Tiểu Sử
Thánh Nữ Faustina Kowalska
(1905- 1938)
Tác Giả – Nữ Tu Barbara Jesus Tomaszewski
Dịch Thuât – Rev Ngoc Đính
(Mến Tặng các Thiên Thần của Chúa –
đã dâng cả cuộc đời cho Chúa – Alexander NgH)
“Cha đã thương con bằng một tình yêu muôn thuở; Cha đã lôi cuốn con bằng lòng thương xót của Cha” (Jeremiah 31: 3).
Tên tuổi thánh nữ Maria Faustina Kowalska phép Thánh Thể, nữ tu dòng Đức Mẹ Nhân Lành, đã được biết đến trên khắp các lục địa. Sự quan tâm đến đời sống thánh nữ Faustina phần lớn là do sứ mạng toàn cầu Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị thánh, và niềm tin vào lời cầu bầu thần thế của chị thánh cho những lời thỉnh nguyện.
Thánh nữ Faustina chào đời ngày 25 tháng 8 năm 1905 tại Glogowiec, Ba Lan, và được đặt tên là Helen Kowalska. Thánh nữ là con thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó và khiêm nhường. Thân phụ của thánh nữông Stanley Kowalska – là một người đạo hạnh, luôn tham dự các thánh lễ Chúa Nhật, đọc kinh Nhật Tụng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm hàng ngày, và ngắm sự Thương Khó Chúa Giêsu trong mùa Chay. Không bao giờ chểnh mảng với các vịệc đạo đức, ông luôn luôn là người thức dậy sớm nhất và lớn tiếng bắt kinh cho cả nhà. Ông sống rất kỷ cương với những người chung quanh, và điều hành một gia đình nề nếp.
Thân mẫu thánh nữ Faustina – bà Marianna – là người phụ nữ quảng tâm, cần cù, và có tinh thần hy sinh. Cuộc đời của bà nổi bật với đức tính hy sinh trong việc phị giúp chồng và nuôi dạy 10 người con, hai trai, tám gái. Thánh nữ Faustina được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 27 tháng 8 năm 1905, tại nhà thờ giáo xứ Swinice, Warckie, và được đặt tên là Helen. Ngay từ khi còn nhỏ, Helen đã trổi vượt về sự mộ mến cầu nguyện, làm việc, vâng lời, và nhất là lòng thương cảm đối với những người nghèo khó.
Năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên Halen được cảm nhận những soi động về ơn gọi sống đời sống tu trì, ơn đặc biệt sống đời thánh hiến và gắng đạt đến sự trọn lành. Tuy nhiên, Helen không tìm được một ai giải thích cho chị hiểu về điều ấy, và song thân cũng không chấp thuận ý tưởng xin vào tu trong một hội dòng của chị.
Năm lên 9 tuổi, Helen được xưng tội và rước lễ lần đầu. Trong giây phút đắm đuối ấy, chị đã nhận được sự hiện diện của Vị Thượng Khách Thần Linh trong linh hồn mình. Rước lễ đầu tiên là biến cố quan trọng trong cuộc đời Helen. Chị luôn luôn nghĩ tưởng đến mầu nhiệm sự hiện diện ẩn khuất của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Có hai người láng giềng vẫn còn nhớ những chi tiết về ngày Helen được rước lễ lần đầu. Hôm ấy Helen từ thờ đi về một mình, đắm đuối và trầm tư.
Một người láng giềng hỏi, “Sao em không đi với những trẻ khác?” Helen hết sức nghiêm trang đáp lại, “Tôi đang có Chúa Giêsu trong mình”.
Đi được một quãng nữa, Helen gặp một trẻ nữ khác, và được hỏi, “Hôm nay sung sướng chứ?” Helen đáp lại, “Dĩ nhiên rồi, cứ nhìn vào bộ đồ dễ thương mình đang mặc đây thì biết.”
“Mình sung sướng vì Chúa Giêsu đã đến với mình.” Helen khẽ nói, mỉm cười rạng rỡ giữa lúc được cảm nghiệm sự kết hợp với Thiên Chúa trong linh hồn mình lần đầu tiên.
Thánh nữ Faustina rất có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể, đến nỗi hầu như mọi trang nhật ký của chị đều có nhắc đến bí tích này.
Cuộc sống muôn đời (Chúa Giêsu phán với chị) phải bắt đầu ngay từ dưới trần thế qua việc hiệp lễ. Mỗi lần hiệp lễ đều tăng thêm cho con nhiều khả năng để kết thân với Thiên Chúa trong cõi đời đời (NK 1811).
Một lần khác, thánh nữ Faustina đã ghi lại trong Nhật Ký:
“Tôi thấy mình quá yếu đuối đến nỗi nếu không nhờ hiệp lễ, có lẽ tôi không ngừng bị sa ngã. Chỉ có một sức nâng đỡ cho tôi, đó là hiệp lễ. Từ đó, tôi kín múc được nguồn sức mạnh, đó là sự thư thái của tôi. Tôi hoảng sợ phải sống những ngày không được rước Thánh Thể. Tôi sợ chính bản thân mình. Chúa Giêsu ẩn ngự trong Bánh Thánh là tất cả cho tôi. Từ nhà tạm, tôi kín múc được sức mạnh, năng lực, can đảm và ánh sáng. Ở đó tôi tìm được sự an ủi trong giờ thống khổ. Nếu như không có Thánh Thể trong lòng, tôi không biết phải làm cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (NK 1037).
Ngày 30 tháng 10 năm 1921, Halen đã được Đức Cha Vincent Tymieniecki của giáo phận Aleksandrow – Lodz ban bí tích Thêm Sức. Trong thời gian này, Helen đang sống xa nhà và giúp việc cho một gia đình khác.
Helen được dưỡng dục dưới ánh mắt dịu hiền quán xuyến của người mẹ, và biết gánh nặng đỡ đần nghèo khó của gia đình. Thân phụ thánh nữ rất nghiêm khắc đòi buộc các con trai, cũng như gái, phải làm quen với công việc ngay từ còn nhỏ. Những đứa con trai chưa đến chín tuổi đã phải giúp việc đồng áng. Helen phụ giúp với mẹ trong việc bếp núc, dẫn bò ra đồng và coi sóc các em nhỏ, dạy cho chúng biết vâng lời. Với bản tính nhân ái, chăm chỉ, vâng lời, tiên liệu được nhu cầu của người khác và sẵn lòng giúp đỡ, nên Helen đã trở thành đứa con được quí mến trong gia đình là điều không có gì lạ.
Theo hồ sơ của trường học địa phương, khi đã 12 tuổi, Helen mới cắp sách đến trường tịa Suinice Warckie vào năm 1917. Helen không thể đi học sớm hơn vì nhà trường bị đóng cửa trong thời kỳ quân Nga chiếm đóng Ba Lan. Vì đã biết đọc nên Helen vào thẳng lớp hai. Helen là một học sinh tốt . Thực vậy một lần kia, khi vị thanh tra đến hăm trường, Helen đã được phần thưởng xuất sắc vì đọc thuộc lòng bài thơ “Cuộc Trở Về Của Người Cha” của thi sĩ Adam Mickiewicz.
Vào mùa xuân 1919, những học sinh nhiều tuổi nhất đành phải thôi học vì nhà cầm quyền quyết định dành chỗ cho các trẻ khác mới nhập học. Helen khi ấy mới học lớp ba.
Đến năm 14 tuổi, Helen đã rời gia đình để đi làm như một người giúp việc tại Aleksandrow và tại Lodz, với mục đích tự lập và giúp đỡ gia đình. Helen ngụ tại gia đình thân quen và sống gần gũi với Helen Bryszewska trước khi trở về sống với gia đình.
Năm 18 tuổi, Helen mới ngỏ ý với mẹ về ước muốn vào tu trong một tu viện. Khi thân phụ biết tin, ông đã kịch liệt phản đối: “Mày không biết mày muốn gì cả. Để cho mày đi với bà phước, tao phải nộp một món tiền không sao liệu nổi. Tao chỉ có nước mang nợ mà thôi”. Helen thưa lại, “Nhưng thưa cha, con đâu có cần tiền bạc. Chúa Giêsu sẽ đưa con vào dòng”.
