Tại sao Giáo hội Công giáo có vẻ ghét những người đồng tính?

102
Hay đúng hơn, tại sao có nhiều người lại nghĩ như thế?
Tại sao Giáo hội Công giáo ghét người đồng tính? Có lẽ bạn đã từng tự vấn như vậy. Trong tư cách là một linh mục Công giáo, tôi chắc chắn đã nghe điều đó. Nên giờ đây tôi muốn giải đáp cho câu hỏi này.
Tuy nhiên, trước hết cho phép tôi thay đổi câu hỏi một chút. Bởi vì tôi không hề cho rằng Giáo hội Công giáo lại đi căm ghét bất kỳ ai, do đó câu hỏi đúng hơn phải là “tại sao Giáo hội Công giáo có vẻ ghét những người đồng tính?”. Tại sao nhiều người lại cảm nhận có một hố sâu ngăn cách lớn hơn cả vực Grand Canyon giữa những người Công giáo và những người nhận mình đồng tính?

Tôi không có mục tiêu trình bày trọn vẹn cách tiếp cận của Giáo hội Công giáo về sự hấp dẫn hoặc hành vi đồng tính. Thay vào đó, tôi chỉ có hai mục tiêu khiêm tốn hơn trong đầu. Trước hết, tôi muốn cho thấy Giáo hội Công giáo không căm ghét bất kỳ ai. Thứ nữa, tôi muốn đề xuất lý do tại sao đối với nhiều người, Giáo hội dường như lại thế [có vẻ ghét người đồng tính].
Bất đồng không có nghĩa là căm ghét
Đầu tiên là một sự thật căn bản. Giáo hội Công giáo là ngôi nhà dành cho các tội nhân, cho mọi người trong chúng ta. Không ai ở bên ngoài vòng tay chăm sóc và sự quan tâm của Giáo hội. Bấy kỳ người nào nhắm đến những ai bị hấp dẫn bởi người cùng phái tính để khinh thường hay kỳ thị bất công, thì cũng bởi chính sự xét đoán ấy, đã đi chệch khỏi đức tin Công giáo. Giáo hội không chấp nhận sự thù ghét dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta tin rằng mọi người đều là dấu chỉ và hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, đều xứng với Máu Thánh Đức Kitô cực trọng. Mọi người, không trừ một ai, đều được kêu gọi để nên thánh, trở thành một vị thánh, và để cư ngụ muôn đời trên thiên đàng. Theo nghĩa chặt chẽ, Giáo hội không thể ghét bất kỳ ai.
Ý mà mọi người thường có khi nói rằng Giáo hội Công giáo “căm ghét”, theo tôi nghĩ, đó là Giáo hội không đồng tình với những người tán thành hành vi đồng tính luyến ái. Ngày nay quả thực có một áp lực xã hội dữ dội buộc phải bình thường hóa các mối quan hệ đồng tính, và Giáo hội đã không chịu khuất phục trước sức ép ấy. Một số người bất mãn với điều này là chuyện có thể hiểu được. Nhưng hoàn toàn không thể cho rằng người Công giáo căm ghét những ai nhận mình là đồng tính.
Xét cho cùng, ai cũng có những phán đoán về cách hành xử của con người. Lấy một ví dụ rõ ràng dù không liên quan đến cuộc thảo luận hiện tại, hầu hết sẽ không tán đồng việc một người đàn ông lừa dối vợ mình và bỏ rơi con cái. Những người phản đối hành vi này không phải là người giữ lòng thù ghét; nhưng có nghĩa là chúng ta đặt niềm tin vào sự hưng vượng của con người, là điều chúng ta xem là hệ trọng. Nó có nghĩa là chúng ta lo lắng cho người vợ và những đứa trẻ bị bỏ rơi. Nó cũng có nghĩa là chúng ta quan tâm đến người chồng lừa đối; nghĩa là chúng ta trông chờ con tim của anh ta biến đổi.
Đây là một ví dụ sinh động để minh họa cho một điểm. Nhưng điểm ấy quá thường xuyên bị lãng quên trong những cuộc thảo luận như thế này: đó là tất cả chúng ta đều đặt niềm tin vào cách hành xử của con người, mà nếu chúng ta suy nghĩ nghiêm túc và thực sự để tâm đến tha nhân, điều ấy sẽ khiến chúng ta phản đối một số hành vi.
