Áp lực và sợ hãi hoặc giả vờ ưng thuận kết hôn?

53
tinI. Quyền tự do lựa chọn bậc sống của mình.
1. Quyền căn bản của người Kitô hữu

Trong Giáo Hội, tất cả mọi tín hữu, không những phải chu tòan bổn phận, mà còn được hưởng những quyền lợi mà Giáo luật đã quy định[1]. Trong số những quyền căn bản, phải kể đến quyền được tự do lựa chọn bậc sống của mình: “Tất cả các tín hữu có quyền không bị một cưỡng ép nào trong việc lựa chọn bậc sống của mình” (GL. đ.219). Nếu quyền này bị xâm phạm, người tín hữu có quyền đòi hỏi và phải được bảo vệ “trước Tòa án Giáo hội có thẩm quyền, theo luật định” (GL đ.221§1 và 2).
Về vấn đề này, xin được nhắc lại lời dạy của Quyền Giáo Huấn :“Việc hướng tới hôn nhân, như một cộng đồng sự sống và tình yêu, là một giá trị và được coi như một phần di sản luân lý của nhân loại”“việc nhìn nhận sự bình đẳng về phẩm giá giữa người nam và người nữ tất nhiên đi kèm theo việc nhìn nhận quan trọng hơn, đó là quyền lựa chọn bậc sống cũng như lựa chọn người bạn đời của mình trong hôn nhân”[2].

2. Quyền tự do lựa chọn bậc sống bao hàm việc ngăn cấm mọi ép buộc

Căn cứ theo những nguyên tắc Giáo luật và lời nhắc nhủ nêu trên của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chúng tôi nhận định rằng:

1/ Trong việc sử dụng quyền tự do của mình, mọi tín hữu đều phải được hưởng quyền được bảo vệ khỏi tất cả mọi áp lực bên ngoài cũng như bên trong. Nếu không, thì không thể có hành động nhân linh, nghĩa là một hành vi phát xuất từ lý trí và ý chí mà “không quyền lực nhân loại nào có thể thay thế” (GL. đ.1057).

2/ Vì mọi tín hữu có quyền được bảo vệ khỏi mọi áp lực và lo sợ trong việc lựa chọn bậc sống của mình nên tất nhiên họ cũng được quyền tự do lựa chọn hoặc không lựa chọn bậc sống gia đình, cũng như kết hôn với bất cứ người nào họ muốn. Điều quy định này không được vi phạm. Vì thế, hôn nhân bị ép buộc không có giá trị, vì ý chí bị cưỡng bức do áp lực hoặc do một sự sợ hãi nghiêm trọng (GL đ.1103).
3/ Giao ước hôn nhân giữa người nam và người nữ sẽ không có hiệu lực, nếu  xét theo luật, khi ý muốn tự do của hai bên  không được bày tỏ một một cách phù hợp với lề luật quy định.
Như vậy sự ưng thuận hôn nhân là hành vi của ý chí, qua đó người nam và người nữ trao hiến cho nhau và đón nhận nhau bằng một giao ước không thể thu hồi lại, để tạo lập một cộng đồng sống chung suốt đời mà tự bản tính, cộng đồng nầy hướng về thiện ích của đôi bạn cũng nhu việc sinh sản và giáo dục con cái (GL đ.1055§1; 1057§1.2; 1073; 1096§1, §2). Do đó, những người kết hôn, xét về mặt tâm lý cũng như về phương diện luật pháp, cần phải có sư tự do nầy và nó phải được bày tỏ đúng thể thức giáo luật.

II. Sợ hãi.

Trong số những khiếm khuyết làm ảnh hưởng đến ý chí, Giáo luật lưu ý đến sự sợ hãi và đã định nghĩa nó như là “một sự khuấy động tâm trí phát xuất do một nguy hiểm hiện có hoặc sẽ xảy ra”[3]. Theo định nghĩa này của Ulpien thì sự sợ hãi tạo nên một mối giây liên kết nhân quả giữa sự nguy hiểm của một điều ác hiện tại hoặc tương lai với sự khuấy động tâm trí hiện có. Như vậy “Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một nguyên cớ bên ngoài, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát khỏi nó, người ta bị bó buộc phải lựa chọn việc kết hôn”(GL. đ.1103)[4].

III. Sự nể sợ (la crainte révérentielle).

1. Khái niệm chung.

Chúng ta biết những quy định của Giáo hội là nhằm bảo vệ tự do của những người kết hôn, không những chống lại sự sợ hãi nói chung mà còn cả với sự  nể sợ.

