Trải nghiệm Mùa Vọng cách trọn vẹn

45

Mùa Vọng vốn không chỉ để cử hành hoặc tưởng niệm mà còn phải được trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta dùng, hoặc nghe cụm từ: “mất nửa đời người!” để diễn tả việc một người chưa trải nghiệm một cách trọn vẹn điều quan trọng, được cho là mang lại sự viên mãn trong cuộc sống.

Cách nói này cũng có thể được áp dụng để diễn tả về các mùa trong năm Phụng vụ của Giáo hội. Giống như các mùa phụng vụ, Mùa Vọng vốn không chỉ để cử hành hoặc tưởng niệm mà còn phải được trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thật vậy, sẽ rất phiếm diện nếu chúng ta chỉ tập trung Mùa Vọng vào việc nhớ lại lời các ngôn sứ loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế; lời kêu gọi chuẩn bị chào đón Vị Thiên Sai; và Đức Giêsu đã đến trần gian 2000 năm trước như thế nào. Đúng hơn, Mùa Vọng còn phải đánh động và giúp chúng ta trở thành những con người thực sự của Mùa Vọng. Do đó, bao lâu chưa trải nghiệm được điều này, thì bấy lâu Mùa Vọng của chúng ta chưa trọn vẹn, và vì thế, có thể nói chúng ta đang “mất nửa đời người!”.

Có 3 cách thế trải nghiệm Mùa Vọng trong cuộc sống hiện tại:

1. Trải nghiệm bóng tối của Mùa Vọng

Vì là những tội nhân được mời gọi trở về với Thiên Chúa bằng đức tin trên một hành trình nhiều khó khăn, Mùa Vọng của chúng ta luôn có đó những bóng tối. Thật vậy, chúng ta trải nghiệm bóng tối của tội lỗi nơi chính mình và trên thế giới; Chúng ta trải nghiệm bóng tối của sự đớn đau và bệnh tật; Chúng ta trải nghiệm bóng tối của việc mình gây tổn thương người khác, cũng như bị tổn thương bởi người khác; Chúng ta trải nghiệm bóng tối của phận người bấp bênh khi chẳng biết mình sẽ chết khi nào và cách nào. Chúng ta trải nghiệm bóng tối khi có thể tự đánh lừa mình, và thậm chí hồ nghi không biết liệu mình có đang đi đúng hướng; hoặc liệu mình có đủ sức để hoàn tất hành trình dẫn tới vương quốc vĩnh cửu hay không.

Hơn nữa, chúng ta trải nghiệm bóng tối của sự mất kiểm soát khi đối diện với những yếu đuối, bất toàn, và đổ vỡ của mình. Chúng ta trải nghiệm bóng tối khi nhận thức rằng, chẳng có gì thỏa mãn hoàn toàn các khát vọng của chúng ta trong cuộc đời này. Và trên tất cả, chúng ta trải nghiệm bóng tối khi một đàng là lực đẩy hướng chúng ta lên trời cao nhưng đàng khác, là sức hút của những ham muốn ghì kéo chúng ta lại với những thứ trần tục.

Chúng ta phải đối diện và chấp nhận những bóng tối này như một thực tế chẳng thể trốn tránh. Chúng ta chẳng thể che giấu và giả vờ như những bóng tối này không hề tồn tại, hoặc đơn thuần mong nó tan biến như một làn khói. Mùa Vọng mời gọi chúng ta ôm lấy những bóng tối của cuộc đời mình nhưng không bị nó lấn át, vì thực, nếu không trải nghiệm bóng tối này một cách sâu sắc, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra khát khao có được Đức Giêsu, Đấng là Ánh Sáng đến để giải thoát chúng ta.

2. Trải nghiệm sự mong đợi của Mùa Vọng

Khi đối diện và đón nhận bóng tối của Mùa Vọng, chúng ta cũng sống trong niềm tin tưởng và hân hoan chờ đợi Đấng Cứu Độ. Thật thế, chúng ta trải nghiệm niềm hy vọng hân hoan này dựa trên sự chắc chắn về sự tái lâm của Ngài vì xác tín rằng chính nhờ cuộc đời, cuộc tử nạn, và phục sinh của Ngài, mà chúng ta được cứu độ. Vậy thì làm sao Đức Giêsu có thể quên những người mà chính Ngài đã nhập thể và đã hiến trao mạng sống trên thập giá?

