Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 18 Thường Niên

203

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY – TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Mục lục

THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊNHÃY CHIA SẺ CHO ANH CHỊ EM MÌNH

THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊNVỮNG TIN GIỮA SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI

THỨ TƯ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊNTÌM Ý NGHĨA TRONG CÁI VÔ NGHĨA

THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN -Thánh Lôrenxô, Phó Tế, Tử Đạo

THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊNTỪ BỎ CHÍNH MÌNH ĐỂ THEO CHÚA GIÊSU

THỨ BẢY TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊNLỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

 

THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

HÃY CHIA SẺ CHO ANH CHỊ EM MÌNH

(Ds 11:4b-15; Mt 14:13-21)

Một trong những nhu cầu căn bản của con người là ăn uống. Đây là đề tài chính của hai bài đọc lời Chúa hôm nay. Trong bài đọc 1, dân chúng hành trình trong sa mạc, họ được ban cho manna để ăn. Nhưng dần dần, họ thấy chán ngán với manna. Hệ quả là họ “nhớ đến củ hành củ tỏi” trong thời gian ở Ai Cập và phàn nàn ông Môsê và Đức Chúa. Điều này làm Đức Chúa “bừng bừng nổi giận” (Ds 11:10). Là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel, ông Môsê “lấy làm khổ tâm.” Tâm tình của ông Môsê trong bài đọc 1 diễn tả cách chân thành “lòng thương” của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Bên cạnh đó, những lời sau cũng diễn tả cách chân thật nỗi lòng của các môn đệ trong bài Tin Mừng [và mỗi người chúng ta]: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (Ds 11:14). Môsê nhận ra sự bất lực của mình nếu không có Chúa phù giúp. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng rơi vào tình trạng này. Chúng ta gặp phải những vấn đề vượt quá sức của mình và chúng ta muốn bỏ cuộc hay chạy trốn. Khi gặp hoàn cảnh như thế, chúng ta học ở thái độ của Môsê, đó là biến tất cả thành lời kinh. Chúng ta sẽ nhận ra rằng đây là những lời kinh chân thành nhất vì chúng xuất phát từ cõi thâm sâu của con tim mỏng manh và yếu đuối.

Như chúng ta đã chia sẻ hôm qua, bài Tin Mừng hôm nay được đặt ngay sau cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả, là dấu hiệu báo trước định mệnh của một tiên tri. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không như cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả. Cái chết của Gioan Tẩy Giả là để làm chứng cho sự thật, cho Chúa Giêsu. Còn cái chết của Chúa Giêsu là mang sự sống cho mọi người. Điều này được ám chỉ trong phép lạ hoá bánh ra nhiều được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với thông tin về cái chết của Gioan Tẩy Giả. Đây chính là lý do “Đức Giêsu xuống thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt” (Mt 14:13). Tuy nhiên, dù đã lánh đi một nơi hoang vắng riêng biệt, nhưng “nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.” Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại vị trí của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình: Ngài có sức hấp dẫn tôi đến nỗi tôi phải đi tìm Ngài bất kỳ nơi đâu, dù là trong nơi hoang vắng riêng biệt không? Nhìn từ khía cạnh khác, chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ tìm được Chúa Giêsu khi chúng ta ra khỏi sự ồn ào của đời sống thường ngày, vào nơi thanh vắng riêng biệt [của cõi lòng] để tìm và gặp Ngài ở đó.

Điều thứ hai chúng ta suy gẫm là thái độ của Chúa Giêsu: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14). Trong những lời này, Thánh Mátthêu cho chúng ta hay rằng khi nhìn thấy đám đông Chúa Giêsu chạnh lòng thương và Ngài diễn tả lòng thương này qua việc chữa lành các bệnh nhân của họ, chứ không qua việc giảng dạy họ nhiều điều như trong Tin Mừng Thánh Máccô. Lòng thương của Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chữa lành bệnh nhân, mà còn cung cấp cho họ thức ăn. Tuy nhiên, các môn đệ là người đầu tiên nhìn thấy nhu cầu cần thức ăn của đám đông và họ tìm ra cách giải quyết rất thực tế và dễ dàng: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14:15). Nhưng Chúa Giêsu muốn đặt thách đố này trước các môn đệ: anh em đã nhận ra nhu cầu của đám đông, vậy thì “họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14:16). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn huấn luyện các môn đệ trở nên tự tin hơn và có thái độ đi bước trước trong việc đáp ứng nhu cầu của đám đông. Ngài muốn các môn đệ trở thành những người “lãnh đạo” chân chính như Ngài. Khi bị Chúa Giêsu đặt trước mặt một thách đố lớn, các môn đệ nhận ra tình trạng thiếu thốn của mình: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” (Mt 14:17). Nhưng Chúa Giêsu đón nhận sự thiếu thốn đó với trọn tình thương: “Đem lại đây cho Thầy!” (Mt 14:18). Chính sự “thiếu thốn” của các môn đệ và “lòng thương” của Chúa Giêsu đã làm cho phép lạ xảy ra: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14:20-21). Ai trong chúng ta cũng biết được tình trạng “thiếu thốn” của mình. Nhưng liệu chúng ta có để tình thương của Thiên Chúa biến đổi sự thiếu thốn đó trở thánh “dư thừa” hầu làm cho mọi người được ăn no nê không? Phép lạ được thuật lại ở đây không chỉ là việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, nhưng còn làm cho sự “yếu đuối và thiếu thốn” của chúng ta thành “sức mạnh và dư thừa” trong niềm tin vào Chúa và phục vụ anh chị em.

