Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- Tuần 17 Thường Niên

192

Suy niệm Tuần XVII Thường Niên

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

TÌM THẤY NƯỚC TRỜI TRONG NHỮNG BÉ NHỎ

(Xh 32:15-24.30-34; Mt 13:31-35)

Bài đọc 1 tiếp tục trình bày cho chúng ta hành trình của dân Israel đi về đất hứa. Trong hành trình này, dân Israel đã mắc một lỗi nặng đối với Đức Chúa, đó là mau quên những kỳ công Ngài thực hiện và bỏ Ngài để tôn thờ ngẫu tượng. Câu chuyện được bắt đầu với việc Môsê ở lâu với Đức Chúa trên núi Sinai. Khi không thấy người đại diện của Đức Chúa, dân Israel đã đúc con bê để tôn thờ: “Vậy khi đến gần trại, ông thấy con bê và những bọn người đang nhảy múa. Ông Môsê nổi cơn thịnh nộ: Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. Ông lấy con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con cái Israel uống” (Xh 32:19-20). Sự kiện hai tấm bia giao ước bị đập vỡ tượng trưng cho giao ước giữa Đức Chúa và dân Israel bị đập vỡ vì dân Israel đã tôn thờ ngẫu tượng. Tuy nhiên, đứng trước lỗi phạm của con cái Israel, Môsê lại trở lên núi để cầu xin Đức Chúa tha cho dân: “Than ôi, dân này đã phạm một tội tày trời! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32:31-32). Những lời này làm chúng ta nhận ra vai trò của những người lãnh đạo, những người trung gian. Những người lãnh đạo là những người làm trung gian giữa Đức Chúa và dân của Ngài. Họ là những người nhận trách nhiệm về những lỗi lầm của dân để cầu cùng Chúa tha cho dân. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta có thể nói đều là người lãnh đạo vì Đức Chúa trao cho chúng ta những người thân hay những anh chị em khác để chúng ta chăm sóc và yêu thương. Khi họ lỗi phạm, thái độ của chúng ta như thế nào? Chúng ta được mời gọi học ở Môsê, đến trước Chúa để cầu xin cho anh chị em của mình.

Hai dụ ngôn được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay được chèn giữa dụ ngôn cỏ lùng. Hai dụ ngôn này, dụ ngôn hạt cải và men trong bột nói về Nước Trời như một thực tại nhỏ bé khi bắt đầu, nhưng khi đạt đến mức trưởng thành thì sẽ trở thành một thực tại rất vĩ đại. Chúng ta cũng tìm thấy hai dụ ngôn này trong Tin Mừng Thánh Máccô (4:30-32) và Luca (13:18-21). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu và Luca, hai dụ ngôn này đi chung với nhau tạo thành một cặp: Một dụ ngôn liên quan đến người nam và dụ ngôn còn lại liên quan đến người nữ. Chi tiết này cho thấy thái độ công bằng của Chúa Giêsu đối với mọi người, không phân biệt giới tính. Trong dụ ngôn hạt cải: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13:31-32), điều được nhấn mạnh là sự thay đổi bất ngờ và đầy kinh ngạc từ vô hình cận kề của Nước Trời đến sự tỏ lộ toàn vẹn và phổ quát của nó. Hình ảnh hạt cải nhỏ bé mọc lên và trở thành một nơi cho chim trời đến nương náu nhắc nhở chúng ta đến triết lý sống trong đời: Mọi sự luôn bắt đầu rất nhỏ bé, khiêm nhường đến nỗi chúng ta không để ý hoặc không nhớ đến. Nhưng chính những cái nhỏ bé khiêm nhường đó sẽ trở thành một thực tại có ảnh hưởng lớn trên những người hay sự vật khác. Chúng ta thường đi tìm những khởi đầu to lớn để thực hiện và nhiều lần chúng ta thất vọng vì kết quả ngược lại. Hãy bắt đầu với những gì là nhỏ bé nhất [một nụ cười, một lời nói động viện, một lời nói tốt cho người khác, một hành động tốt, v.v.] vì chính những cái nhỏ bé này, nếu được làm cách liên tục, sẽ tạo nên một ảnh hưởng lớn trên những người mà chúng ta gặp gỡ trong từng ngày sống của mình.

Còn trong dụ ngôn men trong đấu bột: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13:33)], điều đáng để chúng ta suy gẫm là sự ảnh hưởng của hạt men nhỏ bé lên đấu bột to lớn. Cũng giống như dụ ngôn hạt cải, dụ ngôn này nói đến một chuyển vận nhỏ bé có thể mang lại sự ảnh hưởng to lớn trên xã hội. Những chi tiết này giúp chúng ta thay đổi lối nhìn của mình trong cuộc sống. Nhiều lần, chúng ta chỉ quan tâm đến những hành động vĩ đại mà xem thường những hành vi nhỏ bé trong ngày sống. Lời Chúa mời gọi chúng ta thực hành những cử chỉ yêu thương nhỏ bé mỗi ngày. Chính những hành động nhỏ bé này sẽ có sức ảnh hưởng thật lớn trên xã hội và trong đời sống của những người đang sống chung quanh chúng ta.

