Thiên Chúa ban cho mỗi người (và động vật) có hai con mắt, nhưng chỉ có một cái nhìn. Vâng, cái nhìn chứ không là cách nhìn hay tầm nhìn. Một ánh mắt, một cái nhìn với hai hướng nhìn, hướng nhìn lên Thiên Chúa trên Thiên Đàng và hướng nhìn xuống các linh hồn nơi Luyện Hình.
Hướng nhìn lên Thiên Đàng để tin kính Thiên Chúa, đồng thời cũng chiêm ngưỡng “những người áo trắng” là các thánh vinh hiển. Hướng nhìn xuống Luyện Hình để cầu nguyện cho các linh hồn, đồng thời nhận ra Thiên Chúa trong tha nhân và cũng nhìn lại chính mình, để cố gắng sống tốt hơn và tích cực làm lành nhiều hơn.
Chỉ một Giáo Hội duy nhất trong một Tổng Thể, nhưng gồm ba thành phần: Giáo Hội Khải Hoàn (các thánh vinh hiển), Giáo Hội Đau Khổ (các linh hồn thánh nơi luyện ngục), và Giáo Hội Chiến Đấu (những người trên đường lữ hành trần gian, cũng được gọi là thánh). Cả ba thành phần của Giáo Hội được gọi là “các thánh thông công.” Thật vậy, Thánh Phaolô xác định: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4:5-6)
Thật tốt lành với truyền thống Giáo Hội khi dành trọn Tháng Mười Một là Tháng Cầu Hồn, tạo cơ hội tốt để tín nhân thi hành đức ái. Có gì đó khá đặc biệt khiến lòng người thấy “lạ” giữa khoảng giao mùa Thu – Đông. Ngày đầu tiên của Tháng Cầu Hồn là ngày mừng kính chư thánh hiển vinh, ngày tiếp theo là ngày cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Hình. Sự liên đới này nói lên tính hiệp thông của Giáo Hội, những người lữ hành trần gian – hữu hình – lại trở nên như “dấu nối” giữa hai cõi vô hình – các thánh và các đẳng.
HƯỚNG LÊN VỚI NIỀM KHÁT VỌNG
Nước Trời là Vương Quốc vĩnh hằng của Thiên Chúa, mệnh danh là Thiên Đàng – cõi phúc tuyệt đối, nơi mọi người được trường sinh bất tử, như các thánh hiện đang tận hưởng. Tuy nhiên, muốn trở thành Công Dân Nước Trời, tín nhân phải không ngừng cố gắng sống như các thánh – tức là thực hành Bát Phúc. (Mt 5:1-12) Bản Đệ Nhất Tuyên Ngôn Độc Lập này do chính Chúa Giêsu soạn thảo, ngắn gọn nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và “độc đáo” nhất.
Bất cứ nguyên thủ quốc gia nào cũng trịnh trọng khi đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng Chúa Giêsu không tạo vẻ hình thức như vậy, Ngài thản nhiên với phong cách chuyện trò thân mật. Đúng là khác người thật. Thế mới độc đáo, thế mới tự nhiên, thế mới thân thiện. Ngài điềm đạm tuyên bố như nói chuyện:
- Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
- Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
- Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
- Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
- Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
- Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
- Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
- Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Cả tám điều khoản xem chừng rất bình thường, thế nhưng không dễ thực hiện trọn vẹn – đặc biệt là phải thực hiện mọi nơi và mọi lúc, trong suốt cuộc đời. Phải thực sự có cái tâm yêu thương thì mới khả thi. Ngôn từ bình dị, súc tích, ai cũng có thể hiểu, chứ không văn hoa, không bóng bẩy, không cầu kỳ. Và Chúa Giêsu kết luận: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:11-12)
Đủ mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi lứa tuổi – có những vị còn độ tuổi thiếu niên, thế nhưng họ có điểm chung là chiến đấu kiên cường, không nao núng trong mọi hoàn cảnh. Mỗi người mỗi vẻ, và họ đã đạt được Ơn Cứu Độ do Thiên Chúa hứa ban: “Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!” (Kh 22:14) Đó là mối phúc cuối cùng, mối phúc tuyệt đối. Chắc chắn không thể “ngồi mát ăn bát vàng” được, mà phải hy sinh và nỗ lực triền miên.
Thật chí lý với cách đặt vấn đề của Đức Mẹ Fatima: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.” Các thánh đã xác định giá trị đó, và họ đã chấp nhận thua thiệt ở đời này.