Đáp lại ơn gọi.
Một ngày kia, đang khi cùng với người em gái tham gia một cuộc khiêu vũ, bỗng nhiên Helen nhìn thấy Chúa Giêsu đau khổ, mình đầy những thương tích. Người phán với chị: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9).
Cuộc thị kiến làm Helen xao xuyến đến cực độ. Biết mình không thuộc về nơi đó nữa, Helen giả bộ nhức đầu, rồi rời bỏ đám hội và tìm đến một nhà thờ. Tại đó trước bí tích Thánh Thể, Helen đã xin Chúa cho biết Người muốn gì về chị. Và chị được nghe những lời này:
“Con hãy đến gặp vị Linh Mục ấy (cha James Dabrowski, cha sở giáo xứ Thánh Gicôbê) và cho ngài biết tất cả; ngài sẽ dạy con phải làm gì tiếp theo” (NK 12).
Khi thánh lễ chấm dứt, Helen lên phòng áo và thưa với vị linh mục về mọi điều đã xẩy ra trong linh hồn. Chị xin vị linh mục hướng dẫn để biết nên vào tu viện nào.
Lúc đầu, vị linh mục cảm thấy ngạc nhiên, nhưng ngài khuyên chị hãy hoàn toàn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ an bài mọi sự. Trước mắt, ngài gửi Helen đến ngụ tại nhà một phụ nữ đạo đức cho đến khi vào dòng. Và như thế, Helen bắt đầu tìm cách gia nhập một hội dòng. Tuy nhiên, mọi tu viện chị đến gõ cửa đều khước từ tất cả. Nỗi buồn phiền lại bao chiếm tâm hồn, và Helen thưa lên cùng Chúa Giêsu, “Lạy Chúa, xin giúp con, xin đừng để con bơ vơ” (NK 11-13).
Vào tháng 8 năm 1924, Helen đến gõ cửa tu viện tọa lạc ở số 3/9 phố Zytnia tại Warsaw của dòng Đức Mẹ Nhân Lành. Tuy nhiên, trước khi ra tiếp khách, qua cánh của mở, bà Bề Trên đã nhìn thấy một thiếu nữ với một ngoại hình không chút ấn tượng nào. Khi Helen chưa kip nhìn thấy Bề Trên, thì bà đã trở vào và sai môt nữ tu khác ra bảo Helen hãy về đi.
Về sau, bà Bề Trên kể lại “Vào lúc ấy, tôi chợt nghĩ rằng bảo người ta đi mà không trao đổi ít ra một đôi lời với họ là thiếu đức ái. Theo ơn soi sáng ấy, tôi trở ra và đến gần, tôi phát hiện ra thiếu nữ ấy có một nét rất đặc biệt: một nụ cười hiền hậu, trên khuôn mặt khả ái. Nét đơn sơ và cách phục sức giản dị của thiếu nữ ấy đã thắng được tôi”.
Bế Trên truyền cho Helen đến gặp Chủ Nhà và hỏi Người có muốn tiếp nhận chị không. Helen hiểu ngay là chị phải đến với Chúa Giêsu.
Thánh Nữ đã ghi lại việc này như trong Nhật Ký:
Hết sức vui mừng, tôi lên nhà nguyện và xin Chúa Giêsu, “Thưa Chủ Nhân của nhà này, Chúa có nhận con không?” Một nữ tu ở đây đã dạy con phải thưa với Chúa như vậy.”
Tức thì tôi nghe được lời này: “Cha nhận con ở trong trái tim Cha”. Khi ra khỏi nhà nguyện mẹ Bề Trên liền hỏi “A, Chúa đã nhận rồi phải không?” Tôi thưa vâng ạ” (Mẹ nói) “Nếu Chúa nhận thì tôi cũng nhận” (NK 14).
Helen đã được nhận vào dòng như thế. Mặc dù vậy, vì nhiều lý do khác, chị vẫn còn phải sống ngoài thế gian thêm một năm nữa, nhưng không trở về gia đình cho đến khi trở thành nữ tu Faustina.
Helen gia nhập dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Nhân Lành tại Warsaw vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, ngày vọng lễ các Thiên Thần. Helen cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Dường như chị đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh chợt phát ra từ tâm hồn chị, một lời kinh tạ ơn.
Tuy nhiên, sau đó ba tuần lễ, chị cảm thấy có ít thời giờ cho việc cầu nguyện. Nhiều vấn đề khác lại xúi dục chị hãy chuyển sang một cộng đoàn nghiêm nghặt hơn. Tư tưởng này bám riết với tâm hồn chị, nhưng đó không phải là thánh ý Chúa. Tuy nhiên, tư tưởng ấy, đúng hơn là cơn cám dỗ, càng ngày càng mãnh liệt đến độ chị quyết định một ngày nào đó sẽ trình với mẹ Bề Trên để xin ra đi.
Nhưng Chúa lại sắp xếp hoàn cảnh khác không cho Helen trình bày được với mẹ Bề Trên. Chị lên nhà nguyện và xin Chúa ban ơn soi sáng về vấn đề này, nhưng chẳng nhận được gì trong linh hồn. Chị trở về phòng riêng, lòng đầy những cay cực và trằn trọc, không biết phải làm gì. Mọi nơi cũng như Nhà Tạm đều vắng lặng như tờ. Sau đó một lúc, một luồng sáng chứa chan trong phòng. Rồi trên bức màn, Helen nhìn thấy thánh nhan Chúa Giêsu ưu phiền. Có những thương tích đang há miệng và hai giọt nước mắt đang nhỏ xuống trên nhan thánh Chúa.
Không hiểu được ý nghĩa của tất cả điều ấy, Helen lên tiếng hỏi Chúa Giêsu:
“Lạy Chúa Giêsu, ai đã làm cho Chúa đau đớn dường ấy?”
Và Chúa phán với chị:
“Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con. Helen đã nài xin Chúa tha thứ và lập tức thay đổi quyết định của mình (NK 18-19).
Cuối cùng vào ngày 30 tháng 4 năm 1926, Helen được gia nhập tập viện, lãnh tu phục và được nhận tên gọi mới Maria Faustina, tên này về sau được chị thêm mấy chữ “phép Thánh Thể” vào nữa. Trong thời gian hai năm, tập sinh Faustina cho thấy chị rất tha thiết với ơn thiên triệu, và kết quả là được nhận cho khấn tạm lần đầu vào ngày 30 tháng 4 năm 1928.
Cha mẹ của Faustina được đến tham dự nghi lễ và gặp gỡ chị trong dịp khấn dòng. Thấy con rạng rỡ niềm vui, thân phụ đã hỏi chị: “Vậy con không bao giờ cảm thấy chán ở đây à?” Chị đáp lại, “Làm sao có thể chán khi được sống dưới cùng một mái nhà với Chúa?
Trên đường về, thân phụ của chị Faustina nhiều lần cứ lẩm bẩm: “Nó yêu mến Chúa Giêsu quá lắm! Chúng ta phải để cho nó yên. Đó là thánh ý Chúa.”
Vĩnh Thệ và Đời Sống Nội Tâm Phong Phú
Vào ngày mồng 1 tháng năm 1933, nữ tu Faustina phép Thánh Thể đã được tuyên khấn trọn đời. Chị sống trong hội dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Nhân Lành được mười ba năm, đảm nhận các công tác như làm bếp, coi vườn, giữ cổng tại nhiều trụ sở của dòng tại Plock, Vilnius, và Krakow. Trong tất cả các nơi ấy, chị thánh đã trung thành với những tục lệ của cộng đoàn và tận tâm chu toàn các việc phận sự.
