Suy niệm mỗi ngày Tuần 1 Mùa Chay

98

SUY NIỆM MÕI NGÀY TUẦN I MÙA CHAY

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN I MÙA CHAY

LÚC ĐỜI NGÃ BÓNG, CHÚNG TA SẼ BỊ XÉT XỬ TRÊN TÌNH YÊU

(Lv 19:1-2.11-18; Mt 25:31-46)

Ai trong chúng ta cũng muốn sống thánh thiện hay đúng hơn là muốn nên thánh. Và chúng ta thường thắc mắc và tự hỏi: Thánh thiện là gì? Chúng ta thường quan niệm thánh thiện là không phạm tội và sự thánh thiện chỉ dành cho một số ít người “được tuyển chọn.” Tuy nhiên, thánh thiện không phải là “không phạm tội” vì ai trong chúng ta cũng mang trong mình thân phận yếu đuối mỏng manh. Thánh thiện là sự ăn năn sám hối không ngừng.

Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta về đề tài thánh thiện và cách thức để trở nên thánh thiện. Trong bài đọc 1, “Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: ‘Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh’” (Lv 19:1-2). Chúng ta tìm thấy trong câu này điều mà chúng ta phải luôn ý thức: thánh thiện là cho hết mọi người. Đây là mệnh lệnh của Đức Chúa. Ngài muốn tất cả mọi người nên thánh chứ không chỉ một số ít người. Để sống thánh thiện, bài đọc 1 đưa ra danh sách những điều “không được phép làm.”

Điểm đầu tiên chúng ta lưu ý là điệp khúc “Ta là Đức Chúa” (Lv 19:12,14,16,18). Điệp khúc này được lặp lại sau mỗi lần kết thúc một chuỗi những hành động chúng ta không được phép làm. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là: Động lực để ta tránh những điều làm chúng ta không đạt đến sự thánh thiện không phải là vì “sợ phạm tội,” nhưng vì “muốn được nên giống Đức Chúa, là Đấng Thánh” (x. Lv 19:2). Điều đáng buồn là nhiều người Kitô hữu [ngay cả những người được thánh hiến] xem con đường nên thánh, nhất là đời sống luân lý, mà Thiên Chúa đòi hỏi [hay Giáo Hội dạy] là gánh nặng của những điều “không được làm.” Họ quên rằng, những điều “không được làm” chỉ là hệ quả của chọn lựa nên thánh như Đức Chúa là Đấng Thánh. Giống như một người nam khi chọn một người nữ làm vợ của mình, thì hệ quả là người nam đó không còn được phép làm những điều lỗi phạm đến tình yêu dành cho vợ của mình. Việc không được phép làm những điều lỗi phạm đến đời sống hôn nhân chỉ là hệ quả của “chọn lựa người kia làm vợ.” Nhìn từ khía cạnh này, những việc “không được làm” mà sách Lêvi trình bày cho chúng ta chỉ là hệ quả của “chọn lựa sống thánh” như Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta có thể nhóm “những điều không được phép làm” trong bài đọc 1 thành bốn nhóm [được chia cách bởi điệp khúc “Ta là Đức Chúa”]:

Nhóm thứ nhất trình bày những điều chúng ta không được phép làm trong tương quan với những người thân, những người “đồng quê hương” của mình: “Các ngươi không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình. Các ngươi không được lấy danh Ta mà thề gian: làm thế là các ngươi xúc phạm đến danh Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19:11-12). Trong nhóm này, tác giả nhấn mạnh đến việc “sống thành thật” [không nói dối, không lừa gạt, không thề gian] với những người thân của chúng ta. Sống thật với những người “biết chúng ta” là một thách đố lớn! Hãy sống thật như Chúa Giêsu mời gọi: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm lời đặt chuyện là do ma quỷ” (Mt 5:37).

Nhóm thứ hai mở rộng ra đến đồng loại: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi” (Lv 19:13-14). Nhóm này nhấn mạnh đến đức công bình và bác ái, tức là, chúng ta phải trả cho người khác những gì thuộc về họ và nhất là không tìm cách để hãm hại người khác. Thật vậy, khi gặp những người đồng loại, không cùng tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, sở thích với mình, chúng ta thường có thái độ “bất công,” hay đúng hơn là không đối xử với họ như họ đáng được đối xử. Nhóm thứ hai này mời gọi chúng ta hãy đối xử với hết mọi người như nhau không phân biệt, vì tất cả mọi người là con cùng một Cha ở trên trời và tất cả là anh chị em của nhau.

Nhóm thứ ba nói đến những điều mà những người có trách nhiệm trên người khác phải lưu ý: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết” (Lv 19:15-16). Những người có quyền thường có xu hướng đối xử thiên vị: kiêng nể và nhẹ tay với những người thân và có địa vị và vu khống cho những người cô thế cô thân. Những người này được mời gọi sống liêm khiết và không thiên vị. Họ phải có một tình yêu chan hoà dành cho mọi người như nhau.

Nhóm thứ tư là bản tóm tắt của tất cả điều được trình bày trên: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19:17-18). Câu tóm tắt được tìm thấy trong câu cuối cùng: câu này là đỉnh cao của luật yêu thương trong Cựu Ước. Chi tiết làm chúng ta không ngạc nhiên ở đây là: sau một danh sách dài của những “mệnh lệnh tiêu cực” (không được làm) là một “mệnh lệnh tích cực” (điều phải làm), đó là hãy yêu người khác như chính mình. Điều này đưa chúng ta về với điều chúng ta đã trình bày ở trên: tất cả những điều “không được phép làm” chỉ là hệ quả của chọn lựa sống thánh của chúng ta. Trong trường hợp này, danh sách không được làm trên chỉ là hệ quả của chọn lựa “yêu đồng loại như chính mình.” Như vậy, đừng để ý đến những điều không được phép làm, những điều phải từ bỏ, nhưng hãy tìm niềm vui nơi chọn lựa “sống thánh, sống yêu thương, sống tha thứ” của mình, thì những điều không được phép làm kia sẽ trở thành nhẹ nhàng và êm ái.

