Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 11 Thường Niên

79

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

SỐNG YÊU THƯƠNG, KHÔNG THÙ OÁN

(1 V 21:1-16; Mt 5:38-42)

Lòng tham [hay ganh tỵ] thường là nguyên nhân của những bất công xảy ra trong xã hội của mọi thời. Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện về Navốt và vua Akháp. Chúng ta học được điều gì trong câu chuyện này? Chúng ta học được thái độ tích cực từ hình ảnh của Navốt, đó là sự cương nghị, không sợ hãi để bảo vệ những gì mình được thừa hưởng: “Ông Navốt thưa với vua Akháp: “Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!” (1 V 21:3). Chúng ta tránh thái độ tiêu cực của (1) vua Akháp khi không đạt được điều mình muốn: “Vua Akháp trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Navốt, người Gítrơen đã nói với vua: ‘Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua.’ Vua nằm trên giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì” (1 V 21:4); (2) thái độ gian dối và tàn ác của hoàng hậu Ideven: “Bấy giờ, bà nhân danh vua Akháp viết thư, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Navốt. Trong thư bà viết rằng: ‘Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Navốt ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: ‘Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua.’ Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết” (1 V 21:8-10). Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã dùng thái độ buồn rầu và bực bội với anh chị em mình khi họ không thực hiện điều chúng ta mong ước. Sau đó, để đạt được mục đích của mình, chúng ta sống trong sự gian dối và tàn ác, hầu loại trừ tất cả những người cản lối chúng ta đạt đến mục đích mình muốn. Cuộc sống trở nên đẹp khi chúng ta biết thoả mãn với những gì mình có và tạ ơn với anh chị em mình cho những gì họ được Thiên Chúa ban.

Chúng ta thường có khuynh hướng muốn trả thù khi một người nào đó xúc phạm đến mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta về luật “trả thù.” Tuy nhiên, theo đúng nghĩa, lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay liên quan chặt chẽ với luật yêu thương kẻ thù trong phần kế tiếp của Tin Mừng. Tương quan giữa hai luật này và truyền thống trước của chúng sẽ được trình bày sau câu 48. Phần này mở rộng câu nói trong “nguồn Q” (x. Lc 6:29-30).

Theo luật cũ, “anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5:38). Câu trích này là một luật mang tính pháp lý để quy định việc trả thù và trả miếng cho những thiệt hại [tổn hại] (x. Xh 21:22-25; Lv 24:20; Đnl 19:21). Nếu đặt trong bối cảnh hôm nay, luật này có vẻ man rợ và tàn ác. Nhưng trong bối cảnh thời đó, ý định nguyên thuỷ của nó mang tính rất nhân bản, đó là để hạn chế sự trả thù đến đúng mức độ tương đồng (chỉ một mắt cho một mắt, không được lấy hơn). Nói một cách nào đó, luật này dựa trên đức công bình. Khi nó được giới thiệu vào trong xã hội thời đó, nó trợ giúp rất lớn trong quá trình phát triển đời sống luân lý của con người. Vào thời Chúa Giêsu, các luật sĩ cảm thấy luật này quá “tàn nhẫn” và bắt đầu tiến trình thay đổi nó bằng những hình phạt khác, nhưng nguyên tắc bồi thường tương xứng vẫn thịnh hành trong lối suy nghĩ mang tính pháp lý của những người lập pháp thời  đó. Đứng trước lối suy nghĩ này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-42). Chúng ta có thể rút ra những ý sau đây trong lời dạy của Chúa Giêsu để suy gẫm:

Thứ nhất, Chúa Giêsu dạy về việc “không chống cự” với sự dữ theo nghĩa tránh những bạo lực và tổn hại mang tính thể lý. Điều này có thể dẫn đến lối suy nghĩ rằng Chúa Giêsu cho phép khả năng sự chống cự mang tính tâm lý hoặc luân lý như Mahatma Gandhe hoặc Martin Luther King. Nhưng nếu chúng ta xem bản văn song song với bản văn hôm nay trong Rm 12:19-21, bản văn được đặt nền trên sách Cn 25:21-22, chúng ta nhận ra rằng lời dạy của Chúa Giêsu là một chiến lược để chiến thắng, không phải theo sự nhẫn nhục mang tính thụ động hoặc dửng dưng đối với sự dữ. Mục đích ở đây là làm cho kẻ thù phải xấu hổ và thay đổi cõi lòng. Điều này giả định một thái độ cần thiết trước kẻ thù, là những người không luôn hiện diện. Trong những trường hợp khó như thế, việc cậy nhờ đến những bản văn Kinh Thánh khác là điều cần thiết.

Thứ hai, còn việc “ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” là câu nói mang tính tượng hình của Chúa Giêsu. Đối với lối suy nghĩ của người Do Thái, vả má bên phải với phía sau của bàn tay được xem là một điều sỉ nhục làm mất danh dự (x. jn 18:22-23; Is 50:6). Nói cách cụ thể, nếu đã chịu được nỗi sỉ nhục lớn, thì nỗi sỉ nhục nhỏ có đáng là gì.

