SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V PHỤC SINH
Lm Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI TUẦN V PHỤC SINH
TUÂN GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN CỦA CHÚA GIÊSU VÀ Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA NGÀI
(Cv 14:5-18; Ga 14:21-26)
Người theo Chúa Giêsu là người chia sẻ cùng số phận với Ngài: bị hạ nhục và bắt bớ. Đây chính là điều Chúa Giêsu hứa với các môn đệ trong các mối phúc và khi Phêrô hỏi Ngài, họ sẽ được gì khi bỏ mọi sự mà đi theo Ngài (x. Mc 10:30). Phaolô và Banaba cảm nghiệm được điều này tại Icôniô khi họ bị “những người ngoại và những người Do Thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá” (Cv 14:5). Nhưng điều đó không làm cho các ngài ngừng việc rao giảng Tin Mừng. Chính sự kiên trì của các ngài mà Tin Mừng được loan đi đến tận cùng trái đất. Điều này khích lệ chúng ta tiếp tục can đảm và mạnh mẽ khi bị chống đối vì Danh Chúa. Nhiều khi chúng ta ngừng làm việc tốt khi bị người khác “nói ra nói vào.” Chúng ta chỉ ngừng làm việc xấu, chứ không ngừng làm việc tốt, việc đẹp lòng Chúa dù người khác, trong sự ghen tỵ của họ, nói không tốt, không hay về chúng ta.
Một điểm khác chúng ta có thể rút ra trong bài đọc 1 hôm nay để suy gẫm. Đó là thái độ của Phaolô và Banaba sau khi chữa lành anh què và được tôn vinh như thần thánh. Câu chuyện chữa lành rất quen thuộc với chúng ta. Dường như câu chuyện này lặp lại [cùng cốt chuyện] với câu chuyện Thánh Gioan trình thuật trong Tin Mừng của Ngài về việc Chúa Giêsu chữa lành anh què ở Cửa Chiên (x. Ga 5:1-18) và câu chuyện Phêrô [và Gioan] chữa lành anh què ở Cửa Đẹp (x. Cv 3:1-10). Sau khi chứng kiến Phaolô chữa lành anh què, “đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: ‘Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!’” và như thế họ tôn thờ Phaolô và Banaba như thần thánh. Khi chứng kiến điều này, các ngài không cảm thấy được “vinh dự,” nhưng cảm thấy “bất công” cho Thiên Chúa. Các ngài khiêm nhường nhìn nhận mình chỉ là những người phàm, những khí cụ trong tay Thiên Chúa để mang Tin Mừng của Ngài đến cho họ, để họ “bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó” (Cv 14:15). Các ngài “phải vất vả mới can được đám đông không dâng lễ tế cho hai ông” (Cv 14:18). Điều này nhắc nhở chúng ta về thực tế trong cuộc sống, nhất là khi chúng ta phục vụ dân Chúa. Khi chúng ta phục vụ, có thể có nhiều người sẽ “tôn sùng” chúng ta như thần thánh. Nhiều lúc chúng ta “ngủ quên” trong chiến thắng mà không nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta làm là nhờ ơn Chúa; mọi vinh quang, danh dự và tôn vinh đều thuộc về Ngài. Đừng thu gom vinh quang và tôn sùng cho chính mình, nhưng hãy làm mọi sự để danh Chúa được tôn vinh.
Thứ bảy tuần trước, trong câu trả lời cho Philipphê, Chúa Giêsu đã bắt đầu lời hứa cho các môn đệ. Ngài hứa sẽ làm bất cứ điều gì họ xin cùng Chúa Cha nhân danh Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ để dạy các môn đệ mọi điều và sẽ làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với họ (x. Ga 14:26). Đây là điều sẽ chi phối chúng ta trong những ngày tới khi chúng ta suy gẫm các bài Tin Mừng chuẩn bị chúng ta đón mừng cách trọng thể Lễ Hiện Xuống.
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã nghe các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về những vấn đề khác nhau. Khi Chúa Giêsu nói đến việc Ngài sẽ đi dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ thì Tôma hỏi, làm sao họ có thể biết đường để đi đến nơi Chúa Giêsu muốn các ông ở với Ngài; khi Chúa Giêsu nói về việc các môn đệ biết và thấy Chúa Cha thì Philipphê xin Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy Chúa Cha; và hôm nay, khi Chúa Giêsu nói đến việc Ngài sẽ tỏ mình ra cho những người yêu mến Ngài, thì Giuđa đã hỏi tại sao Ngài chỉ tỏ mình ra cho họ mà không tỏ mình ra cho thế gian (x. Ga 14:22). Như vậy, những câu hỏi của các môn đệ xoay quanh việc chỗ ở của Chúa Giêsu mà Ngài muốn ở với họ; đây cũng là điều các ông hỏi Chúa Giêsu khi các ông theo Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1:38). Giờ đây, chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những sứ điệp cần thiết cho ngày sống.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần 1 (Ga 14:21), Chúa Giêsu dạy các môn đệ về mối tương quan giữa việc tuân giữ các điều răn của Ngài và tình yêu mà Chúa Cha và Ngài dành cho người đó và cũng là tình yêu người đó dành cho Ngài và Chúa Cha; và phần 2 (Ga 14:22-25) trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Giuđa.
