Các bài suy niệm trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh

228

NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

(KÍNH THÁNH STÊPHANÔ – 26/12)

Lời Chúa: Cv 6, 8-10; 7, 54-60

Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô.

Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Suy niệm:

Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.

Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu.

Người làm chứng đã trở thành người tử đạo.

Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),

đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).

Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9).

Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông.

Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12).

Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7).

Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.

Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo,

khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15).

Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa.

Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu.

Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56).

Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy.

“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”

Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người,

một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân.

Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa.

Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành.

Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58).

Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).

Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại

với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu.

Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung.

Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện.

Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha:

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).

Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:

“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59).

Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài,

như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha.

Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết,

Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông.

Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình.

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).

Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi.

Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần.

Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.

Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng.

Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình.

Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết,

chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp : con đường nghèo khó và khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

********************

NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

(KÍNH THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ – 27/12)

Phúc Âm: Ga 20, 2-8

Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.

Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.

Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

Suy niệm

LÒNG MẾN GIÚP DỄ DÀNG NHẬN RA CHÚA

Theo truyền thống, phong tục Việt Nam, thì khi có người thân qua đời, sau khi đã lo liệu việc chôn cất xong, khoảng hôm sau hay những ngày kế tiếp… tùy mỗi nơi, họ thường hay có tục ra nghĩa địa viếng mộ để bày tỏ niềm thương tiếc, nhớ nhung người đã khuất.

Ngày xưa tại đất nước Palestine cũng có phong tục đó. Tuy nhiên, họ để ba ngày mới ra viếng mộ. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi thấy sự kiện Maria Mađalêna ra viếng mộ Chúa từ tờ mờ sáng. Bà đến sớm là vì nóng lòng chờ đợi từng giây phút để được đến với Chúa.

Tuy nhiên, điều mà Maria Mađalêna ngỡ ngàng là thấy phiến đá lấp cửa mồ đã được lăn ra khỏi mộ… và khi nhìn vào thì không thấy xác Chúa đâu cả…Trong tâm trí của bà lúc này là: đã có ai đó lấy cắp xác Chúa…???

Sau đó, Maria Mađalêna  vội về nhà báo tin cho các Tông đồ biết sự việc lạ lùng này… Gioan và Tông đồ trưởng Phêrô đã chạy đến mộ để phục kích tận mặt xem thực hư thế nào. Khi tới nơi, Tông đồ trưởng chỉ thấy ngỡ ngàng và chưa thể đoán được sự việc ra sao! Nhưng Tông đồ Gioan thì biết, ông đã thấy và đã tin, vì ngài nhớ lại lời Đức Giêsu đã loan báo trước đó là: “ngày thứ ba sẽ sống lại…”.

Điều mà chúng ta cần khám phá nội dung tiềm ẩn hay chủ đạo trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hai chữ: “Lòng mến”. Vì yêu mến Chúa tha thiết, nên Maria Mađalêna  đã đến mồ từ tảng sáng của ngày thứ nhất trong tuần. Vì yêu, nên Tông đồ Gioan cũng nhận ra Chúa đã sống lại một cách chắc chắn. Ngài cũng là người đầu tiên hiểu và tin vào việc này. Sau này chúng ta còn thấy Gioan đã nhận ra Chúa trước tiên trên bãi biển trước hết…

Như vậy, chính tình yêu đã nối kết lòng với lòng. Tình yêu đã lý giải những chuyện phi thường và mầu nhiệm cách dễ dàng. Ngôn ngữ tình yêu là ngôn ngữ của tấm lòng…

Vậy Gioan là ai? Thưa ngài là một trong những người con ông Dêbêđê, có thể ngài là bà con họ hàng với Đức Giêsu, là em của Giacôbê, làm nghề đánh cá trên biển. Ngài cũng là một trong ba Tông đồ được Đức Giêsu tỏ mình cách đặc biệt trong cuộc thần hiện trên núi Tabor. Và, ngài còn là một con người được biết đến với tính khí nóng nảy, tham vọng, nhưng cũng là người dũng cảm.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: tình yêu là ngôn ngữ không lời để hiểu và đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu được những điều kín nhiệm trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Cũng chỉ có tình yêu mới lý giải được những nghịch lý của Tin Mừng. Như vậy, nhờ tình yêu mà chúng ta thêm sự trung tín, can đảm, trung thành.