Thứ ba, qua lời dạy “nếu ai muốn kiện anh [chị] em,” Chúa Giêsu muốn các môn đệ và chúng ta phải cố gắng tránh việc kiện tụng hay tranh chấp (x. câu 25). Chúa Giêsu muốn chúng ta tránh thái độ “ăn thua.” Nếu có thắng thêm một cái gì mà đánh mất tình bằng hữu hay tình thân thì có đáng không?

Thứ tư, “nếu ai bắt anh [chị] em đi một dặm…” ám chỉ đến việc sứ giả phục vụ trong cung vua. Người này có thể lấy ngựa của một người nhằm mục đích phục vụ cho việc mang tin của vua đi mà không cần phải trả tiền cho con ngựa. Qua điều này, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải có lòng quảng đại với những ai dấn thân phục vụ cho Tin Mừng.

Thứ năm, câu cuối cùng nói đến việc “cho đi” và “vay mượn.” Đề tài về việc cho người ăn xin hoặc người khác vay mượn trong câu này được Chúa Giêsu đưa vượt qua giới hạn “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” để khơi dậy lòng tốt, sự chịu đựng, lòng quảng đại và thái độ cởi mở trước người khác. Nói cách khác, khi một người nào đó cần đến sự giúp đỡ, chúng ta không tập trung vào việc người kia sẽ mang lại gì cho chúng ta, nhưng tập trung vào lòng tốt của mình. Giá trị lòng tốt của chúng ta đáng giá hơn những gì chúng ta cho người khác hay những gì người khác vay mượn từ chúng ta. Nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta có được thái độ này chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay hôm nay.

************************

THỨ BA TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ CỦA MÌNH

(1 V 21:17-29; Mt 5:43-48)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta được kể lại cho biết điều gì xảy ra cho vua Akháp sau khi chiếm được miếng đất của Navốt. Đức Chúa đã sai ông Êlia đến với vua Akháp và Idaven để chỉ cho hai người biết sự dữ họ đã làm và hậu quả ông sẽ phải gánh chịu cho việc làm của mình: “‘Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của Akháp trong Israel, đang bị ràng buộc hay được tự do. Ta sẽ làm cho nhà ngươi nên như nhà Giarópam, con của Nơvát, và như nhà Basa con của Akhigia, vì ngươi đã chọc giận Ta và đã làm cho Israel phạm tội.’ Đức Chúa cũng tuyên án phạt Ideven rằng: “Chó sẽ ăn thịt Ideven trong cánh đồng Gítrơen. Kẻ nào thuộc về Akháp mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây” (1 V 21:21-24). Những lời trên nhắc nhở chúng ta về một định luật trong cuộc sống, đó là chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Thiên Chúa sẽ thưởng phạt chúng ta theo đức công minh của Ngài. Nhưng Ngài sẽ tha thứ những lỗi lầm của chúng ta nếu chúng ta tỏ lòng ăn năn. Chúng ta thấy điều này qua hình ảnh của vua Akháp: “Khi nghe những lời ấy, vua Akháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não.  Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông Êlia, người Títbe, rằng: ‘Ngươi có thấy Akháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó’” (1 V 21:27-29). Những lời này trình bày cho chúng ta hình ảnh của một Thiên Chúa giàu tình thương và lòng thành tín. Ngài tha thứ cho tội nhân nếu họ khiêm nhường ăn năn sám hối trở về với Ngài. Chúng ta cũng là tội nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đã sống tham lam, ích kỷ, ghen tỵ, giận hờn. Chúng ta cũng “giết chết anh chị em mình trong tư tưởng” hoặc loại trừ họ ra khỏi con tim mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Hãy nhận ra lỗi phạm của mình và bước đi khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa: “Sự thánh thiện không chỉ hệ tại ở việc không phạm tội, nhưng còn hệ tại thái độ sám hối liên lỉ.”

Cũng như những lần trước, Chúa Giêsu trích một luật từ Cựu Ước và sau đó đưa họ về với ý định của Thiên Chúa bằng việc giải thích cho họ hiểu rõ điều hàm chứa trong luật. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về việc yêu thương. Ngài bắt đầu bằng việc trích sách Lêvi 19:18: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5:43). Điều chúng ta lưu ý trong trích đoạn là việc Chúa Giêsu bỏ đi phần quan trọng nhất, đó là “như chính mình.” Đồng thời Ngài thêm vào một câu không có trong câu trích trên, đó là “hãy ghét kẻ thù.” Điều này nhằm giới hạn tình yêu của chúng ta vào một nhóm người. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu đang “tấn công” lối giải thích Cựu Ước cách sai lạc. Cách cụ thể, lời trích của Chúa Giêsu không tìm thấy trong Cựu Ước, nhưng tìm thấy trong các lời dạy của các luật sĩ và biệt phái. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa muốn dân Israel có một tình yêu dành cho mọi người, không phân biệt. Nhưng trong các lời dạy của các luật sĩ và biệt phái, tình yêu này chỉ được giới hạn trong những người “cùng là con cháu của Abraham.” Tình yêu này không thể được mở rộng cho kẻ thù. Đây là điều Chúa Giêsu muốn kiện toàn khi Ngài dạy các môn đệ về giới luật yêu thương.