Chính niềm tin tưởng này thúc đẩy chúng ta làm chứng cho niềm vui của Đức Chúa, vì bóng tối của Mùa Vọng sẽ không kéo dài mãi mãi: “Ðêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13, 12).

Ngoài ra, niềm mong đợi Mùa Vọng đòi nơi chúng ta một lối sống mới và thánh thiện, hoàn toàn từ bỏ và cự tuyệt với lối sống tội lỗi, “Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13, 12b-13).

3. Trải nghiệm sự tỉnh thức của Mùa Vọng

Không chỉ là chịu đựng bóng tối hoặc mong đợi Đấng Cứu độ vào ngày tận thế, Mùa Vọng còn mời gọi chúng ta chú ý đến nhiều cách thế mà Đấng Cứu Thế đang hiện diện ta và đang hoạt động để cứu độ chúng ta. Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23) luôn đến với chúng ta trong từng khoảnh khắc qua ân sủng cứu độ.

Trong Tin Mừng Mt 24, 37-44, Đức Giêsu đã dùng ví dụ về những người thời ông Noe để nhấn mạnh sự cần thiết phải tỉnh thức để có thể nhận ra ân sủng cứu độ Thiên Chúa. Chúng ta được nhắc nhớ rằng con tàu của Noe đã được đóng xong trước khi trận lụt hồng thủy ập đến, nhưng những người thời đó đã không tỉnh thức, không cảnh giác, và không nhạy bén đủ để nhận ra con tàu hồng phúc đang ở ngay trước mặt họ. Thật sự, người ta đã quá bận rộn với việc ăn uống, cưới hỏi, bán buôn… để có thể cho mình một cơ hội tìm hiểu về sự xuất hiện và ý nghĩa sâu xa của chiếc tàu.

Ngày nay, chúng ta cũng phải mở đôi mắt tâm hồn để có thể nhận ra ân sủng cứu độ Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất. Từ đó, chúng ta biết mở rộng con tim để đón nhận những ân phúc này với niềm tin cậy và biết ơn. Để làm được như vậy, chúng ta cần “mặc lấy Đức Giêsu Kitô” (x. Rm 13, 11-14), Đấng luôn đến bên và khoác cho chúng ta chiếc áo trung thành của chính Người với Chúa Cha và làm cho chúng ta xứng đáng được ở với Người trong vinh quang.

Đức Kitô đến với chúng ta mọi lúc – trong cầu nguyện, trong các bí tích, trong sự gặp gỡ người khác, trong các biến cố cuộc sống, trong các bổn phận của bậc sống, … Mùa Vọng là thời gian để chúng ta mài dũa khả năng của mình để nhận ra Người, chào đón Người, và đáp lại những ân sủng của Người, nhờ đó, chúng ta chuẩn bị để chào đón cuộc tái lâm của Người.

Thật thế, sống tinh thần Mùa Vọng chúng ta không chỉ cử hành hay tưởng niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giêsu, mà còn dành thời gian để suy tư và trải nghiệm mầu nhiệm ấy một cách sâu sắc theo cách thức để mình được biến đổi. Nếu chúng ta bắt đầu cho phép mình được thấm nhuần và cảm hoá bởi những gì chúng ta cử hành, thì toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ là một Mùa Vọng kéo dài, hướng chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Nếu toàn bộ cuộc sống của chúng ta trở thành hiện thân của Mùa Vọng, chúng ta có thể từ khước những lời hứa hão huyền và trống rỗng của thế gian này; chúng ta có thể vượt thắng những khó khăn, thử thách trong hiện tại, trở thánh chứng nhân đáng tin đối với Đức Giêsu; và chúng ta có thể sống từng ngày với niềm hy vọng vững vàng, khát khao mãnh liệt được kết hợp trọn vẹn và vĩnh viễn với Thiên Chúa.

Bầu khí trang nghiêm, sâu lắng, và khiêm tốn của Phụng vụ Mùa Vọng phải giúp chúng ta vượt lên trên những vướng bận, lo toan, xáo trộn bên ngoài để lấp đầy tâm hồn bằng ân sủng. Nhờ đó, chúng ta có thể kiên trì ôm lấy những bóng tối cuộc đời, tỉnh thức đón chào Đức Giêsu trong cuộc sống hàng ngày, và tin tưởng hân hoan trông đợi ngày Người trở lại trong vinh quang.

Được như vậy, là chúng ta trải nghiệm Mùa Vọng của mình một cách trọn vẹn, và đảm bảo rằng, chúng ta không đánh mất một nửa đời mình.

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholicexchange.com (29. 11. 2022)