Mừng lễ thánh Gioan Tông đồ hôm nay, chúng ta hãy noi gương ngài: yêu mến Thiên Chúa tha thiết; sẵn sàng sống chết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình; hãy yêu rồi làm gì thì làm. Chỉ có tình yêu mới làm cho những việc chúng ta nói và làm có giá trị mà thôi…

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cháy lửa yêu mến Chúa như thánh Gioan khi xưa. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

************************

NGÀY IV TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

(KÍNH CÁC THÁNH ANH HÀI – 28/12)

Tin Mừng: Mt 2,13-18

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm Lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

SUY NIỆM

Hòa trong bầu khí vui mừng của những ngày mừng lễ giáng sinh, nhưng hình như sự trầm buồn vẫn len lỏi đâu đó. Trầm buồn không bởi Con Thiên Chúa bị khướt từ xua đuổi; cũng không do việc Con Thiên Chúa sinh hạ nơi hang đá thấp hèn, cũng không hẳn vì gia đình thánh gia phải chốn chạy lưu lạc nơi đất khách quê người. Nhưng nổi buồn hơn hết phải nói đến đó là bao trẻ thơ vô tội đã bị sát hại dưới bàn tay độc ác của bạo chúa Hêrôđê.

Nguyên nhân nào đưa đến những cái chết thương tâm của những hài nhi vô tội. Có hai nguyên nhân chính:

– Nguyên nhân thứ nhất: Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, thì các nhà đạo sĩ phương đông nhìn thấy ánh sao lạ. Đoán biết Đức vua dân Do Thái xuất hiện nên các ngài đã lên đường tìm tới Bêlem để thờ lạy. Sau khi dâng lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược, các ngài được mộng báo trở về quê hương bằng con đường khác, không trở lại báo tin cho Vua Hêrôđê biết về nơi chốn hạ sinh của Hài Nhi Giêsu như thỏa thuận trước đó. Biết mình bị lừa nên nhà vua rất tức giận.

– Nguyên nhân thứ hai: Bởi lẽ theo các thượng tế và kinh sư là những chuyên gia sử sách, thì vị lãnh tụ chăn dắt Israel phải sinh ra tại Bêlem, miền đất Giuđa. Nay vị lãnh tụ được sử sách nói đến đã xuất hiện. Nhà vua lo sợ mất ngai vàng nên quyết định ra lệnh sát hại các trẻ em từ hai tuổi trở xuống tại Be6lem cũng như các vùng phụ cận với hy vọng trong đó có cả Hài Nhi Giêsu. Thế là bao tiếng khóc than thảm thiết của những bà mẹ vang lên làm nao động lòng người.

Nếu ngày xưa vì tức giận, sợ mất quyền lực mà vua Hêrôđê đã nhẫn tâm giết chết bao hài nhi vô tội để lại bao tiếng ai oán. Thì ngày nay thay vì quyền sống, sự bình đẳng và phẩm giá con người phải được đề cao. Thế mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi hàng năm có biết bao là trẻ em vô tội bị giết chết do sự độc ác của những Hêrôđê thời đại. Thật là một điều đáng buồn!

Báo Pháp Luật đăng vào thứ ba ngày 26/09/ 2017. GS Ngọc Phượng cho hay, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.

Dân gian thường nói: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy mà chính cha mẹ chỉ vì ích kỷ, chỉ vì ham hố địa vị mà đánh mất nhân phẩm, mờ mắt lương tri, giết chết chính con cái mình, thua loài lang sói. Đó là  một hành động vô đạo, bất nhân. Hơn nữa, giết một đứa trẻ không có khả năng tự vệ là một hành động bỉ ổi, hèn nhát.

Theo Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, kẻ nào phá thai thì còn dã man tàn bạo hơn cả vua Hêrôđê. Hêrôđê chỉ giết một lần, còn ngày nay người ta kéo dài hành động tàn ác đó khắp nơi. Mỗi ngày có nhiều em nhỏ vô tội bị giết chung quanh chúng ta và giữa chúng ta.

Lễ mừng kính các thánh anh hài tử đạo hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy can đảm bảo vệ sự sống, nhất là những bậc làm cha mẹ hãy trân trọng món quà vô giá là sự sống mà Chúa thương ban. Hãy chăm lo nuôi dưỡng con cái thật chu đáo, hãy quan tâm giáo dục con cái mình trở thành người và người con Chúa thật tốt trước tình trạng xã hội xuống dốc về đạo đức như ngày hôm nay.

Xin các thánh Anh Hài tử đạo vì danh Chúa Giêsu, tha thứ cho những sai lầm của những người có trách nhiệm, nhất là những bậc làm cha mẹ vì đã nhẫn tâm giết hại các ngài.