Thánh Matthêu cho thấy, mục đích Chúa Giêsu dùng dụ ngôn là để ứng nghiệm lời của ngôn sứ: “Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (Mt 13:34-35). Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh đơn sơ, quen thuộc trong ngày sống mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những con người hèn mọn. Điều này cho thấy, những thực tại nhỏ bé trong ngày sống đều chứa đựng những sứ điệp được dấu kín về mầu nhiệm Nước Trời. Chúng ta cần có con mắt đức tin và cõi lòng rộng mở để nhận ra những sứ điệp kín ẩn này.

 

THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

SINH HOA TRÁI TỐT VÌ LÀ CON CÁI NƯỚC TRỜI

(Xh 33:7-11; 34:5b-9.28; Mt 13:36-43)

Trong đời sống thường ngày, khi muốn gặp [hội ngộ] với một người, chúng ta thường tìm một nơi chốn thích hợp. Tuỳ theo mục đích và chiều sâu của mối tương quan mà điều kiện của nơi hội ngộ được thiết lập. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta cũng thấy Môsê dựng một cái lều và ông gọi là Lều Hội Ngộ với Thiên Chúa (x. Xh 33:7). Lều Hội Ngộ ở ngoài trại. Chi tiết này ám chỉ việc Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài, nhưng Ngài siêu việt, tách biệt khỏi dân. Đây chính là điều dân Do Thái luôn bảo vệ: sự siêu việt của Thiên Chúa. Vì sự siêu việt của Thiên Chúa, nên “ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại.” Hành vi đi ra ngoài trại ám chỉ việc đi ra khỏi “nơi an toàn,” đi ra khỏi chính mình để hoàn toàn đặt mình trong sự bảo trợ của Thiên Chúa.

Một điểm khác chúng ta có thể suy gẫm trong ngày hôm nay là hình ảnh Thiên Chúa được trình bày trong bài đọc 1: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 35:5b-7). Hình ảnh này của Thiên Chúa gợi lên trong chúng ta hai cảm xúc: an ủi và sợ hãi. An ủi vì Ngài là một Thiên Chúa “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Nhưng sợ hãi vì Ngài là Đấng công bình. Chính vì điều này, Môsê cầu xin Thiên Chúa đồng hành với ông và tha thứ khi dân phạm tội: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 35:9). Trong những lời này, Môsê cầu xin Chúa nhận dân Israel làm cơ nghiệp của Ngài. Chúng ta không chỉ là cơ nghiệp của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái của Ngài, là những người đồng thừa tự với Đức Kitô. Nhưng điều này không bảo đảm cho chúng ta cuộc sống mai sau nếu chúng ta không trở nên giống Ngài là một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn cỏ lùng. Trong lời giải thích này, Thánh Matthêu đã vén mở một cách chi tiết những ẩn chứa trong dụ ngôn cỏ lùng. Chi tiết đầu tiên chúng ta lưu ý là thái độ “muốn học hỏi” của các môn đệ: “Khi ấy, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: ‘Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe’” (Mt 13:36). Những lời này chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã ở “trong nhà” và các môn đệ “lại gần” Người. Hai hành động này nói lên mối tương quan mật thiết, riêng tư giữa Chúa Giêsu và người môn đệ. Chính trong bối cảnh đầy thân thiện và gần gũi này mà khát vọng học hỏi của người môn đệ được thoả mãn. Như chúng ta biết, người môn đệ là một người theo thầy để học. Tự bản chất của người môn đệ, khát vọng học nơi thầy mình để trở thành như thầy được đặt ở trung tâm của cuộc sống. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng khát mong được học hỏi nơi Ngài để được giống như Ngài. Nhưng nhiều khi chúng ta tìm thoả mãn khát vọng học hỏi qua sách vở mà quên mất một “phương tiện” hữu hiệu đó là giây phút mời Ngài vào trong “nhà mình” và trò chuyện thân tình với Ngài. Chỉ trong bối cảnh này, chúng ta mới hiểu được những gì Chúa Giêsu nói cho chúng ta qua lời Ngài mà chúng ta nghe trong Kinh Thánh, qua các sự kiện [câu chuyện], qua lời nói của những người khác trong ngày sống.