Về mục lục

.

THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

VỮNG TIN GIỮA SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI

(Ds 12:1-13; Mt 14:22-36)

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta việc bà Miriam và ông Aharon phản đối việc ông Môsê lấy một người đàn bá xứ Cút làm vợ. Từ việc phản đối đó, họ trở nên “ganh tị” với Môsê về việc ông có mối tương quan mật thiết với Đức Chúa, Đấng xem ông là “người hiền lành nhất đời” (Ds 12:3). Trước sự ganh tị của Miriam và Aharon, Đức Chúa đã khẳng định cho họ biết Môsê là vị ngôn sứ của Ngài: “Hãy nghe Ta nói đây! Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Môsê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Môsê, tôi tớ Ta?” (Ds 12:6-8). Những lời này khuyến cáo chúng ta về lối sống hay ganh tị, so sánh. Mỗi người được Thiên Chúa tuyển chọn cho một nhiệm vụ khác nhau. Chúng ta cần tập trung vào nhiệm vụ của mình và hoàn thành chúng cách tốt nhất. Chúng ta không cần phải “tiếng to tiếng nhỏ” phê bình, chỉ trích hoặc nói xấu anh chị em của mình khi họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đừng đánh mất tập trung vào Chúa khi làm việc.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Câu chuyện này cũng được Thánh Máccô (6:45-52) và Thánh Gioan (6:15-21).  Câu chuyện bắt đầu với việc kể ra những hoạt động của Chúa Giêsu sau phép lạ hoá bánh ra nhiều: “Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14:22-25). Chúa Giêsu nói các môn đệ đi sang bờ bên kia, đó là địa hạt của dân ngoại. Chi tiết này giới thiệu những sự kiện sẽ xảy ra sau khi Chúa Giêsu lên thuyền và cùng với các môn đệ đi qua bờ bên kia. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chính là người giải tán đám đông chứ không phải các môn đệ vì họ là đàn chiên thuộc về Ngài. Ngài sai họ về nhà của mình, còn Ngài thì “về nhà” của mình để gặp gỡ Cha của Ngài trong giây phút cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu chính là khuôn mẫu cho người Kitô hữu. Ngoài những thời khắc cầu nguyện chung cùng với cộng đoàn, người Kitô hữu được mời gọi dành những khoảng thời gian thinh lặnng trong việc cầu nguyện cá nhân cùng với thiên nhiên trước Thiên Chúa. Chính trong khi cầu nguyện, Chúa Giêsu nhìn thấy chiếc thuyền của các môn đệ bị sóng đánh và Ngài đã đến với họ. Trong bối cảnh này, gió mạnh ám chỉ đến những mãnh lực chống đối của thế gian. Hình ảnh Chúa Giêsu đi trên mặt nước để đến với các môn đệ chỉ rõ Ngài có quyền năng trên các mãnh lực chống đối của thế gian. Ở đây chúng ta thấy có sự ảnh hưởng truyền thuyết của người Canaan và của Cựu Ước, đó là Đức Chúa chiến thắng sóng biển của sự chết (x. Tv 77:19; Job 9:8; 38:16; Is 43:16).

Khi Chúa Giêsu đến trong lúc giông bão, các môn đệ không nhận ra Ngài, nhưng Chúa Giêsu trấn an họ là chính Ngài luôn bên cạnh họ trong những lúc khó khăn trong cuộc sống: “Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: ‘Ma đấy!’ và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14:26-27). Các môn đệ đã không nhận ra Chúa Giêsu trong đêm bão giông của cuộc sống. Nỗi sợ hãi đã làm họ mất niềm tin vào Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu trấn an họ, để họ không còn sợ hãi mà tin vào Ngài. Đây chính là điều Chúa Giêsu làm cho các môn đệ, đó là trấn an họ khi họ sợ hãi. Ngài khẳng định với họ rằng: “Chính Thầy đây!” những lời này chỉ rõ việc Chúa Giêsu chia sẻ trong quyền năng Thiên Chúa để cứu con người (x. Tv 18:17-18; 144:7; Xh 3:14; Is 43:10; 51:12). Nhiều lần Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta trong những giông bão cuộc đời. Chúng ta cũng đã từng không nhận ra Ngài. Nhưng tiếng Ngài luôn vang lên nói chúng ta đừng sợ. Đừng sợ sóng gió trong cuộc sống, vì Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta trong những lúc đó.

Câu chuyện chuyển từ phản ứng của các môn đệ đến phản ứng của một mình Thánh Phêrô trước sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này như sau:

Phêrô: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

Chúa Giêsu:  “Cứ đến!”

[Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm]

Phêrô: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”

Chúa Giêsu      [liền đưa tay nắm lấy ông]: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?”

