Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 14 Thường Niên

87

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần XIV Thường Niên

LM. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

THIÊN CHÚA LUÔN TRUNG THÀNH VỚI GIAO ƯỚC CỦA NGÀI

(Hs 2:16.17b-18.21-22; Mt 9:18-26)

Trong bài đọc 1 hôm nay, lời sấm của Đức Chúa qua ngôn sứ Hôsê cho thấy tình yêu trung thành của Đức Chúa dành cho dân Israel. Đã bao lần con cái Israel đã bỏ Đức Chúa và chạy theo các ngẫu tượng, nhưng Đức Chúa đã không bao giờ thay đổi tình yêu của mình. Đức Chúa luôn muốn thiết lập lại mối tình mà đã bị con cái Israel làm rạn nứt. Những lời tỏ tình trong bài đọc 1 mang lại cho chúng ta những cảm xúc dạt dào: “Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ quyến rũ dân Ta, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Aicập” (Hs 2:16-17b). Trong ngày con cái Israel trở về với Ngài, Đức Chúa sẽ thiết lập giao ước tình yêu vĩnh viễn với họ: “Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: ‘Mình ơi,’ chứ không còn gọi ‘Ông chủ ơi’ nữa. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2:18-22). Tương quan chủ-tớ sẽ thay thế cho tương quan vợ-chồng. Những chi tiết này phản ánh cách trung thực đời sống của mỗi người chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng bỏ Chúa để chạy theo những “người yêu” khác [tiền tài danh vọng và những thói hư tật xấu]. Nhưng Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu của mình cho đến muôn đời. Ngài luôn chờ đợi và thiết lập lại giao ước tình yêu mà chúng ta đã làm đổ vỡ khi không đi theo huấn lệnh của Ngài. Liệu chúng ta có muốn thiết lập lại giao ước tình yêu với Thiên Chúa không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Chúng ta tìm thấy chi tiết của toàn bộ câu chuyện trong Tin Mừng Thánh Máccô (5:21-43). Thánh Mátthêu đã cắt ngắn câu chuyện. Cả hai người được chữa lành đều là người nữ. Câu chuyện chữa người con của vị thủ lãnh được chen vào giữa bởi câu chuyện chữa lành khác, chữa lành người đàn bà bị băng huyết. Trong một câu chuyện [người phụ nữ bị băng huyết], người phụ nữ đã chủ động đi bước trước trong việc tìm kiếm việc chữa lành cho chính mình từ Chúa Giêsu. Còn trong câu chuyện kia, người cha của người bệnh đến với Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành người bệnh. Chi tiết này chỉ ra cho chúng ta hai chuyển động trong việc đến với Chúa Giêsu để được chữa lành: chủ động [được chữa lành dựa trên đức tin hay lời cầu xin của chính mình và bị động [dựa trên đức tin hay lời cầu xin của người khác]. Hai chuyển động này cũng có thể diễn tả hai chuyển động không thể tách rời trong đời sống cầu nguyện: đến với Chúa và được Chúa đến, chạm đến Chúa và được Chúa chạm đến.

Trong câu chuyện chữa lành người con gái vị thủ lãnh, chi tiết đáng để chúng ta lưu ý là người con gái đã chết: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống” (Mt 9:18). Như vậy, trong phép lạ này, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành người bệnh, mà làm cho người chết sống lại. Ở đây, Thánh Mátthêu đã đề cao đức tin của vị thủ lãnh qua việc xin Chúa Giêsu cứu sống người con đã chết của ông khi ông cầu xin Chúa Giêsu. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm khác, chi tiết người con bị chết được biết sau khi người cha đã cầu xin Chúa Giêsu qua người gia nhân. Đứng trước Chúa Giêsu, vị thủ lãnh tỏ thái độ “đến gần tôn thờ” [bái lạy]. Qua cử chỉ này, vị thủ lãnh đã tuyên xưng đức tin của ông vào Chúa Giêsu như là Đấng Messia. Chúa Giêsu đáp lại đức tin của ông bằng việc đi cùng ông để chữa lành cho con gái của ông (x. Mt 9:19). Việc chữa lành con gái vị thủ lãnh có một sự chuyển tiếp khi Chúa Giêsu đến nhà vị thủ lãnh: “Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông ồn ào. Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy” (Mt 9:23-25). Trong những lời này, chúng ta thấy có những phản ứng khác nhau trước một sự kiện: vị thủ lãnh và những người khác cho rằng “con bé đã chết,” còn đối với Chúa Giêsu, con bé “đâu có chết, nó ngủ đấy.” Chi tiết này trình bày cho chúng ta cái nhìn Kitô giáo về cái chết, đó là tình trạng “ngủ.” Hình bóng về cái chết của Chúa Giêsu được phản chiếu ở đây. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Trong niềm tin của chúng ta, sự sống thay đổi chứ không mất đi với cái chết. Qua sự chết, chúng ta được chia sẻ trong vinh quang với Thiên Chúa. Chúng ta đang sống thế nào, đời sống tốt lành hay với con tim cay đắng, để khi chết chúng ta được ngủ yên trong Chúa?

