Đức tin và Lý trí

1005

Đức tin và Lý trí

“Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”.
(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Fides et ratio”)

I/ Dẫn nhập

Thế giới đang ngày càng phát triển, nhân loại chúng ta được diễm phúc chứng kiến sự tiến bộ không ngừng của các công trình khoa học kỷ thuật. Sự phát triển đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú hóa đời sống tinh thần con người. Tuy nhiên, dưới nhãn quan tư tưởng, những phát minh mới đầy táo bạo của khoa học lại liên tiếp tạo ra các vấn nạn khác buộc triết học và thần học phải giải quyết. Trong mối tương quan giữa con người với thế giới vạn vật, với vũ trụ, với đồng loại và với Thượng Đế, thì lĩnh vực “Đức tin và lý trí”luôn là đề tài nóng bỏng được đề cao hơn hết. Xuyên suốt chiều dài lịch sử tư tưởng nhân loại, mối quan hệ giữa hai phạm trù này mỗi lúc một khác. Có thời kỳ tưởng chừng như chúng chẳng có quan hệ gì với nhau thậm chí có lúc xem ra mâu thuẫn, xung khắc đến không thể cùng tồn tại bên nhau. Khi Triết học thắng thế thì Thần học chỉ là thần thoại, là thứ yếu; ngược lại khi Thần Học lên ngôi thì Triết học là tôi tớ, là nữ tỳ và bấy giờ lý trí phải phụng sự đức tin, khoa học phụng sự tôn giáo. Nhưng ngày nay, Đức tin và Lý trí đã là người cùng một nhà. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Fides et ratio” Ngài mở đầu bằng một nhận định: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”. Để làm sáng tỏ lời nhận định này, chúng ta xin mượn tư tưởng của hai con người, hai triết gia và thần học gia sáng giá, đồng thời cũng là hai vị thánh lớn trong Giáo Hội, được mệnh danh là hai “tiến sĩ thiên thần” để làm bằng chứng: Augustinô và Thoma Aquinas. Qua đó, giúp chúng ta hiểu biết hơn tương quan đích thực giữa“Đức tin và lý trí”.

Trước khi giải quyết vấn đề, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về nghĩa của hai phạm trù “Đức tin” và “Lý trí” mà các sách từ điển cũng như các triết gia định nghĩa.

1/ Đức tin là toàn bộ con người gắn bó với Thiên Chúa qua  mặc khải. “Đức tin gồm một sự gắn bó trí tuệ và của ý chí đối với mặc khải mà Thiên Chúa đã thực hiện về bản thân Ngài qua các hành động và các lời của Người. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa: “Đức tin chỉ hồng ân siêu nhiên được ban cho tín hữu để họ gắn bó trọn vẹn và tự do với Thiên Chúa, và đón nhận những chân lý do Ngài mặc khải trong Đức Kitô”. Như thế, Tin” không chỉ là hành vi lý trí nhưng còn là hành vi tự do nữa. Tin không chỉ là hành vi nhận biết thuần lý mà còn là sự thuận tình của con tim nữa”.

2/ Lý trí “là khả năng suy luận dựa trên các nguyên lý cơ bản”. Một cách hiểu khác thì: “Lý trí là khả năng hiểu biết tri thức một điều duy nhất bằng nhận thức trực tiếp, là khả năng tri thức một điều gì bằng các lập luận nối tiếp nhau”. Sách từ điển định nghĩa: “Lý trí là khả năng xem xét và đánh giá các sự việc dựa trên các lẽ tự nhiên, có được do bẩm sinh và kinh nghiệm”.

3/ Hai phạm trù “Đức tin và Lý trí được quan tâm trong lịch sử tư tưởng nhân loại

Chúng ta biết rằng, con người qua muôn thế hệ vẫn không ngừng khao khát tìm kiếm chân lý và tìm về cội nguồn, cùng đích của đời mình. Nói một cách có lý như Socrates: “Cuộc sống chỉ có giá trị khi ta vừa sống vừa khảo sát”. Chỉ khi “khảo sát và truy tìm sự hiểu biết chân lý, chúng ta mới có thể nếm trải mùi vị tươi nguyên nhất của cuộc đời”. Nhờ đó mà ta có thể khám phá ra được những “chân trời rộng lớn” và đưa đến những cái nhìn thấu suốt, nhất quán cho trí hiểu biết và khả năng nắm bắt chân lý của mình. Bởi vì thế giới bao la xinh đẹp và trật tự này dù rất gần gũi bên con người nhưng nó dường như đang bị che phủ bởi một tấm khăn huyền nhiệm. Đằng sau tấm khăn đó, mọi bí ẩn của nó vẫn còn bị dấu kín. Con người dù đã đặt chân tới cung trăng, tiến dần vào các vì sao, khám phá dưới đáy biển thẳm sâu và thăm dò trong lòng đất, hay tiến xa về mặt tri thức, nhưng càng ngày con người càng nhận ra giới hạn vô cùng của mình trước biển cả tri thức bao la. Khoa học kỷ thuật càng tiến bộ, nó càng cho con người thêm nhiều sửng sốt, kinh ngạc về mọi cái, “trong lúc những gì con người biết và nhận thức được mới chỉ đạt khoảng 4% so với những gì họ chưa biết”.

