Các Bài suy niệm trong Tuần 1 Mùa Vọng Năm A

291

Thứ Hai Tuần 1 Mùa Vọng

Tin Mừng:  Mt 8, 5-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”

Suy niệm

CHÚA ƠI, XIN VỀ VỚI CON ĐI

Trong lớp Giáo Lý dự tòng, có một bà năm nay đã gần 80 tuổi xin theo học. Bà góa chồng đã 7 năm.  Từ ngày chồng bà chết, nhiều lần bà muốn theo đạo, nhưng vì nhiều lý do khách quan, bà không thực hiện được tâm nguyện của mình.

Đến nay, thuận lợi, bà xin học đạo để được gia nhập Giáo Hội. Trước khi ban Bí tích Rửa tội cho bà, cha xứ có hỏi: “Bà có ý định theo đạo lâu chưa?”; Bà trả lời: “Khoảng 7 năm”; Cha xứ hỏi tiếp: “Thế bà muốn theo Chúa, nhưng bà có cầu nguyện với Chúa bao giờ không?” Bà nói: “Thưa có”; “Bà cầu nguyện thế nào”; “Thưa Cha, con cầu nguyện rằng: ‘Chúa ơi, xin Chúa về với con đi!’”. Cha xứ tỏ vẻ thán phục niềm tin chân thành và đơn sơ của bà, và ngài đã sẵn lòng Rửa tội cho bà để bà được gia nhập Giáo Hội.

Câu chuyện của bà cụ rất trùng hợp với một nhân vật cũng khá đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là viên sĩ quan, người dân ngoại. Ông là một người ngoại đạo, tức không thuộc về Dothái giáo, nhưng tâm hồn lại có đạo hơn ai hết bởi sự chân thành, đơn sơ nhưng mãnh liệt nơi ông. Vì thế, ông đã được thúc đẩy từ bên trong, nên ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, trong khi những người Dothái lại không nhận ra!

Khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, ông đã đặt niền tin tuyệt đối nơi Ngài, vì thế, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi ông: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”. Ơn thánh của Chúa đã thực sự bén rễ sâu trong tâm hồn người dân ngoại này, vì ông khiêm tốn và sẵn sàng mở lòng để cho ơn thánh của Chúa được tác sinh nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mặc khải về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được dành cho hết mọi người. Vì thế, chúng ta không cất dấu hay để ơn Chúa vào nơi an toàn, mà phải vươn ra đến với hết mọi người, mọi nơi, nhất là những anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Cần tránh lối quan niệm từ lâu: chỉ những người Công Giáo mới được ơn cứu độ! Những người ngoài Giáo Hội không xứng đáng để đón nhận hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa. Tránh sự kỳ thị, phe phái, tôn giáo, văn hóa xã hội, địa vị, nghề nghiệp… để nhận cái hay, cái phải, cái tốt của tha nhân mà noi theo, học hỏi, nếu điều đó phù hợp với đạo lý Tin Mừng. Tránh thái độ hẹp hòi, cục bộ, mặc cảm, yên trí đến bất công, khiến chúng ta đi sai đường lối cứu độ của Thiên Chúa và xa cách tha nhân.

Bước vào Mùa Vọng, mỗi người chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc sống, cách cư xử của mình với anh chị em xung quanh: đã có lần nào vì hẹp hòi mà ta ngăn cản ơn Chúa đến với người khác không? Hay nhiều khi chúng ta không dám dời bỏ chốn an thân, an cư để đến với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, tin tưởng vào Chúa, sống khiêm tốn, quảng đại với tha nhân. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

QUAN TÂM ĐẾN ANH CHỊ EM
(Is 2:1-5; Mt 8:5-11)

Chúng ta có vui khi đến với Chúa không? Thông thường, chúng ta cảm thấy rất vui khi đi dự một sự kiện lớn hoặc gặp gỡ một nhân vật quang trọng, nhưng chúng ta lại không vui khi đến với Chúa. Chúng ta đến với Ngài như một bổn phận (ngay cả những người tu sĩ, là những người khấn hứa là sẽ “yêu Ngài hơn những người khác”). Đôi khi chúng ta còn dửng dưng và đến với Chúa với một con tim thật trống rỗng, không có cảm xúc. Lời đáp ca hôm nay thật xứng hợp đưa chúng ta vào phụng vụ của Mùa Vọng trong “những ngày thường” của tuần sống.

Như chúng ta thường quan niệm, Mùa Vọng là mùa “kỷ niệm” việc Chúa Giêsu đến lần thứ nhất và “chờ đợi” Ngài đến lần thứ hai. Nhưng trong khi chúng ta trông đợi Ngài đến, đâu là thái độ của chúng ta? Theo kinh nghiệm thường ngày, khi chúng ta chờ đợi một ai đó, ban đầu chúng ta rất thích thú, nhưng rồi khi người chúng ta chờ đợi không đến hoặc đến trể, chúng ta từ từ mất kiên nhẫn, khó chịu, nổi giận, thất vọng và bỏ cuộc trong sự buồn bả. Khi chúng ta chờ đợi Chúa, chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng đó: ban đầu chúng ta rất thích thú, nhưng dần dần ngày tháng trôi qua, chúng ta gặp khó khăn, thử thách, thất bại, chúng ta kêu lên Chúa nhưng chẳng thấy Ngài ở đâu hoặc Ngài đến muộn, chúng ta trở nên mất kiên nhẫn và thất vọng. Từ đó cuộc đời chúng ta chỉ là một chuỗi ngày đầy đắng cay và nước mắt.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia tuyên sấm về việc Đức Chúa sẽ quy tụ muôn dân và cho họ được hưởng hoà bình vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Trong những ngày đó, núi Sion sẽ “đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi” (Is 2:2). Cũng trong những ngày đó, dân từ muôn nơi sẽ nói với nhau: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ” (Is 2:3).  Những lời này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến với Chúa. Isaia chỉ ra cho chúng ta biết rằng mục đích đến với Chúa là để được Đức Chúa dạy cho biết đường lối của Ngài để đi theo. Chỉ khi có thái độ như thế, chúng ta mới được hưởng thái bình vì chúng ta biết biến những “dụng chiến tranh” thành “dụng cụ sinh hoa trái”: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2:4). Nói một cách cụ thể, sau mỗi khi đến với Chúa qua đời sống cầu nguyện, chúng ta trở nên những người xây dựng hoà bình. Hệ quả là chúng ta sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Lời đáp ca trong phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết rằng cuộc đời chúng ta là một hành trình đi về nhà Cha trên trời và chúng ta được mời gọi bước đi hành trình đó với niềm vui: “Chúng ta hãy lên đền thánh Chúa với niềm vui.” Tuy nhiên, chúng ta không đi hành trình này một mình. Bên cạnh chúng ta còn có nhiều người chúng ta yêu mến và “chưa yêu mến.” Đây chính là tư tưởng đưa chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay: “Amen, tôi nói cho các ngươi hay, nhiều người sẽ đến từ phương đông và phương tây, và ngồi dự tiệc với Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời” (Mt 8:11).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu trình bày sự kiện Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng. Sự kiện này là một sự đối nghịch quan trọng đi trước việc Chúa Giêsu sẽ chữa lành một người Do Thái theo đúng luật Torah. Đây là sự nếm cảm trước sứ mệnh cho dân ngoại được trình bày vào cuối Tin Mừng (x. Mt 28:19). Câu chuyện này không được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô, nhưng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (7:1-10), và trong một hình thức khác trong Tin Mừng Thánh Gioan (4:46-54). Những chi tiết này cho chúng ta thấy Thánh Mátthêu dựa trên nguồn Q và những nguồn truyền miệng khác để viết lên trình thuật này.