Câu chuyện chữa lành người phụ nữ bị băng huyết được đặt giữa hai phần của câu chuyện chữa lành con gái vị thủ lãnh. Trong câu chuyện này, người phụ nữ chủ động đi tìm phương thức chữa lành cho mình. Theo luật của người Do Thái, người phụ nữ này sống trong tình trạng băng huyết miên trường, nên luôn bị xem là ô uế. Giống như những người phong cùi, bà bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn, không được tham gia vào các nghi lễ tôn giáo. Như vậy, việc chữa lành của Chúa Giêsu sẽ mang cho bà không chỉ lành bệnh thể lý mà còn được hội nhập lại vào trong đời sống của cộng đoàn. Trong cuốn Công Vụ của Philatô, tên của người phụ nữ là Bernice. Eusebius đã viết lại câu chuyện rằng bà là người dân ngoại thuộc vùng Cêsarê Philipphê. Đức tin của người phụ nữ được diễn tả cách đơn sơ qua hành động “tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo choàng của Người, vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa!’” (Mt 9:20-21). Hành động “tiến đến phía sau” đối nghịch với hành động “tiến lại gần trước” Chúa Giêsu của vị thủ lãnh. Bà chỉ mong ước được sờ vào áo choàng của Chúa Giêsu. Đây chính là một phần của khăn choàng cầu nguyện được mặc bởi những người Do Thái đạo đức (x. Ds 15:38-41; Đnl 22:12). Hành động của người phụ nữ rất quen thuộc trong Cựu Ước (x. 1 Sm 15-27; Zech 8:23). Trước đức tin vững vàng của bà, “Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: ‘Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.’ Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa” (Mt 9:22). Việc chữa lành của người phụ nữ xảy ra “ngay từ giờ ấy.” Thánh Mátthêu muốn nhấn mạnh đến hiệu quả chữa lành của lời Chúa Giêsu. Trong câu chuyện người phụ nữ bị băng huyết, chúng ta học được mẫu gương của một người nhận ra điều mình cần, đó là được chữa lành cả đời sống thể lý và thiêng liêng và chủ động chạy đến với Chúa Giêsu, chạm vào Ngài để lời Ngài chữa lành mình. Ai trong chúng ta cũng có những căn bệnh cần được Chúa Giêsu chữa lành, như ghen tỵ, nói xấu, nghĩ xấu, không thật thà, v.v. Hãy đến với Chúa Giêsu, chạm vào Ngài và nhất là mở rộng cõi lòng để lời Ngài [chúng ta nghe mỗi ngày hoặc mỗi Chúa Nhật] chữa lành chúng ta.

***************

THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI LÀM THỢ GẶT TRONG CÁNH ĐỒNG CỦA THIÊN CHÚA

(Hs 8:4-7.11-13; Mt 9:32-38)

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Hôsê nói về tình trạng bỏ Thiên Chúa để chạy theo ngẫu tượng của con cái Israel. Họ không còn đi theo đường lối và huấn lệnh của Đức Chúa. Trong lời sấm của Hôsê, chúng ta có thể đọc thấy những lỗi phạm sau: (1) con cái Israel không chấp nhận Đức Chúa là Đấng dẫn dắt mình mà chọn cho mình những lãnh tụ theo ý muốn [“Con cái Israel phong vương người mà Ta không chọn, tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết, dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan” (Hs 8:4)]; (2) con cái Israel đã không tuân theo luật lệ của Đức Chúa [“Luật lệ của Ta, Ta có viết cho nó cả ngàn, thì nó cũng coi là xa lạ” (Hs 8:12)]. Đứng trước những lỗi phạm này, Đức Chúa đã kêu gọi con cái Israel từ bỏ ngẫu tượng, trở về để bước đi trong đường lối huấn lệnh của Ngài. Nếu không trở về với Đức Chúa, con cái Israel sẽ phải đối diện với những hậu quả họ tạo ra như lời Đức Chúa phán: “Chúng gieo gió thì phải gặt bão. Chúng là cây lúa không làm đòng, là hạt lúa lép không có bột, nhưng giả như có bột, thì ngoại bang cũng sẽ nuốt hết” (Hs 8:7). Hình ảnh của Israel trên đây phản chiếu một cách nào đó cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng chọn cho mình những người “lãnh đạo” hướng dẫn đời mình ngoài Thiên Chúa, đó có thể là tiền tài, danh vọng, cũng như những lợi danh ở đời để rồi chúng ta không còn nghe và sống theo huấn lệnh của Thiên Chúa. Lời sấm của ngôn sứ Hôsê mời gọi chúng ta từ bỏ lối sống chạy theo ngẫu tượng để bước đi trong đường lối Đức Chúa chỉ dẫn. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể tìm thấy được niềm vui ơn cứu độ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta hai điều nơi Chúa Giêsu, đó là Ngài chữa lành một người câm bị quỷ ám (Mt 9:32-34) và Ngài tỏ lòng thương với đám đông dân chúng. Sự kiện Chúa Giêsu chữa người câm bị quỷ ám cũng như phản ứng của người Pharisêu được trình bày rất ngắn gọn. Nếu lưu ý, chúng ta nhận ra rằng việc chữa lành chỉ được đề cập đến trong một mệnh đề phụ. Chúng ta sẽ thấy cùng sự kiện như thế được trình thuật cách chi tiết hơn trong chương 12 (câu 22-32). Điều làm chúng ta quan tâm ở đây là việc chữa lành của Chúa Giêsu đã gợi lên hai phản ứng trái chiều: tích cực nơi đám đông [“Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” (Mt 9:33)] và tiêu cực nơi những người Pharisêu [“Nhưng người Pharisêu lại bảo: ‘Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ’” (Mt 9:34)]. Phản ứng tích cực của đám đông cho thấy việc Chúa Giêsu thực hiện những phép lạ có một ý nghĩa quan trọng trong việc giải phóng dân Israel. Phản ứng tiêu cực của những người Pharisêu đã bắt đầu một chuỗi đối kháng và bóng dáng của Thập Giá đã rợp bóng trên cuộc đời Chúa Giêsu từ giây phút này. Theo họ, Chúa Giêsu không phải là một “thầy thuốc không có hại.” Việc chữa lành của Ngài mang đặc tính tôn giáo hơn là thể lý. Trong những sự kiện xảy ra thường ngày, nhất là những sự kiện đau buồn [không như lòng mong ước], chúng ta phản ứng thế nào: đón nhận [để cho sức mạnh giải phóng của ơn Chúa hoạt động trong chúng ta] hay phản kháng [làm cho chuỗi đối kháng và bóng dáng thập giá tiếp tục rợp bóng trên Chúa Giêsu Kitô]?