Chúng ta thấy có hai phần rõ ràng trong lời giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn. Trong phần 1 (Mt 13:37-39), chúng ta đọc thấy: “Người đáp: ‘Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.  Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.  Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ’.” Trong phần này, Thánh Mátthêu trình bày bảy điểm tương đồng mang tính cánh chung của bảy yếu tố trong dụ ngôn theo một cách thức có vẻ cứng rắn [kẻ gieo – Con Người, ruộng – thế gian, hạt giống – con cái Nước Trời, cỏ lùng – con cái Ác Thần, kẻ thù – quỷ dữ, mùa gặt – ngày tận thế và thợ gặt – các thiên sứ].

Phần 2 là lời trình bày mang tính sinh động của cuộc phán xét sau cùng và sự phân rẽ sẽ xảy ra giữa “những người làm điều gian ác” [theo đúng nghĩa là những người không tuân theo luật] và “những người công chính”: Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.  Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.  Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe” (Mt 13:40-43). Trong những lời này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự trái ngược giữa những người gian ác và những người công chính trong ngày tận thế. Hình ảnh này cho thấy Nước Trời là một sự hỗn hợp giữa những người gian ác [tội nhân] và những người công chính [thánh nhân] cho đến ngày tận thế. Vì vậy, kiên nhẫn, khoan dung và chịu đựng là những nhân đức cần thiết. Không ai có thể tước lấy quyền phán xét của Thiên Chúa. Tóm lại, qua dụ ngôn này, Thánh Mátthêu mời gọi chúng ta chuẩn bị cho ngày phán xét qua đời sống chân thật, sống đúng với bản chất của mình. Tránh việc sống giả dối, giả hình. Chúng ta đang sống đúng với bản chất của mình hay đang sống trong sự giả dối?

 

THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

BÁN HẾT MỌI SỰ ĐỂ MUA LẤY NƯỚC TRỜI

(Xh 34:29-35; Mt 13:44-46)

Ai trong chúng ta cũng một lần nhìn thấy hoặc tự mình cầm lấy miếng gương soi lên mặt trời để ánh sáng của nó phản chiếu trên gương. Còn tục ngữ ca dao Việt Nam cũng có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Và những lời khác mà chúng ta cũng có thể đã nghe là: “Hãy chỉ cho tôi các bạn của anh và tôi sẽ nói cho anh biết anh là con người như thế nào.” Những câu này đưa ra cho chúng ta một nguyên lý trong cuộc sống là: Nhiều hay ít chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những người mà chúng ta thường xuyên gặp gỡ. Nguyên lý này, có thể nói, được tìm thấy trong bài đọc 1 hôm nay trong hình ảnh ánh sáng trên khuôn mặt của Môsê. Ánh sáng trên da mặt ông phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa khi ông đàm đạo với Ngài. Chi tiết này làm chúng ta suy xét lại đời sống “đàm đạo” [cầu nguyện] của chúng ta với Thiên Chúa. Đã nhiều lần chúng ta cầu nguyện và đối thoại với Chúa, nhưng khuôn mặt chúng ta có phản chiếu tình yêu đầy dịu hiền của Thiên Chúa cho anh chị em chúng ta không?

Hình ảnh thứ hai mà chúng ta có thể suy gẫm trong bài đọc 1 là hình ảnh khăn che mặt của Môsê. Khăn che mặt này ám chỉ “mầu nhiệm của Thiên Chúa.” Dù mầu nhiệm đó chỉ được phản chiếu trên khuôn mặt của Môsê, nhưng nó vẫn huyền nhiệm cho con người. Nhưng khi ông Môsê đàm đạo với Thiên Chúa, ông bỏ khăn che mặt đi vì đối với Thiên Chúa không có gì là huyền nhiệm. Điều này cũng có nghĩa là khi chúng ta đến với Chúa, chúng ta phải tháo bỏ hết tất cả những gì che khuất làm chúng ta không nhìn thấy Chúa. Chúng ta phải trở nên “là mình” trước mặt Chúa vì không có gì chúng ta có thể che giấu Ngài. Thật vậy, nhiều khi chúng ta đến với Chúa với một con tim không chân thật. Chúng ta thấy mình không xứng đáng, thấy xấu hổ trước mặt Chúa. Những điều đó làm chúng ta đóng kín mình khi đến với Chúa. Hãy bỏ hết những tấm khăn che [hay những mặt nạ] khi chúng ta đến với Chúa. Hãy đến với Chúa với tất cả những yếu đuối, tội lỗi và một chút việc lành mình có thể làm được. Hãy để Chúa yêu chúng ta như chúng ta là!