Điều đầu tiên chúng ta suy gẫm là hình ảnh của viên đại đội trưởng. Ông ta là người chỉ huy của 100 người, là một người dân ngoại, có thể đang làm việc cho Hêrôđê Antipas trong thành Caphácnaum. Dù là một người chỉ huy, nhưng ông lại quan tâm đến tất cả những người thuộc quyền của mình, ngay cả một tên đầy tớ (x. Mt 8:6). Hình ảnh viên đại đội trưởng nhắc nhở chúng ta phải quan tâm hết mọi người, nhất là những người bé mọn nhất. Trong đời sống gia đình, cộng đoàn hay giáo xứ, chúng ta sẽ luôn tìm thấy những anh chị em “không quan trọng.” Chúng ta chỉ có thể quan tâm đến họ khi chúng ta nhận ra rằng nếu thiếu những anh chị em đó, gia đình, cộng đoàn hay giáo xứ của chúng ta không hoàn hảo vì thiếu đi một thành phần dù rất nhỏ nhoi.

Điều thứ hai mà chúng ta học được nơi viên đại đội trưởng là thái độ khiêm nhường, thấy mình bất xứng. Khi nghe Chúa Giêsu nói chính Ngài sẽ đến để chữa cho người đầy tớ, viên đại đội trưởng liền đáp lại: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm” (Mt 8:8-9). Qua những lời này, chúng ta thấy viên đại đội trưởng đi từ kinh nghiệm cá nhân thường ngày của mình để đạt đến kinh nghiệm về Thiên Chúa. Ông ta thấy rằng, dù chỉ là con người, khi ông nói một lời thì lập tức mệnh lệnh của ông được thực hiện. Nếu lời của ông đã có uy quyền như thế thì huống gì là lời của Chúa Giêsu. Qua kinh nghiệm của mình, ông tin rằng chỉ cần một lời Chúa Giêsu nói thì mọi sự sẽ xảy ra như thế. Niềm tin của ông đến từ kinh nghiệm sống hằng ngày. Điều này nói cho chúng ta biết rằng những sự kiện xảy ra trong đời sống thường ngày là cơ hội để đạt đến Thiên Chúa, để lớn lên trong đức tin. Ước gì chúng ta không để bất kỳ kinh nghiệm sống nào qua đi mà không đưa chúng ta đến gần Chúa hơn.

Lời khen của Chúa Giêsu dành cho viên đại đội trưởng đáng để chúng ta suy gẫm: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8:10-11). Trong lời khen này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng không phải những người được tuyển chọn [dân Israel] là những người dĩ nhiên sẽ có niềm tin vững chắc vào Chúa. Những người có niềm tin vững chắc vào Chúa là những người biết nhận ra từ kinh nghiệm sống hằng ngày bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đang nâng đỡ họ. Không nhất thiết họ là những người thuộc “dòng dõi được tuyển chọn.” Tình yêu của Thiên Chúa đỗ xuống trên hết mọi người, điều quan trọng là mỗi người có mở lòng để đón nhận không. Hãy ra khỏi lối suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta để nhận ra rằng Thiên Chúa cũng yêu người khác như Ngài yêu mỗi người chúng ta. Như thế, đến lượt mình chúng ta cũng phải yêu người khác như thế.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Thứ Ba Tuần 1 Mùa Vọng

Tin Mừng: Lc 10: 21-24

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.

Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế.

Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự.

Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!”

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe

Suy niệm

XIN CHÚC TỤNG CHA

Trong xã hội, người nắm giữ những chức vụ, vai trò liên quan đến tôn giáo, họ được học và am tường Kinh Thánh, Giáo Lý nhiều. Có khi họ am tường hơn cả chúng ta! Tuy nhiên, điều khác biệt chính là họ không có lòng mến và không hề có đức tin, nên họ đọc, học Kinh Thánh, Giáo Lý là để phục vụ cho nghề nghiệp hay vì miếng cơm manh áo chứ không đọc trong tâm tình yêu mến, lắng nghe và thực hành để được sự sống đời đời.

Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu hoan hỷ dâng lời tạ ơn Chúa Cha, Ngài nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ”.

Như vậy, đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của tri thức, địa vị… Vì thế, đức tin không sinh hoa kết quả do lòng kiêu ngạo trong sự ích kỷ, nhưng sẽ đơm bông, kết trái khi gặp được thửa đất tâm hồn đơn sơ, chân thành do lòng yêu mến.

Điều này, chúng ta thấy rất rõ thời Đức Giêsu nơi những người Pharisêu, Luật Sĩ…Họ tưởng mình nắm bắt được mọi sự, nhưng kỳ thực họ phỏng chiếu sự hiểu biết của họ theo nghĩa thuần tục, vì thế, những chân lý, mầu nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa thì họ chẳng hiểu biết gì, ngay kể cả Đấng Cứu Thế họ cũng không biết, thì làm sao hiểu được đường lối của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu!

