Ba Lời Khấn

262

BA LỜI KHẤN

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ.

Dẫn Nhập

Ba lời khấn hay ba lời khuyên Phúc âm một cách riêng dành cho những ai được kêu gọi và muốn đáp lại bằng cách tự nguyện muốn dâng hiến bản thân cho Chúa. Dâng hiến bản thân cho Chúa không phải là một hành vi thụ động trao bản thân cho Chúa như trao một tài sản quý. Việc trao hiến như vậy tuy đã khó, nhưng vẫn chưa phải là dâng hiến. Dâng hiến cho Chúa khó ở chỗ vừa dâng đời mình cho Chúa và chính mình phải sử dụng đời mình theo ý Chúa với tất cả sáng kiến và nỗ lực trong một bối cảnh cụ thể là nhà dòng. Điều này có nghĩa ngày nào hay giây phút nào đó mình không nỗ lực sử dụng đời mình theo ý Chúa, hay không muốn có sáng kiến và cố gắng nữa, lúc đó mình đã thôi dâng hiến. Ngay trong hôn nhân, không ai muốn lấy một cái xác không hồn; Chúa còn hơn như thế, Chúa cần một tấm lòng tha thiết dâng hiến chứ không cần một cái xác không hồn mặc tu phục tu sĩ hay linh mục.

Nói như thế, đời sống dâng hiến giả thiết một tình yêu đích thực dành cho Chúa. Nói cách khác, dâng hiến là cao trào của tình yêu. Khi nấu ăn, nước sôi rồi mà cứ nấu thì bọt sẽ trào ra. Đời sống dâng hiến đích thực phải là một sự trào tràn như vậy. Khi tình yêu không ngừng được nung nấu nó sẽ trào ra bằng hành vi dâng hiến. Hãy xem Thiên Chúa là Tình yêu, một tình yêu tuyệt hảo, một tình yêu luôn tha thiết nồng nàn, một tình yêu không ngừng được nung nấu. Tình yêu ấy làm cho Thiên Chúa liên tục có nhiều sáng kiến, sáng kiến trao ban Con Một của mình để làm người, sáng kiến thập giá, nói cách khác, Thiên Chúa đã ‘dâng hiến’ chính mình cho nhân loại trước.

Nói đến tình yêu là nói đến cảm hứng và lãng mạn vì tình yêu đích thực luôn vượt ra khỏi mọi khuôn khổ và tính toán. Vì yêu Chúa trả công cho người làm giờ sau chót một đồng, vì yêu Chúa làm người và giống con người mọi đàng ngoại trừ tội, vì yêu Chúa đồng bàn với người tội lỗi, vì yêu Chúa rửa chân cho các môn đệ như một tôi tớ, vì yêu Chúa lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, vì yêu Chúa hiện ra với bà Maria Mác-đa-la đầu tiên. Không một khuôn khổ hay một tính toán nào khiến Chúa làm những điều ấy, duy chỉ sự thúc đẩy của tình yêu, và tình yêu ấy thúc đẩy nên có cảm hứng, và sự thúc đẩy ấy vượt khỏi mọi giới hạn và tính toán nên gọi là sự lãng mạn.

Vậy bản chất của đời dâng hiến là tình yêu, cảm hứng, lãng mạn và vì thế mang tính tự nguyện cao độ. Chính vì điều này đời tu rất đẹp lòng Chúa vì “tình yêu đáp đến tình yêu, ân tình đền đáp ân tình”. Chúa đã hết mình và không tính toán nên Chúa vui lắm khi có những thụ tạo dám hết mình và không tính toán với Chúa.

Đặt vấn đề như thế để thấy rằng: ba lời khấn phải được hiểu trên tinh thần cảm hứng, lãng mạn, không tính toán, nghĩa là phải được hiểu trong bầu khí cao trào của tình yêu; nếu ai hiểu ba lời khấn ở khía cạnh tính toán, “vừa đủ để lên thiêng đàng, chỉ để cho đúng luật và quy định”, thì cách hiểu ấy đã sai ngay từ bước khởi đầu.

Với tinh thần đó, bài viết này sẽ đi tìm hiểu về ba lời khấn, không phải theo khía cạnh giáo luật, vì thiết nghĩ ai cũng đã học rồi. Ở đây, cách tiếp cận ba lời khấn này được lấy cảm hứng từ dụ ngôn ‘người gieo giống’ với những suy tư cá nhân. Ba lời khấn là ba cách thế để cải thiện ba mảnh đất vệ đường, đá sỏi và bụi gai để rồi có mảnh đất tốt màu mỡ. Ước mong rằng bài viết này khơi gợi được một chút cảm hứng nào đó trong việc suy tư và tìm hiểu sâu hơn về ba lời khấn.

I. Lời Khấn Khiết Tịnh

Lời khấn khiết tịnh nhằm để cải thiện mảnh đất ở vệ đường nơi hạt giống gieo vào và chim trời ăn mất. Vệ đường chính là bên lề trái tim. Chúng ta có một con tim, và con tim ấy không thể làm tôi hai chủ. Nếu trái tim mình đi tìm những tương quan và niềm vui bất chính, thì khi đó, Chúa bị ra rìa, Chúa nằm bên lề trái tim và sự quan tâm chăm sóc của Chúng ta. Giữ đức khiết tịnh chính là việc đặt Chúa vào trung tâm trái tim mình, chung thủy và sắt son với tương quan này, và chỉ tìm niềm vui nơi tương quan này. Điều này có nghĩa chúng ta chỉ tương quan với tha nhân trong mức độ làm tăng trưởng mối tương quan với Chúa, tức là yêu mọi người vì Chúa. Bất cứ mối tương quan nào làm tổn hại đến mối tương quan với Chúa, chúng ta phải dừng lại và điều chỉnh ngay. Chúa dạy phải kính mến Chúa trên hết mọi sự là như thế, chứ Chúa không dạy phải yêu tha nhân trên hết mọi sự.

Điều quan trọng là chúng ta phải thành thật với chính mình, cần liên tục hỏi câu hỏi của Chúa: “Các anh tìm gì vậy?” Chúng ta rất mù tối ở điểm này. Hãy nhớ vua Salomon thông thái là thế, thế mà ông cho thờ thần ngoại trong vương quốc mình lúc nào cũng không hay; vua Đa-vít công minh chính trực là thế, thế mà phạm tội rành rành cũng không để ý, cần Nathan nói cho hay. Ấy là bởi vì con người có một cơ chế biện hộ rất mạnh trong người. Thế giới này có bao người xấu ác, nhưng cơ chế biện hộ làm cho họ thấy rằng họ làm vậy rất ổn. Bao nhiêu người chúng ta thấy có nhiều vấn đề, nhưng chính họ thấy rất ổn. Trong vấn đề giữ đức khiết tịnh còn hơn thế, chúng ta thấy mình ổn, nhưng thực sự có khi đã đi quá xa rồi.

Một giải pháp giúp chúng ta xét mình đó là: nếu chúng ta cảm thấy ổn về những tương quan này kia, thì chúng ta có dám trình bày những tương quan đó cho bề trên hay vị linh hướng không? Riêng về đức khiết tịnh, chúng ta phải trình bày về mọi tương quan của chúng ta cho bề trên hay người linh hướng, vậy chúng ta mới chắc.

Kế đến, một khía cạnh quan trọng để giữ đức khiết tịnh đó là việc hiểu rõ tác hại của việc vi phạm nhân đức này, đó là việc dâm dục dưới mọi hình thức. Phần này sẽ đi phân tích các ý tưởng của Thánh Gioan Maria Vianey về tác hại của dâm dục và cố gắng đưa ra một vài ý kiến về cách thế giữ Đức Khiết Tịnh. Các lời giảng của Thánh Vianey nằm ở trong ngoặc kép.

  1. “Thiên Chúa đã chịu đội mão đầy gai nhọn để đền tạ cho tội kiêu ngạo; nhưng để đền tạ cho tội dâm dục, Người đã chịu đánh đòn rất tàn nhẫn để ứng nghiệm lời tiên tri Đa-vít nói rằng: “Sau khi bị đánh đòn, chúng sẽ đếm được hết các xương của Ta””.

Mồi nhử của dâm dục là khoái lạc nơi thân xác, và rồi sự đền trả là điều ngược lại tức là nỗi thống khổ trên thân xác. Chúa Giê-su đã chịu nỗi thống khổ của đòn roi đến róc cả da thịt để đền bù cho những khoái cảm bất chính của chúng ta. Nếu Chúa không đền bù thì cả thân xác và linh hồn con người sẽ rơi vào hỏa ngục, đời đời khốn khổ.

  1. “Phải chi chúng ta hiểu được sự ghê tởm và kinh khủng của tội này. Tội mà chính ma quỷ xúi giục người ta phạm còn chúng thì không. Chúng ta phải ý thức rõ ràng người Kitô hữu là ai? Là người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Giêsu! Các tín hữu là con cái, là anh em của Chúa, là người thừa kế của Thiên Chúa! Thân thể người Kitô hữu là đền thánh của Chúa Thánh Thần, vậy mà để cho tội dâm dục làm cho ra ô uế.”

Con vật giả như có phạm tội “dâm dục” thì không sao, nhưng con người lại khác. Tội chính là sự chênh lệch giữa phẩm giá và thực tại. Thực ra con vật không thể phạm tội dâm dục vì “phẩm giá” của chúng ngang bằng với thực tại chúng sống. Con người có tội là vì họ nhận thấy phẩm giá họ cao hơn với thực tại họ đang sống, nghĩa là họ chưa sống như phải sống. Thay vì thay đổi để trở nên tốt hơn, gần với phẩm giá hơn, thu hẹp khoảng cách lại, con người lại nghĩ ra cách khác nhàn hơn: hạ phẩm giá con người xuống cho ngang với thực tại, thế là không còn chênh lệch, chẳng còn tội gì nữa. Hạ bằng cách nào? Bằng cách triệt tiêu thần thánh, chẳng có thần thánh nào cả, con người có quyền tự quyết. Họ dẹp bỏ truyền thống, cớ gì phải theo truyền thống, cớ gì phải công dung ngôn hạnh, phải trinh tiết? Dẹp bỏ bằng cách họ chạy theo duy vật, mọi sự chỉ là vật chất, không chút thánh thiêng, con người từ khỉ mà ra, có các nhu cầu và bản năng, cần phải đáp ứng chẳng tội lỗi gì cả. Thế nên điều mấu chốt là vấn đề niềm tin: tin rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa, được kêu gọi nên thánh thiện và tinh tuyền như Thiên Chúa. Chỉ có niềm xác tín này mới cho chúng ta thấy khoảng cách, chúng ta mới thấy tội, và rồi quyết tâm cải hối, sửa đổi, gìn giữ.

  1. “Chúng ta được dựng nên để hưởng hạnh phúc Thiên Ðàng, nhưng nếu bất hạnh phạm tội này chúng ta sẽ trở thành sào huyệt, thành hang cư ngụ của ma quỷ.”

Điều này thật đáng sợ biết bao, khi ma quỷ cư ngụ, tinh thần chúng ta sẽ rất u ám, tăm tối, nặng nề, và không muốn gần Chúa. Kinh nghiệm của thánh Âu-tinh cho thấy, chỉ khi dứt bỏ tội này, thánh nhân mới được ơn soi sáng và được gần gũi Chúa. Vậy muốn tu, muốn có đời sống thanh thản, bình an, gần gũi Chúa, phải thật lòng dứt khoát mọi dính bén đến tội này.

  1. “Thiên Chúa đã phán: “Không một người dâm dục nào có thể vào được nước Trời!” Làm sao một linh hồn dìm mình trong sự dâm ô lại có thể đứng trước mặt Thiên Chúa là Ðấng vô cùng trong sạch và cực Thánh? Chúng ta cũng giống như những tấm gương nhỏ, mà chính Thiên Chúa nhìn ngắm mình trong đó. Làm sao chúng ta mong muốn Thiên Chúa nhận ra chân dung mình trong một linh hồn dơ bẩn được? Có những linh hồn chết thối nát trong sự ô uế mà chẳng có chút nhận thức nào về nó cả. Họ chẳng có khả năng để thoát ra khỏi sự thối nát đó. Mọi thứ đều dẫn họ đến ma quỷ, trong mắt họ tất cả mọi sự đều xấu xa, thậm chí những gì được xem là thánh thiện nhất; trong mắt họ luôn có những sự ghê tởm, tục tĩu, cũng giống như những con vật dơ dáy có thói quen sống trong dơ bẩn mà vẫn thấy hạnh phúc, lăn mình trong đống bùn dơ mà ngủ; họ thật sự là những người đáng ghê tởm trước mặt Chúa và các Thiên Thần.”