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thêm hai dụ ngôn về Nước Trời: dụ ngôn kho báu và dụ ngôn ngọc đẹp. Hai dụ ngôn này và dụ ngôn lưới cá là những dụ ngôn về Nước Trời đặc thù của Thánh Mátthêu. Trong hai dụ ngôn kho báu và ngọc đẹp, chúng ta sẽ gặp vấn đề trong việc giải thích. Vần đề hệ tại việc chúng ta nhấn mạnh đến tính vô giá của kho tàng hoặc ngọc đẹp hay là cách hành xử của người tìm thấy và bán mọi sự để mua chúng. Theo các học giả Kinh Thánh, lối giải thích nhấn mạnh đến cách hành xử của người tìm mua khi kho báu hoặc ngọc đẹp được ám chỉ cách rõ ràng trong hai dụ ngôn, nhất là dụ ngôn ngọc đẹp.

Hai dụ ngôn này có chung một cấu trúc sau: (1) Nước Trời được ví như một thực tại trần thế [“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng”//“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp”]; (2) có người tìm kiếm và gặp được [“Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại”//”Tìm được một viên ngọc quý”]; (3) vui mừng, đi bán tất cả những gì mình có và mua [“rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”//”ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”]. Tuy nhiên, trong những yếu tố này, yếu tố “vui mừng” là yếu tố chính mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến khi nói cho dân chúng hai dụ ngôn này. Theo Chúa Giêsu, Nước Trời là một kho tàng vô giá mà một người khôn ngoan sẵn sàng bán hết những gì mình có để sở hữu nó. Đây là cơ hội chỉ xảy ra một lần trong đời. Những người có con tim “nửa vời” sẽ không bao giờ nhận ra giá trị thật của Nước Trời. Để sở hữu được Nước Trời, chúng ta phải đi tìm kiếm, phải vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt để tìm thấy Nước Trời. Những người tìm thấy Nước Trời là những người vui mừng. Đối với họ, không có gì lấy mất niềm vui chiếm hữu được Nước Trời của họ. Họ sẵn sàng bán hết mọi sự [xem mọi sự là rác rưởi], để chiếm hữu Nước Trời. Chúng ta thế nào? Chúng ta đã tìm thấy Nước Trời chưa? Dấu chỉ để chúng ta biết mình đã tìm được Nước Trời là chúng ta có được niềm vui sâu xa trong tâm hồn, không ai và không có bất cứ điều gì có thể cướp mất niềm vui đó. Hơn nữa, khi tìm được Nước Trời, chúng ta không còn xem của cải vật chất là quan trọng nhất, nhưng là những mối tương quan mang đậm tình người và tình yêu. Nếu chúng ta đã tìm thấy Nước Trời [Chúa Giêsu], tại sao chúng ta lại chưa “bỏ hết mọi sự” để có được Ngài trong cuộc đời chúng ta? Điều gì ngăn cản chúng ta bán hết mọi sự để sở hữu được niềm vui có Chúa?

 

THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

SỐNG KIÊN NHẪN VÀ KHOAN DUNG

(Xh 40,16-21.34-38; Mt 13:47-53)

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Môsê thi hành tất cả những việc Thiên Chúa truyền dạy trong việc xây dựng nhà xếp. Nhiều bản văn Kinh Thánh mô tả chi tiết các vật thờ phụng và các nghi thức phụng vụ. Thực sự, không thể tái thiết đầy đủ “cung thánh” trong sa mạc xưa. Bởi vì chúng ta đã thấy những điều tương tự, với Đền thờ Giêrusalem, rõ ràng đã được thêm vào rất lâu sau này. Đàng khác quan điểm của chúng ta không nhằm khảo cổ mà là thiêng liêng.

Điểm đầu tiên đáng để chúng ta lưu ý là việc Môsê “cho đặt đế, ghép ván, đặt thanh ngang và dựng cột. Ông cho căng lều trên Nhà Tạm, lấy bạt che phía trên lều, như Đức Chúa đã truyền cho ông Môsê. Ông lấy Chứng Ước đặt vào Hòm Bia, xỏ đòn vào Hòm Bia, đặt nắp xá tội lên trên đó” (Xh 40: 19-20). Chúng ta cần biết rằng đây là một cái “lều” nơi trú ngự yếu ớt và dễ di chuyển, mà người ta tháo ra mỗi khi đi, và làm lại vào mỗi giai đoạn. Thiên Chúa Israel là Thiên Chúa “lên đường” với dân Người. Khi làm điều này, Thiên Chúa quan tâm tới ước muốn có những dấu chỉ và chấp nhận cho người ta vật chất hoá một nơi biểu trưng cho sự hiện diện của Người. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn đồng hành (lên đường) vời chúng ta và Ngài muốn chúng ta nhân ra sự hiện diện cúa Ngài trong những người hoặc những gì chúng ta gặp gỡ trong ngày sống.

