Đọc lại Phép rửa của Chúa Giêsu tại sông Giordan trong Tin mừng của Chúa nhật hôm nay, ĐTC mời gọi chúng ta bước theo Chúa Kitô trong đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện mở cửa trời, mang lại hơi thở ngay cả khi gặp khó khăn. Và để không bị đè bẹp cần phải nâng mọi thứ lên cao, để Chúa hành động trong chúng ta. Và cuối cùng ngài nhắn nhủ: giữa rất nhiều công việc hằng ngày, đừng xao lãng việc cầu nguyện.
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh khởi đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu: Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, đến bên sông Giordan và chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả. Sau khoảng 30 năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không thể hiện mình bằng vài phép lạ hay lên tòa để giảng dạy. Người xếp hàng với những người sắp lãnh nhận phép rửa từ Gioan. Bài thánh ca của phụng vụ hôm nay kể rằng dân chúng đến để được rửa tội với tâm hồn và đôi chân trần trụi, khiêm nhường. Đây là cử chỉ cao đẹp, với một tâm hồn và đôi chân trần trụi. Chúa Giêsu chia sẻ thân phận tội lỗi của chúng ta, Người xuống ngự giữa chúng ta: Người xuống sông như xuống trong lịch sử đau thương của nhân loại. Người dìm mình trong dòng nước của chúng ta để chữa lành chúng ta. Người dìm mình với chúng ta, Người ở giữa chúng ta. Người không vượt lên trên chúng ta, nhưng xuống với chúng ta, với một tâm hồn trần trụi, với đôi chân trần trụi, giống như mọi người. Người không đến một mình, cũng không đến với một nhóm người ưu tuyển, không, Người đến với dân chúng. Người thuộc về một dân tộc và cùng đến với họ để được rửa tội, với những người khiêm nhường.
Chúng ta cùng dừng lại ở một điểm quan trọng: trong lúc Chúa Giêsu nhận Phép rửa, bản văn nói rằng: “Người đang cầu nguyện” (Lc 3, 21). Thật tuyệt vời để chúng ta suy gẫm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện làm sao? Người là Thiên Chúa, Con của Thiên Chúa, Người cầu nguyện như chúng ta hay sao? Vâng, Chúa Giêsu – Tin mừng lặp lại nhiều lần – dành nhiều thời gian để cầu nguyện: khởi đầu mỗi ngày, thường vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng… Lời cầu nguyện của Người là một cuộc đối thoại, một mối tương quan với Cha. Vậy nên trong Tin mừng hôm nay chúng ta có thể thấy “hai hoạt động” của cuộc đời Chúa Giêsu: một đàng, Người xuống với chúng ta, trong dòng nước sông Giordan; đàng khác, Người ngước mắt và nâng tâm hồn cầu nguyện với Chúa Cha.
Đó là một bài học to lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta đều bị chìm ngập trong nhiều vấn đề của của sống và nhiều tình huống rối rắm, chúng ta được mời gọi đối diện với những khoảnh khắc và chọn lựa đầy khó khăn vốn lôi kéo chúng ta xuống. Nhưng nếu chúng ta không muốn bị đè bẹp chúng ta cần phải nâng mọi thứ lên cao. Và đây chính là điều mà lời cầu nguyện làm. Nó không phải là một lối thoát, cầu nguyện không phải là một nghi lễ ma thuật hay lặp lại những câu kinh đã học thuộc lòng. Không! Cầu nguyện là cách để Thiên Chúa hành động trong chúng ta, để đón nhận những gì Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Cầu nguyện để có thêm sức mạnh mà tiến bước. Nhiều người cảm thấy mình không làm được và họ cầu nguyện: “Lạy Chúa xin ban cho con sức mạnh để con tiếp tục”. Nhiều lần chúng ta cũng đã làm như vậy. Cầu nguyện giúp kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Cầu nguyện là chìa khóa để mở lòng ra cho Thiên Chúa. Đó là cuộc đối thoại với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thờ phượng Chúa: trong thinh lặng, phó thác cho Chúa những gì chúng ta đang trải qua. Và đôi khi cũng cần kêu lên Chúa như ông Gióp, thổ lộ với Chúa. Hãy kêu lên như ông Gióp. Thiên Chúa là Cha, Ngài biết rõ chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ nổi giận với chúng ta. Và Chúa Giêsu cầu nguyện.
Cầu nguyện – dùng một hình ảnh đẹp của Tin mừng hôm nay – “trời mở ra” (x. c 21). Cầu nguyện mở cửa trời: nó cung cấp ôxy cho cuộc sống, mang lại hơi thở giữa những khó khăn và giúp chúng ta nhìn mọi thứ cách đầy đủ hơn. Đặc biệt, nó cho phép chúng ta có được chính kinh nghiệm của Chúa Giêsu ở Giordan: nó khiến chúng ta cảm thấy mình như những người con được Chúa Cha yêu thương. Cũng vậy, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Cha nói với chúng ta như đã nói với Chúa Giêsu trong Tin mừng: “Con là con yêu dấu của Cha” (x c. 22). Việc trở thành con cái của Thiên Chúa bắt đầu từ ngày được rửa tội, chúng ta được dìm trong Chúa Kitô, với tư cách là thành viên của dân Thiên Chúa, chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Chúa Cha.
Anh chị em đừng quên ngày rửa tội của mình! Nếu bây giờ tôi hỏi anh chị em: ngày rửa tội của anh chị em là ngày nào? Có lẽ một số người sẽ không nhớ nó. Đây là điều tốt: hãy nhớ ngày rửa tội, vì đó là ngày tái sinh của chúng ta, lúc đó chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu. Và khi trở về nhà, nếu anh chị em không biết ngày rửa tội của mình thì hỏi cha mẹ, ông bà: “con được rửa tội khi nào?”, hãy tìm hiểu về ngày đó để mừng lễ rửa tội, nhằm tạ ơn Chúa.
Và hôm nay, trong lúc này, chúng ta tự hỏi: lời cầu nguyện của tôi diễn ra như thế nào? Tôi cầu nguyện theo thói quen, cách miễn cưỡng, chỉ đọc theo công thức, hay lời cầu nguyện của tôi là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa? Tôi là tội nhân, luôn ở giữa dân Chúa, không bao giờ bị cô lập? Tôi có nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa, đối thoại với Chúa, lắng nghe Lời Chúa không? Giữa rất nhiều công việc chúng ta làm hằng ngày, chúng ta đừng xao lãng việc cầu nguyện: hãy dành thời gian, dùng những lời cầu ngắn gọn lặp đi lặp lại thường xuyên, đọc Kinh thánh mỗi ngày. Lời cầu nguyện mở cửa trời.
Và giờ đây, chúng ta hướng về Đức Mẹ, người Nữ trinh cầu nguyện, đã làm cho cuộc đời mình thành bài ca ngợi khen Thiên Chúa.
Sau Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến,
Sáng nay như thường lệ, vào Chúa nhật Chúa chịu phép rửa, tôi đã rửa tội cho một số trẻ em, con cái của các nhân viên ở Vatican. Giờ đây tôi muốn mở rộng lời cầu nguyện của tôi và phúc lành của tôi cho tất cả các trẻ em vừa mới sinh đã lãnh nhận hay sẽ lãnh nhận Bí tích rửa tội trong thời điểm này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho các em và xin Đức Mẹ gìn giữ các em.
Và tôi khuyên anh chị em: hãy tìm hiểu ngày mình được rửa tội. Tôi được rửa tội khi nào? Anh chị em đừng quên điều này, và hãy nhớ ngày đó như một ngày lễ.
G. Võ Tá Hoàng