TÂM TÌNH XIN VÂNG
Hiến Chương Dòng Mến Thánh Giá đã dạy: “Người nữ tu Mến Thánh Giá tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô và liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha với tâm tình XIN VÂNG của Mẹ Maria và Thánh Giuse, như Đấng Sáng Lập đã nêu gương” (HC 30).
Trong ba lời khấn của người tu sĩ, đối với tôi, lời khấn vâng phục vẫn luôn là thách đố và khó khăn nhất. Vâng phục đòi hỏi tôi phải hiến dâng ý riêng và cái tôi, quyền tự do điều khiển đời mình là những thứ luôn đeo bám tôi nhưng lại cư ngụ ở bên trong tôi. Để nhận diện và từ bỏ chúng, tôi phải rất tỉnh thức và quan sát mình kỹ càng, rồi chấp nhận rằng tôi yếu đuối, đầy giới hạn và sau cùng, tôi phó thác hoàn toàn vào Chúa.
Ngày tôi rời gia đình để vào dòng, mẹ tôi chỉ nhắn nhủ có một câu: “Đi tu thì nhớ vâng lời là trên hết nha con”. Lúc ấy, tôi chưa hiểu được lời dặn dò của mẹ. Tôi còn tự nhủ thầm trong lòng rằng: vâng lời thì có khó khăn gì đâu mà mẹ phải dặn dò mình như vậy, trước giờ ở nhà mình cũng vẫn vâng lời cha mẹ và người lớn dễ mà. Nhưng bây giờ, càng ngày tôi càng thấm thía những lời dặn dò đơn sơ mà sâu sắc ấy của mẹ. Mẹ tôi chẳng sống đời tu, chẳng được tiếp xúc nhiều với những người đi tu, nhưng có lẽ đâu đó mẹ đã thấm đượm lối sống của người môn đệ Chúa Kitô qua lời kinh và qua cuộc sống hằng ngày. Và hôm nay đây, khi tôi muốn đi tu, một lần nữa, từ chính kinh nghiệm sống của bản thân hay có khi Chúa đặt lời ấy nơi miệng lưỡi của mẹ mà nhắc bảo cho tôi về lối sống của một Kitô hữu và cũng là của người tu sĩ.
“Gọi dạ, bảo vâng” đối với những người lớn thì không khó đối với tôi, nhất là khi những người ấy lại là những người tôi yêu quý, nhưng vâng phục với sự tự do hoàn toàn, với lòng đơn sơ vui vẻ, với mong muốn làm cho người mình vâng lời được vui, nghĩa là từ bỏ ý riêng mình trong tất cả mọi sự và với mọi người để chỉ tìm và thi hành ý Chúa, thì đây chính là thách đố của tôi.
Nhìn về quá khứ, khi còn ở trong gia đình, tôi cũng là một cô bé khá ngoan ngoãn, dễ bảo, lễ phép trong mắt những người hàng xóm. Tôi chịu để mình được uốn nắn trong khuôn phép của cha mẹ và bề ngoài chẳng khi nào dám “vượt rào” thưa “không”. Nhưng bên trong, nhiều khi tôi vẫn âm thầm chống đối, tỏ ra không hài lòng với cách dạy bảo đôi khi hơi nghiêm khắc của mẹ, không hề vui vẻ khi phải cùng gia đình cố gắng tìm miếng cơm manh áo hay “con chữ” cho cả mấy anh chị em chúng tôi. Khi còn đang sống trong gia đình, tôi chưa có được sự trưởng thành hay hiểu chuyện như bây giờ, sau nhiều năm sống xa gia đình, được học hỏi bao nhiêu điều tốt đẹp trong đời tu. Những năm tháng đầu tiên sống trong nhà Thanh Tuyển cũng vậy, tôi rất dễ vâng lời quý dì giáo và vâng lời chị em. Tôi vẫn thấy vâng lời rất dễ, không có gì là khó khăn trở ngại hết. Lúc này đây, khi nhìn lại những ngày tháng đó, tôi nhận ra tại sao tôi lại dễ vâng lời như vậy. Năm ấy, tôi là người nhập dòng cuối cùng, lại từ miền quê xa xôi vào, không biết gì và cũng không quen ai. Tôi biết mình là người nhỏ bé nhất trong nhà, cả về tuổi đời lẫn tuổi tu, và vì thế tôi không có gì để kiêu ngạo hay dám để cho cái tôi lấn át. Nhưng bây giờ, tôi đã đánh mất ý thức mình là người nhỏ bé nhất trong cộng đoàn, tôi đã chăm chút cho cái tôi của mình càng ngày càng lớn, tôi dễ chiều theo ý riêng mình hơn là ý muốn của Chúa. Tôi để cho sự kiêu ngạo và quy kỷ chi phối mình trong tương quan với Chúa và nhất là với những người chị em sống bên cạnh mình. Tôi quên rằng vào ngày tuyên khấn, tôi đã phó nộp mình trong tay Chúa rồi. Chúa đã soi sáng để giúp tôi nhận ra điều này, để tôi lấy lại sự ý thức mình chỉ là một người nhỏ bé, rốt hết.
