về trẻ em và trẻ vị thành niên. Ông thành lập Đơn vị lo cho trẻ vị thành niên và thanh niên trẻ ở phân khoa Tâm thần ở Bệnh viện Pitié -Salpêtrière và Hiệp hội Bảo vệ Sức khỏe tâm thần ở Quận 13, Paris. Ngày 15 tháng 6, báo Aleteia đã gặp bác sĩ trong buổi hội thảo ở Trung tâm Tâm lý xã hội và Tháp tùng ở trường học (CPAS, Centre psycho-social et d’accompagnement scolaires) ở Luxembourg.

  1. Giải thích cho trẻ con biết, sự chống đối với cha mẹ và sự bất mãn là những chuyện cần thiết và tốt cho các con sau này.

“Làm cho trẻ con hạnh phúc thì rất dễ. Còn nhỏ thì chỉ cần cho nó cái kẹo hoặc để nó chơi lúc nào nó muốn, đến tuổi vị thành niên thì để nó đi chơi đâu thì đi. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể lúc nào cũng làm cho trẻ con hạnh phúc như nó muốn. Bởi vì có những hạn chế, có những thực tế, có những tương quan với người khác, phải tôn trọng người khác. Vấn đề là làm sao cho trẻ con hạnh phúc theo cách mà nó phải chấp nhận các giới hạn của những gì nó mong muốn”.

Bác sĩ Alain Braconnier nhấn mạnh sự cần thiết phải dạy cho trẻ con nhìn về tương lai: “Trẻ con sống trong hiện tại tức thì, phải dạy cho chúng biết còn có quá khứ và tương lai”. Một bất mãn bây giờ sẽ chứng minh cái đúng của nó trong tương lai. “Trẻ con hiểu rất nhiều về các chuyện; phần chúng ta, cha mẹ, các nhà giáo, chúng ta có bổn phận phải giải thích cho chúng vì sao chúng ta đặt các giới hạn và các giới hạn này sẽ tác động như thế nào cho chúng sau này”.

  1. Hiểu con mình để làm cho con lớn lên trong sự tin tưởng ở chính mình

Bác sĩ Alain Braconnier xin các cha mẹ tìm hiểu cá tính của con mình, chấp nhận các dị biệt; hiểu những quan tâm của chúng đối với thế giới chung quanh, làm thuận lợi cho các sinh hoạt vui chơi và say mê của chúng. Những chuyện này củng cố căn tính, tự tin, tương quan với người khác, tính lạc quan, tính chiến đấu trước các thử thách của cuộc sống. Vì trẻ con cần tính chiến đấu để chúng có thể có các dự án mang lại hạnh phúc cho chúng.

“Phải khuyến khích các tài năng, các chuyện chúng thích, tính hiếu kỳ; nâng đỡ chúng trong các việc chúng làm. Phải cho chúng thấy có những khó khăn, các giới hạn, các thử thách, nhưng cùng một lúc phải cho chúng thấy, chúng có thể thành công dù phải làm rất nhiều cố gắng”. 

  1. Truyền niềm vui và tính lạc quan

Làm cho trẻ con được hạnh phúc nhất có thể có tùy thuộc vào khả năng truyền niềm vui, hy vọng và tính lạc quan của người lớn không? “Sẽ làm cho một em bé có hạnh phúc dễ dàng nếu cha mẹ cũng có một liều lượng hạnh phúc đủ, một liều lượng tích cực, nếu họ biết truyền niềm vui, nếu họ biết cười. Cười là chuyện rất quan trọng!”

Trong quyển sách của mình, Trẻ em lạc quan trong gia đình và ở trường học (L’enfant optimiste en famille et à l’école, nhà xuất bản Odile Jacob, 2015), bác sĩ Alain Braconnier khẳng định giáo dục cho trẻ em tính lạc quan là một điều cần thiết. Chính xác ông nói: “Đây không phải là dạy một loại lạc quan ngây ngô. Nhưng là kích thích các nguồn sinh lực bên trong, để các con có thể biết được tiềm năng của mình và có năng lực, sáng suốt, ý chỉ để đối đầu với các khó khăn. Theo tôi, tính lạc quan là bước khởi đầu của một giáo dục nuôi dưỡng sự tự tin vào chính mình”. Chúng ta phải thừa nhận trẻ con lạc quan hơn người lớn. Mọi thách thức của giáo dục là duy trì tính lạc quan này, thậm chí phải phát triển nó, vì một đứa bé lạc quan sẽ có động lực hơn, sẽ tin tưởng ở mình hơn, sẽ có tinh thần làm chủ hơn và hạnh phúc hơn.

Marta An Nguyễn dịch