Muốn hiểu được thánh ý Thiên Chúa, hẳn mỗi người chúng ta, trước mặt Chúa, cần phải khiêm tốn nhận mình là thụ tạo thấp hèn, nếu không muốn nói là kẻ dốt nát, khờ khạo…!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ, khiêm tốn, đơn sơ, chân thành trước mặt Chúa, bởi vì chúng ta thực ra chẳng có gì đáng để tự hào, huyênh hoang cả. Chúng ta có là gì đi chăng nữa thì cũng là do tình thương của Thiên Chúa ban chứ không do công trạng của mình. Bởi vậy, thay vì kiêu ngạo, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã làm cho chúng ta những điều cao trọng, mặc dù chúng ta không xứng đáng.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng, tạ ơn Chúa vì những ân ban cao cả mà Ngài đã ban cho chúng con là những kẻ bé mọn. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

PHÚC CHO CHÚNG TA VÌ ĐƯỢC THẤY CHÚA GIÊSU

(Is 11:1-10; Lc 10:21-24)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta về hình ảnh Đấng sẽ đến từ gốc tổ Giesê. Dấu hiệu để nhận ra Đấng này là có Thần Khí Đức Chúa ngự trên: “thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:2). Với Thần Khí của Đức Chúa, Ngài sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (Is 11:3-5). Trong những lời trên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là việc Đấng đến từ gốc tổ Giesê sẽ không nhìn dáng vẻ bề ngoài hay dựa trên lời nói của người khác để xét đoán một người Ngài dựa vào sự công minh và tình yêu để xét xử. Lời nói của Ngài luôn mang lại điều ngay thẳng và canh tân. Nhìn lại cuộc sống mỗi người, nhiều lần chúng ta cũng dựa vào dáng vẻ bề ngoài hoặc lời nói của anh chị em mình để xét đoán họ. Chúng ta cũng thường dùng lời nói của mình để làm tổn thương người khác. Có câu nói chúng ta thường nghe là: nhìn mặt mà bắt hình dong. Dáng vẻ bề ngoài nay còn mai mất, còn lời nói thì cũng như gió thổi bay. Chỉ có con tim tràn đầy tình yêu và tha thứ mới theo chúng ta đến khi xuống nấm mồ. Hãy sống một cuộc sống bao dung và cảm thông: không xét đoán người khác theo vẻ bề ngoài hay chỉ dựa trên lời nói của người khác.

Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm trong bài đọc 1 là hình ảnh bình an mà Đấng đến từ gốc tổ Giesê sẽ mang lại: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11:6-9). Chúng ta thấy những thú vật thường là kẻ thù của nhau trở thành bạn trong thời của Đấng thiên sai đến. Nói cách khác, sự hiện diện của Ngài mang lại bình an và hiệp nhất cho mọi loài mọi vật. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của mình. Đã bao nhiêu lần trong cuộc sống, sự hiện diện của chúng ta không mang lại bình an và hiệp nhất, nhưng mang lại sự bất an và chia rẽ giữa anh chị em mình.

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh giáo huấn của Chúa Giêsu về sứ vụ truyền giáo. Sau khi được sai đi và hôm nay trở về, các môn đệ kể cho Chúa Giêsu những “chiến công” của mình. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng làm hai phần: phần 1 bao gồm lời “cầu nguyện” của Chúa Giêsu với Chúa Cha, và phần 2 là lời chúc phúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Trong phần 1 (Lc 10:21-22) Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Ngài quy chiếu mọi sự về Chúa Cha. Đứng trước sự thành công của các môn đệ trong sứ vụ, Chúa Giêsu mời gọi các ông trở về nguồn của sứ vụ, đó là Chúa Cha, Đấng sai Ngài đến. Chi tiết đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu “được Thánh Thần tác động.” Đây là một nét đặc trưng trong Tin Mừng Thánh Luca, đó là Chúa Giêsu luôn hoạt động dưới “tác động của Chúa Thánh Thần.” Chi tiết này và lời “cầu nguyện” của Ngài đã mạc khải Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” Chúng ta tự hỏi: “Những điều này” là gì? Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca, chúng ám chỉ đến bản chất của Nước Thiên Chúa, sự hiệp nhất giữa các môn đệ với Chúa Giêsu trong sứ mệnh, và tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Tư tưởng này cũng giống với tư tưởng được trình bày trong Lc 8:10 [người khôn ngoan – trẻ nhỏ], đó là có sự tương phản giữa những người không cần Thiên Chúa và những người bé nhỏ, các môn đệ Chúa Giêsu là những người đến với Chúa với con tim và tâm trí rộng mở. Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại trên? Chỉ có người cần đến Thiên Chúa mới hiểu được những lời sau của Chúa Giêsu: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.” Qua những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ đến [trong bối cảnh Tin Mừng Thánh Luca] sự hiểu biết mà Chúa Con có về Chúa Cha và sự hiểu biết rằng chỉ có mình Chúa Giêsu là Đấng truyền tải sự hiểu biết đó cho các môn đệ. Nói cách cụ thể, nếu chúng ta không đến với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không biết Thiên Chúa là ai!

Phần cuối (Lc 10:23-24) trình bày cho chúng ta về viễn cảnh của thế hệ mới được Chúa Giêsu khởi đầu: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10:23-24). Trong thế hệ mới này, các môn đệ chứng kiến hoạt động sứ vụ của Ngài và chia sẻ trong năng quyền làm điều tốt của Ngài. Viễn cảnh về sứ vụ mà các môn đệ kinh nghiệm, những người lãnh đạo tôn giáo hoặc những nhà lãnh đạo chính trị không thể mang lại. Điều này khuyến cáo chúng ta về việc dựa vào những người nổi tiếng hay quyền lực thế gian cho sứ vụ của mình. Điều họ đem lại cho chúng ta trong sứ vụ chỉ là sự trợ giúp [chủ yếu là về vật chất]. Chỉ có Thiên Chúa mới mang đến cho chúng ta ý nghĩa trọn vẹn của sứ vụ. Không có Thiên Chúa như “khởi đầu và kết thúc” của sứ vụ, những hoạt động tông đồ của chúng ta cũng chỉ là những hoạt động xã hội không hơn không kém, chứ không phải là chia sẻ trong sứ vụ của Chúa Giêsu hoặc được sai đi nhân danh Ngài.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Thứ Tư Tuần 1 Mùa Vọng
(Lễ kính Thánh Anrê)

Tin Mừng: Mt 4, 18-22

Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.  Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Suy niệm:

Như một sự tình cờ, lúc đang đi dọc theo bờ hồ Galilê,
Đức Giêsu thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc.
Hẳn họ đã có lần nghe Ngài giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân.
Đức Giêsu yên lặng nhìn các anh làm việc.
Họ đang quăng lưới bắt cá hay ngồi trong khoang vá lưới với cha.
Cảnh tượng rất đời thường và ấm áp.
Đẹp biết mấy chuyện con người làm việc chung với nhau.
Sau này họ sẽ biết cách làm việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội.

Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy tôi.
Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế ấy.
Cái nhìn của Ngài không làm tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do.
Ngài chấp nhận trọn vẹn con người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối.
Chẳng cần son phấn, tôi thu hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi.
Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi đang mải mê làm một việc gì đó.
Ngài gặp tôi giữa cái vất vả kiếm sống của đời thường.
Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8),
và cũng thật hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy.

