Các Bài Suy Niệm Trong Tuần 19 Mùa Thường Niên Năm C

458

Các Bài Suy Niệm Trong Tuần 19 Mùa Thường Niên

 THỨ HAI TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN- Thánh Đaminh, Linh mục, lễ nhớ

THỨ BA TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN – Thánh Laurenso, Phó tế, Tử đạo, lễ kính

THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN – Thánh Clara, trinh nữ, lễ nhớ

THỨ SÁU TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

 

THỨ HAI TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN- Thánh Đaminh, Linh mục, lễ nhớ

Lời Chúa: Mt 17, 21-26

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế “đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”.

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Đòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”.

 

1. Suy niệm 1: Để khỏi làm cớ sa ngã

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi mỉm cười,

khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá,

một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường.

Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được,

bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan,

vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.

Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30, 14)

những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp

để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó.

Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao,

và phép lạ đã xẩy ra như thế nào.

Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước

Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy.

Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế

lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này.

Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu.

Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế,

vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26).

Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc.

Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao.

Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13, 38),

và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6, 9).

Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế.

Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác.

Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế,

nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm.

Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum,

Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.

Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ.

Thầy biết mình có tự do,

nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác.

Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn về việc ăn đồ cúng.

“Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch,

nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14, 20).

Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn.

Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm.

Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu.

Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm.

Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn.

Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông,

nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng.

Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó

chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác,

thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh.

Amen. (dịch theo Learning Christ)

2. Suy Niệm 2: 

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

  1. Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu và vấn đề thuế thân.

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn sắp đến của Ngài với các môn đệ, nhưng với chi tiết rõ ràng hơn lần trước: Con người sẽ bị nộp vào tay người đời…. và Matthêô thêm: “Các môn đệ buồn lắm.” (Mt 14,23)

Chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đang tập cho các môn đệ làm quen phần nào với cuộc Thương khó sắp đến của Ngài, để tránh cho các ông cú “sốc” quá lớn, có thể đưa đến thất vọng chăng. Đồng thời, việc Chúa loan báo trước như vậy là để cho các môn đệ biết, cuộc thương khó của Ngài nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Tin Mừng ghi: “Các môn đệ buồn lắm!” (Mt 14,23).

  1. Buồn cũng như vui, là thành phần của cuộc sống. Và thường buồn rồi mới vui. Cũng như mưa xong, trời lại nắng. Cuộc sống thường thêu dệt bằng những buồn vui, vui buồn là sợi ngang chỉ dọc dệt nên tấm thảm cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu cũng sẽ phải trải qua nỗi buồn chưa từng có trên đời: buồn đến nỗi mồ hôi máu chảy ra tại núi Cây Dầu. Buồn vui là qui luật của cuộc đời. Điều quan trọng là người Kitô hữu biết thánh hóa những niềm vui nỗi buồn đó.

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa,

Vì Chúa đã ban cho con,

Một con đường để con đi về phía trước,

Lòng vững tin Chân Hạnh Phúc ở cuối trời

Một cuộc đời để con nếm buồn vui,

Và sẽ hiểu: buồn vui cũng chỉ là tương đối.

Một người bạn để con chìa tay với,

Mà không mong chỉ giữ mãi cho riêng mình

Một tình yêu để tim con rạo rực,

Nhận rất nhiều, rồi thao thức đem cho

Một ước mơ để con chờ con đợi,

Khi đêm qua, rồi Ngày Mới bắt đầu…

  1. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ.

Theo Luật thì mọi người đàn ông Do Thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestine, đều phải nộp cho Đền thờ hàng năm một món tiền thuế là hai đồng “drachme”, tương đương với giá trị hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua.

Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này hay không?

Trước hết, Chúa Giêsu đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó Ngài mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.

Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: Các bậc vua chúa thường không thu thuế con cái họ mà chỉ thu thế các thần dân khác: “Vậy, con cái thì được miễn” (Mt 17,26). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trên nguyên tắc thì Ngài được miễn.

Nhưng thực tế thì có khác: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. (Mt 17,26)

Chúa làm thế để làm gì? Thưa để tránh gương xấu.

Lý do là vì gương xấu luôn để lại trong cuộc sống những điều rất đau lòng.

Trong tác phẩm có tựa đề là “Phúc” người ta đọc được câu chuyện này: Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà và cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài tin rằng, những lời cầu nguyện như thế sẽ làm yên lòng những nấm mộ chập chờn trong bóng tối với những cây Thánh Giá lô nhô trong nghĩa địa. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Trong bóng tối, ngài thấy một hình người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng? Một tên điên chăng? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi! cha nói đi”.

Cha sở nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay trên vai người đó và nói:

– Ồ con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao?

Người bốn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói:

– Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.

– Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng sẽ xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa.

10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa.

Cha sở buồn rầ thốt lên một lời:

– Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này. (Trích “Phúc”)

THỨ BA TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.

“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.

 

  1. Suy niệm 1: Em nhỏ và kẻ bé mọn

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:

Làm lớn ở trong nhóm hay trong Giáo Hội,

đó vẫn là mối bận tâm gây tranh cãi giữa các môn đệ Thầy Giêsu.

Sau khi Thầy loan báo lần thứ hai về cuộc Khổ nạn (Mt 17, 22-23),

các môn đệ vẫn bị hút vào câu hỏi ai là người lớn nhất (c. 1).

Như một nhà sư phạm khéo léo, Thầy Giêsu đã gọi một em nhỏ lại,

đặt em đứng giữa các ông, và đưa ra câu trả lời.

Câu trả lời của Thầy chắc đã làm các môn đệ bị sốc.

Trong xã hội Do thái thời Đức Giêsu, trẻ em không có vai vế gì,

cũng chẳng có chút quyền hành hay sự độc lập.

Chúng không phải là biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ,

cho bằng là biểu tượng cho sự tùy thuộc, lệ thuộc vào người lớn.

Khi đặt một em nhỏ bằng xương bằng thịt giữa các ông,

Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời rồi.

Đối với Thầy, điều kiện để vào Nước Trời mai sau,

là phải trở nên như trẻ em (c. 3).

Muốn trở nên như trẻ em, cần phải trở lại, nghĩa là quay lại, hoán cải.

Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ.

Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng,

người ấy mới có thể vào Nước Trời.