Như đã nói, ai phạm tội này thì thành nơi cư ngụ của ma quỷ, họ như bị một đám mây đen bao kín, không thích thú với điều gì thánh thiện hay cao đẹp, chỉ đắm mình vào thú vui, vào “vũng sình êm ái” và rồi kết liễu cuộc đời trong bất hạnh.

  1. “Nếu không có những tâm hồn trong sạch ở khắp nơi đền tạ ngăn cản, làm nguôi sự công thẳng của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ bị án phạt nặng nề đến chừng nào?”

Câu nói này cho thấy giá trị của tâm hồn trong sạch, họ có ‘uy quyền’ trước Chúa, họ có thể làm nguôi sự công thẳng của Thiên Chúa. Sự tương phản này cho thấy tác hại ghê gớm của tội dâm dục.

  1. “Cho đến ngày nay, tội dâm dục tràn lan trên khắp thế giới, chỉ nghĩ đến bấy nhiêu cũng đủ cho người ta run sợ rồi. Có người nói rằng Hỏa ngục phun sự dơ dáy lên địa cầu, giống như những ống dẫn phun ra đầy khói đen vậy. Ma quỷ tìm mọi cách để làm ô uế linh hồn người ta, bởi vì chúng biết rằng linh hồn là tất cả. Thân xác chỉ là một khối thịt thối nát; cứ đi vào nghĩa trang mà xem thân xác mà chúng ta hay cưng chiều bây giờ thế nào? Như tôi thường nói, không gì xấu xa ghê tởm cho bằng linh hồn dâm dục.”

Mọi việc chúng ta làm tác động trực tiếp đến linh hồn vốn là thứ quý giá và vĩnh cửu. Thế nên ta phải cân nhắc từng “tư tưởng lời nói và việc làm”. Đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ phạm tội trên thân xác mình và chẳng liên quan đến ai hay chẳng liên quan đến linh hồn. Hãy nghĩ xem, tại sao ăn chay và khổ chế lại giúp một người nên thánh, tức giúp linh hồn nên thánh thiện? Điều này cho thấy bất kể hành vi nào nơi thân xác đều tác động mạnh mẽ đến linh hồn. Ma quỷ muốn phá linh hồn người ta, và nó dùng chiêu dâm dục, vì nó biết mồi này dễ dính và một khi đã dính thì linh hồn vừa bị phá hủy nhanh chóng, vừa ra tăm tối mù mịt.

  1. “Thật vô ích khi nói với họ về sự trong sạch và nhân đức; bởi lòng trí họ đầy ắp sự ngạo mạn và kiêu căng. Sự sống đời đời, sự chết, phán xét, Thiên Ðàng, Hỏa Ngục, tất cả đều không làm cho họ run sợ hay thay đổi. Làm sao chúng ta mong chờ một người suốt đời sống trong đam mê này, đến lúc chết xưng tội rước lễ cho nên được? Vì họ cố tình giấu giếm những tội xấu hổ này, hơn nữa có thể đã nhiều lần phạm sự thánh. Liệu miệng lưỡi họ đã câm nín bấy lâu nay chịu mở ra để xưng tội trong giờ sau hết không?”

Như đã nói, ai phạm tội này thì bị đám mây đen bao phủ, cho nên nói bất cứ điều gì khác họ cũng không cảm được. Thánh nhân cũng lưu ý rằng ai ngạo mạn và kiêu căng dễ phạm tội này. Lý do là vì người kiêu căng là người “có quyền” và “không nhường ai”. Thế nên khi bản năng đòi hỏi, họ cũng không biết nhịn hay tháo lui nhưng tự cho mình có quyền. Thế nên phạm tội. Để tránh tội này cần biết biết nhịn nhục và khiêm hạ.

  1. “Chỉ cần nhìn một người, chúng ta biết người đó sống trong sạch hay không. Cặp mắt của người có tâm hồn trong sạch có dáng vẻ vô tư và khiêm tốn khiến người ta nghĩ đến Thiên Chúa. Ngược lại có nhiều người, cặp mắt họ luôn cháy bừng ngọn lửa đam mê dục vọng… Ma quỷ luôn ở trong mắt họ, khiến họ nghiêng về điều xấu xa tội lỗi. Những người đánh mất sự trong trắng của mình cũng giống như một mảnh vải bị dính dầu nhớt; cho dù có giặt sấy bao nhiêu, vết dầu đó vẫn còn nguyên vẹn: chỉ có phép lạ mới tẩy sạch được linh hồn dâm dục mà thôi”.

Con mắt là cửa sổ linh hồn, nên tâm hồn bị quỷ cự ngụ cũng thể hiện ra con mắt. Tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến thân xác tiều tụy và hao mòn, và vì thế không nên nhìn thân xác ai đó rồi kết luận này kia, nhưng vẫn phải khẳng định rằng tội dâm dục làm hư hoại nhanh chóng cả linh hồn lẫn thể xác.

  1. “Mê dâm dục là sự yêu thích các thú vui nhục dục trái ngược với đức trong sạch. Không có tội nào làm suy nhược và phá hủy linh hồn nhanh chóng cho bằng tội đáng xấu hổ này; nó lôi kéo chúng ta ra khỏi bàn tay Thiên Chúa, và ném chúng ta như ném một cục đá vào trong hố sâu bùn lầy hôi thối. Một khi đã chìm trong đống bùn nhơ đó, chúng ta không thể nào thoát ra được. Trong đống bùn đó, chúng đào cho mình một cái lỗ; càng nhúc nhích, chúng ta càng làm cho cái lỗ ra to thêm, rồi từ từ chìm xuống. Rồi chúng ta đánh mất đức tin của mình, chúng ta cười nhạo tôn giáo, không còn mơ ước Thiên Ðàng, không còn sợ hãi Hỏa Ngục nữa. Thật bất hạnh biết bao cho những linh hồn sống trong đam mê tội lỗi này! Linh hồn họ đẹp đẽ đến nỗi kéo được sự chú ý của Thiên Chúa để mắt nhìn, như khi người ta nghiêng mình trên một đóa hoa hồng thơm ngát, nhưng nay đã trở nên như một xác chết lâu ngày, mùi hôi thối độc hại của nó bay thấu tận trời cao.”

Hình như thánh Â-tinh cũng ví tội nay như vũng sình lún êm ái. Sình lún ở trong rừng, người hay thú vô tình rơi xuống thì cứ từ từ chìm, càng giãy càng mau chìm. Thánh Vianey dùng từ “không thể thoát ra” nghe có vẻ bi quan, nhưng thiết nghĩ đúng là vậy nếu không có Chúa trợ giúp. Cũng giống như ma túy, trên nguyên tắc có thể bỏ được, nhưng mấy ai thoát được?

  1. “Chúa Giêsu Kitô đã kiên nhẫn chịu đựng sống giữa các Tông Ðồ, là những người đầy kiêu căng và tham vọng, thậm chí một người đã phản bội; nhưng Người không dính một chút bợn nhơ của họ; Người ghê tởm tất cả mọi tính hư nết xấu. Thiên Chúa phán: “Thần Khí của Ta không ở trong người, nếu người chỉ là xác thịt và thối nát.” Thiên Chúa lìa bỏ tất cả những người tâm địa độc ác và dâm ô.”

Chúa và ma quỷ không ở chung với nhau được. Nếu tội dâm dục biến người ta thành hang cư ngụ của ma quỷ thì Thần Khí Chúa làm sao ở lại với họ được? Khi Thần Khí Chúa lìa bỏ vua Saun, cuộc đời vua thạm bại và đi đến diệt vong. Một người không có Thần Khí Chúa ở cùng thì thật bất hạnh và nguy hiểm.

  1. “Chúng để mình chìm đắm trong bùn nhơ như con heo hèn hạ, nhưng lại không ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên. Người trơ trẽn như vậy thật đáng ghê tởm trước mặt mọi người, nhưng họ không ý thức được điều đó. Thiên Chúa đã ghi dấu ô nhục trên trán của họ, nhưng họ không cảm thấy xấu hổ; họ có cái mặt bằng đồng và một trái tim bằng đá; thật là vô ích khi nói với họ về danh dự đạo đức, vì lòng trí của họ đầy tự mãn và kiêu căng. Các chân lý như: sự chết, phán xét, Thiên Ðàng, Hỏa Ngục, không làm cho họ sợ hãi tí nào, không có gì lay chuyển họ được. Trong các tội lỗi, tội mê dâm dục là khó diệt trừ nhất. Những tội khác trói chúng ta bằng xích sắt, nhưng tội mê dâm dục trói chúng ta bằng xích da bò, loại da không bao giờ rách hay đứt.”

Tội dâm dục nguy hiểm ở chỗ nó không chỉ làm cho linh hồn ra ô uế nhưng còn đánh mất khả năng hoạt động của lý trí vá ý chí. Người ấy như bị bùa mê thuốc lú không còn tỉnh táo nữa, không còn nhận thức bình thường nữa, nên rất khó thoát ra.

  1. “Tội mê dâm dục là lò lửa làm ô uế cả những người lớn tuổi cao niên. Hãy xem hai ông già bỉ ổi bị cám dỗ về sự trong sạch đem lòng thèm muốn bà Susanna; họ đã giữ cơn sốt thời trai trẻ đến lúc già yếu. Khi thân xác kiệt sức vì trụy lạc, khi họ không còn thỏa mãn được những đam mê, thì họ thay thế bằng những ước muốn và ý tưởng dâm ô. Gần đến giờ chết, họ vẫn còn nói về đam mê cho đến hơi thở cuối cùng; họ chết như lúc họ sống – cứng lòng; sự đền tội nào có thể bù đắp cho tội mê dâm dục này? Sự hy sinh nào có thể lay động họ ở giờ phút cuối cùng, những người suốt đời chỉ nghĩ đến những thú vui nhục dục? Liệu người ta có thể nào mong đợi một lần xưng tội đàng hoàng, một lần rước lễ sốt sắng từ những người, mà lúc trai trẻ có lẽ đã cố tình giấu giếm những tội lỗi ghê tởm và xấu hổ này, đã nhiều lần phạm thánh không? Liệu miệng lưỡi họ đã khép kín lâu nay, chịu mở ra ở giờ phút cuối cùng không? Không có điều đó đâu; Thiên Chúa đã bỏ rơi họ; nhiều lớp chì đè nặng trên người họ; và họ cứ đổ thêm vào. Nhưng hãy coi chừng, đó có thể là lần cuối cùng của đời họ.”

Thánh nhân nói về hai ông già, nhưng điều này cũng đúng cho cả bà già, ý nói tội dâm dục không chừa một ai và tấn công con người suốt đời, đúng là ma quỷ không ngủ, chúng cứ rảo quanh tìm mồi cắn xé.

Thánh Gioan Vianey giảng cho giáo dân của ngài, nếu ngài giảng cho tu sĩ thì không biết ngài sẽ giảng những gì?