Hình thức của bài trình thuật là một trình thuật mặc khải về ngày cánh chung với những cuộc đối thoại. Đây không phải là một dụ ngôn, ngoại trừ câu 32 và 33. Bản văn này là một tuyệt phẩm, đỉnh cao và điểm kết thúc của trình thuật thứ năm và của sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Câu chuyện này xuất phát từ Chúa Giêsu, từ Thánh Mátthêu, từ Giáo Hội sơ khai, hoặc từ Do Thái giáo? Trình thuật này không có bản tương đồng trong Tin Mừng Máccô và Luca. Nó là điểm đặc trưng của thần học Thánh Mátthêu, và sử dụng một vài nét đặc trưng trong ngôn ngữ của Thánh Mátthêu như thiên thần, Cha Thầy, công chính. Và như thế, trình thuật này có thể được xem là một sáng tác riêng của Thánh Mátthêu. Những luận chứng nêu trên không mang tính quyết định tuyệt đối, ngoại trừ hình thức cuối cùng của trình thuật, và một cách nào đó, bản văn phản ảnh mối quan tâm của chính Chúa Giêsu về việc chuẩn bị chính mình để đi vào Nước Trời. Trình thuật này là một trong những bản văn được yêu thích nhất vì nó trình bày cho chúng ta một ‘tôn giáo thực hành’ bào gồm những hành động tốt để diễn tả tình yêu dành cho người đồng loại. Nhưng có lúc trình thuật này bị giải thích cách sai lạc vì cho rằng niềm tin vào Chúa Giêsu hoặc việc trở nên thành viên của Giáo Hội là không cần thiết cho ơn cứu độ. Thật sự trình thuật này nhắm đến các Kitô hữu là mộn đệ Chúa Giêsu, và ơn gọi làm môn đệ được hiểu trong một cách thức thật rõ ràng và được đồng hoá với việc chăm sóc cho những người nghèo hèn, thiếu thốn. Vì vậy, trình thuật này không có ý bác bỏ sự cần thiết của đức tin, nhưng trình bày cho chúng ta bản chất của đức tin là thực hiện những hành động yêu thương cho anh chị em mình. Đức tin là yếu tố làm biến đổi cuộc sống của người môn đệ. Nhìn lại đời sống đức tin của mình, đã nhiều lần chúng ta xem đức tin như là một điều gì đó thêm vào trong cuộc đời chúng ta, đôi khi trở thành gánh nặng. Trình thuật hôm nay mời gọi chúng ta hãy để cho đức tin biến đổi cuộc sống qua những hành động bác ái yêu thương dành cho anh chị em mình.

Điều đầu tiên chúng ta lưu ý trong bài Tin Mừng là hình ảnh Con Người trong ngày vinh quang: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (25:31-33).  Con Người ở đây hành động trong tư cách Thiên Chúa, là Đấng sẽ xét xử muôn dân. Ngài sẽ phân tách chiên khỏi dê. Thuật ngữ dùng cho dê ở đây là eriphos, thông thường ám chỉ một con vật có giá trị thấp. Dê được phân tách khỏi chiên, một con vật quan trọng trong đời sống thường ngày của người Do Thái thời đó. Như chúng ta biết, việc phân tách chiên khỏi dê dễ dàng quan sát khi chuyển những con vật này đến đồng cỏ khác. Chiên và dê được cho ăn cùng với nhau, nhưng khi di chuyển, chúng di chuyển tách rời nhau. Điều này ám chỉ việc người tốt và người xấu sống chung với nhau trong thế giới này, nhưng đời sống của họ dễ dàng được nhận ra bởi hành động họ thực hiện.

Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng là điều làm cho chiên khác dê, đó là việc thực hành những hành vi bác ái. Bài Tin Mừng đưa ra cho chúng ta sáu việc bác ái mà dựa trên đó Đức Vua sẽ xét xử, đó là: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:35-36) [Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:42-43). Qua những lời trên, chúng ta nhận ra rằng cả hai nhóm đều gặp phải những người cần giúp đỡ hay nói đúng hơn là được mời gọi làm sáu việc bác ái cho anh chị em mình, nhưng một nhóm thì ‘chạnh lòng thương’ và ra tay thực hiện, còn nhóm kia thì sống trong sự dửng dưng, vô cảm của con tim chai đá trước nỗi thống khổ của anh chị em mình. Đức Vua đã phán quyết dựa trên cách hành xử của mỗi người với anh chị em mình. Chúa Giêsu đã ‘đồng hoá’ chính mình với những người được phục vụ hoặc không được phục vụ. Đồng thời, Ngài cũng cho biết thái độ sống của họ với anh chị em mình phản ánh thái độ của họ đối với Thiên Chúa. Tóm lại, tình yêu chính là yếu tố quyết định một con người là tốt hoặc xấu. Nếu tình yêu của họ luôn chân thật và hoạt động, sai lầm để đạt đến đời sống luân lý hoàn hảo rất hiếm. Nếu tình yêu của họ chết đi, thì sai lầm trong đời sống thiện hảo sẽ rất cao. Hãy để tình yêu Thiên Chúa luôn hoạt động trong chúng ta không ngừng.

