Ba con người chung một Thánh Hiệu, một chí hướng

94

image002Trong Giáo Hội có nhiều thánh nữ mang thánh hiệu là Tê-rê-sa, và mỗi vị đều có những nét riêng biệt nơi bản thân (cả từ thể xác tới những hoạt động trong sứ mạng mà các ngài đã chọn cho mình). Ngoài những nét riêng, các ngài còn có những điểm chung. Nhân dịp ngày 4/9/2016 Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, kẻ viết bài này liên tưởng tới 2 Thánh nữ cũng mang thánh hiệu là Tê-rê-sa được kính nhớ trong tháng 10: Đó là Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su (ngày 01/10)  và Thánh Tê-rê-sa Giê-su – còn gọi là thánh Tê-rê-sa thành Avila (ngày 15/10).

Ba vị thánh nữ tuy có chung một thánh hiệu (Tê-rê-sa) và cùng chung một chí hướng; nhưng vẫn có những nét riêng. Ngoài nét riêng xuất phát từ chủ thể, còn có cả nét riêng xuất phát từ khách thể (đó là từ Giáo hội và rộng ra là xã hội) đã có cách xưng hô rất ấn tượng đối với các vị thánh nữ: Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su thường được gọi là Chị Thánh vì tuổi đời ngài còn rất trẻ (24 tuổi: 1873-1897) và tính tình ngài rất đơn sơ dễ mến. Gọi ngài là “Chị Thánh” còn do một nguyên cớ khác, đó là các nữ tu trong các dòng tu nữ thường được gọi theo tiếng Pháp là “Sæur” (đọc là Sơ và có nghĩa là Chị). Thánh Tê-rê-sa Giê-su thì lớn tuổi hơn (67 tuổi: 1515-1582) vì là mẹ Bề trên sáng lập dòng Carmel (Việt Nam quen gọi là Dòng Kín Các-mê-lô, hoặc Cát Minh) nên được gọi là “Têrêsa-Mẹ”. Riêng Thánh Tê-rê-sa Calcutta thì thọ hơn cả (87 tuổi: 1910-1997). Mẹ đã được cả thế giới tôn xưng là Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, vì cung cách đối xử tốt lành với tâm tình như một người mẹ hiền mà mẹ đã dành cho những người nghèo khổ bệnh tật – đặc biệt với những trẻ em mồ côi khuyết tật. Xin được đi vào chi tiết vấn đề:

1- Những nét riêng của Thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su: Thánh Tê-rê-sa Giê-su (còn gọi là Tê-rê-sa Avila) sinh ngày 28/3/1515 tại Avila (Tây Ban Nha), tên thật là Teresa de Ahumada y Cepeda, con của nhà quý tộc An-phong-sô Cê-pê-đa, , trong một gia đình gồm 8 cậu con trai và 3 cô con gái. Tê-rê-sa Avila rất ham thích đọc hạnh các thánh, nhất là các thánh Tử vì Đạo và sách viết về cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Nhờ những gương sáng và những tư tưởng thánh soi chiếu, hướng dẫn, Thánh nữ đã sớm nhận ra Lời Chúa trong cuộc sống. Vào năm 20 tuổi, tức năm 1535, ngài đã can đảm vượt qua được những trở ngại lớn (sự ngăn cản của cha mẹ, những cám dỗ mê hoặc của vật chất trong một môi trường giàu sang, quyền quý), sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi sự để gia nhập Dòng kín Ca-mê-lô.

