Bước theo Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta nhiều tự do và vui mừng hơn. Đức Thánh Cha đã chia sẻ suy tư của ngài cho các tín hữu tham dự trong giờ đọc Kinh Truyền tin tại quãng trường thánh Phêrô sáng Chúa nhật thứ 2 thường niên. Nhân ngày thế giới những người di dân và tị nạn, Đức Thánh Cha cũng không quên mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện cho họ, cách đặc biệt cho những người di dân và tị nạn đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, và mời nhắc nhở mọi người luôn hướng niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Anh chị em thân mến
Với lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, được cử hành hôm Chúa nhật trước, chúng ta đã bước vào mùa phụng vụ, được gọi là “thường niên”. Trong Chúa nhật thứ hai này, Tin mừng trình bày cho chúng ta khung cảnh của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy giả tại sông Giordan. Người chứng kiến tận mắt là Thánh sử Gioan, trước khi làm môn đệ Chúa Giêsu, ông là môn đệ của Gioan Tẩy giả, cùng với các anh em mình là Giacôbê, Simon và Anrê, tất cả đều sống ở Galilê và là những ngư phủ. Quả vậy, Gioan Tẩy giả gặp Chúa Giêsu tiến lên giữa đám đông, và được soi sáng từ trên cao, ông nhận ra nơi Chúa Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa, vì thế Gioan loan báo về Chúa Giêsu với những lời sau : “Đây chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!” (Ga 1,29)
Động từ được dịch “tước bỏ” nghĩa đen của nó là “nâng lên”, “mang lấy nơi bản thân mình”. Chúa Giêsu đã đến thế gian với một sứ mệnh rõ ràng : là giải phóng thế gian khỏi nô lệ tội lỗi, mang trên thân mình tội lỗi của nhân loại. Bằng cách nào? Bằng cách yêu thương. Không có cách nào khác để chiến thắng sự dữ và tội lỗi nếu không có tình yêu, nó thúc đẩy việc hiến dâng mạng sống mình cho người khác. Theo chứng từ của Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu có liên hệ với người Tôi tớ của Thiên Chúa, “người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4), cho đến chết trên thập giá. Người là chiên vượt qua đích thực, được nhận chìm trong dòng sông tội lỗi của chúng ta, để thanh tẩy chúng ta.
Gioan Tẩy giả nhìn thấy trước mặt mình một người đang xếp hàng với những tội nhân để được lãnh nhận phép rửa, cho dẫu người ấy không cần. Một người được Thiên Chúa sai vào thế gian như con chiên bị hiến tế. Trong Tân Ước, từ “con chiên” được lặp lại nhiều lần và luôn quy chiếu về Chúa Giêsu. Hình ảnh này của con chiên có thể làm ta ngạc nhiên; thực vậy, một con vật không mang đặc tính của sự mạnh mẽ và cường tráng lại mang trên đôi vai mình những gánh nặng nề. Khối lượng to lớn của sự dữ được cất khỏi và mang đi bởi một sinh vật yếu đuối và mong manh, biểu tượng của sự vâng phục, ngoan hiền và là biểu tượng của tình yêu bất lực, đến nỗi hy sinh chính mình. Chiên con không phải là kẻ thống trị, nhưng ngọt ngào; không phải là kẻ xâm lược nhưng yêu thích hòa bình; không phô bày móng vuốt hay răng nanh trước bất cứ ai muốn tấn công nó, nhưng chịu đựng và phục tùng. Đó là Chúa Giêsu, Người như một con chiên.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với Giáo hội, và chúng ta ngày nay, là những môn đệ của Chúa Giêsu Chiên Con của Thiên Chúa? Có nghĩa là lấy sự thanh khiết thay cho hiểm độc, lấy tình yêu thay cho sức mạnh, lấy khiêm nhường thay cho kiêu ngạo, lấy phục vụ thay cho uy thế. Đó là một việc tốt. Những người Kitô hữu chúng ta cần phải thực hiện điều này : lấy sự thanh khiết thay cho hiểm độc, lấy tình yêu thay cho sức mạnh, lấy khiêm nhường thay cho kiêu ngạo, lấy phục vụ thay cho uy thế. Là người môn đệ của Con Chiên, nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm” nhưng như một thành được đặt trên núi, rộng mở, đón tiếp và liên kết. Nghĩa là không chấp nhận những thái độ khép kín, nhưng giới thiệu Tin mừng cho tất cả mọi người, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta, rằng đi theo Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta nhiều tự do và nhiều niềm vui hơn.
Sau kinh Truyền tin Đức Thánh Cha nói :
Anh chị em thân mến.
Hôm nay là ngày Thế giới người di dân và tị nạn, dựa trên chủ đề “Những người di dân và tị nạn : hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn”, mà tôi đã khai triển trong thông điệp đã được công bố thời gian trước đây. Tôi muốn gởi lời chào đến các đại diện của các cộng đoàn dân tộc khác nhau đang tụ họp nơi đây, cách đặc biệt đến cộng đoàn công giáo Roma. Anh chị em rất thân mến! Anh chị em rất gần với con tim của Giáo hội, vì Giáo hội là dân tộc đang tiến về Vương quốc của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu Kitô đã đem đến giữa chúng ta. Anh chị em đừng đánh mất niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn ! Tôi chúc anh chị em sống trong bình an ở những đất nước tiếp nhận anh chị em, bằng cách bảo vệ những giá trị văn hóa gốc rễ của mình. Tôi cám ơn những người đang làm việc với những người di dân vì đã đón nhận và đồng hành với họ trong những lúc khó khăn của họ, để bảo vệ họ khỏi những người mà chân phước Scalabrini gọi là “những kẻ buôn người”, muốn nô lệ hóa những người di dân! Cách đặc biệt tôi muốn cám ơn Cộng đoàn các thừa sai của Thánh Carlo, các cha các sơ người Scalabrini đã thực hiện nhiều điều thiện ích cho Giáo hội và cho những người di dân.
Trong lúc này tôi nghĩ đến rất nhiều người di dân, nhiều người tị nạn, nghĩ về những đau khổ của họ, cuộc sống của họ, nhiều lần không có việc làm, không có giấy tờ, rất nhiều đau khổ; và tất cả chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho những người di dân và tị nạn đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn và nặng nề nhất…. Kính mừng Maria…..
Tôi mến chào tất cả anh chị em, các kitô hữu đến từ các giáo xứ khác nhau trên thế giới và tại Italia, cũng như các phòng trào và đoàn thể. Cách đặc biệt tôi mến chào khách hành hương người Tây Ban Nha thuộc tỉnh Pontevèdra, Coruña, Murcia và các sinh viên của Badajoz………….
Kính chúc tất cả mọi người ngày Chúa nhật an bình.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
News.va