Bề ngoài, không có gì cho thấy cuộc sống phong phú nơi nội tâm chị thánh. Chị sốt sắng chu toàn các công tác và trung thành giữ trọn luật dòng. Chị thánh có một cuộc sống tịnh hiệp cao độ, nhưng rất tự nhiên, thanh thản, và có một đức ái vô điều kiện với người chung quanh. Mặc dù bên ngoài, đời sống chị thánh xem ra vô nghĩa và đơn điệu, nhưng bên trong là một sự kết hiệp ngoại thường với Thiên Chúa. Từ khi còn nhỏ, chị đã ước ao trở nên một vị đại thánh, và với lòng kiên định, chị đã hoàn thành hoài bão này đến mức hiến dâng chính cuộc sống cho các tội nhân.
Những năm sống trong dòng của thánh nữ Faustina tràn đầy những ân huệ ngoại thường: hưởng những lần thị kiến, các dấu thánh kín ẩn, chia sẻ cuộc thương khó của Chúa, hiện diện hai nơi cùng một lúc, đọc được tâm hồn người khác, nói tiên tri, và được đặc ân cao quí là kết ước nhiệm hôn cùng Chúa.
Mối tương giao sống động giữa chị thánh với Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các vị thánh, các linh hồn luyện ngục – toàn bộ thế giới vô hình – cũng thực tế như thế giới hữu hình mà chị thánh cảm nhận được qua các giác quan.
Đời sống đạo đức của thánh nữ Faustina chủ yếu tập trung vào việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Rõ ràng, nhờ hội dòng đặc biệt của mình, chị thánh đã chuẩn bị đầy đủ cho các công việc sứ mạng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là ngoài nếp sống của dòng, chị thánh còn có một lòng sùng kính ngoại thường với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Thể, bí tích mà qua đó, Lòng Thương Xót Chúa đã đổ chan hòa cho chúng ta.
Chúa đã ủy thác cho chị nữ tu hèn mọn nhưng mạnh mẽ, khiêm nhượng, và tín thác cao độ của Người một sứ mạng đặc biệt:
“Hiện nay Cha sai con đem tình thương của cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha (NK 1588).
Dù dưới cái nhìn riêng, hoặc như một phần tử trong nhà dòng, chị thánh vẫn luôn dìm mình trong bầu khí thiêng liêng luôn luôn tràn đầy Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế không có gì lạ khi chị thánh tận hiến toàn thân cho Chúa, và chỉ sau một vài năm sống trong dòng, chị đã được Chúa Giêsu ủy thác sứ mạng nhắc nhớ cho thế giới về Lòng Thương Xót của Người.
Xét trên phương diện nhân loại, dường như thánh nữ Faustina không có đủ chuẩn bị để hoàn thành những mục tiêu Chúa đã tiền định cho chị. Nhưng rõ ràng, Thiên Chúa đã nghĩ cách khác. Bất chấp tất cả, Người đã biến đổi chị Faustina thành nên người Tông Đồ của Lòng Thương Xót Người. Thánh nữ Faustina là chứng nhân sống động của Chúa, công bố Lòng Thương Xót của Chúa bằng ngôn từ và hành động, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cộng tác cứu độ các linh hồn. Chính vì lý do ấy, Chúa đã muốn chị thánh sống ngày càng khắng khít hơn với Người, thắm thiết đến độ không những nhận biết “chiều dài và chiều sâu” của Lòng Thương Xót Chúa, mà còn hoàn toàn đắm đuối trong đó, để có thể chuyển thông dồi dào Lòng Thương Xót cho các linh hồn.
Chúa đã chuẩn bị chị thánh Faustina cho sứ mạng này một cách tiệm tiến. Bước quan trọng để thực hiện sứ mạng này là việc vẽ bức hình Chúa Thương Xót – theo như mẫu Người đã hiện ra tại Plock. Qua bức hình này, ý nghĩa của sứ mạng ấy trở nên rõ rệt và có nền tảng vững vàng hơn.
Điểm cốt yếu trong các lời dạy của Đấng Cứu Độ Thương Xót là việc cứu các linh hồn. Chúa Giêsu mặc khải Lòng Thương Xót của Người cho thánh nữ Faustina dưới ánh sáng của những góc nhìn luôn luôn mới mẻ, trong khi ngày càng kiên quyết yêu sách chị thánh phải hoàn toàn hiến thân.
Ý thức về sự hiện diện của Chúa và cuộc sống trong Người ngày càng trở nên hiển nhiên hơn – thấm nhuần mọi tư tưởng và tâm trí của thánh Faustina, một tâm trí giờ đây đã đựợc tràn đầy tình yêu và lòng khát khao Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng với niềm ước vọng ngây thơ được gieo mình vào cuộc sống huyền nhiệm sâu thẳm của Người.
Chúa Giêsu muốn thánh nữ Faustina hãy làm thấm nhuần cuộc sống hàng ngày của chị bằng tinh thần Lòng Thương Xót. Nhưng đó mới là điểm khởi đầu. Điểm chính yếu của giáo huấn của Chúa là biến đổi thánh nữ Faustina nên một của lễ vĩnh viễn để phạt tạ tội lỗi của tất cả những người thân của chị thánh, kể cả những người gây nên những đớn đau tê tái nhất cho chị. Thánh nữ Maria Faustina phép Thánh Thể đã viết trong Nhật Ký của chị:
Một lần kia, trong giờ chầu, Chúa yêu cầu tôi hãy hiến thân cho Người như một của lễ bằng cách chịu đựng đau khổ để đền bồi tội lỗi của thế giới nói chung, mà còn vì những xúc phạm cụ thể trong nhà này. Tôi liền thưa: “Vâng được; con xin sẵn sàng.” Bấy giờ Chúa Giêsu cho tôi nhìn thấy những gì tôi sắp sửa chịu, và trong một giây phút, tất cả những sự đau khổ hiện lên trước mắt tôi. Lúc đầu những ý hướng của tôi, không được người ta chấp nhận; rồi sẽ có đủ thứ nghi nan, ngờ vực, xỉ nhục và chống đối. Tôi không sao kể hết ra được. Mọi thứ này lù lù trước mắt tôi như một cơn dông đen ngòm, sấm chớp sẵn sàng dáng xuống bất cứ lúc nào, chỉ còn chờ sự đồng thuận của tôi. Bản tính tự nhiên của tôi run giùng khiếp hãi một lúc. Thế rồi, chuông báo bữa tối vang lên. Tôi rời nhà nguyện vẫn còn lẩy bẩy và thiếu dứt khoát. Những hy sinh ấy vẫn luôn ở trước mắt tôi, vì tôi chưa quyết định đón nhận mà cũng chưa từ chối với Chúa. Tôi muốn đặt mình hoàn toàn trong thánh ý Chúa. Nếu Chúa Giêsu đích thân trao hy sinh ấy cho tôi, tôi sẵn sàng đón nhận. Nhưng Chúa Giêsu cho tôi biết chính tôi phải đồng ý một cách tự do và chấp nhận một cách ý thức, còn không, hy sinh ấy sẽ trở nên vô nghĩa. Toàn bộ hiệu năng của hy sinh ấy được gồm chứa trong hành vi tự do của tôi trước mặt Chúa. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu cũng cho tôi hiểu sự quyết định hoàn toàn trong năng lực của tôi. Tôi có thể chấp thuận hay không chấp nhận hy sinh ấy. Bấy giờ, tôi liền thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con chấp nhận mọi sự Chúa muốn gửi đến cho con; con tín thác vào lòng nhân lành của Chúa.” Lúc đó, tôi cảm thấy mình đã tôn vinh Thiên Chúa rất nhiều nhờ hành vi này. Nhưng tôi cũng trang bị cho mình lòng nhẫn nại. Ngay khi vừa rời nhà nguyện, tôi đã phải đối đầu với thực tế (NK 190).
Trường Học Của Chúa Giêsu
Học trong trường của Chúa Giêsu không phải là điều dễ dàng. Chúa tỏ mình đến mức khôn lường. Tuy nhiên, Chúa đồng thời cũng yêu sách các linh hồn ưu tuyển phải nỗ lực tối đa. Toàn bộ chương trình của Chúa tập trung quanh những đau khổ. Chúa Giêsu truyền cho thánh nữ Faustina không những hãy đón nhận, mà còn phải tìm kiếm đau khổ như nhiên liệu cần thiết để được biến đổi lên vàng ròng trước thánh nhan Thiên Chúa.