Khao khát sống theo Tin Mừng, và nhận thấy sự lỏng lẻo về kỷ luật tu trì trong tu viện của mình cũng như trong các tu viện khác của Dòng Ca-mê-lô, Tê-rê-sa quyết định hiến mình cho việc cải cách Dòng. Năm 1562, được thánh Phê-rô Alcantara và thánh Phan-xi-cô Borgia nâng đỡ, Thánh nữ đã thành lập tu viện cải cách đầu tiên (tức tu viện Thánh Giu-se ở Avila) dành cho các nữ tu Dòng Ca-mê-lô “đi chân không”. Năm 1567, được phép của Bề trên tổng quyền Ca-mê-lô, Thánh nữ thiết lập thêm những tu viện cải cách khác. Từ đó, Thánh nữ bắt đầu một đời sống kỳ diệu, hầu như luôn luôn tiến bước trên môt hành trình thiếu tiện nghi và đầy nguy hiểm (sự đối kháng với những cải cách tiến bộ của Thánh nữ, đã có lần khiến ngài phải ra toà án đời). Năm 1571, Thánh nữ trở về làm Bề trên tu viện Ca-mê-lô ở Avila (1571-1574) và tổ chức công cuộc cải cách ở đây, với sự trợ giúp của cha linh hướng (cha giải tội) của ngài là thánh Gio-an Thánh Giá. Sau đó, ngài lại tiếp tục công cuộc mở những tu viện mới. Năm 1571, Bề trên Tổng quyền Dòng Ca-mê-lô cho phép Thánh Tê-rê-sa Giê-su lập những tu viện cải cách dành cho nam giới; ngài trao lại nhiệm vụ này cho thánh Gio-an Thánh Giá (từ 1572 đến 1577). Như vậy, cho đến khi từ trần (4/10/1582), Thánh nữ đã lập được 17 tu viện (không kể những tu viện dành cho nam giới).

Ngoài ra, Thánh Tê-rê-sa Avila còn để lại một kho tàng văn chương vô cùng phong phú, có giá trị tuyệt vời. Các tác phẩm của Thánh nữ rất đa dạng: “Tiểu sử tự thuật”; “Con đường hoàn thiện”; “Hiến pháp Dòng”; “Kế hoạch lập các Tu viện”; “Cách thức kinh lý Tu viện”; “Lâu đài nội tâm” (hay “Bảy nơi cư trú của linh hồn”); “Các tư tưởng về Tình yêu Thiên Chúa”; “Các lời cảm than”; “Các lời khuyên răn” cùng những tản văn ngắn gọn khác; Các vần thơ và thư từ (khoảng 650 lá thư). Tính cách nhất quán được phản ánh rất trung thực trong các tác phẩm của thánh Tê-rê-sa Avila là lòng “Mến Chúa + yêu người”, ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn đối với độc giả, tạo cho Thánh nữ một chỗ đứng độc đáo, không những trong lãnh vực tôn giáo, mà cả trong lãnh vực văn chương miền Castille và thế giới.

2- Những nét riêng của Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su: Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02/01/1873. Chính là nhờ Chị Thánh có một phương cách sống rất đặc biệt phục vụ cho một mục đích tối hảo: Chị đi tu rất sớm không vì mong được sống trong Dòng tu “vui vẻ”, mà vì “Tôi có một  mục đích duy nhất là chết vì Tình Yêu”, “Con không hối hận vì đã hiến Tình Yêu cho Chúa” (xc Truyện Một Tâm Hồn “L’Histoire de l’Âme” – Thérèse de l’Enfant Jésus). Rõ ràng điều kiện tiên quyết để được theo chân Thầy Chí Thánh là phải cần có “một Trái Tim chứa một bầu máu nóng (nhiệt tâm, nhiệt huyết)”.

Tiếp theo là phải có Mục đích (hoặc gọi là “Tham vọng”, là “hoài bão” cũng được) rõ ràng để theo đuổi.  Đích thị Thánh nữ Tê-rê-sa đã có một “tham vọng” rất lớn và rất táo bạo ngay từ hồi nhỏ: “đi tu để trở thành một phó tế, linh mục, tông đồ, nhà truyền giáo và… sẽ tử vì đạo để trở thành một vị … Thánh lớn”! (“Phần con, con vẫn một lòng quả cảm muốn làm đại thánh. Con không cậy công của con, có đâu mà cậy; con hoàn toàn cậy trông ở Chúa là sức mạnh, là chính sự thánh thiện. Những cố gắng nhỏ nhặt của con cũng làm Chúa vui lòng. Người sẽ nâng đỡ con lên tới Người, Người sẽ lấy công nghiệp cực trọng Người mà bù đắp cho con. Người sẽ làm con nên thánh.” (Truyện Một Tâm Hồn “L’Histoire de l’Âme”, quyển 1, chương 4).