Thánh Mátthêu đã thêm vào cuộc đối thoại này (câu 28-31) nhằm mục đích nói lên vị trí cao trọng của Phêrô. Hành động của Phêrô không có ý nghĩa gì trừ khi chúng ta liên kết nó với một tình yêu được thúc đẩy và một đức tin bị yếu đi vì nghi ngờ. Các yếu tố đặc trưng và cá nhân độc nhất vô nhị quyện chặt vào nhau ở đây (x. Ga 20:28-29).

Câu chuyện trở lại với các môn đệ, những người trong thuyền: “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: ‘Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!’” (Mt 14:32-33). Khi đã thấy Chúa Giêsu làm cho sóng lặng, các môn đệ hiểu được Ngài được chia sẻ trong quyền năng của Thiên Chúa nên đã “bái lạy” Ngài, đây là hành vi tôn thờ và tuyên xưng rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Chi tiết này trái ngược với kết thúc của Thánh Máccô, ở đây các môn đệ đã hiểu và tin; họ đã tiên báo trước lời tuyên xưng của Phêrô trong 16:16. Tóm lại, toàn bộ câu chuyện liên quan đến phép lạ về thiên nhiên và được xếp loại như là một sự hiển linh qua việc chế ngự mãnh lực của biển khơi. Câu chuyện này giống với câu chuyện làm biển lặng trong 8:18-27. Theo các học giả Kinh Thành, đây chính là dụ ngôn nói về Giáo Hội bị bao vây và là biểu tượng của một đức tin vững mạnh, đi ra khỏi vùng chưa biết, nhưng có thể bị tổn thương [thương tổn]. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng trong sóng gió cuộc đời, dù có bị tổn thương, nhưng hãy vững tin vào Chúa luôn.

Bài Tin Mừng kết thúc với sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu: “Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghennêxarét. Dân địa phương nhận ra Đức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo choàng của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được cứu chữa” (Mt 14:34-36). Chúng ta cũng tìm thấy đoạn này trong Tin Mừng Thánh Máccô (6:53-56). Theo các học giả Kinh Thánh, đây chính là bản tóm tắt mà qua đó Thánh Mátthêu đã rút ngắn trình thuật của Thánh Maccô. Phần ngắn gọn này tổng quát hoá hành động chữa lành của Chúa Giêsu thành sự kiện xã hội và cung cấp một sự chuyển tiếp để thảo luận về luật thanh sạch mang tính nghi lễ sẽ được thuật lại trong phần kế tiếp. Điều đáng để chúng ta lưu ý là hành động “sờ vào tua áo choàng” của Chúa Giêsu. Qua việc sờ đến tua áo của Ngài, dân chúng tuyên xưng đức tin của mình một cách mặc nhiên, nhưng đồng thời, từ cái nhìn của những người Pharisêu, trong một vài trường hợp họ đã truyền sự không thanh sạch (ô uế) của họ cho Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi đến với Chúa Giêsu để chạm đến Ngài hầu những bệnh tật trong chúng ta được chữa lành.

Về mục lục

.

THỨ TƯ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

TÌM Ý NGHĨA TRONG CÁI VÔ NGHĨA

(Ds 13:1-2.25 – 14:1.26-29.34-35; Mt 15:21-28)

Cuộc sống của con người ở mọi nơi mọi thời đều có những khó khăn. Không ai sinh ra trên đời lại không gặp khó khăn. Đây là điều ai trong chúng ta cũng biết. Thế nhưng nhiều người lại không chuẩn bị để đối diện với khó khăn, nên khi gặp khó khăn họ bỏ cuộc hoặc trách cuộc đời, trách những người đã sinh ra họ, trách những người đã trở nên thập giá trong cuộc đời họ. Hai bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta hai thái độ khác nhau khi gặp thử thách khó khăn: dân Israel phàn nàn, kêu trách [bài đọc 1], còn người phụ nữ Canaan kiên nhẫn và khiêm nhường đối diện [bài Tin Mừng].

Bài đọc 1 tiếp tục trình bày cho chúng ta về hành trình dân Israel vào đất hứa. Họ đã đi gần đến đất hứa. Đức Chúa truyền ông Môsê sai người đi dò thám vùng đất mà Ngài hứa cho dân Israel. Những người đi dò thám về có phản ứng khác nhau: họ vui mừng vì miền đất hứa là “miền đất tràn trề sữa và mật” (Ds 13:27), nhưng đồng thời họ lại hoảng sợ vì “dân cư miền ấy thì mạnh, thành thị lại kiên cố và rộng lớn” (Ds 13:28). Chính nỗi sợ này đã làm cho họ quên mất những kỳ công Chúa đã thực hiện để giải phóng họ khỏi nô lệ Ai Cập. Hệ quả là họ kêu la, cằn nhằn chống lại Môsê và Đức Chúa. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hành trình 40 năm trong sa mạc của dân Israel: “Ta, Đức Chúa, Ta đã phán; Ta quyết sẽ thi hành như thế cho toàn thể cộng đồng hư đốn này đã cấu kết với nhau chống lại Ta. Trong sa mạc này chúng sẽ bị tiêu diệt và sẽ chết hết” (Ds 14:35). Điều này cũng thường xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Nhiều khi chúng ta để cho sự sợ hãi đến từ những khó khăn chiếm lấy làm chúng ta quên mất những ơn lành Chúa ban. Chúng ta cần ý thức rằng: Chúa luôn trung thành với lời giao ước của Ngài. Ngài không để chúng ta chiến đấu một mình khi gặp khó khăn thử thách. Ngài luôn ở bên chúng ta để chiến đấu cho và với chúng ta. Liệu chúng ta có tin tưởng để cho Ngài chiến đấu bên cạnh chúng ta không?