Đã có những quan điểm cho rằng đức tin và lý trí không có liên quan gì với nhau, nhưng lại có những quan điểm cho rằng đức tin và lý trí có liên hệ mật thiết với nhau. Dựa vào những thành tựu khoa học hiện đại đóng góp, mà nhiều người huênh hoang cho rằng các huyền thoại và mọi niềm tin về tôn giáo sẽ vĩnh viễn chấm dứt, nhân loại sẽ tự động vượt thoát khỏi những lệ thuộc tôn giáo để chỉ tin vào sức mạnh vạn năng của lý trí và khoa học. Như nhà khoa học Berthelot đã ngang nhiên xác quyết: “Thế giới này không còn huyền bí nữa […], khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời”. Nhưng nhà bác học Albert Einstein lại khẳng định: “Điều đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được chính là khía cạnh huyền bí của cuộc đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của khoa học và nghệ thuật đích thực”. Dù con người có phủ nhận chân lý của tôn giáo, thì chân lý vẫn mãi là chân lý, nó luôn tồn tại. Một khi con người chối bỏ niềm tin này thì chắc chắn lại tạo ra niềm tin khác nơi họ.  “Không thể có vô thần cách tuyệt đối”.

Thời kỳ các Thánh Giáo Phụ và các nhà Kinh viện, ta thấy có một sự miệt mài trong việc cố gắng tùm kiếm những điểm tương đồng giữa “Đức tin và Lý trí”. Với Thánh Justin thì triết học biện minh cho đức tin, lý trí phục vụ đức tin. Ngài đặt vị trí quan trọng cho Triết học là bảo vệ chân lý. Lập trường của Ngài là chấp nhận mọi chân lý, dù nó đến từ đâu. Ngài quy sự suy từ triết học phải được dẫn tới lòng kính sợ và tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài quan niệm “Logos” là trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới. Logos chính là Ngôi Lời nhập thể nơi Đức Ki-tô mà thánh Gioan đã ghi lai trong Tin Mừng: “Là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đối với Thánh Cle’ment thì triết lý và đức tin không hề có sự nghịch nhau. Ngài trình bày đức tin công giáo như là một triết lý chân chính. Tri thức và đức tin có sự thống nhất, mặc dù ưu thế nghiêng về đức tin. Thánh nhân cho rằng không có đức tin thì không có tri thức, ngược lại nếu đức tin không có lý trí, tri thức thì tự như một nền móng mà không có nhà trên đó vậy. Thánh Tertullien thì khác hẳn, quan điểm của Ngài là hạ thấp lý trí để làm nổi bật đức tin. Ngài cho rằng đức tin không thể đón nhận bằng lý trí và xem các triết gia như là ông tổ của những người lạc giáo.

Chúng ta biết, bao lâu con người còn thì bấy lâu suy tư, triết lý, và sự thừa kế tư tưởng hãy còn. Sự thừa kế liên tục qua các thế hệ, tạo nên hệ thống triết lý tư tưởng, nhất là ngày càng đưa lại cái nhìn mới hơn về vũ trụ, con người và Thượng Đế. Nhà văn Nguyễn Khải cũng đã nhận định: “Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp, vì sự vận động của nó luôn nhắm tới cái thật cao và thật xa. Càng có tuổi thì cái nhu cầu hướng tới cái tận thiện, tận mỹ, thậm chí tới cái vô cùng càng mãnh liệt”. Đức tin là cái vô cùng quan trọng mà con người không ai ý thức hết. Nếu phủ nhận đức tin, con người chỉ còn lại lý trí hẹp hòi. Hoặc nếu có đức tin mà đặt không đúng chỗ, hay đức tin ấy do một lý trí mù quáng đưa dẫn thì tình trạng còn khốn nạn hơn. Trong thông điệp “niềm tin hy vọng Kitô giáo”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nêu cao bản chất, giá trị và vai trò của lý trí, khi Ngài nói: “Lý trí là hồng ân cao quý Thiên Chúa ban,… lý trí mở ra với những sức mạnh cứu độ của đức tin”.

ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THÁNH AUGUSTINO

Augustino là một đại thánh, tài giỏi đến nỗi K.Jaspers đã nhận định về Ngài rằng: “Trong số các Giáo Phụ, Augustino là người sáng giá nhất, vượt trội hẳn. Đọc trước tác của ông là nhìn ra được triết lý Kitô giáo”. Hay “Thánh Augustino là nguồn suối mà các nhà tư tưởng ngày nay muốn mạo hiểm vào những niềm sâu xa của tâm hồn vẫn còn khai thác”. Thánh nhân sinh ngày 13.11.354 tại Thagasta miền Numidie. Mẹ là hiền mẫu Monica và cha là một người ngoại giáo. Tuổi trẻ học rất xuất chúng trên đường học hành, với một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, thuở thiếu thời, lại là một kẻ ăn chơi phóng túng, sinh con trước hôn thú và theo bè rối. Nhưng sau khi trở lại, Augustino là một người vượt trội mọi mặt, đặc biệt là con đường tri thức.

1/ Quan niệm về đức tin và lý trí

Mặc dù nhiều người quan niệm Origen là “cha đẻ’ của nền thần học hệ thống, nhưng thật ra chính Thánh Augustino mới là người đã gây được ảnh hưởng lớn lao đối với việc phát triển nền thần học hệ thống Kitô tại Tây Phương. Ngài quan niệm rằng “khôn ngoan và hạnh phúc con người là mục tiêu tri thức, lý trí nhắm tới”. Thánh nhân ảnh hưởng sâu sắc bởi sách ngôn sứ Isaia với câu: “trừ phi ngươi tin, ngươi sẽ không hiểu” (Is 7,9). Khởi đầu cho mối quan hệ giữa hai mệnh đề đức tin và lý trí, rằng chúng có sự hỗ tương cho nhau. Đức tin giúp tìm kiếm sự hiểu biết và sự hiểu biết được tìm kiếm trên nền tảng đức tin. Cả hai không loại trừ nhau. lý trí giúp ta thấy được các chân lý mình tin là không đi ngược với lý tri. Ngài nói:[Intellige ut credas, crede ut intelligas – “Hãy hiểu để tin và hãy tin hiểu để”]. Tư tưởng này được Thánh Anselmo giải thích rõ trong tác phẩm Proslogion “Tôi không đi tìm sự hiểu biết để tin nhưng tôi tin để nhờ đó mà hiểu. Vì tôi tin cả điều này nữa, đó là tôi sẽ không hiểu được gì, trừ phi tôi tin”. Như thế, với Thánh Augustino thì giữa lý trí và đức tin có sự tác động biện chứng và gắn kết với nhau không tách rời. Nhờ có lòng tin, con người đón nhân và gắn bó với Thiên Chúa, và nhờ có lý trí nên con người có thể am tường được Thiên Chúa là Đấng là nguyên nhân mọi sự. Với câu nói: “Đức tin và lý trí như đôi cánh” cách nào đó ta thấy tương đồng với ý nghĩa câu nói mà Thánh Augustino đưa ra là “hiểu để tin và tin để hiểu”.

