GÓC TÂM TÌNH Thường huấn 2010

Thường huấn 2010

TOÀN NHẬP BA CẤP BẬC CỦA Ý THỨC[1]

Cha Anthony Nguyễn Ngọc Kính – OFM.

 

Với tiêu đề “Ba cấp bậc của ý thức,” chúng tôi muốn nói đến những cách thức khác nhau mà con người hiện diện với chính mình: Từ tình trạng ý thức tối đa đến việc thiếu cảnh giác. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng con người không bao giờ nhận thức đầy đủ bản chất trọn vẹn của mình. Tất cả chúng ta  đều trải qua những biến cố trong quá khứ và hiện nay đang có những nhu cầu thường rất có ý nghĩa, nhưng lại nằm ngoài ý thức. Dầu vậy, những yếu tố đó vẫn là thành phần trong bản ngã chúng ta và vì thế, chúng góp phần định hướng cho hành vi chúng ta hiện nay, cho dù chúng ta không thể chỉ rõ hay mô tả chúng. Phần lớn những điều quan trọng trong bản thân chúng ta đã đi vào lãnh vực mà chúng ta không biết, không thể xác định rõ ràng và không thể dẫn chứng.

A. Định Nghĩa

Sự đối lập giữa hai cực ý thức – vô thức hệ tại mức độ nội quan, nhờ đó chúng ta có thể tiếp cận hay nhận biết hành vi của mình, nghĩa là tùy mức độ mà chúng ta có thể nói một cách chính xác về hoạt động của mình. Chúng ta nhận biết ngay những hoạt động có ý thức; còn các hoạt động vô thức chỉ được biết gián tiếp nhờ suy diễn. Chúng ta chỉ có thể nói là mình bị chi phối bởi vô thức, một khi những lý do hay những động cơ minh nhiên và có ý thức không thể giải thích thoả đáng những cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình. Vì vậy, chúng ta có thể đưa ra những định nghĩa sau đây.

1. Ý thức: Phạm vi mà chúng ta nhận biết mình hay các sự vật như chúng đang hiện diện. Do đó, ý thức bao gồm tất cả những gì hiện diện trước mắt hay có thể đi vào vùng nhận thức của ta.

2. Tiềm thức: Là một vùng bao gồm những kinh nghiệm của đời sống tâm linh mà hiện nay chúng ta không nhận biết và không thể đưa lên vùng ý thức được. Như thế, tiềm thức là tất cả những gì chúng ta không biết được. Tiềm thức gồm có tiền ý thức và vô thức, tuỳ mức độ sâu hay cạn.

a. Tiền ý thức: Bao gồm những nội dung của đời sống tâm linh hiện nay không hiện diện trong ý thức của chúng ta, nhưng có thể được đưa lên vùng ý thức qua các phương tiện thông thường (suy nghĩ, nội quan, xét mình, chiêm niệm…).

b. Vô thức: Gồm những nội dung của đời sống tâm linh mà chúng ta chỉ có thể đưa lên vùng ý thức nhờ các phương pháp chuyên nghiệp (vd. Kỷ thuật trị liệu tâm lý). Chúng ta nhận ra vô thức một cách gián tiếp qua tác động của nó.

  • Hành vi triệu chứng (symptomatic act): Đó là hành vi mà chủ thể thực hiện cách tự động mà không suy nghĩ hay nhận biết.
  • Hành vi lúng túng (disturbed act): Hành vi lúng túng không phải là hành vi triệu chứng, tức là hành vi xuất phát từ vô thức, nhưng là sự giao thoa (interference) giữa một động cơ ý thức và một động cơ vô thức của một tiềm năng lớn.
  • Hành vi ức chế (repressed act): Đó là “tính hay quên chủ động.” Chúng ta quên  một điều gì đó không phải vì kém trí nhớ, mà vì sự ức chế của một lực phản kháng trong vô thức.
  • Thôi miên: Sau khi bị thôi  miên, chủ thể có thể thực hiện các mệnh lệnh mà mình đã tiếp nhận trong khi bị thôi miên, mà không biết mình đang làm gì, bởi vì chủ thể đã bị người thôi miên điều khiển. Người bị thôi miên có thể nhận biết hành vi của mình, nhưng không biết nguyên nhân.
  • Nhận thức tri giác khi mất cảm giác (anaesthetic perception)
  • Đa nhân cách[2]: Đây là một rối loạn lâm sàng khá hiếm. Qua đó bệnh nhân có những phản ứng bất nhất nghiêm trọng như thể có hai cuộc sống khác biệt hay mâu thuẫn với nhau.
  • Nhận thức dưới ngưỡng cảm giác (subliminary perception)
  • Giấc mơ: Freud xem giấc mơ là con đường vương giả để tìm hiểu vô thức, bởi vì khi người ta ngủ thì cơ quan kiểm duyệt nội tâm không hoạt động.