Nước Trời là Nước của trẻ thơ,

và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải.

Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?

Thầy Giêsu trả lời, đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ (c. 4).

Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,

cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,

không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa.

Như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.

Thầy Giêsu không chỉ giúp môn đệ hiểu xem ai là người lớn nhất thực sự,

Ngài còn dạy họ biết quý giá trị của từng con người trong cộng đoàn.

Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những môn đệ yếu kém mặt này, mặt khác.

Ở đây họ được gọi là những kẻ bé mọn.

Thầy Giêsu nhấn mạnh đến phẩm giá của những kẻ bé mọn này.

Không ai được phép khinh rẻ một người nào trong nhóm họ.

Họ được bảo trợ bởi các thiên thần riêng,

và các thiên thần của họ vẫn chiêm ngưỡng nhan Cha ở trên trời (c. 10).

Có những môn đệ bé mọn bị sa ngã, lạc lối.

Thái độ của người lãnh đạo là để lại chín mươi chín con chiên

để đi tìm một con chiên lạc.

Cả con chiên lạc cũng vẫn có giá trị khiến ta phải tốn công sức để tìm về.

“Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Chính vì thế từng con chiên lạc đều đáng chúng ta trân trọng.

Khi nhìn trẻ nhỏ và kẻ bé mọn trong cộng đoàn bằng cặp mắt của Chúa,

chúng ta sẽ biết cư xử tử tế và kính trọng họ hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

  1. Suy niệm 2: Tâm hồn thơ trẻ

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Phải trở lại. Không phải sinh lại như Ni-cô-đê-mô tưởng lầm. Nhưng là có tinh thần trẻ thơ. Tinh thần trẻ thơ là gì? Khiêm nhường? Vâng lời? Ứng trực? Đều đúng cả. Khái quát trong thái độ của đứa con nhỏ đối với cha mẹ. Khi còn nhỏ, cha mẹ là tất cả. Con không là gì. Nên mọi sự đều trông mong vào cha mẹ. Nên một với cha mẹ. Phó thác. Tin cậy. Kết hợp. Yêu mến. Đó là thái độ Chúa Giê-su sống với Chúa Cha. Đó là thái độ Chúa muốn ta có với Thiên Chúa. Chúa là tất cả. Ta là hư vô. Chúa có tất cả. Ta hai bàn tay trắng. Chúa trao ban tất cả. Ta nhận lãnh tất cả. Càng bé nhỏ ở trần gian càng cao trọng trên trời. Càng bé nhỏ càng được Chúa yêu thương.

Nhân loại gặp vấn đề khi muốn chứng tỏ mình là người lớn, trưởng thành trước mặt Chúa. Tự mãn với những thành công, con người tưởng mình ngang hàng với Chúa. Tự do cá nhân quá mức, con người không còn muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tự phụ giải quyết được mọi vấn đề, con người nghĩ rằng thế giới này không còn cần Thiên Chúa. Đó là những thái độ tàn phá con người và thế giới. Cần trở nên như trẻ nhỏ.

Nêu gương cho ta, Mô-sê đã sống tinh thần bé nhỏ. Mô-sê từng là một thủ lĩnh lẫy lừng, từng thi hành bao điềm kỳ phép lạ kinh thiên động địa, gieo kinh hoàng cho người Ai cập. Nhưng giờ đây Mô-sê thú nhận mình già yếu. Ông khiêm tốn thanh thản giã từ quyền lực. Còn hơn thế ông bé nhỏ nên lãnh án phạt của Chúa cách khiêm nhường. Và ông trở nên bé nhỏ đến độ vâng phục lời Chúa dậy ra đi lên núi chết một mình. Đúng là một người con hiếu thảo. Và ông có tâm tình bé thơ khi tôn trọng Gio-suê, người đệ tử theo hầu ông từ khi còn nhỏ. Ông tin tưởng và khích lệ Gio-suê. Ông khuyên nhủ dân chúng vâng phục Gio-suê dù anh còn trẻ. Vì ông biết rằng mọi sự đều bởi Chúa. Chúa sẽ dẫn đưa Ít-ra-en. Chúa sẽ ở với Gio-suê (năm lẻ).

Ê-dê-kiên cũng có tính thần trẻ thơ khi vâng lời Thiên Chúa nuốt trọn cuốn sách có đủ mọi điều đắng cay mà chẳng thắc mắc ngại ngùng. Và sau đó vâng lời Chúa truyền rao Lời Chúa cho dân, dù là những lời không mấy dễ nghe. Ê-dê-kiên quả đã sống tinh thần của người con bé nhỏ và hiếu thảo. Đón nhận tất cả từ Thiên Chúa. Làm tất cả mọi sự theo ý Thiên Chúa. Bất chấp sự gì xảy đến cho mình (năm chẵn).

 

  1. Suy Niệm 3: Như con thơ

TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Thiên Chúa muốn ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: luôn đơn sơ, chân thành, tin tưởng, phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Có lẽ hình ảnh tươi đẹp nhất của cuộc sống mà ai cũng đều trân trọng, đó là quãng đời tuổi thơ. Tuổi thơ là niềm vui của cha mẹ, là mầm sống tương lai cho Giáo Hội, cho quê hương. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên trước cuộc sống, luôn bình thản với hiện tại, không bon chen, không hận thù tranh chấp, lại chẳng lo lắng đến tương lai, luôn chấp nhận cuộc sống với một thái độ lạc quan. Chúa là Cha, Chúa muốn con luôn sống như một trẻ thơ trong tay cha. Càng trở nên trẻ thơ, con lại càng được Chúa yêu quý.

Lạy Chúa, trong cuộc sống đức tin, con lại muốn làm người lớn, để con được tự do làm những gì mình muốn, thay vì sống theo lề luật của Chúa. Con cũng thường hiểu Lời Chúa theo ý riêng con, thay vì nghe theo đường lối Giáo Hội chỉ dạy. Và hậu quả là con đã lầm đường lạc lối.

Cũng có nhiều lúc con tự cao tự đại, coi thường những cơn cám dỗ, con cậy dựa vào sức mình mà không chịu cậy trông vào Chúa. Và cũng có nhiều lúc tâm hồn con nuôi dưỡng những tư tưởng hận thù, âm mưu đen tối, phiền sầu lo lắng.