***************

THỨ BA TUẦN I MÙA CHAY

HOA QUẢ CỦA CẦU NGUYỆN LÀ SỰ THA THỨ

(Is 55:10-11; Mt 6:7-15)

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường sử dụng lời nói để truyền tải nội dung của một sứ điệp mà chúng ta muốn người khác biết và hiểu. Đồng thời, chúng ta mong cho sứ điệp chúng ta truyền tải ở lại trong đời sống của người nghe. Đây chính là nội dung của bài đọc 1 hôm nay. Ngôn sứ Isaia ví lời Chúa như “mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất” (Is 55:10), và mục đích của mưa với tuyết sa xuống từ trời là “làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn” (Is 55:10). Hình ảnh bánh ăn sẽ được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Cùng cách thức ấy, lời phát xuất ra từ miệng của Đức Chúa “sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:11). Nhưng chúng ta tự hỏi: kết quả, ý muốn và sứ mạng của lời Đức Chúa là gì khi xuất phát từ miệng Ngài? Điều này chúng ta sẽ được giải đáp trong bài Tin Mừng, đó là đời sống thân mật với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Một trong ba việc đạo đức được khuyến khích trong mùa chay thánh là cầu nguyện. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện. Lời Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong Tin Mừng Thánh Luca là lời đáp trả của Chúa Giêsu trước lời yêu cầu của các môn đệ xin Người dạy cho họ biết cầu nguyện. Còn trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, lời kinh này được đặt tương phản với việc cầu nguyện của dân ngoại, chứ không phải với việc cầu nguyện của người Do Thái: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:7-8). Chi tiết đáng lưu ý ở đây là việc Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ yếu tố quan trọng nhất trong cầu nguyện là cõi lòng [con tim] chứ không phải là những ngôn từ trên môi miệng. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ trong cầu nguyện của mình. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa với vẻ bề ngoài và lời hoa mỹ, nhưng con tim và cõi lòng của chúng ta lại xa Ngài. Vì vậy, sau khi cầu nguyện, cuộc sống chúng ta không đổi mới, canh tân. Hãy đến với Chúa trong giờ cầu nguyện với cả con người của mình.

Trong lời Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy ba lời cầu dường như đồng nghĩa với nhau: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:9-10). Ba lời cầu này diễn tả mong ước cho triều đại Thiên Chúa được hiện thực hoá. Triều đại này được hiện thực hoá qua việc thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời, hay nói đúng hơn được thực hiện bởi mọi tạo vật của Thiên Chúa, hữu hình cũng như vô hình. Vài học giả Kinh Thánh cho rằng ba lời cầu này là ước nguyện của các tín hữu đang đối diện với bách hại, cầu xin cho triều đại của Thiên Chúa được hiển trị, để họ được giải thoát khỏi những đau khổ, nhưng đồng thời có đủ can đảm để đối diện nghịch cảnh trong khi mong chờ triều đại Thiên Chúa đến. Dù lời giải thích thế nào, nhưng điều chúng ta đáng suy gẫm trong ba lời cầu xin trên là việc thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Ước mong chúng ta luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa để danh Ngài vinh hiển và triều đại Ngài mau đến.

Phần thứ hai của lời Kinh Lạy Cha liên quan đến những con người đang cố gắng thi hành thánh ý Thiên Chúa ở dưới đất. Để được như vậy, họ cần phải xin bánh ăn hằng ngày, ơn tha tội và đừng xa chước cám dỗ: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6:11-13). Trung tâm của những lời cầu xin này là ơn tha tội. Đây chính là điều được Chúa Giêsu nhấn mạnh trong phần kết lời dạy của Ngài: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Tại sao Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến việc tha thứ như là việc quan trọng nhất để thi hành thánh ý của Thiên Chúa dưới đất? Như chúng ta biết, Chúa Giêsu đến để mang sự tha thứ của Thiên Chúa, để giao hoà chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói đây là thánh ý của Chúa Cha. Nhưng điều kiện cho việc tha thứ là chúng ta phải tha thứ cho người khác. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy tha thứ cho người khác là điều khó nhất.

***************

THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY

TÌNH YÊU CỦA CHÚA GIÊSU LÀ DẤU LẠ CHO CHÚNG TA

(Gn 3:1-10; Lc 11:29-32)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta nhìn thấy nhiều loại dấu hiệu, nhất là dấu hiệu chỉ đường hoặc dấu hiệu mà bạn bè hoặc người thân tạo ra với nhau. Tự bản chất, dấu hiệu không có ý nghĩa trong chính nó vì nó chỉ là “phương tiện” để đưa chúng ta đến một thực tại [hay nơi chốn] mà nó chỉ đến. Khi chúng ta đạt đến thực tại, chúng ta không cần dấu hiệu nữa. Thật vậy, không ai đã đến Sài-gòn mà còn đi tìm những dấu hiệu chỉ đường đi Sài-gòn. Chúng ta có thể nói rằng, điều này đúng trong lãnh vực giao thông hoặc đời sống xã hội. Còn trong đời sống thiêng liêng, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa, thì nhiều khi không như thế, vì chúng ta có thể đã được Thiên Chúa đưa đến thực tại rồi mà chúng ta vẫn còn loay hoay đi tìm dấu chỉ. Giống như một tu sĩ được sai đến sống trong một cộng đoàn và trong khi đã sống trong cộng đoàn đó vẫn còn loay hoay đi tìm ý Thiên Chúa: Lạy Chúa, đâu là dấu chỉ cho con biết đây là nơi Ngài muốn con phải đến và làm việc! Đây chính là bối cảnh để chúng ta suy gẫm lời Chúa hôm nay.

Lời Chúa hôm nay tập trung vào dấu lạ của ông Giôna. Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta hành trình biến đổi, của sự sám hối của dân thành Ninivê. Chúng ta có thể chia bài đọc 1 ra làm ba phần: (1) sứ điệp cho dân thành Ninivê qua ông Giôna (Gn 3:1-4); (2) phản ứng của dân thành Ninivê (Gn 3:5-9); (3) và phản ứng của Đức Chúa (Gn 3:10).

