Có thể nghĩ đến những hình thức xưng tội mà không có linh mục không?

17
Francesco Carensi
Tại sao chúng ta cần Giáo hội tha thứ và hòa giải?
Tôi muốn giải thích câu này trong thư Thánh Giacôbê: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát” (Gc 5,16). Ở đây không nói về việc xưng tội với các linh mục nhưng nói về một hình thức cộng đoàn. Có thể nghĩ ra những hình thức xưng tội mà không có linh mục không?
Linh mục Francesco Carensi, giáo sư Thánh Kinh, trả lời:
Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần phân tích chương 5,16 thư Thánh Giacôbê: “Vậy, anh em hãy xưng tội với nhau”. Trước hết cần phải hiểu mối liên hệ mà Thánh Giacôbê nhấn mạnh giữa việc xưng tội và cầu nguyện. Sau khi nói về việc cầu nguyện, ngài nói “vì thế hãy xưng tội” như thể đó là một hệ quả hợp lý của những gì đã nói ở trên. Thánh Giacôbê nói: “Thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau”.
Vậy lý do chúng ta phải xưng tội với nhau không phải để được tha tội, nhưng bằng cách này chúng ta bước vào sự hiệp thông với anh chị em đang cầu nguyện cho nhau.
Từ đây rút ra một hệ quả cho việc xưng tội: đó không phải là một phiên tòa. Trong một phiên tòa có một thẩm phán, người phải khôi phục lại công lý. Trong tòa giải tội, chúng ta có một người anh em có khả năng hiểu được hoàn cảnh vì người đó sống chính kinh nghiệm của một tội nhân cần được tha thứ. Chúng ta gặp một người không thể “thực thi công lý” nhưng lại có thể cầu nguyện cùng tội nhân và lời cầu nguyện của họ nhận được ơn tha thứ.
Do đó, trong giáo hội chúng ta có thể xưng tội “với nhau” bởi vì, trong giáo hội không có những người không công chính và công chính mà chỉ có những tội nhân, những kẻ ăn xin tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, những kẻ có thể được tìm thấy trong Chúa Kitô, Đấng tự làm cho mình hiện diện nơi con người của anh chị em.
Tuy nhiên, theo truyền thống, chỉ có các thừa tác viên của Giáo hội mới thực hiện sứ vụ công bố sự tha thứ. Thực tế này xuất phát từ một số tội lỗi quan trọng do tính nghiêm trọng của chúng. Một số tội không những làm chúng ta xa cách Thiên Chúa mà còn xa cách sự hiệp thông với Giáo hội. Vì vậy, cần phải hòa giải không chỉ với Thiên Chúa mà còn với Giáo hội. Vì lý do này mà việc xưng tội chỉ với thừa tác viên của Giáo hội trở nên phổ biến.
Nếu chúng ta đọc Tin Mừng Mátthêu (18, 25-29) về vai trò nền tảng của Giáo hội, thì năng quyền được Chúa Kitô ủy thác cho Giáo hội thực chất là quyền tha tội, quả thực đây là lý do tại sao Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội. Đấng phục sinh cũng yêu cầu điều tương tự: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 19-23). Tại sao lại nhấn mạnh đến nhiệm vụ này của Giáo hội? Bởi chính nhờ thừa tác vụ tha thứ mà biến cố thập giá không còn là một biến cố của quá khứ mà ký ức đã lưu truyền nhưng trở thành một biến cố có hiệu lực theo thời gian.
Trên thập giá, Chúa Kitô đã hòa giải thế giới với Thiên Chúa, nghĩa là Ngài xóa bỏ tội lỗi của thế gian và hậu quả của nó: tội tạo ra sự rạn nứt giữa thụ tạo và Tạo hóa.
Sự tha tội là phương tiện qua đó công trình của Chúa Kitô đã hoàn thành một lần là đủ cho cả mọi người thuộc mọi thế hệ. Việc tha tội là phương tiện để tái lập sự hiệp thông giữa con người nổi loạn và Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Đó là nơi mà Chúa Kitô đã hiện diện và sống động, qua mọi thế hệ cho đến ngày tận thế.
Tiếp đến, một lần nữa, lời khuyên của thánh Giacôbê nhằm mục đích cho phép Chúa Kitô sống lại nơi tội nhân, nơi con người đã chết do tội lỗi của mình. Như thế, việc tha tội trở thành chìa khóa thứ hai để mở cánh cửa niềm vui: nó cũng làm cho Chúa Kitô sống trong chúng ta. Chính Ngài là Đấng đã chiến thắng cái tôi của chúng ta và làm cho chúng ta không còn chia rẽ mà hợp nhất, và ở đó có niềm vui trọn vẹn.
Để trả lời cho độc giả của chúng ta, có thể nói rằng thánh Giacôbê đặt nền tảng cho việc xưng tội cùng với các văn kiện khác của Tân Ước được trích dẫn ở trên. Đối với những tội trọng, việc xưng tội trước thừa tác viên là cần thiết. Nhưng đối với những tội được gọi là tội nhẹ, hành vi sám hối khi cử hành Thánh lễ cũng rất quan trọng. Tất nhiên không thể chỉ giới hạn sự hòa giải ở hành vi thuộc bí tích, mà cuộc sống hàng ngày và các mối tương quan với mọi người cũng rất quan trọng, nơi đó chúng ta sống kinh nghiệm được tha thứ và hòa giải trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi kết thúc bằng câu trích dẫn từ thư gửi Êphêsô 4,32: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”.
G. Võ Tá Hoàng