Lạy Chúa, như trẻ thơ nép mình trong tay người mẹ, xin cho con biết trở nên như trẻ nhỏ với một tâm hồn đơn sơ, hiền lành, tin tưởng và phó thác đời sống và bản thân con trong tay Chúa, để chính Chúa nâng đỡ, hướng dẫn con trên hành trình cuộc sống trần gian này.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương đón nhận và chúc lành cho con. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.

THỨ TƯ TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN – Thánh Laurenso, Phó tế, Tử đạo, lễ kính

 Tin mừng: Ga 12, 24-26

24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

  1. Suy niệm 1:

TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã phục sinh và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Để được sống đời đời, người theo Chúa chỉ có một chọn lựa: chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường Chúa đã đi là con đường khổ giá và kết thúc bằng sự sống lại vinh hiển. Từ đó Chúa đã làm phát sinh sự sống Thiên Chúa cho con người. Con hiểu được rằng: Chúa đã chịu chết vì con như hạt lúa gieo vào lòng đất và chịu mục nát đi.

Rồi Chúa đã sống lại như hạt nảy mầm, phát sinh hoa trái, mùa màng là sự sống Thiên Chúa trong con. Và Chúa kêu mời con đến tham dự sự sống của Chúa. Nhưng để được như thế, con phải chọn đúng con đường Chúa đã đi. Con đường hẹp dẫn tới sự sống là con đường từ bỏ, hy sinh, vác thập giá hằng ngày qua các bổn phận đời thường và qua các đòi buộc của luật Chúa và luật Giáo Hội.

Nhưng lạy Chúa, bản tính con người của con lại yếu đuối quá. Con sợ phải cố gắng, phải hy sinh, phải từ bỏ và phải thiệt thòi. Con dễ ngã theo lời mời của đam mê, tìm hưởng thụ, sống phóng túng. Con thích đi vào con đường rộng dẫn đến cõi chết.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Thánh Lô-ren-xô, xin giúp con mạnh dạn đi theo con đường khổ giá. Xin giúp con từ bỏ chính bản thân mình để phục vụ anh em, phụng sự Chúa. Chính lúc chết đi cho tội lỗi và ích kỷ, là lúc con được vui sống với Chúa muôn đời. Amen.

Ghi nhớ: “Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

  1. Suy niệm 2:

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ một sự thật rất lạ thường về vấn đề sống chết:

– Có chết thì mới có sống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều bông hạt”; “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

– Chính Chúa Giêsu đã đi con đường lạ thường ấy, và Ngài bảo các môn đệ cũng hãy theo Ngài trên con đường ấy: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”

1.”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Bạn hãy đọc lại câu này nhưng đổi một số chữ: hạt lúa = người tín hữu ; đất = thế giới này ; chết đi = hy sinh để phục vụ.

2.”Có chết thì mới có sống”, điều nghịch lý này không chỉ đúng đối với hạt giống, với các thánh tử đạo (“Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”, Tertulien), mà còn rất đúng trong tu đức: tôi có chết đi con người cũ thì mới sống lại thành con người mới; tính xấu có chết đi thì tính tốt mới sinh ra được.

  1. Một bà đạo đức áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được. Bà đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói:

– “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non mẩy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của Đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức.”

4.”Thật Thầy bảo thật anh em: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi. Còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24)

Nhìn đồng lúa chín vàng, hạt lúa trĩu nặng, mấy khi tôi nghĩ đến những hạt giống âm thầm đi vào lòng đất, từng ngày, từng giờ, lặng lẽ nẩy mầm trong đêm, vượt đất vươn lên…

Vẫn âm thần lặng lẽ, lặng lẽ như tiếng chổi tre của người phu quét rác, lặng lẽ như vạn đôi tay của các công nhân đang miệt mài xây dựng, lặng lẽ như tấm lưng còng của mẹ già tần tảo sớm khuya, lặng lẽ như những bước chân truyền giảng Tin Mừng…Tất cả đều tự nhiên, âm thầm và lặng lẽ trong bài học cho đi.

 THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN – Thánh Clara, trinh nữ, lễ nhớ

 Lời Chúa: Mt 18,21 – 19,1

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

 

  1. Suy niệm 1: Bảy mươi lần bảy

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:

Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.

Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.

Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,

lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.

Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.

Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,

trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?

Dù một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,

nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.

Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.

Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.

Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.

“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).

Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế

khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.

Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.

Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).

Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.

Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.

Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.

Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.

Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,

như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (c. 33).

Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát

chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.

Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ

phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.

Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,

bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).

Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta

chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.

Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.

Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.

Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.

Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,

Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.

Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.

Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.

Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).

Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.

Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.

Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.

Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…

Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

  1. Suy niệm 2: Tha thứ

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Tha thứ một điều cần thiết nhưng lại khó khăn biết bao. Cần thiết vì nếu không tha thứ ta không thể sống với ai được. Con người là bất toàn. Luôn sai lỗi. Nếu ta không tha thứ thì cuối cùng chỉ còn mình ta với ta. Và ta cũng bất toàn. Nếu người khác không tha thứ thì ta cũng không sống nổi. Nhưng trên hết ta phải tha thứ để được Chúa thứ tha. Vì Chúa là Đấng hay tha thứ.

Chúa là Đấng từ bì thương xót. Luôn tha thứ lỗi lầm của con người. Lịch sử của con người là lịch sử của tình thương. Thiên Chúa yêu thương con người. Tạo dựng nên con người. Cứu chuộc con người. Sau Mô-sê đến lượt Gio-suê hướng dẫn dân Chúa ra khỏi Ai cập tiến vào Đất Hứa. Ra khỏi nô lệ khổ cực tiến vào tự do yêu thương. Ra khỏi đất ăn nhờ ở tạm vào đất sở hữu vĩnh viễn. Chúa yêu thương cho dân vượt qua Biển Đỏ. Hôm nay lại cho dân vượt qua sông Gio-đan khô chân. Qua sông qua biển. Đó là tình yêu thương của Chúa (năm lẻ).

