Làm như Thầy dạy
Sau khi trở về, các môn đệ thuật lại cho Thầy Giêsu những gì các ông đã làm. Các ông đã thấm mệt nhưng lòng đầy phấn khởi và vui mừng. Thầy Giêsu liền dẫn các ông đi lánh riêng ra một nơi để nghỉ ngơi. Dân chúng biết thế liền đi theo. Thấy dân chúng, Thầy Giêsu đã tiếp đón họ, nói cho họ biết về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Sau đó, Người đã hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng.
Nhìn ngắm gương mặt phấn khởi của các môn đệ sau hành trình rao giảng, lắng nghe những câu chuyện các ông kể cho Thầy Giêsu, ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đang dâng tràn trong từng tâm hồn, hiện rõ trên từng khuôn mặt của các ông. Thầy Giêsu đã dẫn các ông lánh riêng ra để Thầy trò cùng nghỉ ngơi dưỡng sức. Một chương trình được vạch ra, Thầy trò đã đến nơi, nhưng rồi đám đông cũng theo đến nơi. Trái tim của Thầy khi nhìn thấy đám đông dân chúng thì liền chạnh lòng, khi đã chạnh lòng thì liền muốn cưu mang, nuôi dưỡng. Người đón tiếp họ, giảng dạy giúp họ hướng lòng về Nước Trời. Những ai cần được chữa lành thì Người cũng chữa lành cho họ. Người mời gọi các môn đệ một lần nữa quên mình để phục vụ dân chúng. Quả thực, các môn đệ không hề than trách khi không được nghỉ ngơi như chương trình đã vạch ra. Các ông cùng với Thầy tiếp đón dân chúng, cùng lắng nghe lời Thầy dạy và dẫn những ai cần được chữa lành đến bên Thầy. Đó là khung cảnh của một ngày đầy tình thương.
Ngày đã bắt đầu tàn, Nhóm Mười Hai đến bên Thầy Giêsu và thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9, 12). Đây là cách giải quyết nhanh chóng và đơn giản nhất, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thế nhưng, Thầy Giêsu không đồng ý với các ông. Người mời gọi các ông: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9, 13). Thầy Giêsu có thử thách các ông không, khi muốn các ông hãy cho họ ăn trong khi có đến hơn năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em? Chính các ông sẽ cho họ ăn trong khi các ông chỉ có năm cái bánh và hai con cá, nếu phải đi mua thức ăn cho họ thì cũng không dễ gì mua đủ (vì không đủ tiền và cũng không kiếm đâu ra đủ bánh cho bấy nhiêu người ăn). Dường như đó không phải là nỗi lo của Thầy. Thầy bảo các ông: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” Các ông đã làm y như vậy, mà có lẽ lòng vẫn còn băn khoăn lắm. Thầy sẽ làm gì đây? Thầy đợi các ông đi mua bánh chăng? Không phải thế. Sau khi đã vất vả sắp xếp chỗ ngỗi cho từng nhóm dân chúng, các ông mang cho Người số bánh và cá mà mình có. Thầy Giêsu cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông và các ông chia cho dân chúng. Thật tuyệt vời. Ai nấy đều ăn và được no nê, bánh còn dư đến mười hai thúng. Như thế, Người mởi gọi ta hãy biết phó thác mọi sự cho Người, trao vào tay Chúa “năm chiếc bánh và hai con cá” của đời mình; mở rộng trái tim để được Chúa đong đầy tình yêu và chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em.