Hiến mình cho Thiên Chúa để làm của lễ đền bồi tội lỗi các tội nhân đã là điều khó. Vậy mà linh hồn ấy còn muốn nâng đỡ các tội nhân bằng cách chấp nhận những gánh nặng tinh thần và tâm lý đang hành hạ các tội nhân để giúp họ khỏi ngã lòng – linh hồn của lễ ấy đón nhận đau khổ như bạn đồng hành của mình. Trên phương diện thể lý hay tinh thần, linh hồn ấy phải luôn sẵn sàng để không khước từ, đúng hơn là tự mình chấp nhận để biến đổi đau khổ thành của lễ đền bồi đẹp lòng Thiên Chúa. Đáng chú ý là những nỗ lực của một linh hồn như thế đã được tưởng thưởng bằng niềm hoan lạc thiêng liêng. Chúa Giêsu không che dấu niềm vui của Người, cũng không dè sẻn những lời khích lệ dành cho các môn đệ. Theo lời thánh Faustina. Chúa Giêsu đã cho chị thánh biết những lời kinh phạt tạ rất đẹp lòng Người. Chúa phán với thánh nữ Faustina:
Lời kinh của một linh hồn khiêm nhượng và yêu mến, làm giãn được cơn nghĩa nộ của Chúa Cha và kéo xuống cả một đại dương ân phúc (NK 320).
Vào một dịp khác thánh nữ Faustina đã ghi lại trong cuốn Nhật Ký:
Trong giờ thánh lễ, tôi được hiểu biết về Trái Tim Người, bản chất ngọn lửa lân ái của Người hàng rạo rực yêu thương chúng ta và Người chính là một đại dương đầy nhân từ lân tuất. Sau đó tôi nghe được lời này:
“Hỡi tông đồ Lòng Thương Xót của Cha, con hãy công bố cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót khôn dò của Cha. Đừng chán ngại trước những khó khăn con phải đương đầu khi rao truyền tình thương của Cha. Những khó khăn này tuy làm con đau khổ, nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là bằng chứng cho thấy công cuộc này là của Cha. Ái nữ của Cha ơi, con hãy tỉ mỉ ghi lại từng câu Cha dạy cho con về lòng nhân lành của Cha, bởi vì nhờ đó rất nhiều linh hồn sẽ được hưởng nhờ lợi ích” (NK 1142).
Vào một dịp khác, Chúa Giêsu phán với chị thánh:
“Trong Cựu Ước, Cha đã sai các tiên tri mang những cơn thịnh nộ đến với dân Cha. Còn hiện nay, Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương, vào Trái Tim lân tuất của Cha. Cha chỉ sử dụng hình phạt khi chính họ ép buộc Cha phải làm như vậy; tay Cha rất miễn cưỡng khi phải cầm thanh gươm công thẳng. Trước Ngày Công Thẳng, Cha gửi đến ngày Xót Thương” (NK 1588).
Hởi ái nữ của Cha, con hãy nói cho các linh mục về Lòng Thương Xót khôn lường của Cha. Những ngọn lửa thương xót đang bừng cháy trong Cha kêu gào được phung phát; Cha muốn trào đổ mãi cho các tâm hồn; trái lại, các linh hồn lại không muốn tin vào lòng nhân lành của Cha (NK 177).
Ái nữ của Cha ơi, nếu Cha muốn qua con mà đòi mọi người tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha, thì con phải là người trước tiên trổi vượt trong niềm tin tưởng vào lòng thương xót ấy. Cha đòi hỏi con những hành vi nhân ái được thực hiện và yêu mến Cha. Ở mọi nơi trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy.
Cha ban cho con ba phương thế để sống nhân ái với người chung quanh: thứ nhất – bằng hành vi, thứ hai – bằng ngôn từ, thứ ba – bằng cầu nguyện. trong ba cấp độ này hàm chứa lòng nhân ái sung mãn và bằng chứng không thể nghi ngờ về tình yêu dành cho Cha. Bằng cách này, một linh hồn sẽ tôn vinh và sùng kính Lòng Thương Xot Cha (NK 742).
Vào tháng 5 năm 1935 thánh nữ Faustina đã viết trong Nhật Ký:
Khi ý thức những chương trình vĩ đại Thiên Chúa dành cho tôi, tôi kinh hãi trước tầm mứn lớn lao và cảm thấy hoàn toàn bất lực trước những chương trình ấy. Tôi bắt đầy trốn tránh các cuộc chuyện vãn nội tâm với Chúa, bằng cách nhồi nhét cho kín thời giờ bằng những lời khẩu nguyện. Tôi làm điều đó chỉ vì khiêm nhượng, nhưng tôi nhận ra ngay đó không phải là khiêm nhượng thật, đúng hơn là một cám dỗ do thần dữ. Vào một dịp kia, thay vì tâm nguyện, tôi đã đọc sách thiêng liêng, và trong linh hồn đã nghe những lời này một cách rõ ràng và mạnh mẽ:
“Con hãy sửa soạn thế giới cho lần đến sau cùng của Cha”.
Những lời này đánh động tôi thật sâu xa, và mặc dù giả vờ như không nghe thấy, nhưng tôi hiểu rất rõ ràng và không còn nghi ngờ gì nữa về những lời ấy. Một lần kia, vì quá mệt nhọc trong cuộc chiến tình yêu với Thiên Chúa và cứ phải thường xuyên thoái thác, viện cớ không đủ sức lực thực hiện công việc, tôi muốn ra khỏi nhà nguyện, nhưng một sức mạnh đã giữ tôi lại và tôi thấy mình bất lực. Khi ấy, tôi được nghe những lời này: Con muốn rời nhà nguyện, nhưng con sẽ không rời Cha được, vì Cha ở khắp nơi. Con không tự mình làm được việc gì, nhưng với Cha, con có thể làm được mọi sự (NK 429).
Loan Báo Lòng Thương Xót Chúa.
Sứ mạng của thánh nữ Maria Faustina phép Thánh Thể là loan báo thánh ý của Thiên Chúa, là công bố cho toàn thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Một lần kia, Chúa Giêsu đã phán với thánh nữ:
“Hỡi thư ký của Lòng Thương Xót vô cùng thẳm sâu của Cha, con hãy biết rằng con có một nghĩa tình cá biệt với Cha. Công việc của con là ghi chép tất cả những điều Cha đã tỏ ra về Lòng Thương Xót của Cha, ngõ hầu những ai đọc những điều này thì được an ủi trong linh hồn và có can đảm đến cùng Cha. Vì vậy Cha muốn con hãy dành tất cả thời giờ cho việc ghi chép” (1693).
Thư ký của Cha, con hãy viết rằng: Cha rộng lượng với các tội nhân hơn với người công chính. Vì họ, Cha đã từ trời xuống thế; vì họ Cha đã đổ máu ra. Chớ gì họ đừng sợ hãi khi đến gần Cha; họ rất cần đến Lòng Thương Xót của Cha (1275).
Quyển Nhật Ký của thánh nữ Faustina là một bản tường thuật sâu sắc về những cao quang và những thử thách của một tâm hồn. Đó là bằng chứng của một đức tin kiên cường không lay chuyển. Nhưng trên hết, đó là bằng chứng về một niềm tín thác trọn vẹn vào Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa.
Phân tích quyển Nhật Ký trên phương diện thần học, chúng ta có thể tóm lược sứ mạng của thánh nữ Maria Faustina phép Thánh Thể vào 3 chủ điểm:
- Nhắc nhở cho thế giới nhớ lại chân lý đức tin về tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người, như đã được mặc khải trong Thánh Kinh.
