Chạm Nghèo

2

Chạm Nghèo

Sáng nay, khi bình minh chỉ vừa le lói qua những tán mây, tôi cùng Dì Giáo và các chị em Thanh Tuyển sinh bắt đầu một chuyến hành trình đặc biệt: “Chạm nghèo”. Đây là chuyến đi mà chúng tôi sẽ đến gặp gỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có gia đình người có đạo, có gia đình người ngoại đạo chưa nhận biết Chúa, và cả những gia đình có đạo nhưng đã bỏ đạo từ lâu. Cuộc sống của họ bao trùm bởi những khó khăn, tối tăm và lo toan. Trong đó, tôi nhận ra những gương mặt trăn trở của người bán ve chai, người đau bệnh, những cụ già neo đơn không ai nâng đỡ.

Mỗi ngõ ngách đi qua, tôi như chạm đến một thế giới khác — thế giới của những phận đời nghèo khó vẫn đang lặng lẽ đấu tranh chống lại cơn giông cuộc đời. Những đứa trẻ trong nhà trọ, không quần áo chỉnh tề, chạy nhảy quanh sân đất lầy lội. Những ánh mắt người già cạn kiệt, có lắm phần hoài nghi khi gặp người lạ, nhưng lại lẫn lộn với sự chân thành và hạnh phúc.

Chúng tôi đến thăm bà Ba mà chúng tôi vẫn gọi bà bằng một cái tên đặc biệt: bà Ba rau muống. Một cụ bà làm nghề cắt cỏ thuê đang sống lặng lẽ trong căn nhà nhỏ bé, chỉ đơn độc với một chiếc giường và một góc bếp nhỏ. Chúng tôi đến thăm nhà bác Năm là hai vợ chồng sống nương tựa vào nhau trong phòng trọ nhỏ. Hai vợ chồng chú là người Công Giáo nhưng đã ngưng đi lễ hơn 20 năm qua. Sự hiện diện của chúng tôi một phần nào đó cũng giúp chú nhớ về Chúa sau nhiều năm quên đi vì hai chữ mưu sinh. Chúng tôi bắt gặp chú Thành bán vé số, chúng tôi chỉ kịp trao cho chú phần quà nhỏ và nhanh chóng tạm biệt để chú tiếp tục đi bán. Và gia đình cuối cùng là gia đình của bà Hai ve chai, một người thuộc tôn giáo bạn. Từng ngày, bà đang vất vả đi nhặt ve chai kiếm tiền nuôi sống bà và người con gái bị bệnh, không thể ra khỏi nhà.

Những câu chuyện, những ánh mắt, và những khoảnh khắc ấy đã để lại trong tôi một sự trăn trở sâu sắc. Cái nghèo mà tôi chạm đến không chỉ là những thiếu thốn về vật chất, mà còn là sự nghèo trong tâm hồn — sự nghèo khi thiếu vắng Chúa. Những gia đình bỏ đạo hoặc chưa nhận biết Chúa không chỉ thiếu thốn về vật chất, mà còn lạc lõng trong tinh thần, không gần gũi với ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Đó là sự nghèo khổ khó thấy, một sự thiếu hụt không đo đếm được nhưng lại hiện diện sâu sắc trong ánh mắt trống rỗng, trong những câu chuyện về cuộc sống không có điểm tựa. Tôi chạm thấy sự nghèo ở những lời thở than, những câu chuyện không có Chúa làm trung tâm và những mối quan tâm chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền. Họ không biết rằng, chính tình yêu của Chúa có thể lấp đầy những trống trải trong lòng họ, mang lại hy vọng và ánh sáng trong cuộc đời tưởng chừng chỉ toàn bóng tối. Nhưng tôi cũng tin rằng, tình yêu thương và sự đồng hành sẽ là những hạt giống nhỏ bé, giúp họ tìm lại ánh sáng và niềm hy vọng trong đời sống. Và hơn cả, tôi hiểu rằng chính bản thân mình cũng đang được Chúa dạy cách yêu thương, sẻ chia và gieo rắc niềm tin trên con đường trở về với Người.

Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục phát những phần cơm cho những người lao động nghèo. Những hộp cơm đơn sơ, mỗi phần “đầy ắp” tấm lòng của từng người chúng tôi. Những phần cơm được trao đi trong yêu thương. Và chẳng cần thể hiện nhiều cảm xúc trên khuôn mặt nhưng trong ánh mắt của những người được nhận vẫn thể hiện rõ niềm vui và lòng biết ơn. Trong sự hoa lệ của chốn Sài Thành, những con người nghèo khổ, vất vả mưu sinh lặng lẽ nhận từng bữa ăn tối và rồi biến mất trong sự tấp nập của xe cộ trên đường, trong những hành trình mưu sinh đêm khuya vốn dĩ đã thân quen.

Trên con đường trở về, tôi tự hỏi mình: “Mình có thể làm gì để không chỉ chạm đến cái nghèo vật chất, mà còn giúp họ vượt qua sự nghèo trong đời sống đạo? Làm sao để họ nhận ra Chúa vẫn luôn hiện diện và chờ đợi họ? Phải chăng Chúa đã tạo nên những phận nghèo để giúp mình nhận ra ý nghĩa sống thật sự?” Những suy nghĩ ấy cứ vấn vương trong lòng tôi, như một lời mời gọi tôi bước tiếp trên hành trình đem tình yêu và ánh sáng của Chúa đến với những tâm hồn còn lạc lõng.

Qua chuyến hành trình, tôi nhận ra rằng, sự gần gũi với Thiên Chúa không phải lúc nào cũng đến từ những lời giảng giải lớn lao hay những nghi thức trang trọng. Nó bắt đầu từ những điều giản dị: một lời chào thân tình, một sự sẻ chia chân thành, và một tấm lòng không toan tính. Khi tôi đặt bàn tay mình lên tay một cụ già hay cười cùng những đứa trẻ, tôi biết rằng Chúa đang làm việc qua những hành động nhỏ bé ấy. Cái nghèo trong đời sống đạo, cái nghèo của sự xa cách Thiên Chúa, có thể được lấp đầy. Và tôi tin rằng, với tình yêu và lòng kiên nhẫn trong lời cầu nguyện có thể giúp họ tìm lại con đường trở về với Chúa — nơi có ánh sáng, sự an bình, và niềm hy vọng mãi mãi.

Anna Hồng Diễm_Thanh Tuyển sinh HD.MTG Thủ Đức.