Chúng ta đã biết, Chúa Giêsu luôn muốn các môn đệ của Ngài vượt qua lối sống theo khuynh hướng tự nhiên. Điều này càng bị đòi hỏi hơn trong đời sống yêu thương: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Một cách tự nhiên, chúng ta thường yêu thương những người thân và ghét kẻ thù của mình (Mt 5:43). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ vượt qua bản tính tự nhiên để yêu với một tình yêu cao cả hơn, đó là: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Đây không phải là một lý tưởng mà chúng ta không thực hiện được, nhưng là một chiến lược khôn ngoan để chiến thắng những người ngược đãi chúng ta. Lời dạy này nói về thực tế bị ngược đãi và bắt bớ mà các Kitô hữu đang phải đối diện thời đó. Lập trường đầy anh hùng của các thánh tử đạo làm cho những người bắt bớ nhận ra rằng họ đang làm sai vì họ có một lương tâm sai lạc. Những người Kitô hữu không phải là những người chống đối, nhưng sự “chống đối” của họ được thể hiện qua một chiến thuật dùng sự khôn ngoan của tình yêu để chiến thắng kẻ thù.

Khi tình yêu của mình không giới hạn ở một số người hoặc nhóm người, mà mở rộng ra cho hết mọi người, thì lúc đó, tình yêu của chúng ta phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Khi chúng ta dùng tình yêu để chiến thắng sự ghen ghét và bắt bớ, chúng ta “được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Đây là phần thưởng lớn nhất mà chúng ta nhận được, đó là trở nên con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự kiện được trở nên con cái Thiên Chúa cũng là một lời mời gọi để chúng ta trở nên giống Thiên Chúa trong mọi sự, nhất là trong cách thức yêu thương của Ngài. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Thiên Chúa “cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” để dạy các môn đệ về một tình yêu tuyệt đối, không phân biệt, không loại trừ. Mọi người đều được nhận từ Thiên Chúa những điều thiện hảo giống nhau. Thiên Chúa không vì họ tốt mà yêu họ nhiều hơn hay họ xấu mà lấy lại tình yêu của Ngài dành cho họ. Đây là tình yêu mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải có. Ngài giải thích với các môn đệ lý do họ cần phải có tình yêu như sau: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có một lối cư xử, một lối yêu thương khác với những người khác. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã thực hiện điều này như thế nào?

Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của Ngài bằng lời mời gọi các môn đệ trở nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này bao gồm hai câu trong Cựu Ước, đó là Đnl 18:13 và Lv 19:2. Thánh Luca (6:36) không sử dụng từ “hoàn thiện,” nhưng dùng từ “nhân từ/thương xót.” Dù từ “hoàn thiện” được Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê sử dụng trong thư của mình, từ này rất ít được sử dụng trong các Tin Mừng. Chúng ta chỉ tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay và trong Mt 19:21. Từ này thường dùng trong tư tưởng Hy Lạp và có nghĩa là “đồng nhất với ý định của Thiên Chúa.” Nhìn từ khía cạnh này, người hoàn thiện là người có cuộc đời đồng nhất với ý định của Thiên Chúa. Như vậy, sống hoàn thiện không phải là không phạm lỗi hay phạm tội, nhưng là cố gắng làm cho ngày sống của mình trở nên “đồng nhất” với ý định của Thiên Chúa. [Khi đạt được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình sẽ không còn phạm tội nữa].