Chính Chị Thánh đã đề tặng nữ tu Marthe de Jésus một tấm hình: “Hãy xin Chúa Giê-su cho tôi trở thành vị thánh lớn, tôi sẽ xin ơn đó cho bạn tập sự yêu quý của tôi”. Ngông nghênh và tự phụ quá chăng? Không đâu! Đó chỉ là phản ánh một tham vọng – một hoài bão lý tưởng của tuổi trẻ – rất chính đáng, mà ở đây, xin nói thẳng: Đó chính là một ước mơ thánh thiện rất đáng trân trọng. Tuổi trẻ mà! Những ước mơ “dời non lấp biển” cũng đã từng làm cho tôi, cho bạn thăng hoa cuộc sống nội tâm. Đẹp biết chừng nào những giấc mơ của tuổi trẻ! Riêng với Tê-rê-sa, Chị Thánh còn đi xa hơn, vượt cao hơn nữa kia! Chị đã nói trước khi khấn trọn: “Con vào Dòng để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục” (“L’Histoire de l’Âme”). Tuy nhiên, về sau này, chị Thánh đã khiêm nhường nhận ra mình chỉ là “một hạt cát bé nhỏ vô danh”, “có linh hồn nào nhỏ bé và bất toàn hơn con?” (ibid).

Ngoài ra, còn thấy nơi chị Thánh một Đức Hy sinh vĩ đại: * Từ chối hưởng thụ vật chất có được do sự nuông chiều của gia đình dành cho người con út (“giầu út hưởng, khó út chịu” – Tục ngữ VN). – * Sẵn sàng khép mình trong luật lệ khắt khe của một Dòng tu khổ hạnh (hãm mình, ép xác, khiêm nhường, chịu khó, vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh…). – * Ngoài những công việc được giao coi bộ không thích hợp lắm với một cơ thể gầy yếu, bệnh hoạn như chị, nhưng chị vẫn vui vẻ làm (quét nhà, rửa chén, lau bụi, giặt rũ…), Chị còn vui vẻ vác thánh giá (chịu đựng cực hình từ bệnh tật: thiên đầu thống, lao phổi…). Để duy trì và phát triển được điều này, chính là nhờ Chị có một niềm cậy trông vững vàng, sắt đá vào sự phù trợ đắc lực của Đức Mẹ. Và vì thế, nên:

Chị Thánh luôn một lòng vì Chúa, vì tha nhân. Có thể khẳng định Thánh nữ Tê-rê-sa đã sống và thể hiện sinh động nhất một Tình Yêu tuyệt vời mà Đức Giê-su Ki-tô đã thể hiện và hằng mong mỏi loài người làm theo: “MẾN CHÚA + YÊU NGƯỜI và sẵn sàng chết cho người mình yêu”. Chị Thánh nói: “Với con thì Thiên Chúa ban cho con Tình Yêu lân tuất vô cùng của Chúa…, mọi sự trọn hảo đều toả ánh Tình Yêu, ngay cả đức công bằng đối với con cũng là Tình Yêu nữa. Thật vui mừng biết bao khi nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng nhân lành vô cùng, có Tình Yêu lân tuất vô cùng.” (“L’Histoire de l’Âme”).

Về Đức Ki-tô, Thánh nữ luôn gọi Người là “Đấng phu quân yêu mến” và “Trái tim Chúa Giê-su mong muốn được yêu mến hết sức”. Còn đối với tha nhân? Từ thời gian đầu mới vào Dòng, Chị Thánh đã phải chịu đựng một sức ép khá nặng nề (Mẹ Bề trên Maria Gonzaga trước đó đã bị kết án là độc đoán và đôi khi tính khí thay đổi thất thường, còn các nữ tu bạn cùng Dòng của Chị Thánh – đa phần là lớn tuổi – thì lạnh lùng và hay chế nhạo người khác). Vậy mà về sau, Chị Thánh đã cảm hoá được tất cả, từ Mẹ Bề trên đến mọi thành viên trong Dòng đều rất yêu thương quý mến Chị. Chưa hết, Chị còn dành rất nhiều thời giờ “để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục”, rồi làm thơ, viết thư, hồi ký, kịch giải trí, lời nguyện, viết sách (cụ thể như cuốn “Truyện Một Tâm Hồn – L’Histoire de l’Âme” đã dẫn trên)…, với mục đích để: + Mở ra cho mọi người thấy Một Tâm Hồn “mến Chúa yêu người” đến quên cả bản thân;  + Ghi lại những cảm xúc, những kinh nghiệm từng trải trên đường “vác thập giá mình mà theo Đức Ki-tô”;  + Và trên tất cả là “để ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa”.