Thứ nhất, sứ điệp cho dân thành Ninivê qua ông Giôna là: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Đức Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ‘Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:1-4). Chúng ta thấy ở đây xuất hiện con số 40, và chúng ta có thể nói đây là biểu tượng của Mùa Chay. Số thời gian mà Đức Chúa ban cho thành Ninivê là 40 ngày để thay đổi. Và đây chính là sứ điệp của Mùa Chay: là thời gian của thay đổi, của canh tân và trở về với Chúa, nếu không sẽ phải đón nhận sự “trừng phạt” từ Đức Chúa. Chúng ta cũng như dân thành Ninivê, chúng ta cũng được ban cho thời gian của Mùa Chay này để thay đổi và trở về với Thiên Chúa. Đừng để thời gian Mùa Chay này trôi qua mà chúng ta không gần Chúa và gần nhau hơn.

Thứ hai, phản ứng của dân thành Ninivê (Gn 3:5-9): “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. … Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết’.” Dân thành Ninivê mau mắn đáp lại lời mời gọi sám hối của Thiên Chúa qua Giôna. Họ thay đổi lối sống và hành vi của mình. Chúng ta cần học nơi dân thành Ninivê, phải thay đổi “ngay lập tức.” Đừng để đến ngày mai để thay đổi khi chúng ta có thể làm ngày hôm nay.

Thứ ba, phản ứng của Đức Chúa (Gn 3:10): “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.” Có người nói rằng: Thiên Chúa “không hoàn hảo” vì Ngài cũng có “điểm yếu.” Điểm yếu của Thiên Chúa chính là Ngài quá yêu chúng ta, nên dù chúng ta có lỗi phạm đến Ngài bao nhiêu đi nữa, nhưng khi chúng ta chạy đến với Ngài và tỏ lòng thống hối xin tha thứ là Ngài tha thứ ngay cho chúng ta. Còn chúng ta thì sao? Khi anh chị em chúng ta lỗi phạm đến chúng ta và tỏ lòng “thống hối,” chúng ta có tha thứ ngay cho họ không? Hãy học nơi Thiên Chúa sự sẵn sàng tha thứ cho người khác. Dù người khác không đến nói lời xin lỗi, nhưng họ chỉ tỏ ra hối hận qua hành động thay đổi của họ, thì chúng ta phải tha thứ cho họ ngay. Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn!

Trong trình thuật Tin Mừng, Thánh Luca mô tả một dấu lạ khác của việc lắng nghe lời Chúa với lòng ăn năn sám hối. Những kẻ chống đối Chúa Giêsu nghĩ về dấu lạ đơn giản như một phép lạ, một việc phi thường. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói về dấu lạ như một cách thức đạt đến ơn cứu độ, và có thể nói, giống như thập giá, dẫn đến một cuộc biến đổi bên ngoài cách thần kỳ: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11:29-30). Trong những lời này, chúng ta thấy Thánh Luca không quan tâm đến việc Giôna ở trong bụng cá ba đêm ngày. Điều thánh sử quan tâm là với lời rao giảng của Giôna về lời của Thiên Chúa như là một dấu lạ, thì dân thành Ninivê sám hối. Thật vậy, sức mạnh của lời Chúa trong lời rao giảng của Giôna đã được chứng minh bằng sự hoán cải của toàn thành Ninivê. Nơi Chúa Giêsu, quyền năng vĩ đại hơn của Thiên Chúa hiện diện. Như thế, những người thuộc thế hệ của Chúa Giêsu [và thế hệ thánh sử] phải lắng nghe và giữ lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Đây cũng là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta, những người thường đi tìm dấu lạ ngoài Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Thánh Luca đưa chúng ta ra khỏi dấu lạ của Giôna bằng cách hướng chúng ta về hai hình ảnh Salômôn và nữ hoàng Phương Nam: “Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa” (Lc 11:31). Hai hình ảnh này cũng được Thánh Luca sử dụng để so sánh sự khác biệt lớn lao giữa khôn ngoan của Salômôn và của Chúa Giêsu. Sự khôn ngoan của Salômôn là một món quà từ Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là được chia sẻ trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong khi đó, Chúa Giêsu chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Điều này khuyến cáo chúng ta rằng, nhiều lần chúng ta đi tìm sự khôn ngoan của con người và nơi con người hơn là tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và nơi Thiên Chúa. Để có sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta phải đến với Chúa Giêsu và trở thành môn đệ của Ngài để thi hành thánh ý Chúa Cha.

Bài Tin Mừng kết thúc bằng việc đưa chúng ta về lại với Giôna và dân thành Ninivê, nhưng đặt trong sự so sánh với Chúa Giêsu và những người thuộc thế hệ Ngài trong bối cảnh của cánh chung: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa” (Lc 11:32). Trong những lời này, chúng ta đọc thấy sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói với những người thế hệ của Ngài, và đây cũng là sứ điệp quan trọng để giúp chúng ta đối diện với ngày Phán Xét, đó là sám hối: Sám hối [metanoia] là thay đổi tận căn lối suy nghĩ, cái nhìn, cách hành động, cách yêu thương. Nói tóm lại, chúng ta phải thay đổi lối sống của chúng ta cho xứng hợp với lời dạy của Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ đứng vững trong cuộc Phán Xét.

***************

THỨ NĂM TUẦN I MÙA CHAY

NGOÀI CHÚA RA, ĐÂU LÀ NƠI CON NƯƠNG TỰA?