************************

THỨ TƯ TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

(2 V 2:1.4.6-14; Mt 6:1-6.16-18)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng câu chuyện Êlia lên trời trong cơn gió lốc. Tuy nhiên, trước khi được đem lên trời, ông để lại chính “tinh thần” của mình cho người môn đệ Êlisa. Hình ảnh Êlisa kiên định đi theo thầy mình là điều đáng để chúng ta suy gẫm. Dù thầy mình nói ở lại, nhưng khi chưa nhận được điều mình mong ước, Êlisa đã không dừng bước mà trung thành bước theo thầy mình: “Ông Êlia bảo ông Êlisa: ‘Xin anh ở lại đây, vì Đức Chúa sai thầy đến sông Giođan.’ Nhưng ông thưa: ‘Có Đức Chúa hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy!’ Rồi cả hai ông cùng đi” (2 V 2:6). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về sự gắn bó của mình như là người môn đệ trong hành trình theo Chúa Giêsu. Êlisa đã không bỏ đi khi chưa nhận được dù một nửa thần khí của thầy: “Ông Êlia nói với ông Êlisa: ‘Anh cứ xin đi: thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh?” Ông Êlisa nói: “Xin cho con được hai phần thần khí của thầy!’” (2 V 2:9). Người môn đệ đi theo thầy mình không phải để được lời lãi những thứ của cải thuộc trần gian, nhưng có được tinh thần của thầy mình. Nói cách khác, mục đích của người môn đệ khi đi theo thầy mình là trở nên giống thầy mình [trở nên đồng hình đồng dạng với thầy]. Chúng ta thấy điều này trong hình ảnh tấm áo chòang mà Êlia để lại cho Êlisa và hành vi phân rẽ nước sống Giođan ra làm đôi. Theo Chúa Giêsu cũng đã lâu, chúng ta đã hấp thụ được bao nhiêu tinh thần của Ngài? Chúng ta đã trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài được bao nhiêu?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba việc đạo đức mà một người Do Thái phải thực hiện, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đây là ba điều mà chúng ta được kêu gọi thực hiện trong mùa chay. Ba công việc đạo đức này liên quan đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tạo nên một sự biến đổi trong thái độ sống với tha nhân. Ba việc đạo đức này có thể được đặt nền tảng trên Đnl 6:5 – “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hế dạ, hết sức anh em.” Sau câu mở đầu, “khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1), để giới thiệu cách chung chung về lý do và ý nghĩa của đời sống tương quan với Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy về ba công việc đạo đức với cùng một cấu trúc giống nhau: câu 2-4, 5-6 và 16-18. Đoạn trích trong Tin Mừng hôm nay chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu. Cấu trúc này bị cắt ngang bằng cách thêm vào một bản văn cổ hơn, đó là câu 7-15, bao gồm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu [Kinh Lạy Cha].

Trong cấu trúc của ba việc đạo đức, chúng ta thấy có những yếu tố sau: (1) khi làm việc đạo đức, đừng như bọn đạo đức giả [phải thành thật]; (2) dù đạo đức giả cũng được thưởng [nhưng ở đời này, đó là tiếng khen ngợi của người khác]; (3) phải âm thầm và kín đáo khi làm việc đạo đức; (4) mong chờ phần thưởng từ Thiên Chúa [chứ không từ con người].

Việc đạo đức đầu tiên là “bố thí.” Bố thí là một hành vi dễ dàng được người khác quan sát. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài thực hiện việc bố thí cách kín đáo: “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6:4),  phải tránh mọi hình thức gây chú ý cho người khác về việc bố thí của mình. Chúa Giêsu đưa các môn đệ đi vào trong con tim của họ để xem ý hướng bố thí của họ là gì: làm vì yêu thương [vì Chúa] hay để người ta khen. Trong luân lý, ý hướng là một trong những yếu tố quyết định tính luân lý [tính tốt xấu] của hành vi. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm mọi việc với ý hướng để nhận lãnh những phần thưởng bất diệt từ Thiên Chúa, hơn là những phần thưởng chóng qua từ con người. Đừng vì một chút hào nhoáng trước mắt mà đánh mất đi vinh quang ngàn đời trong Chúa.

Việc đạo đức thứ hai là cầu nguyện. Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta về việc quan trọng hoá nơi chốn và những yếu tố bên ngoài của cầu nguyện. Những người đạo đức giả là những người xem cầu nguyện như là phương tiện để chứng minh mình đạo đức hơn người khác. Còn theo Chúa Giêsu, sự đạo đức được đánh giá bởi tương quan của một người với “Cha.” Đây là mối tương quan chân thật. Điều này được diễn tả qua hình ảnh “vào trong phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em” (Mt 6:6). Từ những lời này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng: Cầu nguyện là cuộc trò chuyện “chân thành” với Cha của mình. Trong cầu nguyện, không có gì giả dối. Nói cách cụ thể hơn, người cầu nguyện là người sống thật trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em.

Việc đạo đức thứ ba thường khó quan sát hơn, đó là việc ăn chay, nhất là việc ăn chay lòng. Theo người Do Thái, ăn chay là lối diễn tả của lòng sám hối hay sự thương tiếc cho những mất mát. Từ khía cạnh này, ăn chay luôn được thực hiện trong bối cảnh đau buồn. Điều này giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6:16). Theo Chúa Giêsu, ăn chay phải là biểu hiện của cõi lòng sám hối. Nó mang lại sự “trong sạch” [rửa mặt cho sạch] và “thơm tho” cho cuộc sống [chải đầu cho thơm]. Như vậy, ăn chay mang lại cho chúng ta niềm vui hơn là sự buồn rầu. Niềm vui được nhìn thấy Chúa vì chúng ta có một tâm hồn trong sạch; niềm vui được sống an bình với anh chị em qua đời sống đầy hương thơm của mình.

Tóm lại, qua ba việc đạo đức trên, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ một điều, đó là trong các việc đạo đức, họ không được giả hình. Họ nên chú trọng đến cõi lòng trong tương quan với Thiên Chúa hơn là những biểu hiện bên ngoài để người khác nhìn thấy.