Tất cả những đức tính nêu trên được bộc lộ ra nơi một con người rất hồn nhiên dung dị – một con người đơn sơ đến lạ lùng! Và vì thế, ĐGH Pi-ô XI phong thánh cho Chị ngày 17/5/1925 và ngày 14/12/1927, ngài công bố thánh nữ Tê-rê-sa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3/5/1944, ĐGH Pi-ô XII công bố thánh Tê-rê-sa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne d’Arc.  Nhân dịp Ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 12 diễn ra tại Paris, Đức Thánh GH Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Thánh nhân lên bậc Tiến Sỹ Hội Thánh vào ngày 19/10/1987.

3- Những nét riêng của thánh Tê-rê-sa Calcutta: Tên thật của Mẹ là Agnes Gonxha Bojaxhiu; sinh ngày 26/8/1910 tại Skopje, Macedonia, Yugoslavia (Nam Tư), con út trong một gia đình có ba người con; cha làm nghề xây dựng. Tê-rê-sa là tên thánh khi Mẹ lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Mẹ Tê-rê-sa thường tâm sự: ngày Rửa Tội chính là ngày sinh nhật chính thức trong cuộc đời của Mẹ. Ðủ 18 tuổi, Mẹ Tê-rê-sa gia nhập Dòng Nữ Vương Bác Ái (quen gọi là Dòng Ðức Bà Loreto) ở Dublin, Ái Nhĩ Lan (Ireland). Mẹ Tê-rê-sa đã lấy tên thánh của mình làm thánh hiệu trong Tu viện (để luôn tưởng niệm Thánh nữ Tê-rê-sa Lisieux), nên có tên gọi là sơ (sæur) Tê-rê-sa. Tháng 12/1928, sơ Tê-rê-sa bắt đầu một cuộc hành trình dài đến Darjeeling, khu vực gần dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) ở Ấn Ðộ, tiếp tục tu học cho đến ngày khấn trọn. Không lâu sau đó, vào ngày 6/01/1929, sơ Tê-rê-sa đến dạy học tại một trường Nữ Trung học ở Calcutta (Kolkata) là thủ phủ của bang Tây Bengal thuộc khu vực miền Đông Ấn Độ,. Trong thời gian tại Calcutta, điều đánh động tới tâm can sơ Tê-rê-sa nhiều nhất đó là tận mắt trông thấy các bệnh nhân ốm liệt, nghèo đói và hấp hối đầy trên các đường phố. Năm 1950, được Ðức GH Pi-ô XII cho phép, Mẹ thành lập dòng Nữ tu Thừa Sai Bác Ái tại Calcutta.

Năm 1979 Mẹ Tê-rê-sa Calcutta được giải Nobel Hòa Bình. Năm 1985, được trao Huy chương Tự Do (Free Medallion), huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Nhân dịp này, các phóng viên phỏng vấn Mẹ rất nhiều. Có một phóng viên của hãng Thông tấn AFP đã hỏi một câu hóc búa: “Làm thế nào để Mẹ yêu thương được đám người mà nhân loại đã coi như một đống phế liệu? Mẹ có bí quyết gì?” Mẹ tươi cười trả lời: “Bí quyết của tôi thật đơn giản: Tôi cầu nguyện”. Năm 1986, trong chuyến công du mục vụ Ấn Độ, Đức Thánh GH Gio-an Phao-lô II đã đến thăm nhà Nirmal Hriday, là nơi Mẹ Tê-rê-sa và các nữ tu săn sóc những người bệnh hấp hối. Chuyến thăm này vừa nhằm mục đích thăm hỏi một nữ tu đã gây nhiều ấn tượng cho thánh GH, vừa để động viên toàn thể nữ tu tích cực trong hành động bác ái vô cùng cao quý này. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta qua đời ngày 5/9/1997, hưởng thọ 87 tuổi. Gần hai năm sau khi Mẹ qua đời, vì hương thơm thánh thiện của Mẹ, Đức Gio-an Phao-lô II đã cho phép mở án phong thánh cho Mẹ, và ngày 19/10/2003 ngài đã chính thức chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho Mẹ. Tới 4/9/2016, ĐGH Phan-xi-cô đã tuyên phong hiển thánh cho mẹ (-nt-).