Bốn câu nói về lòng thương xót của Chúa Giêsu mang tính cách chuyển tiếp. Chúng nhằm mục đích kết thúc một phần giảng dạy mà Chúa Giêsu thực hiện (4:23-9:34). Phần này trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu như một Đấng Messia qua lời nói và hành động. Chúng cũng nhằm mục đích mở ra cho sứ mệnh của các môn đệ và lời dạy về sứ mệnh rao giảng trong chương 10. Việc sử dụng nguồn để viết phần này phản chiếu sự đa dạng đó, sự hoà quyện giữa nguồn lấy từ Tin Mừng Thánh Máccô và nguồn Q. Một cách cụ thể, trong phần này, câu quan trọng nhất là câu 35: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Câu này lặp lại câu Mt 4:23. Câu này cung cấp một bản tóm tắt về sứ vụ của Chúa Giêsu. Nó bao gồm một mệnh đề chính [“Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc”] và ba mệnh đề phụ [“giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”]. Ba mệnh đề phụ tạo nên cấu trúc ‘ABA’ trong đó yếu tố B [“rao giảng Tin Mừng Nước Trời”] là nòng cốt và quan trọng. Nó được “bao bọc” bởi việc “giảng dạy trong các hội đường” và “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Mối tương quan giữa ba yếu tố là: Tin Mừng Nước Trời được rao giảng và bắt đầu triển nở bằng lời và hành động của Chúa Giêsu. Câu 35 này và câu 23 của chương 4 tạo nên một “dấu kép,” trong đó Thánh Mátthêu miêu tả Chúa Giêsu như một thầy giảng qua lời [trong chương 5-7] và qua hành động [trong chương 8-9]. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống rao giảng Tin Mừng trong ngày sống. Việc rao giảng phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động. Cuộc sống dạy rằng: Người đáng tin cậy là người có lời nói đi đôi với hành động. Chúng ta đang sống điều này như thế nào?

Cuối cùng, việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương (câu 36) nói lên việc Ngài yêu thương với tất cả “cảm xúc” của con người. Tình yêu [đầy cảm xúc] và lòng thương xót của Ngài mở rộng đến đám đông chứ không chỉ giới hạn cho nhóm Mười Hai. Động lực mà qua đó Chúa dấn thân để thực hiện “công việc tông đồ” là kinh nghiệm trực tiếp về nhu cầu cần người lãnh đạo tinh thần [thiêng liêng] của đám đông: “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9:36). Ở đây, chúng ta thấy sự “nhanh nhẹn” của Chúa Giêsu khi Ngài biến “vấn đề” [“họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt”] thành cơ hội để dạy các môn đệ [“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38)]. Từ cơ hội này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: anh em thấy một sự trái nghịch giữa lúa đồng [nhiều] và thợ gặt [ít]. Đây luôn là tình trạng anh em sẽ đối diện vì công việc tông đồ luôn làm cho anh em bị “hao tổn tâm lý” ngay cả khi nó không đòi hỏi anh em nhiều về thể lý. Vì vậy, anh em hãy cầu nguyện! Thật vậy, chỉ có cộng đoàn mà đức tin của các thành viên được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện liên lỉ mới có thể đón nhận và tạo ra những thợ gặt tốt cho mùa gặt.

