GÓC TÂM TÌNH 1. Thanh Tuyển viện Ai là người lớn nhất ?

Ai là người lớn nhất ?

Ai là người lớn nhất ?

 

“Ai là người lớn nhất?” Đây là câu hỏi khi xưa các môn đệ của Chúa Giêsu đã đặt ra. Tôi tin chắc rằng các bạn cũng như tôi, luôn chạm trán với câu hỏi này khi chúng ta đứng giữa các tương quan và công việc: Ai là lớp trưởng, ai là thủ trưởng, ai là tổng thống?… Nhưng có lẽ hiếm khi chúng ta đặt vấn đề với câu hỏi ấy.

Trong xã hội của khoa học kỹ thuật và quyền lực ngày nay, con người đề cao cuộc sống vật chất và hưởng thụ. Ai cũng muốn mình trên người khác, ai cũng muốn người khác phải phục tùng mình. Con người tìm đủ mọi cách để thỏa mãn tham vọng. Để trở thành người giàu sang, họ phải thu tích nhiều của cải, tiền bạc. Để trở thành người danh vọng và quyền lực, họ phải thu tích nhiều uy tín, địa vị, chức tước,…

Trong đời dâng hiến, để trở thành người lớn nhất, mạnh nhất phải thu tích những gì? Phải chăng cũng là của cải, tiền bạc, quyền cao chức trọng, là sự phục tùng của người khác? Chúa không dạy như vậy. Chúng ta không thể thu tích những gì thuộc về trần gian, bởi nó không tồn tại vĩnh viễn và không đem lại cuộc sống vĩnh cửu. Hãy thu tích những gì thuộc về Nước Thiên Chúa, vì nơi đó không bị mối mọt, hư nát. Nếu người đời thu tích tiền bạc của cải, Chúa lại dạy những người sống đời dâng hiến cần khó nghèo. Đức Khó Nghèo là trở nên nhỏ bé trong đời sống vật chất, sống trong sự đơn sơ đạm bạc, không ham muốn, tìm kiếm, thu tích tiền bạc, của cải; trái lại, còn tìm cách từ bỏ chúng. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ vinh quang, xuống làm người, sống đời sống ẩn dật, và chịu chết trần trụi trên Thánh Giá, giờ đây Người lại ẩn mình trong ngôi Nhà Tạm nhỏ bé để ở lại với nhân loại. Chúa nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.”(Mt 5, 3)

Khác với người đời, người đi tu lại tìm tới sự khiết tịnh và thinh lặng. Đức Khiết Tịnh là trở nên nhỏ bé trong nhu cầu riêng tư, không chiều theo tính ham muốn xác thịt của bản thân, không tìm tới hưởng thụ, tới sự phục vụ của người khác mà phải hi sinh phục vụ mọi người. Bên cạnh đó, sự Thinh Lặng rất quan trọng trong đời sống dâng hiến. Thinh lặng để nhìn lại chính mình, đối diện với những điều tốt, xấu của mình. Thinh lặng để lắng nghe Chúa dạy, để học các nhân đức của Chúa và tha nhân. Thinh lặng để cầu nguyện.

Nếu người đời luôn phải tìm kiếm quyền lực và danh vọng, luôn muốn mọi người phải phục tùng mình thì đời tu lại đi tìm cuộc sống trong sự vâng lời. Đức Vâng  Lời là nhỏ bé trong quyền bính. Không khẳng định mà phải tự hạ mình, tự đặt mình dưới quyền người khác, không lấy ý riêng của mình áp đặt lên người khác, từ bỏ mọi ý riêng để vâng lời Chúa qua ý bề trên, vâng lời trong sự khiêm nhường vì đức Vâng Lời trọng hơn muôn ngàn của lễ. Khi ta sống khiêm nhường, là ta đã trở thành người lớn nhất trong Nước Trời như Chúa nói: “Ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.”(Mt 18, 4)

Tuy nhiên, để sống và thi hành đúng Lời Chúa thì không dễ chút nào. Đời sống dâng hiến luôn có quá nhiều cám dỗ. Con người luôn có xu hướng thích dễ dãi với chính bản thân, dễ chiều theo những ham muốn xác thịt nên dễ sa ngã. Vì vậy, chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho những người đang sống trong ơn gọi đời sống thánh hiến được luôn khiêm tốn, vững vàng bước theo Chúa, phó thác, tin tưởng, cậy trông tuyệt đối nơi Ngài, luôn học hỏi và thi hành đúng những gì Ngài dạy. Như vậy, cõi tu mới là cõi phúc.

                                                                                                                            Maria Hồng Oanh.

                                                                                                                Thanh Tuyển HD MTG Thủ Đức

Exit mobile version