(Et 4:17k-17m.17r-17t; Mt 7:7-12)

Trong kinh nghiệm sống, ai trong chúng ta cũng đã một lần xin ai điều gì đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được điều chúng ta xin. Có khi chúng ta còn bị la rầy hoặc phàn nàn về những điều chúng ta xin. Lời Chúa ngày hôm nay nói đến việc kêu xin Người, và tất cả những ai kêu xin Người thì nhận được. Có thật như thế không? Đối diện với câu hỏi này, nhiều người trong chúng ta trả lời không chần chừ rằng: Điều đó không có thật. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được điều chúng ta xin, đôi khi còn ngược lại [ví dụ xin cho người thân khỏi bệnh, không phải chết, nhưng người thân lại chết]. Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói gì khi Ngài nói: “cứ xin thì sẽ được” (Mt 7:7)?

Bài đọc 1 tường thuật cho chúng ta câu chuyện của một người đến xin Đức Chúa và Đức Chúa đã nhận lời và ban cho bà điều bà cầu xin. Đó là câu chuyện của hoàng hậu Étte. Bà đến với Đức Chúa và trải nỗi lòng của mình cho Đức Chúa để xin Ngài cứu dân Israel khỏi tai hoạ diệt vong vì sự ghen ghét của Haman (x. Et chương 6-7). Hình ảnh của hoàng hậu Étte hôm nay là mẫu gương cho những ai cảm thấy cô đơn không còn ai bên cạnh cứu giúp, ngoại trừ Đức Chúa (x. Et 4:17l).

Chúng ta có thể nói đây là mẫu cầu nguyện cầu xin tuyệt hảo nhất. Chúng ta cùng nhau phân tích cấu trúc của lời cầu nguyện này để rút ra những điều giúp chúng ta thăng tiến trong đời sống cầu nguyện. Tuy nhiên, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc hoàng hậu Étte không “xin cho mình,” mà xin cho dân. Điều này nói lên ý nghĩa của cầu nguyện là tìm ơn lành cho người khác chứ không cho riêng mình. Nói cách khác, cầu nguyện là không đóng kín trong chính mình, nhưng đi ra khỏi chính mình và đi vào thế giới của anh chị em của mình, để biết được những gì họ đang cần và đến xin, đến tìm và đến gõ vào cửa lòng của Thiên Chúa cho họ. Cấu trúc của lời cầu nguyện cầu xin của hoàng hậu Étte có bốn yếu tố sau:

Thứ nhất, nhận thức Thiên Chúa là ai và mình là ai trước mặt Ngài. Hoàng hậu Étte đến với Chúa và kêu lên rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài” (Et 17:17l). Điều quan trọng đầu tiên trong cầu nguyện chính là: ý thức được mình là ai trước mặt Chúa. Trong các cuộc đối thoại hằng ngày, cách thức xưng hô, ngôn ngữ sử dụng và thái độ đối thoại tuỳ thuộc vào căn tính của người chúng ta đang đối thoại là ai: khi nói chuyện với một người có địa vị trong xã hội hoặc Giáo Hội, thì cách thức xưng hô, ngôn ngữ sử dụng và thái độ khi nói chuyện của chúng ta sẽ khác với khi nói chuyện với một người bạn đồng trang lứa. Khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ đối thoại với một người có địa vị trong xã hội hoặc Giáo Hội, cũng không chỉ là một người bạn, nhưng là Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ và yêu mến trên hết mọi sự. Vì vậy, cách xưng hô, ngôn ngữ sử dụng và thái độ của chúng ta phải tôn kính nhưng thân thiện.

Thứ hai, nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện. Hoàng hậu Étte đã nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa đã làm cho dân Israel như sau: “Lạy Chúa, trong chi tộc của cha ông, từ khi lọt lòng mẹ, con từng được nghe biết là chính Ngài đã chọn Israel giữa muôn ngàn dân tộc, đã tuyển chọn cha ông chúng con giữa mọi bậc tiền bối của các ngài để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài. Ngài thực hiện cho cha ông chúng con mọi điều Ngài đã hứa” (Et 17:17m). Việc nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện không nhằm mục đích “lấy lòng” hoặc “khen Thiên Chúa,” nhưng là để tăng thêm niềm tin cho chúng ta, vì khi nhớ lại những kỳ công Chúa đã thực hiện, giúp chúng ta nhận ra bàn tay yêu thương của Ngài luôn hướng dẫn lịch sử của thế giới và của từng người trong chúng ta. Ngài luôn trung thành với lời hứa của Ngài là giải thoát chúng ta khỏi tay kẻ thù, nhất là kẻ thù của sự chết và tội lỗi. Nhìn lại lịch sử đời mình, chúng ta không khỏi không kinh ngạc về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Bàn tay Ngài dẫn chúng ta qua nhiều khó khăn thử thách trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta tưởng chừng như không thể tiếp bước, nhưng ơn Chúa luôn tuôn tràn trên chúng ta, và chúng ta tiếp tục bước đi trong niềm tin yêu và hy vọng. Như vậy, một trong những yếu tố cần thiết trong cầu nguyện là “nhớ lại những kỳ công Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của chúng ta.”

