Theo truyền thống, người Công giáo coi Chúa Nhật III Mùa Vọng là Chúa Nhật “hoa hồng,” hoặc Chúa nhật “Gaudete” – La ngữ nghĩa là “vui mừng.” Đây là lời nhắc nhở tuyệt vời rằng mặc dù sự chuẩn bị cho cuộc tái lâm của Chúa đã hướng sự chú ý của chúng ta vào nội tại, kêu gọi chúng ta sẵn sàng đối diện với tội lỗi của mình một cách tích cực, nhưng lý do của sự xét mình này là điều mang lại cho chúng ta niềm vui vô bờ bến. Tin Mừng giúp chúng ta bắt đầu nhận ra điều đó.
Thánh Luca cho biết rằng lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đã khơi dậy sự hưởng ứng trong đám đông đến nghe ông. Họ hiểu rằng ông đang kêu gọi họ quyết định về cách họ sống với Chúa: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3:10 và 12) Đó cũng chính là câu hỏi mà đám đông đã hỏi khi nghe Thánh Phêrô lần đầu tiên rao giảng Tin Mừng vào Ngày Lễ Hiện Xuống: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37) Gioan Tẩy Giả đã có câu trả lời cho họ, và có lẽ đó không phải là câu trả lời mà họ chờ đợi. Ông Gioan không bảo họ phải cầu nguyện nhiều hơn, bố thí nhiều hơn, hoặc dành nhiều thời gian hơn ở Đền Thờ. Không, câu trả lời của ông không ngoan đạo như vậy. Những người muốn sẵn sàng cho sự xuất hiện của Đấng Mêsia phải quan sát xung quanh họ để tìm những người đang cần và làm điều gì đó hữu ích. Bất cứ ai có thức ăn hoặc quần áo dư thừa nên sẵn sàng chia sẻ với người hàng xóm nghèo khó của mình. Nói cách khác, hy sinh tình yêu thương đối với người lân cận là cách tốt để chuẩn bị gặp Chúa.
Khi đám đông hỏi về cách sống tốt thì ông Gioan nói: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” (Lc 3:11) Những người thu thuế là những người thường bị người Do Thái coi là những kẻ vô lại, tội lỗi. Họ muốn biết việc họ nên làm, và được ông Gioan cho biết: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Lc 3:13) Họ đã “lót túi” bằng cách tham ô các khoản thuế cao mà họ thu được. Những người lính cũng có mặt trong đám đông, và họ xin ông Gioan chỉ dẫn cụ thể về việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Ông Gioan trả lời: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” (Lc 3:14)
Phía sau những lời động viên đó là sự thách thức: Sẵn sàng từ bỏ những gì quan trọng nhất đối với chúng ta (thường là tài sản hoặc tiền bạc) vì lợi ích của tình yêu, sự thật và công lý. Ông Gioan kêu gọi người Do Thái tái cam kết triệt để giao ước của họ với Thiên Chúa. Luật Môsê đã cho biết cách sống nghiêm túc để được hạnh phúc. Luật đó hướng dẫn người ta sống hài hòa theo cách Thiên Chúa đã thiết lập, được tự do khi thoát khỏi lòng tự ái, khỏi chất độc tội lỗi, vì tội lỗi luôn cướp mất niềm vui đích thực của chúng ta.
Sau khi nghe lời ông Gioan, họ tràn trề hy vọng và mong chờ. Cách nói chuyện này gợi lại cho họ những gì họ biết là một cách thực sự tốt để sống, khiến họ tự hỏi: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!” (Lc 3:15) Ông Gioan liền ngăn chặn cách suy đoán đó và nói: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3:16) Sứ vụ của Đấng Mêsia cũng kêu gọi dân Chúa đổi mới tình yêu giao ước đối với Thiên Chúa và con người, nhưng phép rửa của Ngài là “với Thánh Thần và lửa.” Đấng Mêsia thách thức những mọi người tìm kiếm sự sống mới với Thiên Chúa, sau đó Ngài sẽ ban sự sống của Ngài để giúp họ sống sự sống mới đó. Sự xuất hiện của Ngài là thời điểm quyết định: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên.” (Lc 2:34)
Chúng ta có thể nghĩ rằng công việc chuẩn bị của ông Gioan có vẻ u ám và có phần thất vọng, bởi vì điều đó nhấn mạnh vào sự từ bỏ chính mình. Mùa phụng vụ mời gọi sám hối như Mùa Vọng cũng có thể như vậy. Tuy nhiên, hãy nhìn vào cách Thánh Luca mô tả lời rao giảng của ông Gioan. Ông khuyên họ hành động bằng nhiều cách, và ông rao giảng Tin Mừng. Lời kêu gọi về việc sống trong sáng đánh thức chúng ta khỏi tội lỗi, trong đó số phận của chúng ta được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa như trở nên mờ nhạt, nhưng chúng ta thực sự chỉ nên có một phản ứng: Hãy vui mừng lên!
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con từ bỏ chính mình để vui sống Mùa Vọng này. Xin Ngài ngự đến cứu thế giới khỏi ôn dịch nguy hiểm toàn cầu này, để chúng con vui mừng tận hưởng niềm vui đích thực ngày Ngài giáng sinh và ở cùng chúng con. Amen.
GAYLE SOMERS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)