- Khẩn nài Lòng Thương Xót của Chúa cho toàn thế giới, cách riêng cho các tội nhân, bằng việc thực hiện một số hình thức sùng kính Lòng Thương Xót Chúa như đã được chính Chúa Giêsu đã tỏ ra. Những hình thức này gồm việc tôn kính bức hình Chúa Thương Xót với hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa”, cử hành đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh; đọc chuỗi kinh Thương Xót; và cầu nguyện vào giờ thương xót vô biên ( 3 giờ chiều. Chúa Giêsu đã ban những lời hứa trọng đại cho các hình thức sùng kính ấy – miễn là chúng ta phải phó thác đời sống cho Thiên Chúa và tích cực thi hành bác ái cho tha nhân.
- Khởi xướng phong trào Lòng Thương Xót Chúa, với nhiệm vụ loan truyền và khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới, đồng thời gắng đạt đến sự toàn thiện, theo những điều thánh nữ Faustina đã đặt ra. Những điều này đòi các tín hữu phải có một thái độ thơ thảo tín thác nơi Thiên Chúa, thể hiện qua việc chu toàn thánh ý Người và thái độ sống nhân ái với người chung quanh. Ngày nay, hàng triệu người khắp thế giới đang dấn thân vào phong trào Giáo Hội này: gồm các dòng tu, các tu hội đời, các tu sĩ, các đoàn hội, các tổ chức, các cộng đoàn tông đồ Lòng Thương Xót Chúa, cũng như các cá nhân đả trách những công việc mà Chúa Giêsu đã phán dạy qua thánh nữ Faustina.
Những lời Chúa Giêsu phán sau đây đã minh định nhiệm vụ tông đồ của thánh nữ Faustina:
“Hỡi ái nữ của Cha, con hãy cho cha các linh hồn. Con hãy biết sứ mạng của con là cho Cha các linh hồn bằng lời cầu nguyện và hy sinh. Khuyến giục họ tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha (NK 1690).
Bị kiệt quệ vì bịnh tật và những đau khổ khôn xiết mà chị đã tự nguyện đón nhận như một lễ hy sinh vì các tội nhân. Nữ tu Maria phép Thánh Thể đã từ trần vào ngày mồng 5 tháng 10 năm 1838, tại thành phố Krakow, nước Ba Lan khi mới 33 tuổi đời. Danh tiếng về mức trưởng thành thiêng liêng và kết hợp thần bí với Thiên Chúa của chi đã được công nhận rộng rãi.
Mặc dù chỉ có một học vấn rất giới hạn, nhưng người nư tu hèn mọn này được giáo dục trong trường học của Thày Chí thánh. Chị đã để lại cho chúng ta một cuốn nhật ký (đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), khơi lên một nguồn hoan lạc và là trường dạy về đời sống thánh cho hàng ngàn tín hữu nam nữ. Từ quyển Nhật Ký này, người đọc có thể tìm thấy những con đường đưa họ đến với Chúa và học biết để sống tín thác và nhân ái.
Tiến Trình Phong Thánh.
Cùng với việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, danh tiếng về sự thánh thiện của nữ tu Faustina cũng đã được loan truyền trong thế kỷ XX. Sau đây là một vài cột mốc của thập niên cuối cùng trong thế kỷ ấy. Những cột mốc ấy dẫn đến cao đỉểm là cuộc tôn phong hiển thánh cho nữ tu Maria Faustina phép Thánh Thể và việc thiết lập lễ tôn kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn thể Giáo Hội vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh.
Vào ngày 18 tháng 4 năm 1993, tại quảng trường thành Phêrô ở Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina Kowalska lên hàng chân phước. Bghi lễ này diễn ra vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh, hợp với ước nguyện của Chúa Giêsu đã tỏ ra cho nữ tu Faustina, muốn cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Người vào ngày ấy. Nữ tu Faustina đã được tôn phong lên hàng chân phước nhờ Đức Gioan Phaolô II, người mà nhiều năm trước đó, khi còn là Tổng Giám Mục Giáo Phận Krakow, đã khở sự tiến trình cấp Tổng Giáo Phận để đưa đến vụ phong thánh cho chị.
Trong bài giảng hôm ấy, Đức Thánh Cha nói:
“Nữ tu Faustina, tôi chào kính chị. Bắt đầu từ hôm nay, Giáo Hội gọi chị là chân phước. Ôi chị Faustina, đời sống của chị phi thường biết bao! Chính chị là người con gái khó nghèo của dân tộc Ba Lan, đã được Chúa Giêsu ưu tuyển để nhắc nhở cho mọi người về mầu nhiệm cao vời Lòng Thương Xót Chúa! Chị đã mang mầu nhiệm ấy trong mình, và lìa bỏ thế gian này sau một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng đầy những khổ đau. Tuy nhiên, màu nhiệm ấy đồng thời đã trở nên một lời nhắc nhở tiên tri cho thế giới và cho Âu Châu. Sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa đã xuất hịện gần sát với ngày Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ.
Chắc chắn chị đã phải kinh ngạc nếu như chị được cảm nghiệm ngay trên trần gian náyứ điệp ấy có ý nghĩa như thế nào đối với những con người đau khổ trong giờ phút tang thương ấy, và nó đã lan truyền khắp thế giới như thế nào. Hôm nay, chúng tôi thực sự tin rằng chị đang nhìn thấy trong Thiên Chúa những thành quả trên trần gian của chị. Hôm nay, chị được nghiệm cảm điều ấy ngay từ nguồn mạch, đó là Chúa Kitô của chị, “Đấng Giàu Lòng Thương Xót”.
Nữ tu Faustina đã viết trong Nhật Ký của chị, “Tôi cảm thấy sứ mạng của tôi sẽ không chấm dứt sau cái chết của tôi, nhưng đó sẽ là khởi đầu (NK 281. Và quả thật đúng như thế! Sứ mạng của chị vẫn tiếp tục và đang sinh hoa kết quả lạ lùng. Thật sự lạ lùng vì lòng sùng kính của chị đối với Chúa Giêsu nhân lành đang loan truyền khắp thế giới đương đại và đem về rất nhiều linh hồn! Hiển nhiên đây là một dấu chỉ của thời đại- Một dấu chỉ của thế kỷ XX của chúng ta. Sự quân bình của thế kỷ này giờ đây đang chấm dứt, ngoài những tiến bộ thường vượt xa những tiến bộ của các thời đại trước, còn cho thấy một nỗi ưu tư sâu sắc và sợ hãi về tương lai. Thế giới có thể tìm được nơi nương ẩn, nếu không phải là nơi Lòng Thương Xót Chúa! Các tín hữu đã quá hiểu điều ấy.”
Khi suy tư về những lời của Đức Thánh Cha ở đây, điều đáng lưu ý là sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng sâu xa trong Thánh Kinh và các văn kiện Giáo Hội. Nó cũng hoàn toàn phù hợp với tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Dives in misericordia) của chính Đức Gioan Phaolô II.
Trong quyển Nhật Ký đã được Đức Thánh Cha trích dẫn, thánh nữ Faustina đã trình bày những kinh nghiệm thần bí của ngài với Chúa Giêsu một cách đơn giản. Việc thánh nữ đã vương đến những tầm cao trong đời sống thần hiệp cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về một con đường tiến đến sự trọn lành. Và đối với các linh hồn được lôi cuốn đến với màu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa và mơ ước về một thế giới hạnh phúc hơn, thì sứ mạng tông đồ của chị thánh là một mô phạm. Vì vậy một số thần học gia đã liệt thánh nữ Faustina vào số những nhà thần bí vĩ đại.
Bức hình Chúa Thương Xót và con người của thánh nữ Faustina là một chứng từ hùng hồn về điều các thần học gia gọi là sự hạ mình của Thiên Chúa – Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại như đã được xác nhận trong Thánh Kinh, nhất là trong Phúc Âm.