Xét theo quan điểm Công giáo, khi chúng ta không đồng thuận với việc bình thường hóa tình dục đồng giới, đó không phải là thù ghét nhưng là yêu thương đích thực – dựa theo cách chúng ta nhìn thế giới. Dù có ai đó tán đồng với quan điểm này hay không, thì đó vẫn là một giáo huấn đặt nền tảng trên đức ái. Trong thực tế, khi đối mặt với sự phản đối dữ đội từ nền văn hóa phóng khoáng, thì thậm chí đó còn là đức ái anh hùng.
Hai thế giới quan
Vậy thì tại sao lại có sự bất đồng gay gắt đến thế? Tại sao giáo huấn của Giáo hội, đối với một số người, xem ra hà khắc và bất khoan nhượng? Tại sao Giáo hội lại quan tâm đến điều mà người ta làm với chính thân xác họ trong đời tư nơi chính nhà của họ? Tại sao chúng ta dường như quá thường xuyên “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong các cuộc thảo luận như thế này?
Tôi tin rằng đây là vấn đề của hai cách nhìn thế giới khác biệt nhau. Và khi khám phá rằng hai thế giới quan này không thể thu hẹp khoảng cách bất đồng, tôi nghĩ rằng việc xác định chúng sẽ góp phần cho việc hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn. Nắm bắt quan điểm của người khác không đồng nghĩa với chấp nhận nó. Nhưng tôi tin rằng nó sẽ giảm bớt mức gay gắt cho những cuộc trao đổi tương tự. Khi chúng ta thừa nhận, dù bất đắc dĩ, rằng ai đó đều có thể tiếp cận một vấn đề cá nhân và nhạy cảm từ một góc độ hoàn toàn khác và làm như thế cách thiện chí, chúng ta từng bước đến gần hơn một cuộc đối thoại đầy tôn trọng và nhân văn.
Vậy những thế giới quan tương phản này là gì?
Bản tính
Chẳng hạn, hãy chấp nhận một điều gì đó một cách cơ bản như nó là. Trong thế giới quan truyền thống hay “cổ điển”, mọi thứ đều có bản tính để xác định nó là gì. Một cái cây không phải là cái cây bởi vì chúng ta định nghĩa nó như thế; nó là một cái cây bởi vì đó là điều nó là. Nó vẫn là cái cây dù cho chẳng có người nào vây quanh để xem xét, nghiên cứu và dán nhãn cho nó.
Ngược lại, theo thế giới quan thế tục, các bản tính lại khá bất định. Mọi thứ dễ thay đổi, dễ uốn nắn hơn, và là đối tượng để chúng ta kiểm soát. Tiến bộ kỹ nghệ đã tăng thêm sức nặng cho não trạng thế tục này. Chẳng hạn, chúng ta có thể mang lên một cặp kính và bước vào một “thực tại khác”. Một cái cây có thực sự là một cái cây khi, trong thực tế ảo thay thế, những cái cây có thể đi đứng và nói chuyện? Một ví dụ khác: các nhà khoa học đã thực sự tạo ra những thể lai giữa người và lợn. Điều này có ý nghĩa gì đối với bản tính của con người và của những chú lợn? Ví dụ thứ ba: trong một phán quyết vào năm 1993, các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xác nhận “quyền xác định khái niệm của chính một người về sự hiện hữu, về ý nghĩa, về thế giới và về mầu nhiệm sự sống con người”.
Với hoàn cảnh như thế, không có gì ngạc nhiên khi một số nhà quan sát gọi thời đại của chúng ta là “thời đại lỏng”, một thời đại của sự bất định lan rộng.
Nhãn quan cổ điển về bản tính cho thấy những người Công giáo nhìn thấy mục đích nơi công trình tạo dựng. Chúng ta thấy các bản tính như có một căn cốt nội tại. Hãy quay lại vấn đề tính dục ở con người. Từ cách nhìn của chúng ta, giới tính có một bản tính, một cứu cánh, một nguyên lý nền tảng cho sự hiện hữu của nó, là điều cần phải được tôn trọng: sinh sản con cái. Các hành vi đồng tính luyến ái không thể phù hợp với lý tính nội tại của tình dục. (Tiện thể, điều này cũng giải thích lý do tại sao chúng ta không được thực hiện các hành vi tình dục khác ngoài hôn nhân, như ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân và thủ dâm.)
Cũng thế, hôn nhân có một bản tính. Đó là sự kết hiệp của một người nam và một người nữ trong một mối tương quan độc hữu và chung thủy hướng tới việc sinh sản và nuôi dạy con cái. Theo cách nhìn của chúng ta, không chính phủ nào có thể thay đổi định nghĩa về hôn nhân cũng như chuyện không thể thay đổi bản tính của một cái cây.
Nhân đây, cách tiếp cận này về bản tính con người cũng lý giải vì sao người Công giáo không thể chấp nhận việc đồng nhất hóa một người với các xu hướng tính dục của anh hoặc cô ta. Đối với chúng ta, gọi một người là “đồng tính” quả là tầm thường. Chúng ta không được định nghĩa bởi những hấp dẫn tính dục nhưng đúng hơn là bởi nhân tính rộng lớn hơn của chúng ta. Người Công giáo xem chủ nghĩa bộ lạc [tribalism] về giới tính, điều quá phổ biến hiện nay, không chỉ gây nguy hại cho cộng đồng nhân loại, mà còn làm hạn hẹp đi rất nhiều mỗi một nhân vị. Một con người là một điều gì đó sâu sắc hơn, phong phú hơn và cao cả hơn rất nhiều so với những hấp dẫn tính dục của riêng anh hoặc cô ta.
Tôi thừa nhận rằng thế giới quan mà đức tin Công giáo đón nhận đặt chúng ta vào mối xung đột với những người có cách hiểu lỏng lẻo hơn về con người, tính dục và hôn nhân. Khi chúng ta nắm bắt được sự khác biệt này, không có nghĩa là những quan điểm của chúng ta về đồng tính luyến ái thay đổi, nhưng nó giúp chúng ta nhìn về phía bên kia với một tâm thái cảm thông nhiều hơn.
Hạnh phúc
Một khác biệt nữa, thậm chí rõ ràng hơn, giữa hai thế giới quan này nằm ở quan điểm tương phản giữa chúng về hạnh phúc con người.
Theo thế giới quan cổ điển, hạnh phúc được tìm thấy trong sự thành toàn của bản tính thông qua một đời sống nhân đức. Đối với Kitô hữu, điều này có nghĩa là mến Chúa yêu người. Điều trái ngược với hạnh phúc, sự dữ lớn nhất, điều gặp phải khi bản tính chúng ta bị ngăn trở, đó chính là tội lỗi.
Ngược lại, theo thế giới quan thế tục, hạnh phúc là một khái niệm trực tiếp hơn, thường được định nghĩa bởi sự hài lòng mặt cảm xúc và trí óc. Vì thế, trái ngược với nó, sự dữ lớn nhất, là đau khổ. Biết bao nhiêu bất đồng trong các đoán xét luân lý nảy sinh từ điểm khác biệt duy nhất này! Nếu tôi tin sự dữ tối hậu là tội lỗi, còn bạn tin đó là đau khổ, chúng ta có vẻ sẽ đi đến những kết luận rất khác nhau về mọi vấn đề gồm cả việc ăn chay cho đến chuyện tự tử với sự trợ giúp của thầy thuốc.
Hạnh phúc là nơi mà hai thế giới quan gặp bất đồng lớn nhất, chí ít là trong vấn đề tính dục. Dĩ nhiên hành vi tình dục đem lại khoái cảm rất lớn. Nếu khoái cảm là thứ đo lường hạnh phúc, thì sẽ có rất ít những e ngại về luân lý, nếu có, khi thực hiện hành vi trên. Mặt khác, nếu hạnh phúc liên quan đến sự thành toàn bản tính chúng ta, thì các hành vi tình dục được trao phó cho một tầm quan trọng về luân lý nhiều hơn. Các cảm xúc có thể dữ dội và thường làm ta “thấy hợp lý” để thực hiện hành vi tình dục ngoài hôn nhân – nhưng theo quan điểm của Giáo hội, nó không thực sự giúp ta thành toàn, không đưa đến một sự phát triển về nhân đức, sự thánh thiện hay hạnh phúc. Điều này cũng đúng trong trường hợp của các hành vi đồng tính luyến ái.
Quan điểm khác biệt này về thế giới, có lẽ nhiều hơn bất kỳ điều gì khác, giải thích khoảng cách rộng lớn tách biệt những người Công giáo với các nhà tư tưởng thế tục trong vấn đề luân lý tính dục.
Giáo huấn của Giáo hội là một dấu chỉ của tình yêu
Cần phải nhắc lại rằng việc hiểu quan điểm của người khác không có nghĩa là chúng ta chấp nhận nó. Tôi không trông đợi điểm nào trong bài viết này thuyết phục được ai đó không đồng tình với Giáo hội Công giáo thay đổi suy nghĩ của họ. Còn nhiều điều phải nói về vấn đề này. Nhưng tôi hy vọng sẽ cho thấy chúng ta không hề có ý xấu.
Ngày nay, trên thực tế, trong thời đại thế tục cao độ của chúng ta, thường sẽ dễ dàng hơn nhiều khi biết chiều theo, thậm chí là tán dương, điều số đông tán thành về lối sống đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng ngay cả những người chống đối chúng ta mạnh mẽ nhất cũng có thể thừa nhận sự thật là người Công giáo từ chối làm vậy, dựa trên một quan điểm khác, không vì thế mà mắc tội thù ghét hay thành kiến. Tóm lại, lập trường luân lý của chúng ta cần được thừa nhận vì bắt nguồn từ đức ái chân thật (ngay cả khi bị xem là sai lầm). Đây là vấn đề người Công giáo phán đoán dựa trên những tiêu chuẩn của chính họ, chứ không theo các tiêu chuẩn thế tục.
Penn Jillette, một ảo thuật gia, diễn viên và là cây bút nổi tiếng, có lần đã đưa ra quan điểm tương tự. Dẫu vô thần, ông đã phát biểu rằng ông không tôn trọng những Kitô hữu không cố gắng đưa người khác trở lại đức tin.
“Tôi không tôn trọng những người đó chút nào”, ông nhấn mạnh. “Nếu bạn tin rằng có thiên đàng và hỏa ngục, và người ta có thể sa hỏa ngục hoặc không được hưởng sự sống đời đời, và bạn nghĩ rằng không thực sự đáng giá để nói điều này cho họ bởi việc này có thể gây rắc rối về mặt xã hội… thì bạn phải ghét ai đó biết bao nhiêu khi không giúp họ trở lại? Bạn phải ghét ai đó biết bao nhiêu khi tin rằng sự sống đời đời là điều khả dĩ mà lại không loan báo cho họ?
Tôi nghĩ Jillette vẫn còn công khai theo vô thần. Nhưng ông có thể nhìn mọi sự từ một quan điểm khác, và kết luận của ông vừa đúng đắn lẫn gây kinh ngạc. Ông có thể nhận ra rằng các Kitô hữu, những người tìm giúp người khác hoán cải, không có khuynh hướng phán xét và bảo thủ, nhưng thực ra lại giàu tình thương hơn những người đồng đạo nhút nhát. Ngày nay, khả năng nhìn thế giới qua đôi mắt của tha nhân thật hết sức cần thiết.
Tôi tin rằng thế giới quan cổ điển không những đúng đắn mà con là một cách thế hấp dẫn và đẹp đẽ hơn nhiều để ngắm nhìn thế giới. Nó làm phong phú nhân vị và cổ võ sự tôn trọng sâu xa đối với thân xác và tính dục. Nó thúc đẩy phẩm giá cao cả của mỗi một người, kể từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Nó khuyến khích một môi trường gia đình biết làm thăng tiến nhất hạnh phúc và sự phát triển của trẻ em.
Nó đem lại lối thoát cho những ai bị hấp dẫn bởi người cùng phái tính, những người cảm thấy mắc kẹt trong việc xác định bản thân bởi những lôi cuốn của họ theo logic của thứ văn hóa tình dục quá khích. Nó đưa ra lý giải phù hợp cho cảm thức thẳm sâu về sự tha hóa, chán nản và lệch lạc mà nhiều người trẻ (và không quá trẻ) ngày nay đang trải nghiệm, khi sống trong sự trỗi dậy đầy nguy hại của cuộc cách mạng tình dục.
Nó là sự khẳng định đầy tươi vui về thực tại và về hạnh phúc, là thức được được bén rễ sâu nơi bản tính nhân loại nói chung.
Lập trường Công giáo về hành vi đồng tính luyến ái có tính hợp lý, chặt chẽ và được đặt ra với thiện chí. Trong thực tế, nó phát xuất từ nơi sâu thẳm của tình yêu và lòng trắc ẩn. Giáo hội dạy rằng mọi con người đều có một phẩm giá bẩm sinh và vô song. Chúng ta được kêu gọi để trở nên con cái Thiên Chúa và thực sự là những vị thánh. Giáo huấn của Giáo hội về hành vi đồng tính luyến ái, dựa theo những tiêu chuẩn của mình, có mục đích không gì khác hơn là phát huy phẩm giá ấy.
Và điều ấy chẳng liên quan gì đến chuyện thù ghét như bạn cảm thấy.
Tác giả: Carter Griffin
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