Bánh đã được hóa nhiều khi nào? Có lẽ khi Thầy Giêsu bẻ ra trao cho môn đệ và các môn đệ cũng bẻ ra trao cho dân chúng, dân chúng lại bẻ ra chia cho nhau. Hình ảnh ấy thật đẹp. Năm chiếc bánh được bẻ ra, các phần bánh liên tục được bẻ ra chia cho mọi người, phần bánh không bị hụt đi nhưng lại được nhân lên. Đó chính là sức mạnh tiềm tàng của tình yêu thương khi được cho đi: cho đi một phần bánh đang khi bản thân vẫn còn đói, nở một nụ cười với người đang cần ta chia sẻ trong khi lòng ta vẫn còn buồn, dành thời gian lắng nghe tâm sự của người khác đang khi ta cũng cần được lắng nghe; nâng đỡ người khác đang khi ta cũng cần được đỡ nâng … Đó chính là bài học về tình yêu trao tặng mà chính Thầy Giêsu đã dạy ta, cách đặc biệt hơn trong ngày lễ Mình và Máu Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương con, nuôi dưỡng con bằng chính Lời Chúa và Thánh Thể. Xin cho con luôn biết biến cuộc đời của con thành tấm bánh bẻ ra trao tặng mọi người bằng cả đời sống của con. Xin giúp con luôn nhớ rằng chính Chúa đang yêu thương trong con. Một việc làm nhỏ bé, một lời nói tử tế, những điều ấy thật nhỏ bé nhưng nếu con không làm thì sẽ chẳng ai làm thay con. Bởi Chúa vẫn luôn mời gọi con: Chính con hãy cho họ ăn. Amen.
Bông hồng nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức
Bí Tích Tình Yêu
Lần ấy, nhóm Mười Hai đến thưa với Đức Giêsu để xin Người giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mà mua lấy thức ăn. Thật không ngờ, Đức Giêsu lại mời gọi các ông: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). “Chúng con chỉ có vọn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9, 13), các môn đệ trả lời. Trong nơi hoang vắng, với năm chiếc bánh và hai con cá thì mười hai môn đệ và cả Thầy Giêsu cũng chẳng thể no bụng. Vậy mà Đức Giêsu lại mời gọi các môn đệ lãnh lấy trách nhiệm chăm lo cho cả một đám đông dân chúng. Đức Giêsu cấm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ, môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.
Đức Giêsu đã thực hiện phép lạ ấy để nuôi đám đông dân chúng. Vâng lời Thầy, các môn đệ cho dân chúng ngồi thành từng nhóm, khoảng chừng năm mươi người một. Trong hoàn cảnh ấy, các ông chỉ biết làm theo những lời Thầy dạy. Thực ra, các ông cũng là những người đang rất thiếu thốn. Theo Thầy bấy lâu, các ông đã quen với cảnh không có chỗ tựa đầu, màn trời chiếu đất. Khi đưa ra phương án giản tán đám đông, chắc hẳn các ông cũng nhìn vào thực tế để tìm cách giải quyết sao cho ổn thỏa nhất có thể. Nếu ở trong hoàn cảnh ấy, có lẽ chúng ta cũng sẽ làm như các môn đệ. Đức Giêsu thì khác. Ngài luôn nghĩ đến người khác, nhận trách nhiệm về mình. Bởi đó, Ngài mời gọi các môn đệ cùng Ngài lãnh lấy trách nhiệm ấy. Phép lạ đã xảy ra, đám đông được no nê.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp tục trao ban chính mình cho mỗi người chúng ta qua tay các linh mục. Bí tích Thánh Thể là bảo chứng tình yêu, là sự hiện diện gần gũi của Ngài đối với Hội Thánh. Phép lạ hóa bánh ra nhiều của Đức Giêsu năm ấy đã giúp đám đông được no cái bụng, nay cũng chính Người đang trao ban chính mình cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Chúng ta thật hạnh phúc vì được đón rước Chúa vào trong tâm hồn chúng ta, được Người nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu Thánh của Người. Không những thế, khi rước Chúa vào lòng, chúng ta còn được nên một với Chúa và với nhau. Chúng ta chẳng thể nào nói lên được ân huệ lớn lao mà Con Một Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Còn món quà nào cao quý hơn chính sự hiện diện đơn sơ, gần gũi của Chúa Giêsu Thánh Thể?
“Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). Hôm nay, Ngài cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn đến đám đông dân chúng, đến những người chung quanh mình. Nhìn đến nhu cầu của những người chung quanh nghĩa là nhận lấy trách nhiệm về phần mình. Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta cũng có những suy nghĩ như các môn đệ ngày xưa. Chúng ta sẽ tự hỏi, tại sao tôi phải cho họ đang khi bản thân tôi còn thiếu thốn? Như các môn đệ xưa, chúng ta hãy đặt tất cả những gì mình có vào bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa, làm theo lời hướng dẫn của Thầy Giêsu. Chúng ta hãy mở rộng con tim, tấm lòng, dang rộng đôi tay để hướng đến tha nhân. Trong Chúa, chúng ta có thể làm được tất cả. Như có ai đó đã từng nói, lời mời gọi dành cho chúng ta là hãy biết cho đi ngay khi mình đang thiếu, động viên khích lệ ngay khi bản thân đang mệt mỏi, cố gắng ngay khi mình còn đang chán nản… Cái khó nhất là cho đi chính bản thân mình như Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thật vậy, cho đi chính mình luôn là thách đố cho tất cả chúng ta. Nếu cho bát cơm, cái áo, chỗ ngủ hay tiền bạc, có thể chúng ta sẽ dễ dàng cho đi; vì những thứ ấy vẫn ở ngoài ta, nó không thuộc về ta. Cho đi chính mình mới thật sự khó, nhưng không phải là không làm được. Vì yêu, Chúa Giêsu đã hiến mình trên thánh giá để cứu chuộc chúng ta, Người trao ban chính mình cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ bắt chước cách yêu của Chúa như thế nào đây? Để trao ban chính mình cho tha nhân như Chúa, trước tiên chúng ta phải học cách cho đi những cái chúng ta có, những cái ta quý mến. Từ từ, khi đã quen cho đi, chúng ta mới có thể cho đi chính mình như Chúa. Nếu thật sự thuộc về Chúa, chính Ngài sẽ giúp chúng ta cho đi chính mình.
Trong Chúa, chúng ta được mời gọi liên đới với nhau, quan tâm, chia sẻ cho nhau trong đời sống thường ngày. Điều cần thiết hơn cả là liều lĩnh đặt vào tay Chúa những gì ta có, để chính Ngài sẽ giúp ta thực hiện những phép lạ cả thể. Chúng ta hãy cùng Chúa nhận lấy trách nhiệm và hết mình vì Chúa mà chăm lo cho người khác.
Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức
Thánh Thể Nguồn Sống
Như người ta gieo hạt và tìm đủ mọi cách chăm bón, vun xới cho cây lớn lên, sinh trưởng tốt và đơm hoa kết trái, Thiên Chúa cũng gieo hạt giống Đức Tin vào lòng người, lại cùng ban cho nhiều phương thế để hạt giống ấy được lớn lên đến mức độ trưởng thành và sinh nhiều hoa trái. Nhưng trong mọi phương thế Chúa dùng, không có gì cao trọng hơn Bí Tích Thánh Thể là chính Mình-Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, Con Một Người, Đấng Cứu Độ trần gian.
Bí Tích Thánh Thể là thần lương của người tín hữu. Như lương thực trần gian cho thân xác người ta được no lòng, và sẽ được chuyển hóa thành năng lượng duy trì sự sống, Bánh Thánh Thể cũng là lương thực nuôi hồn ta như vậy. Bánh Thánh thể mà ta được rước lấy sẽ tan biến trong thân thể ta, đồng thời ngự trị trong linh hồn và nên một với con người ta trọn vẹn đời đơi (x.Ga 6,48.51). Và như rượu làm cho lòng người hoan hỷ, rượu Máu Thánh Chúa ban sẽ giải thoát ta khỏi u sầu của tội lỗi, của sự chết và đem lại sự hoan lạc muôn đời trong Thiên Chúa. Như chính Chúa Giêsu đã nói: Đây là máu Thầy, máu giao ước mơi, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28). Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một mẫu gương sáng ngời về việc sống Đức tin và hy vọng nhờ được nuôi dưỡng bởi Bí Tích Thánh Thể. Trong suốt mười ba năm tù đày, chịu thử thách cả trong lẫn ngoài, nguồn sức mạnh giúp ngài vượt qua bao khó khăn tưởng chừng như bế tắc ấy là Bí Tích Thánh Thể. Hằng ngày ngài dâng Thánh Lễ với ba giọt nước và một giọt rượu trong lòng bàn tay và mang Mình Máu Thánh trong người. Chính Chúa Giêsu Thánh Thể luôn ở cùng ngài, giúp ngài can đảm vượt qua bao khó khăn và cảm hóa được những người ác cảm, thù nghịch bằng một tình yêu phát xuất từ trái tim luôn có Chúa hiện diện.