Sau đó, đến ngày 23 tháng 4 năm 1995, chính Đức Gioan Phaolô II lại đích thân cử hành thánh lễ Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa và gửi đến tất cả chúng ta sứ mạng sau đây: “Anh chị em hãy tín thác vào Thiên Chúa. Hãy trở nên tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa. Đáp ứng theo lời mời gọi và gương sáng của chân phước Faustina, hãy chăm sóc cho những người đau khổ xác hồn. Hãy giúp cho mọi người cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Chúa, tình yêu ủi an và làm cho chúng ta được chan chứa niềm vui.”
Bốn năm sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, nhân dịp năm dâng kính Chúa Cha, Đức Gioan Phaolô II đã chúc mừng 50.000 tín hữu từ khắp thế giới tụ về quảng trường thành Phêrô tại Roma, để cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đó là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên tại quảng trường thành Phêrô. Đức Thánh Cha tỏ ra rất hài lòng về việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa của các tín hữu hiện diện và một lần nữa Ngài lên tiếng: “Quả thật, Tôi tha thiết kêu gọi anh chị em hãy trở nên những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa, như chân phước Faustina Kowalska, trong đời sống thường nhật và tại những nơi làm việc của anh chị em.”
Cuối cùng, vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày 30 tháng 4 năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong nữ tu Maria Faustina lên bậc hiển thánh. Chị là đấng thánh đầu tiên của năm thánh Cứu Độ. Trong một lời công bố đầy ngạc nhiên, Đức Thánh Cha đã ấn định Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn Giáo Hội hoàn vũ.
Vị Thánh Được Báo Trước.
Khi nữ tu Faustina được tôn phong hiển thánh, người ta mới chú ý đến giấc mơ mà chính chị thánh đã ghi lại trong thời gian đầu cuộc sống tu trì của chị; thị kiến mang ý nghĩa tiên tri thực sự về vị thánh tương lai ấy đáng được trích lại nguyên vẹn ở đây.
Tôi muốn ghi lại ở đây một giấc mơ của tôi về thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Khi còn trong thời gian nhà tập, lúc gặp phải một số khó khăn mà tôi không biết làm cấch nào để vượt qua. Đó những khó khăn nội tâm nhưng lại liên quan đến các gian nan bên ngoài. Tôi làm tuần cửu nhật kính các vị thánh, nhưng tình hình mỗi lúc một khó khăn hơn. Những đau khổ làm tôi tan nát đến độ làm thế nào để sống còn, nhưng bỗng nhiên tôi lóe lên một tư tưởng là cầu nguyện với thanh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tôi bắt đầu một tuần cửu nhật kính thánh nữ, bởi vì trước khi vào dòng, tôi đã có lòng sùng kính ngài đặc biệt. Sau đó, tôi có phần thờ ơ với lòng sùng kính này, nhưng vì có nhu cầu, tôi lại bắt đầu cầu nguyện với ngài một cách sốt sắng. Đến ngày thứ năm trong tuần cửu nhật, tôi chiêm bao gặp được thánh nữ Têrêxa như thể ngài còn sống trên trần gian. Chị thánh giấu không cho tôi biết ngài là một vị thánh và lên tiếng an ủi, bảo tôi đừng lo âu về vấn đề này, nhưng hãy tín thác vào Thiên Chúa. Thánh nữ nói: “Chị cũng đã chịu đau khổ nhiều.” Nhưng tôi không hết lòng tin tưởng vào thánh nữ và đáp lại, “Hình như em thấy chị đau khổ gì đâu.” Nhưng thánh nữ Têrêxa xác quyết chắc chắn rằng chị thánh đã trải qua rất nhiều đau khổ, “Này em, em hãy biết rằng ba ngày nữa, sự khó sẽ đến hồi kết cuộc hạnh phúc.” Vì tôi chưa sẵn lòng tin tưởng, thánh nữ mới tỏ ra cho tôi biết ngài là một vị thánh. Lúc ấy niềm vui lớn lao tràn ngập linh hồn tôi, và tôi nói với chị thánh, “Chị là một vị thánh à? Thánh nữ đáp: “Đúng vậy, Chị là một vị thánh. Em hãy tin rằng vấn đề này rồi sẽ được giải quyết trong ba ngày nữa.” Và tôi nói: “Chị Têrêxa đáng yêu ơi, chị hãy cho em biết em có được lên thiên đàng không?” Thánh nữ đáp: “Có, em sẽ được lên thiên đàng.” “Em có trở thành một vị thánh không?” Thánh nữ lại đáp, “Có, em sẽ trở thành một vị thánh.” “Nhưng này chị Têrêxa nhỏ ơi, em có sẽ trở thành một vị thánh được nâng lên bàn thờ như chị không?” Chị thánh trả lời: “Có, em cũng sẽ là một vị thánh giống như chị, nhưng em phải tín thác vào Chúa Giêsu.”
Đây là một giấc mơ. Và như châm ngôn Ba Lan nói, những giấc mơ là những ảo ảnh; Thiên Chúa là đức tin. Tuy nhiên, ba ngày sau, sự khó đã được giải quyết một cách xuôi xắn như thánh nữ đã tuyên báo. Và mọi chuyện trong việc này xảy ra đúng như những gì thánh nữ đã nói trước. Tuy là một giấc mơ, nhưng là một giấc mơ có ý nghĩa (NK 150).
Thánh, nữ tu Faustina đã trân trọng danh xưng đó biết bao! Những đoạn khác trong quyển nhật ký chứng minh điều này: Con mong ước sẽ ra khỏi tuần tĩnh tâm này như một vị thánh, mặ dù mắt nhân loại không nhận ra điều này, kể cả các bề trên của con. Con buông mình hoàn toàn cho tác động của ân sủng Chúa. Lạy Chúa, nguyện thánh ý Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi con (NK 1326).
Sự thinh lặng sâu thẳm bao phủ linh hồn tôi. Không có một áng mây nào che khuất mặt trời khỏi tôi. Tôi tắm mình trong áng sáng mặt trời để tình yêu Thiên Chúa có thể thực hiện việc biến đổi tôi hoàn toàn. Tôi muốn ra khỏi tuần tĩnh tâm này như một vị thánh, bát chấp tất cả; nghĩa là bất chấp tình trạng xấu xa của bản thân, tôi vẫn mong muốn trở thành một vị thánh, và tin vào Lòng Thương Xót Chúa có thể tác thành từ một kẻ khốn cùng như tôi, bởi vì tôi hoàn toàn có thiện chí. Trước tất cả các thất bại tôi vẫn muốn tiếp tục chiến đấu như một linh hồn lành thánh và sống như như một linh hồn lành thánh. Tôi không thất đảm bất cứ điều gì, như thể không có gì có thể làm thất đảm một linh hồn thánh thiện.
Con muốn sống và chết như một linh hồn thánh thiện, với ánh mắt luôn cắm chặt vào Chúa, lạy Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, mẫu gương các hành động của con. Con thường nhìn quanh để kiếm tìm các tấm gương, nhưng không tìm được gì thỏa đáng, và con nhận ra sự thánh thiện của con dường như chao đảo. Nhưng từ nay về sau, mắt con sẽ cắm chặt vào Chúa, lạy Chúa Kitô, Đấng hướng đạo toàn thiện của con. Con tin tưởng Chúa sẽ chúc lành cho các nỗ lực của con (NK 1333).
Cuộc Tâm Sự
Giữa Thiên Chúa Nhân Lành
Với Một Linh Hồn Đau Khổ.
Đoạn trích sau đây từ Nhật Ký của thánh nữ Faustina sẽ cho ta thấy những đau khổ của chị, và có sức thôi thúc chúng ta noi gương chị trong việc chấp nhận đau khổ và nhìn nhận giá trị cứu độ của nó.
Chúa Giêsu: Hỡi Linh hồn đáng thương, Cha thấy con chịu lắm tân toan và thậm chí không có đủ sức để thưa chuyện với Cha. Thế thì Cha bắt chuyện với con vậy. Cho dù những đau khổ của con có lớn lao đi nữa, con cũng đừng nản lòng hoặc đầu hàng sự tuyệt vọng. Hỡi con nhỏ của Cha, hãy nói cho Cha biết ai đã giám gây thương tích cho trái tim con? Con hãy kể mọi sự chân tình với Cha và tỏ bày cho Cha tất cả những thương tích của trái tim con. Cha sẽ chữa lành, và đau khổ của con sẽ trở nên mạch nguồn thánh hóa cho con.