4- Điểm chung nhất của 3 thánh nữ: Thực ra, chẳng cần phải lý giải, bất cứ ai cũng nhận ra nơi 3 vị thánh nữ có một điểm chung nhất, đó là chung một chí hướng: Sống chứng nhân cho hồng ân Cứu độ trong Lòng Chúa Thương Xót. Nói cách khác, 3 vị Thánh nữ đều là những nhà Truyền Giáo lỗi lạc của Hội Thánh. Khi thi hành sứ mạng truyền giáo, cả 3 vị thánh tuy có những phong cách hoạt động khác nhau, nhưng đều chung một cuộc sống tinh thần: đó là sống đời chiêm niệm và cầu nguyện liên lỉ.

Thật vậy, Thánh Tê-rê-sa Avila tuy có những hoạt động cụ thể trong việc xây dựng và cải tổ Dòng Cát Minh (Carmel), nhưng để có được những thành quả tốt đẹp như đã dẫn ở trên, Thánh nữ đã hàng ngày chiêm niệm và cầu nguyện cùng Thiên Chúa giàu lòng thương xót (thông qua hiện thân Lòng Thương Xót là Đức Giê-su Ki-tô). Đến Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su thì phải nói Chị Thánh đã dùng cả cuộc đời trong Tu viện cho việc cầu nguyện và cầu nguyện – cầu nguyện không ngừng. Còn Mẹ thánh Tê-rê-sa bôn ba khắp đó đây hoạt động Tông đồ Bác ái đạt được thành quả vĩ đại, cũng chỉ nhờ một bí quyết vô cùng hữu hiệu mà chính mẹ đã khẳng định “bí quyết của tôi thật đơn giản: tôi cầu nguyện”.

Tóm lại, 3 thánh nữ tuy là phận nữ nhi nhưng đã vượt thắng được bản thân, sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời mình cho công trình cứu nhân độ thế của Lòng Chúa Thương Xót. Quả thật chưa có một trùng hợp ngẫu nhiên nào có thể so sánh được với sự trùng hơp của 3 Thánh nhân: Cùng là phận nữ nhi + cùng chung một thánh hiệu + cùng một chí hướng + cùng đạt thành quả tối hảo => đó là cùng được hưởng vinh phúc trên Thiên quốc với tước hiệu hiển thánh. Các ngài đã thi hành sứ mạng làm “muối, men và ánh sáng” (Mt 5, 13-16; Mc 9, 50; Lc 14, 34-35) chiếu tỏa Lòng Thương Xót cho cuộc đời vốn dĩ tối tăm và thiếu vắng tình thương yêu, như lời của ĐTC nhận xét về Mẹ Tê-rê-sa Calcutta:

“Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi những nơi tối tăm trong cuộc đời của những ai không còn nước mắt nữa mà khóc thương cho sự nghèo nàn và đau khổ… Người lao công không biết mệt mỏi này của lòng thương xót giúp chúng ta ngày càng hiểu hơn rằng tiêu chuẩn hành động duy nhất đó là tình yêu nhưng không, thoát khỏi mọi ý thức hệ và mọi ràng buộc. Tình yêu ấy được thông truyền đến tất cả mọi người mà không hề có sự phân biệt nào về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo.” (Bài giảng trong Thánh lễ phong hiển thánh Mẹ Tê-rê-sa Calcutta).

Ôi! Lạy Chúa là Cha nhân lành. Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su để thánh nữ vạch ra cho Hội Thánh một con đường dẫn tới đỉnh cao toàn thiện, đồng thời dẫn lối cho thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su trên con đường tín thác để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh Nhan (trich lời nguyện nhập lễ lễ kinh nhớ Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su – 01/10 và Thánh Tê-rê-sa Giê-su – 15/10 ). Nhờ lời chuyển cầu cửa Đức Mẹ Maria và 3 vị thánh nữ cùng chung thánh hiệu Tê-rê-sa, cúi xin Chúa thương ban cho chúng con được trở nên “muối, men và ánh sáng“ chiếu tỏa lòng thương xót cho đời thêm mặn mà, đậm đà hương vị Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.