Các anh hãy theo tôi”: đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu.
Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Người Do Thái thường tầm sư học đạo,
còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16).
Ngài mời ta đi theo chính con người của Ngài,
chứ không phải theo một lý tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn.
Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới con người.
Một cuộc đổi đời thực sự, từ lưới cá đến lưới con người.
Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của Thiên Chúa.
Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại,
và đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới.

Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha.
Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều xót xa đau đớn.
Biển cả, sóng nước, thuyền bè, lưới cá, người cha, người vợ:
biết bao giá trị phải bỏ lại, những người tôi đã và vẫn còn yêu mến.
Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn.
Chúa không đòi mọi người phải sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình.
Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên Chúa lên trên mọi thụ tạo khác,
là chọn Giêsu trong giây phút hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh.
Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề.
Đời họ đã sang một trang mới.

Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi như một sự tình cờ.
Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi bỏ và đi theo.
Không thấy và gọi, thì cũng chẳng ai từ bỏ và đi theo.
Tiến trình này được lặp lại nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu.
Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

THEO CHÚA GIÊSU TRÊN CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
Thánh Anrê, Tông Đồ
(Rm 10:9-18; Mt 4:18-22)

Thánh Anrê được biết đến như là anh của Thánh Phêrô. Theo Tân Ước, Anrê sinh ra ở làng Bếtxaiđa trên bờ biển Galilê vào thế kỷ thứ nhất. Giống như người em của mình, Anrê cũng là một người đánh cá. Tên Anrê có nghĩa là sức mạnh và được biết đến với những kỹ năng giao tiếp xã hội. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, chúng ta được trình bày là Chúa Giêsu đang đi dọc theo bờ biển Galilê và thấy Anrê và Phêrô đang đánh cá. Ngài gọi hai ông đi theo Ngài và trở thành “kẻ lưới người.” Trong Tin Mừng Thánh Luca, ngay từ đầu Anrê không được nói đến. Thánh Luca cho chúng ta hay chính Chúa Giêsu sử dụng một chiếc thuyền và đó là thuyền của Simon để giảng dạy đám đông. Sau đó Chúa Giêsu truyền cho ông thả lưới bắt cá và bắt được nhiều cá. Sau này, trong Lc 5:7 chúng ta cũng được biết là không chỉ một mình Simon là người đánh cá duy nhất trên thuyền, nhưng có một người khác. Tuy nhiên, cho đến Lc 6:14 chúng ta mới nghe nói đến Anrê là anh của Simon. Còn trong Tin Mừng của Gioan, chúng ta được biết Anrê là một môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan kêu lên: “Đây Chiên Thiên Chúa!” và sau đó Anrê và một người khác quyết định đi theo Chúa Giêsu. Theo truyền thống, Anrê đi giảng Tin Mừng ở quanh vùng biển đen và quanh vùng mà hôm nay chúng ta biết đến là Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Anrê chịu tử đạo bằng việc chịu đóng đinh ở Patras. Thánh nhân bị trói vào thập giá, thay vì bị đóng đinh. Thập giá trên đó thánh nhân chịu đóng đinh có hình chữ X. Người ta tin rằng Anrê thỉnh cầu được đóng đinh theo cách thức đó, bởi vì thánh nhân cho rằng chính mình không xứng đáng để được đóng đinh theo cùng một kiểu thập giá như Chúa Giêsu. Theo gương Thánh Anrê, chúng ta sống một đời sống khiêm nhường, để xứng đáng làm người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng niềm tin sẽ mang lại cho chúng ta ơn cứu độ: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10:9-10). Vì biết đức tin quan trọng cho ơn cứu độ như thế, nên Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Rôma nhiệt thành trong việc loan Tin Mừng cho người khác: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ Isaia đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng? Có chứ! Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Rm 10:15-18). Chúng ta có đáp lại lời mời gọi này như Thánh Anrê để đem Tin Mừng đến cho người khác không?

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người trong chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi bằng những cách thức khác nhau. Tuy nhiên, dù được gọi trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung chúng ta có là Chúa Giêsu đến và gọi khi chúng ta đang “bận rộn lo toan” cho đời sống hằng ngày của mình. Đây chính là điều chúng ta nhận ra trong câu chuyện về những người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu mà Thánh Mátthêu thuật lại hôm nay. Bài Tin Mừng trình bày việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Họ có chung một nghề, đó là đánh cá. Tuy nhiên, Ngài gọi họ trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta cùng phân tích hoàn cảnh Chúa Giêsu gọi các ông để suy gẫm về ơn gọi của chính mình.

Hai người đầu tiên được Chúa Giêsu gọi như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người” (Mt 4:18-20). Chúng ta thấy hai ông được gọi đang khi “quăng chài xuống biển.” Nói cách khác, các ông được gọi đang khi làm công việc mưu sinh hằng ngày của mình. Chúa cũng đến với chúng ta trong lúc chúng ta đang bận rộn với công việc mưu sinh của ngày sống. Liệu chúng ta có mau mắn đáp lại không?

Hai người con của ông Dêbêđê được gọi không phải lúc đánh cá, mà trong lúc đang vá lưới: “Đi một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4:21-22). Chi tiết này cho thấy ngay cả khi không thực hiện công việc chính của mình [đánh cá], nhưng làm những công việc chuẩn bị hay bên lề thì Chúa vẫn đến gọi chúng ta. Chúa không để ý đến việc chúng ta đang làm việc chính hay việc phụ. Điều Chúa mong chờ là chúng ta có đáp trả hay không. Vì vậy, khi theo Chúa đừng quan tâm đến công việc, nhưng cần lưu tâm đến sự đáp trả trọn tâm tình của mình trước lời mời gọi của Chúa.

Chi tiết cuối cùng chúng có thể suy gẫm là việc bốn ông lập tức bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Anrê và Phêrô bỏ kế sinh nhai của mình, Giacôbê và Gioan không chỉ bỏ kế sinh nhai mà còn bỏ mối tương quan ruột thịt của mình để bắt đầu gia nhập một mối tương quan mới trong gia đình mới mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập. Theo Chúa Giêsu là chuyển hướng cuộc sống của mình; theo Chúa Giêsu là bỏ lại sau những lo toan của ngày sống; theo Chúa Giêsu là đón nhận hành trình mà Ngài sẽ đi; theo Chúa Giêsu là không còn giữ lại gì cho chính mình.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Thứ Năm Tuần 1 Mùa Vọng

Tin mừng: Mt 7, 21.24-27

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.

Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.

Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.

Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

Suy niệm

Câu chuyện

Đầu tháng 5/2009, cơn bão Nargis đổ bộ vào châu thổ Irrawaddy của Miến Điện (Myanma) với những cơn lốc xoáy làm nước dâng lên sau bão với mức 3,5 m. Nước tràn vào khu vực đồng bằng làm cho hàng triệu ngôi nhà sụp đổ và gây ra cái chết cho 78.000 người.

Theo Đài BBC, ngày 19 tháng 5/2009, ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Châu thổ Irrawaddy của Miến Điện có nhiều nét tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp các cơn bão mạnh cấp 14 đổ bộ vào, châu thổ rộng lớn này đa số là nhà cửa sơ sài, tạm bợ với những mái tranh, vách đất, không có nhiều các công trình kiên cố như đổ móng, cột bê tông…

Chúng ta muốn xây nhà thì phải có nền móng, cột bê tông để nhà thêm vững chắc, trước phong ba bão tố, lụt lội có thể trụ vững… Cho nên ông bà ta có dạy: “Nhà có nền ắt phải vững” (Tục ngữ).

 Lời khuyên của cha ông về nhà xây trên nền vững đưa chúng ta về với bối cảnh Tin Mừng Mt 7,21-27: “Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát”. Nhà ở đây là tượng trưng cho cuộc đời, tượng trưng cho ý nghĩa nơi nương thân cả cuộc sống trong Chúa. Nếu như ngôi nhà vật chất cần được xây dựng trên nền móng bê tông bền vững như đá tảng để có thể đứng vững trước phong ba bão tố lũ lụt…, thì cuộc sống nhân sinh cũng phải được xây dựng trên nền móng đá vững chắc, nền móng đó là niềm tin, tin vào chính Thiên Chúa. Niềm tin vào Ngài là lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá” (Mt 7,24-25). Nghe lời Thầy đem ra thực hành là tạo nền móng vững chắc cho cuộc sống, vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).

Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta hãy tìm lại Đức Kitô là nơi nương náu, là nền móng để chúng ta xây cuộc đời như Thánh Vịnh đã cất tiếng ca nguyện: “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn” (Tv 30,3b). Xây nhà của kiếp nhân sinh trên đá là khi nghe và sống Lời Chúa, chúng ta hãnh diện xác tín vào Đức Kitô – Đá tảng. Với niềm tin mà chúng ta sống khởi sắc vui tươi. Dựa trên chính Đức Kitô không thể hoài nghi là tiến bước hy vọng trong cuộc đời, không hề thất vọng trước những chờ đợi nơi Thiên Chúa

Xây cuộc sống của kiếp nhân sinh trên đá tảng đó là đứng vững trong đức tin. Tất cả những hoài nghi, ngập ngừng của niềm tin đặt vững vàng trên Đá tảng – Đức Kitô – “Người là  đá tảng vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân” (Tv 62,8).

Chính vì thế, chúng ta đặt nền móng đời của kiếp nhân sinh nơi Đức Kitô như Thánh Phaolô đã dạy: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).

Ý lực sống

“Duy Người là Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,3.7).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

NGHE VÀ THỰC HÀNH ĐIỀU CHÚA GIÊSU DẠY
(Is 26:1-6; Mt 7:21.24-27)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta chứng kiến nhiều người thường ca hát để diễn tả niềm vui của mình. Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta bài ca của những người trong xứ Giuđa, là những người có Thiên Chúa nâng đỡ. Chúng ta nhận ra những yếu tố sau trong bài ca: (1) Chúa luôn bao bọc dân Ngài: “Chúng ta có thành trì vững chắc: Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che” (Is 26:1); (2) cửa thành luôn rộng mở để đón chào mọi người: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa” (Is 26:2); (3) lời khẩn nguyện xin Chúa luôn gìn giữ dân: “Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài” (Is 26:3); và (4) lời mời gọi đặt trọn niềm tin vào Chúa vì Ngài là Núi Đá bền vững ngàn năm: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm, vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất” (Is 26:4-5). Những chi tiết này mời gọi chúng ta hãy biến cuộc đời mình thành bài ca dâng lên Thiên Chúa. Trong bài ca này, chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa luôn là nơi chúng ta ẩn náu và là nơi chúng ta đặt trọn niềm tin. Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta có thể mở rộng cõi lòng của mình để những người chúng ta gặp gỡ có thể đi vào trong con tim của chúng ta để cảm nghiệm ở đó tình yêu dịu hiền của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta về bối cảnh của ngày phán xét cuối cùng trong phần đầu (Mt 7:21-23) và dụ ngôn nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành (Mt 7:24-27). Những lời trong phần 1 đáng làm chúng ta suy gẫm: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi’” (Mt 7:21). Trong những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ Ngài rằng, việc vào Nước Trời không hệ tại việc chỉ tuyên xưng bằng môi bằng miệng, còn lòng thì lại xa Chúa. Điều quan trọng là phải “lắng nghe” và “thi hành” ý muốn của Chúa Cha. Nói cách khác, là sống một đời sống giống như Chúa Giêsu vậy vì Ngài đến không phải để làm theo ý Ngài, mà làm theo ý Đấng đã sai Ngài. Nhìn từ khía cạnh thần học, chúng ta nhận ra rằng mục đích của mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu là sống một cuộc sống như thầy mình, là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Người môn đệ không làm theo ý riêng của mình; người môn đệ cũng không đi theo hành trình mà tự mình vẽ ra. Người môn đệ luôn làm theo ý muốn của Thiên Chúa và đi theo hành trình mà Ngài đã vẽ ra cho mình. Vì người môn đệ biết chắc rằng hành trình mà Thiên Chúa vạch ra cho họ là hành trình đưa họ vào Nước Trời.

Phần hai của bài Tin Mừng cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (6:47-49). Thánh Mátthêu đã biến dụ ngôn này thành dụ ngôn nói về người khôn và người ngu. Với dụ ngôn này, Thánh Mátthêu kết thúc bài giảng trên núi bằng cách quay lại đề tài hai con đường [sống và chết] trong thần học giao ước. Sự tương phản ở đây được phát triển dựa trên một sự song song mang tính phản biện giữa “nghe” và “làm,” và “nghe” và “không làm” [trong khi đó trong câu 21-23 là sự phản biện giữa “nói” và “làm” và “nói” và “không làm”]. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu chỉ ra điều phân biệt người khôn và người ngu hệ tại việc “thực hành”: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7:24-27). Điều cần làm sáng tỏ trong những lời trên là câu: “Vậy ai nghe những lời thấy nói đây…” Những lời nào? Đó là chính bài giảng trên núi như là một loại Torah. Đối với Thánh Mátthêu, làm theo lời dạy của Chúa Giêsu là sự khôn ngoan về cuộc sống. Như vậy, sự không ngoan trong cuộc sống của chúng ta không hệ tại việc học nhiều hay thành công về mặt con người, nhưng hệ tại việc lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành. Sống khôn ngoan hay ngu dại trước mặt Thiên Chúa là chọn lựa có thực hành lời Chúa hay không. Hãy chọn khôn ngoan để được sống!