Linh Hồn: Lạy Chúa, những đau khổ của con quá lớn, quá nhiều, và quá lâu làm con phải ngã lòng.
Chúa Giêsu: Hỡi con nhỏ của Cha, con đừng nản chí. Cha biết niềm tín thác vô hạn con trao đặt nơi cha; Cha biết con ý thức về lòng nhân lành và tình thương xót của Cha. Vậy Cha con mình hãy hàn huyên cho hết những gì đang đè nặng trái tim con.
Linh Hồn: Có đủ thứ đủ chuyện nên con không biết phải nói điều nào và phải trình bày như thế nào.
Chúa Giêsu: Con hãy nói cho thật đơn giản như chỗ bạn bè với nhau. Hỡi con, bây giờ con hãy kể cho Cha biết điều gì cản trở con tiến bước trên đường trọn lành?
Linh Hồn: Sức khỏe yếu nhược đã kiềm hãm con trên đường trọn lành. Con không thể chu toàn các phận sự. Con vô dụng như một bánh xe thừa thãi trên một cỗ xe. Con không ham mình và giữ chay được đến mức các thánh đã làm. Lại nữa, không ai tin là con bệnh tật, thành ra nỗi đau tinh thần làm trầm thống thêm nỗi đau thể xác, và con thường xuyên phải chịu nhục nhã. Lạy Chúa Giêsu, làm sao ai lại có thể nên thánh trong những hoàn cảnh như thế?
Chúa Giêsu: Con nhỏ của Cha ơi, đúng thế, tất cả điều ấy đều là đau khổ. Nhưng đâu còn con đường nào khác dẫn lên trời ngoài con đường thánh giá. Cha là người thứ nhất đã đi con đường ấy. Con phải biết đó là con dường ngắn nhất và bảo đảm nhất.
Linh Hồn: Lạy Chúa, trên con đường nên thánh cũng còn một ngãng trở khác. Vì trung thành với Chúa mà con cam chịu bách hại và đau khổ rất nhiều.
Chúa Giêsu: Chính vì con không thuộc về thế gian nên thế gian mới ghét bỏ con. Trước tiên, thế gian đã bách hại Cha. Bách hại là dấu hiệu minh chứng con đang trung thành theo bước Cha.
Linh Hồn: Lạy Chúa, con còn chán nản vì các bề trên và cha giải tội của con cũng không cảm thông những thử thách nội tâm của con. Một đám mây mù bao phủ tâm trí con. Làm sao con có thể tiến bước? Tất cả điều ấy làm con nản chí và chẳng còn muốn vươn đến những đỉnh cao trọn lành nữa.
Chúa Giêsu: Được, con ơi, lần này con đã tâm sự khá nhiều với Cha. Cha biết rằng không được cảm thông cũng là một nỗi đớn đau, nhất là những người mà ta yêu mến và cởi mở thật nhiều. Nhưng con hãy biết, tất cả những phiền sầu và khốn cùng của con được Cha cảm thông là đủ lắm rồi. Cha hài lòng với niềm tin tưởng vững vàng của con, dù thế nào cũng vẫn tin tưởng vào các vị đại diện của Cha. Từ đó, con hãy biết rằng không ai có thể cảm thông hoàn toàn cho một linh hồn – vì điều ấy vượt quá khả năng nhân loại. Vì vậy, Cha vẫn còn trên trần gian để ủi an trái tim nhức nhối của con và bổ sức cho linh hồn con, để con khỏi phải lao đao trên đường. Con nói có một bóng đen tăm tối dầy đặc đang phủ lấp tâm trí con. Nhưng trong những lúc ấy, sao con không đến với Cha là nguồn sáng, trong một giây phút có thể chiếu giãi vào linh hồn con tri thức thánh thiện nhiều hơn trong bất kỳ sách vở nào? Không cha giải tội nào có thể dạy dỗ và chỉ dẫn cho một linh hồn được như thế.
Con cũng nên biết cảnh tăm tối mà con than phiền ấy chính Cha là người trước tiên đã chịu trong vườn Cây Dầu, giữa lúc linh hồn Cha bị nghiền nát trong nỗi thảm sầu đến chết. Cha cho con chia sẻ một phần những đau khổ ấy vì ân tình đặc biệt Cha dành cho con và vì mức độ thánh thiện cao vời Cha muốn ban cho con trên thiên đàng. Linh hồn đau khổ là linh hồn gần gũi với Trái Tim Cha nhất (NK 1487).
Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Trong Lễ Tôn Phong Hiển Thánh Cho Nữ Tu Faustina.
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho Nữ Tu Faustina, Đức Thánh Cha đã tuyên bố trong bài giảng của ngài:
‘Hãy cảm tạ Thiên Chúa, vì Người nhân lành, vì ơn Người miên man vạn đại (Tv 118:1).
(…) Lòng Thương Xót Chúa đến với nhân loại qua Thánh Tâm của Chúa Giêsu tử giá:
Hỡi ái nữ của cha, con hãy nói với mọi người rằng Cha là Toàn Yêu và Toàn Thương (NK 1047).
Chúa Kitô đã trao đổ Lòng Thương Xót ấy qua việc sai phái Ngôi Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi vị tình yêu, đến với nhân loại. Và phải chăng thương xót không phải là danh hiệu thứ hai của tình yêu (tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót 7), được hiểu trên phương diện sâu xa và ngọt ngào nhất, trong khả năng đảm đương gánh nặng của mọi nhu cầu, và nhất là trong năng lực vĩ đại để ban ơn tha thứ hay sao?
Hôm nay, niềm vui của tôi thật sự lớn lao khi được trình bày cuộc sống và chứng từ của nữ tu Faustina Kolwalska cho toàn Giáo Hội như một quà tặng Thiên Chúa dành cho thời đại chúng ta. Nhờ Thiên Chúa quan phòng, cuộc sống người thiếu nữ hèn mọn của đất nước Ba Lan đã được liên kết mật thiết với lịch sử của thế kỷ XX, thế kỷ chúng ta vừa bỏ lại phía sau. Thực vậy, vào thời giữa hai cuộc Thế Chiến I và II. Chúa Kitô đã ủy thác sứ điệp Lòng thương Xót của Người cho chị nữ tu này. Những ai còn nhớ – những người đã chứng kiến và tham dự vào các biến cố của những năm tháng ấy và những đau khổ kinh hoàng mà hai cuộc thế chiến đã gây ra cho hàng triệu con người – đều quá biết rằng sứ điệp Lòng Thương Xót khẩn thiết như thế nào. Chúa Giêsu đã phán với nữ tu Faustina rằng:
Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác (NK 300).
Nhờ công việc của người nữ tu Ba Lan ấy, sứ điệp này đã mãi mãi được gắn liền với thế kỷ XX, thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ II và cầu nối sang niên kỷ thứ III. Đó không phải là sứ điệp mới mẻ, nhưng có thể được coi như một ân huệ soi sáng đặc biệt giúp chúng ta sống Phúc Âm Phục Sinh một cách mãnh liệt hơn, trình bày Phúc Âm ấy như một tia sáng cho những con người, nam cũng như nữ, trong thời đại của chúng ta.
Những năm tháng trước mắt sẽ mang lại những gì cho chúng ta? Tương lai nhân loại trên thế giới này sẽ ra sao? Chúng ta không được tỏ cho biết. Tuy nhiên, điều không may là, ngoài những tiến bộ tân kỳ, chắc chắn sẽ không thiếu những kinh nghiệm đau đớn. Nhưng ánh sáng Lòng Thương Xót Chúa, ánh sáng Chúa đã muốn đem đến cho thế giới qua đặc sủng nữ tu Faustina sẽ soi chiếu con đường cho những con người nam nữ của thiên niên kỷ thứ III.