***************

THỨ TƯ TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

ĐƯỢC GỌI, CHỌN VÀ SAI ĐI

(Hs 10:1-3.7-8.12; Mt 10:1-7)

Ngôn sứ Hôsê, trong bài đọc 1, tiếp tục nói về đời sống tôn thờ ngẫu tượng của Israel. Càng thịnh vượng, Israel càng chạy theo ngẫu tượng: “Israel vốn là một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú. Nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng làm thêm những cột thần lộng lẫy” (Hs 10:1). Tình trạng này cũng nói lên tình trạng của nhiều người trong chúng ta. Khi bần cùng, thiếu thốn, chúng ta thường chạy đến với Chúa để cầu xin. Nhưng khi được thịnh vượng, chúng ta lại quy chiếu mọi sự về mình và quên mất Đức Chúa. Thật vậy, nhiều lần trong ngày sống, chúng ta cũng sống “lòng một dạ hai,” hay nói đúng hơn là sống tình yêu nửa vời với Đức Chúa. Đức Chúa qua lời ngôn sứ Hôsê kêu gọi con cái Israel và mỗi người chúng ta tìm về với Đức Chúa để không bị diệt vong: “Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương. Hãy khai khẩn đất hoang; đây là thời kiếm tìm Đức Chúa cho đến khi Người đến làm mưa công chính trên các ngươi” (Hs 10:12). Đức Chúa mong ước mỗi người chúng ta tìm kiếm và gieo rắc sự công chính, đó là sống theo đường lối Đức Chúa chỉ dạy. Khi sống công chính, chúng ta sẽ gặt được hoa trái yêu thương.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu trình thuật về sứ vụ (Mt 10:1-42). Trong trích đoạn hôm nay, chúng ta nghe về sứ vụ của Mười Hai Tông Đồ. Những câu này, cùng với 9:36-38, giới thiệu bài giảng quan trọng thứ hai của Tin Mừng, bài giảng về sứ vụ của Mười Hai Tông Đồ. Một vài học giả Kinh Thánh thích gọi trích đoạn hôm nay là “phần trung tâm” vì nó bao gồm cả trình thuật về sứ vụ (9:36; 10:1-5a), nhưng nó không mang nghĩa sứ vụ theo cách hiểu hiện đại hôm nay. Cũng giống như bài giảng trên núi, phần này được kết hợp giữa một phần trong Tin Mừng Thánh Máccô và nguồn Q. Thánh Mátthêu đã tái thiết lại hai nguồn này, nhất là các câu 5a-8.

Trình thuật bắt đầu với việc Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ đến bên Ngài: “Khi ấy, Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10:1). Thông thường, thuật ngữ môn đệ được sử dụng ám chỉ đến một nhóm nhiều người theo Chúa Giêsu, nhưng trong câu chuyện [và một nơi khác, chương 18] Thánh Mátthêu đã giới hạn thuật ngữ trong Nhóm Mười Hai. Trong việc sử dụng này, Thánh Mátthêu muốn giữ Nhóm Mười Hai với các môn đệ khác, nhưng đồng thời chỉ ra họ là một nhóm đặc biệt. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại ơn gọi Kitô hữu [ơn gọi thánh hiến] của mình giữa muôn người. Chúng ta cũng sống với những người khác, nhưng chúng ta có ơn gọi đặc biệt, đó là trở nên tông đồ của Chúa Giêsu. Để trở nên những người tông đồ đắc lực chúng ta cần ý thức như các Tông Đồ rằng, chúng ta được Chúa Giêsu gọi và ban cho quyền của Ngài. Trong vấn đề này, các thánh sử của Tin Mừng Nhất Lãm đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những người được Chúa Giêsu sai đi. Họ có quyền từ Chúa Giêsu. Trong việc gọi các môn đệ và sai họ đi, Chúa Giêsu luôn là người chủ động, đi bước trước. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình trong đời sống sứ vụ. Chúng ta được Chúa Giêsu gọi và chọn không phải là do công trạng của mình, nhưng do tình yêu của Ngài. Ngài muốn đưa chúng ta vào trong quỹ đạo của tình yêu Chúa Cha dành cho Ngài và Ngài dành cho Chúa Cha. Những gì chúng ta có và chúng ta là đều đến từ Ngài và thuộc về Ngài. Chúng ta không có gì để tự mãn ngoài niềm vui được gọi, được chọn, được ban quyền và được sai đi. Chỉ khi chúng ta hiểu được chân lý này, chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui trong phục vụ và yêu thương.