Chắc có lẽ ngài đau xót lắm và lời lẽ chắc nghiêm khắc hơn, vì tu sĩ là người khấn giữ đức khiết tịnh để thuộc trọn về Chúa, cả tâm hồn và thể xác. Thánh Faustina và thánh Cataria thành Siena có nỗi đau xót này. Hai vị thánh này được chính Chúa tâm sự về nỗi đau của Chúa khi các linh mục và tu sĩ bất trung trong đức khiết tịnh. Chúa coi họ là những người được ưu tuyển, tức có ơn thiên triệu, tức được chính Chúa kêu gọi và tuyển chọn để sống gần gũi với Chúa trong sự thanh khiết, để đền bù lại phần nào sự bất trung của thế giới và người thường. Thế nhưng “người cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”, chính những con người ưu tuyển lại phản bội Chúa bằng tội dâm dục, nhưng con người này gây ra nỗi đau rất lớn cho Chúa. Dẫu biết rằng, theo thánh I-nhã, những người ưu tuyển này sẽ bị những tên quỷ thành thạo và lão luyện nhất ngày đêm tấn công, bằng cách tìm điểm sơ hở, nhưng việc họ thất thủ và đi theo ma quỷ vẫn gây cho Chúa nỗi đau vô cùng, vì Chúa đã chuẩn bị cho họ chiến thắng, và còn hi vọng họ “đi lưới người như lưới cá” nữa. Nhưng nay họ đã thảm bại, không những không bắt được cá, mà còn làm cho nhiều con cá chạy xa chiếc lưới của Giáo hội. Chỉ cần nghĩ đến những tai tiếng của các lạm dụng bên châu Âu và châu Mỹ thì biết. Đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Điều cần nói thêm rằng không phải đợi khi người ta kiện tụng hay lên báo chí mới tổn hại, một hành vi bất trung sâu kín nhất cũng đã gây tổn hại rồi.

Câu hỏi thiết thực đó là làm gì để giữ đức khiết tịnh trong đời tu? Đây là một câu hỏi không dễ, chỉ xin mạo muội đóng góp một vài ý kiến.

Thứ nhất, xét vì nhu cầu tình dục là tự nhiên và mạnh mẽ, cộng với ma quỷ ngày đêm tấn công, cộng với thế gian có nhiều phương tiện như internet, smartphone, ba thù này hợp lại mạnh hơn bao giờ hết, nên để vượt qua được, cần có một sức mạnh lớn và ổn định. Sức mạnh lớn thì mới vượt qua, nhưng không chỉ vượt qua một lần, mà cần vượt qua mỗi ngày cho đến trọn đời, vì thế sức mạnh này phải ổn định và lâu dài. Thế điều gì mang lại cho con người một sức mạnh lớn, ổn định và lâu dài? Câu trả lời đó là lý tưởng cá nhân, và lý tưởng cá nhân đó phải là yêu mến Chúa và cứu các linh hồn. Một người cần nghiêm túc tự vấn xem, tôi bước chân vào đời tu có phải để yêu mến Chúa và cứu các linh hồn không? Niềm xác tín càng rõ, lý tưởng càng sâu, thì sức mạnh mới có và ổn định. Nói chung người đi tu phải có niềm đam mê “vì đại cuộc” đó là công trình cứu rỗi các linh hồn của Chúa, cần phải “máu lửa” và hết mình.

Hy sinh cái gì cũng đau đớn. Tại sao tôi phải hy sinh khía cạnh tình dục? Nếu không vì một lý tưởng lớn lao, vì Chúa, vì đại cuộc, thì khó tìm một lý do để hy sinh. Khi không có lý do để hy sinh, thì đâu là lý do để giữ đức khiết tịnh khi bản năng ngày đêm kêu gào?

Xong phần trên là được 60% rồi. Phần còn lại là hãy tin và làm theo những gì những người đi trước dặn dò, truyền thống Giáo hội dạy. Không phải mình là người đi tu đầu tiên, Giáo hội đã có nhiều người đi tu, trải qua 2000 năm, biết bao kinh nghiệm để lại, đừng coi thường những kinh nghiệm quý báu này.

Có thể kể ra các việc như, thứ nhất là giữ gìn ngũ quan, cách riêng con mắt và lỗ tai. Đây là việc tập hi sinh và hãm mình, vì khi hi sinh hãm mình là lúc mình tập tự chủ, tập từ khước cái vui thích, chịu đựng cái khó chịu, mà đây chính là cách chiến thắng cám dỗ đức khiết tịnh: từ khước khoái cảm nó mời gọi và chịu cái khó chịu nó gây ra. Thế nên ai quen hi sinh hãm mình, thường chiến thắng. Ai chưa từng hi sinh hãm mình, thì lấy sức đâu mà chống trả?

Ngày nay giữ con mắt rất khó, vì ra đường có nhiều kiểu ăn mặc. Lên mạng, dù không muốn, các hình ảnh xấu cứ ở đâu xuất hiện. Chỉ cần lòng quyết tâm giảm là có thể nhượng bộ, rồi sa đà, rồi cứ thế trượt dốc.

Tập sống thân mật với Chúa, với mọi người, và thiên nhiên. Dường như đằng sau thúc bách tình dục là việc tìm cách khỏa lấp khoảng trống tâm hồn và việc đi tìm một sự nối kết thâm sâu để khỏi cô độc. Thế nên ai cô độc và tâm hồn trống trải thì sẽ bị cám dỗ nhiều. Ngược lại, nếu tâm hồn ai luôn đầy ắp tình Chúa tình người, tình yêu thiên nhiên và có tương quan khăng khít ở cả ba chiều kích thì nhu cầu tình dục mất đi động lực của nó, vì mình đã đạt được cái đích mà nó hướng đến. Tình yêu và tương quan đích thực sẽ làm con người ta no thỏa và thăng hoa, tức nhẹ nhàng.

Giữ tương quan với Chúa bằng đời sống cầu nguyện và xét mình. Mọi đổ gãy thường xuất phát từ việc không kiến tạo một đời sống cầu nguyện thân tình với Chúa. Thế nên trong truyền thống tu đức, điều nhắc đi nhắc lại là đời sống cầu nguyện và xét mình có chất lượng.

Kế đến là giữ tương quan với mọi người bằng sự đơn sơ chân thành, vui vẻ cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia, với mọi người. Thân thiết với thiên nhiên bằng cách chăm sóc cỏ cây sân vườn chó mèo gà vịt hay đơn giản là ngắm trăng sao trời sông mây nước.

Giữ khoảng cách thể lý và tâm lý. Nghe có vẻ hơi cứng nhắc và gò bó, nhưng cũng phải giữ. Khoảng cách thể lý không nên gần quá, không được dưới 60cm. Khoảng cách tâm lý tức là lời nói điệu bộ và cử chỉ, dù thân đến đâu cũng giữ chuẩn mực. Người đời dạy chúng ta về chuẩn mực: một người phụ nữ có chồng và đức hạnh tự biết giữ khoảng cách và giữ lời ăn tiếng nói với người khác giới cho dù có thân đến đâu đi chăng nữa. Và thậm chí do dù lòng có xao xuyến, lòng đã đầy tình cảm dạt dào nhưng vẫn nói đúng mực. Đây không phải là giả tạo mà là việc làm người. Cảm xúc là cái con người không điều khiển được, nhưng con người điều khiển được hành vi và lời nói. Người ta nói làm chủ cảm xúc thực ra có ý nói làm chủ hành vi và lời nói.

Kế đến khi biết rằng trong những hoàn cảnh nhất định thì cảm xúc sẽ sinh, vì thế phải tránh hoàn cảnh phát sinh tình cảm, vì “tức cảnh sinh tình’, truyền thống tu đức gọi là tránh dịp tội. Một người biết ăn kiêng thực sự không phải là người có ý chí sắt đá cho bằng người ấy biết rằng gặp đồ ăn thì lòng khó cưỡng nên tốt nhất là tránh tiếp xúc với đồ ăn.

Cần tránh lao động và làm việc quá mức, gây mệt mỏi, căng thẳng, vì khi đó con người ta không còn sức để chịu đựng sự khó chịu do sự thúc bách của bản năng gây ra và hơn thế lại đi tìm cái gì thoải mái cho khuây khỏa. Tại sao những người bệnh thường hay cáu gắt? Vì sức của họ đã bỏ ra để chịu đựng các cơn đau, nên sức không còn nữa để chịu đựng sự trễ nải của người phục vụ. Cũng vậy, nếu chúng ta dùng hết sức để làm việc thì sức đâu mà chịu những cái khó chịu do bản năng thúc bách? Mà không chịu nổi thì dễ phạm tội. Thế nên dẫu biết “nhàn cư vi bất thiện” là đúng, nhưng bận rộn cũng vừa phải, cái gì quá cũng không tốt. Cách riêng các bề trên và người có trách nhiệm phải đủ thảnh thơi để coi xem con cái mình có đang phải gánh những gánh quá nặng không để kịp thời can thiệp.

Cần biết rằng “phần con” tức phần bản năng nơi con người hoạt động cách độc lập với lý trí và ý chí con người. Ví dụ, mình quyết rằng khi nhìn thấy me sẽ không chảy nước miếng, nhưng đâu được, cơ thể mình nhìn thấy me là nước miếng chảy. Vậy nếu đã biết rằng tình dục là bản năng, hễ cứ gặp người khác phái là thích, thì phải cẩn thận. Tình dục là bản năng nghĩa là gặp người khác phái tự động nảy sinh lòng yêu thích. Gặp ở đây được hiểu theo nghĩa tiếp xúc bình thường và tất nhiên sẽ nguy hiểm hơn gấp bội khi tiếp xúc thân tình, không giữ khoảng cách và không cẩn trọng lời nói.

Như thế, trong vấn đề giữ đức khiết tịnh, ý hướng tốt chưa đủ, vì ý hướng tốt cũng chỉ là lý trí và ý chí tốt thôi. Cần sự cẩn trọng và khôn ngoan nữa, luôn ý thức rằng bản năng hoạt động độc lập với lý trí và ý chí, một khi đơn sơ và ngây thơ để nó hoạt động quá mức, nó sẽ chiếm quyền kiểm soát lý trí và ý chí.

Ví dụ, đừng ai nghĩ rằng tôi chỉ hút heroin chơi thôi, thử thôi chứ không nghiện đâu. Hít vào là nghiện thôi. Hơn nữa, bản năng không biết phân biệt ngữ pháp, cho dù có nói “không có me” thì vẫn chảy nước miếng, vì bản năng đã nghe tiếng “me” trong “không có me”. Cũng vậy, bản năng không phân biệt người đi tu hay người thường, tu lâu hay mới tu, đã thuộc về Chúa hay chưa. Bản năng chỉ nhận đó là “nam” và “nữ” và thế là nó hoạt động. Thế nên đừng đơn sơ nghĩ rằng mình là linh mục mà, ngồi kế con chiên nữ có sao đâu, hay đây là thầy mà, mình là nữ tu, tận hiến rồi ngồi sát nhau chắc không sao đâu! Bản năng không biết đến những khái niệm này, không biết đến ý hướng của chúng ta đâu. Thế nên cần lập lại rằng, ý hướng tốt không đủ, hay không đủ sức hóa giải bản năng. Tất nhiên, nếu có ý hướng xấu, thì bản năng được tiếp tay để hoạt động nhanh hơn, sự dữ tăng thêm gấp bội.

Khi đã bị bản năng hoạt động rồi, hay đã lỡ có tình cảm với ai rồi, vấn đề quan trọng là không nên coi trọng tình cảm đó. Vấn đề rắc rối ở chỗ người ta hay coi trọng tình cảm đó. Ma quỷ cám dỗ rằng mình phải coi trọng tình cảm, phải thương người, phải uy tín, không muốn ai tổn thương. Đây chẳng khác nào sự kiên nhẫn và trung thành trong nết xấu. Kiên nhẫn và trung thành thì tốt, nhưng phải xem trong việc gì nữa. Trong con đường sai trái mà cứ kiên nhẫn đi thì sự kiên nhẫn này không tốt. Ví dụ, hãy nghĩ xem, lâu rồi tôi không xem phim và chẳng sao cả. Thế nhưng hôm nay tôi xem phim nhiều tập, và phải bỏ dở chừng, tôi cảm thấy khó chịu cứ muốn xem tiếp. Cái cảm giác cứ muốn xem tiếp này không có thật, tuy nó mạnh mẽ trong mình nhưng hãy hiểu nó phát sinh do bản năng, bản năng muốn biết kết cục phim, thế nên đừng coi trọng cảm giác muốn xem này. Chúa nói “bỏ mình” chính xác là bỏ những cảm xúc rất rõ như thế này. Cũng vậy, trước giờ đang yên đang lành mình đang sống, bây giờ vướng vào tình cảm rồi mình cho rằng mình không thể sống thiếu nó. Khi chưa nghiện thì đâu cần heroin, tại sao khi nghiện rồi thì không thể thiếu? Vẫn biết những tình cảm này có thể dẫn tới tình yêu đích thực vốn là điều đáng trân quý; nhưng thiết nghĩ nó thích hợp với người giáo dân; người dâng hiến và có lý tưởng rõ rồi thì không nên. Hay là chúng ta nghĩ rằng: mình cứ sống đời dâng hiến rồi dấn thân vào mọi tương quan tình cảm biết đâu tìm ra được mối tình chân thực rồi xuất tu? Nghĩ như vậy thì còn làm gì được lớn lao cho Chúa. Thế nên đi tu cần sự dứt khoát, “để kẻ chết chôn kẻ chết”.

Hãy nói cho người hướng dẫn, cha linh hướng, hay người đồng hành biết những khó khăn và hướng giải quyết của mình liên quan đến đức khiết tịnh để họ hướng dẫn cho. Vì đây là vấn đề tế nhị nên cũng ngại bàn hỏi, nhưng hãy cố gắng; thánh Gioan thánh giá nói “ai tự hướng dẫn mình thì người ấy có một học trò ngốc nghếch”. Thánh I-nhã nói kẻ thù tấn công chúng ta giống như gã sở khanh dụ dỗ cô gái nhà lành bằng những chiêu trò của hắn. Tuy nhiên hắn sẽ thất vọng nếu cô gái nhà lành đem mọi chuyện của hắn kể cho người khôn ngoan và có trách nhiệm biết, vì hắn biết âm mưu của hắn sẽ bị bại lộ.

Hãy biết nghĩ và giữ cho nhau. Cả nam lẫn nữ, ai Chúa ban cho đẹp thì tìm cách ẩn bớt đi. Ẩn bớt ở đây là ẩn vẻ đẹp khơi gợi kiểu thế gian, vì biết rằng bản năng nơi mọi người ngày đêm hoạt động, nên khoe vẻ đẹp thế gian chỉ làm khổ người khác và gây tội. Hãy trang bị cho mình sự thanh thoát của một tâm hồn có Chúa ở cùng. Mặc dù rất tận tâm, thân thiện vui tươi, nhưng người khác luôn có ấn tượng và cảm giác rằng con người này thuộc về Chúa rồi. Lại lấy ví dụ về người phụ nữ đức hạnh đã có chồng, cho dù cô ta thân thiện, nhiệt tình, vui tươi với mọi người, người ta vẫn nhận ra cô ấy đã có chồng và rất yêu mến chồng con.

Nói thêm, ai có lỡ phạm đức khiết tịnh thì cũng đừng nản. Chúa đã chết, máu Chúa đã có sẵn, chỉ cần chúng ta chân thành đến với Chúa, Chúa sẽ tẩy rửa. Chúng ta sẽ sống đời sống mới. Đừng buồn rầu chán nản, vì thất vọng mới là tội nặng nhất, tội phạm đến Thánh Thần, tội tin rằng Máu Chúa cũng không xóa được tội tôi. Tội thất vọng là tội làm phí đi cái chết đau thương và máu Châu báu Chúa. Vậy hãy mạnh dạn đến với Chúa, để Chúa yêu thương và chữa lành, và biết biến thách đố thành cơ may, đó là biết yêu Chúa nồng nàn hơn, thiết tha hơn, bám vào Chúa chặt hơn, như Chúa nói, ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều.

Cuối cùng, mặc dù bản năng tính dục luôn còn đó, nhưng nó sẽ yếu đi rất nhiều khi con người ta có lý tưởng cao đẹp và rõ ràng. Khi có sự quyết tâm và chân thành yêu mến Chúa, bản năng tính dục giảm thiểu rất mạnh. Truyền thống tu đức ví bản năng như cỏ trong vườn, tuy không bao giờ tận diệt được, và có thể mọc lại mất cứ khi nào, thế nhưng cỏ dại ấy sẽ rất yếu khi trong vườn có một cây đại thụ của lý tưởng. Thế nên đối sách tốt nhất không phải là cứ bận tâm diệt trừ dâm dục, nhưng thay vào đó là việc vun đắp lý tưởng và rèn nhân đức. Tùy người và tùy bối cảnh, việc làm cỏ và trồng cây phải tiến hành song song cách thích hợp và uyển chuyển.

Tóm lại, đức khiết tịnh vừa cao quý vừa khó giữ, nhưng nó vô cùng thiết yếu cho đời tu, nó là cái lõi để kiến tạo sự thống nhất từ bên trong. Không có đức khiết tịnh, cái lõi chúng ta bị phân rẽ, mà nếu cái lõi bị phân rẽ thì sức mạnh rất yếu, và cái ngày phân rẽ luôn bên ngoài chỉ là vấn đề thời gian. Không giữ đức khiết tịnh, hạt lúa sẽ mãi nằm bên vệ đường, và như thế mọi việc chăm sóc đều vô ích. Phải đưa hạt giống vào ruộng trước đã, tức phải giữ đức khiết tịnh trước đã rồi mới tính mọi chuyện khác. Sứ mạng Chúa trao phó khó khăn và cần sức mạnh. Chỉ có sự thống nhất, trong sạch, tinh khiết từ bên trong mới cho chúng ta ánh sáng, niềm tin và sức mạnh. Vì thế, phải coi việc giữ đức khiết tịnh là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện xin Chúa giúp để mình giữ cho mình, giữ cho nhau. Trước hết bằng cách xác định rõ lý tưởng đời mình là yêu mến Chúa và gắn bó với Người, cùng tham gia vào chương trình cứu độ của người. Sau là dùng các phương thế mà truyền thống Giáo hội dạy. Chúa thích sự trong sạch nên Người trợ giúp cách riêng cho những ai muốn sống điều ấy. Đức khiết tịnh đối với con người thì dường như khó đến mức không thể, nhưng với Chúa, chúng ta vững tin là có thể. Xin các thánh, nhất là Đức Maria với trái tim vẹn sạch, thánh Giuse là Đấng gìn giữ các kẻ đồng trinh, các thánh đồng trinh, các thiên thần và các thánh cầu cùng Chúa cho chúng ta.

II. Lời Khấn Vâng Phục

Lời khấn vâng phục nhắm để cải thiện mảnh đất đá sỏi. Đất đá sỏi có một lớp đất ở trên nhưng bên dưới là đá sỏi. Kinh nghiệm cho thấy không ai dám cày cuốc nơi đất nhiều đá sỏi, vì cuốc vào là cong lưỡi cuốc, sắt chạm đá là tóe lửa. Cũng vậy, trong đời tu, chúng ta cũng có một chút đất mềm trên bề mặt, tức chúng ta vâng lời trong những gì bình thường; khi đụng đến những điều khó, chúng ta không vượt qua được ý riêng của mình, quan điểm, lập trường của mình vốn cứng như sỏi đá. Người như vậy, bề trên cũng không dám cày cuốc, hạt giống lời Chúa cũng không thể đâm rễ xuyên qua đá sỏi, thế là đời họ không thành tựu được gì ngoại trừ việc giữ ý riêng đến lúc chết, tức đến mùa gặt thì đi thu sỏi đá về, thế thôi.

Điều ghi nhận trước tiên là đức vâng phục có một khía cạnh khó hơn hai nhân đức kia vì liên quan đến người khác. Khó nghèo và khiết tịnh mình có thể tự quyết được, vì không liên quan trực tiếp đến người khác. Còn đức vâng phục liên quan đến người ra lệnh. Vì lẽ này vâng phục là việc khó.

Do đâu đời tu có đức vâng phục? Nó khó khăn như thế sao không bỏ đi? Câu trả lời trước mắt đó là đời tu là một tổ chức, và mọi tổ chức đều có người lãnh đạo và cấp dưới, mà lãnh đạo hàm chứa sự cần thiết phải có sự vâng phục, nếu không tổ chức sẽ loạn. Vâng phục là để cho tổ chức cho cộng đoàn cho nhà dòng có trật tự về mặt quản trị. Đây là câu trả lời đúng nhưng rất nông cạn, và có không ít người hiểu ý nghĩa của việc vâng phục như thế này. Cái nguy của việc hiểu theo cách này đó là người ta nhắm đến cách quản trị và lãnh đạo có hiệu quả về mặt hữu hình mà thôi; hệ quả tất yếu là điều gì hợp lý sẽ chiến thắng; như thế sẽ rất khó tuân phục khi gặp những gì khó lý giải hay chưa hợp lý. Điều này vô tình đẩy đời tu vào một vòng xoáy tục hóa, tức hóa ra một tổ chức trần thế có cách quản trị tốt mà thôi, không gì hơn.

Điều chính yếu trong đức vâng phục cần con mắt thiêng liêng để nhận ra. Đi tu nhắm đến cứu các linh hồn, và chúng ta tự hỏi: làm thế nào để cứu các linh hồn cách hiệu quả? Câu trả lời là hãy xem bởi đâu mà con người ta phạm tội và Chúa cứu họ bằng cách nào. Con người và các thiên thần phạm tội bởi họ bất tuân; Chúa và Mẹ Maria cứu họ bằng tiếng xin vâng nơi vườn Dầu và khi truyền tin. Vậy việc làm giúp các linh hồn nhiều nhất là việc vâng phục. Mỗi lần chúng ta vâng phục chúng ta họa lại tiếng xin vâng của Chúa và Mẹ, mỗi khi ấy, chúng ta góp 5 cái bánh và 2 con cá vào tay Chúa để cứu các linh hồn. Ví dụ, chúng ta vâng lời nhặt một cọng rác; việc làm này làm nảy sinh ra hai hiệu quả: hiệu quả hữu hình là nhà sạch rác; hiệu quả vô hình là các linh hồn được cứu. Điểm mấu chốt của vấn đề là ít ai để ý đến hiệu quả vô hình.

Hãy xét ví dụ sau: Giả sự tôi được nhà Dòng gửi đi học tiến sĩ về ngành lau dọn vệ sinh tại Mỹ. Sau 6 năm tôi tốt nghiệp và đã được học hỏi về đủ loại gạch ngói, đá quý và các loại tẩy rửa. Về đến Việt nam, các công ty có nhà cao cấp đều mời tôi đến tư vấn cho họ về việc lau dọn và bảo trì gạch đá. Mỗi lần đi họ cho xe hơi đến tận nhà Dòng chở đi, nói chuyện một buổi mà được mấy nghìn đô. Các công ty quảng cáo chất tẩy rửa cũng đổ xô đến tìm, chỉ cần một lời giới thiệu của mình để quảng cáo người ta trả cho cả mấy chục ngàn USD…

Thế nhưng tôi cũng là một thành viên trong nhà Dòng. Biết tôi có bằng cấp, nên bề trên giao cho việc nghiên cứu xem nhà Dòng nên lau nhà một ngày mấy lần. Tôi cũng đo đạc và kết luận: em nhận thấy nhà mình nên lau một ngày một lần là tối ưu. Chị bề trên nói: cám ơn em đã cho ý kiến. Tuy nhiên, chị thấy rằng nhà mình là nhà tu nên cần sự sạch sẽ, thôi thì em cứ lau nhà một ngày hai lần cho chị.

Khi đó tôi sẽ vâng phục như thế nào? Tôi có lau không? Sao mọi người tin tôi và nghe lời tôi còn bề trên thì không? Tệ hơn nữa, khi tôi ráng để vâng phục, nhưng tôi lại là trưởng nhóm, những người dưới tôi hằng ngày càm ràm: chị phải nói gì đi chứ, ai cũng biết lau hai lần là không hợp lý, chị đo đạc thấy rõ vậy mà? Bề trên mình bị ám ảnh về sự sạch sẽ nên ra lệnh cách vô lý. Thế rồi tôi cũng lấy can đảm lên thưa với bề trên: thưa chị em cảm thấy việc lau nhà một ngày hai lần hơi phí thời gian và nước, xin chị cho chúng em lau một ngày một lần. Chị bề trên vẫn ôn tồn nói: cám ơn về nhận xét và đề nghị của em, nhưng chị thấy rằng cứ giữ một ngày hai lần em ạ.