Thứ ba, nói với Chúa điều mình muốn kêu xin Ngài. Hoàng hậu Étte trải lòng mình ra với Chúa để xin Ngài ban cho những điều bà cần trong hoàn cảnh bà đang gặp phải: “Lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài. Lạy Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền, xin ban cho con lòng dũng cảm, và dạy con biết nói lời êm tai khi phải ra trước mặt loài sư tử. Xin đổi lòng con sư tử ấy để nó căm thù kẻ chống lại chúng con, khiến cho hắn và quân đồng loã phải tiêu diệt hoàn toàn” (Et 17:17r-17s). Chúng ta thấy đây cũng là ví dụ cụ thể của việc cầu nguyện “không nhiều lời” như Chúa Giêsu đã khuyến cáo các môn đệ. Hoàng hậu Étte trình bày cách khẩn thiết điều mình thật sự cần để đối diện với khó khăn bà đang gặp phải. Bà không xin hơn những gì bà cần. Bà chỉ xin ba điều cần thiết: hai điều cho bà là “lòng dũng cảm” và “biết nói lời êm tai” và một điều cho “người khác” là sự thay đổi cõi lòng [từ thù ghét đến yêu thương]. Trong ba điều hoàng hậu Étte xin, chúng ta cần xin “biết nói lời êm tai.” Nhiều khi chúng ta xin lòng dũng cảm để “chống lại” người khác hoặc xin Chúa biến đổi người khác [còn chính mình thì không thay đổi]. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng “biết nói lời êm tai” [lời tế nhị hoà nhã], thì có lẽ các mối tương quan của chúng ta không bị sứt mẻ. Hãy xin cho “biết nói lời êm tai” trong mọi hoàn cảnh.

Thứ tư, nhận thức sự bất lực của mình và tin cậy vào Chúa. Hoàng hậu Étte nhận ra rằng bà không còn nơi đâu để nương tựa và chỉ một mình Đức Chúa mới có thể cứu dân, nên bà liền tìm đến nương ẩn bên Ngài: “Thần dân Ngài, xin Ngài giải thoát. Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!” (Et 17:17t). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng rơi vào tình trạng “cô đơn” [đúng hơn là “cô thế cô thân”], không ai đứng về phía mình, không ai hiểu mình như hoàng hậu Étte. Chúng ta hãy học nơi hoàng hậu Étte, chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới tìm được sự chở che và niềm vui, vì dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì Ta không bao giờ bỏ rơi con (x. Tv 27:10; Is 49:15; Ge 31:20).

Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói đến đời sống cầu nguyện. Thánh Mátthêu chỉ ra cho chúng ta ba điều cần thực hiện trong cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7-8). Trước tiên, trong cầu nguyện chúng ta phải xin gì? Chúng ta xin những điều mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ trong lời Kinh Lạy Cha (x. Mt 6:9-13). Chúng ta tìm gì trong cầu nguyện? Chúng ta tìm trước hết Nước Trời và sự công chính. Còn những thứ khác sẽ được ban cho chúng ta sau. Cuối cùng, chúng ta gõ cửa gì? Chúng ta gõ cửa lòng Chúa, cửa nhà của “Người Bạn” trong đêm khuya, để trình bày cho Ngài điều chúng ta xin và tìm. Khi chúng ta thực hiện những điều này, chắc chắn Chúa sẽ nhận lời chúng ta. Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh từ kinh nghiệm thường ngày để bảo đảm với các môn đệ rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe và ban cho họ những điều họ cầu xin trong cầu nguyện: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt 7:9-11). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ rằng nếu là con người mà biết phân biệt để cho con cái của mình những thứ hữu ích, thì Thiên Chúa là Cha, Đấng thấu suốt mọi điều con cái cần lại không ban cho con cái mình. Ngài không chỉ ban cho con cái điều chúng xin, mà ban cho chúng những điều tốt đẹp nhất.

Chúa Giêsu kết thúc lời dạy cho các môn đệ bằng việc đặt trước mặt họ Thước Vàng: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12). Đây chính là bản tóm tắt của những gì Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ, trước khi kết thúc với những lời chúc lành và chúc dữ mang tính giao ước. Qua Thước Vàng này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài thực thi việc bác ái cho người khác giống như họ muốn người khác làm cho mình. Người môn đệ của Chúa Giêsu luôn phải là người đi tiên phong trong việc bác ái, trong những hành động yêu thương, tha thứ và cảm thông. Tất cả mọi luật và lời dạy của các ngôn sứ cũng chỉ là những hướng dẫn chúng ta trên con đường mến Chúa, yêu người.

***************

THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY

HÃY SỐNG HOÀ THUẬN VỚI MỌI NGƯỜI

(Ed 18:21-28; Mt 5:20-26)

Khi một người làm chúng ta tổn thương và đến để xin lỗi, chúng ta sẽ tỏ thái độ như thế nào? Chắc chắn, một số ít đã tha thứ trước khi họ đến xin lỗi; một số ít tha thứ ngay lúc đó mà không cần nói gì hơn; đa số thì tha thứ sau khi “giảng” cho người đó một bài; và một số ít sẽ không tha thứ. Chúng ta thuộc loại nào trong những loại trên?

Thực tế trong đời dạy chúng ta rằng: Con người thường dựa vào “một chuỗi” sự kiện tốt để đánh giá một con người là tốt; nhưng chỉ dựa vào “một” sự kiện xấu để đánh giá một con người là xấu. Thật khó để “được tiếng tốt,” nhưng thật dễ để “mang tiếng xấu.” Khi đã mang tiếng xấu thì chúng ta mang nó đến muôn đời dù chúng ta đã thay đổi, đã sám hối. Nói cách cụ thể, chúng ta thường có khuynh hướng “đóng khung” người khác trong những cái thùng mà chúng ta đã có sẵn. Dù người đó có thay đổi thế nào, thì cũng chỉ nằm trong cái khung chúng ta đưa ra để đánh giá họ. Thái độ này hoàn toàn khác biệt với thái độ của Thiên Chúa khi đối xử với chúng ta. Ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc 1 hôm nay đưa ra cho chúng ta thái độ của Thiên Chúa khi đối xử với người gian ác từ bỏ mọi tội lỗi trở lại và người công chính từ bỏ đường công chính. Thái độ của Thiên Chúa trong hai trường hợp trên là niềm an ủi cho tội nhân, nhưng lại là lời cảnh cáo cho những người công chính thánh thiện.