Câu chuyện được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay mang lại cho chúng ta một niềm an ủi và sự kiên trì khi chúng ta tưởng Thiên Chúa tỏ ra “khó khăn” với chúng ta. Chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện này trong Tin Mừng Thánh Máccô (7:24-30). Chúng ta thấy Thánh Mátthêu chuyển điểm tập trung từ phép lạ đến đối thoại. Câu chuyện được bắt đầu với lời cầu xin của người đàn bà Canaan: “‘Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!’ Nhưng Người không đáp lại một lời” (Mt 15:22-23). Thánh Mátthêu chọn cái tên cổ xưa trong Kinh Thánh để thay vào chỗ của cái tên mang tính đương thời của Thánh Máccô là người Syrophoenix. Người phụ nữ có thể nói là người bị loại ra bên lề xã hội, đó là bà ta một mình đơn độc trong thế giới của người nam; bà ta là người dân ngoại và như thế bị liệt vào hạng người ô uế; một người không thanh sạch ngay từ trong nôi. Dù là dân ngoại, nhưng bà ta tuyên nhận Chúa Giêsu là “con vua Đavít.” Đây chính là điều Thánh Mátthêu muốn chứng minh trong Tin Mừng của Ngài [nhất là qua gia phả (x. Mt 1:1)]. Điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là trước người phụ nữ đáng thương này, thay vì Chúa Giêsu ban cho bà những gì bà xin, thì Chúa Giêsu không đáp lại lời nào. Thái độ của Ngài có vẻ cũng hơi khắc nghiệt, thiếu tử tế. Thái độ im lặng khác thường này của Chúa Giêsu được giải thích trong câu kế tiếp, đó là Ngài không muốn đi vượt qua sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Nói cách khác, qua sự thinh lặng của mình Ngài muốn khẳng định Ngài được sai đến để không làm theo ý mình mà làm theo ý Đấng đã sai Ngài. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về cách hành xử của mình. Nhiều lần chúng ta cũng để cho những cảm xúc nhất thời chiếm lấy, để rồi chúng ta không còn nhận ra thánh ý Thiên Chúa để thực hiện mà hành xử theo cảm xúc con người nhất thời của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong mọi sự không nên hành xử theo cảm xúc nhất thời, nhưng biết chìm trong “thinh lặng” để tìm thánh ý Thiên Chúa trước khi hành động.

Các môn đệ chạnh lòng thương, nên lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !” Chúng ta thấy, sứ vụ làm trung gian giữa Chúa Giêsu và dân chúng được trình bày trong phép lạ hoá bánh ra nhiều bây giờ được phản chiếu lại trong sự kiện này. Nhưng Chúa Giêsu dường như kiên định trong quyết định của mình nên đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15:24). Như chúng ta đã trình bày ở trên, Chúa Giêsu không muốn vượt quá sứ vụ được giao phó của Ngài, đó là “chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel.” Câu nói này phản ảnh cách trung thực quy luật của Chúa Giêsu lịch sử, sứ mệnh của Ngài là quy tụ tất cả Israel cho những sự kiện trong ngày sau hết. Trong thời gian chờ đợi thời cánh chung, sứ vụ đến với các dân ngoại và mang Tin Mừng của Ngài đến tận cùng trái đất là sứ vụ của các môn đệ (x. Mt 28:19).

Đến đây, câu chuyện lại trở lại với cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ:

Người phụ nữ: Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”

Chúa Giêsu: Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.

Người phụ nữ: Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.

Chúa Giêsu:  Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.

Trong cuộc đối thoại này, Thánh Mátthêu vẫn giữ lại câu nói “khó nghe” của Chúa Giêsu từ Tin Mừng Thánh Maccô: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Những lời này ám chỉ khoé nhìn về cứu độ mang tính lịch sử: trước hết là người Do Thái, sau đó mới đến dân ngoại (x. Rm 1:16). Người phụ nữ nhanh chóng nắm lấy hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra để thay đổi nó hầu mang lại lợi ích cho mình mà không ngạo mạn hay kiêu căng. Sự khiêm nhường sâu thẳm của bà đã chiến thắng. Chúa Giêsu đã rất quảng đại trong lời khen của mình (chỉ có một mình người phụ nữ được Chúa Giêsu nói là có lòng tin mạnh trong Tin Mừng Thánh Mátthêu) và trong quyền năng chữa lành của Ngài. Kết quả của cuộc đối thoại là Chúa Giêsu khen bà về niềm tin mạnh mẽ của bà, và người phụ nữ được ban cho những gì bà cầu xin: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh” (Mt 15:28). Trong sự kiện này, chúng ta nghe được hai tiếng nói trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, đó là tiếng nói của những người nói ơn cứu độ chỉ dành cho những người Do Thái và của những người cho rằng ơn cứu độ dành cho hết mọi người. Điều này ám chỉ vấn đề đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Matthêu. Hình ảnh của người phụ nữ dạy chúng ta điều gì? Bà dạy chúng ta biết tìm thấy ý nghĩa trong những lời nói “khó nghe” của người khác hoặc trong những hoàn cảnh mà lời Chúa dường như trở nên một thách đố, đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ cái tôi và lòng tự ái của mình. Nghệ thuật sống trong đời là biết cười [có óc khôi hài] trước những lời nói hoặc hành động khó chấp nhận của ngườc khác. Đừng để sự tự ái và cái tôi làm chủ chúng ta.