Khi ấy chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Có vâng phục không? Nếu vâng phục thì có vui không? Bây giờ chúng ta hãy mổ sẻ vấn đề: tại sao trong chuyện này chúng ta khó vâng phục?

Ghi nhận trước hết đó là bề trên không sai nhưng chỉ có một chọn lựa kém hiệu quả. Bề trên chỉ sai khi ra một mệnh lệnh tạo ra tội lỗi như sai đi ăn cắp, đốt nhà, giết người, vu oan, làm chứng gian. Những khi bề trên sai làm những việc này, chúng ta nại tới quyền tối thượng của lương tâm và không làm theo, và buộc không được làm theo. Chỉ trong những trường hợp này, mà thực ra rất hiếm, chúng ta mới được nói bề trên sai lầm. Còn khi bề trên ra lệnh lau nhà một ngày 2 lần, 3 lần hay đến 10 lần cũng không sai, vì đây chỉ là những chọn lựa không tối ưu. Hay khi bề trên nói trồng cây nhưng ngọn quay xuống thì cũng không sai, đây chỉ là việc làm kém hiệu quả. Hay khi bề trên quyết định lễ lúc 5 giờ hay 6 giờ hay 12h trưa, thì đấy cũng là những chọn lựa hơn kém nhau về mặt hiệu quả thôi, chứ không sai.

Vậy điều chúng ta cảm thấy khó vâng phục chính là việc lý trí của chúng ta mách bảo phải làm theo chọn lựa nào có hiệu quả nhất. Việc trồng cây ngọn quay xuống thì cũng dễ như trồng gốc quay xuống, nhưng chúng ta rất khó làm, vì thấy nó không hiệu quả và không sinh ích lợi. Chúng ta tiếc thời gian, tiếc công sức, nên không làm…

Thế nhưng chúng ta đang nói đến hiệu quả trần thế mà thôi. Đây mới là mấu chốt vấn đề. Và đây là dấu chỉ cho chúng ta thấy con mắt chúng ta rất tục hóa, tức chỉ nhìn thấy những hiệu quả hữu hình. Lau nhà hai lần thì kém hiệu quả hơn một lần, chỉ có thế, không gì hơn. Thế thì chúng ta có khác gì các công ty và tổ chức khác đâu? Khi đó, tiêu chí của hành động là: cái gì có lý nhất, mang lại hiệu quả nhất thì được chọn.

Chúng ta hãy trở lại con mắt thiêng liêng, nó giúp chúng ta nhận ra nơi hành vi vâng phục, ơn Chúa sẽ tuôn đổ xuống. Với việc càng khó vâng phục và trái ý, ơn Chúa xuống càng nhiều. Vậy giờ hãy xét lại: lau nhà hai lần một ngày, kém hiệu quả hơn một chút, nhưng được lãnh nhận ơn Chúa rất nhiều thì sự khác biệt với lau nhà một lần và cũng lãnh nhân ơn Chúa rất nhiều thì dường như hai kết quả tương đương nhau. Học toán chúng ta biết hai thì lớn hơn một; nhưng một cộng với vô hạn cũng bằng hai cộng với vô hạn. Thùng nước nhiều hơn ly nước, nhưng thùng nước cộng với đại dương cũng bằng ly nước cộng với đại dương. Nói vậy để biết rằng, khi nhắm đến ơn Chúa (mà đây mới là mục đích của đời tu), những sai biệt về hiệu quả trần thế trở nên nhỏ bé. Khi đó lau nhà một lần hay hai lần có gì khác biệt đâu?

Nói như thế không phải là khinh chê hiệu quả trần thế, hiệu quả trần thế tốt chứ, nhưng nó không phải là điều quyết định. Trong thực tế đức vâng phục trọn hảo vẫn nhắm đến lợi ích trần thế, nhưng trong mức độ cho phép, chứ không bằng mọi giá. Cụ thể là bề dưới nên cung cấp mọi thông tin, mọi cách thế, mọi giải pháp mà họ nghĩ có hiệu quả nhất cho bề trên để bề trên quyết định. Bề dưới không thể là thiên lôi, sai đâu đánh đó, không màng chi đến hiệu quả trần thế. Nhưng sau khi đưa ra những cách thế tốt nhất, họ để bề trên tự do quyết định; họ không tranh đấu cho bằng được.

Thực tế người đời dạy ta về đức vâng phục trọn hảo. Hãy xem một giám đốc tốt sẽ chọn trợ lý nào trong ba kiểu người sau đây. Kiểu người thứ nhất mau mắn vâng phục, nhưng theo kiểu thiên lôi, sai đâu đánh đó, không biết gì và không có ý kiến gì. Người thứ hai rất thông minh tháo vát, luôn tìm tòi thông tin có liên quan và nghĩ được những giải pháp tốt nhất đầy hiệu quả và nhiệt tình cung cấp cho giám đốc. Tuy vậy, khi giám đốc có quyết định khác với đề nghị và suy nghĩ của anh này, anh này liền nổi giận và không cộng tác cũng không làm theo. Nhiều lúc giám đốc không biết mình là chủ hay anh trợ lý là chủ nữa. Người trợ lý thứ ba cũng giống anh thứ hai về tài năng, nhưng anh ta để cho giám đốc tự do quyết định; anh nhiệt tình khuyên can nhưng vẫn tôn trọng và làm theo mệnh lệnh của giám đốc. Quả thực, ai làm giám đốc cũng thích mẫu trợ lý thứ ba này. Dĩ nhiên những trợ lý ưa nịnh bợ thì không nói làm gì, hay những bề trên ưa nịnh bợ thì không cần bàn đến, vì họ chỉ thích kiểu người giống thiên lôi hay người nịnh bợ thôi. Một bề trên và một giám đốc bình thường đều mong muốn kiểu trợ lý thứ ba. Đây là mẫu vâng phục mà Chúa muốn cho bề dưới: luôn thiết tha, tận tình, sáng kiến, đóng góp, nhưng để cho bề trên tự do quyết định và vui vẻ thực hiện mọi quyết định của bề trên.

Phân tích như vậy để thấy rằng đức vâng phục vẫn nhắm tới hiệu quả trần thế. Tuy nhiên vâng phục đời tu có lợi thế hơn anh trợ lý ngoài đời, trợ lý ngoài đời khi giám đốc chọn lựa không hiệu quả thì cho ra kết quả kém. Trong đời tu, khi chúng ta vâng lời bề trên, Chúa coi như chúng ta vâng phục ý Chúa. Chữ “coi như” này rất ý nghĩa, nó có ý nói rằng về mặt khách quan, ý bề trên rất nhiều khi khác xa ý Chúa, vì bề trên đâu được ơn bất khả ngộ; trái lại bề trên là người bình thường với tất cả những giới hạn và khiếm khuyết. Nhưng Chúa ưu ái người vâng phục và yêu mến Chúa bằng cách ban cho một đặc ân: Ai vâng phục bề trên thì Chúa kể như làm đúng ý Chúa; mà làm đúng ý Chúa thì chúng ta giống Chúa Giê-su, nghĩa là khi ấy ân sủng sẽ tuôn tràn xuống trần gian này cho các linh hồn. Theo cái nhìn này, vâng phục là đặc ân của Chúa cho người thánh hiến, chứ không hề là gánh nặng.

Tuy vậy, khác với việc lau nhà, khi việc vâng phục đụng đến con người, mà chúng ta thấy rõ là sẽ gây hại, hay ít là chưa tốt nhất, như trong việc huấn luyện chẳng hạn, chúng ta phải có bổn phận trình bày tất cả những gì chúng ta suy nghĩ cho bề trên cấp cao hơn sau khi đã trình bày cho bề trên trực tiếp của chúng ta mà người ấy không đổi quyết định.

Một khía cạnh khác, khi chúng ta dâng mình cho Chúa nghĩa là gì? Đó là chúng ta trao phó quyền sử dụng đời mình cho Chúa, chúng ta không còn quyền gì đối với mình nữa. Chúng ta trao cho Chúa nhưng Chúa vô hình không sử dụng chúng ta được, nên trao cho bề trên sử dụng chúng ta. Thế nên chúng ta khấn với Chúa trong tay bề trên. Khi khấn vâng phục, thực ra chúng ta nói rằng “đây đời em đây, xin chị toàn quyền sử dụng”. Chính vì sự tận hiến cao cả này mà chúng ta từ cái bàn thường trở thành bàn thánh. Không phải bỗng dưng chúng ta là bàn thánh đâu.

Đa số chúng ta nghĩ rằng mình dâng hiến là dâng hiến cho Chúa, và mình thay Chúa sử dụng mình. Không, như vậy khác nào chẳng dâng hiến. Dâng hiến là dâng hiến cho Chúa và Chúa dùng chúng ta qua những con người rất đỗi bình thường, đầy khiếm khuyết và kém cỏi. Đây là mầu nhiệm của đời dâng hiến. Chính sự mầu nhiệm này mà chiếc bàn thánh của chúng ta mới mầu nhiệm.

Tiện đây nói thêm thời này người tu sĩ nam nữ bị một cám dỗ lớn: Họ không dám coi đời tu là cao quý, họ nghĩ đời tu chỉ là một bậc sống, họ không hơn gì những người sống đời sống khác. Họ nghĩ vậy nhân danh đức khiêm nhường, nhân danh sự coi trọng những người khác, nhân danh sự hòa đồng… Nhưng hệ quả là họ sẽ không còn cố gắng nữa, vì bao người khác cũng vậy, mình có gì khác biệt. Và nhân danh việc tôn trọng tự do cá nhân, quyền này quyền nọ, họ đòi cho được những quyền lợi cá nhân kiểu thế gian. Đây chẳng khác nào việc một người nhân danh đức khiêm nhường và sự hòa đồng để nói rằng: tôi không làm thánh được đâu, vì tôi đâu hơn gì bao người khác. Câu nói có vẻ khiêm nhường nhưng rất không đẹp lòng Chúa, vì Chúa kêu gọi họ nên thánh.

Vậy vấn đề là chúng ta phải xác định lại ơn gọi nên thánh của mình, sự cao quý của ơn thiên triệu nơi tu sĩ, nét đẹp của khăn thánh và bàn thánh, của việc dành riêng và dành trọn đời mình để mến yêu và phụng sự Chúa. Phải khám phá lại con đường của ơn cứu độ và ân sủng, con đường gặt hái và cứu các linh hồn. Chỉ như thế, tu sĩ mới có thể vâng phục và vâng phục cách trọn hảo.

Vì đức vâng phục cũng liên quan đến bề trên, thế nên bề trên cũng phải có nhiệm vụ hỗ trợ bề dưới là những kẻ yếu đuối thấp hèn trong việc vâng phục.

Thứ nhất, bề trên nên nêu gương sáng và trở nên mẫu mực bao nhiêu có thể về mọi phương diện, cách riêng trong việc vâng phục bề trên cấp cao, hay trong việc thực hiện các phận vụ của mình.

Thứ hai, bề trên hơn ai hết là người quân bình tâm lý và thanh khoát khỏi mọi đam mê và sở thích riêng để chỉ tìm ý Chúa. Trong mọi quyết định và mệnh lệnh, càng thoát khỏi mọi đam mê sở thích riêng bao nhiêu có thể, hầu ý Chúa được thể hiện.

Ngày nay có một phương thế tốt đó là việc cộng đoàn đi tìm ý Chúa, tuy bề trên vẫn là người có tiếng nói cuối cùng. Đây cũng chính là khía cạnh hiệp hành. Điểm này có lợi ở chỗ nhiều người đồng tâm nhất trí đi tìm ý Chúa thì sẽ có cơ may gặp được ý Chúa nhiều hơn. Khi gặp được, vì mọi người cùng đi tìm, nên cũng đã quen thuộc với ý Chúa, họ được tham dự, được chia sẻ trách nhiệm. Điều xảy ra là có những bề trên thông thái đến độ nghĩ mình biết tất cả và chẳng cần tham khảo ý kiến cộng đoàn, quên mất rằng Chúa thích bày tỏ mầu nhiệm nước trời cho kẻ bé mọn. Họ quên đi rằng trong lịch sử Giáo Hội có nhiều tiến sĩ chẳng học hành là bao. Họ làm vậy sẽ rất dễ lầm lạc, và cho dù không lầm lạc thì bề dưới cũng xa lạ với ý Chúa mà bề trên thấy, mất đi ý nghĩa hiệp hành.