HƯỚNG XUỐNG VỚI LÒNG TRẮC ẨN
Không chỉ Tháng Mười Một mà hằng ngày đều cần nhớ đến các linh hồn nơi Luyện Hình. Cầu nguyện cho các linh hồn không chỉ là nhiệm vụ liên đới, mà còn là việc bác ái, đồng thời cũng để đền tội mình ngay trên trần gian này. Lời cầu nguyện có thể thay đổi số phận người khác, như Thánh Lm Thomas Aquino (1225-1274) cho biết: “Trong tất cả lời cầu nguyện, lời cầu nguyện xứng đáng nhất được Thiên Chúa chấp nhận là lời cầu nguyện cho người đã qua đời, bởi vì lời cầu nguyện đó hàm chứa tất cả đức ái, cả thể lý và tinh thần.” Vô cùng tuyệt vời!
Đặc biệt nhất là Thánh Lễ, bởi vì Thánh Lễ vô giá, nhưng Thánh Anselmô cho biết: “Một Thánh Lễ khi còn sống có ích lợi cho chúng ta hơn một ngàn Thánh Lễ khi đã qua đời.” Đó là điều thực sự cần lưu ý để chấn chỉnh chính mình khi còn có thể – càng sớm càng tốt.
Thánh Faustina có tình yêu rất mãnh liệt dành cho các linh hồn. Thánh nữ cho biết: “Tôi bị thiêu đốt trong lòng bằng lửa yêu mến Chúa và muốn cứu các linh hồn mà tôi cảm thấy mình bị thiêu đốt. Tôi sẽ chiến đấu với ma quỷ bằng Vũ khí Lòng Chúa Thương Xót. Tôi khao khát cháy bỏng là cứu các linh hồn. Tôi đi xuyên qua sức mạnh và hơi thở của thế giới và mạo hiểm đến nỗi các biên giới và các vùng đất hoang vu nhất để cứu các linh hồn. Tôi làm điều này bằng cách cầu nguyện và hy sinh.” (Nhật Ký, số 754)
Các linh hồn đang chờ lãnh “visa” vào Thiên Đàng, trở thành công dân vĩnh viễn của Thiên Quốc, bởi vì họ là những người đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy để trở nên con cái của Thiên Chúa, được quyền tận hưởng vĩnh phúc. Tuy nhiên, lúc này họ chưa được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, cần thanh luyện để xứng đáng ở bên Chúa, thế nên ngày đêm họ tha thiết nài van: “Xin đừng quên tôi!” Giáo Hội Lữ Hành lắng nghe họ và cầu xin cho họ hưởng nhờ những “giọt nước mát lạnh” của Lòng Chúa Thương Xót.
Tất cả chúng ta là những lữ khách trần gian đang trên đường tiến về Quê Trời, là những người thuộc Giáo hội Chiến đấu, Giáo hội Lữ hành. Thật vui mừng và trần trề hy vọng khi chúng ta vừa mừng kính chư thánh thuộc Giáo hội Khải hoàn, những người đã được hưởng Phúc Trường Sinh. Giáo hội muốn chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các vị-thánh-tương-lai, đặc biệt trong Tháng Cầu Hồn, vì chắc chắn họ sẽ được hưởng phúc trường sinh, trong đó có những người thân thiết của chúng ta. Họ được vào Thiên Đàng sớm hay muộn là nhờ chúng ta, vì lúc này họ đành “bó tay,” chịu thúc thủ, không thể tự làm gì được cho mình nữa.
Năm 1940, khi mới 25 tuổi, bà Maria Simma (người Áo) được ơn nói chuyện với linh hồn. Một đêm nọ, khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng, bà thức giấc và thấy một người đàn ông lạ đi tới đi lui trong phòng của bà. Bà không sợ, và hỏi: “Ông là ai? Ông cần gì?” Không có tiếng trả lời. Người đàn ông vẫn đi tới đi lui. Bà la to: “Đi khỏi đây!” Vẫn im lặng. Bà bật dậy ra khỏi giường túm lấy ông ta nhưng chỉ nắm vào không khí. Người đàn ông vẫn bước đi, bà túm lấy ông ta nhưng vô ích. Cuối cùng, người đàn ông bỏ đi.