B. Nội Dung của Vô Thức

Mọi người đều biết rằng chúng ta thường hành động vì những lý do mà chúng ta không hiểu và lòng chúng ta cũng ấp ủ những tình cảm, mà nếu chúng ta biết thì cũng không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, người ta thường tỏ thái độ tiêu cực đối với vô thức và xem vô thức chẳng khác gì một thùng rác. Những điều cao thượng và xinh đẹp mới có giá trị, còn vô thức thì xấu xa bởi vì vô thức ở nơi sâu kín của lòng người. Thế nhưng, vô thức có thể hữu ích, chắc hẳn là trung dung, không tốt cũng không xấu. Khi xây nhà, nếu chúng ta cần có nơi làm nhà kho hay đặt hệ thống sưởi, thì trong cấu trúc con người cũng như vậy.

Thứ đến, chúng ta cần làm sáng tỏ điều này: Vô thức không chỉ có chức năng là sinh ra xung đột, hậu quả của các chấn thương và các kinh nghiệm khó chịu, nhưng còn là nơi chất chứa những tiềm năng.

Sau nữa, trong vô thức không chỉ có những kinh nghiệm tính dục, nhưng còn có những kinh nghiệm khác. Trên thực tế, chúng ta có thể tìm thấy những kinh nghiệm sau:

1. Những kinh nghiệm hay kỷ niệm bị ức chế, vì chúng gây đau đớn và khó chịu.

2. Những năng lực tinh thần mà chúng ta không sử dụng, bởi vì chúng ta không tin là mình có những năng lực đó, vì không dám sử dụng chúng, vì chúng ta nghĩ những năng lực đó chưa chín mùi hay chẳng quan trọng.

3. Các xung động chưa được toàn nhập hoàn toàn hay bị ức chế, bởi vì chúng gây ra xung đột.

4. Các khuynh hướng thúc đẩy chúng ta hành động hay cách thức chúng ta thường hành động, chúng luôn luôn có tính chất máy móc hơn

Để đối phó với vô thức, không những chúng ta cần nhận ra sự ức chế khiến chúng ta đau đớn, nhưng còn phải giải phóng những đam mê, khả năng sáng tạo và tính bộc phát. Nếu không có những yếu tố đó, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên nhạt nhẽo. Muốn được như thế, chúng ta cần phải lớn lên trong tự do.

C. Quy Luật Của Vô Thức

1. Trong Vô Thức Không Có Mâu Thuẫn

Cho dù các yếu tố vô thức mâu thuẫn với nhau, chúng có thể cùng tồn tại mà không đối chọi với nhau. Quy tắc này rất quan trọng trong việc hiểu biết hành vi con người.

a. Ý nghĩa khách quan của một hành vi không đương nhiên tương ứng với ý nghĩa chủ quan mà chủ thể gán cho nó một cách vô thức.

b. Hành vi có thể biểu hiện những khuynh hướng đối nghịch và mẫu thuẫn cùng một lúc.

c. Đối với một người, hành vi trưởng thành có thể mang ý nghĩa tự vệ và công cụ (instrumental).

2. Vô Thức Không Bị Chi Phối Bởi Thời Gian

Các yếu tố vô thức không được sắp xếp trong thời gian cũng không bị biến đổi theo dòng thời gian. Chúng hiện hữu độc lập với thực tại bên ngoài. Chúng ta không thể hy vọng, với thời gian và kinh nghiệm, các yếu tố vô thức sẽ tự động trở thành yếu tố ý thức.

3. Vô Thức Không Quan Tâm Đến Thực Tại, Nhưng Anh Hưởng Trên Thực Tại

Vô thức có lô-gic riêng của mình, khác với lô-gic của thế giới ý thức (tuân theo nguyên tắc không mâu thuẫn).

4. Vô Thức Có Một Sức Năng Động Nhằm Tự Bảo Toàn

Vô thức chống lại việc tự vấn, bởi vì vô thức luôn luôn phản ứng mạnh mẽ nhằm tự bảo toàn. Nếu không phải là nhà tâm lý, chúng ta khó hiểu tại sao con người không muốn cải thiện.

D. Toàn Nhập Ba Cấp Bậc Ý Thức

Luft và Ingham phác hoạ một lược đồ gọi là Cửa Sổ Johari – Johari là tổng hợp các chữ đầu của tên hai tác giả. Cửa sổ Johari có thể giúp chúng ta hiểu các cấp bậc của nhận thức trong hoạt động của tinh thần.

 

Cửa Sổ Johari 

 

Tôi biết Tôi không biết
Người khác biết

Phạm vi công khai

Phạm vi mù tối

Người khác không biết

Phạm vi bí mật

Phạm vi vô thức

 

Bốn hình chữ nhật A,B,C,D tượng trưng cho 4 phạm vi của bản thân:

A. Phạm vi công khai: gồm những điều tôi biết và người khác cũng biết.

B. Phạm vi mù tối: gồm những điều tôi không biết, nhưng người khác biết.

C. Phạm vi bí mật: gồm những điều tôi biết, nhưng người khác không biết.

D. Gồm những điều tôi không biết và cả người khác cũng không biết: Đó là phạm vi tiềm thức, nhất là vô thức và tiền ý thức.

Ví dụ sau đây có thể giúp chúng ta hiểu hoạt động của năng động tâm lý. Một người tự mình, hay nhờ người khác mà nhận biết nhu cầu – một thái độ thống trị:  Chính anh ta nhận thấy có nhu cầu đó và người khác thấy anh ta thường có khuynh hướng áp đặt (phạm vi công khai). Khi anh ta tỏ thái độ áp đặt, người khác thấy rằng anh ta được lắng nghe, người khác xúc động và ngỡ ngàng (khuynh hướng phô trương  trong phạm vi mù tối). Hơn nữa, vì tính gây hấn của mình mà anh ta ngấm ngầm muốn áp đảo người khác (phạm vi bí mật). Mặc dù anh ta không bao giờ tâm sự với ai, anh ta biết lòng mình đang mẫu thuẫn.

Ba khuynh hướng thống trị – phô trương – gây hấn làm cho anh ta trở nên kiêu căng và quá tự tin. Anh ta thống trị và buộc người khác lệ thuộc tâm trạng của anh ta. Tuy nhiên, có lẽ sự cạnh tranh ấu trĩ đó chỉ là hậu quả của một nguyên nhân sâu xa và quan trọng hơn: Nhu cầu sỉ nhục mà anh ta đang tự vệ (phạm vi D). Anh ta kiêu căng bởi vì anh ta thiếu lòng tự trọng, và khi anh ta áp bức người khác, anh ta muốn bù đắp cho giá trị kém cỏi mà mình hằng lo sợ. Trong giáo dục, lãnh vực tiềm thức là nhân tố quyết định. Nếu chúng ta không quan tâm đến lãnh vực đó, chúng ta sẽ không thể giáo dục hiệu quả được. Nếu nhà giáo dục chỉ nhìn thấy phạm vi thứ nhất và chỉ trích ứng sinh vì ứng sinh kiêu căng mà ông cho là tự phụ, ông sẽ làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn: Khi ứng sinh bị khiển trách, anh ta càng cảm thấy bị sỉ nhục và vì thế mà anh ta càng bị thúc ép phải bù đắp cho sự sỉ nhục bằng cách gia tăng sự thống trị. Nếu nhà giáo dục không giúp ứng sinh giải quyết nguyên nhân của cảm xúc bị sỉ nhục, anh ta sẽ tìm những lối thoát mới để tiếp tục lối sống của mình.

Ví dụ sau đây không nói đến hành vi tự vệ, nhưng nói đến sự thoả mãn vô thức (phạm vi D). Một người thường giúp đỡ những người khác (A), được xem là người có lòng nhân ái (B), quan tâm đến việc hợp tác (C), vì thế mà anh ta luôn luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, nếu trong phạm vi D có nhu cầu lệ thuộc cảm xúc, thì cấu trúc năng động tâm lý thay đổi. Nguồn gốc thật sự của thái đô sẵn sàng giúp đỡ người khác không phải là lòng nhân ái, nhưng thực ra đó là biểu hiện của nhu cầu được yêu thương và được nhìn nhận. Anh ta hy sinh bản thân, bởi vì trong tiềm thức anh ta có nhu cầu muốn nhận lãnh. Anh ta hiến mình phục vụ tha nhân mà không hề biết rằng anh ta đang ở trong giai đoạn ấu trĩ và đang nỗ lực tìm kiếm bản thân. Do đó, khi lòng nhiệt tình buổi đầu nguôi ngoai, hay sự tận hiến đòi hỏi anh ta phải hy sinh, bấy giờ anh ta sẽ gặp nhiều thử thách trong việc kiên trì.

Qua các ví dụ trên đây, chúng ta có thể thấy vô thức là một thực tại ẩn mình cách tinh vi và cũng là nguyên nhân của những hành vi trái nghịch với cái lô-gic mà chúng ta có ý mong đợi. Dầu sao đi nữa, vô thức cũng không thể biến con người thành con rối bị các sức mạnh vô hình thao túng.

Tới đây, chúng ta đã thấy khi con người phán đoán, lấy quyết định, chọn lựa các giá trị, con người khó tránh khỏi lệch lạc. Những trường hợp như thế quả không  hiếm và cũng không phải là bệnh lý.

 

 

 

 


[1] A. Cencini và A. Manenti, Tâm Lý và Huấn Luyện: Cơ Cấu và Năng Động (Psychology and Formation: Structures and Dynamics) (Bombay: St. Paul Publisher, 1992), Nguyễn ngọc Kính chuyển ngữ, tr. 43-56.

[2] Đa nhân cách: multiple Personality.

Exit mobile version