Chi tiết thứ hai đáng suy gẫm là từ “nhà tạm”: “Ông (Môsê) rước Hòm Bia vào trong Nhà Tạm và treo bức trướng để che khuất Hòm Bia Chứng Ước, như Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê” (Xh 40: 21). Thuật ngữ “nhà tạm,” từ tiếng Latinh là tabemaculum. Thánh Gioan trong Tin Mừng của mình viết rằng: “Ngôi lời mang xác thể Người dựng lều Người” (Ga 1:14). Vậy chúng ta đang đứng trước tiêu mốc đầu tiên, cảm động vì sự giản dị, về điều sẽ trở thành nơi cho sự hiện diện thực sự, dầu là bí nhiệm, trong các nhà nguyện và nhà thờ của chúng ta. Chúng ta có biết dùng việc viếng “nhà tạm” như một sự trợ lực cho giác quan để dễ cầu nguyện không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về dụ ngôn chiếc lưới.  Chúng ta có thể thấy trình thuật Tin Mừng hôm nay có hai phần: phần 1 là dụ ngôn chiếc lưới (câu 47-50) và phần 2 là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ về sự hiểu biết liên quan đến những điều Chúa Giêsu dạy (câu 51-52). Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn chiếc lưới mang tính cánh chung và như là đỉnh cao cho những ai đi tìm kho tàng vô giá là Nước Trời. Chúng ta có thể thấy ở đây kiễu mẫu của dụ ngôn cỏ lùng mà chúng ta nghe tuần trước: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13:47-50). Chúng ta thấy rõ ràng hai phần trong dụ ngôn này, nội dung của dụ ngôn (câu 47-48) và giải thích dụ ngôn (câu 49-50). Hình ảnh được sử dụng trong dụ ngôn [chiếc lưới và mẻ cá bắt được, việc phân loại cá sau khi đánh bắt] rất quen thuộc với người nghe vì đó là những thực tại họ nhìn thấy hằng ngày. Sứ điệp của dụ ngôn này phần nào giống với dụ ngôn cỏ lùng, đó là Nước Trời là một sự hỗn hợp của thánh nhân và tội nhân (cá tốt và cá xấu). Việc phân loại cuối cùng thuộc quyền Thiên Chúa và các thiên sứ của Ngài. Trong khi đang còn sống, sự chịu đựng trong kiên nhẫn phải là kim chỉ nam cho những người sống trong Nước Trời. Nói cách cụ thể hơn, việc thưởng phạt Nước Trời thuộc về Thiên Chúa trong ngày sau hết. Khi sống với nhau, chúng ta không nên xét đoán và kết án anh chị em mình, nhưng kiên nhẫn chịu đựng những trái ý phật lòng để rèn luyện nhân đức, hầu có thể đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời khi thiên sứ của Thiên Chúa đến tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính.

Chúa Giêsu kết lời dạy của mình bằng câu hỏi: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” (Mt 13:51). Các môn đệ mau mắn trả lời là họ hiểu. Chúng ta biết rằng hiểu lời dạy của Chúa Giêsu là một đặc tính của người môn đệ tốt trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Như chúng ta biết, để hiểu một điều gì, thái độ cần thiết đầu tiên là thinh lặng lắng nghe với trọn con người. Người môn đệ của Chúa Giêsu khi đến với Ngài cần có sự thinh lặng nội tâm mới có thể nghe và hiểu điều Ngài muốn nói với mình. Trước câu trả lời chắc chắn về sư hiểu biết của các môn đệ, Chúa Giêsu khẳng định với họ rằng: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này quan trọng dưới một vài khía cạnh: (1) Trong bối cảnh gần, câu này là một dụ ngôn dùng làm kết luận của chương chứa đựng bảy dụ ngôn khác. Nó là dụ ngôn tạo ra các dụ ngôn, là dụ ngôn tổng hợp mời gọi người đọc và người nghe đi vào trong tiến trình mang tính dụ ngôn qua việc tạo ra những dụ ngôn mới để thêm vào những dụ ngôn đã được kể. Theo cách nhìn chung, vấn để của “cũ và mới” được hiểu như sau: “cái cũ” là Cựu Ước và “cái mới” chính là những lời dạy của Chúa Giêsu về Nước Trời. (2) Câu này chỉ ra sự hiện hữu và hoạt động của các kinh sư Kitô hữu trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu. (3) Câu này được xem như là tiểu sử hoặc bút danh của thánh sử [câu này cũng thích hợp với Thánh Phaolô). Tóm lại, câu này mời gọi chúng ta biết sử dụng những kinh nghiệm sống hằng ngày để học hỏi về Nước Trời. Không có kinh nghiệm nào [dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai] lại vô dụng cho việc học hỏi về Nước Trời. Nhiều lần, chúng ta đã để phí những kinh nghiệm sống mà không rút ra được bài học quý giá nào cho cuộc sống. Chúng ta để cho những kinh nghiệm thành công làm chúng ta trở nên kiêu ngạo; những kinh nghiệm đau buồn đè bẹp làm chúng ta trở nên thất vọng. Kinh nghiệm thành công dạy chúng ta biết tạ ơn và trở nên khiêm nhường, còn kinh nghiệm thất bại dạy chúng ta tin tưởng, phó thác và vươn lên với ơn Chúa giúp.

 

THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

GẶP CHÚA GIÊSU NƠI NHỮNG NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

(Lv 23:1.4-11.15-16.27.34b-37; Mt 13:54-58)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về những ngày đại lễ mà Đức Chúa truyền cho con cái Israel phải cử hành khi họ vào đất hứa. Nếu chúng ta đọc đoạn trích này cách cẩn thận, chúng ta nhận ra một chữ được lặp lại nhiều lần, đó là chữ “thờ phượng Ta.” Chữ này chỉ ra mục đích chính của các ngày đại lễ. Thờ phượng Chúa là điều đầu tiên được chỉ ra trong Mười Điều Răn. Đây là thái độ mà con cái Israel cần phải có khi đến với Đức Chúa. Dù trong những đại lễ, Đức Chúa truyền cho họ phải mang những lễ phẩm hoặc thực hiện việc hãm mình. Tất cả những điều này là sự diễn tả bên ngoài của thái độ thờ phượng bên trong. Khi đến với Chúa, chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào trong cõi thâm sâu của lòng mình, nhìn vào mối tương quan của mính với Chúa hơn là những gì bên ngoài. Chỉ khi bên trong được chuẩn bị cẩn thận, những cử chỉ và của lễ bên ngoài sẽ tìm thấy ý nghĩa của chúng. Hơn nữa, chúng ta cũng cần nhớ rằng, mục đích chính yếu và quan trọng nhất khi đến với Chúa là “thờ phượng,” còn những thứ khác sẽ được ban cho chúng ta sau.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê nhà của mình và giảng dạy như Ngài vẫn thường làm. Chúng ta có thể tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (6:1-6) và Luca (4:16-30). Với trình thuật này, một phần mới trong Tin Mừng Thánh Mátthêu được bắt đầu. Phần mới này bao gồm nhiều câu chuyện hầu lấy từ Tin Mừng Thánh Máccô mà trong đó Thánh Mátthêu phát triển những yếu tố có liên quan đến Thánh Phêrô (x. Mt 14:28-31; 16:16-19; 17:24-27). Phần này cũng trình bày cho chúng ta khởi đầu con đường đi đến thập giá của Chúa Giêsu một cách minh nhiên hơn và tiên báo cuộc thương khó của Ngài. Đồng thời, phần này cũng trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu thiết lập các môn đệ để tiếp tục sứ mệnh của Ngài sau biết cố tử nạn. Điều đáng lưu ý là phần này bắt đầu với sự kiện loại trừ của những người ở quê nhà của Chúa Giêsu. Chi tiết này nói cho chúng ta biết rằng sứ mệnh của người môn đệ cũng sẽ gặp những khó khăn và loại trừ. Liệu người môn đệ có trung thành với sứ mệnh của mình cho đến cùng không?

Trình thuật cho chúng ta biết việc giảng dạy của Chúa Giêsu trước tiên tạo nên nơi thính giả của Ngài một sự kinh ngạc: “Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt” (Mt 13:54). Nhưng sự kinh ngạc này dường như không mang vẻ thán phục, yêu mến mà là sự kinh ngạc mang tính nghi vấn: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13:54-56). Trong những lời này, thính giả của Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của Ngài. Họ không thể vượt qua tương quan máu thịt để đi đến một tương quan cao hơn. Vì vậy, họ không biết được nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu. Chính điều này đã quyết định thái độ của họ đối với Chúa Giêsu: “Và họ vấp ngã vì Người” (Mt 13:57). Đúng vậy, người ta thường nói: Quen thuộc làm phát sinh sự khinh thường. Hay ông bà ta cũng có nói: Gần chùa gọi bụt bằng anh. Chính thái độ này đã làm những người ở quê của Chúa Giêsu không nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu bởi vì họ chỉ để ý đến bối cảnh và nguồn gốc tầm thường thấp hèn của Ngài. Nguồn gốc và bối cảnh sống này cũng chính là nguồn gốc và bối cảnh của họ vì họ là người cùng quê với Chúa Giêsu. Như thế, khi khinh thường Chúa Giêsu, họ cũng khinh thường chính mình.

Đáp lại lời khinh thường của dân cùng quê, Chúa Giêsu sử dụng một câu ngạn ngữ để nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13:57). Trong những lời này, Chúa Giêsu được xem như là một vị ngôn sứ. Vì thính giả không đón nhận lời giảng dạy của Ngài, Chúa Giêsu “không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13:58). Ở đây chúng ta thấy Thánh Mátthêu đã thay đổi lời của Thánh Maccô, “Ngài không thể làm” [một sự thất bại không cố ý], thành “Ngài không làm” [một quyết định tự do, cố ý]. Thật vậy, Chúa Giêsu “đã không làm nhiếu phép lạ” là vì Ngài biết rằng khi đã không chấp nhận lời giảng dạy của Ngài, thì thính giả cũng khó chấp nhận hành động của Ngài. Chúng ta cũng nhận ra điều này trong kinh nghiệm sống hằng ngày của mình. Khi đã không chấp nhận [nghi ngờ] lời nói của ai, chúng ta cũng không chấp nhận [nghi ngờ] hành động của người đó. Nhiều khi nếu người đó làm việc gì với ý hướng thật tốt, chúng ta cũng cắt nghĩa sai hành động của họ. Lời Chúa mời gọi chúng ta xét lại tương quan của mình với Ngài và với anh chị em: Chúng ta có mở lòng để lắng nghe, đón nhận lời Chúa và lời anh chị em mình, để rồi trở nên cởi mở hầu đón nhận hành động của Chúa và của anh chị em mình không?

 

THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT DÙ PHẢI HY SINH

(Lv 25:1.8-17; Mt 14:1-12)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy người ta thường dành những ngày nghỉ cho mình và cho người thân. Trong những ngày nghỉ, người ta dùng thời gian để nghỉ ngơi, tham quan, dành thời gian cho nhau, v.v. Trong bài đọc 1 hôm nay, Đức Chúa cũng chỉ ra cho dân Israel qua Môsê những ngày nghỉ. Nói cách cụ thể hơn, tư tưởng “năm thánh” mà chúng ta thấy Giáo Hội thường cử hành có nguồn gốc trong bài đọc 1 hôm may: “Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và, giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và, trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó” (Lv 25:8-10). Tuy nhiên, tư tưởng năm thánh được gắn chặt với tư tưởng “xá tội.” Thời gian của năm thánh là thời gian tái thiết lại những mối quan hệ ban đầu về vật chất cũng như thiêng liêng: “đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình” (Lv 25:10). Không những thế, đây còn là thời gian để cho thiên nhiên được nghỉ ngơi (x. Lv 25:11-12), là thời gian trong đó chúng ta phải trả lại cho người khác những gì thuộc về họ (x. Lv 25:13), là thời gian làm điều tốt cho người khác (x. Lv 25:24-17). Tất cả những điều này được thực hiện vì lòng kính sợ Thiên Chúa. Tóm lại, sứ điệp của bài đọc 1 mời gọi chúng ta sống bao dung, công bình và yêu thương. Chúng ta thực hiện tất cả những điều này vì chúng ta kính sợ Thiên Chúa.

Ngay sau trình thuật nói đến sự loại trừ của những người cùng quê đối với Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả. Câu chuyện này cũng được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Máccô (6:14-29) và Luca (9:7-9). Thánh Mátthêu cắt ngắn trình thuật của Thánh Máccô giống như thánh sử đã làm với các trình thuật về dụ ngôn. Câu chuyện được kể lại từ một cái nhìn ít mang tính luân lý và thân thiện, nhưng mang nhiều tính chính trị dưới cái nhìn của Josephus.

Câu chuyện được bắt đầu với nghi vấn của Hêrôđê [Herod Antipas, con của Hêrôđê cả và Malthace] về chân tính của Chúa Giêsu: “Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: ‘Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ’” (Mt 14:1-2). Những lời này tiếp tục lối suy nghĩ sai về nguồn gốc của Chúa Giêsu đã được trình bày trong câu chuyện đi trước, Chúa Giêsu bị người cùng quê của mình loại trừ. Chính Hêrôđê đã đồng hoá Chúa Giêsu với Gioan Tẩy Giả, nhưng không phải là Gioan Tẩy Giả khi còn sống mà là Gioan Tẩy Giả đã “từ cõi chết trỗi dậy.” Chi tiết này ám chỉ đến niềm tin vào sự phục sinh và chỉ cho thấy cái chết của Gioan Tẩy Giả báo trước cái chết của Chúa Giêsu.

Câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả bắt đầu với nguyên nhân xa: “Số là vua Hêrôđê đã bắt ông Gioan, xiềng ông lại, và tống ngục vì chuyện bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: ‘Ngài không được phép lấy bà ấy.’ Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ” (Mt 14:3-5). Nguyên nhân xa của việc Gioan Tẩy Giả bị bắt, xiềng lại và tống ngục là “vì bà Hêrôđia.” Bà ta là cháu gái của vua Hêrôđê cả và là con gái của Aristobulus IV. Bà ta lấy chú của mình là Philipphê người sống ẩn dật ở Rôma, một người con của Hêrôđê cả. Sử gia Josephus gọi người chồng đầu tiên của bà là Herod Boethus. Người con gái duy nhất của bà được biết đến là Salome. Sau khi Hêrôđia gặp Hêrôđê [Antipas], bà ta trở thành người nhiều tham vọng như Hêrôđê. Hệ quả là bà bỏ chồng mình và đi theo Hêrôđê. Về phần mình, Hêrôđê ly dị vợ mình là con gái của Aretas IV, vua của người Nabate để cưới Hêrôđia. Đây là lý do dẫn đến việc Gioan Tẩy Giả chỉ cho Hêrôđê thấy rằng ông làm sai khi cưới Hêrôđia, vì như thế ông sẽ phạm vào tội loạn luân, lấy vợ của anh mình khi anh mình còn sống, điều bị cấm trong Sách Lêvi (20:10,21). Phản ứng đầu tiên của Hêrôđê là muốn giết Gioan Tẩy Giả, vì không đồng ý với việc làm sai của mình. Nhưng ông không giết Gioan Tẩy Giả vì “sợ dân chúng.” Trong chi tiết này, Thánh Mátthêu đã viết lại Thánh Máccô nhưng chuyển mối sợ của Hêrôđê từ Gioan Tẩy Giả đến dân chúng. Những chi tiết trên cho thấy, Hêrôđê đã có lòng
“hận thù” với Gioan Tẩy Giả vì đã nói ra lỗi phạm của ông. Ông đã không chấp nhận sự thật để thay đổi [cũng giống như Hêrôđia], nhưng nuôi lòng hận thù, căm ghét. Thái độ này cũng là thái độ của chúng ta. Nhiều khi chúng ta tỏ ra khó chịu, căm ghét những người chỉ ra những lỗi phạm của chúng ta, nói sự thật về đời sống không hay không đẹp của chúng ta. Thay vì cám ơn và thay đổi, chúng ta căm ghét và tìm cách làm hại người đã nói sự thật để giúp chúng ta trở nên tốt hơn. Cuộc sống trở nên bình an hơn khi chúng ta không nuôi lòng hận thù ghen ghét, nhưng nuôi lòng quảng đại và thứ tha.

Câu chuyện được tiếp tục với nguyên nhân gần: “Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: ‘Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.’ Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô (Mt 14:6-9). Những lời này chỉ cho thấy nguyên nhân gần dẫn đến cái chết của Gioan Tẩy Giả chính là “lời thề” của Hêrôđê. Lời thề này có thể có hiệu lực về mặt pháp lý. Không giữ lời thề có thể dẫn đến việc bội ước hoặc những điều phiền phức về chính trị. Dù Thánh Mátthêu giảm thiểu tính phung phí [hành động ngông cuồng] của Hêrôđê, nhưng vẫn chỉ rõ ông ta là một người thiếu suy nghĩ và nhiều mưu mô xảo quyệt. Chi tiết trên khuyến cáo chúng ta về mối nguy hiểm của những lời nói [lời thề hứa], những hành động thiếu suy nghĩ của mình. Những lời nói và hành động này sẽ có những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến chính mình và đến người khác mà chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy, chúng ta phải luôn cẩn trọng trong từng lời nói và việc làm của mình để đừng gây tổn thương và hại đến người khác.

Câu chuyện kết với cái chết của Gioan Tẩy Giả: “Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giêsu (Mt 14:10-12). Josephus đã ghi lại ngục [tù], nơi Gioan Tẩy Giả bị chặt đầu là Machaerus ở Transjodan. Thánh sử Mátthêu đã thêm vào chi tiết các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến báo cho Chúa Giêsu về sự kiện với mục đích chỉ rõ cho thấy toàn bộ lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sứ mệnh mà họ sẽ đảm nhận trong tương lai được phản chiếu cách trung thực nơi hình ảnh của Gioan Tẩy Giả, người đã bị chém đầu mà không có được một phiên toà xử án. Điều này ám chỉ rằng, người môn đệ trong khi thi hành sứ vụ cũng sẽ bị kết án bất công. Dù bị như thế, người môn đệ phải trung thành cho đến cùng như Gioan Tẩy Giả đã làm. Chúng ta có sẵn sàng hy sinh chính mình để sống và làm chứng cho sự thật không?