Đêm hôm sau, ông ta trở lại, bà Maria hỏi: “Ông muốn gì ở tôi?” Ông ta đáp: “Hãy xin cho tôi 3 Thánh Lễ và tôi sẽ được giải thoát.” Bà Maria hiểu đó là một linh hồn trong Luyện Hình. Bà đã xin 3 Thánh Lễ cho linh hồn đó, và người đó không còn trở lại nữa. Từ đó, bà thường được các linh hồn khác “ghé thăm” để xin bà cầu nguyện cho họ. Bà biết nhiều điều khác về Luyện Hình nhờ các linh hồn.
Các linh hồn không thể làm gì cho chính họ, nhưng họ vẫn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Đó là điều rất kỳ diệu. Quả thật, Thiên Chúa vô cùng nhân từ đối với các thụ tạo của Ngài. Tạ ơn Chúa vì Ngài dùng mọi phương thế để cứu chúng ta.
HƯỚNG VỀ CHÍNH MÌNH
Hướng lên để cố gắng, hướng xuống để yêu thương, và hướng về chính mình để xem lại chính mình mà chấn chỉnh. Niềm hạnh phúc lớn lao và có thật mà chúng ta đang được tận hưởng đó là “chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2:18) Không chỉ như vậy, chúng ta còn được trở nên “NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG với các người thuộc dân thánh, và là NGƯỜI NHÀ của Thiên Chúa,” (Ep 2:19) mặc dù chúng ta vốn dĩ chỉ là kẻ xa người lạ, là kẻ ăn nhờ ở đậu hoặc tạm trú. Thật khó tả niềm hạnh phúc quá lớn lao như vậy. Chỉ có Thiên Chúa mới là phần thưởng lớn lao nhất. Thật vậy, Thánh LM TS Thomas Aquino, tác giả bộ Tổng Luận Thần Học kếch sù, nhưng Ngài cho biết rằng tất cả chỉ là rác rưởi, và ngài thân thưa: “Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi.”
Đại diện chúng ta, Thánh Vịnh gia tự vấn: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121:1) Và tác giả trả lời: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời.” (Tv 121:2)
Ai được lên núi Chúa và được ở trong đền thánh của Ngài? Thánh Vịnh gia cho biết: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.” (Tv 24:4) Những ai “sống sạch” như vậy sẽ “được Thiên Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.” (Tv 24:5) Quả thật, chính họ mới là “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.” (Tv 24:6) Thiên Chúa là Đấng Thánh, (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5 & 9; Is 6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16; Ga 6:69) ai muốn ở gần Ngài cũng phải thánh, phải sạch, không chút bợn nhơ.
Ai không được vào Thiên Quốc? Kinh Thánh cho biết vài điều:
- Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh. Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn. Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục. Vậy anh em đừng thông đồng với họ. (Ep 5:3-7)
- Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. (Gl 5:19-21)
- Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai. (Kh 21:8)
Đặc biệt là chính Chúa Giêsu đã minh định: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:20-23)
Phàm nhân chỉ là bụi tro, tất nhiên phải theo luật chung bất biến: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.” (G 1:21) Vào đời tay trắng, ra đi trắng tay: “Chúng ta đã KHÔNG MANG GÌ vào trần gian thì cũng CHẲNG MANG GÌ ra được.” (1 Tm 6:7) Nhưng vẫn có thể đem theo 2 thứ: Phúc và Tội. Biết vậy không phải để bi quan, mà để tránh xa những gì là lọc lừa, tham lam, ích kỷ,… Đây là lời nguyền rủa đáng sợ: “Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài.” (Kh 22:15)
Thành tâm tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, hy vọng mỗi chúng ta cũng sẽ được phân loại là “chiên” và hân hoan được nghe Chúa nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ.” (Ga 11:25-26)
Và mỗi tín nhân cũng đừng quên lời Thánh Phêrô Đamianô: “Mẹ Maria có thể đem lại hy vọng cứu rỗi cho cả những linh hồn tuyệt vọng nhất.”
Lạy Thánh Phụ nhân lành, chúng con xin kính dâng Mình Máu Thánh của Đức Giêsu Kitô, kết hợp với các Thánh Lễ trên thế giới, để cầu cho các linh hồn nơi Luyện Hình, cho tội nhân khắp nơi – trong Giáo Hội, trong đất nước và trong gia đình của chúng con, xin Ngài thương tha thứ, cho các linh hồn được về hưởng Tôn Nhan Ngài muôn đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU