Suy niệm mỗi ngày: Tuần 13 Thường Niên_A

192

Suy niệm mỗi ngày: Tuần 13 Thường Niên_A

Lm Ngọc Dũng, SDB

Chúa Nhật Tuần XIII – Mùa Thường Niên

ĐÓN TIẾP CHÚA GIÊSU VỚI NIỀM VUI

(2 V 4:8-11.14-16a; Rm 6:3-4.8-11; Mt 10:37-42)

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiện đi thăm một người thân hay bạn bè, hoặc đi tham dự buổi họp, hoặc đi dự tiệc. Trong những dịp này, việc “tiếp đón” luôn để lại ấn tượng trong chúng ta. Nếu sự tiếp đón nồng hậu, thân thiện, chúng ta có cảm giác hạnh phúc và muốn quay trở lại. Ngược lại, nếu sự đón tiếp lạnh nhạt thì chúng ta không bao giờ muốn quay trở lại đó lần thứ hai. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta thấy chính thái độ tiếp đón anh chị em sẽ mang lại cho chúng ta phần thưởng [lời khen, danh tiếng, v.v.] hoặc sự thiệt thòi. Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình trong việc tiếp đón anh chị em mình.

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta câu chuyện đầy cảm động về sự quảng đại của người phụ nữ giàu sang đón tiếp Êlisa. Điều “bất hạnh” duy nhất trong đời bà là “bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già” (2 V 4:14). Bà và chồng đón tiếp Êlisa với danh nghĩa là “người của Thiên Chúa, là một vị Thánh” (2 V 4:9). Vì biết Êlisa là người của Thiên Chúa, nên bà và chồng đã có thái độ đón tiếp cách tương xứng: “Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên sân thượng, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lên ở đó” (2 V 4:10). Sự hiếu khách của bà và chồng đã nhận được phần thưởng từ người của Thiên Chúa: “Ông Êlisa nói: ‘Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng’” (2 V 4:16a). Chúng ta thấy, sự quảng đại của bà và chồng đã được đền đáp với một phần thưởng vượt quá những gì mà họ cho đi. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng: Khi chúng ta quảng đại trao ban cho những người “thuộc về Thiên Chúa,” thì chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì chúng ta trao ban.

Thánh Phaolô trong bài đọc 2 mời gọi các tín hữu Rôma nhớ lại rằng họ thuộc về Đức Giêsu Kitô: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Những lời này cho thấy chúng ta sẽ nhận được phần thưởng tương xứng khi chúng ta mai táng chính mình trong sự chết của Chúa Giêsu. Nói cách khác, để nhận được phần thưởng là sự sống [sống cho Thiên Chúa], chúng ta phải chết đi cho tội lỗi như Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6:9-11). Khi chúng ta được rửa tội, Chúng ta đã chết đối với tội lỗi và sống cho Chúa. Nhưng với bản tính con người mỏng dòn yếu đuối, chúng ta thường để cho tội lỗi thống trị và kiểm soát. Hệ quả là chúng ta không còn sống cho Thiên Chúa, nhưng sống cho xác thịt và những danh vọng ở đời. Chúng ta dần chạy theo tìm kiếm những phần thưởng chóng qua của thế gian và quên rằng mình phải đi tìm phần thưởng vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúng ta cần phải nhớ rằng: Mọi phần thưởng mà thế gian mang lại sẽ kết thúc với cái chết, chỉ có phần thưởng đến từ Thiên Chúa mới đi cùng chúng ta vào cõi vĩnh hằng mà thôi.

Tuần trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu khuyến các các môn đệ về nỗi lo sợ của mình trong đời sống làm chứng cho Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài nói cho các môn đệ cách cụ thể hơn những điều kiện và những phần thưởng dành cho những người đi theo Ngài. Những điều kiện để theo Chúa Giêsu là gì? Chúng ta tìm thấy trong trình thuật Tin Mừng hôm nay như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được’” (Mt 10:37-39). Trong những lời trên, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ sống triệt để ơn gọi làm môn đệ. Theo các học giả Kinh Thánh, những lời trên cũng ám chỉ đến sự thanh khiết vì Nước Trời, một đòi hỏi cho việc sống triệt để ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn người môn đệ đặt tương quan của mình với Ngài lên trên tương quan ruột thịt [với cha mẹ], lên trên tương quan vợ chồng [với con trai con gái], và lên trên tương quan với chính mình [thập giá và mạng sống]. Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta đặt tương quan với những người thân lên trên tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta sợ làm mất lòng con người hơn là mất lòng Thiên Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta sống triệt để với ơn gọi và mối tương quan của mình với Chúa. Chỉ những ai có mối tương quan thân thiện với Thiên Chúa, thì mới biết cách cư xử yêu thương với anh chị em mình.

Chúa Giêsu bắt đầu nói về những phần thưởng của người môn đệ với câu khẳng định sau: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10:40). Chúng ta thấy một “tính bắc cầu” trong lời khẳng định của Chúa Giêsu. Câu này rất quan trọng bởi vì nó giải thích bản chất của ơn gọi tông đồ [tông truyền] dựa trên nguyên tắc quản trị mang tính pháp lý của người sứ giả trong tư tưởng của người Do Thái: “Sứ giả của một người chính là người đó.” Những lời này đào sâu nền tảng tôn giáo của việc tông đồ qua việc tìm thấy nguồn gốc của việc tông đồ tuyệt đối đến từ chính Thiên Chúa trong một tiến trình “truyền giao” được Chúa Giêsu, Đấng là tông đồ của Chúa Cha, làm trung gian. Phẩm giá của các thứa tác viên Kitô giáo thuộc vào việc truyền giao này. Nhưng họ phải ý thức rằng, phẩm giá này không phải là kết quả của chính họ, nhưng là một món quà nhưng không của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, sứ vụ chúng ta đang thực hành không phải là của riêng mình. Chúng ta chỉ là những người cộng tác trong sứ vụ mà Chúa Giêsu đã làm trung gian truyền giao cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải sống khiêm nhường để chu toàn sứ vụ được giao qua đời sống chứng tá mỗi ngày của mình.

Những người cộng tác trong sứ vụ của Chúa Giêsu sẽ nhận được phần thưởng tương xứng. Phần thưởng luôn tương xứng với đối tượng được tiếp đón và được trao ban. Có hai đối tượng được tiếp đón là ngôn sứ và người công chính: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính” (Mt 10:41). Những lời này cho thấy cộng đoàn của Thánh Mátthêu hình như có các ngôn sứ (x. Mt 7:15-16; 23:34). Còn về người công chính, các học giả Kinh Thánh đã đưa ra những danh mục sau: những người công chính là những người Kitô hữu trung thành, là những thầy dạy, là những người đã chịu đau khổ bởi bách hại và vẫn ở lại trong cộng đoàn như là một chứng nhân đáng kính trọng. Mỗi hành động đón tiếp anh chị em mình nhân danh Chúa Giêsu, dù họ có như thế nào, sẽ được ân thưởng.

Trình thuật Tin Mừng kết với khẳng định về phần thưởng dành cho nhữnng ai dù chỉ làm một cử chỉ bác ái nhỏ: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Những kẻ bé mọn ám chỉ đến các tông đồ hoặc môn đệ, nhưng cũng có thể ám chỉ đến những người không có học thức trong cộng đoàn (x. Mt 18:6,10,14). Những lời trên của Chúa Giêsu mang tính hình tượng. Nó nói đến một việc làm nhỏ chúng ta làm cho anh chị em mình đã được phần phưởng, huống chi là những công việc lớn. Cụ thể là, nếu Thiên Chúa đã ban thưởng cho người cho anh em mình một ly nước lã, thì Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho người bắt hệ thống nước cho toàn thành phố nhiều như thế nào? Mỗi ngày, hãy làm một việc bác ái nhỏ cho những người chúng ta gặp gỡ!

THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN – Thánh Tôma, Tông Đồ

HẠNH PHÚC NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN

(Ep 2:19-22; Ga 20:24-29)

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng Kính Thánh Tôma, Tông Đồ. Người ta thường gọi thánh nhân là “người môn đệ nghi ngờ.” Thánh nhân thật sự là con người như thế nào? Chúng ta cùng nhau chia sẻ và học hỏi nơi ngài những đức tính cần thiết cho việc theo Chúa.

Thánh Tôma là một người Do Thái và được gọi trở nên một trong Mười Hai Tông Đồ. Chúng ta không biết năm sinh và năm qua đời của Ngài. Ngài là thánh bổn mạng của các kiến trúc sư và thợ xây. Ngài là một môn đệ dấn thân nhưng mạnh mẽ [hăng say] của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu nói Ngài sẽ trở lại Giuđêa để thăm người bạn Ladarô đang bị bệnh, ngay lập tức Thánh Tôma kêu gọi các môn đệ khác đồng hành với Chúa Giêsu trên hành trình ngay cả khi biết rằng đây là cuộc hành trình dẫn đến nguy hiểm và có thể sẽ phải chết do sự chống đối của người Do Thái. Chúng ta có sẵn sàng hành trình với Chúa Giêsu khi biết phía trước mình là nguy hiểm, chống đối và sự chết không?

Trong bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài đi để chuẩn bị một chỗ cho họ để họ cũng có thể đến vì họ biết cả nơi Ngài đến lẫn đường đi, Thánh Tôma liền lên tiếng rằng họ không hiểu và nhận được sự bảo đảm của Chúa Giêsu, đó là Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống. Thánh Tôma được biết nhiều nhất vì vai trò thánh nhân thực hiện trong việc thẩm định sự phục sinh của Thầy mình. Sự không sẵn sàng để tin của Thánh Tôma về việc các môn đệ khác đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh trong ngày thứ nhất trong tuần đã làm cho thánh nhân bị mang tiếng là “Tôma nghi ngờ.”

Tám ngày sau, đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, trong lần hiện ra thứ hai, Chúa Giêsu nhẹ nhàng khiển trách Thánh Tôma về sự nghi ngờ của mình và cung cấp cho thánh nhân những bằng chứng mà ngài đòi hỏi – nhìn thấy dấu đinh trên tay và cạnh sườn Chúa Giêsu. Sau khi đã thẩm định vết thương của Chúa Giêsu, Thánh Tôma đã tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời reo lên, “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.” Đây chính là lời tuyên xưng công khai vào thần tính của Chúa Giêsu. Thánh Tôma cũng được đề cập đến là một trong những người có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra tại Bờ Biển Tibêria, khi mẻ cá lạ xảy ra.

Trên đây là tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Tôma từ các Tin Mừng. Truyền thống cho chúng ta biết rằng sau khi các môn đệ chia tay nhau sau Ngày Lễ Ngũ Tuần [Hiện Xuống], Thánh Tôma đã đi rao giảng Tin Mừng cho người Parthian, Medes, và Persia. Thánh nhân đi đến Ấn Độ, mang đức tin đến bờ biển Malabar, nơi mà nhiều tín hữu tự hào gọi mình là “Kitô hữu của Thánh Tôma.” Cũng theo truyền thống, Thánh Tôma bị tử đạo vào khoảng năm 72. Sau cái chết của Ngài, một số tích thánh của thánh nhân được đưa đến Edessa trong khi những thứ còn lại được giữ tại Ấn Độ. Những di tích này vẫn còn được thấy trong Thánh Đường San Thome ở Chennai, Mylapore, Ấn Độ.

Trong nghệ thuật, Thánh Tôma thường được miêu tả như một chàng trai trẻ đang cầm một cuộn sách, hoặc như một thanh niên đang chạm vào những vết thương của Chúa Giêsu. Ngày mồng 3 tháng 7, Giáo Hội cử hành lễ kính Thánh Tôma, Tông Đồ. Như chúng ta biết, thánh nhân được biết đến như “vị thánh nghi ngờ.” Đức tin của ngài không dễ dàng bị thuyết phục bởi những lời chứng của các môn đệ khác. Ngài muốn chính mình cảm nghiệm, đụng chạm đến những điều các môn đệ khác có được. Ngài được Chúa Giêsu cho thoả mãn ước nguyện. Thánh Tôma dạy cho các môn đệ biết được giá trị về việc tin mà không thấy. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chúng ta có thể học ở sự “nghi ngờ” của thánh nhân việc nhận ra Chúa Giêsu không phải qua khuôn mặt, nhưng qua những vết thương của Ngài [những vết thương của anh chị em đồng loại].  Đức Thánh Cha nói thêm, trường hợp của Thánh Tôma trở nên quan trọng cho chúng ta với ba lý do. Thứ nhất, bởi vì sự nghi ngờ của ngài an ủi chúng ta trong giây phút bất an; thứ hai, bởi vì sự nghi ngờ của ngài chỉ rõ cho chúng ta rằng nghi ngờ có thể dẫn đến một kết quả tươi sáng hơn bất kỳ sự không chắc chắn [xác thực] nào; và cuối cùng, bởi vì những lời Chúa Giêsu nói cho Thánh Tôma nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa đích thực của một đức tin trưởng thành và khuyến khích chúng ta trung thành, dù phải đối diện với nhiều khó khăn xảy ra cho hành trình đi theo Chúa Giêsu.

Trên đây là những gì chúng ta biết về Thánh Tôma qua Kinh Thánh và truyền thống. Giáo Hội, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, nói về ngài như thế nào? Chúng ta cùng nhau để Lời Chúa hướng dẫn. Trong bài đọc 1, Giáo Hội dùng lời của Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô để nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta là những “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2: 19). Niềm tin của chúng ta được xây dựng trên niềm tin của các Tông Đồ, trong đó có Thánh Tôma. Tuy nhiên, “đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (Ep 2:20), Đấng mà Thánh Tôma đã tuyên xưng là Chúa của mình. Qua hình ảnh này, Giáo Hội muốn khẳng định lại niềm tin tông truyền mà mỗi người chúng ta đang sống và đang được nối kết với nhau. Đồng thời, Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta về việc trở nên một trong Đức Giêsu Kitô qua niềm tin vào Ngài. Đây chính là điều chúng ta nhận thấy trong bài Tin Mừng.

Nhiều người dựa vào đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay như bằng chứng để nói Thánh Tôma là “ông thánh nghi ngờ.” Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta sẽ nhận ra thái độ của Thánh Tôma là bình thường khi đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, một trong những đề tài chính của Tin Mừng Thánh Gioan là “hành trình đức tin” của những người gặp Chúa Giêsu. Trong hành trình này, những thính giả của Chúa Giêsu đi từ “không tin” đến “tin” qua việc trực tiếp đối thoại với Ngài. Chúng ta nhận thấy điều này trong hình ảnh của người phụ nữ Samaria, của Nicôđêmô trước khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh. Còn trong trường hợp Thánh Tôma, hành trình xảy ra sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết. Cho nên chúng ta thấy có thêm yếu tố “tin mà không thấy.” Chúng ta viết lại câu chuyện của Thánh Tôma để thấy rõ hơn hành trình này:

Giai đoạn 1: Không tin

[Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông:]

Các môn đệ: Chúng tôi đã được thấy Chúa!”

Ông Tôma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

 

Giai đoạn 2: Tin

[Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín.]

Đức Giêsu: “Bình an cho anh em.”

[Rồi Người bảo ông Tôma:]

Đức Giêsu: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Ông Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Đức Giêsu: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Giai đoạn đầu trong hành trình đức tin của mình, Thánh Tôma đặt điều kiện phải thấy và chạm để tin. Những điều kiện này dựa trên giác quan. Nói cách khác, đức tin trong giai đoạn đầu đang dựa trên giác quan. Trong giai đoạn thứ hai, Chúa Giêsu hiện đến để đáp ứng điều kiện của Thánh Tôma, tức là cho ông thấy và chạm đến vết thương Ngài. Nhờ đó Thánh Tôma thốt lên lời tuyên xưng đức tin. Lúc đó Chúa Giêsu khẳng định rằng: một đức tin trưởng thành là một đức tin không dựa trên giác quan, nhưng dựa trên tình yêu dành cho Thiên Chúa [Chúa Giêsu] dù không thấy Ngài. Hành trình đức tin mỗi người chúng ta cũng thế. Nhiều khi chúng ta cũng ra điều kiện với Chúa: con phải chạm đến số tiền con đang cần; con phải thấy người thân được chữa lành khỏi bệnh tật; con phải thấy những giấc mơ thành sự thật, v.v. rồi con mới tin. Đức tin không hệ tại việc những điều kiện mình đưa ra được thoả mãn. Nhưng hệ tại tương quan tình yêu của mình với Thiên Chúa ngày càng sâu đậm dù những điều kiện của mình đưa ra không được thoả mãn. Tin là vẫn trung thành trong những đau khổ!

THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

ĐẶT TRỌN NIỀM TIN VÀO CHÚA GIÊSU

(St 19:15-29; Mt 8:23-27)

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta nghe về việc Thiên Chúa huỷ diệt hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Chúng ta đọc thấy trong câu chuyện này rằng Ông Áp-ra-ham đã sống trong những thời buổi hỗn loạn.  Thiên Chúa bảo ông rằng tội lỗi của thành Xô-đôm và Gơ-mô-ra đã quá lớn đến nỗi chỉ còn cách duy nhất là hủy diệt các thành ấy và làm lại từ đầu.  Mặc dù ông Áp-ra-ham đã thay mặt dân chúng, cố gắng mặc cả với Chúa, Chúa vẫn nhất định làm như thế.  Sau khi sai thiên thần đến cứu ông Lót và gia đình ông, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch của Người và thiêu hủy hai thành biến thành tro bụi. Buổi sáng sau khi hai thành bị phá hủy, ông Áp-ra-ham thức dậy, rồi theo linh tính ông đã đi tới nơi mà ông đã gặp gỡ Chúa trước đây.  Dường như ông không biết phải làm gì hơn.  Ông muốn tìm nơi ẩn náu tại nơi chốn ông đã được kết hiệp với Chúa, một chỗ ông có thể giúp ông hiểu ý nghĩa của những gì vừa xảy ra. Vậy đâu là chỗ ẫn náu của chúng ta?  Chúng ta  sẽ quay về đâu khi phải cố gắng nhận định qua những đổ vỡ của một tình huống khó khăn?  Có người tìm an ủi nơi gia đình.  Có người thích ở một mình hơn.  Nhưng đáng buồn, lại có những người tìm an ủi nơi rượu mạnh hay ma túy.

Điều đáng chúng ta suy gẫm ở đây là đôi khi phản ứng đầu tiên của chúng ta trước những khó khăn là tưởng tượng ra điều tệ hại nhất, run sợ hoặc cố gắng trốn chạy.  Đó là những phản ứng tự nhiên, nhưng thường không phải là những phản ứng tốt nhất.  Điều tốt nhất nên làm là hãy cố gắng ý thức phải dừng lại, thở sâu và tìm đến Chúa trong cõi thinh lặng tâm hồn bạn.  Hãy đọc một câu Kinh Thánh chúng ta ưa thích.  Nếu có thể, hãy cố gắng tham dự Thánh lễ hằng ngày.  Hãy quyết định thức dậy sớm hơn một chút để chúng ta có thời gian với Chúa.  Nếu chúng ta cố gắng tìm kiếm sự hiện diện của Chúa, chúng ta sẽ biết cách vượt qua mọi thách đố trước mắt.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (4:35-41). Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện có thể có vài ảnh hưởng từ Thánh Vịnh 107:23-32 và 104:5-9. Nhưng điều này vẫn chưa rõ ràng lắm. Thánh Mátthêu tái thiết lại câu chuyện để có thể sử dụng cho việc giảng dạy về đời sống của Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu phục sinh. [Tin Mừng Thánh Mátthêu được gọi là Tin Mừng vĩ đại về Giáo Hội vì trình bày nhiều về đề tài này]. Trong trình thuật của Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu luôn là trung tâm và được đối xử với sự kính trọng, khác với Tin Mừng của Thánh Máccô. Chỉ có một khoảnh khắc ngủ được giữ lại trong trình thuật. Thánh Mátthêu chuyển dịch cuộc đối thoại với các môn đệ lên vị trí trước phép lạ để nói lên phương pháp diễn dịch của mình.

Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hành động đi theo Chúa Giêsu của các môn đệ: “Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người” (Mt 8:23). Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu là “nhân vật chính,” là người “điều khiển” hành trình. Ngài biết trước những gì sẽ xảy ra. Các môn đệ là những người đi theo Chúa Giêsu. Một trong những đức tính cần thiết cho người đi theo là tin tưởng vào người dẫn đường. Đây chính là điều các môn đệ thiếu, nên Chúa Giêsu đã khiển trách các ông. Trong hành trình cuộc đời mỗi người chúng ta cũng thế, Chúa Giêsu luôn là nhân vật chính, là người điều khiển hành trình. Chúng ta có đủ tin tưởng để đi theo Ngài không? Hay chúng ta chiếm lấy vị trí của Ngài và bắt Ngài đi theo hành trình chúng ta tự tạo ra?

Đứng trước sóng gió và sự “im lặng” của Chúa Giêsu, các môn đệ đã đến đánh thức Ngài dậy: “Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: ‘Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!’” (Mt 8:24-25). Những lời trích trong hai câu này là lời cầu nguyện của Giáo Hội mọi thời khi đối diện với những tấn công bởi những quyền lực của sự dữ. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng gặp nhiều sóng gió. Có những cơn sóng thật lớn dường như nhận chìm chúng ta xuống đáy đại dương. Những giây phút như thế, chúng ta thấy Chúa Giêsu vẩn im lặng. Đôi khi sự “vắng bóng” của Ngài làm chúng ta sợ hãi. Trong những giây phút bão bùng trong cuộc sống, chúng ta cần nhớ rằng: Chúa Giêsu vẫn ở đó rất gần, Ngài ở trong chiếc thuyền của cuộc đời chúng ta và đang cùng chia sẻ những sóng gió với chúng ta. Chúng ta cần đặt trọn niềm tin vào Ngài, vì Ngài không bao giờ để chúng ta bị nhận chìm bởi sóng biển của khó khăn và thử thách.

Trước khi Chúa Giêsu làm cho gió biển im lặng, Ngài trách các môn đệ kém tin: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ” (Mt 28:26). Ở đây, chúng ta thấy Thánh Mátthêu thay đổi từ “không có đức tin” của Thánh Máccô thành “kém lòng tin.” “Kém lòng tin” giả định sự hiện diện của đức tin và như thế cần đến sự sám hối. “Kém lòng tin” chỉ cho chúng ta thấy đức tin đã trở nên quá yếu hoặc tê liệt không còn hoạt động. Điều này chính là vấn đề của thế hệ Kitô hữu thứ hai hoặc thứ ba. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình. Nhiều lần, đức tin chúng ta trở nên yếu kém và tê liệt đến độ chúng ta không còn muốn đến với Chúa, nếu có đến, chúng ta đến vì bổn phận chứ không phải vì tình yêu. Đức tin cần có ánh mắt kinh ngạc để nhìn thấy “phép lạ” trong những gì là bình thường của ngày sống. Đây chính là điều mà Thánh Mátthêu muốn mời gọi mỗi người chúng ta suy gẫm, những người đã chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu đã làm trong cuộc đời mỗi người chúng ta: “Người ta ngạc nhiên và nói: ‘Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?’” (Mt 8:27). Đối với chúng ta, Chúa Giêsu là ai?

THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU CHIẾM NGỰ TÂM HỒN CHÚNG TA
(St 21:5.8-20; Mt 8:28-34)

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc “tranh chấp” quyền thừa kế giữa Ixaác và Ítmaên. Cuộc tranh chấp này làm cho Ápraham “bực mình” vì ông phải đuổi chính con của mình đi. Nhìn từ khía cạnh con người, chúng ta có thể nói đây là một việc làm quá nhẫn tâm. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài có thể biến những điều con người xem là vô lý thành hợp lý, vô nghĩa thành có nghĩa. Vì vậy, Thiên Chúa đã khuyên Ápraham: “Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Xara nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ Ixaác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi” (St 21:12-13). Thiên Chúa vẫn làm những điều kỳ diệu nơi những gì con người xem là bế tắc. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thực tại trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta thấy cuộc sống vô nghĩa vì bế tắc và như thế chúng ta thường than phiền hoặc bỏ cuộc. Chúng ta thấy điều này nơi hình ảnh của Haga: “Nàng đi lang thang trong sa mạc Bơe Seva. Khi nước trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, rồi đi ngồi đối diện, cách xa khoảng tầm cung bắn. Nàng nói: “Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết!” Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc” (St 21:14-16). Nhưng Thiên Chúa luôn ở bên những ai túng nghèo. Ngài là nguồn sức mạnh, đỡ nâng để con người tiếp tục tiến bước trong tình yêu, niềm vui và hy vọng. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là những khi đi trong đêm đen cuộc đời, chúng ta có đặt trọn niềm tín thác vào Chúa hay không?
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện chữa lành hai người bị quỷ ám ở Gađara. Chi tiết đầu tiên làm chúng ta lưu ý là những chi tiết kể về hai người bị quỷ ám: “Khi ấy, Đức Giêsu sang bờ bên kia, đến vùng đất của dân Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy” (Mt 8:28). Những lời này cho thấy mãnh lực của ma quỷ làm cho con người kinh sợ. Sự kiện là hai người bị quỷ ám ở trong mồ mả ám chỉ quyền lực của ma quỷ luôn có một liên kết chặt chẽ với sự chết. Dù sống trong bóng đen của sự chết, hai người bị quỷ ám nhận ra chân tính Chúa Giêsu, Đấng đến để huỷ diệt quyền lực ác thần: “Chúng la lên rằng: ‘Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?’” (Mt 8:29). Những lời này ám chỉ rằng quyền lực ác thần sẽ được tự do để gây hại cho con người cho đến ngày tận thế. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn luôn tỉnh thức trước những mãnh lực sự dữ. Chúng ta dễ dàng để cho mình bị mãnh lực sự dữ chế ngự. Một cách cụ thể là: dẫu biết mình nóng tính, dẫu biết mình hay ghen ghét, dẫu biết mình hay nói xấu người khác, dẫu biết mình chưa tha thứ, v.v., mà chúng ta không dám can đảm từ bỏ. Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là ai và muốn nên giống Ngài, nhưng chúng ta vẫn chưa dứt khoát để thoát khỏi quyền lực sự dữ. Hãy liên lỉ xin Chúa Giêsu giúp sức cho chúng ta.
Nhận ra chân tính của Chúa Giêsu là Đấng đến huỷ diệt chúng vào thời gian ấn định, ma quỷ đã nài xin Ngài rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia” (Mt 8:31). Chúa Giêsu đã cho phép chúng và hậu quả là: “Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. Các người chăn heo bỏ chạy vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ” (Mt 8:32-34). Câu chuyện dường như có một kết thúc buồn. Nhưng theo các học giả Kinh Thánh, việc những người trong thành xin Chúa Giêsu rời khỏi vùng đất của họ tuyệt đối không có nghĩa là hoàn toàn từ chối Chúa Giêsu, nhưng là một tình trạng hoang mang, sợ hãi đang xâm chiếm họ. Họ xin Chúa Giêsu đi khỏi cũng có thể không chỉ vì lý do là Ngài huỷ diệt cả đàn heo, là đàn vật đáng giá của họ, nhưng còn ví lý do họ biết là người Do Thái luôn khinh miệt và khinh bỉ họ vì họ giữ heo. Mà Chúa Giêsu là người Do Thái, nên họ không muốn Chúa Giêsu khinh bỉ họ khi Ngài biết họ giữ những con vật không trong sạch. Đây cũng là tư tưởng của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta nghĩ là Thiên Chúa sẽ ghét chúng ta khi chúng ta phạm tội hay có những thói hư tật xấu. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta vì Ngài là tình yêu (x. 1 Ga 4:8). Điều cần làm là khi phạm tội hoặc nhận ra những thói hư tật xấu của mình, chúng ta có can đảm để từ bỏ và trở về với Chúa hay không? Tóm lại, trong câu chuyện, quỷ đã tuyên xưng hai điều: quỷ trực tiếp tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, và gián tiếp tuyên xưng rằng heo là con vật ô uế giống như chúng. Hai chi tiết này ám chỉ đến một cảm thức luôn hiện diện trong tận thâm sâu của con người, đó là cảm thức về Thiên Chúa và cảm thức về sự yếu đuối thấp hèn của mình. Hai cảm thức này luôn đi với nhau không tách rời. Nếu một người mất một, sẽ mất luôn cảm thức kia. Hãy vun trồng cảm thức về Thiên Chúa, để nhận ra mình là ai: một tạo vật luôn cần đến Thiên Chúa!

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

HÃY NÓI LỜI THA THỨ

(St 22:1-19; Mt 9:1-8)

Bài đọc 1 hôm nay kể về câu chuyện cảm động của Ápraham. Trong câu chuyện này, chúng ta có thể rút ra những điều sau để suy gẫm:

Thứ nhất, Thiên Chúa thử lòng những tôi tớ của Ngài: “Ngày ấy, Thiên Chúa thử lòng ông Ápraham.” Ngài thử lòng bằng việc bắt Ápraham làm một việc mà có lẽ theo tính tự nhiên nhiều người sẽ chống lại, đó là, “hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22:2). Ápraham chỉ có được một đứa con “thừa tự,” đứa con của giao ước. Làm sao mà lại dâng cho Chúa được. Nếu dâng cho Chúa, ông sẽ không còn ai thừa tự, ngoại trừ đứa con của người nữ tỳ nô lệ Haga? Tuy nhiên, Ápraham tin vào Thiên Chúa, vì ông đã nhận thấy những việc kỳ diệu Chúa đã làm cho ông và vợ ông. Nếu Chúa làm cho ông và vợ ông có được Ixaác trong tuổi già, nếu bây giờ dâng lại cho Ngài, chắc chắn Ngài sẽ ban lại cho ông người con khác hoặc nhiều người con khác. Tin vào sự trung thành với lời hứa của Đức Chúa, ông Ápraham đã dâng cho Chúa “kho tàng lớn nhất” đời ông, đó là đứa con duy nhất. Về phần mình, đức tin của chúng ta có đủ mạnh mẽ để dâng cho Chúa tất cả những gì mình là và có không?

Thứ hai, ông Ápraham không do dự, nhưng mau mắn đáp lại mệnh lệnh Thiên Chúa, ngay cả khi điều Thiên Chúa muốn thật khó cho ông thực hiện (x. St 22:3-5). Điều quan trọng nhất đối với ông là vâng phục Thiên Chúa. Thái độ vâng phục của Ápraham đáng làm gương cho chúng ta. Ông cho thấy rằng vâng phục Thiên Chúa luôn đi ngược với ước muốn tự nhiên của con người. Như vậy, để biết được đâu là thánh ý của Thiên Chúa và đem ra thực hành, chúng ta phải vượt qua khuynh hướng tự nhiên của mình. Nói cách khác, những ai luôn muốn làm theo ý của mình hay làm theo sự thúc đẩy của khuynh hướng tự nhiên sẽ khó [hoặc không thể] biết và thực hành thánh ý Thiên Chúa.

Thứ ba, cuộc đối thoại đầy yêu thương giữa Ápraham và Ixaác (x. St 22:6-8): Trong cuộc đối thoại này, chúng ta lưu ý đến những chi tiết sau: (1) Ixaác vác củi dùng để đốt lễ toàn thiêu trên vai mình. Đây là hình ảnh tiên báo việc Chúa Giêsu sẽ vác cây thập giá để trên đó Ngài dâng mạng sống mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha; (2) họ không có chiên làm lễ toàn thiêu; (3) Chính Thiên Chúa sẽ liệu để họ có chiên làm lễ toàn thiêu. Từ những chi tiết này, chúng ta nhận ra rằng, những gì chúng ta dâng lên Chúa đều do Ngài chuẩn bị, sắp xếp. Của lễ đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng Ngài chính là những hy sinh trong hành trình “lên núi” để dâng lên với hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Nói cách khác, những của lễ chúng ta dâng chỉ có giá trị khi liên kết với của lễ trên thập giá của Chúa Giêsu để tôn vinh Chúa Cha và sinh ơn cứu độ cho nhân loại.

Thứ tư, câu chuyện của Ápraham dâng Ixaác cho Thiên Chúa là điểm kết thúc và cắt đứt với những cách thức tôn thờ của dân ngoại, đó là việc dâng con cho các thần minh. Việc con cừu được thế chỗ vào của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa là hình ảnh báo trước việc Chúa Giêsu là con chiên, Đấng chết thay cho con người. Chi tiết này cho thấy việc tôn thờ Thiên Chúa mà chúng ta thực hiện phải khác với những tôn giáo khác. Nói cách cụ thể, khi theo Chúa, chúng ta phải dứt khoát cắt đứt với lối sống cũ để hoàn toàn đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Chúng ta đã đi theo Chúa trong một thời gian dài, chúng ta đã cắt đứt khỏi lối sống cũ chưa? Hay chúng ta vẫn còn vương vấn với lối sống cũ đến độ từ chối để Chúa hướng dẫn chúng ta?

Trình thuật Tin Mừng kể cho chúng ta nghe về việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị bại liệt. Câu chuyện xảy ra trong thành của Chúa Giêsu (x. Mt 9:1). Khi Ngài vừa về đến thành thì “người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường” (Mt 9:2). Chi tiết này chứng tỏ mọi người đều biết Chúa Giêsu hiện diện ở đâu. Để hiểu câu chuyện hơn chúng ta thấy cấu trúc của việc chữa lành được sắp xếp cách chặt chẽ: bắt đầu và kết với lời của Chúa Giêsu nói với người bại liệt, ở giữa là cuộc tranh luận với các kinh sư. Cấu trúc này cho thấy, đề tài chính là cuộc tranh luận về quyền tha tội của Con Người và mối tương quan giữa tội và bệnh tật trong tư tưởng của người Do Thái.

Câu chuyện bắt đầu với sự kiện Chúa Giêsu luôn có tình thương đặc biệt dành cho những người bị đau ốm. Nên khi “thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: ‘Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!’” (Mt 9:2). Những lời này cho thấy, Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt dựa trên đức tin của những người mang người bại liệt đến. Chi tiết này cho thấy, đức tin của người khác cũng có thể mang lại sự chữa lành cho người khác, chứ không chỉ đức tin của người cầu xin như trong nhiều phép lạ chữa lành mà chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng. Bên cạnh đó, lời Chúa Giêsu nói với người bại liệt phản ánh tư tưởng của người Do Thái, đó là có một mối tương quan chặt chẽ giữa bệnh tật và tội lỗi. Nói cách cụ thể, đối với người Do Thái, những người bị bệnh tật là những người bị chúc dữ do những tội lỗi mình hoặc cha ông đã phạm. Khi nói những lời “tội con đã được tha,” Chúa Giêsu khẳng định căn tính của Ngài hơn là nói đến liên hệ giữa bệnh tật và tội. Đây chính là điều gây nên sự hiểu lầm giữa các kinh sư.

Cuộc tranh luận về quyền tha tội được được bắt đầu với sự kiện có “mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: ‘Ông này nói phạm thượng’” (Mt 9:3). Trong suy nghĩ của mình, các kinh sư nhận ra cách đúng đắn rằng tha tội là hành động thuộc về Thiên Chúa. Như thế, bất kỳ ai kiểm soát được những cách thức tha tội trong xã hội là kiểm soát được xã hội đó. Đối với họ, chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng kiểm soát mọi loài. Lời Chúa Giêsu đặt Ngài ngang hàng với Thiên Chúa. Đây chính là lời phạm thượng đối với họ. Lời kết án Chúa Giêsu nói phạm thượng là một điều rất nặng vì đã đưa Chúa Giêsu đến cái chết (x. Mt 26:65). Trước sự kiện “nghĩ xấu” trong bụng của các kinh sư, Chúa Giêsu đã trả lời: “Trong hai điều: một là bảo: ‘Tội con được tha rồi,’ hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi,’ điều nào dễ hơn?  Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mt 9:5-6). Theo các học giả Kinh Thánh, câu hỏi của Chúa Giêsu cho các kinh sư trong những lời trên là một câu hỏi “mập mờ.” Cụ thể là, trong hai điều, điều dễ hơn để “nói” là “tội con đã được tha,” bởi vì không ai có thể kiểm soát hoặc nhìn thấy tội được tha. Nhưng điều đó lại khó hơn để “làm” vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm điều đó. Trong bối cảnh hiện tại, điều khó hơn để “nói” là “Đứng dậy mà đi,” bởi vì lời của Chúa Giêsu có thể được kiểm chứng xem có tác dụng hay không. Như vậy, một mặt Chúa Giêsu bắt đầu với điều dễ [mà khó] trước, đó là nói lời tha tội, mặt khác Ngài kết thúc với điều khó, đó là truyền cho người bại liệt đứng dậy mà đi. Ở đây, chúng ta thấy có sự liên kết chặt chẽ giữa “bại liệt” và “tội.” Thật vậy, chúng ta cảm nghiệm trong cuộc sống của mình rằng nhiều lần tội đã làm cho chúng ta bại liệt, không thể đi đến với Chúa và anh chị em mình; tội làm chúng ta không thể sống hoà nhập với anh chị em. Chỉ khi được tha tội, chúng ta cảm thấy một sự đổi mới và sự kiên định để bắt đầu lại với Chúa, bắt đầu lại với anh chị em mình. Hãy can đảm đến với Chúa để được chữa lành căn bệnh bại liệt của con tim hầu có thể yêu Chúa và yêu anh chị em mình cách chân thật và nồng nàn hơn.

Trình thuật Tin Mừng trở lại với Chúa Giêsu và người bại liệt: “Đức Giêsu bảo người bại liệt: ‘Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!’ Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà” (Mt 9:6-7). Những lời này cho thấy, Chúa Giêsu đã chọn cách khó hơn để “nói” và để “thực hiện.” Phản ứng của dân chúng trước sự kiện này là sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa: “Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế” (Mt 9:8). Những lời này chứa đựng một thay đổi quan trọng khác với Tin Mừng Thánh Máccô. Thánh sử đưa sự chú ý của đọc giả ra khỏi sự kinh ngạc về phép lạ đến đề tài mang tính thần học, đó là căn tính của Chúa Chúa Giêsu, là Con Người (câu 6), Đấng có quyền tha tội. Sau đó, thánh sử mở rộng quyền đó cho các thành viên trong Giáo Hội. Đây chính là điều cho thấy Thánh Mátthêu có một sự quan tâm đặc biệt đến đề tài Giáo Hội. Cụ thể hơn, mối quan tâm này phản ánh qua lời dạy về quyền tha tội của Đức Kitô, điều sẽ được thực hiện trong và qua Giáo Hội. Câu hỏi chúng ta cần suy gẫm ở đây là: Chúng ta đến với bí tích hoà giải với tâm tình như thế nào? Chúng ta xem bí tích này là một “cái máy giặt” hay là một “phương thế chữa lành” để chúng ta sống một đời sống lành mạnh và trong sạch hơn?

 

THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

HÃY NHÌN NGƯỜI KHÁC VỚI ÁNH MẮT CỦA CON TIM

(St 23:1-4.19; 24,1-8.62-67; Mt 9:9-13)

Cuộc ly tan nào cũng mang đến đau buồn. Chúng ta chứng kiến điều này trong bài đọc 1 hôm nay khi bà Xara qua đời. Ông Ápraham đau buồn và than khóc bà Xara (x. St 23:2). Bà Xara sống đến một trăm hai mươi bảy tuổi. Đây là dấu hiệu được chúc lành trong Kinh Thánh. Tư tưởng này không còn hợp thời trong ngày hôm nay. Một đời sống được chúc lành là một đời sống luôn được bình an dù gặp nhiều khó khăn. Ai trong chúng ta cũng được Chúa chúc lành mỗi ngày. Nhưng nhiều khi chúng ta chờ đợi ơn lành đến từ những gì là vĩ đại, thay vì đến từ những gì là đơn sơ nhỏ bé của ngày sống. Người luôn nhận ra ơn lành của Chúa trong mọi sự kiện nhỏ bé của ngày sống là người luôn có lòng tạ ơn và sống hạnh phúc.

Điểm thứ hai trong bài đọc 1 đáng để chúng ta suy gẫm là việc chọn vợ cho Ixaác. Sự kiện này cho thấy Ápraham hoàn toàn để Thiên Chúa hướng dẫn dòng dõi mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông. Điều này được diễn tả qua lời ông nói với người quản lý: “Đức Chúa là Chúa Trời, Đấng đã đưa tôi ra khỏi nhà cha tôi, khỏi quê hương tôi, Đấng đã phán với tôi và thề với tôi rằng: ‘Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này,’ chính Người sẽ sai sứ thần Người đi trước mặt chú, để từ nơi đó chú cưới vợ về cho con tôi” (St 24:7). Ápraham tin rằng Đức Chúa sẽ sắp xếp hết mọi chuyện theo ý Ngài. Đây là điều thường bị lãng quên trong thời đại hôm nay. Nhiều người xem mình là “chúa” của cuộc đời mình, là người chi phối hết mọi sự. Ngay cả trong việc dựng vợ gả chồng, họ muốn tự do chọn lựa người “mình thích, mình yêu.” Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy chưa có khi nào mà tỉ lệ những người không chung thuỷ với nhau nhiều như trong thời đại chúng ta. Điều này xảy ra vì Thiên Chúa không có chỗ trong mọi quyết định của con người. Thật vậy, khi con người gạt Thiên Chúa ra khỏi những quyết định của mình, họ sẽ trở thành “bạo chúa.” Hãy để Thiên Chúa hướng dẫn đường đời của mình, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui để khoả lấp những mất mát trong đời sống như Ixaác được khuây khoả nỗi buồn mất mẹ khi được Đức Chúa ban cho Rêbêca.

Như chúng ta biết, ba câu chuyện đầu tiên trong chương 9 của Tin Mừng Thánh Mátthêu (câu 1-17) nói về sự chống đối Chúa Giêsu từ ba nhóm khác nhau [nhóm kinh sư, nhóm Pharisêu và nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả]. Hôm qua chúng ta đã nghe câu chuyện thứ nhất về việc Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt và Ngài bị nhóm kinh sư phản đối. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện thứ hai về việc Chúa Giêsu gọi Mátthêu và ăn uống với “bọn thu thuế và quân tội lỗi.” Điều này đã khơi lên sự chống đối của nhóm Pharisêu. Nhìn từ khía cạnh này, nội dung chính của bài Tin Mừng là cuộc “đối đầu” giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu. Còn câu chuyện về ơn gọi của Mátthêu chỉ là hình ảnh được sử dụng để nói lên quan điểm hay đúng hơn sứ mệnh của Chúa Giêsu mà nhóm Pharisêu không biết.

Câu chuyện về ơn gọi của Thánh Mátthêu được Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (Mc 2:13-17; Mt 9:9-13; Lc 5:27-32). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, câu chuyện được chia ra làm hai phần: phần 1 nói đến việc Chúa Giêsu gọi Mátthêu (câu 9) và phần 2 kể về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu (câu 10-13). Chúng ta cùng nhau phân tích cách chi tiết hai phần này để hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta.

Cũng như bao ơn gọi khác, Chúa Giêsu gọi Mátthêu đang khi ông làm công việc thường ngày của mình: “Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9:9). Trong cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu là người chủ động gọi Mátthêu và ông mau mắn đáp lại. Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, ngài nêu đích danh của mình. Còn trong Tin Mừng Thánh Máccô và Luca, ngài được gọi là Lêvi? Tại sao có sự khác biệt này? Theo các học giả Kinh Thánh, vào thời gian mà Tin Mừng Thánh Mátthêu được viết thì cái tên Lêvi không còn quan trọng cho bằng cái tên Mátthêu, người được xem như là một tông đồ. Trong Mt 10:3, Mátthêu được gọi là người thu thuế. Vì vậy, bản văn này được đưa vào để trình bày Mátthêu như là nhân vật chính của bàn tiệc giữa Chúa Giêsu với những người thu thuế và tội lỗi. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là sự mau mắn đáp lại lời mời gọi làm môn đệ Chúa Giêsu của Mátthêu. Sự mau mắn đáp trả của Mátthêu giả định một sự hiểu biết về Chúa Giêsu, sứ mệnh của Ngài và khả thể ông được chia sẻ trong sứ mệnh đó. Nói cách khác, để đáp lại tiếng Chúa Giêsu gọi, Mátthêu đã tìm hiểu về Ngài và suy gẫm về ý nghĩa cuộc đời của mình. Chính hành trình tìm hiểu về Chúa Giêsu và chính mình đã tạo nên trong Mátthêu một sự metanoia (“sám hối”). Sự sám hối này đã làm cho thánh nhân thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi con tim, thay đổi lối sống để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng “đi ngang” qua cuộc đời chúng ta mỗi giây phút. Ngài cũng gọi chúng ta trong khi chúng ta bận rộn với công việc. Liệu chúng ta có như Thánh Mátthêu, dù bận rộn, nhưng con tim luôn nhạy cảm với lời mời gọi của Chúa Giêsu không?

Sau khi đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta về bàn tiệc chia sẻ niềm vui trong nhà của mình. Trong bàn tiệc đó, chúng ta thấy có những thành phần sau: Mátthêu, nhiều người thu thuế và tội lỗi khác, Chúa Giêsu và các môn đệ (x. Mt 9:10). Tất cả cùng chia sẻ trong cùng một bàn ăn. Như chúng ta biết, trong tư tưởng của người Do Thái, chia sẻ cùng bàn ăn không đơn giản chia sẻ với nhau thức ăn, nhưng quan trọng hơn là chia sẻ chính sự sống cho nhau. Trong bàn tiệc tại nhà Thánh Mátthêu, mọi người được mời gọi để chia sẻ trong cùng sự sống của Chúa Giêsu, cả những người “đã tốt” [các môn đệ] và những “chưa tốt” [người thu thuế và tội lỗi]. Những ai không chấp nhận ngồi vào bàn ăn với Chúa Giêsu sẽ tự tách mình ra khỏi sự sống mà Ngài trao ban. Đây là những người Pharisêu. Đúng với tên gọi của họ: Pharisêu có nghĩa là “tách riêng ra.”

Chính việc Chúa Giêsu đón tiếp và ăn uống với những người bị loại ra bên lề xã hội, những người được xem là tội lỗi mà Ngài bị nhóm Pharisêu chống đối. Đứng trước lời chống đối của người Pharisêu, Chúa Giêsu trích hai câu ngạn ngữ sau: (1) “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9:12) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13). Câu ngạn ngữ thứ nhất lấy từ “công cảm” được tìm thấy trong Stobaeus, Plurarch và Diogenes Laertius. Tư tưởng này bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ triết học Hy Lạp. Theo lối suy nghĩ của các triết gia Hy Lạp, người triết gia là thầy thuốc của linh hồn. Người thầy thuốc phải đặt mình vào sự nguy hiểm của bệnh dịch để chữa bệnh. Khi nói điều này, Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisêu về việc Ngài là một thầy thuốc của linh hồn. Ngài đang đặt mình vào mối nguy hiểm của bệnh dịch để chữa bệnh. Còn câu ngạn ngữ thứ hai được Ngài trích từ Ngôn sứ Hôsê (6:6). Thánh Mátthêu thêm câu này ở đây và trong 12:7. Câu trích này trở nên quan trọng đối với các Rabbi để giúp đền bù cho sự mất mát của hy lễ trong Đền Thánh Giêrusalem [bị phá huỷ năm 70] như là phương thế để được tha tội. Theo các Rabbi, học Kinh Thánh và những công việc bác ái được xem là những thay thế chính đáng cho lễ tế. Chúa Giêsu kết thúc cuộc tranh luận bằng cách khẳng định rằng: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Qua câu này, Chúa Giêsu khẳng định cho nhóm Pharisêu về sứ mệnh của Ngài, đó là kêu gọi người tội lỗi; không chỉ kêu gọi người tội lỗi, mà Ngài còn chết cho họ để mang lại cho họ ơn tha thứ. Từ mẫu gương của Chúa Giêsu, chúng ta xét lại chính bản thân mình: Có bao giờ chúng ta đón nhận những anh chị em được xem là “tội lỗi” để yêu thương họ và chết cho họ không? Thành thật mà nói, chúng ta thường giống như những người Pharisêu, chúng ta không tiếp đón những người lầm lỡ, nhưng còn chỉ trích những ai mở lòng đón tiếp những con người đáng thương đó. Thiên Chúa không cần của lễ, nhưng cần một con tim biết yêu thương để ôm tất cả những người tội lỗi. Chúng ta có con tim như thế để dâng lên Ngài không?

THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

SỐNG NIỀM VUI CÓ CHÚA

(St 27:1-5.15-29; Mt 9:14-17)

Khi đọc bài đọc 1, chúng ta thường không có nhận xét gì [nếu chúng ta không chăm chú lắng nghe với thái độ suy gẫm], hoặc nếu có thì cũng chỉ quan tâm đến việc Giacóp được Ixaác chúc lành. Nếu để ý kỹ hơn, chúng ta nhận ra rằng đây là câu chuyện về sự “lừa dối” trong gia đình. Thật sự, câu chuyện này có như thế không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem câu chuyện này muốn nói điều gì.

Bài đọc 1 được viết theo kiểu kịch nghệ với một vài cảnh và vai diễn như sau: Ixaác-Êxau (câu 1-4), Rêbêca-Giacóp (câu 5-17), Ixaác-Giacóp (câu 18-29) [không trích đoạn kế tiếp bao gồm Ixaác-Êxau (câu 30-40), Êxau-Rêbêca (câu 41-45). Hình ảnh Ixaác bị mù loà dẫn đến những việc khác như nếm, sờ, nghe và cảm. Tuy nhiên, điều chính yếu của câu chuyện là việc chúc lành. Theo truyền thống thời đó, chúc lành thường được trao trong bối cảnh cái chết cận kề hoặc trong bối cảnh tạm biệt. Lời chúc lành phải được hiểu như là ‘sự sống’ được truyền từ người sắp ra đi cho người đang tiếp tục sống. Lời chúc lành liên quan đến toàn bộ sự sống. Vì vậy, lời chúc lành không thể rút lại và cũng không thể thay đổi. Đây là lý do tại sao Ixaác không thể rút lại lời chúc lành cho Giacóp và chuyển cho Êxau. Nhưng chúng ta lý giải thế nào về hành động lừa dối để được chúc lành của Giacóp? Như chúng ta biết, Êxau và Giacóp là anh em sinh đôi. Êxau sinh ra trước, nên là con trưởng. Theo truyền thống của người Do Thái, người con trưởng là người được chúc lành. Nhưng trong chương 25 (29-34), Êxau đã bán quyền làm trưởng của mình cho Giacóp vì một bát cháo. Như vậy, việc Giacóp nhận được lời chúc lành từ Ixaác là điều “hợp luật” [hợp lệ]. Câu chuyện này tiếp tục nói lên sự “đối kháng” giữa Êxau và Giacóp, điều đã bắt đầu khi cả hai còn trong bụng mẹ (x. St 25: 19-34). Thánh Augustinô lý giải cho hành động của Giacóp như sau: việc chuyển lời chúc lành cho Giacóp không phải là một sự lừa dối, nhưng là một huyền nhiệm. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng tư tưởng vẫn chưa trình bày cách chính xác giá trị của câu chuyện. Trong câu chuyện, chúng ta đọc thấy Giacóp là kẻ “lừa dối,” nhưng Giacóp cũng là người mang lời hứa và lời chúc lành. Câu chuyện này một cách nào đó bắt đầu đưa chúng ta vào mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa: Ngài có thể sửa lại những gì mà con người đã sai phạm, hay đúng hơn, Ngài có thể cho điều tốt [sự chúc lành] xuất phát từ những yếu đuối, tội lỗi của con người.

Điểm thứ hai chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là lời chúc lành của Ixaác cho Giacóp. Ba lời chúc lành được bắt đầu với việc “ngửi” thấy mùi thơm: “Ông hít mùi áo cậu và chúc phúc cho cậu rằng: ‘Kìa, mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc’” (St 27:27). Điều chúng ta lưu  ý ở đây là mùi thơm không phải của những cánh đồng hoang dã của những thợ săn (mùi của Êxau), nhưng là mùi thơm của “cánh đồng Đức Chúa đã chúc” – cánh đồng của những người trồng trọt và chăn nuôi [làm nông nghiệp]. Lời chúc đầu tiên liên kết với lời chúc thứ hai: “Xin Thiên Chúa ban cho con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào” (St 27:28). Lời chúc này cũng mang tính “nông nghiệp” và sẽ bị đảo ngược lại trong câu 39. Lời chúc lành cuối cùng liên quan đến việc làm chủ trên Êxau: “Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh em con, và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc” (St 27:29). Lời chúc này ám chỉ đến lịch sử sau này của Israel, đặc biệt khi Vua Đavít chinh phục con cháu của Êxau. Nhìn chung, lời chúc lành liên quan đến nghề nghiệp và vị trí trong gia đình. Đây là hai điều quan trọng cho một kiếp nhân sinh: điều mình làm [làm gì cho anh chị em] và điều mình là [là gì trong gia đình/cộng đoàn]. Chúng ta thường đến xin Chúa chúc lành cho điều chúng ta làm sinh hoa trái, chứ ít khi xin Ngài chúc lành để ngày càng sinh hoa trái trong việc mình là ai trong gia đình hay cộng đoàn [đời tu]: là những người cha, người mẹ tốt, những người con ngoan hiền, những người tu sĩ [linh mục/giám mục] thánh thiện.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay kết thúc trình thuật về ba vấn đề mà qua đó Chúa Giêsu bị chống đối từ ba nhóm khác nhau. Câu chuyện này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:18-22). Dù là một chuyện ngắn gọn, nhưng lại hàm chứa ba phần khác nhau, đó là phần đối thoại mang tính tranh cãi (câu 14-15) và hai dụ ngôn nhỏ (câu 16-17). Sự liên kết của ba phần nằm ở sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nói cách khác, sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại sự khác biệt trong việc ăn chay theo tập tục của người Do Thái.

Như chúng ta biết, ăn chay là một việc thực hành đạo đức mà các tín hữu của các tôn giáo lớn thực hiện. Đối với người Do Thái, việc ăn chay là một việc thực hành đạo đức mang tính cá nhân và cộng đoàn. Trong cuộc tranh luận hôm nay với các môn đệ của ông Gioan, Chúa Giêsu nói các môn đệ của Ngài không ăn chay trong suốt thời gian Ngài đang ở với họ: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9:15). Nhưng sau khi Ngài “bị đem đi khỏi họ,” các môn đệ mới ăn chay. Người Do Thái không có mùa để ăn chay như chúng ta có mùa chay, nhưng người Do Thái có ngày để ăn chay cả cộng đoàn, đặc biệt trong dịp lễ Yôm Kippur và ngày mồng 9 của tháng Ab. Theo lời dạy, người Do Thái cũng giữ chay cách cá nhân vào các ngày thứ 2 và thứ 5, trong khi đó, những tín hữu đầu tiên [và “một số” bây giờ] chọn các ngày thứ 4 và thứ 6]. Người Do Thái luôn hiểu ăn chay là (1) hạ mình trước Thiên Chúa (x. Is 58:3-9), (2) là lời cầu nguyện để được làm cho mạnh mẽ (Tb 12:8), (3) là diễn tả sự đau buồn [cho tội lỗi, cho mất mát]. Ăn chay luôn có tương quan chặt chẽ với bố thí [phần dành dụm được khi ăn chay được sử dụng để bố thí].

Điểm đáng để chúng ta lưu ý trong phần tranh luận là câu hỏi của các môn đệ ông Gioan: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9:14). Họ bắt đầu với khẳng định về việc giữ luật ăn chay của họ và người Pharisêu. Họ tiếp tục với việc tra vấn Chúa Giêsu về các môn đệ. Ở đây, chúng ta thấy sự cẩn trọng của họ. Họ không tra vấn về việc ăn chay của chính Chúa Giêsu, nhưng của các môn đệ của Ngài. Điều này cho thấy rằng Chúa Giêsu ăn chay, nhưng những người theo Ngài không còn thực hành việc ăn chay như những người Do Thái. Như vậy, việc theo Chúa Giêsu mang lại một sự “tách biệt” với lối thực hành đạo đức cũ.

Câu quan trọng nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là câu 15. Trong câu này, Chúa Giêsu nêu lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay [và sẽ ăn chay]. Như chúng ta đã trình bày, một trong những ý nghĩa của ăn chay là diễn tả sự đau buồn, than khóc. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để trả lời những người chất vấn Ngài. Trong bối cảnh này, Thánh Mátthêu hiểu ăn chay là dấu hiệu của sự than khóc khi thay đổi động từ “ăn chay” được dùng trong Tin Mừng Thánh Máccô thành “than khóc.” Khi Chúa Giêsu đang còn sống, các môn đệ không cần phải than khóc. Nhưng khi Chúa Giêsu bị đem đi đánh đòn, đóng đinh trên cây thập giá, họ sẽ than khóc cho tội lỗi của họ [và của con cháu họ]. Họ cũng than khóc khi Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha: than khóc cho sự ly biệt mang tính thể lý. Chúa Giêsu tiếp tục sử dụng châm ngôn để đối đáp. Ngài so sánh các môn đệ như những khách được mời dự tiệc cưới, đó là những người tham gia vào một sự kiện thấm đượm tình yêu và niềm vui. Trong lối giải thích của các Rabbi, chàng rể thường được hiểu là chính Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu đang khẳng định Ngài là Chúa. Sự hiện diện của Ngài mang lại niềm vui cho các môn đệ. Ở đâu có Ngài hiện diện, ở đó không có sự than khóc, u buồn. Đây là điều đáng để chúng ta suy gẫm. Chúa Giêsu luôn mời chúng ta sống trong niềm vui của Ngài, nhưng biết bao nhiêu lần chúng ta từ chối bằng cách sống trong đau buồn của tội lỗi. Chúng ta cần phải bắt đầu lại: bắt đầu sống niềm vui có Chúa, sống niềm vui của những người yêu và được yêu. Đây là cách ăn chay đẹp nhất mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta.

Qua hai dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến sự “tách rời” của những người theo Ngài khỏi lối thực hành đạo đức cũ của người Do Thái: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai” (Mt 9:16-17). Hai động từ chỉ rõ sự tách biệt là “vá” và “rách.” Theo nguyên từ, chữ “miếng vá” là pleroma (có nghĩa là “tràn đầy,” hoặc “hoàn hảo”); còn từ “chỗ rách” là schisma (có nghĩa là “ly khai,” hay “ly giáo”). Nhìn từ khía cạnh này, câu nói của Chúa Giêsu ám chỉ đến việc “ly khai” của các tín hữu ra khỏi những môn đệ của nhóm Pharisêu. Điều này được diễn tả qua hình ảnh “cũ” (và tốt) với “mới” (và tốt cách hoàn hảo). Nói cách cụ thể, những người theo Chúa Giêsu sẽ sống đời sống thờ phượng mới (“trong Thần Khí và sự thật”). Họ sẽ sống theo mệnh lệnh mới (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”). Chúng ta đã thật sự sống đời sống mới như Chúa Giêsu mong đợi chưa?

Chi tiết cuối cùng chúng ta cần biết là việc Chúa Giêsu kết thúc với khẳng định về sự tồn tại của cả hai nếu biết “tuân theo luật tự nhiên của sự vật”: Rượu cũ cũng ngon và sẽ phải được giữ trongvới rượu mới trong Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đọc kỹ và suy gẫm, chúng ta nhận ra câu này diễn tả cách trọn vẹn điều Chúa Giêsu nói trước khi dạy các môn đệ về tiêu chuẩn mới mà họ phải sống: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17). Trong Chúa Giêsu, luật cũ vẫn tồn tại và được kiện toàn; luật mới được ban bố. Cả hai được nên một trong Ngài. Ngài là mối dây liên kết. Nơi Ngài không có sự chia rẽ. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: nơi đâu có Chúa Giêsu, nơi đó có sự hợp nhất giữa cũ và mới [giữa già và trẻ]. Nơi đâu có Chúa Giêsu, chia rẽ không hiện hữu.