Chén đắng

76

CHÉN ĐẮNG

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt. 5,10)

Tổ tiên của loài người ông Ađam và bà Evà đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Nguyên tổ đã nghe theo sự cám dỗ của ma quỉ và phạm tội. Thánh Phaolô viết rằng: Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm. 5,19). Thiên Chúa đã chọn một hướng đi mới cho số phận của loài người. Sách Sáng Thế Ký đã truyền đạt ý định của Thiên Chúa: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”(Stk.3,15). Để chuộc lại lỗi lầm của nguyên tổ, Thiên Chúa đã có chương trình cứu độ trải dài qua thời gian. Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham và từ đó sinh ra một dân tộc để đón nhận ơn cứu độ. Lịch sử trông chờ ơn cứu độ đã trải dài cả ngàn năm. Đôi khi chúng ta tự hỏi, Thiên Chúa quyền phép vô cùng, tại sao Thiên Chúa phải chờ đợi và tùy thuộc sự đáp trả tự do của con người?

Thiên Chúa đã chọn con đường tiệm tiến để mạc khải ý định của Ngài. Những dấu chỉ đã dần dần xuất hiện qua hành trình biến đổi và ý thức hệ. Thiên Chúa chuẩn bị tinh thần dân Chúa để đón nhận mầu nhiệm một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi riêng biệt. Mầu nhiệm lịch sử cứu độ được hé mở từ từ và sẽ được hoàn tất nơi chính Con Một của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta nhận biết tội nguyên tổ nghiêm trọng đến dường nào. Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã phải sai Con duy nhất xuống để chuộc tội cho nhân loại. Hình ảnh được vén mở cho dân Do-thái ngỗ nghịch và cứng lòng: Chúa liền nói với ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds. 21, 8-9).

Đấng Thánh của Thiên Chúa sẽ phải mang thân phận của một tôi tớ đau khổ. Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh của Đấng sẽ phải hy sinh đền tội cho nhân loại: Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề (Is. 53,5). Ngài sẽ phải chịu thiệt thòi và khổ đau để chữa lành thương tích mà loài người đã gây nên. Chính Ngài sẽ đem lại sự bình an và hạnh phúc cho con người: Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành (Is. 53,6).

Chúa Giêsu biết trước con đường thánh giá Ngài phải đi qua. Chúa đã từng bước mặc khải mầu nhiệm cứu độ cho các tông đồ. Chúa Giêsu phải đối diện với tất cả những sự dữ và tội lỗi do con người gây nên. Từ những nhục nhã nơi tâm hồn đến những khổ đau nơi thân xác. Người ta gán ghép cho Chúa những sự xấu xa nhất như người mất trí, kẻ ham ăn uống, cùng phường kẻ tội lỗi, kết hợp với tướng qủy để trừ qủy, nói lộng ngôn phạm thượng, lỗi phạm lề luật ngày Sabbat và là người phá rối trị an dân nước. Về phân xác, Chúa bị xua đuổi, lập mưu xô xuống vực, bị bắt, đánh đòn, đội mũi gai, lột trần, vác thập giá, xô đẩy, qụy ngã trên đường, bị đóng đinh trên thập giá và chết trần trụi. Không còn khổ đau nào hơn mà Chúa không chịu. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa (Ga. 19, 17-18). Chỉ còn mảnh vải che thân cũng bị quân lính lột ra chia chác cho nhau. Còn sự xấu hổ nào hơn, khi Con Thiên Chúa chịu trần trụi nhục nhã treo trên thập giá. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì (Mc. 15,24).

Muốn được vinh quang sự sống lại, chúng ta phải bước theo con đường thánh giá khổ đau. Khi xưa, hai anh em Gioan và Giâcôbê muốn được đi đường tắt đến vinh quang hưởng phước để được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, nhưng Chúa đã nhắc khéo: Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? “(Mc.10, 38). Dù hai anh em chưa thông hiểu trọn vẹn ý của Chúa, các ông hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. (Mc.10,39). Hai vị tông đồ này giữ lời đã hứa. Hai vị cũng đã hy sinh cuộc đời theo Chúa đến cùng và đạt được triều thiên vinh quang sự sống.