Thánh Mátthêu tiếp đến kể cho chúng ta nghe tên của mười hai Tông Đồ: “đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người” (Mt 10:2-4). Con số mười hai đến từ mười hai chi tộc Israel (x. Mt 19:28) và là biểu tượng của việc tái thiết lại toàn bộ Israel. Như chúng ta biết, thuật ngữ “Tông Đồ” [apostolos] chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Nhìn danh sách tên các Tông Đồ, chúng ta không khỏi kinh ngạc về sự phong phú và khác biệt trong tính cách của mỗi người. Điều giữ họ thuộc về nhóm là sự kiện “được Chúa Giêsu gọi, chọn, ban cho quyền và sai đi.” Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là mối dây liên kết họ lại với nhau trong đời sống chung và trong đời sống sứ vụ. Chi tiết này mời gọi chúng ta suy gẫm về đời sống của mình với anh chị em: Trong đời sống chung và phục vụ của mình, chúng ta có để Chúa Giêsu làm trung tâm điểm và là mối dây liên kết chúng ta với anh chị em mình không?

Trình thuật Tin Mừng kết thúc với hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các Tông Đồ về đối tượng và sứ điệp rao giảng của mình: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:5-7). Theo các học giả Kinh Thánh, mệnh lệnh tránh rao giảng cho dân ngoại và người Samaria là để theo việc thực hành của Chúa Giêsu (x. Mt 15:25). Điều khó khăn nhất ở đây là làm thế nào để hoà giải những câu này với việc sai đi trong 28:19. Chúng ta không thể tìm được một câu trả lời dễ dàng, nhưng chúng ta có thể tìm thấy cánh cửa mở ra cho việc rao giảng cho dân ngoại tại một vài chỗ trong Tin Mừng (x. Mt 10:18; 3:9; 8:11; 21:43; 22:1-14; 23:38-39). Có lẽ, Thánh Mátthêu để mệnh lệnh này ở đây vì nó quan trọng cho các thành viên trong cộng đoàn và được diễn tả cách mạnh mẽ trong ý thức của người Do Thái về chính truyền thống đặc trưng của chính mình. Các Tông Đồ chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel. Hình ảnh được tìm thấy trong sách Ngôn sứ Êdêkien (34:2-6). Nó ám chỉ trước tiên đến toàn bộ dân Israel, bao gồm những “chi tộc bị lạc.” Nhưng nó cũng ám chỉ đến một nhóm nhỏ bên trong dân Israel, đó là “những người bản địa,” những người vì một lý do nào đó [kiếm sống, kinh doanh, không được giáo dục] bị loại ra khỏi nhóm được quan tâm bởi những người lãnh đạo tôn giáo. Chúa Giêsu có mối quan tâm đặc biệt đến những người này, nhưng không có nghĩa là Ngài loại trừ những người khác. Mục đích của Ngài không phải là làm suy yếu dân Thiên Chúa, nhưng là để nối kết họ lại với nhau. Và những “con chiên lạc” này đáp lại tiếng mời gọi đầy yêu thương của Ngài. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được sai đến những người bị loại ra bên lề xã hội, những người bị người khác coi thường, không muốn làm bạn. Điều này đòi hỏi chúng ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên để chọn những người dễ thương, dễ mến, dễ bảo để làm bạn với mình. Chúng ta cần yêu những người không dễ yêu, gần những người không dễ gần, và tha thứ cho những người khó tha thứ. Chỉ khi làm được như thế, con tim chúng ta mới trở nên giống con tim tràn đầy tình yêu của Chúa Giêsu hơn.

***************

THỨ NĂM TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

RA ĐI MANG TIN MỪNG NƯỚC TRỜI

(Hs 11:1.3-4.5c.8ac-9; Mt 10:7-15)

Tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho con cái Israel được diễn tả trong những ngôn từ đầy cảm xúc trong bài đọc 1 hôm nay. Đức Chúa đã yêu Israel ngay từ thời niên thiếu; Ngài đã chọn, đã gọi, đã dẫn dắt và đối xử đầy yêu thương với Israel: “Khi Israel còn non trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11:1-4). Với tình yêu tràn đầy và sâu đậm, Đức Chúa đã yêu thương Israel. Ngài mong ước Israel đáp trả lại với tình yêu. Nhưng Israel đã không chịu về với Đức Chúa (x. Hs 11:5c). Nhưng dù cho Israel không trở về với Ngài, Đức Chúa vẫnn trung thành với tình yêu của Ngài: “Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11:8ac-9). Hình ảnh trung thành của Thiên Chúa làm chúng ta nhìn lại tình yêu của mình dành cho Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta biết và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài yêu chúng ta ngay từ khi chúng ta vừa mới hình thành trong dạ mẫu thân; Ngài đồng hành với chúng ta qua từng ngày sống với tình yêu quan phòng của Ngài; Ngài nâng niu, ấp ủ chúng ta như mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nhưng nhiều lần chúng ta đã không đáp lại tình Ngài. Chúng ta đặt tình yêu của mình vào những thứ chóng qua của trần thế. Dù chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Hãy trở về và để tình yêu trung thành của Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta!

Chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm qua về việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải đi rao giảng ở đâu [“Anh em đừng đi tới các vùng dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari”] và rao giảng cho ai [“đến với các con chiên lạc Israel”]. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ phải rao giảng gì: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7), và phải làm gì: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:8-10). Nếu để ý, chúng ta nhận ra rằng sứ điệp các môn đệ rao giảng chính là sứ điệp về Nước Trời mà Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đã rao giảng. Điều này cho thấy họ không rao giảng sứ điệp của chính mình, nhưng chỉ rao giảng sứ điệp mà Thiên Chúa muốn. Đây là chi tiết đầu tiên chúng ta cần suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay. Ai trong chúng ta cũng được mời gọi để rao giảng sứ điệp Nước Trời qua lời nói và hành động. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức rằng, sứ điệp chúng ta rao giảng là sứ điệp mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Nói cách khác, lời ăn tiếng nói và hành động của chúng ta phải giống với Chúa Giêsu. Chúng ta đã thực hiện điều này như thế nào?

Trong phần 1 nói về những điều cần phải làm, Thánh Mátthêu dường như dùng một câu trích từ thư của Thánh Phaolô (x. Rm 3:24; 2 Cr 11:7). Câu “anh em đã được cho không” nói về sự thật của ơn cứu độ là điều rất quan trọng cho hết mọi người mà các môn đệ phải rao giảng dù người nghe của họ là ai và người nghe có khả năng để trả tiền hay không. Câu này được cân bằng bởi câu 10b: “thợ thì đáng được trả công.” Câu 10b ám chỉ việc người tông đồ cần phải sống, nhưng sống trên sự “bố thí” mà người khác trả cho. Sự đối kháng giữa hai nguyên tắc này [cho không-đáng được trả] không tuyệt đối, nhưng chúng rất khó để cân bằng trong đời sống thực tế. Thực tế cho thấy, nhiều người luôn cho không, phục vụ hết mình, nhưng đến một lúc nào đó lại thấy khó chịu, rồi tự hỏi: tại sao tôi phải làm trong khi người khác lại “ngồi chơi sơi nước.” Từ đó, chúng ta bắt đầu so đo tính toán “chi li.” Hệ quả là chúng ta bắt đầu đòi được “trả công,” không phải [chỉ] bằng tiền, nhưng bằng những tiếng khen, những tràng pháo tay. Hai nguyên tắc này chỉ được cân bằng khi người môn đệ có Chúa: người môn đệ cho không mọi sự để được Thiên Chúa trả công!

Trong hành trình rao giảng, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một danh sách những vật dụng mà họ cần cho hành trình rao giảng. Những thứ này là những gì cần thiết cho một chuyến đi: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy.” Danh sách này có điểm khác biệt so với bản văn tương ứng trong Tin Mừng Thánh Máccô (6:8-11). Trong Tin Mừng Thánh Máccô, các môn đệ được mang giày và gậy [để đuổi thú dữ và kẻ cướp]. Thánh Mátthêu trình bày việc Chúa Giêsu đưa ra luật khắt khe này nhằm mục đích nhấn mạnh đến sự khẩn cấp của sứ mệnh. Chi tiết này bổ sung cho ý trên, đó là cho nhưng không và nhận những gì người khác ban tặng. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng khi đi rao giảng, chúng ta không tìm kiếm hay mong ước người khác trả công cho mình bằng “vàng bạc” hay “tiền đồng để giắt lưng.” Chúng ta tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, còn những sự khác sẽ ban cho chúng ta sau. Không có một sự trả công nào đẹp cho bằng thấy những người chúng ta phục vụ được hạnh phúc và đạt đến ơn cứu độ.

Phần 2 tập trung vào việc các môn đệ phải làm trong khi rao giảng. Việc Chúa Giêsu dặn các môn đệ vào bất cứ thành nào hay làng nào ám chỉ việc các môn đệ phải lệ thuộc vào sự quảng đại và đón nhận của người địa phương. Họ chia sẻ trong cuộc sống của người dân, những người mà họ được sai đến – với tất cả những nguy hiểm và bất tiện trong cuộc sống mà việc rao giảng đòi hỏi. Khi sống với những người được sai đến, người môn đệ phải trở thành sứ giả của bình an: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (Mt 10:12-13). Xây dựng bình an là một trong các mối phúc thật: “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Khi đem bình an đến cho người khác, chúng ta không chỉ đơn giản là người môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng còn là người con của Thiên Chúa. Hãy là người mang bình an, hoà bình cho người khác. Đừng là nguyên nhân chia rẽ!

