Đời sống cần có một tấm lòng
Thật vậy, tấm lòng nhân ái của những người như chị Tư Bến Tre đã cứu được mạng sống của rất nhiều người. Vì thế, tác giả tiếp tục viết: “Nghĩa cử hào hiệp của người cho đã mang lại cuộc đời mới cho những bệnh nhân đang sống trong ngắc ngoải, đau đớn vì bệnh tật. Thân thể họ tuy về với cát bụi nhưng nội tạng của họ vẫn còn đang hòa cùng nhịp sống với những người xa lạ gọi họ là ân nhân. Như trường hợp bà Trần Thị H., 68 tuổi (Bình Dương), bà Đào Thị T., 54 tuổi (Q.8, TPHCM), chủ doanh nghiệp đã hiến thận để cứu được bốn bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Gần đây nhất, bệnh viện Chợ Rẫy đã “đổi đời” cùng lúc cho bốn bệnh nhân dựa trên nguồn thận từ hai nam thanh niên 22 tuổi và 28 tuổi bị chết do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt.”
Bạn thân mến, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng trải nghiệm: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.” (Bài Hát Để Gió Cuốn Đi) Phải chăng những tấm lòng của “những người hùng thầm lặng trên đây” đang thổi vào trong tâm trí chúng ta những nghĩ suy về giá trị của tình người? Bởi thế, một tác giả đã cảm nhận thế này: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Câu hỏi trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ nằm mãi trong suy nghĩ của tôi, theo tôi trên cả một chặng đường dài. Hôm nay trời mưa, mưa dai dẳng và rất lớn, mưa táp vào mặt đau rát, vậy mà tôi chẳng để ý tới trời mưa, chỉ nghĩ tới những con người có tấm lòng nhân ái, bỏ công sức ra giúp ích cho cuộc đời.” Vậy, tấm lòng mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói tới là gì?
Một tấm lòng biết ơn và biết nghĩ đến người khác
Trước tiên, “một tấm lòng” mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói đến là lòng biết ơn và quan tâm đến người khác. Điều này đã được kiểm chứng nơi cuộc đời và con người của chị Tư Bến Tre trong câu chuyện vừa kể trên. Chị là người phụ nữ thầm lặng giữa đời thường với cái nghề làm thêm là nuôi bệnh. Dù là người phụ nữ bình thường nhưng tấm lòng của chị thật phi thường đáng trân trọng. Bởi vậy, tác giả viết bài báo về chị đã nhận định: “Gia tài của chị dường như chẳng có gì đáng giá nhưng tấm lòng hào hiệp của chị khó ai sánh bằng. Chị kể, chị còn sống đến nay là nhờ các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã sinh ra chị lần hai sau khi mổ lấy khối u thành công trong não… Để tạ ơn ân nhân không biết mặt, chị đăng ký hiến xác. Chị cũng đề nghị bệnh viện cho chị được hiến bộ não của mình cho bệnh nhi bại não… Nếu bây giờ có sinh viên nào bị mù mà vượt khó học tập, giúp ích cho đời, tôi sẵn sàng hiến giác mạc của mình ngay.”
Thật vậy, lòng biết ơn và quan tâm đến người khác là giá trị thật đáng trân quý trong đời sống hôm nay. Bởi vậy, ca dao Việt Nam có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.” Thế nhưng, thực tế cuộc sống thường có những điều éo le ngược lại. Con người thường chỉ nghĩ đến bản thân. Vì thế, xã hội mới có những kẻ vong ơn, những kẻ “ăn cháo đá bát”. Đó là những đứa con bất hiếu với cha mẹ. Đó là những người trẻ sống ích kỷ chẳng quan tâm đến người khác. Đó là những người giàu có về vật chất nhưng lại nghèo về tấm lòng. Vì vậy, đời sống này cần có một tấm lòng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói đến. Tấm lòng ấy làm nên nhiều nét đẹp cho đời cho người. Tấm lòng ấy sẽ không mất đi nhưng tồn tại mãi trong trái tim của con người bao thế hệ.
Một tấm lòng hy sinh và phục vụ người khác
Tiếp đến, đời sống này cần một tấm lòng hy sinh và phục vụ người khác như chị Tư Bến Tre. Chị đã hy sinh thời gian, sức khỏe để phục vụ nhiều bệnh nhân nghèo khổ. Trên trang dantri.com.vn, tác giả Lê Kiên có đăng bài viết với tựa đề “Lão bà 88 tuổi nhặt rác nuôi 30 người con rơi”. Tác giả viết như sau: “Cụ bà Lou Xiaoying (88 tuổi), sống ở Kim Hoa, miền Đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc suốt những năm qua kiếm sống bằng nghề lượm rác thải. Bà cùng với người chồng kế ông Zin Li (chết 17 năm trước) mặc dù sống nghèo khó, nuôi thân không đủ nhưng 2 người đã mở rộng vòng tay cứu giúp những đứa trẻ bỏ rơi và còn nhận những đứa trẻ làm con.” Cụ bà Lou Xiaoving đã tâm sự cảm động: “Mặc dù tôi đã già rồi không còn đủ sức để nuôi thêm nữa nhưng tôi không thể đứng nhìn một đứa trẻ bỏ rơi trong thùng rác mà không cứu. Nó trông rất tội nghiệp, tôi đã đưa nó về nhà nuôi.”
Bạn thân mến, đời sống này cần lắm những tấm lòng nhân ái như chị Tư Bến Tre, như cụ bà Lou Xiaoving. Thiết nghĩ đó cũng là những hạt giống Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn gieo vào mảnh đất tâm hồn mỗi Kitô hữu chúng ta. Hạt giống biết ơn và quan tâm đến người khác. Hạt giống hy sinh và phục vụ tha nhân. Ước gì những hạt giống và tấm lòng nhân ái như thế sẽ được “gió cuốn đi” để mang đến cho đời cho người hôm nay.
Tâm Thương
tgpsaigon.net