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta, ngay cả những người sống đời thánh hiến, xem việc tuân giữ luật lệ là một việc “gượng ép” và là một gánh nặng. Luật lệ là cái gì đó lấy mất đi tự do của con người hơn là giải phóng con người. Nhưng trong lời khuyên các môn đệ hôm nay, Chúa Giêsu muốn các ông “có và giữ” các điều răn của Ngài như lối diễn tả tình yêu của họ cho Chúa Cha và Ngài: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21).
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Giuđa xảy ra như sau: Sau khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ là Ngài sẽ yêu mến và tỏ mình ra cho những ai tuân giữ các giới răn của Ngài như lối diễn tả tình yêu của họ dành cho Ngài và Chúa Cha thì:
Giuđa hỏi: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (Ga 14:22).
Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:23-26).
Khi đọc cuộc đối thoại này, chúng ta thấy hình như câu hỏi và câu trả lời không có ăn khớp với nhau: Trong câu hỏi, Giuđa muốn biết lý do tại sao Chúa Giêsu chỉ tỏ mình ra cho họ mà không tỏ mình ra cho thế gian, còn Chúa Giêsu nói đến tương quan giữa việc tuân giữ lời Ngài và tình yêu. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc và suy gẫm những lời trên, chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi của Giuđa bằng cách khẳng định Ngài tỏ mình ra cho thế gian qua chính các ông với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
*************
THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH
HÃY ĐỂ BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU NGỰ TRỊ TRONG LÒNG CHÚNG TA
(Cv 14:19-28; Ga 14:27-31a)
Thường chúng ta hay kể về những thành quả và chiến tích vẻ vang của mình trong công việc; chẳng mấy khi chúng ta kể đến những thành công của người khác. Nói cách chân thật hơn, chúng ta thường hay “nói tốt” về mình và “nói xấu” người khác. Điều đó xảy ra vì chúng ta quên mất một Đấng luôn đồng hành và muốn chia sẻ với chúng ta tất cả những gì chúng ta thực hiện trong cuộc sống thường ngày.
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về hình ảnh của Phaolô và Banaba. Hai ngài đã chịu rất nhiều ngược đãi. Phaolô đã bị ném đá và lôi ra ngoài thành. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ và giúp ngài tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Điều làm chúng ta quan tâm để suy gẫm ở đây là khi Phaolô và Banaba trở về với cộng đoàn các môn đệ tại Antiôkhia, “là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành [rao giảng Tin Mừng]” (Cv 14:26), các ngài “tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:28). Chúng ta thấy Phaolô và Banaba không kể gì khác ngoài việc “kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.” Hai ngài không kể chiến tích hiển hách của mình, nhất là việc nhờ các ngài mà dân ngoại được nghe Tin Mừng và tin vào Thiên Chúa. Mọi sự các ngài đều quy về cho Thiên Chúa, Đấng luôn hoạt động với, qua và trong các ngài. Chúng ta cần học ở Phaolô và Banaba: khi gặp gỡ nhau, chúng ta nói cho nhau nghe những điều Thiên Chúa đã làm cùng với chúng ta hơn là “nói xấu” người khác. Hãy sống luật sống này: “Khi bạn mở miệng, hãy nói tốt cho người khác. Nếu bạn không thể nói tốt cho người khác, tốt nhất là bạn hãy im lặng.”
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến một điều mà ai trong chúng ta cũng khao khát và tìm kiếm, đó là bình an. Người ta thường nói: bình an không phải là không có hay vắng bóng chiến tranh, nhưng bình an là một nỗ lực thiết lập lại quan hệ sau chiến tranh qua sự tha thứ và bỏ qua hận thù. Nói cách khác, bình an là hoa trái của sự tha thứ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, bình an là món quà mà Ngài để lại và ban cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Bình an mà Chúa Giêsu hứa ở đây, các môn đệ chỉ đạt được khi các ông sống trọn vẹn giới răn mới mà Ngài để lại cho các ông [được trình bày trong chương 13 và những câu đi trước của bài Tin Mừng hôm nay]. Bình an Chúa Giêsu ban cho các ông khác với bình an mà thế gian ban cho chúng ta. Nói cách cụ thể, bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho các ông sẽ làm tan biến sự xao xuyến của các ông khi Chúa Giêsu đi về cùng Chúa Cha. Trong bối cảnh này, bình an Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ chính là Chúa Thánh Thần.