Biết bao tình yêu thương Chúa bày tỏ với dân Ít-ra-en. Nhưng họ luôn cứng đầu cứng cổ. Phản loạn. Tội lỗi. Chúa phải sai các tiên tri đến cảnh tỉnh họ. Sửa chữa họ. Trừng phạt họ. Để họ tỉnh ngộ. Ê-dê-kiên trở nên dấu chỉ báo trước hình phạt Chúa giáng xuống ông hoàng và dân cư Giê-ru-sa-lem. “Tôi là điềm báo cho các ông. … Họ sẽ phải đi tù, đi đày. Ông hoàng đang ở giữa họ sẽ vác hành lý lên vao lúc trời tối và sẽ ra đi; họ sẽ khoét một lỗ trên tường cho ông chui qua. Ông sẽ che mặt để chính mắt khỏi nhìn thấy xứ sở” (năm chẵn). Chúa cảnh báo để họ sám hổi, để được tha thứ.

Nhưng rồi Chúa lại tha thứ tất cả. Để tha thứ Chúa gửi Con Một xuống trần gian. Chịu mọi đau khổ để đền tội cho con người. Để đưa con người vượt qua biển trần gian. Để con người được vào không phải đất hứa ở trần gian, nhưng vào đất hứa trên thiên đàng. Để tha thứ cho ta Chúa phải chịu khổ nhục thiệt thòi như vậy. Chúa dạy ta phải tha thứ cho anh em. Tha như Chúa. Tha mãi mãi. Tha không giới hạn. Đó là điều kiện để ta được Chúa tha thứ. Đó là cách thế để cứu thế giới. Thế giới tràn đầy tội lỗi. Không thể tồn tại nếu thiếu lòng tha thứ. Hơn nữa ta phải tha thứ để làm chứng cho Chúa. Làm sáng lên lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Để nhân loại nhận biết Chúa. Đây là thời đại cuối cùng. Đây là lúc biểu lộ tình thương. Đây là thời kỳ của ân sủng. Ơn tha thứ. Lòng thương xót cho con người. Ta hãy cũng Chúa đem ơn tha thứ cho thế giới bằng chính sự khoan dung tha thứ của ta.

 

  1. Suy Niệm 3: Tha thứ vô điều kiện

TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm cho ta trước.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con chúc tụng tình thương độ lượng hải hà mà Cha đã thực hiện nơi nhân loại và nơi bản thân yếu đuối của con. Chúa không nhìn đến lòng phản trắc đáng phải chết khi nguyên tổ chúng con sa ngã phạm tội, Cha đã tha thứ và gọi tên A-đam, E-và, để loan báo chương trình cứu thoát. Từ lời hứa ấy, Cha đã từng bước thực hiện ơn cứu độ và hoàn thành trong Đức Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh. Cha còn tiếp tục ban lại cho con sự sống của Cha cách dồi dào hơn nữa trong Ngôi Thánh Linh. Vâng, nhân loại đáng chết đã được hưởng lòng thương xót thứ tha của Cha. Con sẽ mãi ca tụng Cha nhân từ trọn đời sống con.

Lạy Cha là Đấng luôn tha thứ và hay thương xót, xin cho con biết học bài học rộng lượng, khoan dung để con đối xử như thế với mọi người anh em. Xin cho con biết vì Cha mà tha thứ tất cả cho mọi người có điều xích mích, bất hòa với con, không giới hạn, không điều kiện. Con ý thức được rằng con tha thứ cho anh em không phải vì con cao thượng hay vì con nhân đức, cũng không phải vì người anh em nhận ra lỗi và hạ mình van xin. Nhưng lạy Cha, chỉ vì một lý do là Cha muốn con tha thứ, như Cha đã tha thứ cho con trước. Xin cho mỗi lần con cố gắng tập tha thứ, là con trở nên giống Cha và giống Đức Giêsu đã tha thứ cho kẻ giết hại mình.

Con cầu xin cho mọi anh chị em con cùng sống theo lời Chúa Giêsu chỉ dạy: hãy tha thứ để được thứ tha. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

  1. Suy Niệm 4: Trả thù: cách của người công giáo

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy liền bắt cô bé, lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: “Trả được thù rồi”.

 Ngày qua tháng lại, thấm thoắt mười mấy năm, cô gái đã có chồng con. Một hôm, có một tên ăn mày tới xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ chặt ngón tay mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ kia ăn no rồi, người đàn bà đưa bàn tay cụt hai ngón ra cho hắn xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”. Tên ăn mày xúc động khóc ngất. Riêng bà kia vì đã trở lại đạo nên hiểu rằng: “Nếu kẻ thù mình đói, hãy cho nó ăn, khát hãy cho nó uống…” (Rm 12,20) .

Hai cách trả thù: Cách của người ngoại giáo và cách của người công giáo (Trích “Phúc”).

Suy niệm

Trong nỗ lực đưa nhân loại đến với đức ái trọn hảo, Chúa Giêsu đã dạy con người phải biết tha thứ không ngừng cho nhau qua con số tha thứ bảy mươi lần bảy tức là luôn tha thứ. Chính Ngài là tấm gương sống động khi cất lời xin Cha tha thứ cho những kẻ thi hành án tử với Ngài (x. Lc 23,34). Tấm gương tha thứ ngay lúc họ gây cho Ngài đau khổ nhất, phản chiếu khuôn mặt nhân từ như Ngài kêu gọi: “Phải có lòng nhân từ” (Lc 6:36).

Hơn nữa, tha thứ là điều kiện để chính mình được thứ tha như Ngài dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con nhưng chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Sách Huấn Ca nhấn mạnh kẻ thù hận là người không có lòng yêu thương và không đáng được tha tội: “Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?” (Hc 28,4-5). Cho nên, sách Huấn Ca đã dạy trước: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Chính vì lẽ đó Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ… Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6:36-37).

Tha thứ, khuyến khích người được thứ tha trở về với con đường chính lộ và nảy sinh tình yêu khi sống trong vòng tay nhân ái, đó là động lực để họ dấn thân trong yêu thương: Ai được tha nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít (x. Lc 7,47b). Sống tha thứ là giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến. Tha thứ làm thêm cho cuộc sống tâm linh: tiến tới đức ái trọn hảo theo gương Chúa Kitô, cũng làm cho cuộc sống thêm nhân văn: Sức khỏe được bảo vệ.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thứ tha cũng đầy gian nan dù chỉ nói một lời tha thứ. Mỗi chúng ta có cảm nghiệm: Để đến và hòa giải được quả thật không đơn giản, nhất là những ai gây tổn thất nặng về tinh thần và thể xác. Tha thứ luôn đòi hỏi vừa có sự nỗ lực cố gắng nơi con người, vừa cần trợ giúp ân sủng đến từ Thiên Chúa, Đấng tỏa sáng gương mặt bao dung, yêu thương, chậm giận và giàu lòng xót thương.