Đức cha Lambert, Đấng Sáng lập dòng của tôi, đã luôn mời gọi tôi học theo tâm tình XIN VÂNG của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Các ngài không nói nhiều, chỉ lặng lẽ suy ngẫm nhiều và làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Trong tháng linh thao, tôi có cơ hội được đi lại kinh nghiệm đón nhận và thi hành ý Chúa của Mẹ Maria và Thánh Giuse một cách chân thực hơn khi theo các ngài từ Nadarét đến Bêlem. Tôi được cảm nếm sâu sắc những gian lao, vất vả của các ngài trên hành trình ấy; đồng thời cũng được chiêm ngắm đức vâng phục trọn hảo của các ngài dành cho Thiên Chúa. Từ lúc thưa tiếng xin vâng đầu tiên, các ngài đã không ngừng thưa vâng với Thiên Chúa một cách mau mắn, tin tưởng, phó thác; không than phiền, càm ràm, trách móc. Đức cha Lambert cũng vậy. Từ ngày rời nước Pháp lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo, ngài đã luôn bước đi trong hành trình xin vâng liên tục, cho dù gặp muôn vàn gian lao vất vả. Con đường theo Chúa của tôi so với các ngài còn rất rất nhẹ nhàng, còn chưa nếm nhiều mùi đau khổ, thế mà tôi lại hay than thở, khó chịu.
Sau cuộc thao luyện trở về, tôi đang được Chúa mời gọi hoán cải, loại bỏ hai nết xấu chủ đạo là tội kiêu ngạo và tội quy kỷ, đồng thời luyện tập hai nhân đức ngược lại là khiêm nhường và tự hủy để trở nên một người môn đệ Chúa Kitô đích thực. Tôi nhận ra điều đầu tiên mà mình cần tập để đạt được mục tiêu ấy, là sống đức vâng phục trọn hảo trong đời sống thường ngày. Tôi bắt đầu quan sát những chuyển động nội tâm của mình từ những biến cố rất nhỏ bé, cụ thể trong đời sống cộng đoàn. Khi gặp một điều khác với điều mình mong muốn, nếu tôi ý thức có Chúa cùng hiện diện và hoạt động với mình, tôi sẽ uốn mình theo thánh ý Chúa. Nhưng khi tự mình chiến đấu, tôi lại để cho ý riêng mình lấn át và hành xử theo kiểu thế gian. Mỗi ngày, tôi nguyện kinh Lạy Cha và xin cho “ý Cha được thể hiện” nhiều lần, thế nhưng khi đối diện với những biến cố trong cuộc sống, tôi lại không sống được điều tôi xin. Vậy nên, tôi biết bản thân mình rất yếu đuối, cần phải cậy dựa vào ơn Chúa thật nhiều để chiến đấu và thắng mình mỗi ngày.
Điều tôi cần xin trong mỗi giây phút sống là có Chúa Kitô ở lại với tôi và tôi ở lại trong Chúa, để tôi có thể phó thác hoàn toàn nơi Ngài và làm theo tác động của Thánh Thần. Chỉ như vậy, tôi mới uốn nắn được bản thân mình trở nên một người môn đệ giống Chúa Kitô hơn mỗi ngày. Sống tâm tình XIN VÂNG trọn hảo sẽ dễ hơn khi tôi tập bỏ mình được, khiêm nhường được như các thánh và Đấng Sáng lập đã nêu gương.
Mary Joseph Nguyen – Học viện