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lời hứa của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm qua và như “món quà” mang lại bình an cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu được câu 28: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.” Khi chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được Thiên Chúa tỏ lộ ra cho biết Ngài là ai: Ngài là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị [Cha – Con – Thánh Thần]. Như vậy, khi Chúa Giêsu đi về cùng Chúa Cha, thì Ngài sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống. Câu này liên kết chúng ta với điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong chương 16, khi Ngài nói cho họ về Chúa Thánh Thần: “Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16:7). Việc sai Chúa Thánh Thần xuống sẽ hoàn tất điều chúng ta tin về mầu nhiệm Ba Ngôi. Điều có lợi cho các môn đệ và chúng ta ở đây chính là việc mạc khải về Thiên Chúa là sự hiệp thông của Ba Ngôi vị được “hoàn thành” với việc “sai” Chúa Thánh Thần đến. Tuy nhiên, trong tiến trình mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi, câu 28 cũng đã làm dậy lên một cuộc tranh luận và đã nảy sinh ra một lạc giáo, đó là lạc giáo Ariô [thế kỷ thứ tư]. Lạc giáo này dùng phần cuối của câu 28 [“Chúa Cha cao trọng hơn thầy”] để nói đến việc Chúa Giêsu lệ thuộc vào Chúa Cha và không ngang bằng với Chúa Cha. Lạc giáo này quan niệm rằng: Vì không ngang hàng với Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu không phải là Chúa mà là một tạo vật, một “siêu nhân.” Ngài không hiện hữu từ muôn thuở. Như vậy, có một thời gian Ngài không hiện hữu. Nhưng điều này không phải là điều Thánh Gioan nhắm đến. Như chúng ta biết, Tin Mừng Thánh Gioan nói đến sự hiệp nhất không thể tách rời của Chúa Cha và Chúa Giêsu [như chúng ta đã trình bày trong những tuần trước]. Ngài thật sự là “một” với Chúa Cha.
Câu 29 của bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan dùng để nói về tình trạng của các môn đệ từ không tin đến tin, từ không biết đến biết: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (Ga 14:29). Điều này nói đến sự “vội vàng” hoặc thái độ “mì ăn liền” của chúng ta khi đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta muốn hiểu mọi sự “trước khi sự việc xảy ra.” Sống trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, những người kiên nhẫn và bình thản mới có thể hiểu được những biến cố xảy ra cho mình [và cho gia đình mình]. Những người vội vàng, nông cạn sẽ không hiểu được những điều Chúa muốn nói với họ qua những sự kiện thường ngày.
Chương 14 của Tin Mừng Thánh Gioan [được trích trong câu 31a] kết với lời khẳng định của Chúa Giêsu về tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha. Những điều sẽ xảy ra cho Chúa Giêsu [mầu nhiệm Vượt Qua], là mạc khải tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha: “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” Nói cách khác, Chúa Giêsu mạc khải tình yêu và sự vâng phục của Ngài với Chúa Cha qua chính cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Như thế, sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu không phải là một vinh quang tạm thời trên Satan, nhưng là dấu chỉ của sự vâng phục đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha. Trong đau khổ và sự chết của mình, chúng ta có đón nhận với thái độ vâng phục “đầy yêu thương” dành cho Thiên Chúa không?
*************
THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH
Ở LẠI TRONG CHÚA GIÊSU VÀ SINH HOA TRÁI
(Cv 15:1-6; Ga 15:1-8)
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe đến vấn đề mang tính “giáo lý” đầu tiên cần được xác định trong Giáo Hội, đó là tương quan giữa ơn cứu độ và phép cắt bì. Những người “từ miền Giuđê đến Antiôkhia dạy các anh em rằng: ‘Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ’” (Cv 15:1). Họ giới hạn ơn cứu độ của Thiên Chúa vào việc cắt bì theo luật Môsê. Đây là lý do của sự chống đối và tranh luận của Phaolô và Banaba với những người đến từ Giuđê. Tuy nhiên, vấn đề không được giải quyết thoả đáng và họ đưa vấn đề lên Giêrusalem để trình bày cho các Tông Đồ và các kỳ mục. Chi tiết này cho chúng ta thấy, giáo huấn của Giáo Hội không dựa trên “ý kiến cá nhân của một người hay một vài người,” nhưng dựa trên mạc khải của Thiên Chúa được truyền lại cho toàn Giáo Hội. Chi tiết quan trọng nhất trong bài đọc 1 hôm nay mà chúng ta có thể rút ra cho ngày sống của mình là thái độ “suy nghĩ hẹp hòi.” Chúng ta cần tránh thái độ này và có một thái độ cởi mở hơn. Đừng giới hạn ơn cứu độ của Thiên Chúa vào một vài công việc đạo đức mà chúng ta quen làm rồi xét đoán người khác khi họ không thực hành những việc đạo đức như chúng ta làm. Ơn cứu độ là món quà nhưng không Thiên Chúa ban. Vì vậy, Ngài muốn cho ai món quà đó thì tuỳ ý Ngài. Chúng ta hãy cố gắng để đón nhận món quà cứu độ được trao ban cho mình, và giúp người khác đón nhận món quà ơn cứu độ trong cách thức Thiên Chúa muốn ban cho họ.