Chén đắng của Chúa Giêsu trở thành chén đắng cho các tông đồ. Chén đắng được Chúa chúc phúc cho những ai muốn theo và làm môn đệ của Chúa. Chúa Giêsu không hứa một con đường thênh thang rộng rãi để tiến về nước trời. Chúa mời gọi chúng ta đi qua cổng hẹp và qua con đường khổ giá để vào Nước Hằng Sống. Chúa Giêsu nhắn nhủ một cách chân tình:“Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy (Mt. 24,9). Đạo Chúa thật lạ lùng, Chúa chúc phúc cho những người bị vu khống và bị bách hại. Tư tưởng này xem ra bị dị ứng cho nhiều người thời nay. Có nhiều người coi sự bách hại là một nguy cơ phá hủy Hội Thánh hơn là tìm cõi phúc trường sinh. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa (Mt. 5,11).

Trong cuộc đời, ai cũng muốn sống bình an, thư thái và nhẹ nhàng. Chúng ta ngại ngùng đối diện và sống theo lời chúc phúc của Chúa. Sự vu khống, bách hại, thù ghét được nhìn dưới khía cạnh xã hội là bất công, cho nên không còn được con người chấp nhận. Chúng ta tự hỏi: Con đường thánh giá Chúa đã đi và Lời của Chúa hứa có còn thích hợp nữa không? Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt. 5,10). Chúng ta cầu nguyện, tranh thủ và phấn đấu để được sự hòa bình và công lý. Chúng ta đang cố gắng tìm hạnh phúc của nước trần gian. Điều này cũng thật chính đáng. Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt. 10, 38). Vác thập giá đi theo Chúa là chấp nhận mọi thử thách trên đường đời để làm nhân chứng cho sự thật. Ai cũng có thánh giá phải mang, phải vác. Có nhiều người vác thánh giá mà không theo Chúa. Họ tự mang vác gánh nặng cuộc đời và vật lộn với khổ đau bất hạnh.

Những ai biết cùng vác thánh giá với Chúa sẽ tìm được nguồn ủi an nâng đỡ và đường thánh giá sẽ dẫn đến sự sống. Chúa Giêsu không chỉ hứa hạnh phúc đời sau mà ngay cả đời này cũng được phần thưởng gấp bội nữa. Chúa Giêsu đã hứa: Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp (Mt. 19,29). Thánh Phaolô trong thơ gơi cho giáo đoàn Galata đã nhắn nhủ: Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê (Gal. 5,24). Chúa Giêsu xây dựng đền thờ trong tâm hồn mỗi người và Chúa dẫn dắt chúng ta đến sự sống muôn đời. Sự sống của Nước Chúa không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu đòi hỏi rất cao và dứt khoát trong chọn lựa. Chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của. Mạng sống là ân huệ Chúa trao ban, chúng ta có bổn phận phải gìn giữ, tập luyện, nuôi dưỡng và thăng hoa sự sống mình. Thánh Phaolô đã tuyên xưng: Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (2 Cor.5,15). Chúng ta không có quyền tiêu diệt sự sống. Sự sống của chúng ta ở trong tay Chúa quan phòng. Khi chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và sống cho Chúa. Thánh Phaolô đã xác tín rằng: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Gal. 2,20). Chúng ta mang danh là Kitô hữu, có nghĩa là chúng ta đã thuộc về Chúa Kitô trong mọi sự.

Ai cố gắng giữ mạng sống mình thì sẽ mất. Đúng thế, chúng ta không thể thay đổi được số mệnh của mình. Chúng ta cũng chẳng bảo đảm ngày mai ra sao và tương lai thế nào. Sống mỗi ngày là một ngày mới trong ước mơ và hy vọng. Niềm hy vọng chắc chắn nhất là đặt niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Chúa Giêsu phán: Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt. 10,39).

Những tâm tình trong Tuần Thánh, chúng ta không xét đoán những người đã tham gia vào cuộc xử án và kết án Chúa. Tất cả những giới chức lãnh đạo như quan Philatô, Hêrôđê, các Sĩ quan, các Thượng tế, Luật sĩ, Biệt phái, các quân lính, dân chúng hô hào đánh đập và phỉ báng Chúa. Chúng ta cũng không nên xét hỏi Giuđa đã bán Chúa, Phêrô chối Chúa, các Tông đồ bỏ trốn và các người thân cận xa tránh. Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã trao phó. Chúa đã mở con đường cứu độ dẫn tới sự sống qua cái chết của Ngài. Thánh Phaolô ghi nhận: Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa (2Cor. 13,4).

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ và ngợi khen tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa. Khi cầu nguyện là chúng ta thưa truyện với Chúa. Đọc và nghe lời Chúa là Chúa đang nói với chúng ta. Suy niệm bài Thương Khó, chúng ta nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chúa đã yêu thương và thí mạng vì yêu chúng ta. Chúa Giêsu đã phán: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga. 15,13).

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York