Về mục lục

.

THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN -Thánh Lôrenxô, Phó Tế, Tử Đạo

CHẾT ĐI ĐỂ SINH HOA TRÁI

 (2 Cr 9:6-10; Ga 12:24-26)

Thánh Lôrenxô là phó tế đầu tiên của Giáo Hội ở Rôma. Một trong những câu chuyện nổi tiếng về Thánh Lôrenxô được kể lại là khi Viên Tổng Trấn Rôma buộc thánh nhân đem nộp tất cả tài sản của Giáo Hội, thánh nhân quy tụ tất cả những người nghèo, những người đau yếu, bệnh tật và đem đến trước vị Tổng Trấn và nói: Đây chính là tài sản của Giáo Hội. Khi tưởng nhớ thánh Lôrenxô hôm nay, chúng ta được mời gọi học ở Ngài không chỉ sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày, nhưng còn chăm sóc, yêu thương những anh chị em kém may mắn như kho tàng quý báu của Giáo Hội. Giờ đây, chúng ta để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc soi chiếu đời mình với mẫu gương Thánh Lôrenxô.

Giáo Hội chọn trích thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô để đọc trong ngày lễ kính hôm nay nhằm trình bày hình ảnh chân thật của vị thánh mà chúng ta mừng kính. Thánh Lôrenxô đã sống trọn vẹn sự trao ban như thánh Phaolô đã nói. Ngài trao ban chính cuộc sống mình trong đời sống phục vụ của một phó tế và cuối cùng trao ban chính thân mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa trên bàn thờ hy tế. Ngài đã “cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9:7). Chúng ta cũng được mời gọi để trao ban. Nhưng thái độ trao ban của chúng ta như thế nào? Có câu nói trong đời rằng: Không có ai quá nghèo đến độ không có gì để trao ban, và cũng không có ai quá giàu đến độ không còn gì để nhận. Hãy trao ban với thái độ “không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, nhưng vui vẻ.” Những người trao ban với thái độ như thế sẽ được Chúa yêu thương.

Mặt khác, Thánh Phaolô cho biết chúng ta không thể trao ban theo quyết định của lòng mình nếu không có ơn thiêng Thiên Chúa ban. Thật vậy, “Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, theo như lời đã chép: ‘Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời’” (2Cr 9:8-9). Trong mọi sự, chúng ta được Chúa ban ơn đủ để sống ơn gọi mà Ngài mời gọi chúng ta. Nhưng những ân huệ Ngài ban không chỉ để chúng ta dành riêng cho mình, nhưng còn trở thành những hạt giống để chúng ta gieo vào lòng thế gian hầu mang lại mùa gặt tươi tốt cho Thiên Chúa, “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào” (2 Cr 9:10). Thánh Lôrenxô đã đổ máu mình ra để tưới cho hạt giống Ngài gieo trồng trong đời sống phục vụ của Ngài. Hạt giống đó đã mang lại một mùa gặt dồi dào cho Giáo Hội, đó là đức tin của các tín hữu được củng cố và tăng trưởng khi nhìn lên các thánh, những người đã sống và đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin.

Đề tài về hạt giống Thiên Chúa ban phải được gieo vào lòng đất trong bài đọc 1 cũng được Thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng của mình. Đoạn trích này nằm trong bối cảnh những người Hy Lạp đến tìm Chúa Giêsu [thông qua Philiphê, người có tên Hy Lạp]. Khi nghe thấy những người Hy Lạp tìm mình, Chúa Giêsu lên tiếng nói về “giờ” của Ngài đã đến. Và trong bối cảnh “giờ của Ngài đã đến,” Ngài nói về hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, hầu ám chỉ đến cái chết mà Ngài sắp chịu.

Hình ảnh “hạt lúa gieo vào lòng đất” phản chiếu lại điều được viết trong thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (15:36): “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.” Có thể đây là một câu ngạn ngữ thường được sử dụng trong thời gian đó mà Thánh Gioan đã dùng để áp dụng vào trong bối cảnh cái chết mà Chúa Giêsu sẽ đón nhận. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhấn mạnh đến việc “trơ trọi một mình” nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi. Chi tiết này cho thấy, cái chết của Chúa Giêsu là cho người khác. Nói cách khác, cái chết của Ngài mang ơn cứu độ cho mọi người. Cộng đoàn của Thánh Gioan “không trơ trọi một mình” sau cái chết của Chúa Giêsu, nhưng sẽ đạt được sự hiệp nhất mới với Ngài và với Chúa Cha (x. Ga 14:18,28; 16:22). Điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống chúng ta? Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để sinh bông hạt chứ không trơ trọi một mình là lời mời gọi chúng ta không đóng kín cửa con tim mình để chỉ “sống trơ trọi một mình,” nhưng cởi mở và trao ban qua việc chết đi cho chính mình mỗi ngày hầu mang niềm vui đến cho người khác.