Ngược lại có bề trên tham khảo ý bề dưới đến mức đánh mất chính mình bằng cách nghe theo ai đó ‘to tiếng’ hay ‘thông minh’ trong cộng đoàn. Bề trên phải tạo điều kiện để mọi người có cơ hội giãi bày tâm tư và tiếng nói của Chúa qua tâm hồn họ. Cộng đoàn phải cùng đi, cùng hiệp thông, chia sẻ.

Khi một mệnh lệnh trái với bản tính hay sở thích của bề dưới, mặc dù bề trên vẫn cương quyết với mệnh lệnh của mình, nhưng cũng cần dành thời gian để lắng nghe những tâm tư ước vọng của bề dưới. Con người ta không nhất thiết đòi cho bằng được cái mình muốn, nhưng việc được lắng nghe, được hiểu có giá trị gần như việc được đáp ứng nhu cầu thật.

Làm bề trên chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nhưng sống cho vai trò mà Chúa đặt để, có thể nói làm bề trên là dâng hiến lần hai. Khi chỉ là thành viên, mình có thể thân hay chơi với ai trong cộng đoàn tùy thích nhưng là bề trên thì không được. Khi là bề trên mình là người của “công chúng”, nên phải giữ sự công bằng. Vì thế bề trên tránh thân thiết với một người hay nhóm người nào đó, tránh nói chuyện riêng với một người hay nhóm người. Mọi việc nói chuyện nên ở nơi làm việc, những nơi khác phải ngắn gọn và là chuyện khẩn cấp. Bề trên thấy ai dễ thương và được việc cũng không được nhờ vả nhiều, tất cả nên vào ban bệ hẳn hoi.

Kế đến khuôn mặt bề trên cũng là khuôn mặt của công chúng, luôn cần giữ nhẹ nhàng vui tươi. Không thể nói tôi cảm thế nào thì thể hiện ra như vậy. Hãy nghĩ tới các truyền hình viên, khi làm việc họ gạt bỏ mọi cảm xúc riêng để thể hiện khuôn mặt bình thản. Đừng để chuyện vui buồn của mình ảnh hưởng đến bầu khí cộng đoàn, để mọi người đoán già đoán non.

Cuối cùng, bề trên nên thiết kế cộng đoàn theo kiểu “sống và làm việc theo pháp luật”. Các nguyên tắc, nếp sống, chương trình phải rõ ràng, công khai, và mọi người đều hiểu. Tuy rằng trong đời sống thực tế có nhiều điều phát sinh không thể tiên liệu, nhưng hãy cố gắng để những việc này ít thôi. Nhiều bề trên giảm thiểu luật pháp để mình là vua, mình ra luật luôn cho dễ, và thay đổi mọi việc như chong chóng làm cho cộng đoàn bất ổn, và dẫn tới tình trạng lạm dụng đức vâng phục.

Tóm lại, bề trên tốt tới đâu cũng là yếu tố bên ngoài, yếu tố trợ giúp, yếu tố chính vẫn là tình yêu của một người dành cho Chúa và các linh hồn. Tình yêu sâu đậm lại ham thích những khó khăn gian khổ. Họ tự nguyện dâng hiến đời mình để bề trên tự do đào xới để hạt giống lời Chúa đâm rễ thật sâu. Điều làm họ vui mừng không phải là ý tưởng này ý tưởng kia của họ được thể hiện, nhưng là những bông lúa nặng trĩu của ân sủng trên cánh đồng tơi xốp và màu mỡ của họ.

III. Lời Khân Khó Nghèo

Đức khó nghèo là phương thế cải tạo mảnh đất có nhiều bụi gai để cây lúa có thể đơm bông kết trái. Hiểu như thế, đức khó nghèo thực ra là nhân đức dẫn tới sự giàu có đích thực. Một mảnh đất đầy bụi gai thì tưởng rằng phong phú và giàu có, nhưng thực ra là sự nghèo nàn. Một mảnh đất không có bụi gai nào, chỉ toàn những bông lúa trĩu hạt của ơn cứu độ mới là sự giàu có đích thực. Hiểu như thế, xét cho tận cùng, Chúa không chủ trương một sự khó nghèo vì chính sự khó nghèo. Nước trời được ví như một mảnh đất tràn đầy sữa và mật, một bữa tiệc cưới với dư đầy đồ ăn hảo hạng.

Vậy đích nhắm của Đức khó nghèo là việc bỏ đi những thứ giả tạm, những cái mau qua, bỏ đi thứ nước uống vào lại khát, để chỉ kín múc nước trường sinh, để sắm lấy kho tàng đích thực là chính Thiên Chúa. Như đã nói ở phần giới thiệu các lời khấn dành cho những ai yêu Chúa cách không tính toán và muốn gắn bó với Người mỗi ngày một hơn. Và vì thế, nhân đức khó nghèo để hiểu được, cần đặt mình vào vị trí của một người khao khát gắn bó với một mình Chúa.

Trước hết, hình ảnh một mảnh đất đầy bụi gai và cỏ dại khiến cây lúa bị ngạt khiến chúng ta nghĩ tới sự nguy hại của việc có nhiều của cải. Mảnh ruộng thì diện tích cố định, có nhiều gai và cỏ dại thì hết chỗ cho lúa. Muốn lúa tốt phải nhổ sạch cỏ và gai. Cũng vậy, một ngày có 24 giờ và tâm trí của chúng ta cũng có hạn, nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian để chăm lo cho của cải thế gian, thì không gian cho Chúa sẽ bị thu hẹp lại. Hiểu như thế, đức khó nghèo khác với việc tiêu xài ít, bủn xỉn và hà tiện, vì người bủn xỉn và hà tiện tuy tiêu xài ít nhưng lại thu tích nhiều và dành thời gian cho việc suy tính về tiền bạc quá nhiều. Thế nên, việc tiêu xài ít nhưng dành quá nhiều thời gian để tìm cách tiêu xài ít cũng là sai lạc về đức khó nghèo. Do đó, một chuẩn mực để đo lường đức khó nghèo đó là mức độ “bận tâm”: nếu ai đó quá bận lòng về của cải, thì tuy họ tiêu xài ít, nhưng họ không còn nhiều thời gian để bận tâm cho Chúa và các linh hồn. Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó được hiểu theo nghĩa phúc cho ai ít bận tâm đến của cải, nhờ đó họ bận tâm đến Chúa, và vì thế nước trời là của họ.

Trong Tin Mừng nhiều nơi khác Chúa nói về Đức Khó nghèo. Trước hết là người thanh niên có nhiều của cải. Anh phải bán hết mà cho người nghèo mới theo Chúa được. Điều này muốn nói đến sự phong phú đích thực, hay sự sống đời đời nằm ở tương quan với Chúa và sự thân thiết với mọi người. Anh nhà giàu mặc dù không sai lỗi gì, vì giữ các giới răn từ nhỏ nhưng anh gắn bó với của cải, mà của cải làm sao tạo được tương quan với con người. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta có thể có tương quan với với vật dụng hay tiền bạc được không? Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa Ba Ngôi và là tình yêu, tức tương quan tình yêu. Sự phong phú của con người phải là tương quan tình yêu với Chúa và mọi người. Có người nói người ta vẫn tự hào về nhà cao cửa rộng, xe đẹp, đồng hồ sang quần áo hiệu đó thôi. Điều này xét cho cùng là một sự lệch lạc, nó phản ánh một con người không thấy mình có giá trị và nghèo nàn nên mới cần những thứ đó để cảm thấy an toàn, và vui khi thấy mình hơn người khác. Đấy, niềm vui khi thấy mình có cái người khác không có, xét cho kỹ lại chẳng là một lối suy nghĩ và cảm thức lệch lạc và bệnh hoạn sao? Tìm niềm vui trên nỗi thống khổ của người khác. Có một triết gia nói rằng tội ác lớn nhất là mình đi trang điểm cho mình và khoe việc ăn sung mặc sướng khi chung quanh toàn người đói khổ.

Và cũng chẳng cần triết gia, Chúa nói về dụ ngôn ông phú hộ và Lazaro đã cho chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của việc lấy của cải làm chỗ dựa thay vì tương quan. Trong dụ ngôn người xây tháp và xuất binh ra trận, Chúa dặn phải tính toán cho kỹ, và Chúa kết luận rằng: ai không bỏ hết mọi sự thì việc theo Chúa sẽ không thành, vậy hãy tính toán cho kỹ.

Hơn nữa, nếu lấy tương quan với Chúa làm trọng, thì mọi việc tìm kiếm hay nương nhờ nơi một cái gì khác đều làm tổn thương Chúa. Quả vậy khi mình tìm kiếm cái gì khác, thì mình muốn gửi tới Chúa một thông điệp là: Chúa không đủ cho con, Chúa không an toàn đủ cho con, con phải tìm kiếm những cái khác nữa cho chắc, bám vào Chúa không thôi nguy hiểm lắm. Đấy Chúa xem coi, Chúa nói Chúa quan phòng và an bài thế sao thế giới vẫn đầy người chết đói, bao người không có tiền chữa bệnh và uống thuốc; con không muốn rơi vào hoàn cảnh đó, nên con tìm cách xây dựng các tương quan để có người giúp khi cần, hay thủ chút tiền bạc phòng khi cần.

Suy xét như vậy để thấy rằng việc vi phạm đức khó nghèo không chỉ là vấn đề sử dụng tiền bạc không đúng, nhưng nó xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa và linh hồn mình. Nếu định nghĩa tội là làm phương hại đến tương quan với Chúa thì việc vi phạm đức khó nghèo là tội thường thuộc diện nặng vì làm tổn thương đến Chúa, tổn hại đến lòng tin cậy mến của mình. Đa số chúng ta chỉ dừng lại ở việc nghĩ rằng lỗi lời khấn, nhưng lỗi lời khấn khó nghèo chính là sự không đặt niềm tin tưởng và cậy trông nơi Chúa, xúc phạm nặng nề đến Chúa.

Chúa ao ước chúng ta nghĩ rằng: mặc dù thế giới vẫn có người chết đói, bao người bệnh vẫn không có tiền mua thuốc, nhưng con vẫn đặt trong niềm tin nơi Chúa, và cho dù con có rơi vào hoàn cảnh ấy thật thì cũng không sao, Chúa an bài cho con như vậy, con chỉ xin luôn giữ cho bền chặt mối tương quan với Chúa, và hơn nữa Chúa thấu suốt tâm hồn con nên con không muốn Chúa buồn vì những điều tuy nhỏ nhưng tinh tế đó.

Đấy là mặt lý thuyết, còn về mặt thực hành thì điều đầu tiên phải nói rằng dù chung một tinh thần nhưng không có một chuẩn chung cho mọi người như trong hai nhân đức kia. Đức khó nghèo uyển chuyển và linh động giữa các dòng tu với nhau và rất khác với linh mục triều vốn là những người không công khai khấn và không là tu sĩ. Ví dụ, Dòng Chúa quan phòng, Phòng Phanxico khó khăn, Dòng Clara chắc phải giữ đức khó nghèo thực tế (tức vật dụng và tiền bạc) nghiêm ngặt hơn vì họ có sứ mạng làm chứng cho Chúa ở phương diện này. Những Dòng truyền giáo và giảng dạy thì linh động hơn vì họ phải thích ứng với môi trường tông đồ. Tuy vậy, ở đây chỉ nêu ra một vài gợi ý chung cho việc giữ đức khó nghèo về mặt thực tế.

Điều đầu tiên cần đọc rõ hiến pháp Dòng, luật nhà Dòng quy định về đức khó nghèo. Chỗ nào không hiểu thì xin bề trên hướng dẫn và giải thích để mình sống đúng với hiến pháp Dòng.

Thứ hai là nguyên tắc rõ ràng minh bạch. Về quà cáp và tiền bạc, mọi điều nhận được đều cho bề trên và quản lý biết và giao lại cho họ, muốn giữ thì xin và được sự đồng ý mới giữ. Riêng tiền bạc, phải ghi rõ nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu, càng rõ ràng cụ thể càng tốt. Cần xin trước rồi mới mua sắm mới nhận, tránh ‘tiền trảm hậu tấu’ hết sức có thể.

Trên nguyên tắc những cái nho nhỏ thì khỏi phải báo hay xin, như cái bánh viên kẹo, nhưng có khi có người hiểu cái nho nhỏ này là đồng hồ và điện thoại. Thế nên để chắc ăn cũng nên báo những cái nằm trong khoảng nghi ngờ giữa to và nhỏ. Nếu bề trên thấy nhỏ thật và nói rằng từ nay những thứ này không cần phải báo thì mình an tâm. Ngược lại, nếu mình thấy nhỏ và không báo và bề trên thấy là to thì khi ấy lại sinh chuyện. Khi đổi bề trên thì lại làm lại từ đầu, đừng nghĩ rằng bề trên nào cũng hiểu về “to, nhỏ” như nhau.

Một chuyện khó hơn là khi mua sắm, nên mua đồ tốt hay đồ bình thường? Một bên cho rằng khó nghèo nên xài đồ thường thôi, vì người nghèo không xài đồ tốt. Nhưng đồ thường thì mau hư, và nhà dòng đông người lại càng mau hư, lại mất công sửa và mua mới. Vì thế có người nói đã mua thì mua đồ tốt, dùng được lâu dài, đây mới là tiết kiệm. Ăn uống cũng thế, có người nói là người nghèo làm gì có tiền mua đồ tốt; thế nhưng đồ không tốt gây bệnh lại tốn tiền chữa mà chưa chắc đã khỏi. Thế nên có người chủ trương rằng đã ăn thì ăn tốt tươi, ngon, sạch. Và bao vấn đề có ý kiến trái chiều nữa. Vậy đâu là cách thế cần phải chọn?

Trước khi chọn cần xét một yếu tố nữa đó là cái nhìn của người khác, tức khía cạnh làm chứng và tông đồ. Mục đích của đời tu cũng là để cảm hóa và lôi kéo con người ta đến với Chúa nữa. Thế nên đức khó nghèo không thuần là vấn đề hiệu quả và kinh tế (tiết kiệm). Nếu nghĩ như thế thì Gioan Tẩy giả cần gì mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong. Chúa Giê-su cần gì phải đi lang thang, cứ mua mấy ngôi nhà ở các làng bằng cách tổ chức lạc quyên, để rồi Chúa và các môn đệ đi đâu cũng có chỗ nghỉ, chứ không có cảnh ngủ vườn cây dầu đêm sương lạnh lẽo sinh bệnh ảnh hưởng đến việc tông đồ sau này. Chúng ta đi tu cũng là để người khác nhìn vào, tuy không biểu diễn hay tìm sự khen thưởng của người đời, nhưng chúng ta làm chứng cho Chúa, là dấu chỉ của thời đại, vì vậy chúng ta phải trở nên mọi sự cho mọi người. Giữa một thế giới chạy theo của cải, tìm an toàn, hạnh phúc nơi của cải, chúng ta làm gì đây nếu không phải là việc đi ngược lại? Và để thành dấu chỉ, chúng ta có thể làm quá đi một chút cũng là điều bình thường. Vì như Chúa nói, nếu anh em cũng làm ăn tính toán như bao người thì có gì lạ thường đâu, Chúa muốn chúng ta có cái gì đó lạ thường, như thánh Phanxico Assisi và thánh Clara Xin hội thánh cho được nghèo.

Triết gia Aristotle định nghĩa nhân đức tức là sự trung dung và cũng là sự xuất sắc. Lấy ví dụ nấu cơm cho dễ hiểu. Cơm ngon là cơm vừa (trung dung) không khô không nhão. Và người nấu được cơm vừa là người xuất sắc trong việc nấu cơm. Việc trung dung này không thể xác định bằng con đường lý thuyết: không ai xác định được thế nào là cơm vừa nếu chưa từng nấu. Hơn nữa, mỗi loại gạo lại khác nhau, rồi cùng loại gạo thì gạo mới gạo cũ cũng cần lượng nước khác nhau, người già người trẻ cần độ nhão khô khác nhau. Thế nên để nấu cơm vừa là vấn đề thực hành và có liên quan đến bối cảnh, phải làm đi rồi điều chỉnh sau nhiều lần nấu. Điều này giả thiết có sự nhìn lại hay phản tỉnh: như vậy là hơi nhão, lần sau sẽ bớt nước lại.

Cũng vậy nhân đức khó nghèo là nhân đức thực hành và liên quan đến hoàn cảnh rất nhiều, chỉ qua thực hành và liên tục điều chỉnh chúng ta mới đạt đến mức trung dung. Có ba điều chính chúng ta cần luôn để ý để điều chỉnh việc sống đức khó nghèo. Thứ nhất là tương quan với Chúa, tương quan ấy có lớn lên không, mình có mỗi ngày cậy dựa vào Chúa hơn không? Đức khó nghèo không vì chính nó, nhưng nó là phương tiện để người tu được gần Chúa hơn. Thứ hai, những người khác khi thấy tôi và cộng đoàn tôi sống, họ có được cảm hóa, được đánh động để hướng tâm hồn lên cùng Chúa không? Hay ngược lại, họ thấy ghen tỵ về mức độ sung sướng và an toàn của chúng ta. Đây chính là khía cạnh tông đồ, tức khía cạnh ngôn sứ và làm chứng của đức khó nghèo. Thứ ba, về mặt sức khỏe và hiệu quả công việc, việc sống đức khó nghèo có làm tổn hại quá sức đến sức khỏe và hiệu quả công việc không? Ngay như Dòng Clara xin Hội Thánh ơn sống nghèo, nhưng họ vẫn nghèo ở mức nào đó chứ không phải hoàn toàn không có gì, hay nhịn ăn nhịn uống đến kiệt quệ. Ngoài ra còn yếu tố khách quan nữa, đôi khi nhà Dòng thiếu thốn, có muốn tăng mức sống lên cũng không được. Khi đó chúng ta được mời gọi vui vẻ đón nhận hoàn cảnh sống thực tế đó.

Đến đây vang vọng lời Thánh Âu-tinh, yêu đi rồi làm gì thì làm. Trong vấn đề giữ đức khó nghèo cũng vậy, nó giả thiết một tình yêu với Chúa và các linh hồn sâu xa, với tình yêu đó, họ liên tục lo toan, điều chỉnh cốt lo sao để bản thân gắn bó với Chúa, tha nhân được cảm hóa, và bản thân cũng có sức khỏe và phương tiện tương đối tốt để phục vụ. Không có tình yêu đích thực, con người sẽ nghĩ ra muôn nghìn lý do để biện hộ, mà đôi khi họ bị lầm lạc mà họ cũng không biết.

Cuối cùng, vấn đề tài chính là vấn đề nổi cộm trong các nhà Dòng. Vậy việc kiếm tiền lo cho nhà Dòng cần làm gì để khỏi ngược lại với Đức khó nghèo và các thành viên khác phải hiểu cho ban kinh tài như thế nào.

Mức sống của nhà Dòng đã ấn định, thế nên tiền có về nhiều thì cũng chi dụng như thế. Hơn nữa, cần tách biệt đời sống tông đồ ra khỏi cộng đoàn. Đời sống tông đồ cần phương tiện để làm việc, nhưng về với đời sống cộng đoàn cần đơn sơ sống ở mức động đoàn và bản thân đã suy xét và ấn định.

Mọi nguồn tiền kiếm được phải hợp pháp, được giáo hội cho Phép. Khi ân nhân cho tiền với số lượng nhiều, nhà Dòng cũng nên khéo léo hỏi nguồn tiền ấy ở đâu. Vì có một thực tế là có người kinh doanh trái phép, buôn lậu nên có nhiều tiền và họ muốn xoa dịu lương tâm bằng cách giúp cho nhà dòng. Đi tu chúng ta làm chứng cho sự trong sạch, ngay thẳng và công bằng, nếu không khéo, chúng ta vô tình đi ngược lại với chính mục đích của mình.

Mọi nguồn quỹ phải rõ ràng minh mạch, phải thực hiện theo đúng ý người cho. Nói chung, điều cần nhắm tới là việc cảm hóa và thu phục tâm hồn người ta về với Chúa. Đừng để ai đó giúp mình hay nhà Dòng rồi họ lại sinh buồn sầu thất vọng về Giáo hội, vì họ thấy tu sĩ cũng tham tiền và không trong sáng và đơn sơ trong việc trình bày kế hoạch cũng như việc sử dụng tiền của ân nhân.

Hơn thế nữa, ngày nay người ta con hướng đến giúp người cho tiền hiểu sứ mạng và cùng tham gia sứ mạng, được như thế rất tốt.

Một vấn đề nan giải là: về lý tưởng thì mọi tu sĩ từ lúc vào nhà tập hay đã khấn đơn đều trở thành thành viên của nhà Dòng và sống theo nguyên tắc góp mọi sự làm của chung, mọi nguồn thu đều chảy về nhà Dòng và mọi khoản chi đều xin phép và lấy từ nhà Dòng. Tuy nhiên vì lý do tài chính eo hẹp nên có một số nhà Dòng thực hiện theo nguyên tắc “nhà nước và nhân dân cùng làm” tức là nhà dòng kêu gọi gia đình tu sĩ và các người quen của tu sĩ chung tay với nhà Dòng lo cho tu sĩ đó. Thế nên mới có tình trạng các tu sĩ không có laptop chẳng hạn, nhưng ai cho thì được dùng; tiền của gia đình cho thì được nhà Dòng giữ lấy hay tự mình giữ lấy và cần chi dụng thì vẫn xin phép và dùng. Cũng xảy ra tình trạng tu sĩ này có gia đình góp nhiều của cải vào nhà Dòng, và từ lúc vào Dòng chưa hề dùng đến tiền nhà Dòng, cần gì thì gia đình lo cho cả, trong khi có những tu sĩ khác từ đệ tử đã xin nhà Dòng trợ giúp. Trong một tình trạng và bầu khí như vậy, đời tu ít nhiều bị phương hại.

Tuy vậy giải pháp cho vấn đề này không dễ, vì cuộc sống cần tiền và vật dụng. Ở đây chỉ xin đưa ra một vài suy nghĩ thôi. Đó là đề nghị các ân nhân của tu sĩ nếu có giúp thì giúp nhà Dòng, chứ không giúp riêng tu sĩ, để nhà dòng lo chung cho mọi người và xin giúp bằng tiền, chứ không phải vật dụng. Vì khi giúp vật dụng như laptop điện thoại người ta có ý cho người thân sử dụng, thật khó để cho một tu sĩ khác dùng chung, huống hồ dung riêng. Và mọi khoản tiền giúp riêng cho tu sĩ đều thuộc quỹ nhà Dòng. Biết rằng việc làm như thế sẽ không khuyến khích các ân nhân cho mấy, nhà Dòng sẽ ‘thất thu’; thế nhưng thu thêm một chút để làm gì khi đời sống chung của anh chị em bị phương hại do ghanh tỵ, đua đòi, và lo chạy kiếm ân nhân, để rồi bao hệ lụy khác đi kèm? Lý tưởng là mọi vật dụng cá nhân của tu sĩ đều được nhà Dòng sắm cho, và khá đồng đều, trừ nhu cầu riêng.

Việc tìm kiếm ân nhân, gây quỹ, kiếm tiền cho nhà Dòng là việc cần thiết và những người làm ban này cần nhận được sự cộng tác sự cảm thông của tất cả mọi thành viên. Chuyện đáng buồn là các thành viên được cơm no áo ấm, điện nước ga xài đầy đủ, và cứ nghĩ rằng khoản tiền đó từ trời thả xuống. Hãy xem các gia đình phải chật vật và tính toán chi li cho các khoản chi tiêu như thế nào. Nhà Dòng không chuyên làm kinh tế nên thu nhập còn ít hơn. Thế nên việc lo cho nhà Dòng có những khoản chi tiêu cố định cũng là việc vất vả. Thế nhưng có khi các thành viên khác nói rằng ban kinh tài suốt ngày chỉ có tiền và không thấy Chúa đâu. Những câu nói vô tâm vô tình này gây tổn thương lẫn nhau và gây hại cho thân thể Dòng.