Nếu ở vế thứ nhất: “hãy hiểu để tin”, nghĩa là điều mình tin nó đã là một thực tại rõ ràng, hoặc một thực tại mà ta đã thấu đáo, đụng chạm. Đối với những người chưa có đức tin quả là một vấn nạn rất nan giải. Tuy nhiên, cũng không hiếm những người trên hành trình tìm kiếm tri thức, khám phá chân lý, mãi mê chinh phục thiên nhiên, đã bắt gặp được chân lý đức tin. Chẳng hạn như trường hợp tiến sỹ vật lý Phan Như Ngọc. Ông đã gặp được chân lý đức tin nhờ quan sát, nghiên cứu vũ trụ và tiếp cận với những nhà tư tưởng lớn như Newtơn, Einstein… Tiến sỹ Fancis S. Collins người Mỹ, giám đốc giải mã gen người, qua hàng chục năm nghiên cứu trình tự AND đã viết ra cuốn “ngôn ngữ của Chúa” rất nổi tiếng. Đến như Newtơn, ông cũng đã thốt lên khi bắt gặp điều kỳ diệu vượt quá lý trí của mình trước vũ trụ bao la xinh đẹp mà ông nghiên cứu rằng: “Tôi Thấy Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi”. Như thế, với những người đã có đức tin thì nhờ tìm hiểu mà thêm mạnh mẽ về đức tin qua kho tàng mạc khải trong Kinh Thánh hoặc qua vũ trụ, qua chính bản thân con người mình… Còn ở vế thứ hai: “hãy tin để hiểu”, để nói đến những chân lý cao siêu, trước khi hiểu biết về những chân lý ấy thì hãy chấp nhận nó như chính bản thân nó. Bởi vì nếu thấu hiểu rồi thì đâu còn gọi là tin. Khi đứng trước những chân lý mà bản thân ta chưa một lần kinh nghiệm được, nhưng đã có những con người đáng tin cậy nói cho ta, thậm chí họ dùng cả tính mạng để bảo đảm về điều đó hoặc do những chân lý khác làm nền tảng, thì trước khi khám phá những chân lý ấy, ta hãy khiêm nhường chấp nhận nó. Thư gửi Do Thái đã ghi rõ: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã cho biết: “Ngay bây giờ đức tin đã cho chúng ta điều gì đó của thực tại được mong chờ, và thực tại hiện tại cho chúng ta một bằng chứng về những điều chúng ta chưa thấy” (Spe salvi 7). Chỉ những điều ta chưa thấy, nhưng có thể ta được lý trí mách bảo rằng điều ấy đáng tin cậy, thì bấy giờ ta không cho điều đó là phi lý nữa. Lý trí tự nó có thể nhận ra được chân lý vĩnh cửu nhưng cần phải có sự trợ giúp của ánh sáng từ trên.

Augustino là một con người sống bằng lý lẽ trước khi Ngài sống đức tin, nhưng trong tri thức luận của Ngài về hai mệnh đề “Đức tin và lý trí” thì ưu thế có thiên về đức tin hơn. Để kiểm chứng điều này, ta nhìn lại cách Ngài đã dùng quan điểm và lập trường của mình để đả kích và tố giác chủ trương nhị nguyên siêu hình của thuyết Manichée cũng như chủ trương phiếm thần của nó thì rõ. “Manichée khẳng định hai nguyên lý khác biệt và đối lập nhau, nhưng cũng là vĩnh cửu và đồng vĩnh cửu, nghĩa là đã luôn luôn hiện hữu”. Trường phái này không chấp nhận đức tin, họ muốn nhấn mạnh đến lý trí của con người.  Nhưng đối với thánh Augustino thì đức tin đi trước nhận thức. Điều mà sau này Whitehead đã nói cách mạnh mẽ “nếu không có đức tin thì có thể không hề có khoa học hay nhận thức nào”. Như thế, ĐứcTin vượt trên cả mọi toan tính của con người, trên cả lý trí, vì tin không thể đồng nghĩa với thấy hoặc đã hiểu biết đầy đủ, tin là chấp nhận cách vô điều kiện.