************************

THỨ NĂM TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

CẦU NGUYỆN: TƯƠNG QUAN CÁ VỊ VỚI THIÊN CHÚA

(Hc 48:1-14; Mt 6:7-15)

Tác giả của sách Huấn Ca được trích trong bài đọc 1 hôm nay ca ngợi Êlia, “vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48:1). Ông đã để lại một hình ảnh như thế nào? Sách Huấn Ca cho chúng ta biết: (1) ông là người có lòng nhiệt thành; (2) ông chỉ nói lời Thiên Chúa; (3) ông làm bao việc lạ lùng [phép lạ]; (4) ông bênh vực công lý cho những kẻ bần cùng trước các thế lực vua chúa; (5) ông có một tương quan mật thiết với Thiên Chúa; (6) ông cầu khẩn cho dân; (7) ông được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa (x. Hc 48:2-11). Vì là ngôn sứ trung thành của Đức Chúa, nên “đối với ông, chẳng có gì là quá sức, ngay cả khi ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ. Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng” (Hc 48:13-14). Êlia đã thuộc về Thiên Chúa khi còn sống cũng như khi đã được đưa về trời. Cuộc sống của ông hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Vì vậy, ông đã sống một đời sống thật ý nghĩa và để lại cho đời một gương sáng. Còn chúng ta thế nào? Chúng ta muốn để lại cho đời một cuộc sống như thế nào?

Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã thấy cầu nguyện là một trong ba công việc đạo đức chính của một người Do Thái. Chúa Giêsu muốn việc cầu nguyện của người môn đệ Ngài phải khác. Bài Tin Mừng hôm nay sẽ chỉ ra những điều khác biệt trong lời cầu nguyện của người môn đệ Chúa Giêsu. Nếu chúng ta lưu ý cấu trúc của trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ ra ba điều quan trọng trong lời cầu nguyện của người môn đệ: (1) Những điều phải tránh; (2) phải cầu nguyện như thế nào [nội dung của lời cầu nguyện]; và (3) kết quả của đời sống cầu nguyện.

Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài tránh những điều sau: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:7-8). Qua những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ rằng việc cầu nguyện không phải là “bắt chước” những lời hay những công thức của người khác. Cầu nguyện là đối thoại cá vị giữa người môn đệ với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta là độc nhất vô nhị, không bao giờ lặp lại trên thế gian này. Vì thế, trước mặt Thiên Chúa, mỗi người có một cách thức cá vị để tương quan với Ngài. Điều này không có nghĩa là chúng ta không “bắt chước” hay “học hỏi” ở người khác. Điều muốn nói ở đây là chúng ta phải biến những điều học hỏi thành máu thịt của mình. Một cách cụ thể hơn, chi tiết này giúp chúng ta tránh thái độ “so sánh” hay tập trung vào cách thức người khác cầu nguyện hơn là tập trung vào chính tương quan của mình với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Thật vậy, chúng ta thường có khuynh hướng so sánh mình với người khác. Hệ quả là chúng ta bắt chước và mong ước những gì người khác có mà mình không có. Chúng ta ít khi khám phá ra những gì chúng ta có mà người khác không có để tạ ơn Thiên Chúa và sử dụng những điều Ngài ban để làm vinh danh Ngài. Bí quyết trong cầu nguyện là “đừng nhìn chung quanh,” nhưng “hãy nhìn lên Chúa” và “nhìn vào trong con tim” của mình. Chỉ khi biết nhìn lên Chúa và nhìn vào trong con tim của mình khi cầu nguyện, chúng ta mới biết làm thế nào để nhìn và thay đổi môi trường và những người chung quanh.

Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn các môn đệ mặc lấy tình con thảo và kêu Thiên Chúa là Cha: “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ’” (Mt 6:9-13).  Trong bối cảnh lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện, Kinh Lạy Cha được xem là ví dụ của một lời cầu nguyện ngắn, giống với 18 lời chúc tụng và Quaddish của phụng vụ người Do Thái cử hành trong hội đường. Chúa Giêsu thêm phần gọi Thiên Chúa là Cha, là một đặc tính trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và phần nói về tha thứ. Theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Mátthêu có thể đã thêm vào trong hình thức sớm nhất về lời kinh này được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (11:2-4). So sánh hai bản văn, chúng ta nhận ra những khác biệt sau: (1) Trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta đọc thấy: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh cha vinh hiển.” Thánh Mátthêu thêm vào: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”; (2) Tin Mừng Thánh Luca không có câu: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; (3) Thánh Mátthêu thêm vào phần cuối câu “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Tóm lại, ba điểm mà Thánh Mátthêu thêm vào trong lời Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu là: (1) khẳng định Thiên Chúa là Cha chúng con và đang ngự trên trời; (2) xin cho ý Ngài được thể hiện dưới đất cũng như trên trời; và (3) xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Chúng ta thấy câu 1 (khẳng định về Thiên Chúa) chi phối hai câu sau. Điều này ngụ ý rằng lời cầu nguyện của chúng ta phải hàm chứa mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và hoa trái của mối tương quan này là thánh ý Ngài được thể hiện “dưới đất cũng như trên trời” và chúng ta được cứu khỏi mọi sự dữ [sự dữ nguy hiểm nhất chính là cái chết muôn đời].

Sau khi cầu nguyện, người môn đệ Chúa Giêsu phải có lòng bao dung, tha thứ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa các môn đệ vào trong quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu chân thật không bao giờ tách rời khỏi lòng bao dung và sự tha thứ. Trong bối cảnh của trình thuật Tin Mừnh hôm nay, Chúa Giêsu kết thúc phần dạy về cầu nguyện của Ngài với hai câu mệnh đề có điều kiện kèm theo hệ quả của nó: một mệnh đề tích cực [tha thứ cho người khác để được Thiên Chúa tha thứ] và một mệnh đề tiêu cực [không tha thứ cho người khác nên không được Thiên Chúa thứ tha]. Trong hai mệnh đề này, chúng ta đang sống mệnh đề nào: chúng ta đang tha thứ hay không tha thứ? Hãy chọn sống tha thứ ngay giây phút này để cảm nghiệm được tình yêu, niềm vui khi được Thiên Chúa thứ tha.

************************

THỨ SÁU TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

TÌM KIẾN VÀ TÍCH TRỮ KHO TÀNG Ở TRÊN TRỜI

(2 V 11:1-4.9-18.20; Mt 6:19-23)

Bài đọc tiếp tục trình thuật cho chúng ta nghe về lịch sử của dân Israel. Dù đây là lịch sử của dân được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng vẫn tô đậm những cuộc tranh chấp quyền lực đẫm máu. Điều này được chứng minh cụ thể trong hình ảnh của bà Athangia, thân mẫu của vua Akhátgiahu. Khi con mình bị giết, bà đã không muốn ai lên nắm quyền nên đã tiêu diệt tất cả hoàng tộc (x. 2 V 11:1). Nhưng Thiên Chúa đã tiên liệu để cho kế hoạch cứu độ của Ngài được thực hiện. Một dòng dõi trong hoàng tộc được che chở, đó là Giôát. Điểm đáng để chúng ta suy gẫm là lý do Giôát được bình an, đó là “cậu Giôát ở lại với bà Giơhôseva trong Nhà Đức Chúa, lẩn trốn ở đó sáu năm, suốt thời bà Athangia cai trị xứ sở” (2 V 11:3). Việc ẩn náu trong Nhà Chúa đã mang lại bình an cho Giôát. Điều này nhắc nhở chúng ta về những lúc gặp khó khăn giông tố trong cuộc sống, chúng ta ẩn nấu ở đâu? Có phải Thiên Chúa là nơi chúng ta ẩn náu.

Chi tiết thứ hai trong bài đọc 1 hôm nay đáng để chúng ta suy gẫm là việc Giơhôgiađa thiết lập lại giao ước giữa Đức Chúa, vua và dân. Chính qua giao ước này mà “dân trở thành dân của Đức Chúa” (2 V 11:17). Chỉ khi dân trở thành dân Đức Chúa họ mới tìm được sự bình an vì không chạy theo ngẫu tượng. Mỗi người chúng ta cũng đã thiết lập giao ước với Đức Chúa khi chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, theo chiều dài cuộc sống, chúng ta cũng đôi khi chạy theo ngẫu tượng của tiền tài, danh vọng và quyền lực, để rồi ngày sống trở nên bất an. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng nếu muốn hưởng sự bình an và vui tươi, chúng ta cần sống trọn vẹn giao ước của mình với Đức Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu một số lời dạy khác của Chúa Giêsu cho các môn đệ liên quan đến việc làm thế nào để yêu mến Thiên Chúa với trọn con tim của mình. Phần này cũng thuộc về Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta nhận ra 2 phần rõ ràng trong lời dạy của Chúa Giêsu: phần 1 (Mt 6:19-21) nói về kho tàng mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải có và trong phần 2 (Mt 6:22-23) Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ phải gìn giữ con mắt của mình, vì con mắt là đèn của thân thể. Chúng ta cùng nhau phân tích hai phần này cách chi tiết hơn để rút ra sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta ngày hôm nay.

Theo các học giả Kinh Thánh, phần 1 – lời dạy của Chúa Giêsu về kho tàng – được Thánh Mátthêu viết lại từ hình thức được bảo lưu trong Tin Mừng Thánh Luca (12:33-34). Theo hình thức, phần này bao gồm một mệnh lệnh tiêu cực [“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi” (Mt 6:19)], một mệnh lệnh tích cực [“Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6:20)] và kết thúc bằng một câu châm ngôn [“Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21)]. Câu châm ngôn [tục ngữ] nhằm mục đích biện minh cho hai mệnh lệnh trên. Hay nói cách khác, câu châm ngôn đưa ra lý do tại sao phải thực hiện hai mệnh lệnh trên. Như chúng ta biết, đề tài về kho tàng là một trong những đề tài được Thánh Mátthêu ưa thích (x. Mt 13:44). Trong hai mệnh lệnh [tiêu cực và tích cực], Chúa Giêsu phân biệt cho chúng ta hai loại kho tàng, đó là kho tàng dưới đất dễ mục nát và kho tàng trên trời không bao giờ hư nát. Tuy nhiên, điều chúng ta cần phải lưu ý ở đây là việc Chúa Giêsu không có ý muốn chúng ta quá “thiêng liêng hoá” mọi sự để rồi “chống lại” những giá trị nhân bản. Thật vậy, nhiều người trong chúng ta sống “quá thiêng liêng,” đến độ quên mình “là những con người,” nên không có lòng bao dung và cảm thông cho những lỗi lầm và thiếu sót của anh chị em mình. Điều Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ là loại kho tàng mà chúng ta đã cảm nghiệm giá trị của nó trong cuộc sống này và tiếp tục có một giá trị tuyệt đối trong đời sống vĩnh cửu. Nói cách cụ thể, loại kho tàng Chúa Giêsu nói đến là thứ mà hoa trái của nó chúng ta thừa hưởng trong thế giới này. Trong khi đó, “số tiền vốn và lời” đã được tích trữ cho chúng ta trong thế giới mai sau. Những điều này là: Tôn kính cha mẹ, những cử chỉ yêu thương, kiến tạo hoà bình, và học hỏi những giới luật của Thiên Chúa, những giới luật giúp chúng ta sống đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ. Chúng ta có thích thú để thu góp cho mình một kho tàng bao gồm những điều này không?

Theo các học giả Kinh Thánh, phần 2 của bài Tin Mừng hôm nay bắt nguồn từ Nguồn Q. Hình thức viết của phần này bao gồm bốn câu và được phân chia như sau: (1) định nghĩa – “Đèn của thân thể là con mắt”; (2) hai câu điều kiện mang tính tương phản – “Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối; (3) và câu điều kiện kết để mở ra một câu hỏi bất tận: “Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Chúa Giêsu muốn nói gì với các môn đệ trong những lời này? Ngài muốn dạy các môn đệ rằng: nền tảng mà trên đó con người xây dựng cuộc sống của mình phải tốt. Nếu khuynh hướng căn bản, hay đúng hơn, lựa chọn nền tảng của cuộc sống là tốt, thì kết quả tổng thể của cuộc sống sẽ tích cực. Ngược lại, nếu chọn lựa nền tảng xấu, thì chúng ta sẽ có kết cục không tốt đẹp. Chúng ta đang xây đời mình trên nền tảng như thế nào: tốt hay xấu – Thiên Chúa hay Tiền Của? [câu hỏi này sẽ là đề tài của Tin Mừng ngày mai].

************************

THỨ BẢY TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN TƯỞNG VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA

(2 Sb 24:17-25; Mt 6:24-34)

Lịch sử dân Israel lại bước vào một trang sử buồn khi tôi tớ của Thiên Chúa là Giơhôgiađa qua đời. Việc tôn thờ Thiên Chúa duy nhất đã bị dân chúng bỏ bê để “bỏ Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng” (2Sb 24:18). Dù dân Israel có bỏ Chúa, Ngài vẫn yêu thương họ với một tình yêu vô điều kiện. Đức Chúa sai các ngôn sứ đến để đưa dân quay về với Ngài, nhưng họ không thèm để tai (2Sb 24:19). Trong sự kiện này, chúng ta nhận ra số phận đau khổ của các ngôn sứ. Họ sẽ bị dân từ bỏ và giết chết. Chúng ta thấy điều này nơi hình ảnh của ông Dacaria. Ông đã được đầy Thần Khí và chất vấn dân về lối sống lạc xa đường lối Chúa của họ: “Thiên Chúa phán thế này: ‘Tại sao các ngươi vi phạm lệnh truyền của Đức Chúa, mà chuốc lấy thất bại? Vì các ngươi đã lìa bỏ Đức Chúa, nên Đức Chúa cũng lìa bỏ các ngươi’” (2Sb 24:20). “Sự thật luôn mất lòng” – đúng vậy, những lời của Dacaria đã làm cho dân khó chịu nên “họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ Đức Chúa” (2Sb 24:21). Dù đối diện với đau khổ và cái chết, Dacaria vẫn một lòng tín thác vào Chúa, là Đấng công bình và giàu lòng xót thương. Thái độ này giúp chúng ta can đảm khi đối diện với những chống đối và khó khăn trong cuộc sống vì danh Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói về điều mà Thánh Phaolô đã trình bày trong bài đọc 1, đó là có hai “ông chủ” đang hoạt động trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: xác thịt [tiền của] và ân sủng [Thiên Chúa]. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến hai đề tài khác nhau: đề tài về việc chọn lựa giữa Thiên Chúa và Tiền Của (Mt 6:24) và đề tài về sự chăm sóc của Thiên Chúa và lo lắng của con người (Mt 6:25-34).