Lm Seoka

NGÀY V TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH (29/12)

Tin mừng: Lc 2, 22-35

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ísraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ísraen Dân Ngài.” Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. 34Ông Simiôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ísraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Suy niệm: 

Sứ điệp: Cụ già Si-mê-on khao khát được gặp Đấng Cứu Thế. Được ôm Chúa Giêsu vào lòng, cụ cảm thấy mãn nguyện và sẵn sàng ra đi về với Thiên Chúa. Hạnh phúc cao cả nhất của đời người là được gặp Chúa và đón nhận Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cụ già Si-mê-on đã đi gần trọn một cuộc đời, từng trải qua những vui buồn sướng khổ, từng tận hưởng hân hoan hạnh phúc. Nhưng cuộc sống đời này dù có hấp dẫn đến đâu cũng không làm cho cụ được thỏa mãn. Cụ vẫn cảm thấy thiếu, chỉ biết trông đợi Chúa là niềm an ủi duy nhất của đời cụ. Còn gì sung sướng hơn là được gặp Chúa, còn gì hạnh phúc hơn là được bồng ẵm Chúa trên tay. Bấy nhiêu dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, cũng đủ làm cho cụ mãn nguyện hơn cả một đời người đã đi qua. Cụ sẵn sàng ra đi trong bình an, không còn điều gì để luyến tiếc.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa cho con hạnh phúc hơn cụ Si-mê-on rất nhiều. Hằng ngày Chúa cho con được gặp Chúa trong niềm tin, được ôm Chúa vào lòng qua bí tích Thánh Thể, Chúa đồng hành với con mọi nơi mọi lúc. Xin Chúa giúp con cảm nhận hồng ân cao cả này. Cuộc đời này nhiều cám dỗ mời mọc, lắm thứ lôi cuốn hấp dẫn, nhưng lạy Chúa, đó chỉ là những niềm vui giả tạo, những hạnh phúc chóng qua. Tất cả chỉ để lại trong con một sự chán ngấy và càng khơi sâu niềm khát vọng trong con. Chỉ có Chúa mới là niềm hạnh phúc chân thật và lẽ sống của con. Xin Chúa đừng để con lạc đường.

Hôm nay con cầu xin cho những người lớn tuổi, xin Chúa cho các cụ được mãn nguyện trong niềm vui gặp Chúa, được sống tuổi già hạnh phúc và về với Chúa trong bình an. Amen.

Ghi nhớ“Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

***********************

NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH (31/12)

Phúc Âm: Ga 1, 1-18

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.

Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

SUY NIỆM: HÃY TẠ ƠN CHÚA VÌ CHÚA NHÂN TỪ

Theo lẽ tự nhiên, cuối năm, người ta thường hay ngồi lại để tính sổ, thanh toán với nhau những điều cần thiết. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải ngồi lại để tính sổ với Chúa về những điều mình đã làm được, cũng như những điều mình chưa làm được, để tạ ơn và tạ lỗi; để chúc tụng và phó dâng.

Ngồi lại để suy nghĩ về ơn Chúa. Có lẽ đây là dịp để mỗi người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đã ủ ấp trên cuộc đời chúng ta quá nhiều! Tuy nhiên, tình yêu đó có được chúng ta khám phá và làm lan tỏa ra với người khác hay không? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ…!

Mặt khác, thái độ tạ ơn phải luôn thường trực trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: vui buồn, sướng khổ đều có Chúa đồng hành. Thành công, thất bại không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chúa luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là kẻ phản bội.

Tình yêu đó được ví như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, như người mẹ bao bọc che chở con mình. Cả những lúc ta đau buồn thất vọng, thì tình yêu đó càng quyết liệt, thắm thiết hơn. Lúc đó, Ngài thường vác chúng ta lên vai để chúng ta được an toàn.

Khi nhìn về quá khứ, chúng ta thấy tình yêu của Chúa tràn ngập trên chúng ta. Còn nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta phó thác cho Chúa tất cả, vì: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.

Mong sao, mỗi người chúng ta có được niềm tin vào tình thương của Chúa vì Ngài luôn lo lắng cho chúng ta.

Quả thật, người có niềm tin thì luôn cảm thấy: “Có Chúa chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi vào nghỉ. Bên dòng nước trong lành, dẫn tôi về bổ sức”.

Và:

“Dầu qua trong thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài sẵn đó, tôi vững dạ an tâm”.

Lạy Chúa, một năm đã qua và năm mới đang đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con cũng xin tạ lỗi với Chúa vì những bất xứng chúng con đã vô tình, tệ bạc mà quên ơn Chúa. Giờ đây, chúng con xin dâng năm sống mới lên Chúa, để xin Chúa tiếp tục yêu thương, gìn giữ và chúc lành cho chúng con. Amen.

LM. Vinh Sơn Ngọc Biển