Thánh Augustino viết: “Điều làm cho con người vượt trội trên con vật là lý trí, hay tâm trí hoặc trí hiểu”. Tuy con người là thực thể có lý trí, nhưng không phải khi nào cũng giải quyết công việc bằng lý trí. Bất cứ ai cũng phải tin vào một điều gì đó, vì không ai tự mình biết hết tất cả mọi sự. Thuở bé, chưa có đủ trí khôn để suy biết thì đặt niềm tin tưởng nơi ông bà, cha mẹ, thầy cô. Lớn lên, thì đặt niềm tin vào cuộc sống, vào những định luật, quy luật thiên nhiên, toán học hay thiên văn do kinh nghiệm hay sách vở dạy. Đến như các nhà khoa học, các nhà tri thức dựa vào lý trí, dựa vào sự hiểu biết của mình, họ cũng phải tin vào các định đề, nguyên tắc mà các nhà khoa học trước đó để lại. Phương chi, phần đông những tầng lớp bình dân, thì hầu như họ sống chủ yếu chỉ dựa vào niềm tin mà không mảy may thắc mắc điều gì. Lý trí của con người không thể nào hiểu thấu hết về thế giới và những thực tại nói chi đến thế giới vô hình. Bởi có những chân lý vượt quá sức, vượt quá giới hạn hiểu biết của lý trí con người. Khi đứng trước những thực tại đau khổ vượt quá sức con người, như động đất, sóng thần, bệnh tật và sự chết, thì chỉ có đức tin mới có thể giải đáp được phần nào những vấn nạn đau khổ ấy. Augustino đã ý thức được: “cần phải có một uy quyền phân biệt với lý trí, để có thể sở hữu được chân lý. Đó là Kinh Thánh hay Hội Thánh. Chấp nhận Kinh Thánh và Hội thánh đó là quy phạm của đức tin và chân lý, nơi sự hoán cải tinh thần của Ngài”. Tuy nhiên, đức tin mới chỉ là điều kiện tiên quyết, chứ chưa phải là điều kiện đủ của nhận thức và chiếm đoạt chân lý. Con người không chỉ tin mà còn phải tìm hiểu, biện phân và nhận định thực hư về những điều mình tin nữa. Tin đòi hỏi một sự hiểu biết nào đó. Hiểu được điều này hơn, ta đi tìm hiểu con đường khám phá chân lý bằng lý trí của Thánh Augustino xem thế nào?

2/ Con đường đi tìm chân lý bằng lý trí

Thánh Augustino tuy có một cuộc sống phóng túng, chơi bời sa đọa, tận hưởng vui thú nhục dục cùng những đam mê sai trái, nhưng ngài rất say sưa miệt mài trong việc tìm kiếm chân lý và một triết lý sống cho mình. Hành trình tìm về chân lý của Augustino bắt đầu khi ngài đọc cuốn Hortensius của Cicéron, cuốn sách khuyến khích Ngài trở về với triết học. Ngài đã quyết định lấy chân lý làm lý tưởng sống. Thánh Augustino ghi lại: “Tất cả những hy vọng hão huyền của tôi bỗng chốc trở thành vô giá trị. Với một lòng hăng say khôn tả, tôi khao khát sự không ngoan bất diệt. Tôi đã bắt đầu đứng đậy đi về nhà Cha”. Với một thời say mê thuyết nhị nguyên của phái Manichéisme, chủ trương: “chân lý phải luôn trên môi miệng”. Điều đó không làm cho ngài thỏa mãn nên Ngài đã bước theo thuyết hoài nghi của Nouvelle Académie, với chủ trương không thể đạt tới chân lý, hoặc may ra thì chỉ gần với chân lý mà thôi. Đến lúc gặp được St. Ambroise, chịu ảnh hưởng bởi St. Ambroise và trường phái Tân Platon, mọi thứ của hoài nghi thuyết lại chấm dứt. Thuyết Plotin giúp cho Augustino thấy được con người có khả năng đạt đến chân lý khả tri thuần túy và xa lìa được những liên hệ thực tại thể xác. Dù thế, Ngài vẫn chưa dứt bỏ được ham muốn xác thịt và sự cường loạn trong thân xác lúc này. Rồi dần dần, trên con đường tìm về chân lý bằng lý trí đã đưa Augustino đạt tới đức tin. Ngài biết, tự sức riêng con người không thể đạt tới chân lý vì bị một vực sâu thẳm ngăn cách khiến lý trí không thể vượt qua được. Lý trí chỉ có thể đóng vai trò chẩn bị trong việc chinh phục chân lý toàn diện. Nên cần phải có một ánh sáng cứu độ khác nữa ở ngoài vào. Đó chính là bước đi của đức tin. Augustino bị đánh động bởi thư Phaolô: “nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết (Rm8,13)… hãy mặc lấy Đức Giêsu và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn dục vọng” (Rm 13,14), đọc xong đoạn trên “lập tức linh hồn Augustino được chan hòa ánh sáng của một chân lý chắc chắn. Biến cố này làm thay đổi cả cuộc đời Augustino. Thánh nhân đã nói: “Lạy Chúa, vì Ngài đã giác ngộ con, nên từ đây con không còn ham muốn một người đàn bà nào nữa hay một sự vật gì có thể gây cho con hy vọng trần tục nữa”. Chính những biến cố ấy đã đưa thánh nhân đến việc lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Nhờ đó, mọi tàn tích của triết lý bấy lâu ảnh hưởng trong tư tưởng và cuộc đời ngài được tẩy sạch. Từ đây, đam mê suy tư triết lý đã biến thành một niềm tin sắt đá và hăng say khám phá các chân lý mặc khải. Ngài chuyển đổi việc suy từ những triết lý sang việc suy tư thần học và khám phá Kinh Thánh. Giờ đây, “đức tin đối với ngài còn quan trọng hơn bất cứ sự hiểu biết nào”. Tin vào Chân lý mà lý trí minh định được tính lịch sử cụ thể có thực. Chân lý đó diễn tả nơi cuộc sống của Đức Giêsu, nhân vật lịch sử có thật, bằng cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài.