Con sẽ cố gắng tha thứ, xin cho con được ân sủng thứ tha của Thiên Chúa ở trong con, để con có thể can đảm tha thứ cho anh em.

Ý lực sống:

“Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

  1. Suy Niệm 5:

Lm Giuse Đinh Tất Quý

Lời Chúa hôm nay nhắc đến một trong những nghĩa vụ hàng đầu của người Kitô-hữu đó là tha thứ. Đây không phải là lời khuyên có tính cách định lý dành riêng cho một số thành phần ưu tuyển, nhưng là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô-hữu. Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nói đến hình phạt hỏa ngục ba lần: một khi khẳng định những kẻ bị chúc dữ phải xa mặt Chúa là những kẻ không thực thi bác ái. Hai là khi Ngài nói: kẻ làm gương xấu cho trẻ nhỏ. Và cuối cùng, trong dụ ngôn người mắc nợ bạn mình 100 đồng.

Muốn tha thứ, trước hết nên nhớ rằng chúng ta thường thấy cái rác trong mắt anh em hơn là cái đà trong mắt mình. Chúng ta nhạy cảm đối với nhưng bất công, xúc phạm của người khác đối với chúng ta hơn là những thiệt hại mà vô tình hay hữu lý chúng ta gây cho người khác.

Thứ đến, để có thể tha thứ, chúng ta phải không ngừng sống trong bầu khí bác ái và bình an. Tha thứ là kết quả của sự tập luyện lâu dài. Nếu để mình chiều theo những sôi sục trong tâm hồn cũng như ngoại cảnh, chúng ta sẽ dễ hướng đến oán thù. Khi sống yêu thương chúng ta thắng vượt hận thù và như thế mới có thể tha thứ cho người khác được.

Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng tha thứ không phải là một hành động thuần ý chí, mà là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ, nếu không đí kèm theo sự cầu nguyện. Chính khi ta cầu xin với Chúa là lúc ta nhận được sức mạnh để thắng vượt hận thù trong chúng ta.

Một ngày nọ, một nữ tu gọi tôi lại bảo rằng có một người đàn ông trẻ đang hấp hối nhưng thật kỳ lạ là anh ta không thể chết. Tôi vội lại gần và hỏi anh ta:

– Có điều gì bất ổn chăng?

Anh trả lời:

– Sơ ơi! Tôi không thể nào chết được cho đến khi tôi chưa cầu xin cha tôi tha thứ.

Vị nữ tu vội vã tìm đến nhà cha anh ta và gọi ông ấy. Điều lạ lùng đã xảy ra khi người cha ôm con trai mình vào lòng và khóc:

– Con trai! Con trai yêu quý của cha.

Người con trai ấy cầu xin cha:

– Cha ơi, xin hãy tha thứ cho con.

Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau thật lâu. Vài giờ sau, người thanh niên từ giã cõi đời.

 

   THỨ SÁU TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

 Lời Chúa: Mt 19, 3-12

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”.

Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”.

  1. Suy niệm 1: Một xương một thịt

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”

Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,

và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.

Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng

ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.

Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể.

Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.

Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu,

người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.

Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,

nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.

Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”

Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).

Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.

Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.

Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.

Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).

Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.

Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)

để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).

Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)

để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.

“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,

mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.

Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)

và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).

Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê

và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.

Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.

Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.

Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng

mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.

Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.

Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,

khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,

khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,

khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…

khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.

Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,

bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…

để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

Cầu nguyện:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,

xin Cha nhìn xuống

những gia đình sống trên mặt đất

trong những khu ổ chuột tồi tàn

hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến

những gia đình thiếu vắng tình yêu

hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,

những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ

hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục

vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,

những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương

những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,

những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,

những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ

từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,

từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu

đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;

nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ

hạnh phúc luôn ở trong tầm tay

của từng người chúng con. Amen.

 

  1. SUY NIỆM 2: Giao ước

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Thiên Chúa muốn dựng nên con người giống hình ảnh Người. Thiên Chúa là tình yêu nên Thiên Chúa dựng nên con người để biểu lộ tình yêu của Người. Để biểu lộ tình yêu con người không phải chỉ là nam hay nữ nhưng là nam và nữ. Vì thế ơn gọi gia đình là cơ bản. Như Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa, gia đình tuy hai nhưng “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”. Như Ba Ngôi Thiên Chúa hoàn toàn dâng hiến cho nhau, vợ chồng cũng phải hiệp thông trong hoàn toàn trao ban và nhận lãnh: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình”. Tình yêu Thiên Chúa trên trời còn cao siêu trừu tượng nên Thiên Chúa đã thực hiện cụ thể trong lịch sử đối với dân Ít-ra-en, để con người có thể chiêm ngưỡng và noi theo tình yêu trung tín của Người.

Gio-suê nhắc lại tất cả những việc Thiên Chúa làm để bày tỏ tình yêu với Ít-ra-en: đã tuyển chọn Áp-ra-ham; đã đưa ông vào đất Ca-na-an; đã đưa dân ra khỏi Ai-cập; đã chiến thắng tất cả các dân để thừa hưởng đất Ca-na-an: “Ta đã thả ong bầu bay đi trước các ngươi; chính ong bầu chứ không phải cung kiếm của các ngươi đã đuổi chúng. Ta ban cho các ngươi đất các ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn” (năm lẻ).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en được Ê-dê-kiên ví như tình yêu giữa một người con trai và một người con gái. Người con gái xấu xí bị vứt bỏ và chê cười. Chúa đã cứu về, nuôi sống, và làm cho trở nên xinh đẹp. “Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu toả trên ngươi”. Nhưng khi được xinh đẹp người con gái liền phản bội. “Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi đề đàng điếm và hoang dâm với mọi người khách qua đường”. Tuy thế Chúa vẫn trung tín và yêu thương. Vì đã giao ước. “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu” (năm chẵn).