Trong đề tài thứ nhất, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ về việc chọn lựa giữa Thiên Chúa và Tiền Của như sau: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24). Trong những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ rằng các ông không thể phục vụ Thiên Chúa với một con tim bị phân chia. Hay nói cách tích cực hơn, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải tạo cho mình một chọn lựa nền tảng để yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự và tất cả những thứ khác chỉ có giá trị bao lâu chúng được hướng dẫn bởi tình yêu của Thiên Chúa. Theo lối nói của người Do Thái, “Tiền Của” là “đối thủ” của Thiên Chúa, và nó có thể là bất cứ cái gì và bất cứ người nào. Qua điểm đầu tiên này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xem xét lại tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Nhiều khi chúng ta yêu Ngài với một con tim bị phân chia. Chúng ta không yêu Ngài cách trọn vẹn vì chúng ta để cho một điều gì đó hay một người nào đó làm chủ mình đến nỗi chúng ta xem Thiên Chúa như “kẻ thù” vì Ngài cướp mất khỏi chúng ta một khoảng thời gian và “niềm vui chóng qua” mà chúng ta có với vật đó hoặc với người đó. Tuy nhiên, xét cho cùng nguyên nhân chúng ta đến với Chúa bằng một con tim nửa vời là vì chúng ta luôn lo lắng cơm áo gạo tiền cho mình và cho gia đình. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu hướng các môn đệ [và chúng ta] về sự chăm sóc và quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Đây là đề tài thứ hai mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Theo các học giả Kinh Thánh, phần 2 trong bài Tin Mừng hôm nay giả định lời dạy của Chúa Giêsu được đặt trong bối cảnh thịnh vượng của vùng Galilee và sự vô cảm đối với những nơi thiếu thốn. Bên cạnh đó, có thể Chúa Giêsu ám chỉ đến việc sửa dạy những người trẻ có sở thích khám phá những giới hạn sự hiện hữu của con người, những điều cần thiết và những giá trị đích thật cho đời sống. Điều này được thể hiện qua việc Chúa Giêsu bình phẩm trên những nhu cầu căn bản của con người như ăn, uống, mặc. Những điều này có thể trở thành ngẫu tượng cho những người chạy theo chúng. Tư tưởng này liên kết chúng ta với lời dạy trong phần đầu của bài Tin Mừng, đó là phải chọn lựa Thiên Chúa chứ không phải ngẫu tượng. Calvin định nghĩa ngẫu tượng là bất cứ điều gì đứng giữa chúng ta và Thiên Chúa; theo nghĩa này, tâm trí con người là một “nhà máy” sản sinh ra ngẫu tượng. Thật vậy, khi quá bận tâm và lo lắng cho một chuyện gì, chúng ta biến điều đó trở thành “ngẫu tượng” vì nó “thống trị” tư tưởng, lời nói, việc làm và cuộc sống của chúng ta. Điều gì đang thống trị chúng ta: Thiên Chúa hay một lo lắng nào đó?

Thuật ngữ quan trọng nhất trong phần 2 của bài Tin Mừng hôm nay là “lo lắng.” Ai trong chúng ta cũng lo lắng. Tuy nhiên, thuật ngữ “lo lắng” (merimnao) được sử dụng ở đây không mang nghĩa “lo lắng” như chúng ta thường hiểu, mà được hiểu theo nghĩa “quan tâm đến,” “suy nghĩ về nó.” Nói cách khác, từ “lo lắng” mà Chúa Giêsu nói ở đây được hiểu theo nghĩa “bị mất hút vào” hay “bị thống trị.” Khi chúng ta “lo lắng” theo nghĩa này, chúng ta không còn nghĩ đến gì khác; chúng ta loại trừ tất cả những thứ khác ra khỏi cuộc đời chúng ta. Đây là nguy hiểm mà Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng bị rơi vào. Nếu đọc kỹ đoạn trích này, chúng ta nhận ra lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc. Câu 25 và câu 34 tạo thành một inclusio (lối viết bao gồm hay bánh mì kẹp): Điều duy nhất Chúa Giêsu khuyên các môn đệ là: “Đừng lo lắng.” Ngài muốn các môn đệ không lo lắng về hiện tại [câu 25: cho mạng sống] và cho tương lai [câu 34: cho ngày mai]. Còn những câu ở giữa (câu 26-33) nhằm mục đích củng cố niềm tin của các môn đệ vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng cách sử dụng những ví dụ lấy từ thiên nhiên hoặc lịch sử. Qua những chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: hãy nhìn thiên nhiên và lịch sử đời mình, Thiên Chúa đã chăm sóc mọi loài và chúng ta trong quá khứ và hiện tại. Ngài sẽ tiếp tục chăm sóc chúng ta trong tương lai. Tại sao chúng ta lại kém lòng tin và “để cho những của cải và thú vui trần thế” chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:33-34).