Việc hạt giống gieo vào lòng đất và chết đi được diễn tả qua hai hình ảnh khác, đó là “liều mất mạng sống mình” và “phục vụ Đức Giêsu”: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12:25-26). Những lời này mời gọi thính giả đối chiếu cuộc sống mình với Chúa Giêsu, nhất là trong đời sống phục vụ. Điều đáng lưu ý ở đây là chúng ta đang phục vụ ai? Chúa Giêsu nói chỉ những người nào phục vụ Ngài mới theo Ngài và Ngài ở đâu thì người ấy cũng sẽ ở đó. Nói cách khác, những người phục vụ Chúa Giêsu là những người đi đến những nơi Chúa Giêsu đến và phục vụ những người Chúa Giêsu muốn họ phục vụ chứ không phải những người họ muốn phục vụ. Khi chúng ta phục vụ những nơi và những người mà theo bản tính tự nhiên chúng ta không muốn và không thích, chúng ta đang phục vụ Chúa. Chúng ta không phục vụ cách miễn cưỡng, nhưng với trọn con tim và cõi lòng của Chúa Giêsu.

Về mục lục

.

THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH ĐỂ THEO CHÚA GIÊSU

(Đnl 4:32-40; Mt 16:24-28)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày lời “huấn giáo” của Môsê cho dân Israel. Lời giáo huấn này bao gồm ba phần: Phần 1 (Đnl 4:32-34), Môsê nói về những kỳ công Đức Chúa thực hiện trong việc tuyển chọn và giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập; phần hai (Đnl 4:35-38) Môsê nhắc lại cho dân những điều họ đã chứng kiến; phần 3 (Đnl 4 39-40) trình bày lời nhắc nhở về việc dân Israel phải tôn thờ một mình Đức Chúa. Chúng ta cùng nhau phân tích ba phần này hầu rút ra những ý lực sống cho ngày hôm nay.

Phần 1 thuật lại cho chúng ta việc Môsê kêu gọi dân Israel nhìn lại đặc ân họ được tuyển chọn làm dân riêng của Đức Chúa trong số những người Ngài dựng nên trên mặt đất. Không những thế, họ còn được “nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống” (Đnl 4:33); họ được Thiên Chúa “dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm” để giải thoát họ khỏi nô lệ bên Ai Cập (Đnl 4:34). Những chi tiết này cho thấy Israel được chọn, được nghe và được giải phóng khỏi thân phận nô lệ. Thiên Chúa đã làm những điều này chỉ vì Ngài yêu Israel. Thiên Chúa cũng yêu mỗi người chúng ta như vậy. Ngài tạo dựng chúng ta; Ngài gọi chúng ta; Ngài giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết; chúng ta nghe tiếng Ngài nói mỗi ngày. Đây là những đặc ân, những phúc lành Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày. Nhưng nhiều lần trong cuộc sống chúng ta để cho những khó khăn và đau khổ che mờ đôi mắt tâm hồn khiến chúng ta không nhận ra những đặc ân này. Xin Chúa mở mắt chúng ta để chúng ta nhận ra những ơn lành Chúa ban cho chúng ta qua từng ngày sống.

Chi tiết quan trong nhất trong phần 2 mà chúng ta cần suy gẫm là “từ trời” hay “dưới đất,” dân Israel đều nghe được tiếng Chúa. Thiên Chúa đã làm mọi sự cho dân Israel bởi vì “Người đã yêu thương cha ông anh em” (Đnl 4:37). Động lực duy nhất thúc đẩy Thiên Chúa tạo dựng, tuyển chọn, giải phóng và dạy bảo dân Israel chính là “tình yêu.” Điều này nhắc nhở chúng ta về việc xem xét lại động lực thúc đẩy chúng ta làm việc, nhất là khi chúng ta đến với Chúa. Liệu tất cả những gì chúng ta thực hiện trong ngày sống được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa và tha nhân không?

Phần 3 đặt trước mặt dân Israel điều kiện để được hạnh phúc và sống lâu trong đất hứa, đó là nhận biết “trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4:39). Việc nhận biết này được cụ thể hoá qua việc họ phải “giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người” (Đnl 4:40). Nói cách khác, để được hạnh phúc và sống lâu trong tình nghĩa với Chúa, dân Israel phải tuân giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài. Đây cũng chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng muốn được hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc. Nhưng rồi chúng ta không hạnh phúc vì chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong những điều không phải là thánh chỉ và mệnh lệnh của Chúa. Hãy thực thi thánh chỉ và mệnh lệnh Thiên Chúa, đó là sống yêu thương thì chúng ta sẽ được hạnh phúc và sống lâu trong tình nghĩa với Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh việc tiên báo về sự thương khó của Chúa Giêsu (Mt 16:21-23) và những lời Chúa Giêsu dạy về ơn gọi của người môn đệ (Mt 16:24-28) mà bài Tin Mừng hôm qua đã bắt đầu. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, có năm lời dạy mà Chúa Giêsu chỉ nói cho các môn đệ. Ba lời dạy đầu, về cái giá mà người môn đệ phải trả khi đi theo Ngài, có thể được hiểu như là lời chú giải về mệnh lệnh yêu Chúa với tất cả con tim, tâm hồn và sức mạnh (x. Đnl 5:5; Mt 4:1-11). Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ về điều kiện để theo Ngài (Mt 16:24-26) và phần thưởng trong tương lai của những ai thực hiện các điều kiện Ngài đưa ra (Mt 16:27-28).

