Qua nhiều thế kỷ, một trong các lòng sùng kính phổ biến nhất vẫn đứng vững với thời gian là Đàng Thánh Giá (Via Crucis). Đàng Thánh Giá gồm các “chặng” giúp chúng ta theo chân Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Ngài.
Theo truyền thống cổ, hằng ngày Mẹ đều đến viếng những nơi Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn, chịu chết, và sống lại, sau khi Chúa Giêsu về trời. Nhiều truyền thống khác cũng cho biết rằng Đức Mẹ đã đi theo Chúa Giêsu suốt con đường tới Can-vê.
Tuy nhiên, Đức Mẹ không tạo ra lòng sùng kính với các lời nguyện và các “chặng” để đi theo. Đức Mẹ chỉ cố gắng làm sống lại sự kiện mạnh mẽ về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và “giữ trong lòng” để suy niệm sự hy sinh cao cả mà Con Yêu đã thực hiện.
Bách Khoa Công Giáo cho biết rằng vài thế kỷ sau, Thánh Petronius (GM Bologna) cho xây dựng một số nhà nguyện vào đầu thế kỷ V để giới thiệu các đền đài quan trọng của Giêrusalem… Có thể coi đây là “hạt giống” nảy sinh Đàng Thánh Giá được phát triển sau đó, có thể trước thế kỷ V không có gì có thể gọi là Đàng Thánh Giá như ngày nay.
Vào thời Trung Cổ, Thánh Địa trở thành vùng biến động và các du khách không dễ dàng tới các đền đài liên quan Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Các tu sĩ Dòng Phanxicô và các dòng khác ở Âu châu bắt đầu xây dựng các nhà nguyện và đền đài được tái tạo theo các nơi ở Giêrusalem. Cách riêng, Chân Phước Lm Álvaro ở Córdoba (Dòng Đa-minh) đã truyền bá lòng sùng kính này tại Âu châu, bắt đầu từ Córdoba, nơi mà ngài xây dựng các nhà nguyện giống kiểu các chặng Đàng Thánh Giá ngày nay.
Lm William Saunders cho biết: “William Wey, một khách hành hương người Anh, đã đến Thánh Địa năm 1462, được coi là người đã khởi xướng cách dùng thuật ngữ ‘chặng’ (station)”. Ông mô tả theo cách mà khách hành hương theo chân Đức Giêsu Kitô. Thuật ngữ này trở nên phổ biến trong Anh ngữ quốc, và cuối cùng được áp dụng cho các chặng Đàng Thánh Giá tại các nhà thờ.
Thế kỷ XVII, các tu sĩ Dòng Phanxicô bắt đầu xây dựng các “chặng” trên vách tường nhà thờ và xin phép Tòa Thánh. Ngoài ra, họ muốn các tín hữu cũng được hưởng các ân xá như những người đi đến Giêrusalem. ĐGH Innocent XI nhận thấy nhu cầu chính đáng và chấp thuận, đồng thời ban ân xá cho những người đi Đàng Thánh Giá như chúng ta biết ngày nay.
Cuối cùng, các sử gia không thể biết có một người có công đối với các chặng Đàng Thánh Giá. Qua các thế kỷ, nhiều người đạo đức noi gương Đức Mẹ đi theo dấu chân của Chúa Giêsu, suy niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Ngài. Đó là truyền thống tốt lành được phát triển từ năm này qua năm nọ.
PHILIP KOSLOSKI
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ aleteia.com)