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Thứ Sáu Tuần 1 Mùa Vọng

Tin Mừng: Mt 9, 27-31

Ðang khi Ðức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Ðức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

Suy niệm:

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 500 ngàn người bị mù hai mắt,

và 900 ngàn người mù một mắt.

Tỉ lệ người mù như thế là cao so với nhiều nước khác.

Bao cố gắng được đưa ra để giảm số người bị mù,

trong đó có việc mổ cho 350 ngàn người mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Người ta hy vọng nhờ đóng góp của các ân nhân,

sẽ có 100 ngàn người nghèo được mổ trong năm 2010.

Hạnh phúc biết bao cho ai lần đầu tiên thấy khuôn mặt người thân,

thấy được màu xanh của lá và phân biệt được sáng với chiều.

Hạnh phúc cho ai lần đầu tiên đi đứng mạnh dạn một mình

mà không cần bàn tay dắt hay cây gậy khua phía trước.

Ở nước Palestin thời xưa cũng có nhiều người mù.

Mù thường bị coi như một hình phạt của Thiên Chúa (Đnl 28, 28-29).

Người mù hẳn là người bị đứng ngoài lề xã hội.

Vào thời y khoa còn kém, người mù phải chịu cảnh tăm tối suốt đời.

Nỗi đau của người mù cũng ảnh hưởng trên cả đất nước.

Chính vì thế khi nói đến thời đại hạnh phúc của Đấng Mêsia,

Isaia nhiều lần nhắc đến chuyện người mù được sáng mắt (Is 35, 5; 42, 7).

Trong bài đọc 1 ta vừa nghe (Is 29, 18), ngôn sứ Isaia viết:

“Mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm, và sẽ được nhìn thấy.”

Được nhìn thấy bằng đôi mắt nghĩa là được mở ra với thế giới bên ngoài.

Tiếp xúc bằng mắt vẫn có cái gì vượt trội hơn tiếp xúc bằng tay hay tai.

Khi chữa lành những người mù và những tật bệnh khác,

Đức Giêsu khai mở thời đại thiên sai (x. Mt 11, 2-6).

Ngài cho thấy Nước Thiên Chúa nay đã đến.

Khi hai anh mù gọi Đức Giêsu là Con vua Đavít (c. 27),

họ nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai.

Bởi thế họ hy vọng Ngài sẽ cho họ quà tặng của thời thiên sai.

“Xin thương xót chúng tôi” là xin đưa chúng tôi ra khỏi cảnh mù lòa.

Đức Giêsu đã muốn chữa hai anh một cách kín đáo, tại nhà của Phêrô.

Ngài không chữa cho họ ngay lập tức, nhưng lại hỏi họ một câu rất lạ:

“Các anh có tin là tôi có thể làm được điều ấy không?” (c. 28).

Chỉ khi họ tuyên xưng niềm tin vào quyền năng của Ngài,

Đức Giêsu mới mở mắt cho họ bằng một lời và một chạm nhẹ (c. 29).

Niềm vui quá lớn khiến họ không giữ được lặng thinh (c. 31).

Giáng Sinh là lễ của Ánh sáng, Ánh sáng ngay giữa đêm đen.

Ơn của Mùa Vọng là ơn thoát ra khỏi cảnh tăm tối mù lòa.

Mù lòa đâu phải chỉ là chuyện của 37 triệu người mù trên thế giới.

Mù lòa về chính mình, mù lòa vì không thấy những Ladarô trước cửa,

mù lòa về chính những người trong gia đình, trong giáo xứ,

mù lòa vì không thấy Chúa vẫn đang hiện diện gần bên,

những mù lòa ấy cũng nguy hiểm không kém và cần được chữa lành.

Xin Giêsu đụng vào mắt tôi để tôi được sáng,

và để tôi giúp người khác cũng được thấy ánh sáng Giêsu.

Cầu nguyện:

 Như người mù ngồi bên vệ đường

xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân

với những yếu đuối và khuyết điểm,

những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con

cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,

thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa

chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường

xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

TIN TƯỞNG VÀO CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
(Is 29:17-24; Mt 9:27-31)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia tiếp tục nói đến ngày mà Đức Chúa sẽ giải thoát dân Ngài khỏi cảnh lưu đày. Trong ngày đó “kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng” (Is 29:18-19). Trong ngày của Đức Chúa, điều kiện sống của những kẽ khốn cùng sẽ được biến đổi. Nói cách khác, khi mọt người để cho Đức Chúa đến với mình, thì cuộc sống của họ sẽ được biến đổi. Bên cạnh đó, ngày của Đức Chúa cũng là ngày xét xử: “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài” (Is 29:20-21). Những lời này khuyến cáo chúng ta về những lần mình “dùng lời nói làm cho người khác bị kết tội,” hay nói cách cụ thể hơn là dùng lời nói để nói không hay không tốt về anh chị em mình. Chúng ta thường nghe nói: lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Trong ngày sống, chúng ta thấy mình và người khác dùng lời nói để tôn vinh Thiên Chúa rồi cũng dùng lời nói để trách Chúa, dùng lời nói để nói tốt cho nhau rồi cũng dùng chính lời nói của mình mà nói xấu nhau. Như vậy, chúng ta có hai chọn lựa: sử dụng lời nói của mình để nói tốt hay nói xấu, để tôn vinh hay kêu trách. Chúng ta sẽ chọn điều gì?

Bài trình thuật trong Tin Mừng hôm nay có mối liên kết chặt chẽ với Mt 20:29-34 và Mc 10:46-52. Ở đây, chúng ta thấy điều quan trọng nhất chính là đức tin. Mỗi phép lạ trong mười phép lạ trong chương 8 và 9 giải quyết một vấn đề khác biệt: phong hủi, nô lệ, sốt, tai ương đến từ thiên nhiên, quỷ ám, bại liệt, chết, băng huyết, mù, câm. Chúng ta thấy ở đây một nỗ lực để bao gồm tất cả mọi vấn đề một cách có hệ thống. Chúa Giêsu được trình bày như người chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, là Đấng đến để hoàn thành lời tiên báo của Isaia 35:4-6. Trong dụ ngôn này, chúng ta nhận ra ý định của Thánh Mátthêu là sử dụng sự mù loà thể lý để nói đến sự mù loà về đời sống thiêng liêng cho các thành viên của cộng đoàn mình. Đây cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về sự mù loà thiêng liêng của mình. Chúng ta cùng nhau học nơi hai người mù hôm nay để xin Chúa chữa chúng ta.