Sau khi tiên báo về cuộc thương khó của mình, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ những điều kiện cần thiết để làm môn đệ Ngài. Một trong những điều kiện là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo” (Mt 16:24). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, “từ bỏ chính mình” có nghĩa là hoàn toàn quy phục ý muốn của mình với thánh ý Chúa. Còn “vác thập giá mình” không ám chỉ đến việc đóng đinh Chúa Giêsu. Chết vì bị đóng đinh là một cái chết kinh hoàng cho nhiều người trong thời gian đó. Tuy nhiên, thuật ngữ “thập giá” được sử dụng ở đây như một thuật ngữ sử dụng trong ngạn ngữ nhằm ám chỉ đến những đau khổ, những tổn thương mà con người đối diện. Trong điều kiện này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì? Ngài muốn dạy chúng ta rằng: chỉ những người hoàn toàn quy phục thánh ý Thiên Chúa mới có thể hiểu được ý nghĩa của những đau khổ mà họ phải đối diện trong cuộc sống. Những ai không từ bỏ ý riêng của mình, sẽ thấy những đau khổ trong đời là những điều vô nghĩa, là những gánh nặng làm cho họ trở nên thất vọng và mất niềm tin vào Chúa. Hãy học để bỏ đi ý riêng của mình mỗi ngày hầu có thể biết thánh ý Chúa trong những khó khăn cũng như đau khổ thường ngày.

Điều kiện thứ hai là “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:25). Câu này nói đến một thực tại mà các tín hữu của cộng đoàn Thánh Mátthêu đang đối diện, đó là sự bách hại. Câu “ai muốn cứu mạng sống mình” ám chỉ đến những người trốn tránh làm chứng cho Chúa Giêsu và sẵn sàng tử đạo trốn tránh làm chứng cho Chúa Giêsu và sự tử đạo. Ngược lại, những “ai mất mạng sống vì Chúa Giêsu” ám chỉ những người sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài. Chúng ta thấy ở đây sự đảo ngược trong hệ quả: cố gắng giữ sẽ mất, còn sẵn sàng mất vì Chúa Giêsu thì sẽ tìm thấy lại. Hai từ “mất” và “tìm thấy” là những từ rất quen thuộc với chúng ta. Hai từ này được đặt trong bối cảnh ở đây để khuyến cáo chúng ta rằng chúng ta sẽ mất tất cả, ngay cả mạng sống mình, khi chúng ta “không từ bỏ chính mình” [đặt ý mình lên trên ý Chúa]. Nhưng chúng ta sẽ tìm thấy những điều mình từ bỏ khi chúng ta “từ bỏ chính mình” [đặt ý Chúa lên trên]. Nói tóm lại, những gì chúng ta “đánh mất vì Chúa” thì sẽ “tìm thấy” trong Ngài. Còn những gì chúng ta đánh mất vì thế gian này, chúng ta sẽ không thể tìm lại được, bởi thế gian này sẽ qua đi. Đây chính là điều giúp chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu nói đến trong câu kế tiếp: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26). Câu này ám chỉ đến những người mà cuộc sống của họ chỉ tập trung vào việc tích luỹ cho mình kho tàng ở dưới đất. Chúng ta đang tích luỹ cho mình kho tàng ở đâu: trên trời hay dưới đất?

Hai câu cuối của Tin Mừng hôm nay nói đến viễn cảnh tương lai về phần thưởng mà Thiên Chúa ban cho những người môn đệ Chúa Giêsu. Trong viễn cảnh đó, Con Người [Chúa Giêsu] sẽ là Vua, Ngài như một vị thẩm phán đang xét xử trong vương quốc của Ngài. Tuy nhiên, “trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16:28). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này không ám chỉ việc Chúa Giêsu đến trong vinh quang trong ngày sau hết hay việc vương quốc Thiên Chúa được thiết lập cách hoàn hảo trong vinh quang cánh chung. Câu này ám chỉ việc một vài người trong số các môn đệ được nhìn thấy lời hứa của Chúa Giêsu về việc “Con Người đến hiển trị” được thực hiện trong biến cố Biến Hình [được trình thuật ngay sau những lời này]. Áp dụng vào đời sống chúng ta: Mỗi ngày sống là cơ hội để chúng ta thấy Chúa Giêsu đến hiển trị, nhất là trong Thánh Thể, trong những giây phút chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài trong giờ cầu nguyện. Thật vậy, lời hứa về việc chúng ta “sẽ không nếm sự chết” trước khi thấy Chúa Giêsu đến được thực hiện trong từng ngày sống của chúng ta. Liệu chúng ta có đủ tỉnh thức và nhạy cảm với việc Ngài đến với chúng ta không?

Về mục lục

.

THỨ BẢY TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

(Đnl 6:4-13; Mt 17:14-20)

Trong bài đọc 1 hôm nay, những lời của ông Môsê nhắn nhủ con cái Israel làm chúng ta suy gẫm. Chúng ta tìm thấy những yếu tố sau trong lời nhắn nhủ của ông Môsê: (1) Khẳng định vị trí tối thượng duy nhất của Đức Chúa [“Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6:4) [Yếu tố này là trọng tâm của niềm tin Do Thái Giáo, Shema Israel]; (2) vì Đức Chúa chiếm vị trí tối thượng, nên con người phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự [“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6:5); (3) mệnh lệnh yêu Chúa trên hết mọi sự phải được ghi lòng tạc dạ và truyền lại cho con cháu trong mọi nơi mọi lúc [“Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em” (Đnl 5:6-9). Ba yếu tố này làm chúng ta đặt câu hỏi trong lòng: đối với tôi, Đức Chúa có vị trí tối thượng tuyệt đối không? Nếu Ngài không chiếm vị trí tuyệt đối, thì điều gì đang chiếm vị trí của Ngài. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng có nhiều thứ chi phối con tim và tình yêu của mình. Có khi chúng ta để cho một vật gì đó hay một ai đó chiếm ngự hoàn toàn con tim mình đến nỗi chúng ta không còn giờ để dành cho Chúa. Khi chúng ta không đến với suối nguồn của tình yêu, thì chúng ta cũng không thể yêu người khác với một tình yêu chân thật và đúng nghĩa.

Bài Tin Mừng thuật lại việc chữa lành đứa bé trai bị kinh phong. Câu chuyện này cũng được thuật lại trong Tin Mừng Máccô (9:14-29) và Luca (9:37-43). Trong câu chuyện này, Thánh Mátthêu rút ngắn câu chuyện trong Tin Mừng Thánh Máccô. Câu chuyện xảy ra khi Chúa Giêsu và các môn đệ “đến” với đám đông. Hành động này ám chỉ việc Chúa Giêsu luôn đến với chúng ta trước khi chúng ta đến với Ngài [các môn đệ của Ngài cũng phải học ở Ngài để đi đến với người khác]. Điều đáng lưu ý ở đây là hành động của người cha bệnh nhân. Ông ta “tới quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu và nói: ‘Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được’” (Mt 17:14-16). Thánh Mátthêu đã sử dụng từ “Chúa/Đức Chúa” [Lord] thay cho từ “Thầy” trong Tin Mừng Thánh Máccô và hành động “quỳ xuống trước mặt Chúa Giêsu” của người cha ám chỉ đến việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Chúa. Trong những lời trên, chúng ta cũng nhận ra rằng các môn đệ của Chúa Giêsu không hiệu quả trong sứ vụ chữa bệnh so với Chúa Giêsu [môn đệ không hơn thầy]. Điều này khuyến cáo chúng ta về thái độ sống của mình trong đời sống sứ vụ. Nhiều khi chúng ta đặt mình vào vị trí của Chúa Giêsu. Chúng ta cần nhận ra rằng, chúng ta không sở hữu sứ vụ; chúng ta chỉ là những người được chia sẻ trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta chỉ là thợ gặt, chứ không phải là chủ của mùa gặt. Hãy để Chúa Giêsu làm việc trong và qua chúng ta!

Trước sự kiện các môn đệ không thể chữa được đứa bé, Chúa Giêsu đã buồn phiền và kêu lên: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi” (Mt 17:17). Lời khiển trách của Chúa Giêsu vọng lại lời khiển trách của Đức Chúa đối với dân Israel trong Đnl 32:5,20. Lời khiển trách này không chỉ nhắm đến đám đông mà còn các môn đệ của Ngài. Họ là những người “cứng lòng tin,” những người đã đi theo Ngài, chứng kiến những phép lạ Ngài làm mà vẫn không tin Ngài là Chúa. Lời khiển trách này cũng nhắm đến mỗi người chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta chứng kiến nhiều phép lạ và những kỳ công Chúa đã thực hiện, nhưng chúng ta vẫn không chịu tin. Chúng ta vẫn chạy theo những “chúa” khác. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta như Ngài mời gọi các môn đệ và những người đương thời đem người bệnh [có thể là chúng ta hoặc người khác] đến cho người. Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta rằng khi người ta đem đứa bé lại cho Chúa Giêsu, Ngài “quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó” (Mt 17:18). Với lời của mình, Chúa Giêsu đã chữa lành đứa bé. Lời Chúa Giêsu có sức chữa lành, mang lại sự biến đổi. Mỗi ngày [mỗi Chúa Nhật] chúng ta cũng nghe lời Chúa Giêsu, chúng ta có để lời Ngài biến đổi chúng ta hay không?

Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về lý do tại sao họ không thể “trừ nổi tên quỷ ấy?” (Mt 17:19). Lý do đơn giản là họ kém lòng tin: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20). Các môn đệ có một đức tin để hiểu và để đồng ý, nhưng không đủ phó thác vào Chúa Giêsu. Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ về sức mạnh của một đức tin hoàn toàn phó thác. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng có đức tin thì không đủ, nhưng còn hoàn toàn phó thác mọi sự cho Chúa. Thật vậy, nhiều người trong chúng ta tự hào mình là những người tin, nhưng chưa hoàn toàn phó thác cuộc sống của mình cho Chúa. Hãy phó thác đường đời cho Chúa, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui được cứu độ!

Về mục lục

.