Nhưng làm sao chúng ta chấp nhận được việc Thiên Chúa hiện diện trong tấm bánh đơn sơ, nhỏ bé trên bàn thánh? Tất cả những điều ấy vẫn không dễ đón nhận đối với những ai không tin. Vì giới hạn trí khôn con người không thể hiểu nổi, như dân Do Thái xưa đã vấp ngã: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt và uống máu ông ta được?” (Ga 6,52), và chính các môn đệ cũng hoang mang khi nghe Chúa Giêsu nói về lương thực trường sinh là thịt và máu Người. “Lời này nghe chướng tai quá! Ai nghe cho nổi?”(Ga 6,60). Thế nên ân huệ hạt giống Đức Tin thật quý giá và là điều kiện tối cần để được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa qua dấu chỉ bánh lúa mì và rượu nho, và đó là mầu nhiệm Đức tin. Khi hiệp lễ ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, ta được ở lại trong Người và Người ở lại trong ta (x. Ga 6,56). Đó là sự liên kết của lòng mến nhờ Đức tin, sự liên kết ban cho ta dồi dào ân sủng như Thánh Tôma Aquynô đã nói: “Nhờ Bí tích này tội lỗi được tẩy sạch, nhân đức được gia tăng và tâm hồn được chan chứa mọi ân huệ thiêng liêng”. Đó là tất cả những gì chúng ta cần để được lớn lên trong đời sống Đức tin và trổ sinh hoa trái cho Thiên Chúa qua đời sống thường ngày.
Như một sự đòi buộc nơi người lãnh nhận, Bí tích Thánh Thể mời gọi ta dấn thân cách đặc biệt cho những người nghèo khổ, hèn mọn là hiện thân của Chúa Giêsu là anh em của Người (x. GLHTCG 1397). “Bạn nếm Máu Thánh Chúa, vậy bạn lại không nhận ra người anh em, … bạn làm hổ thẹn Bàn Tiệc này, khi người được coi là xứng đáng tham dự bàn tiệc này, lại bị bạn coi là không xứng đáng được chia phần ăn của bạn. Thiên Chúa đã giải thoát bạn khỏi mọi tội lỗi và cho bạn vào bàn tiệc, vậy mà quả thật, bạn chẳng nhân hậu hơn chút nào (Thánh Gioan Kim Khẩu). Phần chúng ta, chúng ta sẽ không ngần ngại đáp lại lời mời gọi có vẻ khắt khe ấy cách dễ dàng, nhẹ nhàng một khi ta lãnh nhận Bí tích Tình yêu này với Đức tin thật và lòng mến thật – Đức tin sống động qua việc làm và lòng mến thực tiễn nhờ thực hành. Đó cũng là việc ta đáp lại lời mời gọi ra đi trong lời chào chúc của chủ tế sau mỗi Thánh lễ: “Chúc anh chị em ra đi bình an”. Ra đi để đem bi bình an và sức sống của Chúa Kitô đến cho mọi người trong các môi trường mà chúng ta hiện diện.
Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến trần gian. Chịu khổ hình và chịu chết thay cho chúng ta trên thập giá. Chính thân thể chịu đóng đinh ấy đang hiện diện trong Bánh Thánh, và máu đổ ra ở khắp các vết thương và nơi trái tim chịu đâm thâu cũng đang chảy trào trong chén Thánh trên Bàn thờ hôm nay để chết vì ta, để nuôi dưỡng ta cho đến tận thế.
Ơn Thánh của Người sẽ tràn trề khi ta đón rước Người trong tình trạng ân sủng với lòng tôn kính và mến yêu chân thành. Ước gì ta đừng thờ ơ, đừng rước lễ như thói quen để Người phải cô đơn trong lòng ta, nhưng ở lặng bên Người, cảm nhận tình yêu Người nuôi dưỡng hồn xác ta và dạy ta cách đáp đền cân xứng.
Anna Thu Hà, Tập Sinh MTG. Thủ Đức