Chúng ta bắt đầu nghe chương 15 của Tin Mừng Thánh Gioan; chương nói về Chúa Giêsu là cây nho thật (Ga 15:1-16:4a). Trình thuật này được chia ra làm hai phần: phần 1 (Ga 15:1-17) nói về tầm quan trọng của việc “ở lại” với Chúa Giêsu, cây nho, và của tình yêu hỗ tương; phần 2 (Ga 15:18-6:4a) trình bày sự ghen ghét mà những người Kitô hữu sẽ nhận được từ thế gian. Nhiều học giả Kinh Thánh nói rằng: hai phần này phản chiếu hai vấn đề mà cộng đoàn của Thánh Gioan đang đối diện, đó là sự chia rẽ và bắt bớ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết sự cần thiết phải ở lại trong Ngài như cành nho ở lại trong cây để sinh nhiều hoa trái. Khi vừa đọc qua, chúng ta thấy Bài Tin Mừng dường như lập lại cùng một tư tưởng. Nói cách cụ thể, bài Tin Mừng có 8 câu, được chia ra làm hai phần, mỗi phần 4 câu và dường như đối xứng với nhau: 1-5, 2-6, 3-7, 4-8. Chúng ta cùng nhau phân tích các cặp tương đồng trong bài Tin Mừng:
1 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. | 5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. |
2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. | 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. |
3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. | 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. |
4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. | 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
|
Trong cặp đầu tiên [câu 1-5], Chúa Giêsu nói đến tương quan của Ngài [cây nho thật] và Chúa Cha [người trồng nho] và giữa Ngài [cây nho] với các môn đệ [cành nho]. Điều đáng làm chúng ta lưu ý là Chúa Giêsu không giải thích gì về tương quan giữa Ngài với Chúa Cha [trong câu 1] vì đây là tương quan không thể tách rời và luôn sinh hoa trái. Còn tương quan giữa các môn đệ và Chúa Giêsu, Ngài mời gọi họ hãy ở lại trong Ngài nếu họ muốn sinh hoa trái vì không có Ngài họ không làm được gì. Nằm sau chi tiết này là lời cảnh báo cho các môn đệ về nguy cơ “bỏ đạo” [không ở lại trong Ngài] vì bị bách hại. Lời cảnh báo của Chúa Giêsu cũng nhắm đến mỗi người chúng ta. Ngày nay, chúng ta không còn bị bách hại như ngày xưa, nhưng chúng ta đang đối diện với một cuộc bách hại đạo mới bởi “chủ nghĩa tục hoá.” Nhiều nơi, chúng ta không được tự do sống niềm tin của mình, nhưng nhiều nơi chính chúng ta “không muốn diễn tả” niềm tin của mình. Nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu, tức là chúng ta để cho mình bị lôi kéo khỏi Chúa và bị ảnh hưởng bởi những thú vui trần thế, chúng ta cũng sẽ bị loại ra ngoài. Đây chính là bối cảnh để chúng ta hiểu cặp tương xứng thứ hai.
Cặp thứ hai [câu 2-6] sử dụng hình ảnh tương quan giữa cây nho – cành nho để nói lên tương quan giữa Chúa Giêsu – các môn đệ. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Chúa Cha cắt tỉa những cành không sinh hoa trái để nói đến những môn đệ không sinh hoa trái. Theo các học giả Kinh Thánh, hình ảnh Chúa Cha cắt tỉa [câu 2, tìm thấy trong Gr 5:10 và Ed 17:7] là lời khuyến cáo cho những tín hữu chối đức tin của mình vì sợ bị bách hại. Cùng hình ảnh đó, những ai không ở lại trong Chúa Giêsu cũng bị chặt đi và quăng vào lò lửa [câu 6]. Trong cặp này, chúng ta cần lưu ý rằng: những cành nho không sinh hoa trái không phải là không gắn liền với cây nho [“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”]. Chúng gắn liền với cây nho, nhưng không kín múc sự sống bởi cây nho. Hay nói cách khác, họ không để cho mình được cắt tỉa khỏi những “bệnh tật.” Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua những lời này? Ngài muốn nhắc nhở chúng ta rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta tự hào mình “gắn liền” với cây nho, với Ngài qua những việc đạo đức, nhưng chúng ta lại không thay đổi, không để cho Ngài cắt tỉa những thói hư tật xấu của chúng ta. Đừng tự hào mình là người Kitô hữu [hay tu sĩ], vì là người Kitô hữu [hay tu sĩ] không quan trọng trước mặt Chúa cho bằng việc để cho lời Chúa thanh luyện chúng ta mỗi ngày, để chúng ta trở nên đáng yêu và thánh thiện hơn mỗi ngày.
Cặp thứ ba [câu 3-7] nói đến các môn đệ được thanh luyện bởi lời Chúa Giêsu khi họ ở lại trong Ngài. Trong hai câu này, Chúa Giêsu nói đến lời của Ngài có sức mạnh thanh luyện và ban cho các môn đệ tất cả những gì họ xin. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày [mỗi Chúa Nhật], liệu chúng ta có để Lời Chúa biến đổi chúng ta không? Hay chúng ta chỉ để những lời “không đâu vào đâu” của người khác thay đổi thái độ sống của chúng ta, còn Lời Chúa thì không có tác động gì trên chúng ta?
