GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Ai đưa tôi về?

Ai đưa tôi về?

 Dạy giáo lý xong, thong thả sải từng bước chân trở về nhà, lồng ngực căng phồng hít lấy làn khí mát mẻ của vùng cao nguyên trong lành, chợt giật mình khi người bạn gần phòng đón ngay cổng vào: “Nè, sao đi về một mình, không ai đưa về hả?”

Cái tên này lạ thiệt – tôi thầm nghĩ – đã là người đi tu thì về hay đi đều chỉ có một mình chứ làm gì có bóng hồng nào đi kèm nữa? Lại còn cười cười như trêu ngươi nữa chứ!

Vậy mà câu hỏi nghịch ngợm của hắn cũng khiến mình suy nghĩ nhiều trước khi lên giường nghỉ đêm!

Đương nhiên, là người đáp lại ơn gọi sống độc thân thánh hiến, tôi không nghĩ đến việc tìm một người “đồng hành” như các bạn trẻ chọn sống đời hôn nhân thường làm, nên tôi chẳng băn khoăn và buồn bã khi nhiều năm nay vẫn ở trong tình trạng “độc thân vui tính”. Nhưng điều khiến tôi bận tâm lúc này, chính là: Chuyến đi cuối cùng của đời tôi, ai sẽ là người đưa tôi về Nhà Cha? Thật hữu lý khi nghĩ đến việc này, nhất là trong tháng 11, thời gian được gọi thân thương là “mùa cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời”!

Tôi từng chứng kiến cuộc ra đi của một người mẹ có đến tám người con, trong đó đứa út đang ở nước ngoài! Gần 80 năm cuộc đời, người mẹ này sống tròn bổn phận làm gương mẫu cho đoàn con, cũng như sống hiền hòa dễ thương với những người lân cận, những tưởng lúc được Chúa gọi về thì bà sẽ có một cái chết đẹp: xuôi tay nhắm mắt!

Thế mà, mặc cho bà đã ra đi trong êm ái, không đau đớn, không phiền muộn ai và chẳng ai phải phiền trách bà, nhưng tay bà đã xuôi mà mắt chưa thể nhắm. Bà như vẫn đang đợi chờ một kết thúc hoàn hảo nào đó. Người ta nói rằng, bà đang đợi người con út trở về nhìn bà lần sau hết! Tay đã xuôi, nhưng mắt vẫn tha thiết, khắc khoải đợi chờ một bóng hình!

Mãi đến khi cậu út trở về đưa tay vuốt mắt cho bà, thì lúc đó khuôn mặt người quá cố dường như giãn ra với một nụ cười mãn nguyện, bà đã an tâm lên đường trong chuyến đi cuối cùng của đời người!

Còn nhớ câu chuyện người bạn đại học kể nhiều năm về trước, ba của anh ta định cư tại Mỹ, trước khi qua đời hằng mong mỏi được trở về quê hương để thưởng thức một món ăn dân dã vùng Quảng Nam, nơi ông sinh ra và lớn lên! Sự khao khát của ông cụ thật là mãnh liệt, tiếc rằng ông không kịp về quê để thưởng thức hương vị quê nhà một lần trước khi đi xa mãi mãi! Ông ra đi với một ước mong còn dang dở!

Mình hỏi bạn: “Phải chăng đó là một món ăn đặc sản quê cậu?” Bạn cười, trả lời rằng: “Món đó chẳng hấp dẫn gì cho lắm, thời nay, con nít cũng chẳng thèm đụng đũa khi thấy nó!” Mình tròn xoe mắt, càng ngạc nhiên hơn! Để giải tỏa sự thắc mắc lớn lao của mình, bạn vội đưa ra đáp án: “Ba của tớ ao ước được ăn lại món đó, chẳng phải vì nó ngon, mà vì nó gắn liền với kỷ niệm đẹp thời thanh xuân, đó là món ăn đầu tiên của chàng sinh viên nghèo đãi cô bạn gái xinh đẹp mới quen (chàng nghèo chỉ có đủ tiền để mời cô ấy món quà dân dã và rẻ như vậy mà thôi!).

Ra vậy, trước lúc từ giã cõi đời tạm này, ông cụ vẫn mang trong tim hình bóng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ đã ai quên” (thơ Thế Lữ), chứ nào phải đâu vì ước một món ăn!

Một người mong mỏi con trai mình đã sinh thành dưỡng dục, người kia lại ấp ủ trong lòng bóng hình người yêu!

Khi từ giã cõi đời này, người thì mong gặp được người thân trong gia đình lần cuối, người lại mang theo kỷ niệm đẹp (nhưng chính xác là mong cùng đi với người đã làm nên một nửa cuộc sống mình), còn tôi, một người đang hạnh phúc trong hoàn cảnh “vui tính mà vẫn độc thân” thì sẽ mong mỏi được ai đưa tiễn lên chuyến tàu cuối cùng cuộc đời?

Chưa kịp giải đáp cho câu hỏi trên, thì một ưu tư khác đã ập đến trong tâm trí: “Khi trở về với Cha nhân hậu trên trời, thì tôi sẽ mang theo hành trang nào đến gặp Ngài?”

Hai vấn nạn lớn mà tôi vẫn chưa tìm được đáp án chắc chắn, thì này đôi mắt đã nặng trĩu và một giấc ngủ sâu chiếm lấy cơ thể đang mệt mỏi của tôi! Trong giấc ngủ vùi, tôi nghe văng vẳng lời ca: “Chúa là gia nghiệp đời con!”

NNN

Exit mobile version