***************

THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

CON ĐƯỜNG RAO GIẢNG TIN MỪNG: CON ĐƯỜNG CHÔNG GAI

(Hs 14:2-10; Mt 10:16-23)

Qua lời sấm của ngôn sứ Hôsê, Đức Chúa mời gọi Israel trở về với Ngài: “Hỡi Israel, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã vấp ngã. Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện” (Hs 14:2-3). Sự trở về cần được đồng hành với thái độ cầu nguyện [chìm sâu trong biển tình yêu của Thiên Chúa]. Trong lời cầu nguyện khi trở về, Israel cần mặc lấy tâm tình ăn năn và hoàn toàn tín thác vào Đức Chúa [không cậy dựa vào sức mình và sức người khác]: “Hãy thưa với Người: ‘Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ. Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm’” (Hs 14:3-4). Chính trong tâm tình thành tín này, mà Israel [và chúng ta] cảm nghiệm được tình yêu chữa lành của Thiên Chúa: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14:5). Thiên Chúa luôn muốn chữa lành những vết thương trong các mối tương quan của chúng ta. Ngài luôn yêu chúng ta với tình yêu chung thuỷ, không phân chia? Chúng ta đáp lại tình yêu này như thế nào?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ làm thế nào để đối diện với những bách hại trong tương lai trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ lưu ý là họ cần ý thức vai trò của người được sai đi: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Đây là những lời đặc trưng của Tin Mừng Thánh Mátthêu. Chúng có nguồn gốc từ trong Midras (Cant. 2:14): “Đức Chúa nói với con cái Israel, trước mặt ta chúng phải chân thật giống bồ câu, nhưng trước mặt dân ngoại, chúng phải khôn ngoan như rắn” (x. Rm 16:19; 1 Cr 14:20). Câu nói này nhằm giúp chúng ta phân biệt giữa sự vô tội [đơn sơ] và người “ngây thơ giả tạo.” Đời sống của người Tông Đồ luôn gặp nhiều thử thách và chống đối. Vì vậy, người Tông Đồ phải luôn sống đơn sơ [không để bụng những gì không cần thiết] và khôn ngoan trong các hành xử của mình [tiếp tục làm việc tốt cho anh chị em mình]. Chỉ như thế, người Tông Đồ mới tìm được niềm vui và sự bình an trong việc phục vụ cho Tin Mừng.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho các Tông Đồ thấy họ phải đối diện với điều gì và họ phải có thái độ như thế nào khi phải đối diện với bắt bớ: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại” (Mt 10:17-18). Các Tông Đồ sẽ bị bắt bớ bởi những người đồng hương Do Thái, là những người lãnh đạo tôn giáo. Không những thế, họ sẽ bị điệu ra trước những người có quyền thế trong xã hội, là vua chúa quan quyền. Nói cách khác, các Tông Đồ phải đối diện với sự bách hại từ các lãnh đạo về đời và về đạo. Điều này vẫn được chúng ta cảm nghiệm thấy trong một vài nơi trên thế giới hôm nay. Nhưng dù bị bắt bớ, các Tông Đồ xem đây là cơ hội để làm chứng cho sứ điệp Nước Trời. Vì trong giờ phút đó, người Tông Đồ “đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20).

Chúa Giêsu còn chỉ ra cho các môn đệ một sự thật đau lòng khác trong đời sống chứng tá, đó là những người bách hại và nộp họ chính là các thành viên trong gia đình của mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:21-22). Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau bị người thân của mình trao nộp [hay phản bội]. Thật vậy, trong gia đình hay trong đời sống cộng đoàn, chính người thân lại dễ làm chúng ta đau khổ.  Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải bền chí và trung thành với niềm tin của mình cho đến cùng. Những ai chạy đến cùng đường, đến đích mới cảm nghiệm được niềm vui của chiến thắng, của kết thúc hành trình.

Bài Tin Mừng kết với sự kiện là dù các Tông Đồ có nỗ lực đến đâu, họ cũng không thể nói rằng sứ vụ rao giảng đã hoàn thành. Sứ vụ này luôn tiếp diễn cho đến khi Con Người đến: “Khi người ta bắt bớ anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến” (Mt 10:23). Những lời này nhắc nhở chúng ta đừng ngủ quên trong chiến thắng, nhưng tiếp tục sứ vụ rao giảng cho đến cùng. Chúng ta cần học điều này trong đời sống sứ vụ: Không tự mãn khi thành công nhưng sống khiêm nhường; không thất vọng khi thất bại nhưng biết kiên nhẫn bắt đầu lại với Chúa.

***************

THỨ BẢY TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

SỐNG KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

(Is 6:1-8; Mt 10:24-33)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta thị kiến của ngôn sứ Isaia sự kiện xảy ra vào năm vua Útdigiahu băng hà. Trong thị kiến, Isaia đã “thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xêraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân, và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: ‘Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!’” (Is 6:1-3). Đứng trước sự thánh thiện của Thiên Chúa Isaia nhận ra sự bất xứng, tội lỗi của mình: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6:5). Dù bất xứng và tội lỗi, Isaia được Đức Chúa chọn. Khi được chọn Đức Chúa đã thanh luyện và sai Isaia đi đến với con cái nhà Israel: “Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: ‘Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.’ Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?’ Tôi thưa: ‘Dạ, con đây, xin sai con đi’” (Is 6:6-8). Thái độ sẵn sàng để thuộc trọn về Thiên Chúa của Isaia đáng để chúng ta suy gẫm. Mỗi người chúng ta cũng là những con người yếu đuối tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa gọi, chọn, thanh luyện và sai chúng ta đến với anh chị em mình. Liệu chúng ta có đáp lại lời mời gọi của Chúa không? Chúng ta có sẵn sàng để Chúa thanh luyện và sai chúng ta đi đến với những người mà Ngài muốn không?