Trong cặp thứ tư [câu 4-8], Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại trong Ngài để sinh hoa trái. Ngài cũng cho các môn đệ biết về hai điều kiện để Chúa Cha được tôn vinh, đó là các ông sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, để sinh hoa trái và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, các ông phải “ở lại” trong Ngài. Thật vậy, một trong những từ được lặp lại nhiều nhất trong 8 câu của bài Tin Mừng hôm nay là từ “ở lại.” Từ này xuất hiện 8 lần. Đây chính là ý tưởng chủ đạo của sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Chủ đề quan trọng thứ hai đó là việc “sinh hoa trái” của người môn đệ. Từ “sinh hoa trái” được lặp lại 6 lần trong 8 câu. Hai chủ đề ở lại và sinh hoa trái có tương quan chặt chẽ với nhau. Đây là hai yếu tố không thể tách rời trong đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu. Có câu nói rằng: “Nếu bạn không ở lại trong Chúa [gắn liền đời mình với Thiên Chúa], thì những hoa trái bạn làm ra không phải đến từ Thiên Chúa.”
*************
THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH
SỐNG NIỀM VUI CỦA CHÚA GIÊSU TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY
(Cv 15:7-21; Ga 15:9-11)
Hôm qua, chúng ta nghe trong bài đọc 1 về việc Phaolô và Banaba lên Giêrusalem để trình bày cho các Tông Đồ và trưởng lão về phép cắt bì và chúng ta có công đồng Giêrusalem [khoảng năm 49]. Thánh Phêrô, vị thủ lãnh của Giáo Hội, đã trình bày và khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề trên. Chúng ta cũng nghe từ Thánh Giacôbê, người theo truyền thống là giám mục đầu tiên của Giêrusalem trình bày ý kiến của mình và ủng hộ việc những người dân ngoại không cần phải chịu phép cắt bì để được ơn cứu độ. Trong lời giáo huấn của hai Thánh Phêrô vào Giacôbê, chúng ta có thể rút ra hai điểm sau để suy gẫm.
Thứ nhất, từ lời dạy của mình, Thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng trong ý định của Thiên Chúa, Ngài muốn mọi người được ơn cứu độ vì ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa cũng đã chấp nhận họ “khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (Cv 15:8-9). Thiên Chúa không phân biệt, tức là không “yêu riêng.” Ngài yêu mọi người như nhau vì tất cả đều là con cái của Ngài. Ngài cứu độ mọi người cùng một cách thức như nhau: “Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ” (Cv 15:11). Thánh Phêrô khuyến cáo chúng ta về khuynh hướng “thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?’ (Cv 15:10).
Về phần mình, Thánh Giacôbê đồng ý với Thánh Phêrô về việc Thiên Chúa muốn cứu hết mọi người, vì vậy họ không nên giới hạn ơn sủng của Thiên Chúa vào việc cắt bì. Tuy nhiên, thánh nhân đưa ra những việc cụ thể họ cần phải tránh, đó là “kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết” (Cv 15:20). Hơn nữa, thánh nhân nhìn vào ý định của Thiên Chúa hơn là ý định của con người trong việc tìm kiếm một giải pháp đúng cho vấn đề đang được bàn cãi. Điều này giúp chúng ta vượt thắng thái độ tìm kiếm thoả mãn ý riêng của mình hay tìm cách ảnh hưởng trên người khác để cho ý riêng của mình được thực hiện hơn là ý Chúa. Hãy bỏ cái tôi của mình để mặc lấy “cái Tôi” của Thiên Chúa khi cùng nhau chia sẻ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục đề tài “ở lại” trong Chúa Giêsu của người môn đệ. Nhưng Ngài liên kết việc “ở lại” này với việc tuân giữ các điều răn của Ngài và niềm vui mà Ngài sẽ ban cho họ. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm 3 câu, nhưng chứa đựng những điều để chúng ta suy gẫm sau:
Trong câu 9, Chúa Giêsu nói về nền tảng tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ, đó là tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Từ những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định tình yêu hỗ tương giữa Ngài với Chúa Cha chính là tình yêu mà Ngài dành cho các môn đệ. Ngài mời gọi các môn đệ cách khẩn thiết: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Một số học giả Kinh Thánh cho rằng: Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ vì Ngài muốn chia sẻ cho các ông tình yêu tuyệt đẹp mà Ngài nhận được từ Chúa Cha, để họ cũng có thể hưởng được niềm hạnh phúc và niềm vui phát xuất từ tình yêu đó. Đây là thứ tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện, là thứ tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Đây là thứ tình yêu mà Chúa Giêsu mong ước những người Ngài gọi và chọn cảm nghiệm [nếm cảm] và dành cho nhau. Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu! Chỉ khi yêu với tình yêu của Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu tại sao bóng thập giá và đau khổ không thể thiếu trong chuyện tình cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nói cách khác, tình yêu không chấp nhận thập giá và chết cho người mình yêu là một tình yêu không vị kỷ, không bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Câu 10 nói về điều kiện để ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” Tình yêu hỗ tương được đề cập trong câu 9 được đặt nền tảng trên việc Chúa Giêsu và các môn đệ giữ điều răn và ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Trong câu này, chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu trong việc vâng theo thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã làm mọi sự theo ý Chúa Cha, đến nỗi ý của Chúa Cha trở thành lương thực cho Ngài (x. Ga 4:34). Lương thực hằng ngày của chúng ta là gì? Mối bận tâm mỗi ngày của chúng ta có phải là thánh ý Thiên Chúa không?