Niềm an ủi cho tội nhân: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh” (Ed 18:21-22). Trong hai câu này, điểm khác biệt trong thái độ của chúng ta với Thiên Chúa khi một tội nhân trở về được diễn tả trong câu 22, đó là, Thiên Chúa không còn nhớ đến mọi tội phản nghịch của tội nhân, còn chúng ta thì vẫn giữ trong lòng. Vì vậy, chúng ta thường nghe nói: tôi tha thứ cho bạn nhưng tôi không thể quên điều [tổn thương] bạn đã làm cho tôi. Khi tha thứ cho người khác, chúng ta cũng hãy quên đi vết thương người khác đã làm cho chúng ta. Tha thứ là “khởi đầu mới”!

Lời cảnh báo cho người công chính: “Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết” (Ed 18:24). Trọng tâm của lời cảnh báo nằm ở việc khi người công chính từ bỏ lẽ công chính mà theo đường lối gian ác thì “tất cả những việc công chính nó đã thực hiện sẽ không còn được nhắc đến.” Điều này làm cho chúng ta phải thay đổi lối suy nghĩ của chúng ta khi làm việc tốt. Chúng ta thường nói với nhau: “làm việc tốt để tích đức [cho con cháu].” Điều này không có gì sai. Nhưng lời Chúa qua miệng Ngôn sứ Êdêkien nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta chỉ “tích đức” khi chúng ta trung thành trong việc tốt. Nói cách khác, chúng ta chỉ được gọi là người công chính khi chúng ta kiên định, không thay đổi trong việc tốt.

Thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân ăn năn trở lại và với người công chính chạy theo đường lối gian tà thiết lập tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta. Đây chính là bối cảnh giúp chúng ta hiểu và đào sâu bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của việc Chúa Giêsu thiết lập một nền luân lý mới (Mt 5:17-48) bao gồm sáu luận đề: nóng giận, ngoại tình, ly dị, thề hứa, trả thù và yêu thương kẻ thù. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày về luận đề thứ nhất, đó là nóng giận. Nền luân lý này “cao hơn” nền luân lý tìm thấy trong Cựu Ước. Chúng ta nhận ra điều này trong lời kêu gọi của Chúa Giêsu là chúng ta phải ăn ở “công chính hơn” các kinh sư và người Pharisêu để được vào Nước Trời. Điều này không có nghĩa là bãi bỏ nền luân lý cũ, nhưng là “kiện toàn nó,” đem nó lên một cấp độ cao hơn.

Phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta điều kiện cần thiết để vào Nước Trời: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Trong phần kế tiếp, Chúa Giêsu giải thích việc “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu.” Ngài muốn các môn đệ vượt ra khỏi lối suy nghĩ của Mười Điều Răn là “tránh phạm tội” để đi đến lối suy nghĩ “làm việc tốt” để sống hoà hợp với người khác. Ngài muốn đưa chúng ta về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra điều này trong lối dùng từ tương phản của Chúa Giêsu: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng” (Mt 5:21) và “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5:22). Ngài áp dụng điều này vào trường hợp nóng giận. Khi dùng lối diễn tả này, Thánh Mátthêu muốn trình bày việc Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật. Lối giải thích luật theo truyền thống dù không sai nhưng không đủ. Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta về lại với thế giới nội tâm, nơi mọi sự tốt và xấu xuất phát.

Theo luật cũ, người đáng bị đưa ra toà là người giết người (x. Mt 5:21). Còn Chúa Giêsu đi xa hơn bằng cách đưa chúng ta trở về với nguyên nhân của việc giết người, đó là nóng giận và nói những lời không hay không đẹp về anh chị em của mình: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:22). Cuộc sống thường ngày chứng minh cho chúng ta điều này. Mọi đổ vỡ trong đời sống tương quan của chúng ta đều có nguyên nhân từ nóng giận và nói những lời khiếm nhã, thiếu tế nhị với người khác. Hãy cẩn thận trong lời nói, vì trong ý định của Thiên Chúa, lời nói của chúng ta nhằm để mạc khải Đức Giêsu, Đấng là Lời của Chúa Cha.

Chi tiết cuối cùng chúng ta suy gẫm là tương quan giữa việc dâng lễ vật và làm hoà với anh chị em của mình khi có bất bình với họ. Chi tiết đầu tiên mà chúng ta lưu ý là việc “dâng lễ trước bàn thờ” (Mt 5:23). Theo các học giả Kinh Thánh, chi tiết này giả định rằng đền thờ Giêrusalem vẫn đang còn đứng vững, nghĩa là, chi tiết này cho thấy sự kiện xảy ra trước năm 70. Trong sự kiện này, Chúa Giêsu không chống lại việc dâng lễ vật trong đền thờ Giêrusalem. Ngài muốn của lễ phải được dâng lên cho Thiên Chúa. Nhưng Ngài chỉ ra điều kiện cần thiết để của lễ chúng ta dâng được Thiên Chúa chấp nhận, đó là, chúng ta phải làm hòa với anh chị em của mình trước khi dâng lễ vật (Mt 5:24). Nói cách khác, lễ vật chúng ta dâng lên Thiên Chúa phải đến từ con tim đầy yêu thương và tha thứ. Tóm lại, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất không phải chỉ là việc tham dự những việc phụng tự, nhưng là hành vi tha thứ, quan tâm và chăm sóc anh chị em của chúng ta.

**************

THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY

HÃY MÃI THUỘC VỀ CHÚA!

