Thương và tội nghiệp

18

THƯƠNG VÀ TỘI NGHIỆP …

            Có một người ở phương trời xa nhắc về Cha San, chị nói : “Hai năm nay có lẽ Cha bệnh nên không thấy Cha viết nữa. Thấy thương và tội nghiệp Cha quá !”.

            Đọc những dòng này, bỉ nhân đáp lại : “Vâng ! Thân phận con người mà ! Mai mốt em cũng vậy thôi, chả biết có thọ được như các cụ hay không nữa.Thôi thì được ngày nào hay ngày đó và phó thác cho Chúa.

            Đọc xong, chị đáp lại : “Vậy thì thương tội nghiệp Cha quá !”

            Vâng ! Trong cái thân phận làm người, nào ai tránh khỏi cái quy luật của cuộc đời là sinh lão bệnh tử. Ai ai cũng một lần đi qua cái cửa tử thôi.

            Chị nói tiếp : “Dạo này con thấy buồn quá vì cuộc sống thật vô thường !”.

            Chính xác ! Cuộc sống mà, không vô thường mới lạ lạ. Nhất là ngày hôm nay, khi biến động kinh tế quá lớn. Kinh tế lao dốc, công việc bị thu hẹp, mùa màng nếu có trúng thì cũng bị tư thương ép giá và tình hình hiện nay ở vùng Tây Nguyên đang rơi vào tình trạng hạn hán. Không có nước thì làm sao có thể tắm tưới cho cây cà phê được. Vừa được giá mừng chưa kịp vui thì nỗi lo lại đến với người nông dân.

            Thương và tội nghiệp cũng là cảm xúc, tâm tình hay có khi là hành động gì đó để gọi là chung chia với thân phận con người.

            Con người, khi còn khỏe hay còn chức còn quyền thì kẻ đón người đưa. Đến ngày nào đó nép mình trong khu nhà tĩnh dưỡng thì lúc đó mới biết đá biết vàng.

            Bị mờ mắt, vừa ăn sáng xong, tầm 9 giờ Cha già hỏi là chuẩn bị ăn trưa chưa. Rồi đến chiều, đẩy Cha ra mái hiên cho thoáng thì Cha hỏi giờ này có cà phê uống chưa (Cha nghĩ là buổi sáng nên xin cà phê).

            Chục năn về trước, hai chục năm về trước, cũng vị linh mục ấy dong duỗi trên con đường sứ vụ. Cha đã làm hết nhà thờ này đến nhà thờ khác, công trình nọ đến công trình kia để rồi đến một ngày Cha cũng phải buông bỏ tất cả mọi sự vì hơi tàn. Dù có muốn làm gì đi chăng nữa nhưng cái định luật sức khỏe của con người Cha không thể làm được. Hay là như tất cả mọi sinh hoạt bình thường của một người thì Cha cũng phải nhờ người trợ giúp.

            Nhìn Cha thấy đúng là tội nghiệp nhưng theo kiểu nói bình thường là ai tội nghiệp ai ? Một ngày nào đó mình cũng già và rồi người khác cũng tội nghiệp mình. Như con tạo vần xoay không ai tránh khỏi được những giới hạn của cuộc đời.

            Như Cha Giuse, một thời ở các giảng đường để truyền cho môn sinh mình về hội nhập văn hóa, về tư tưởng và về cách sống. Theo thời gian, Cha cũng già nua tuổi tác và nghỉ bệnh. Thều thào trong những dòng tin nhắn gửi đến cho những người thân quen : “Xin cầu nguyện cho với !”.

            Một nữ tu già hơn chín mươi cũng thế ! Lúc nào cũng lẩm bẩm trong miệng : “Xin thương xót con là kẻ có tội !”.

            Nhìn nữ tu trẻ bón từng muỗng soup cho nữ tu già không ai không khỏi chạnh lòng. Vì sứ vụ, nữ tu ấy xa quê hương hơn nửa thế kỷ. Ở cái tuổi già mà bây giờ không còn kiểm soát được ngày đêm thì thật khổ cho những người sống chung quanh. Thương vị nữ tu già đó nhưng cũng nghĩ rằng nếu như mình già thì mình cũng chả thoát được cái cảnh mà mình được xem đây.

            Nhạc sĩ Vũ Thành An đã trải lòng về tuổi già như sau :

Ngày mai rồi mình cũng già
Không thể nào níu lại nữa.
Ngày xưa như mới hôm qua
Một cánh hoa trong cơn phong ba.
Thời gian tựa cánh chim bay
Tiếng cầu kinh đời đời vẫn vậy.
Từ nghìn tɾùng ta gặp nhau đây
Rồi thiên thu mãi mãi xum vầy.
Ngày mai ɾồi mình cũng già
Thân thể này sẽ tàn úa.
Được thua thì cũng thế thôi
Một tiếng yêu xin tɾao cho nhau.
Còn dăm ngày nữa vui chơi
Hãy nhìn xem vẻ đẹp cõi đời,
Được làm người ôi diệu kỳ thay
Tạ ơn tɾên cho sống chốn này.
Ngày mai ɾồi mình cũng già
Nhưng đời người không thể hết
Hồn ta là đốm tinh hoa về viễn ρhương bay xa
Bay xa….

            Vâng, dù là “cha giừa” nhưng cũng nên tự nhắc nhớ mình về tuổi già đang ập đến. Nghĩ đến để thương cho những ai đã già vì rồi mình cũng sẽ già.

            Nghĩ cũng vui ! Chắc có lẽ chả mình chị kia nói thương và tội nghiệp tuổi già của mình đâu. Chắc cũng vài ba người sống cùng sẽ thương và tội nghiệp vì mình già. Và, mình cũng mong rằng nếu như mình có già thì mình cũng dễ tính một chút để người chăm mình được nhẹ gánh và mình cũng gánh nhẹ.

            Chả ai nói trước được. Có những người khi còn trẻ thật dễ tính nhưng khi già lại khác và ngược lại.

            Như cha già mà mình đang chung sống, khi còn trẻ xem chừng cũng kho khó đó nhưng về già thấy cũng dễ chịu ra. Hay như một linh mục nhạc sĩ thân quen đàn anh của bỉ nhân cũng vậy. Khi còn đương thời thì nóng tính lắm. Có khi ra dâng Lễ mà cái micro nó rọt rẹt là quăng cả cái mic luôn. Thế nhưng bây giờ già, Cha thay đổi và thay đổi nhiều.

            Một mai mình cũng sẽ già, mình thương thân phận người gia để khi về già mình được thương. Hay như Chúa nói : Phúc cho ai biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương vậy. Thôi thì hãy cứ sống, cứ thương, cứ tội nghiệp người đồng loại để đến lúc già hay sa cơ lỡ vận mình cũng được thương, được tội nghiệp như mình đã từng thương từng tội nghiệp người già.

Lm. Anmai, CSsR