Niềm vui của Chúa Giêsu là hoa trái việc ở lại trong tình yêu của Ngài được trình bày trong câu 11: “Các điều ấy [tình yêu của Chúa Cha, ở lại trong tình yêu của Ngài, tuân giữ các điều răn], Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” Trong câu này, Chúa Giêsu phân biệt hai loại niềm vui: niềm vui của các môn đệ và niềm vui của Ngài. Niềm vui của các môn đệ chỉ nên trọn vẹn khi họ được hưởng niềm vui của Chúa Giêsu. Niềm vui này không phải là niềm vui đến từ thế gian. Niềm vui này đến từ tình yêu của Chúa Cha. Đây là niềm vui của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu sẽ mang lại cho chúng ta qua cái chết và phục sinh của Ngài. Đây là niềm vui của tình yêu bất diệt và chân thật. Đây là niềm vui mà mỗi người chúng ta luôn khao khát và tìm kiếm! Hãy dừng tìm kiếm sự thoả mãn trong niềm vui chóng qua mà con người mang lại cho chúng ta. Nhưng hãy bắt đầu tìm kiếm sự thoả mãn trong niềm vui bất diệt mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.
*************
THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH
Thánh PhiLípphê Và Thánh Giacôbê, Tông Đồ
CHÚA GIÊSU LÀ “MẶC KHẢI” CỦA CHÚA CHA
(1 Cr 15:1-8 Ga 14:6-14)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính hai thánh Philípphê và Giacôbê Tông Đồ. Mỗi khi kính nhớ một vị thánh, chúng ta tự hỏi mình rằng: tôi có thể học ở ngài điều gì? Dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về hai thánh Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay và quyết tâm học hỏi nơi các ngài những điều cần thiết cho đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta. Tuy nhiên, trước khi phân tích chi tiết hơn mẫu gương của từng vị, chúng ta cùng nhau tìm hiểu điều làm cho các ngài nên một trong việc rao giảng. Điều liên kết các tông đồ lại với nhau chính là Đức Giêsu Kitô, hay là Tin Mừng các ngài rao giảng. Thánh Phaolô trình bày điều này thật rõ ràng trong bài đọc 1 hôm nay. Ngài kêu gọi các tín hữu thành Côrintô nhớ lại Tin Mừng mà các tông đồ đã giảng dạy và sức mạnh cứu độ mà Tin Mừng mang lại cho họ. Nội dung chính yếu của Tin Mừng này chính là: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15:3-4). Đây chính là Kerygma, là yếu tố đã hiệp nhất các Tông Đồ lại với nhau khi rao giảng Tin Mừng.
Thánh Philípphê là một con người nhiệt tình. Ngài là người đưa Nathanael đến gặp Chúa Giêsu và làm chứng rằng Chúa Giêsu là Người mà Môsê đã viết về. Cũng chính Philípphê là người, với sự trợ giúp của Anrê, đã mang nhóm người Hy Lạp đến gặp Chúa Chúa Giêsu. Chúng ta không nên nhầm lẫn thánh nhân với phó tế Philíp được trình thuật trong chương 8 của sách Công Vụ Các Tông Đồ, là người giảng dạy ở Samaria và làm phép rửa cho viên quan người Êthiôpia dù cho nhiều học giả cho rằng cả hai là một. Philípphê là người có đầu óc rất thực tế. Điều này được nhận ra qua nhận định của thánh nhân: “phải tốn một số tiền rất lớn để mua thức ăn cho hơn 5 ngàn người đang đói.” Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cho thấy thánh nhân là người muốn nhìn thấy Chúa Cha. [Chúng ta sẽ phân tích chi tiết này sau]. Chúng ta học được điều gì từ con người nhiệt tình và thực tế này? Như chúng ta đã trình bày, thánh nhân luôn là người mang người khác đến với Chúa Giêsu [giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác.] Ngài làm điều này với một sự nhiệt tình và một đầu óc rất thực tế. Chính hai điều này giúp ngài thành công trong việc giới thiệu Chúa cho người khác. Học ở thánh nhân, nếu muốn thành công trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu, chỉ lòng nhiệt tình thì không đủ, chúng ta cần có óc thực tế, biết biện phân những dấu chỉ của thời đại và những nhu cầu của người khác để tìm ra phương thế hữu hiệu nhất để nói về Chúa Giêsu cho họ.
