Suy niệm Tin Mừng chúa nhật IV Thường niên – năm B

368

Suy Niệm Tin Mừng CN IV TN B

Mc 1, 21-28:  Thế nghĩa là gì? Gíao lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền…

Cùng các môn đệ, chúng ta theo chân Chúa Giêsu vào hội đường Caphacnaum. Hôm nay Chúa Giêsu giảng bài giảng đầu tiên ra mắt người Do Thái. Thánh sử Mác-cô chúng ta biết về hiệu qủa của lời giảng: Dân chúng ngạc nhiên về giáo huấn của Chúa vì Ngài đã giảng dạy như một Đấng có uy quyền trong lời nói và hành động.

Bài đọc I trong sách Đệ Nhị Luật giới thiệu về lời tiên tri của Môse: Thiên Chúa cho xuất hiện trong Dân Riêng một ngôn sứ cao cả là Môse để hướng dẫn họ (Đnl 18,15). Môse là người đã lãnh nhận Lề Luật từ Thiên Chúa và truyền lại cho Dân tuân giữ. Thẩm quyền cao nhất giải thích Kinh Thánh (Luật) là chính Thiên Chúa, rồi tới Môse. Đức Giêsu được giới thiệu như “Đấng có thẩm quyền” trong lời nói khi Ngài giải thích Kinh Thánh. Vai trò của Ngài còn hơn cả Môse vì Môse giải thích Lời được lãnh nhận từ Thiên Chúa, còn Đức Giêsu chính là “Lời” của Thiên Chúa nhập thể; là Con Thiên Chúa (Mc 1,1; 15,39); là tác giả của Lề Luật. Vì thế Ngài có uy quyền khác hẳn các kinh sư: “Anh em nghe Luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (Mt 5,21-22; 27-28, 37-38…).

Trước khi Chúa Giêsu đến, thần ô uế hiện diện một cách “bình yên” ngay trong Hội Đường – nơi Dân tụ tập để đọc Kinh Thánh và nghe giảng giải Lời Chúa. Ngay khi Chúa Giêsu xuất hiện, quỷ đã phải la thất thanh, báo hiệu giờ chết đã điểm (1,24.26). Sự Thánh Thiện và Ô Uế không thể cùng lúc tồn tại, và cũng không thể có sự hòa hợp giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Chúa Giêsu đã đến khai mở một kỷ nguyên mới – một triều đại Thiên Chúa đã và đang đến giữa con người.

Danh tiếng Chúa Giêsu đã được đồn ra khắp vùng Galilêa, các miền lân cận, và giờ đây – trên toàn thế giới. Giáo lý của Ngài được chứa đựng trong Kinh Thánh là cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất thế giới và luôn luôn dẫn đầu về số lượng phát hành. Tuy nhiên, có những người đã biết và ngưỡng mộ giáo lý của Chúa nhưng lại từ chối trở nên người Kitô hữu, như Mahatma Gandhi; vì qua trung gian những người Kitô hữu, họ đã không tiếp cận được với Đấng uy quyền. Giáo lý của Chúa trở nên khô cứng và khó hiểu vì thiếu những chứng nhân. Quyền năng rao giảng và trừ quỷ của Chúa Giêsu đã được trao lại cho các môn đệ sau khi Ngài về trời (Mc 16,15-20). Để đón nhận được uy quyền này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và suy niệm Kinh Thánh, để như những môn đệ thủa xưa, chúng ta cùng được theo chân Đức Giêsu đi khắp các ngả đường xứ Galilêa và đất nước Do Thái, chứng kiến việc Chúa làm, nghe Chúa giảng dạy, ở lại với Chúa và học nơi Chúa. Thế giới ngày nay đang cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. Người môn đệ đích thực của Thầy Giêsu phải luôn gắn kết với Kinh Thánh, để nhờ đó, có khả năng họa lại cho nhân loại gương mặt sống động và quyền năng của Thầy Giêsu cho thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu,

Thế giới chúng con sống đang cần những người môn đệ đích thực của Chúa,

Những người có khả năng họa lại gương mặt Chúa với uy quyền trong lời nói và việc làm.

Để dạy dỗ và hướng dẫn chúng con theo nẻo chính đường ngay;

Để tiêu diệt thế lực ma quỷ đang đè nặng trên mọi người.

Xin cho chúng con biết gắn bó với Chúa

Như các môn đệ thủa xưa,

Để chúng con thể hiện cách trung thực và sống động

Con người uy quyền của Chúa cho những người chúng con gặp gỡ.  Amen.

Sr. Anna Nguyên Hiệp

HD MTG Thủ Đức