3/ Liên hệ biện chứng giữa đức tin và lý trí

Với Augustino: “Tin tưởng là suy tư bằng một sự đồng ý”. Một con người không có khả năng suy tư thì cũng không có khả năng tin tưởng. Vì vậy hãy yêu mến lý tính thật nhiều. Augustino muốn nhấn mạnh rằng: “hành vi của đức tin chính là một hành vi của lý trí”. Vì đối tượng của đức tin thì nằm xa xăm và u tối đối với lý trí, nên lý trí không thể suy biết được. Tin tưởng đòi hỏi phải được bổ túc bằng lý trí. Khi đã nhận lãnh đức tin thì lý tính và sự suy tư theo lý trí không còn là những yếu tố xa lạ hay đối nghịch với đức tin nữa. Ngược lại chúng còn bổ túc, hỗ trợ và có mối liên hệ qua lại để giúp con người đạt tới được chân lý. Về mối tương quan giữa lý trí và đức tin M. Nedoncelle đã nhận định như sau: “Augustino rất hay lặp đi lặp lại rằng triết lý đích thực thường phải là tôn giáo đích thực và thần học đích thực. Nếu triết lý là sự ham mê minh triết thì minh triết tuyệt đối lại chính là Thiên Chúa. Và chúng ta chỉ hiểu biết được Thiên Chúa bằng đức tin và đức tin thì gặp được mặc khải của Thiên Chúa”. Chủ trương Augustino là “khả năng suy luận của lý trí phải được phụng vụ cho sự am hiểu thêm đức tin”. Bởi chính “Thiên Chúa là Đấng ta vươn tới trong cuộc tìm kiếm vĩnh cửu”. Ảnh hưởng từ Platon và Plotine, Augustino quan niệm Thiên Chúa là chân lý, là cái thiện nguyên thủy và là sức sống của chính Ngài. Nơi Thiên Chúa, một chân lý tối thượng mà cả lý trí và đức tin con người đều nổ lực vươn tới để chiêm nghiệm, để cám nếm và chung sống.

Mối liên hệ giữa đức tin và lý trí đã được minh chứng một cách sinh động bằng chính đời sống của Augustino. Một thời trai trẻ chạy theo thú vui của tính xác thịt, đã không đem lại cho ngài niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực và viên mãn. Chỉ nhờ ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa, ngài mới nhận ra được chân lý đích thực. Chân lý đó chính là Thiên Chúa. Người là “đường, là sự thật và nguồn gốc của mọi chân lý” (Ga 14,6). Ngài đã nói lên bằng tất cả trí lòng Ngài: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, và lòng con khắc khoải không yên cho tới khi nào an nghỉ trong Chúa”.  Từ đây, Thánh Augustino đã sống một cuộc sống hoàn toàn đổi mới. Ngài giã từ lối sống cũ, lối sống phóng túng chạy theo những đam mê nhục dục, để minh chứng một cách chân thực Ngài đã tìm và gặp được chân lý nhờ ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa. Kết quả niềm tin đem lại cho thánh nhân, sự cảm nếm và chiêm nghiệm cách sâu sắc về chân lý vĩnh cửu. Chân lý mà bấy lâu nay ngài luôn luôn khắc khoải không ngừng để tìm kiếm. Thánh Augustino sẽ không thể gặp được chân lý mặc khải nếu như trước đây ngài không khao khát ước ao. Chính sự khao khát chân lý đã thúc dục lý trí của ngài phải suy tư và kiếm tìm. Tuy nhiên, chỉ với khả năng của lý trí thì không thể đưa đến sự hiểu biết những chân lý huyền nhiệm mà phải nại đến ánh sáng đức tin mới giúp Ngài khám phá, cảm nếm được chân lý. Thánh nhân nói: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”. Hay “Đức tin luôn đòi hỏi kiếm tìm hiểu biết những gì đã tin”. Theo Augustino, đức tin không đi ngược lại lý trí những có trước lý trí và vượt trên lý trí. Đức tin kích hoạt trí tuệ tiếp tục đi sâu vào mầu nhiệm: “Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin”. Vì thế, cả cuộc đời của thánh nhân là một minh chứng chắn chắn và sinh động cho câu nói “Đức Tin và Lý Trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”.

III/ THÁNH THOMAS D’AQUIN

Thánh Thomas D’Aquin sinh năm 1224 tại Rocca Secca, gần Naples. Thuộc dòng tộc bá tước Aquino, xét đàng nội là cháu vua Fédéric Barberousse. Phía ngoại, là cháu chắt của người Normands từ Bắc Âu tới. Như vậy, ngài kết tinh sự kiên trì người Đức, tính hào hiệp của người Pháp phía Bắc, trí khôn lanh lẹ người Latin. Những đức tính này được tăng cường do ba nguồn giáo dục: nền giáo dục Latin lúc lên 5 tại núi Cassinm, lúc lên 10-18 tại Naples; nền giáo dục Đức tại Cologne; và nền giáo dục Pháp tại Paris. Sau khi vào dòng Đaminh, ngài đã được học với thánh Alberto cả. Từ năm 1252 Ngài bắt đầu khởi sự cuộc đời vẻ vang của một nhà giáo cho đến lúc mất năm 1274.