Chúa muốn hôn nhân là hình ảnh của Chúa. Hình ảnh tình yêu. Hình ảnh giao ước. Hình ảnh trung tín. Chỉ có tình yêu thật mới trung tín với giao ước đến muôn đời. Chỉ có tình yêu thật mới tha thứ mãi mãi. Tình yêu thật chỉ có trong Chúa. Và như Chúa. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12).

  1. Suy Niệm 3: Bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân

TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúa Giêsu khẳng định tính cách bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân. Chúa cũng mời gọi sống độc thân để phục vụ Nước Trời. Ngài mời gọi ta hãy sống chứng nhân trong bậc sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Cha, thật là hồng ân lớn lao khi trong xứ đạo có bao gia đình công giáo sống hạnh phúc ấm êm. Cha mẹ hy sinh quên mình, yêu thương lo lắng cho con cái, những người con ngoan hiền yên vui dưới mái ấm gia đình, đặc biệt vợ chồng trung thành với nhau suốt đời: đó là nét son nổi bật làm rạng rỡ cho ơn gọi hôn nhân công giáo. Họ là những đóa hoa tươi đẹp đáng khâm phục điểm tô cho Hội Thánh và nhân loại. Họ là ngọn hải đăng soi đường cho con thuyền của các gia đình khác.

Lạy Cha, các gia đình chúng con đang chịu áp lực của xã hội tiêu thụ, của khuynh hướng tự do khoái lạc, của khuynh hướng thế tục. Những đổi thay đang làm cho những giá trị truyền thống của gia đình bị chao đảo lung lay. Những rối loạn ấy đang phá vỡ kế hoạch của Cha về ơn gọi gia đình.

Xin cho các vợ chồng công giáo chúng con biết sống trung thành yêu thương nhau suốt đời. Xin Cha ban ơn giúp chúng con biết quên mình, biết nhịn nhục và tôn trọng nhau, biết chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót của nhau.

Xin dạy con biết nhìn hoàn cảnh của những gia đình đổ vỡ với trái tim cảm thông cứu giúp, chứ không lên án loại trừ. Xin Cha giúp họ sớm hàn gắn vết thương và tìm lại được niềm vui.

Và từ gia đình, Cha mời gọi một số người hiến thân trong đời sống tu trì để chuyên lo việc phục vụ Nước Trời. Họ là những điểm sáng ánh lên tình yêu của Cha giữa trần thế. Xin cho các tu sĩ luôn trung thành với ơn gọi cao cả ấy. Amen.

Ghi nhớ: “Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.

  1. Suy Niệm 4: 

Lm Giuse Đinh Tất Quý

  1. Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” (Mt 19,3).

Chúa Giêsu trả lời bằng một trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1: Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.

Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận định về câu Đệ Nhị Luật đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật, nhưng chỉ là lời cho phép miễn chuẩn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế, trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là miễn chuẩn thôi. Sự miễn chuẩn đó không hủy bỏ được định chế hôn nhân.

Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả phân ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác, là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9).

  1. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ, Chúa còn nâng bậc hôn nhân lên hàng bí tích. Qua bí tích hôn nhân, Chúa ban cho đôi hôn nhân muôn vàn ơn sủng để hai người có thể chu toàn được bổn phận của mình.

Thế nhưng, nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi không lo lắng. Có nhiều cuộc hôn nhân không còn giữ được những giá trị tốt đẹp như ngày trước. Đó là những cuộc hôn nhân thiếu suy nghĩ, yêu cuồng sống vội. Có khi hôn nhân chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân chẳng khác gì một cuộc chơi, thích thì lấy nhau, không thích thì ly dị.

Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho tất cả các gia đình, nhất là cho các bạn trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, để họ ý thức được hôn nhân là một việc quan trọng, nên phải chuẩn bị và nhất là biết suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi chọn lựa, để rồi khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân họ luôn giữ được lòng trung thành.

Và giả như sau khi kết hôn, có những sự bất đồng, những va chạm, thì hãy tìm cách hoà giải cho êm thoả.

Ở bên Rôma có một ngôi đền thờ cổ. Đây là ngôi đền dâng kính nữ thần hòa giải. Ngay cái tên gọi ngôi đền này, đã nói lên tinh thần rất quí trọng của người Rôma thời xưa. Khi hai vợ chồng nào bất hòa với nhau thì người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: Mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: Sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần (trích Mỗi ngày một tin vui).

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần lan.

Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần lan đã xử Vasa với bản án tù chung thân.

Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà được chia sẻ số phận tù đày với chồng bà.

Vua Phần lan lúc đó là Hériste đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:

– Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa không ?

– Thưa hoàng thượng có.

– Và ngươi có biết rằng, nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa mà bị đối xử như một tên phản loạn không ?

– Thưa hoàng thượng biết, cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quan này vẫn là chồng của tiện nữ.

Đức vua ngắt lời bà:

– Nhưng mà giờ đây, còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa đâu ? Ngươi được tự do mà.

Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:

– Xin hoàng thượng đọc cho.

Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ “mors sola”: Nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi. Giao ước ấy bà đã ký kết với chồng ngày hai người thành hôn.

Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng, sống trong ngục tối tăm, chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường, cho đến khi vua Hériste qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.

Lạy Chúa, xin cho tất cả những người Chúa đã đưa vào cuộc sống đời hôn nhân, được luôn trung thành bên nhau. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

 

Lời Chúa: Mt 19, 13-15

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

  1. Suy niệm 1: Để trẻ em đến với Thầy

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:

Bàn tay con người thật là cao quý.

Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê

để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).

Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase

bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14).

Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu.

Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6).

Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).

Bácnaba và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3).

Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng.

“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5).

Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ.

Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).

Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).

Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32),

thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu,

để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13).

Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện,

trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).

Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em.

Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm

hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé.

Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này.

Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.”

Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em,

người lớn không được phép xâm phạm.

Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:

“vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).

Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội,

nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời.

Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,

và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.

Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng.

Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài,

vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ,

phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4).

mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.

Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu.

Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.

Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế.

Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.

Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta:

“Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.”

Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,

nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu

những công việc bé nhỏ mỗi ngày,

những công việc âm thầm,

những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,

vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,

nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,

đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,

sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm,

dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,

nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người

và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,

xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,

con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa

trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,

và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

  1. SUY NIỆM 2: Con đường trẻ thơ

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Người ta coi thường trẻ em vì trẻ em không biết làm gì. Còn hơn thế nữa trẻ em còn gây phiền hà, cản trở công việc. Đó là nhìn theo quan điểm hiệu quả. Nhưng hiệu quả đời này không phải là tinh thần Nước Trời. Nước Trời không tìm hiệu quả theo kiểu trần gian. Không phải người lớn lao giỏi giang là đáng quí, nhưng là người “giống như trẻ nhỏ”. Tại sao? Vì Thiên Chúa không nhìn ta theo giá trị hiệu quả. Thiên Chúa nhìn ta theo giá trị người con. Dưới mắt cha, chỉ người con là đáng quí nhất. Ai xuất hiện trước mắt Chúa như người con bé nhỏ thảo hiền, người đó được hưởng mọi tình thương của Cha.

Chính Chúa Giê-su đã làm gương cho ta. Chúa Giê-su luôn là người con thảo hiếu bé nhỏ đối với Chúa Cha. Thảo hiếu bé nhỏ vì Chúa Giê-su biết mọi sự Người có đều nhận lãnh từ Cha. Mọi sự Người biết cũng đều nghe từ Cha. Đối với Người Chúa Cha là tất cả. Vì thế Chúa Giê-su suốt đời chỉ tìm thi hành thánh ý Chúa Cha. Người nói: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Là người con bé nhỏ hiếu thảo, Người được Chúa Cha ưu ái tuyên dương: “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Con đường trẻ thơ. Con đường của người con bé nhỏ hiếu thảo. Đó là con đường tuyệt hảo dẫn về Nước Trời. Ta chẳng làm gì nên công trạng. Ta chẳng thể tỏ ra là người lớn, có công, xứng đáng trước mặt Chúa. Ta chỉ có thể đến với Chúa bằng tâm tình người con bé nhỏ hiếu thảo. Ta sẽ được Chúa yêu thương và ban thưởng.

Gio-suê đã dẫn đưa người Do thái theo con đường bé thơ này khi ôn lại lịch sử và bắt họ tuyên xưng lựa chọn Thiên Chúa. Người Do thái đã ý thức Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự. Nhờ Thiên Chúa họ mới có sự sống. Nhờ Thiên Chúa họ mới có đất đai. Nhờ Thiên Chúa con đầu lòng của họ mới được cứu thoát. Nên họ phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa. Chọn Chúa làm Chúa Tể duy nhất (năm lẻ).

Ê-dê-kiên tha thiết kêu gọi dân trở về con đường của người con hiếu thảo. Đổi mới trái tim. Sinh lại trong thần khí mới. Để trở nên trẻ thơ. Để hoàn toàn phó thác cuộc đời và hoàn toàn vâng theo con đường Chúa chỉ dẫn. Để được sự sống đời đời: “Hãy trở lại, …Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (năm chẵn).

Trở thành người con bé nhỏ, hiếu thảo. Hoàn toàn vâng theo ý Chúa. Đó là con đường chắc chắn nhất. Vì Chúa sẽ bồng bế ta đến nơi bình an.

  1. SUY NIỆM 3: Như trẻ em

Bấy giờ, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó. (Mt. 19, 13-15)

Câu nói chiếu sáng cho cả đoạn Tin Mừng này là: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em.” Nước Trời đang hiện diện mọi lúc trong đời sống con người, trong đời sống Giáo Hội. Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Chúa luôn nhấn mạnh đến giai đoạn hiện tại và giai đoạn cánh chung. Nhưng giai đoạn cánh chung được tiếp nối với giai đoạn hiện tại, tùy thuộc chúng ta hôm nay sống Nước Trời hay không.

Hoàng tử nhỏ.

Hoàng tử nhỏ của Nước Trời là trẻ em, không phải vì bất lực hay nghèo khó, nhưng vì đời sống phong phú dồi dào, vì lòng trông cậy mạnh mẽ và con tim trong trắng đơn sơ, ngay thẳng. Tấm lòng trong trắng này làm cho con mắt tâm hồn trong suốt như thủy tinh. “Ai có lòng trong sạch được thấy Thiên Chúa” ngay trong đời sống này, chúng thấy được Thiên Chúa trong các tạo vật được dựng lên theo hình ảnh Ngài và được Ngài quan phòng hướng dẫn.

Sao con người lại bị mất vẻ trong sáng của tuổi thơ? khi nói tới ai có một tâm hồn trẻ thơ, người ta cảm thấy người đó sống bằng con tim thuần khiết.

Ở đâu?

Khi đứa bé qua đời, nó được sống trong Nước Trời, nó rất khó phải ở nơi khác! nếu nó yếu đuối phạm tội, chắc chắn nó sẽ ăn năn vì mến Chúa như Ngài đã yêu nó không hềloại trừ nó…

Sau những thí dụ đó Thiên Chúa công nhận trẻ em như là mẫu người được mời vào dự tiệc Nước Trời.

“Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ…” đây là một ấn văn chứa đầy trong Tin Mừng …. Tại sao chúng ta không cố gắng thực hiện? tại sao chúng ta không sống theo lời mời gọi của Chúa? tại sao lời đó không trở nên qui tắc cho đời sống đạo của chúng ta?

J.M

 

  1. Suy Niệm 4: 

TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng chân thành và đầy yêu thương. Cùng với các trẻ em, những ai biết sống chân thành và đầy tình yêu thương, sẽ được Chúa đón nhận và chúc lành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương và ôm các thiếu nhi vào lòng, chẳng phải vì vóc dáng dễ thương nhưng vì các em sống đơn sơ và chân thành. Một em bé đánh mất lòng đơn sơ chân thành chẳng đáng là công dân Nước Trời. Ngược lại, một người lớn mà vẫn giữ được lòng đơn sơ chân thành như trẻ thơ vẫn đáng được Chúa đón nhận.

Chính Chúa là Đấng chân thành và đầy lòng yêu thương. Chúa đòi hỏi những ai muốn ở với Chúa cũng phải đơn sơ, chân thành và sống chan hòa yêu thương.