Tuy nhiên, như các Tông Đồ xưa, nhân loại ngày nay cũng phải đón tiếp Chúa Kitô Phục Sinh vào gian phòng Tiệc Ly của lịch sử, Chúa sẽ tỏ ra những thương tích thập gía của người và phán: Bình an cho các con! Nhân loại phải sẵn lòng để mình được Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho họ, đánh động và bao chiếm. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng chữa lành các vết thương tâm hồn, sẽ phá tan những chướng ngại ngăn cản chúng ta với Thiên Chúa và chia rẽ chúng ta với nhau, đồng thời sẽ phục hồi niềm tin của tình yêu Thiên Chúa Cha và sự hiệp nhất huynh đệ.
Điều quan trọng là chúng ta phải đón nhận toàn bộ sứ điệp ban cho chúng ta qua Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh, ngày mà từ nay về sau trong khắp Giái Hội sẽ được gọi là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong các bài đọc phong phú, phụng vụ dường như nêu lên con đường của lòng thương xót, con đường tái lập mối tương giao giữa từng người với Thiên Chúa, và đồng thời cũng tạo lập những tương quan liên đới huynh đệ giữa nhân loại với nhau. Chúa Kitô đã dạy chúng ta rằng: Nhân loại không những tiếp nhận và cảm nghiệm Lòng Thương Xót Chúa mà còn được mời gọi hãy sống lòng xót thương với nhau nữa: ‘Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương’ (MT 5:7) (Tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương, 14). Người còn chỉ cho chúng ta nhiều con đường của lòng thương xót, không những tha thứ tội lỗi, mà còn vươn đến tất cả những nhu cầu của nhân loại. Chúa Giêsu thương đoái nhìn đến mọi nỗi khốn cùng của nhân loại, vật chất cũng như tinh thần.
Sứ điệp Lòng Thương Xót vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua đôi tay hằng dang ra cho nhân loại tang thương. Đó là hình ảnh Chúa Giêsu mà nữ tu Faustina đã nhìn thấy và tuyên xưng cho mọi người trên khắp các lục địa, mặc dù chị sống mai ẩn trong tu viện ở Lagiewnik tại thành phố Krakow. Chị đã biến cuộc đời mình thành một bản thánh ca chúc tụng Lòng Thương Xót Chúa. Misericordias Domini in aeternum cantabo: Con sẽ tấn dương Lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời.
Sự kiện tôn phong hiển thánh của nữ tu Faustina có một sức hùng biện đặc biệt. Qua hành vi này, hôm nay Tôi muốn loan truyền sứ điệp này cho thiên niên kỷ mới. Tôi quảng bá sứ điệp này, cho mọi người, để họ càng ngày càng hiểu biết hơn về thánh nhan chân thật của Thiên Chúa và dung mạo đích thực của anh chị em mình.
Thực vậy, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh chị em không thể tách lìa nhau, như bức thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ đã nhắn nhở chúng ta: ‘Căn cứ vào điều này mà chúng ta biết được chúng ta yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người’ (1Ga5:2). Ở đây, thánh Tông Đồ nhắc cho chúng ta chân lý của tình của tình yêu, chỉ cho chúng ta thấy mức độ và tiêu chuẩn để tuân giữ các điều răn ấy.
Thật không dễ dàng để yêu thương bằng một tình yêu sâu xa, một tình yêu hệ ở việc trao hiến bản thân thật sự. Chúng ta chỉ có thể học được tình yêu này nhờ việc đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Nhìn lên Chúa, nên một với Thánh Tâm hiền phụ của Người, chúng ta mới có thể nhìn vào anh chị em chúng ta bằng một ánh nắt mới mẻ, với một thái độ xả kỷ và liên đới, quảng đại và tha thứ. Tất cả đây là lòng thương xót!
Nhân loại càng đi sâu vào màu nhiệm của ánh nhìn Lòng Thương Xót Chúa, thì dường như họ càng có thể đạt đến lý tưởng mà chúng ta đã nghe trong bài đọc Một hôm nay. “Cộng đoàn các tín hữu bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ các gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung’ (Cv 4:32). Ở đây, lòng thương xót đã tạo lập những tương quan con người và sinh hoạt cộng đồng; tạo lập căn bản cho việc chia xẻ của cải. Điều này đã dẫn đến những hành vi thương xót, tinh thần và vật chất. Ở đây, lòng thương xót đã trở nên một phương cách cụ thể giúp chúng ta trở thành người lân cận với những người anh chị em đang cùng quẫn nhất.
Nữ tu Faustina đã viết trong quyển nhật ký của mình:
Tôi đau đớn rất nhiều khi thấy đau khổ của người khác. Tất cả những đau khổ ấy đều vọng lại trong tâm hồn tôi. Tôi mang những khổ ải của họ trong trái tim đến nỗi khiến thể xác của tôi tiều tụy. Tôi muốn tất cả những đớn đau ấy trút xuống mình tôi để xoa dịu cho người chung quanh’ (NK 1309).
Chính tình yêu này phải cảm khái nhân loại ngày nay, khi họ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống, những thách đố của các nhu cầu hết sức đa dạng, và nhất là bổn phận bảo vệ phẩm giá của từng con người. Như vậy, sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa cũng tiềm ẩn một sứ điệp về chính giá trị của mỗi con người. Mỗi người đều quí báu trước mắt Chúa; Chúa Kitô đã hiến mạng sống cho từng các nhân; Chúa Cha ban cho từng cá nhân Thánh Thần của người và dành cho họ một mối tình thân mật.
Sứ điệp có sức an ủi này trước tiên hướng đến những người bị đau khổ vì thử thách gian nan đặc biệt họăc chịu quằn quại dưới gang nặng tội lỗi họ đã phạm, những người đã mất hết niềm tin vào cuộc sống và liều mình đi đến chỗ tuyệt vọng. Thánh nhan dịu hiền của Chúa Kitô là dành cho họ; những luồng ánh sáng từ Thánh Tâm Người đánh động, chiếu soi, và sưởi ấm cho họ, chỉ cho họ một con đường và trào đổ cho họ một niềm hy vọng. Biết bao linh hồn đã được ủi an nhờ câu kinh ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa’câu kinh mà Chúa Quan Phòng đã riêng tỏ ra cho nữ tu Faustina! Hành vi tín thác đơn sơ nơi chúa Giêsu ấy xua tan những đám mây dầy đặc và để một tia sáng thấu đến mọi cuộc đời.
Misericordias Domini in aeternum cantabo (Tv 88 – 89 :2). Con sẽ tán dương Lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời. Cả chúng ta nữa, Giáo Hội lữ hành, chúng ta hãy cùng hợp tiếng với Đức Maria Rất Thánh, ‘Từ Mẫu Thương Xót’ và cùng với vị thánh nữ mới này, người đang ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa cùng với tất cả những bạn hữu của Người trên Jerusalem Thiên Quốc.
Và thưa chị thánh Faustina, một tặng ân Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta, một quà tặng từ miền đát Ba Lan dành cho toàn thể Giáo Hội, xin cho chúng tôi nhận thức về chiều sâu Lòng Thương Xót Chúa. Xin giúp chúng tôi có một kinh nghiệm sống động về điều đó giữa các anh chị em của chúng tôi. Ước chi sứ điệp ánh sáng hy vọng của chị thánh lan tỏa khắp thế giới, lôi kéo các tội nhân trở về, làm nguôi tan những đối đầu và ghen ghét, mở lòng những cá nhân và những quốc gia để thực thi tình huynh đệ. Hôm nay cùng với chị thánh, chúng tôi chiêm ngắm thánh nhan Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng tôi mượn lời kinh phó thác tin tưởng của chị thánh làm như của chúng tôi mà thưa lên với lòng cậy trông vững vàng:
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
con tín thác nơi Chúa!
Cali, Phục Sinh 2011
Thân mến kính tặng mọi tâm hồn khát khao về Lòng Thương Xót Chúa.
Kính Mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa & Chân Phước Gioan Phaolô II – May 1, 2011
Joseph Hoat