1/ Vai trò của lý trí

Thánh Thomas D’Aquin chịu ảnh hưởng rất lớn từ triết học Aristote. Khác với Thánh Augustino, Ngài chủ trương đề cao lý trí trong việc nhận thức thực tại. Theo ngài, “lý trí là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để khám phá những chân lý Người đặt để trong công trình tạo dựng và cứu chuộc. Thomas cho rằng Thiên Chúa có thể mặc khải một số chân lý mà nguyên tắc lý trí tự mình cũng có thể tìm gặp. Nghĩa là lý trí có thể nhận biết chân lý mà không cần nại đến sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Thánh nhân đã đưa ra năm cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng con đường của lý trí. Ngài cho rằng mọi nhận thức phải bắt đầu từ kinh nghiệm về các đối tượng khả giác thay vì bằng các ý niệm bẩm sinh về sự hoàn hảo, dựa trên các ý niệm phát xuất từ sự hiểu biết của lý trí về đối tượng thông thường qua kinh nghiệm giác quan. Đặc tính chính của đối tượng khả giác là sự tồn tại của chúng đòi hỏi phải có nguyên nhân của nó. Dưới ánh sáng tự nhiên của lý trí, trí khôn biết được khi kinh nghiệm các biến cố, hậu quả phải có nguyên nhân, vì không có gì đến từ hư vô. Dựa trên phân tích các sự vật khả giác và trên tương quan sự tồn tại của chúng, đòi buộc phải có một chuỗi các nguyên nhân. Cuối cùng chắc chắn phải có một nguyên nhân đầu tiên hay nguyên nhân tối hậu chính là Thiên Chúa. Theo Thomas, trong lãnh vực đức tin luôn cần được lý trí khám phá, làm cho đức tin nơi người đó thêm vững chắc. Tất nhiên, lý trí có giới hạn của nó. Có những vấn đề của đức tin lý trí buộc phải chấp nhận, trước huyền nhiệm và mặc khải khác, lý trí phải cúi đầu bởi sự giới hạn của mình. Thômas là con người theo lối duy thực ôn hòa, luôn đề cao vai trò lý trí. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến Giáo Hội khi tiếp nhận quan điểm triết học của Ngài. Lý trí được xem như là quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho con người để nhờ đó mà tìm về với Ngài là cùng đích mọi sự. Tuy vậy, trong kho tàng chân lý mặc khải Thiên Chúa tỏ ra, có những điều chỉ dùng đến đức tin mới cảm thấu được. Lý trí theo khả năng tự nhiên không thể nào hiểu cách thấu đáo về Thiên Chúa và bản chất của Ngài. Lý trí có thể sai lầm, vì thế Thiên Chúa nhân từ đã muốn mạc khải những chân lý tự bản chất không vượt quá lý trí, để con người có thể thông phần vào sự sống tri thức của Ngài. Hơn nữa, con người được tạo dựng để hướng về Thiên Chúa, được mời gọi vượt lên trên chính mình, vượt qua những gì là khả giác để vươn tới Thiên Chúa bằng lý trí mà Chúa đã ban.

2/ Nơi Thomas hai phạm trù Đức tin và lý trí là có sự phân biệt

Thánh Thoma xác định “Đức Tin và Lý Trí” là hai lãnh vực riêng biệt cũng như Ngài đã phân biệt rõ ràng trật tự tự nhiên và trật tự ân sủng. Đức tin bao gồm tất cả những chân lý được biết nhờ ánh sáng mặc khải mà ta không thể biết được sự hiển nhiên nội tại của nó. Còn lý trí gồm tất cả những gì lý trí biết được hay có thể biết được một cách hiển nhiên nội tại bằng kinh nghiệm hoặc bằng chứng minh. Như thế, lý trí dựa trên khả năng suy luận tự nhiên còn đức tin dựa trên nền tảng mặc khải. Thomas cho rằng, đức tin vượt quá lý trí trong khả năng đạt tới những đối tượng siêu việt mà một lý trí tự nhiên sâu sắc nhất cũng không thể vươn tới được. Ngài viết: “Đức  tin là sự nếm trước của tri thức sẽ làm cho chúng ta được diễm phúc ở đời sau”. Đức tin vượt trên cả lý trí về khả năng đạt tới đối tượng siêu việt mà lý trí tự nhiên không thể nào vươn tới. Tuy nhiên đức tin không vượt quá lý trí về phương diện nhận thức. Có thể hiểu rằng đức tin là một loại kiến thức mờ tối. Đối với Thomas, không còn phải soi sáng những huyền bí của đức tin bằng lý trí như quan điểm của Augustino mà đã có sự phân biệt rõ ràng ranh giới giữa đức tin và lý trí. Chân lý thuộc lý trí là tất cả những chân lý đã biết được, hay có thể biết được cách hiển nhiên bằng kinh nghiệm. Trái lại, chân lý thuộc lãnh vực đức tin là tất cả mọi chân lý biết được bằng con đường mặc khải của Thiên Chúa.

Thánh Thomas cũng đã khẳng định sự khác biệt giữa đức tin và lý trí qua sự khác biệt giữa thần học và triết học: “Thần học là một môn học thuộc về lý thuyết thánh nên nó khác biệt theo chủng loại với thức thần học có một phần của triết học tham gia”. Tuy nhiên, không hề mẫu thuẫn hay tranh chấp gì giữa những chân lý của đức tin và những chân lý của lý trí. Triết học rút ra các kết luận từ sự mô tả duy lý của mình về bản chất sự vật. Thần học chứng minh kết luận của mình dựa trên thẩm quyền nơi tri thức mặc khải. Triết học và thần học không hề mâu thuẫn nhau, dù không phải mọi điều triết học bàn luận đều có ý nghĩa cho mục đích tôn giáo. Thần học đề cập tới những gì con người cần thiết cho sự cứu rỗi của mình. Điều mà lý trí tự nó có thể biết, thì đức tin hiểu theo nghĩa hẹp là không cần thiết, còn điều gì mà chỉ một mình đức tin có thể biết nhờ mặc khải, thì lý trí tự nhiên nó không thể nào biết được. Cả triết học và thần học đều bàn về Thiên Chúa, nhưng nhà triết học chỉ có thể suy luận Thiên Chúa hiện hữu chứ không thể suy tư dựa trên các đối tượng của cảm giác để hiểu bản chất cốt yếu của Ngài. Tuy nhiên, có một sự hợp nhất giữa đối tượng của triết học và thần học đó là chân lý. Thần học thì dựa trên đức tin, triết học lại dựa trên lý trí. Niềm tin vượt quá lý trí ở đối tượng còn lý trí vượt quá niềm tin ở phương cách. Mỗi bên có lãnh vực khác biệt và độc lập, nhưng lại luôn có sự tương hỗ bổ túc cho nhau trong việc tìm kiếm chân lý và thực tại tối hậu.

3. Sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí

Thời đại Thomas sống, tử tưởng Aristote ảnh hưởng một cách sâu rộng trong nền văn hóa của thế giới La tinh cả về nhận thức, khoa học tự nhiên, siêu hình, đạo đức học.v.v. Tư trưởng triết học Aristote được coi như có khả năng canh tân văn hóa một cách tích cực, mở ra nhiều chân trời mới mẻ, nên được tầng lớp giới trẻ chấp nhận. Trái lại, rất người sợ rằng tư tưởng ngoại đạo của Aristote đi ngược lại đức tin kitô Giáo. Điều này dẫn đến sự đụng độ giữa hai nền văn hóa: nền văn hóa tiền Kitô Giáo của Aristote dựa vào lý tính và bên kia là nền văn hóa Kitô Giáo cổ điển. Rất nhiều tranh luận đã diễn ra giữa các Đại học và Giáo Hội. Nhưng triết học của Aristote vẫn phát triển và phổ biến cách mạnh mẽ ở khắp nơi, cả trong giới bình dân. Trước vấn đề này, Thomas tìm cách dung hòa tư tưởng Aritote với niềm tin Kitô Giáo để không còn sự mâu thuẫn giữa triết học với chân lý đức tin. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Alberto, Thánh Thomas đã nghiên cứu Aristote và các nhà chú giải rồi chứng minh được mối liên hệ giữa lý trí và đức tin, giữa tư tưởng triết học của Aristote và niềm tin Kitô Giáo là có sự dung hòa và hỗ tương. Có thể nói: “Thánh Thomas đã rửa tội cho tư tưởng triết học của Aristote”. Danh hiệu do hậu thế tặng cho Ngài là: “Người thánh thiện nhất trong các nhà thông thái và thông thái nhất trong các vị thánh” thật rất xứng đáng. Bởi Ngài có công rất lớn trong việc dung hòa giữa lý trí và đức tin, đồng thời giải thích ánh sáng của lý trí và ánh sáng của đức tin đều phát xuất từ Thiên Chúa, nên không thể tương phản nhau. Thánh nhân cho rằng, lý trí có thể giúp ta hiểu mặc khải của Thiên Chúa. Đức tin không cần phải sợ lý lẽ, mà phải tín nhiệm nó. “Cũng như ân sủng hiểu ngầm tính tự nhiên và kiện toàn nó thì đức tin cũng hiểu ngầm và kiện toàn lý lẽ”.

Nhờ biết để đón nhận, học hỏi, kế thừa tư tưởng các triết gia khác trước và cùng thời. Thomas đã tổng hợp thành một hệ thống trung dung làm kho tàng triết thuyết quý giá cho mình. Ngài thu nhập tất cả những gì đến với ngài trong thái độ trân trọng và Ngài muốn tìm nền tảng triết lý để làm nên chân lý niềm tin. Đức tin một như là sự tập luyện tư tưởng, lý trí con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ giá khi công nhận nội dung của đức tin. Ngài cho rằng: “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động”. Như vậy, theo Thánh Thomas thì có sự hài hòa tự nhiên giữa đức tin và lý trí. Giữa thời điểm mà dường như đức tin phải đầu hàng lý trí, Thomas đã có thể chứng minh được rằng hai phạm trù ấy luôn đi đôi với nhau, dung hòa và bổ túc cho nhau. Bằng một đức tin vững vàng, sâu sắc cùng một tài năng xuất chúng, Thomas đã chứng minh rằng: đức tin Kitô Giáo và lý trí con người không những không mâu thuẫn mà lại bổ túc, soi sáng cho nhau. Cả lý trí và đức tin cùng giúp nhau mở ra những chân trời mới để đạt tới chân lý. Sự kết tinh tài năng với những tinh hoa trí thức đương thời nơi thánh Thomas, diễn tả cách sâu sắc sự hòa hợp lý trí và đức tin, giữa con người của khoa học và con người của niềm tin tôn giáo. Một trí năng siêu phàm trong một con người thánh thiện, một tâm hồn thiêng thánh nhưng rất lỗi lạc uyên thâm. Như vậy, nơi Thánh Thomas là một bằng chứng cho sự dung hòa giữa đức tin và lý trí. Cả lý trí và đức tin ấy đã cùng nhau giúp Ngài chiễm ngưỡng huyền nhiệm thánh thiêng nơi chân lý siêu phàm là chính Thiên Chúa, Đấng mà suốt cả cuộc đời Ngài gắn bó.