Niềm vui và nỗi buồn của kiếp nhân sinh được trình bày trong bài đọc 1 cũng là điều các môn đệ Chúa Giêsu phải đối diện trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: Phần 1 (Mt 10:24-25) tiếp tục lời Chúa Giêsu dạy về việc làm thế nào để đối diện với sự bách hại trong tương lai; phần 2 (Mt 10:26-31) nói về điều đáng sợ và điều không đáng sợ; phần 3 (Mt 10:32-33) trình bày về tầm quan trọng của việc tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt người khác. Chúng ta cùng nhau rút ra ba sứ điệp từ ba phần để sống trong ngày hôm nay.

Trong phần 1, Chúa Giêsu nói với các môn đệ lý do tại sao các ông bị bách hại: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là đủ rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà.” Câu này và những câu khác trong hai phần sau rất quan trọng để hiểu về ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. “Môn đệ” có nghĩa là “người học” hay “sinh viên.” Người theo Chúa Giêsu là người “sinh viên suốt đời” của Chúa Giêsu, bởi vì những gì Ngài dạy là sự khôn ngoan về cuộc sống. Tương quan thầy trò trong bối cảnh Do Thái là việc người học trò sau khi học xong những gì thầy phải dạy, tiếp tục đi đến học với thầy khác và sau đó chính mình trở thành thầy dạy. Để ngăn điều này xảy ra trong tương quan của người môn đệ với Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu thêm vào câu “tớ được như chủ” để nói lên rằng: đối với người tin hữu, Chúa Giêsu không chỉ là thầy, nhưng còn là chủ, là Chúa. Trong câu này, Chúa Giêsu nói đến khả thể người môn đệ được chia sẻ trong cùng vinh quang, cũng như trong cùng khổ nạn mà Ngài phải chịu. Chúng ta luôn muốn được chia sẻ trong vinh quang của Chúa Giêsu, nhưng lại không muốn chia sẻ trong đau khổ. Người môn đệ chân thật là người sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự đến từ Chúa. Chúng ta đã có thái độ sẵn sàng này chưa?

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có nỗi sợ riêng của mình. Chúa Giêsu, trong phần 2 của bài Tin Mừng, nói cho các môn đệ về một nỗi sợ mà họ cần phải có. Ngài nói họ phải sợ và không phải sợ ai; không phải sợ và phải sợ điều gì. Một cách cụ thể, người môn đệ không “sợ người ta” vì người ta “chỉ giết thân xác mà không giết được linh hồn,” nhưng người môn đệ sợ Thiên Chúa, “Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” Tuy nhiên, sứ điệp của phần này nằm trong lối viết “bánh mì kẹp”: câu 26 và câu 31 bắt đầu với những lời: “Vậy anh em đừng sợ.” Phần giữa nói về thực tế bị bách hại và giết chết mà người môn đệ phải đối diện khi rao giảng Tin Mừng. Trong phần giữa, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải can đảm trong việc rao giảng: “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Nhưng khi rao giảng những điều bí mật và điều rỉ tai [mầu nhiệm Nước Trời], các môn đệ sẽ bị người ta giết thân xác. Đối diện với bắt bớ, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng quan tâm chăm sóc cho cả sự sống rẻ nhất: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với người môn đệ rằng: Chỉ có những người có đức tin vững mạnh mới có thể đứng vững trước bách hại, trước những khó khăn và nguy hiểm về thân xác mà đời sống rao giảng mang lại cho người môn đệ.

Cuối cùng, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ về mối tương quan giữa việc tuyên xưng hoặc chối bỏ Ngài trong đời sống hiện tại với việc Ngài sẽ đón nhận hoặc chối bỏ họ trong đời sống mai sau. Khi liên kết tư tưởng này với phần thứ 2, chúng ta nhận ra rằng: khi không sợ những người chỉ giết thân xác, người môn đệ mới hiểu được tầm quan trọng trong việc tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt người khác. Nói cách khác, khi không sợ con người nhưng kính sợ Thiên Chúa, người môn đệ mới hiểu được ý nghĩa của câu: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Trong những lời này, Chúa Giêsu cho thấy chúng ta có tự do trong việc nhận hay chối Ngài. Việc nhận hay chối của chúng ta là yếu tố quyết định việc Ngài nhận hay chối chúng ta trước mặt Chúa Cha. Quyết định ở trong tầm tay mình! Chúng ta sẽ quyết định như thế nào: nhận hay chối Ngài!