(Đnl 26:16-19; Mt 5:43-48)

Ai trong chúng ta cũng đã từng ký hợp đồng khi đi làm việc. Những người lập gia đình thì “ký hợp đồng với nhau” trong ngày cưới. Còn những người đi tu thì “ký hợp đồng với Chúa” trong ngày tuyên khấn hoặc chịu chức. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe việc ký kết “hợp đồng” giữa Thiên Chúa và dân Israel. Giống như tất cả các bản hợp đồng khác, hợp đồng giữa Thiên Chúa và dân Israel cũng gồm có những điều kiện mà hai bên phải thực hiện, đồng thời những lợi ích mà hai bên sẽ hưởng.

Bản “hợp đồng” giữa Thiên Chúa và dân Israel bắt đầu với những lời khuyến dụ chân thành rằng dân Israel phải đem ra thực hành tất cả những điều kiện trong bản “hợp đồng”: “Hôm nay, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, truyền cho anh em đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy” (Đnl 26:16). Một bản hợp đồng bị phá huỷ là bản hợp đồng được ký kết nhưng không được thực hiện. Thiên Chúa nhắc nhở dân Israel lưu tâm điều này vì Ngài biết họ là “dân cứng cổ cứng đầu” (x. Xh 32:9).

Phần kế tiếp của bài đọc 1 trình bày nội dung hay điều kiện của hai bên: về phía Thiên Chúa, Ngài sẽ là Thiên Chúa của dân Israel; còn về phía dân Israel, họ “phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người” (Đnl 26:17). Chúng ta thấy có ba điều kiện mà dân Israel phải thực hiện; và ba điều kiện này được diễn tả trong ba động từ [hay ba hành động]: đi theo, tuân giữ và nghe tiếng Thiên Chúa. Đây cũng chính là ba hành động mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài và mỗi người chúng ta thực hiện trong từng giây phút sống. Trong ba hành động này, hai hành động sau hiện thực hoá hành động đầu: Dấu hiệu một người đi theo đường lối Thiên Chúa là tuân giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh và quyết định của Ngài và nghe tiếng Ngài. Nói cách khác, người đi theo Thiên Chúa là người lắng nghe và tuân giữ [đem ra thực hành] lời của Ngài.

Bản hợp đồng kết thúc với lợi ích mà dân Israel sẽ nhận được khi họ thực hiện các điều kiện của hợp đồng; đó là, Thiên Chúa “sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như Người đã phán” (Đnl 26:19). Chúng ta thấy trong bản hợp đồng này không nói đến lợi ích về phía Thiên Chúa. Như vậy, bản hợp đồng này xét về phía lợi ích thì nó chỉ có một chiều. Đây là điều chúng ta cảm nghiệm trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa như ân ban. Đôi khi chúng ta làm được một vài việc tốt và chúng ta nói là làm để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng xét lại chúng ta thấy vinh quang đó được gán cho mình nhiều hơn. Có mấy người trong chúng ta tôn vinh Thiên Chúa khi một người thân hoặc một người khác thành công! Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta tôn vinh người đó nhiều hơn và cảm thấy hãnh diện về họ, còn Thiên Chúa thì bị lãng quên.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy những điều kiện trong bản hợp đồng của Thiên Chúa và dân Israel trong bài đọc 1 được thay đổi bằng những điều kiện mà Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ của Ngài, là dân Israel mới. Chúng ta tìm thấy sự tương phản giữa hai bản điều kiện được diễn ta trong những từ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng” và “còn Thầy, Thầy bảo anh em.” Thánh Mátthêu cho chúng ta hay rằng điều kiện chính của hai bản hợp đồng là yêu thương, nhất là yêu thương người khác: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:43-44). Tuy nhiên, một chi tiết mới được đưa vào trong bản hợp đồng mới, đó là, điểm quy chiếu hay tiêu chuẩn của yêu thương.

Theo Chúa Giêsu, tiêu chuẩn của yêu thương chính là Thiên Chúa, chứ không phải con người. Sự hoàn thiện trong tình yêu mà chúng ta phải đạt đến chính là sự hoàn thiện có tiêu chuẩn là Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Ở đây, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta kết quả của việc thực hành ba điều kiện của bản hợp đồng: đi theo, tuân giữ và lắng nghe Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên như Thiên Chúa. Nếu chúng ta chưa trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa mỗi ngày, thì biết rằng chúng ta đang có vấn đề trong việc thực hành ba điều kiện trên: có thể chúng ta không đi theo nên không tuân giữ và lắng nghe; cũng có thể chúng ta đi theo nhưng không tuân giữ và lắng nghe; và cũng có thể chúng ta không lắng nghe nên không đi theo và tuân giữ. Hãy tìm cách chữa trị thích hợp khi khám phá ra căn bệnh của mình!

Điểm thứ hai làm chúng ta suy gẫm là lợi ích mà các môn đệ được lợi từ bản hợp đồng. Trong bản hợp đồng cũ, dân Israel chỉ được trổi vượt mọi dân tộc và trở thành “thần dân” của Thiên Chúa. Còn trong bản hợp đồng mới, Dân Israel mới sẽ trở nên con cái Thiên Chúa: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5:45). Tuy nhiên, để được lợi ích này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ của Ngài rằng: khi đã đi theo Ngài, đã ký hợp đồng với Ngài thì hành động và lối sống của họ cũng phải khác với những người khác: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Điều này cảnh tỉnh chúng ta về lối sống và cách hành xử của mình. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi sống đúng với căn tính là con cái của Thiên Chúa. Nếu là một Kitô hữu, hãy là một Kitô hữu tốt và lương thiện; còn nếu là một người thánh hiến cho Thiên Chúa, hãy là một người thánh thiện. Đừng bắt chước lối sống của người khác để rồi không còn sống như mình được Thiên Chúa mời gọi để sống.