III/ NHỮNG ĐIỂM KẾT LUẬN

Hai phạm trù “Lý trí và đức tin” không chỉ là đôi cánh giúp con người vươn tới chân lý mà còn là hai nhân tố quan trọng giúp phát triển về mọi phương diện đời sống. Trong hoạt động sống của con người, không chỉ có cái biết của lý trí, nhưng còn là cái biết của con tim, lòng muốn, của kinh nghiệm. Tổng hòa mọi cái biết đó diễn tả cách sâu xa nhất khát vọng sống, khát vọng tự do, và nỗi khao khát tìm về với Đấng Tuyệt đối: “Chân – Thiện – Mỹ” nơi con người là đến vô cùng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ta có thể khẳng định: Trước thực tại siêu việt, mọi hiểu biết nơi con người phải dừng lại để nhường chỗ cho đức tin. Cái biết của “Lý trí” rất quan trọng nhưng nó chỉ có thể đưa chúng ta đến bến bờ của đức tin. Bởi nó không thể giúp con người vượt qua được các huyền nhiệm của đức tin. Chỉ có “Đức tin” mới có thể giúp thấu hiểuvà cảm nếm những điều mà người vô tín không hiểu thấu hay cảm nếm. Bởi “Đức tin” là huyền nhiệm của ân sủng, là tác động và sự sống Thiên Chúa mà trong tâm hồn những kẻ tin mới nhận thức được. Trong hai quan điểm phân tích trên thì quan điểm của Thánh Thomas khác trong cách nhìn về vai trò và mối tương quan giữa lý trí và đức tin. Nếu như Thánh Augustino đề cao ý chí, thì Thánh Thomas lại đề cao lý trí. Thánh Agustino chủ trương dung hòa giữa triết học và thần học, còn thánh Thomas lại phân định rõ rằng giữa hai lĩnh vực này. Triết học và thần học có một ranh giới, mỗi lĩnh vực có khả năng và trách nhiệm riêng. Chúng có thể hỗ trợ cho nhau trên con đường tìm kiếm chân lý. Lý trí giúp cho đức tin sáng tỏ hơn và vững chắc hơn. Đức tin làm nhiệm vụ chắp cánh cho lý trí đi xa hơn trong việc khám phá vũ trụ. Tuy nhiên, nếu quá đề cao đức tin sẽ làm hạn chế vai trò của lý trí. Mặt khác, đức tin và lý trí cả hai đều xuất phát từ Thiên Chúa nên không hề mâu thuẫn nhau.

Trên con đường tiến về chân lý, đức tin và lý trí đích thực phải là “đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên”. Hai phạm trù cùng tồn tại trong một con người cụ thể, nếu như một trong hai vắng mặt hay bị xem nhẹ ta khó mà đạt tới chân lý. Đức tin là món quà Thiên Chúa ban dù không dặt nền tảng trên lý trí, nhưng chắc chắn không thể không cần đến lý trí. Còn lý trí thì ngược lại, nó cần phải được đức tin củng cố năng lực mới có thể khám phá ra những chân trời xa rộng mà tự sức riêng nó không thể đạt thấu được. Đức tin không thể đi đôi với một lý trí yếu ớt mà lại có thể trở nên vững mạnh, mà “đức tin ấy sẽ tàn rụi dần để chỉ còn là hoang tưởng hoặc mê tín mà thôi” (Fides et ratio, 48). Cả đức tin và lý trí đều có tầm quan trọng không kém nhau, cả hai cùng giữ cho trí khôn con người được thăng bằng nhau như đôi cánh. Nhờ đó mà đạt tới chân lý đích thực là Thiên Chúa, nguồn phát xuất mọi chân lý. Quả thực Đức Thánh Cha Phaolô II, đã không sai khi Ngài ví: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”. Như vậy, chỉ với cuộc đời của hai con người, hai vị thánh giáo phụ tiêu biểu là Augustino và Thomas D’Aquinas mà đã có thể giúp ta chứng minh cách xác thực quả quyết trên. Bởi vì, mối liên hệ biện chứng và hòa hợp sâu sắc giữa “Đức tin và Lý trí” nó không chỉ nói trên lý thuyết nhưng đã được các ngài hiện tại hóa bằng chính đời sống của mình. Cả hai đều là những con người có một lý trí trổi vượt, nhưnglại có được một đức tin vững mạnh, sâu sắc. Chính đời sống và các tác phẩm mà các Ngài để lại cho kho tàng đức tin của Giáo Hội qua bao nhiêu thế kỷ là bằng chứng sống động và xác thực nhất.

Giuse Trần Công Hường
Khóa 12 – ĐCV Vinh Thanh

—————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Nguyễn Trọng Tuyển Op. Lịch sử Triết học Tây Phương Tập II. Thời Trung Cổ, (Học Viện Đa Minh, 1998)
2/ Nguyễn Ước, Các chủ đề triết học, Nxb tri thức. Tp. HCM 2009.
3/ Thần Học Tín Lý Căn Bản, Tài liệu lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2008
4/ Nguyễn Khoa Luật, Đức tin đi tìm sự hiểu biết Ofm, Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2008.
5/ Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Nxb Tp HCM, Tập III, 2000.
6/ Piô Phan Văn Tình, Triết học tây phương thượng cổ ảnh hưởng trên Kitô Giáo, Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2010.
7/ Richrd Rohr, ofm. Nguyễn Trọng Đa dịch, Điều ẩn dấu lấy Kinh Thánh làm linh đạo,( Nxb Phương Đông), Tp.HCM, 2011.
8/ Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo hoàn cầu
9/ ĐTC. Gioan Phaolo II, Công Đồng Vaticano II,
10/ Thomas P.Rausch S.J/ Đaminh Nguyễn Đức Thông, Đạo Công Giáo Thiên Niên Kỷ thứ ba, Nxb Tôn Giáo), Tp. HCM, 2010.
11/ Nguyễn Khắc Dương, Đức Tin và Khoa Học, Lưu hành nội bộ, Thư viện ĐCV Vinh Thanh.
12/ http://www.daminhvn.net/tai-lieu/5636-cuoc-doi-thoai-giua-duc-tin-va-ly-tri-qua-cac-thoi-dai.
13/ http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/83DucTinLytri.htm.
14/ http://vietcatholic.net/News/Html/60788.htm
15/ http://xudoanthanhtam.vn/news/Song-Dao-giua-doi/Duc-tin-va-ly-tri-422.html