Thánh Giacôbê là con của ông Alphê hay còn gọi là Giacôbê Hậu [Giacôbê Tiền là anh của Gioan]. Thánh nhân sinh ở Ceasarea. Ngài không được đề cập đến nhiều trong Tân Ước như thánh Philípphê. Thỉnh thoảng, thánh nhân được gọi là Giacôbê Nhỏ, điều này ngụ ý ngài là người nhỏ con và thấp. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, theo truyền thống, thánh nhân tiếp tục rao giảng và được tin là đã trở thành Giám Mục đầu tiên của Giêrusalem. Nếu điều này là thật, thì thánh nhân chịu tử đạo vào khoảng năm 62 tại Giêrusalem. Theo truyền thống, thánh nhân được xem là tác giả của lá thư mang tên ngài. Nhìn lại cuộc sống của thánh nhân, ngài không có gì nổi bật như các Tông Đồ khác. Qua điều này, chúng ta có thể nói rằng, thánh nhân là một người thầm lặng đi theo Chúa Giêsu và trung thành cho đến cùng. Đây là điều chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Tất cả chúng ta đều theo Chúa Giêsu trong hoàn cảnh và điều kiện của mình: có người được vị trí hàng đầu, nhưng cũng có người thật âm thầm; có người luôn được nhắc đến, nhưng cũng có người chẳng được ai biết đến. Dù trong vị trí nào, chúng ta có cùng một mục đích, đó là theo Chúa Giêsu và trung thành với Ngài. Vì vậy, vấn đề không phải là đứng trước hay đứng sau, nhưng là trung thành với mục đích theo Chúa của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, trong khung cảnh rất thân tình giữa Chúa Giêsu và các “bạn hữu” của Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu nói cho các mộn đệ biết là “giờ của Ngài” sắp đến, giờ mà Ngài lìa bỏ thế gian để trở với Chúa Cha (x. 14:6). Tuy nhiên, Ngài cũng khẳng định rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:6-7). Khẳng định này là tiền đề cho thắc mắc của Philípphê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14:8). Chúng ta thấy Philípphê không xin gì ngoài việc được nhìn thấy Chúa Cha.
Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa chúng ta vào chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa, của sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra với Philípphê làm chúng ta phải xét lại chính mình: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” (Ga 14:9). Có phải Chúa Giêsu trách Philípphê không? Đúng là Ngài trách Philípphê và Ngài cũng trách mỗi người trong chúng ta: “Thầy ở với anh chị em bấy lâu và làm nhiều việc cho anh chị em, vậy mà anh chị em không biết Thầy ư?” Chúng ta có thật sự biết Chúa Giêsu không? Chúng ta thấy trong cái biết này ngụ ý nói đến việc nên một với Ngài, như Ngài biết Chúa Cha và nên một với Chúa Cha. Để rồi, như Chúa Giêsu đã khẳng định, ai nhìn thấy Ngài là thấy Chúa Cha, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng: ai nhìn thấy tôi là thấy Chúa Giêsu, vì Ngài ở trong tôi và tôi ở trong Ngài.
Khi phân tích cấu trúc câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi từ việc giải thích cho một mình Philípphê (Ga 14:9-10) đến việc giải thích cho các môn đệ (Ga 14:10-14). Và trong phần giải thích với các môn đệ, chúng ta lại thấy Chúa Giêsu đi từ tương quan giữa Ngài với Chúa Cha (Ga 14:10-11) đến tương quan giữa Ngài với các môn đệ (Ga 14:12-14). Ở đây chúng ta thấy có một mối dây liên kết mà Chúa Giêsu là Đấng trung gian. Trong tương quan giữa Ngài với Chúa Cha, Chúa Giêsu khẳng định: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” Chúng ta thấy, Chúa Giêsu luôn để Chúa Cha làm mọi sự trong Ngài. Và Ngài muốn các môn đệ học ở Ngài là để cho Ngài làm việc trong họ: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” Sợi chỉ nối kết ở đây là “tin vào Chúa Giêsu,” là trao trọn vẹn cuộc sống của mình cho Ngài để Ngài thực hiện những gì làm tôn vinh Chúa Cha trong chúng ta.
*************
THỨ BẢY TUẦN V PHỤC SINH
CÙNG CHIA SẺ SỐ PHẬN ĐAU KHỔ CỦA CHÚA GIÊSU
(Cv 16,1-10; Ga 15,18-21)
Ai trong chúng ta cũng đã từng có những chuyến đi được tổ chức hoặc lên kế hoạch rất cẩn thận. Thông thường, chúng ta chỉ đi đến những nơi chúng ta thích hay những nơi chúng ta cần phải đến. Vậy có bao giờ trước khi đi chúng ta tự hỏi: tôi có cần đi đến nơi đó không? Nơi tôi đến có phải là nơi Chúa muốn tôi đến không? Thật vậy, có nhiều nơi chúng ta không nên đến vì những nơi đó không mang lại kết quả tốt gì cho chúng ta, nhưng chỉ làm mất lòng Chúa và mất lòng người khác [đi đến những nơi mà người ta thường ngồi với nhau để nói xấu người khác, hoặc những nơi mà chúng ta sẽ rơi vào cám dỗ, v.v.].
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về chuyến đi “không thành” của Thánh Phaolô: “Các ngài [Phaolô và Timôthê] đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép” (Cv 16:6). Các ngài muốn đến những nơi như Phrygia và vùng Galatia và Bithynia để rao giảng Tin Mừng; cho dù đó là một công việc tốt, nhưng các ngài bị Thánh Thần ngăn cản. Điều này cho chúng ta thấy rằng, có những việc tốt chúng ta nghĩ cần phải làm, nhưng chưa chắc đó là ý Chúa muốn. Vì vậy, chúng ta cần chìm đắm trong cầu nguyện và trở nên nhạy cảm hơn với sự hiện diện của Chúa để nghe được tiếng Ngài và biết được ý Ngài cho chúng ta. Thánh Phaolô và Timôthê đã làm điều đó và các ngài đã được Chúa cho biết phải “đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ” (Cv 16:10). Chúng ta phải luôn cẩn thận để phân biệt đâu là ý mình và đâu là ý Chúa. Có nhiều công việc chúng ta nghĩ là tốt, nhưng chưa chắc đã đẹp theo ý Chúa.
Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra trong bài đọc 1 để suy gẫm là việc Thánh Phaolô mời gọi Timôthê chia sẻ với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng. Nhiều người cộng tác để làm việc thì vẫn tốt hơn làm việc một mình, nhất là trong phạm vi truyền giáo. Cám dỗ lớn nhất cho chúng ta là “thích làm việc một mình,” vì như vậy sẽ không đụng chạm đến ai hoặc nếu có vinh quang thì cũng chỉ là của riêng mình. Sống hiệp thông và làm việc với người khác thì phản ánh cách trung thực hơn hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe đến đề tài “yêu”–giới răn của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan giới thiệu đề tài tương phản, đó là “ghét.” Khi liên kết hai bài Tin Mừng này lại với nhau, chúng ta thấy rằng: những người thuộc về Chúa Giêsu thì yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến nhau [đây là sự bất khả phân ly của luật mến Chúa và yêu người]; còn những ai không yêu mến Chúa Giêsu thì cũng sẽ không yêu mến những người thuộc về Ngài. Hai đề tài này đã được nói đến trong chương 14:24 – “Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai thầy.” Thế gian sẽ ghét các môn đệ như thế gian đã từng ghét Chúa Giêsu vì từ nay các môn đệ là những người “đại diện” được Ngài sai đi. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng đón nhận sự “ghét bỏ” của thế gian khi chúng ta không sống lối sống mà thế gian muốn, nhưng sống lối sống mà Thiên Chúa muốn không?
Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn, chúng ta có thể gom bốn câu của bài Tin Mừng thành hai nhóm: nhóm 1 (câu 18 và 20) nói lên lý do thế gian ghét các môn đệ, đó là mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và các ông; nhóm 2 (câu 19 và 21), Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết Ngài đã chọn các ông và các ông thuộc về Ngài và mang danh Ngài, vì lý do đó thế gian ghét các ông. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn hai nhóm, để rút ra sứ điệp Chúa nói với chúng ta hôm nay.
“18Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.” Hai câu này ám chỉ tình trạng bách hại đạo mà cộng đoàn của Thánh Gioan đang phải đối diện. Ngay sau khi ra lệnh truyền cho các môn đệ hãy yêu mến nhau [câu 17], Chúa Giêsu nói đến một thực tế mà họ phải đối diện, đó là sự ghét bỏ của thế gian. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ thấy rằng: thế gian ghét và bắt bớ họ không phải vì họ mà vì Ngài. Nói cách cụ thể hơn, trong nhóm 1 này Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ về số phận của những người theo Ngài: Họ sẽ chia sẻ chung một số phận như Ngài. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta ngày hôm nay? Có lẽ, ai trong chúng ta cũng tự hào mình thuộc về Chúa Giêsu. Thuộc về Chúa Giêsu có nghĩa là sống một cuộc sống như Ngài, chấp nhận số phận bị bán, nộp, bỏ rơi, đau khổ và đóng đinh như Ngài. Nhưng nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta chỉ muốn được chia sẻ “số phận vinh quang” của Chúa Giêsu mà không muốn chia sẻ “số phận đau khổ” của Ngài. Chỉ qua thập giá mới đến vinh quang! Nếu chúng ta vẫn yêu cho dù người khác ghét chúng ta, tình yêu đó mới là tình yêu chân thật! Khi bị ghen ghét, hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu cũng đã từng bị như thế; khi bị bắt bớ, hãy biết rằng Chúa Giêsu cũng đã từng bị như thế. Chúng ta chỉ hiểu được những đau khổ của chúng ta trong ánh sáng thập giá Chúa Giêsu Kitô.
Nhóm thứ hai giải thích rõ hơn cho chúng ta biết lý do tại sao thế gian ghét chúng ta: “19Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 21Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.” Chúa Giêsu khẳng định việc các môn đệ mang danh Ngài và thuộc về Ngài là lý do thế gian ghét và tìm mọi cách chống đối họ. Chúng ta cũng đã từng bị chống đối và ghét bỏ, nhưng điều đó xảy ra có phải vì chúng ta mang danh và thuộc về Chúa Giêsu không? Thực tế mà nói, thường chúng ta bị ghét và chống đối vì những lời nói và việc làm thiếu tế nhị hoặc thiếu suy nghĩ của mình. Rất ít người trong chúng ta bị chống đối hay bị ghét vì chúng ta sống đời sống yêu thương và tha thứ như Chúa Giêsu. Nếu chúng ta sống yêu thương và tha thứ như Chúa Giêsu mà bị người ta ghét và chống đối, hãy vui mừng vì đó là dấu chứng chúng ta thuộc về Ngài.