Chi tiết đầu tiên đáng lưu ý là việc Chúa Giêsu “đang trên đường đi.” Khi Ngài đang đi thì “có hai người mù đi theo.” Nếu lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy hành động của hai người mù là hành động của những người môn đệ, đó là “đi theo.” Chi tiết này ám chỉ đến việc mù loà của các môn đệ, những người đi theo Chúa Giêsu mà không nhận ra Ngài. Sự mù loà của họ được biểu lộ qua việc họ kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9:27). Theo các học giả Kinh Thánh, vấn đề ở đây là: Tại sao người chữa lành phải là Con Vua Đavít, bởi vì vua Đavít không có chữa lành ai? Ngày hôm nay chúng ta chỉ có chứng từ nói về việc Solomon được xem như là người chữa lành trong Do Thái Giáo trong thời gian Tân Ước được viết. Như vậy, các môn đệ cũng có sự mù loà về chân tính của Chúa Giêsu chăng?

Trước lời kêu than của họ, Chúa Giêsu không dừng lại để chữa họ mà Ngài tiếp tục hành trình của Ngài. Ngài chỉ bắt đầu tiến trình chữa lành khi “về tới nhà” và khi hai người mù “tiến lại gần.” Hai hành vi này cho thấy một sự nối kết chặt chẽ giữa việc Chúa Giêsu làm và nỗ lực cộng tác của người môn đệ. Hành vi “về tới nhà” của Chúa Giêsu ám chỉ việc Ngài bước vào cõi lòng và cuộc đời chúng ta. Khi Ngài bước vào cuộc đời chúng ta, chúng ta bắt đầu nhận được ánh sàng, vì Ngài là sự sáng. Tuy nhiên, để được điều đó, chúng ta cũng phải “tiến lại gần” Chúa Giêsu. Như vậy, để có được sự chữa lành, chúng ta phải đến gần Chúa và mời người bước vào trong cuộc đời, trong con tim của mình, để rồi tình yêu và ánh sáng của Ngài sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta, giúp chúng ta trở nên ánh sáng để dọi chiếu bước đường cho nhiều người đến với Chúa.

Để việc chữa lành xảy ra, chúng ta nhận ra có những hành động liên quan sau: (1) Tuyên xưng đức Tin – Chúa Giêsu hỏi và họ đáp [“Người nói với họ: ‘Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?’ Họ đáp: ‘Thưa Ngài, chúng tôi tin’” (Mt 9:28)]; (2) hành động và lời của Chúa Giêsu [“Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: ‘Các anh tin thế nào thì được như vậy’” (Mt 9:29). Cũng như hai hành động trên, trong hai hành động này chúng ta thấy phần của chúng ta là đặt niềm tin vào Chúa và rồi để cho Ngài “chạm đến” chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta có đức tin, dù rất mong manh. Nhưng rồi chúng ta sợ, không để cho Chúa chạm vào những vết thương của chúng ta để chữa lành. Hãy để Chúa chạm vào những vết thương của bạn để xoa dịu nỗi đau và tổn thương mà bạn đang gánh nặng. Hãy tin vào Ngài vì Ngài luôn tin tưởng bạn.

Bài Tin Mừng kết với một chi tiết đáng ngạc nhiên, đó là việc hai người mù sau khi được mở mắt, họ không còn “tuân theo” lệnh của Chúa Giêsu: “Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: ‘Coi chừng, đừng cho ai biết!’ Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng” (Mt 9:30-31). Chi tiết này cho thấy niềm vui gặp Chúa không có gì có thể ngăn cản để chia sẻ cho hết mọi người. Việc Chúa Giêsu ngăn cấm họ nói về điều này vì Ngài sợ nhiều người sẽ hiểu sai về căn tính của Ngài. Điều này khuyến cáo chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động của mình, làm thế nào để rao giảng Tin Mừng của Chúa chứ không để người khác hiểu sai về Chúa Giêsu.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Vọng
03/12 – Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê

Tin Mừng: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng:  ”Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”  Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Suy niệm:

Chúa Giêsu phục sinh hiện ra để củng cố đức tin của các môn đệ,
để ban bình an cho họ sau những biến cố buồn đau,
nhưng cũng là để sai các môn đệ lên đường đi sứ vụ.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
“Hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ…” (Mt 28, 19-20).
“Phải nhân danh Đức Kitô mà rao giảng cho mọi dân tộc” (Lc 24, 47).
“Hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mc 16, 15).
Thế hệ các Kitô hữu đầu tiên rất trân trọng mệnh lệnh này.
Bao vị tông đồ đã chịu tử đạo chỉ vì tuân giữ mệnh lệnh ấy.
Ước mơ của Chúa Giêsu phục sinh thật lớn lao.
Ước mơ ấy muốn ôm cả trái đất với muôn dân tộc.
Ngài đã sống, đã chết và đã sống lại, chính là để cứu độ cả loài người.
Ngài đã đem lửa đến trên mặt đất,
và Ngài muốn chúng ta tiếp tục làm cho ngọn lửa ấy bùng lên (Lc 12, 49).

Phanxicô Xaviê đã muốn sống mệnh lệnh này cách đặc biệt.
“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (c. 20).
Phanxicô cũng muốn đi khắp nơi để nói về Chúa Giêsu cho ai chưa tin.
Một năm trời lênh đênh trên biển để đi từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ.
Ba mươi sáu tuổi bắt đầu công việc của một nhà truyền giáo ở Goa,
Phanxicô chịu mọi lao nhọc để giảng dạy và rửa tội cho người bản xứ.
Rồi Phanxicô lại lên đường đi Malaixia, Inđônêsia.
và là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên tại Nhật Bản.
Nhưng trái tim Phanxicô vẫn chưa dừng ở đó.
Ngài còn muốn đặt chân đến Bắc Kinh để gặp Hoàng đế Trung Quốc.
Phanxicô chết vì kiệt sức khi đang chờ trên hòn đảo Thượng Xuyên,
mắt vẫn hướng về Quảng Đông chỉ cách đó 14 cây số.
Hôm ấy là ngày 3-12-1552, khi Phanxicô mới bốn mươi sáu tuổi.

Mừng lễ thánh Phanxicô, Bổn mạng các xứ truyền giáo,
chúng ta nhớ Việt Nam vẫn là nơi cần được loan báo Tin Mừng,
và Trung Quốc vẫn là nơi gần như Kitô giáo chưa được biết đến.
Hơn 90% người dân Việt chưa nhận biết Đức Kitô.
Hơn một tỷ người Trung Quốc cần được nghe lời rao giảng.
Có ai còn nhớ đến những mệnh lệnh của Chúa phục sinh không?
Có người nghĩ rằng chẳng cần phải loan báo Tin Mừng nữa,
vì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, dạy sống theo lương tâm,
vì các tôn giáo đều có nét hay riêng, đều là những con đường cứu độ,
vì Đức Kitô Giêsu chẳng phải là Đấng Trung Gian duy nhất!

