Ai lớn nhất? (Thứ Tư Tuần 19 Thường niên)

57

Mt 18, 1-5

 1. Ai lớn nhất ?

– Sau khi nghe Đức Giê-su nói nhiều về Nước Trời, các Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Luca kể lại rằng họ tranh luận với nhau để xác định ai là người lớn nhất trong nhóm (Mc 9, 33-36 ; Lc 9, 46-47). Thánh Matthêu, trong bài TM chúng ta vừa nghe, đẩy vấn đề đi xa hơn : họ đến hỏi trực tiếp Đức Giêsu để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời : « Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? »

– Và một ít lâu sau, còn xẩy ra một chuyện « nổi tiếng » nữa, đó là hai anh em Gia-cô-bê và Gioan lẽo đẽo theo mẹ (các ông theo Chúa, nhưng vẫn còn theo mẹ !), và để mẹ xin ĐGS dùm (chắc là vì lời mẹ có hiệu quả hơn) : « Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy. » (Mt 20, 21). Thánh Luca nói rằng đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng », và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (Lc 22, 24-27).

– Lược qua một chút bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật, như thế là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giêsu. Bệnh nghiêm trọng vì là một thứ ung thư gây mất hiệp nhất (tranh cãi với nhau), phản Tin Mừng và nhất là phản Thập Giá; ngoài ra, nghiêm trọng còn là vì đó là căn bệnh “mãn tính” kéo dài, ở mọi nơi và mọi thời. Cách Đức Giêsu chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa.

2. Cách Đức Giêsu « chữa lành »

– Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giêsu giải quyết ; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung :

  • Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : muốn làm lớn phải không ? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (Lc) ; hãy thay đổi và trở nên như trẻ con (Mt) ; hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
  • Để các một đệ đừng hiểu lung tung những khái niệm « nhỏ nhất », « trẻ con », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giêsu đem một em bé tới đặt giữa họ.
  • Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giêsu đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy » (Mt 18, 5).

3. Hình ảnh em bé và chữa lành bằng Thập Giá

– Cách Đức Giêsu trả lời như thế và cách ba Tin Mừng thuật lại như vậy, trong thực tế lại gây ra một cuộc tranh luận khác, còn sôi nổi và gay gắt hơn : thế nào là nhỏ nhất, thế nào trẻ em, thế nào là rốt hết, thế nào là người phục vụ ? Bằng chứng là, chẳng có chú giải nào giống chú giải nào, chẳng có bài giảng nào giống bài giảng nào về vấn đề này.

– Như thế là bởi vì Lời Đức Giêsu không hệ ở lí thuyết, cho bằng lựa chọn của con tim. Một khi con tim được ĐGS chữa lành khỏi căn bệnh quyền bính, căn bệnh hơn người, căn bệnh vẻ bề ngoài, sẽ tìm được cách diễn tả tốt nhất trong cộng đoàn, dù mình là ai, có trách nhiệm hay nhiệm vụ gì. Hình ảnh tuyệt đẹp mời gọi chúng ta chiêm ngắm : Đức Giêsu ôm em bé ; ngài sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Chúa chữa không chỉ bằng lời và nhất là bằng Mầu Nhiệm Thập Giá. Đức Giêsu trở nên “em bé” trong cuộc thương khó. Và Ngài sẽ “ngủ” trên thập giá như một em bé (x. Mc 4, 35-41 ; Tv 8).

– Khi nhìn ngắm thân thể nát tan của Đức Giê-su trên Thập Giá, do lòng ham muốn của những người tham gia vào cuộc Thương Khó, chúng ta sẽ được chữa lành khỏi bệnh ham muốn.

Giuse Nguyễn Văn Lộc