Ba giai đoạn tâm linh

124

Từ lúc Nguyên Tổ sa ngã tới nay, con người đã có cách nhìn tối tăm về thế giới, về thực tại, về sự thật, về Thiên Chúa. Chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa của cuộc sống con người, vai trò của chúng ta trong trật tự được tạo ra và nguồn gốc của chúng ta. Con người được tạo nên giống Thiên Chúa, được ban cho cái nhìn thoáng qua về Thiên Chúa mỗi khi chúng ta thấy người khác – hàng xóm, vợ chồng, cha mẹ, con cái, bạn bè… Hình ảnh mà Thiên Chúa đã “đóng dấu” nơi các thụ tạo của Ngài đó chính là vương miện của sự sáng tạo, nhưng nó đã bị biến dạng và hư hỏng vì tội lỗi. Do đó, cách nhìn của chúng ta về con người tự nhiên và của chính Thiên Chúa đã bị biến dạng và hư hỏng. Vì thế, với tầm nhìn bị che khuất, chúng ta nhìn nhau không còn thấy giống như Chúa.

Tội lỗi, suy nghĩ, lời nói và hành động xấu xa thường xuyên của chúng ta tuôn ra từ một trái tim sa ngã, phải được thanh tẩy và làm sạch, để con mắt tâm trí nhìn thế giới, người lân cận và Đấng Tạo Hóa một cách trọn vẹn theo đúng sự thật. Chỉ khi đó chúng ta mới nếm thử Thiên Đàng và tham gia vào đời sống thiêng liêng của Thiên Chúa; và chỉ lúc đó chúng ta mới hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau trong sự hiệp thông của các thánh bắt đầu từ cuộc sống này và tiếp tục vào cõi vĩnh hằng.

Sâu thẳm trong dòng sông truyền thống, được chia sẻ bởi cả Giáo hội Đông phương và Tây phương, sự sống tâm linh trong Chúa Kitô có ba giai đoạn phát triển: thanh lọc tâm hồn, soi sáng thiêng liêng, và kết hiệp với Chúa – theo Hy ngữ là: Catharsis, Theoria và Theosis. Dưới đây là cách mô tả ba giai đoạn này. Mặc dù công việc bình thường của Thiên Chúa trong đời sống tâm linh của chúng ta không ngừng đưa chúng ta từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, nhưng Ngài cũng cho chúng ta cảm nghiệm các trạng thái vượt qua giai đoạn hiện tại của chúng ta trong tình yêu và sự khôn ngoan vô tận của Ngài.

CATHARSIS – THANH LỌC TÂM HỒN

Trái tim con người nhiễm tội lỗi, thói quen tội lỗi, bắt đầu từ tuổi trẻ và hành hạ chúng ta tới lúc xuống mồ. Theo truyền thống Hy Lạp, từ ngữ cho các tội quen phạm này là “đam mê.” Khi đam mê tội lỗi bắt nguồn từ trái tim, người ta bị di chuyển theo mọi cách hướng tới sự tham lam, đố kỵ, giận dữ, ham muốn và kiêu căng, dường như không thể hoặc không muốn bị di chuyển bởi những kích thích trung lập về mặt đạo đức trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, người bị ảnh hưởng bởi niềm đam mê tham lam sẽ xem thời gian, năng lực, hàng xóm và kỹ năng của mình, không gì khác hơn là có được của cải. Người đó sẽ nhìn thấy mọi cơ hội để làm giàu trong khi lại bỏ qua mọi cơ hội để yêu thương gia đình, người nghèo, hoặc Thiên Chúa.

Tương tự, người bị ảnh hưởng bởi niềm đam mê đố kỵ sẽ nhìn vào mọi thành công về vật chất, xã hội và đạo đức của người hàng xóm với thái độ khinh bỉ, tìm cách phá hoại vận may của họ bằng ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Người này sẽ nhìn vào sự giàu có của người hàng xóm và ngay lập tức chuyển sang những suy nghĩ về sự vô ơn đối với sự thiếu thốn của cải của mình. Hoặc người đó sẽ nhìn vào lời khen ngợi dành cho hàng xóm của mình về công việc tốt đẹp, đáng quý, và tìm cách vạch lá tìm sâu. Các đam mê xấu này thúc đẩy con người hướng tới những lời nói và hành động tội lỗi đến nỗi trở thành bản chất thứ hai, bản chất sa ngã.

Để tách trái tim con người khỏi những đam mê, quá trình thanh tẩy bắt đầu với điều mà Thánh Theophan ẩn tu gọi là “nhận thức đầy ân sủng.” Tôi không thể thực hiện công lý giảng dạy này bằng những từ ngắn gọn này. Tội nhân bước đi suốt cuộc đời trong giấc ngủ tinh thần, không thể nhận biết thực tế nguy hiểm của cuộc sống độc ác của mình, bị mắc kẹt trong mạng lưới đam mê, loại đam mê xơ cứng trong tâm hồn suốt nhiều năm, nhưng cũng bị cuốn vào mạng lưới đam mê của mọi cá nhân trong cả thế giới này. Ân sủng đi vào trái tim họ. Một lưỡi gươm đâm vào cuộc sống nội tâm của người đó. Họ nhận ra rằng cả cuộc đời mình cứ theo đuổi tội lỗi, đó là cuộc sống phù phiếm và bị cuốn theo chiều gió. Toàn bộ tầm nhìn về thế giới và toàn bộ cuộc sống của họ tan vỡ ngay lập tức, rồi tỉnh mộng. Bây giờ bắt đầu ăn năn, họ vứt bỏ mọi xiềng xích không cho họ hiệp thông với Thiên Chúa, buông mình ra khỏi mạng lưới đam mê rộng lớn toàn cầu.

Khi tội nhân dấn thân vào công việc cần thiết, với sự giúp đỡ của ơn Chúa, để thanh tẩy tâm hồn khỏi tội lỗi, các đam mê dần dần bắt đầu mất sức kìm kẹp đối với tâm hồn. Điều đó như thể những đám mây làm tối tầm nhìn của họ bắt đầu tách ra, ánh sáng chiếu qua và họ nhìn thấy chính mình, thế giới, người hàng xóm và Thiên Chúa một cách rõ ràng hơn: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

THEORIA – SOI SÁNG THIÊNG LIÊNG

Khi tâm hồn trở nên thuần khiết, người ta có thể nhìn thấy, qua việc suy niệm và chiêm niệm, thực tế của đời sống nội tâm, thế giới xung quanh và chính Thiên Chúa. Một phần của trái tim con người nhận thức thế giới không còn bóp méo và vặn vẹo mọi thứ nó nhìn thấy, nghe thấy, chạm vào và suy nghĩ. Trong Kinh Thánh, người phụ nữ được soi sáng hiểu lời như Chúa muốn chúng ta hiểu chúng hơn là theo lý luận của con người, hoặc thậm chí là lý luận tối tăm. Khi tham dự Thánh Lễ hoặc Phụng Vụ Thánh, tâm trí thâm nhập vào các mầu nhiệm bí tích, sức mạnh, ý nghĩa của những lời cầu và nghi lễ. Khi tâm hồn trong sạch và thoát khỏi những đam mê, nó nhìn sâu vào trật tự được tạo ra và nhận biết Đấng Tạo Hóa.

Nếu được soi sáng, người ta có thể nhìn vào các vật thể trung lập về mặt đạo đức trên thế giới và thấy chúng như thật, hoặc như Chúa muốn chúng được nhìn thấy, hơn là phương tiện để thực hiện đam mê của chính mình. Ví dụ, nếu một người tham lam nhìn thấy vàng, ngay lập tức họ sẽ coi đó là cơ hội để tích trữ, hoặc để đổi lấy thứ gì đó mang lại niềm vui lớn hơn. Người được soi sáng sẽ xem vàng là cơ hội để trang trí và làm đẹp nhà của Chúa, hoặc là cơ hội để giúp đỡ người nghèo. Một ví dụ khác, nếu một đàn ông dâm đãng nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp, lòng họ sẽ khao khát cô ấy, thậm chí có thể tìm cách “sử dụng” cô ấy cho thỏa lòng. Nhưng, nếu một người được soi sáng cũng nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, họ sẽ tôn vinh Thiên Chúa vì Ngài đã khéo léo sáng tạo. Người đó sẽ nhìn thấy thực thể và phẩm giá của người phụ nữ được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, với tất cả vinh quang và danh dự.

Tiếng Hy Lạp gọi giai đoạn này là “theoria,” liên quan “cách nhìn,” và từ ngữ hiện đại của chúng ta là “theory” – thuyết, học thuyết, lý thuyết, nguyên lý. Theo tôi, khả năng nhìn thế giới, hàng xóm và Thiên Chúa, với sự rõ ràng trong cách nhìn là khía cạnh thiết yếu để trở thành một khoa học gia giỏi. Vì thế, tôi lập luận rằng, nếu một khoa học gia hoàn thành ơn gọi của mình thì phải tham gia vào việc thanh lọc tâm hồn khỏi những đam mê. Thật vật, bất kỳ đàn ông hay phụ nữ nào tìm kiếm hoặc cần có cái nhìn khách quan về lĩnh vực của mình đều phải tham gia vào việc thanh lọc tâm hồn mình.

THEOSIS – KẾT HIỆP VỚI CHÚA

Cuối cùng, giai đoạn thứ ba được gọi theo Hy ngữ là “theosis.” Riêng tôi không chắc giai đoạn này như thế nào hoặc trải nghiệm ra sao, nhưng tôi tin rằng nhiều vị thánh trong Giáo Hội đã trải nghiệm giai đoạn kết hợp với Thiên Chúa trêng thế gian này. Thánh Gioan xác định: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 và 16) vì vậy những người trải qua giai đoạn này được trở nên hoàn hảo trong tình yêu. Khi trạng thái trái tim của con người và cả cuộc sống là một dạng tình yêu hoàn hảo, họ thực sự nếm thử Thiên Đường ngay trên đời này. Sau đó, theosis trở thành sự phát trưởng không ngừng hướng tới sự kết hiệp sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Sự tương đương đẹp đẽ mà tôi đã nghe để giải thích giai đoạn này trong đời sống tâm linh là thế này: khi thợ rèn giữ miếng sắt ở trong lò, miếng sắt nóng và đỏ, nó mang thuộc tính của lửa, nhưng sắt vẫn là sắt. Tương tự, khi trái tim được thanh tẩy khỏi những đam mê, cuộc sống được dành để nhìn vào những bí ẩn của thế giới và của Thiên Chúa, con người phát triển hướng đến tình yêu hoàn hảo, người đó giống như miếng sắt được đặt trong lò, nên giống Thiên Chúa, nhưng vẫn là con người.

Chúng ta có thể tiếp tục phát triển trong đời sống tinh thần bằng tình yêu, cầu nguyện, khiêm tốn và tự chủ.

THOMAS A. MOSES

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)