Thiết nghĩ, nếu mỗi tu sĩ đều có trách nhiệm tìm kiếm ơn gọi cho nhà Dòng thì mỗi tu sĩ cũng có trách nhiệm kiếm tiền cho nhà dòng. Cách thế kiếm thì tùy: có khi chỉ là cầu nguyện xin Chúa ban cho có ân nhân, có khi bằng những việc lành để cảm hóa người khác, có khi là sự khôn ngoan trình bày nhu cầu của nhà Dòng, có khi bằng sự biết ơn, quan tâm chăm sóc. Lý tưởng theo Chúa tuy cao vời nhưng phải được biến thành những hành vi cụ thể như thế.

Tuy nhiên có người nghĩ làm vậy đi ngược lại với sự tín thác vào sự quan phòng và chăm sóc của Chúa. Đúng là Chúa rất quan phòng và không để người làm việc cho Chúa phải thiếu thốn, và đành rằng việc cố tiếm tiền có khi không bằng cứ lo việc Chúa và tín thác vào Chúa. Thế nhưng, việc lên kế hoạch và dự án không đi ngược lại với sự tín thác. Quả vậy chính Thiên Chúa cũng làm việc theo kế hoạch, Chúa chuẩn bị dân riêng và đến thời đến buổi mới làm người. Việc cứu độ của Chúa cũng có kế hoạch nên gọi là kế hoạch cứu độ. Về mặt thực tế đời thường cũng vậy, sự biểu hiện của niềm tin đích thực đó là hành động. Chỉ tin mới cho niềm hy vọng, chỉ hi vọng mới lên đường, mới hành động. Cũng thế, việc lên kế hoạch giả thiết một sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Thánh Gia-cô-bê nói, đức tin đích thực phải có hành động, mà hành động tốt và hiệu quả phải là hành động có suy nghĩ (kiểu người xây tháp và đánh trận) chứ không phải kiểu một chăng hai chớ, bạ đâu làm đó, tới đâu tính tới đó. Thế nên việc lên kế hoạch kiếm tiền cho nhà Dòng là việc tốt, phải chú tâm và ra sức làm.

Xét cho cùng yêu Chúa là yêu “hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn”. Trí khôn Chúa ban phải được vận dụng để phụng sự Chúa. Thế nên việc học hỏi, nghiên cứu, tổ chức, sắp xếp, lên kế hoạch và chăm lo về tài chính với đích nhắm làm việc tông đồ, phục vụ cộng đoàn cho tốt hơn là việc đẹp lòng Chúa. Hiểu như vậy đây cũng là việc thánh thiêng như bao công việc khác. Có lẽ đây còn là việc thánh thiêng hơn vì mức độ nguy hiểm, vì bị mang tiếng là dính líu đến tiền bạc, một công việc mà chẳng ai muốn làm.

Thay Lời Kết

Ba lời khấn có nền tảng vững chắc trong Tin Mừng nên được gọi là ba lời khuyên Phúc Âm. Hơn nữa ba điều này được chính Đức Ki-tô thể hiện trong đời sống của mình: Đức Ki-tô khiết tịnh – khó nghèo- và vâng phục. Tu sĩ và linh mục có ước mơ chung là yêu mến và trở nên giống Đức Ki-tô, và chỉ trong mức độ trở nên giống Đức Ki-tô, công việc của họ, dù dưới bất kỳ hình thức nào, mới có giá trị thiêng liêng. Điều này có nghĩa là nếu không trở nên giống đức Ki-tô, công việc của họ là công việc của người phàm, sinh ra những hiệu quả hay hoa trái trần thế, dẫu có lẫy lừng nhưng rồi tan biến theo thời gian. Khi trở nên giống Đức Ki-tô, mọi việc họ làm, và mọi điều xảy đến với họ, được Chúa tính như xảy đến với Đức Ki-tô, và được chính Đức Ki-tô làm, vì thế hiệu quả liêng thiêng, hiệu quả cứu độ thật lớn lao. Đây chính là điêu mà tu sĩ và linh mục nhắm tới khi cất bước đi tu. Hiểu như thế việc giữ ba lời khấn là điều rất quan trọng.

Ba mảnh đất xấu là ba mảnh đất có những cản trở khác nhau không cho hạt giống là chính Đức Ki-tô hoạt động để làm trổ sinh bông hạt ơn cứu độ. Ba lời khấn như ba cách thế cải tạo đất. Đích nhắm của đức khiết tịnh chính là đưa hạt giống từ vệ đường vào giữa ruộng, tức vào giữa trái tim mình bằng cách tránh mọi tương quan phái tính mờ ám và những hành vi dâm dục. Đó là việc dành trọng vẹn cõi lòng cho Đức Ki-tô, và vì thế mọi tương quan khác đều diễn ra trong Đức Ki-tô và nhờ Đức Ki-tô. Chúa nói Chúa là người hay ghen, cộng với Chúa là người thấu suốt tâm can nữa nên những việc tương quan bất chính làm Chúa rất buồn sầu, và Chúa bị ra rìa bên vệ đường và chim trời ăn mất. Ngược lại, nếu ai một lòng chung thủy son sắt, Chúa sẽ cùng người ấy thiết lập một mối tình đắm say, Chúa sẽ đưa người ấy vào huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, tới những cung bậc mà không phải ai cũng biết hay có thể hình dung. Điều cần chú ý là, đức khiết tịnh dầu cao quý cũng chỉ là phương tiện, vì thế đức khiết tịnh trọn hảo phải có hoa trái trổ sinh, tức là tình yêu dành cho Chúa tinh tuyền hơn và tình yêu dành cho tha nhân thiết tha nồng ấm hơn. Nếu không vi phạm gì về đức khiết tịnh mà cõi lòng xa Chúa và lạnh nhạt với tha nhân thì đấy không phải là việc giữ đức khiết tịnh, mà đó là một sự kìm nén hay lệch lạc nào đó, sinh ra những quái thai là những con người rất xa lạ với Chúa và tàn ác với anh chị em.

Đức vâng phục nhắc cho chúng ta một điều mà chúng ta rất hay quên và đôi khi cố tình không hiểu đó là chúng ta đã dâng hiến bản thân cho Chúa qua tay bề trên hay nhà Dòng rồi. Chúng ta đã chết rồi, đã trao phó quyền sử dụng đời mình cho người khác rồi, đã trở thành “nô lệ tự nguyện” rồi. Cuộc sống của tôi không còn thuộc về tôi nữa rồi, nó thuộc về Chúa, và Chúa trao cho nhà Dòng, nhà Dòng trao cho bề trên sử dụng đời của mình. Hơn nữa, đức vâng phục còn khó hơn việc làm nô lệ. Nô lệ kiểu như Thiên Lôi, sai đâu đánh đó, không lo toan nghĩ ngợi gì nhiều, nên dễ. Đức vâng phục một mặt đòi chúng ta chết đi cho chính mình để chỉ yêu điều Chúa yêu, làm điều Chúa muốn, tức mặc lấy tâm tình và ước mơ của Chúa; mặt khác chúng ta vâng phục cách nhiệt thành, sáng kiến và trách nhiệm trước bề trên của chúng ta. Nhiều khi bề trên giới hạn, đưa ra những quyết định tuy không sai về mặt luân lý, nhưng kém hiệu quả, nhất là kém hiệu quả trong việc huấn luyện và tương quan tông đồ, ảnh hưởng đến con người, khi đó người vâng phục bị đặt vào một tình thế thật khó khăn và bị cám dỗ ở hai thái cực: Một là nổi loạn chống đối, hai là không nghĩ gì hết chỉ làm theo. Trong tình huống này câu lời Chúa sau đây có thể giúp chúng ta: “hãy khôn như rắn và đơn sơ như  bồ câu”. Đơn sơ đó là việc chỉ nhắm đến ích lợi của Chúa thôi, tức hoàn toàn không có ý riêng và tư lợi, và khi đơn sơ như vậy, chúng ta có sự khôn ngoan uyển chuyển của con rắn trong khi làm việc với những bất toàn của con người. Khi còn vướng tư lợi mà uyển chuyển thì dễ biến thành lươn lẹo. Nói đi nói lại chỉ có người thực sự tha thiết nhiệt thành với Chúa và cách linh hồn mới làm được.

Đây cũng chính là lúc chúng ta loại bỏ đi những viên đá của ý riêng, của lòng tự ái. Chúng ta hạ mình cách thẳm sâu, trở nên mọi sự cho mọi người. Chúng ta cũng tha thiết cầu nguyện và rồi dấn thân, không ngừng xin Chúa soi sáng để mình biết làm gì, biết nhìn lại và điều chỉnh. Nhân đức là sự xuất sắc, cần sự tập luyện và thực hành nhiều mới đạt được, nhắm mưu ích nhất cho Chúa như một đầy tớ tín trung và nhiệt thành.

Đức khó nghèo vừa giúp chúng ta thoát khỏi những bận tâm với những điều trần thế, vừa giúp chúng ta ý thức mình là kẻ nghèo hèn thiếu thốn đích thực, luôn cần Chúa. Của cải là những thứ không lo cho chúng ta được đến cùng, cuối cùng nó cũng để chúng ta ra đi hai bàn tay trắng. Đức khó nghèo giúp chúng ta ngay lúc này sống trước thực tại trắng tay đó để kịp thời tiên liệu cho đời mình bằng cách tìm kiếm sự bảo đảm đích thực là chính Đức Ki-tô. Trước sau rồi cũng nghèo, trước sau rồi cũng buông, cũng mất, vậy đừng kéo dài sự lừa dối đó. Tránh xa và thanh thoát để tập trung sống cho điều đích thật.

Tuy nhiên tránh xa tiền bạc của cải mới là một nửa của vấn đề. Khi gần Chúa rồi, thì tiền bạc lại là một tên đầy tớ tốt, là phương tiện để yêu mến và phụng sự Chúa. Vì thế cần dùng đến của cải và tiền bạc trong mức độ nó giúp ích. Tuy nhiên, cũng giống hai lời khấn kia, chúng ta rất dễ tự lừa dối mình, cơ chế biện hộ rất mạnh, nên chúng ta cẩn thận. Thế nên việc hồi tâm xét mình là việc không thể bỏ đối với chúng ta. Chúng ta phải rất chân thành thì may ra mới khỏi bị lừa trong những đường ranh mong manh này.

Để khỏi bị lừa dối, chúng ta cần trong sáng minh bạch bằng cách cho quản lý hay bề trên biết rõ về mọi khoản chi tiêu của mình, và khi chỉ cần có dấu hiệu họ không hài lòng, chúng ta nên điều chỉnh, vì đôi khi chúng ta lớn tuổi, bề trên nhỏ tuổi cũng ngại nhắc nhở. Chúng ta làm như vậy cốt là để làm đẹp lòng Chúa, Đấng cũng thích chúng ta trung tín trong những gì nhỏ bé.

Cuối cùng, xin Chúa cho chúng ta qua ba lời khấn có được ba phương thế hữu hiệu để cải thiện ba mảnh đất trong ruộng, để rồi ruộng chúng ta chỉ toàn là đất tốt, mọi hạt giống Lời Chúa đều được đón nhận nơi một con tim dành trọn vẹn cho Chúa, được bén rễ thật sâu nơi mảnh đất tơi xốp của tâm hồn không còn đá sỏi của ý riêng, được lớn lên trong một không gian thoáng đãng của mảnh đất sạch bụi gai. Vui dường nào khi Chúa lớn lên trong lòng chúng ta mà không gặp cản trở nào. Tạo điều kiện để Chúa lớn lên trong lòng mình là đích nhắm là bổn phận là trách nhiệm là tất cả của người dấn bước đi tu. Xin Chúa cho chúng ta hằng ngày chăm lo đến điều này. Xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc và niềm vui của một tâm hồn có Chúa, để rồi có sức lướt thắng tất cả những trở ngại trên đường. Xin Đức Mẹ và các thánh cầu cùng Chúa cho chúng ta.