1/ Hai yếu tố của sự nể sợ

Sự nể sợ khác với sự sợ hãi thông thường do 2 yếu tố:

Trước hết do yếu tố pháp lý làm phát sinh những mối tương quan đưa đến sự lệ thuộc quyền bính : người dưới quyền, người bảo trợ. Ngoài ra, do yếu tố tình cảm, làm phát sinh sự kính trọng, nể sợ với người liên hệ với mình hoặc mình mang ơn : cha mẹ, thầy dạy, bề trên.

Thánh Anphongsô đã định nghĩa: “Sự nể sợ  là sự lo sợ làm cho người ta ngần ngại không dám làm trái với ý của người mình lệ thuộc …”[5].

2/ Do sự lạm dụng quyền hành, uy tín của người trên

Thông thường sự nể sợ là do có sự lạm dụng uy thế của người đang có quyền và do sự kính trọng, tùy phục của người thuộc quyền. Sự lạm dụng này thể hiện khi người dưới trở thành công cụ hoặc bị người trên điều khiển phải làm theo ý của họ.
3/ Tính cách nghiêm trọng

Để lượng định tính cách nghiêm trọng của nó, cần phải xem xét kỹ lưỡng 2 yếu tố:

– Yếu tố khách quan: dựa vào mức độ nghiêm trọng của một điều xấu sẽ xảy đến nếu không làm theo.
– Yếu tố chủ quan: xét theo việc chủ thể cảm thấy sợ hãi và do đó tâm trí không ổn định, đưa đến một sự ưng thuận không thỏa đáng.

4/ Mối giây liên hệ nhân quả giữa sự nể sợ và quyết định kết hôn.

Phải có sự liên hệ nhân quả giữa sự nể sợ và quyết định kết hôn, nghĩa là vì nể sợ mà buộc lòng kết hôn để tránh những rắc rối sẽ xảy đến[6]. Như vậy sự ưng thuận trong trường hợp này không thực sự là một hành vi nhân linh.

2. Sợ mất uy tín thanh danh.

Sự lo sợ mất thanh danh, uy tín phát sinh vì những lý do bên ngoài:

1/ Về phía người gây lo sợ: việc mất thanh danh, uy tín trở thành lý do khiến người nầy gây sức ép, kiên quyết thúc đẩy người kia hành động như mình muốn.

2/ Về phía nạn nhân: sự lăng mạ hoặc mất thanh danh liên quan tới bản thân mình hoặc cha mẹ, được coi như một điều xấu nghiêm trọng mà không có cách nào thoát khỏi [7].

Tuy nhiên, vì sự xúc phạm đến danh giá, một người cha cũng không thể vì đó mà ép con của mình  kết hôn cho dầu mọi sự đã sẵn sàng, bởi vì con cái, trong tất cả mọi trường hợp, không hoàn toàn là sở hữu riêng của cha mẹ và cha mẹ không thể bắt chúng lệ thuộc mình.

IV. Bằng chứng

Vì sự ưng thuận được thực hiện bằng một hành vi nội tại, cho nên chỉ nạn nhân của bạo lực và lo sợ mới có thể trực tiếp biết rõ mình có ưng thuận một cách tự do hay ép buộc. Do đó, phải tin nạn nhân, nếu người này tỏ ra thành thật, nêu chứng cớ hẳn hoi, không nói sai, nói dối hay bịa thêm chuyện.

Ngoài ra, theo tinh thần của Giáo luật, cũng nên tin vào người đã chủ mưu gây sợ hãi, nếu người này thành thật thú nhận lỗi lầm của mình (GL. đ.1573), đồng thời cũng phải tìm các nhân chứng để xác minh  điều các đương sự khai hoặc thú nhận, cũng như phải thu thập chứng cứ cần thiết (GL. đ.1679).

  Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

[1] GL. đ. 208-231
[2] Jean-Paul II, Allocution à la Rote, l’Ossesvatore Romano, 26-29/1/1991, tr.4
[3] Ulpianus, Dig. IV, II, 1.
[4] Cf.Conseil, De Separatione thori conjugalis, Florence 1856, Lib. I, c.8. no. 93.
[5] Cf.Theol Mor.1912, I.IV, Iib, VI, tract.VI, no.1056.
[6] Cf. C.Fiore 12/1/1971, S.R.R. Dec… Vol.LXIII, tr.12-13, no.6-7.
[7] Cf. Gasparri, De Matrimonio, Rome 1932, no.847