Lạy Chúa, xin giúp con đến với Chúa trong tình yêu mến chân thành của trẻ thơ. Xin đừng để con đến với Chúa để cầu lợi, vì khi ấy con đã trở thành con buôn đến với Chúa. Đừng để con đến với Chúa mà khoe khoang như người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, vì con sẽ chẳng đáng Chúa thương. Đừng để con đến với Chúa mà mặc cảm như ông Giu-đa, không dám xin Chúa tha thứ, vì như thế Chúa chẳng cứu được con. Xin dạy con sống đơn sơ chân thành: biết cám ơn Chúa về điều tốt đẹp nơi con, biết xin Chúa thứ tha cho những điều thiếu sót, biết trình bày những thiếu thốn khó khăn và phó thác trong tay Chúa.

Lạy Chúa, dù con còn bé hoặc đã trưởng thành, xin cho con biết giữ mãi tinh thần trẻ thơ để con mãi mãi ở trong tay Chúa và đáng được Chúa chúc lành. Amen.

Ghi nhớ: “Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.

  1. Suy Niệm 5: 

Lm Giuse Đinh Tất Quý

Người đời quen phân biệt ai là người mình nên trọng, ai là kẻ mình phải khinh. Ngày xưa người Do Thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và Tôn giáo. Đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.

Đó là thái độ của Chúa Giêsu. Nhưng đây có phải là thái độ của mọi Kitô hữu chưa?

“Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (Mt 19,14): Chúa Giêsu thương những trẻ nhỏ bởi vì tự chúng, trẻ nhỏ có rất nhiều đức tính rất tốt.

Nhà văn Pécaut, người Pháp, có kể lại một câu chuyện có thật và đầy xúc động, mà ông đã gặp một lần trong đời để rồi vẫn còn nhớ mãi, không thể nào quên được. Câu chuyện như sau:

Một hôm, tôi vừa ra khỏi nhà thì một em bé trạc 12 tuổi chạy đến van nài tôi mua giúp em một hộp diêm quẹt. Động lòng thương, tôi rút ví ra định mua, nhưng tôi lại chỉ có toàn tiền chẵn. Tôi đang ngần ngại thì thằng bé nói ngay: “Không sao ông ạ, xin ông cứ vui lòng đưa tiền cho cháu, cháu sẽ chạy đi tìm chỗ đổi tiền rồi trở lại trả cho ông ngay”.

Tôi nhìn thằng bé với một thoáng nghi ngờ. Nó vội nói: “Thưa ông, cháu không phải là một thằng ăn cắp đâu ạ!”

Quả vậy, gương mặt xanh xao của nó có vẻ thành thật đến mức tự hào. Tôi liền trao cho nó một đồng tiền vàng, và nó chạy biến ngay về hướng cuối phố. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, tôi bắt đầu hồ nghi sự ngay thẳng của thằng bé. Và nửa giờ sau thì tôi hết kiên nhẫn, bỏ đi tiếp tục cuộc dạo phố, lòng thầm nhủ sẽ chẳng bao giờ còn tin vào những bọn lêu lổng đầu đường xó chợ như thế nữa…

Buổi trưa, khi về tới nhà, đúng chỗ ban sáng thì tôi lại thấy một đứa bé bé hơn đứa bé ban sáng, chỉ độ 8, 9 tuổi, khuôn mặt giống “thằng ăn cắp” như tạc. Nét mặt nó bộc lộ một sự lo âu tuyệt vọng. Nó thổn thức nói với tôi: “Thưa ông, có phải ông đã đưa cho anh cháu một đồng tiền vàng không ạ? Đây là chỗ tiền lẻ. Chính anh cháu nhờ gửi lại cho ông. Chúng cháu đều là trẻ mồ côi nhưng không phải là bọn ăn cắp. Anh cháu không thể trao tận tay ông ngay lúc sáng là vì anh cháu đã bị xe đụng khi vội chạy đi tìm chỗ đổi tiền. Cháu… cháu sợ rằng, anh cháu chết mất thôi…” Tôi bàng hoàng vội hỏi thằng bé trong tiếng nghẹn ngào: “Thế bây giờ anh cháu nằm ở đâu? Dắt bác đến gặp anh cháu ngay đi..”.

Tôi rảo bước gần như chạy sau em bé. Chúng tôi rời khỏi những khu phố giàu sang để lách vào những con hẻm lầy lội tối tăm của một khu lao động nghèo khổ. Em bé dừng lại trước một căn lều xiêu vẹo. Trong một xó tối, tôi nhận ra thằng bé bán diêm quẹt ban sáng. Nó nằm dài bất động trên một đống áo quần cũ rách, mặt trắng bệch vì mất khá nhiều máu. Nó thều thào nhìn tôi: “Thưa ông, xin ông lại gần cháu hơn một chút nữa…”

Tôi tiến lại gần, quỳ một chân, cúi xuống đỡ lấy bàn tay nhỏ bé và lạnh ngắt. Em nói với tôi. Ánh mắt của nó toát lên một niềm vui ngây thơ: “Em cháu đã đưa chỗ tiền lẻ cho ông rồi phải không ạ? Ông thấy không, chúng cháu đâu có phải là những đứa lừa gạt và ăn cắp. Cháu chỉ có mình nó là em ruột, cháu bị tai nạn thế này, rồi đây… Ôi trời ơi, rồi đây em cháu sẽ ra sao đây?”

Tôi lặng lẽ cúi xuống hôn lên vầng trán bị giập nát vì vết thương của em, và tôi đã hứa với em rằng, tôi sẽ hết lòng chăm sóc thằng bé thay cho em. Tôi nói chuyện với em được một lúc, bàn tay gầy guộc của em cứ để mãi trong tay tôi…

Tội nghiệp thằng bé, tôi biết vết thương của nó rất trầm trọng, không còn có thể làm gì để kịp cứu chữa cho em. Thằng bé có lẽ đã cố gắng thoi thóp sống chỉ cốt để gặp được tôi, trăn trối một lời cuối cùng. Bây giờ thì em không còn rên rỉ đau đớn nữa, đôi mắt em liếc nhìn đứa em thân yêu rồi chớp chớp nhìn tôi với một vẻ bình thản gần như hạnh phúc…

Đấy, người bạn bé nhỏ của tôi đã chết như thế đấy. Thằng bé đã cho tôi biết thán phục và thương cảm trước một tâm hồn trẻ thơ vô cùng trong trắng, ngay giữa cảnh đời nghèo khó và đau khổ đến cùng cực…

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

Có những ngày yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,

Lạy Chúa trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên Lời Chúa nói:

“Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta.” Amen.