Những tật xấu và các nhân đức. Bài 20: Đức ái

30
Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về những tật xấu và các nhân đức
Bài 20: Đức ái
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta sẽ nói về nhân đức đối thần thứ ba, đức ái. Hai nhân đức khác là đức tin và đức cậy: hôm nay chúng ta nói về nhân đức thứ ba: đức ái. Đây là đỉnh cao của toàn bộ hành trình mà chúng ta đã thực hiện qua những bài giáo lý về các nhân đức. Khi nghĩ đến đức ái, ngay lập tức lòng trí mở rộng hướng đến những lời được linh hứng của Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Kết thúc bài thánh thi tuyệt vời đó, Thánh Phaolô trích dẫn bộ ba nhân đức đối thần và ngài thốt lên: “Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).
Thánh Phaolô ngỏ những lời này với một cộng đoàn chưa hoàn hảo lắm trong tình yêu huynh đệ: các Kitô hữu ở Côrintô thường hay cãi vã, có những chia rẽ nội bộ, có những người cho rằng mình luôn đúng nên không lắng nghe người khác, coi họ thấp kém hơn mình. Với những người như vậy, Thánh Phaolô nhắc nhở rằng kiến thức khiến người ta kiêu căng, trong khi yêu thương thì xây dựng (xem 1Cor 8,1). Sau đó, Thánh Tông đồ ghi lại một vụ bê bối thậm chí xảy ra vào thời điểm cộng đoàn Kitô giáo đang hiệp nhất cao độ, đó là “bữa tiệc của Chúa”, bữa cử hành Thánh Thể: ngay cả ở đó cũng có sự chia rẽ, và có người lợi dụng để ăn uống, loại trừ những người không có gì (x. 1Cr 11, 18-22). Đứng trước điều này, Thánh Phaolô đưa ra một nhận định chính xác: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa” (c. 20), anh em thực hiện một nghi lễ khác, nghi lễ ngoại giáo, không phải là bữa ăn của Chúa.
Có lẽ trong cộng đoàn Côrintô không ai nghĩ rằng mình đã phạm tội và những lời nặng nề đó của Thánh Tông Đồ nghe có vẻ hơi khó hiểu đối với họ. Có lẽ mọi người đều tin rằng họ là người tốt, và nếu được hỏi về tình yêu, họ sẽ trả lời rằng tình yêu chắc chắn có giá trị rất quan trọng đối với họ, cũng như tình bạn và gia đình. Ngay cả trong thời đại ngày nay, tình yêu vẫn ở trên môi miệng của mọi người, nó ở trên môi của những “người có tầm ảnh hưởng” và trong điệp khúc của nhiều bài ca. Vâng, người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng tình yêu là gì?
“Nhưng còn tình yêu kia thì sao?”, dường như Thánh Phaolô hỏi các Kitô hữu của mình ở Côrintô. Không phải tình yêu lên cao mà là tình yêu đi xuống; không phải là những gì mình nhận được mà là những gì mình cho đi; không phải những gì tỏ hiện, mà là những gì ẩn giấu. Thánh Phaolô lo lắng rằng ở Côrintô – cũng như thời đại chúng ta ngày nay – có sự lẫn lộn và thực sự không có dấu vết nào của đức ái, nhân đức chỉ đến từ Thiên Chúa. Và dù bằng lời nói, mọi người đều khẳng định rằng mình là người tốt, yêu thương gia đình và bạn bè, nhưng thực ra họ biết rất ít về tình yêu của Thiên Chúa.
Những người Kitô giáo cổ đại sử dụng một số từ tiếng Hy Lạp để định nghĩa tình yêu. Cuối cùng, từ “agape” xuất hiện mà chúng ta thường dịch là “yêu”. Bởi vì trong thực tế, các Kitô hữu có khả năng yêu thương tất cả mọi người trên thế giới: họ cũng yêu nhau, ít nhiều như mọi người khác. Họ cũng trải nghiệm được lòng nhân hậu trong tình bạn. Họ cũng đã sống tình yêu đất nước và tình yêu phổ quát dành cho toàn thể nhân loại. Nhưng có một tình yêu vĩ đại hơn, tình yêu đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, khiến chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, trở thành bạn hữu của Ngài, nó cho phép chúng ta yêu người lân cận như Thiên Chúa yêu họ, với ước muốn chia sẻ tình bạn với Ngài. Tình yêu này, nhờ Chúa Kitô, đẩy chúng ta đến nơi mà chúng ta không thể đến: đó là tình yêu dành cho người nghèo, cho những điều không đáng yêu, cho những người không ưa thích và vô ơn với chúng ta. Đó là tình yêu dành cho những thứ mà không ai yêu; ngay cả đối với kẻ thù. Đây là “đối thần”, nó đến từ Thiên Chúa, là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.” (Lc 6,32-33). Và Ngài kết luận: “Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (câu 35). Anh chị em hãy nhớ điều này: “hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả”.
Với những lời trên, tình yêu được mạc khải như một nhân đức đối thần và mang tên là đức ái. Yêu thương là bác ái. Chúng ta nhận ra ngay rằng đó là một tình yêu khó thực hiện, thực sự không thể thực hiện được nếu không sống trong Thiên Chúa. Bản chất con người khiến chúng ta yêu mến cách tự phát những gì tốt đẹp. Nhân danh lý tưởng hay tình cảm lớn lao, chúng ta cũng có thể quảng đại và thực hiện những hành động anh hùng. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vượt xa những tiêu chuẩn này. Tình yêu Kitô giáo ôm lấy những người không thể yêu thương, mang lại sự tha thứ – tha thứ thật khó biết bao! cần bao nhiêu yêu thương để tha thứ! –, tình yêu Kitô giáo chúc lành cho những người nguyền rủa, trong khi chúng ta có thói quen khi bị xúc phạm hoặc nguyền rủa, chúng ta sẽ đáp lại bằng một sự xúc phạm khác, bằng lời nguyền rủa khác. Đó là một tình yêu dũng cảm đến mức gần như không thể thực hiện được, nhưng đó là điều duy nhất còn lại trong chúng ta. Tình yêu là “cánh cửa hẹp” để bước vào Vương quốc của Thiên Chúa. Bởi vì vào lúc xế chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ không bị phán xét về tình yêu mơ hồ, chúng ta sẽ bị phán xét về chính lòng bác ái, về tình yêu cụ thể mà chúng ta đã có. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này, thật tuyệt vời: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Đây là điều tuyệt diệu, cái vĩ đại của tình yêu. Hãy tiến lên và hãy can đảm!
G. Võ Tá Hoàng