Anh em hãy đi khắp thế giới, hãy làm cho muôn dân thành môn đệ!
Lời ấy của Đức Giêsu phải là lời nhắc nhở Hội Thánh.
Loan báo Tin Mừng hôm nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều.
Chúng ta không phải đi thuyền buồm để mà sợ đứng gió.
Chỉ gửi một email, làm một trang web, là nhiều người nghe được Tin Mừng.
Điều chúng ta thiếu lại là chút nhiệt thành nóng bỏng của Phanxicô.
Xin cho tôi hiểu và yêu Ngài hơn, để dám giới thiệu Ngài cho thế giới.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.

Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.

Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.

Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.

Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

BIẾN CUỘC SỐNG THÀNH LỜI RAO GIẢNG TIN MỪNG
Thánh Phanxicô Xaviê, Linh Mục
(1 Cr 9:16-19.22-23; Mc 16:15-20)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Phanxicô Xaviê. Thánh Phanxicô sinh ngày mồng 7 tháng 4 năm 1506. Thánh nhân là người con út, lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc, thánh nhân được gởi đi học tại đại học Paris. Năm 1530, thánh nhân lấy bằng thạc sĩ và dạy triết học tại đại học đó. Trong khi thánh nhân đang trong thời kỳ đào tạo để trở nên linh mục, Bồ Đào Nha đang đô hộ Ấn Độ. Nhiều người Bồ Đào Nha sống ở Ấn Độ và một vài nơi khác đã dần đánh mất niềm tin của mình và những giá trị Kitô giáo. Để khôi phục lại những giá trị này, vua Bồ Đào Nha khẩn xin Đức Thánh Cha gởi các nhà truyền giáo đến vùng thuộc địa của mình. Đức Thánh Cha mời gọi hội dòng mới đảm nhận công việc truyền giáo, và Thánh Inhaxiô quyết định gởi Phanxicô. Phanxicô ra đi đến Ấn Độ vào năm 1541 vào ngày sinh nhật thứ 35 của mình và đến Ấn Độ ngày mồng 6 tháng 5 năm 1542. Thánh nhân đã nhiệt thành truyền giáo ba năm và đem nhiều người về với Chúa. Thánh nhân đã xây dựng 40 nhà thờ.

Sau khi rời Ấn Độ, thánh nhân đến Nhật vào tháng 7 năm 1549. Sau khi rời Nhật, ngài quyết định trở lại Ấn Độ. Trên đường đi Ấn Độ, tàu của thánh nhân đến Trung Quốc vào tháng 8. Ở đây, thánh nhân phải tự mình kiếm sống. Thánh nhân tìm được người đồng ý đưa ngài vào Trung Quốc sau khi trả một số tiền lớn. Nhưng trong khi chờ thuyền của mình đến, thánh nhân ngã bệnh và qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 1552. Thánh nhân được chôn cất trên đảo đó cho đến tháng 2 năm 1553 khi thân thể của thánh nhân được chuyển đến Malacca nơi thánh nhân được chôn cất trong một nhà thờ trong một tháng. Sau đó, một trong những bạn đồng hành của ngài đưa thân thể của ngài về nhà riêng của mình suốt năm đó. Vào tháng 12, thân thể của thánh nhân được đưa đến Goa và hài cốt của ngài được chôn cất trong một cái hòm bằng bạc và để trong một tủ kính. Phanxicô được Đức Thánh Cha Phaolô V phong chân phước ngày 25 tháng 10 năm 1619 và được Đức Thánh Cha Gregory XV phong hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622. Thánh nhân được nhận là bổn mạng của các nhà truyền giáo. Noi gương thánh nhân, chúng ta sống đời sống truyền giáo, đó là mang Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói về tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng. Theo thánh nhân, “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9:16-18). Trong những lời này, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta rằng việc rao giảng Tin Mừng không phải là nguyên nhân để chúng ta thu lợi cho chính mình. Đây không phải là điều chúng ta muốn làm hay không muốn làm. Đây là điều bắt buộc, là căn tính của những người tin vào Chúa. Làm sao chúng ta không chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho những anh chị em đang tìm kiếm niềm vui của Tin Mừng?

Kế đến, thánh nhân nói đến chính mình trong việc rao giảng Tin Mừng: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1. Cr 9:19, 22-23). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho biết ngài đã từ bỏ sự “tự do con người” của mình để trở nên nô lệ cho Tin Mừng. Vì muốn chinh phục nhiều người cho Thiên Chúa, thánh nhân đã trở nên mọi sự cho mọi người. Chúng ta thấy Thánh Phanxicô Xaviê đã noi gương Thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng. Ngài là con người tự do, nhưng đã trở nên nộ lệ cho anh chị em mình, nhất là những anh chị em ở Châu Á. Ngài đã chinh phục nhiều người về cho Thiên Chúa. Một cách cụ thể, Ngài đã làm mọi sự để cho Tin Mừng của Chúa Giêsu được biết đến trên nhiều miền đất Châu Á. Phần chúng ta, chúng ta đã chinh phục được bao nhiêu người cho Chúa?

Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn kết của Tin Mừng Thánh Máccô. Trong trích đoạn này, Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ phải làm gì sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết và trước khi Ngài được đưa lên trời. Chúng ta nhận ra những yếu tố sau trong mệnh lệnh của Chúa Giêsu: (1) loan báo Tin Mừng; (2) làm phép rửa; (3) dấu lạ sẽ được ban cho các môn đệ. Tuy nhiên, ba yếu này chỉ quy chiếu về một điều là việc rao giảng Tin Mừng phải được thực hiện bằng lời và hành động (x. Mc 16:15-18). Trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cơ hội để rao giảng Tin Mừng. Nhưng nhiều khi chúng ta nói nhiều hơn hành động hay nói đúng hơn lời nói không đi đôi với hành động. Rao giảng Tin Mừng đòi buộc lời nói phải đi đôi với hành động. Hãy biến sứ điệp Tin Mừng thành chính cuộc sống của mình.

Sứ mệnh của các môn đệ là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20). Những lời này mời gọi chúng ta phải ý thức rằng sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của chúng ta là sự chia sẻ cũng như tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta phải có thái độ khiêm nhường vì đây không phải là việc đem lại vinh dự cho chính chúng ta nhưng đem lại vinh danh cho Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Lm. Ngọc Dũng, SDB