Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời?

34

Chúa nhật 16/5/2021, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ để đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Biến cố Thăng thiên hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu ở giữa nhân loại, và vì thế các tín hữu được mời gọi hãy vui mừng vì biến cố này. Sau giờ kinh, ĐTC cũng đã chia sẻ lo lắng của ngài trong cuộc chiến vũ trang giữa Israel và Palestine trong những ngày vừa qua. Đồng thời ngài kêu gọi mau chóng thiết lập nền hòa bình tại đây. 

Anh chị em thân mến

Ngày nay tại Ý và các quốc gia khác, cử hành trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Trang Tin mừng (Mc 16,15-20) – phần kết thúc Tin mừng Marcô – trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đấng Phục sinh với các môn đệ trước khi về ngự bên hữu Chúa Cha. Như chúng ta đã biết, thường những cảnh chia tay thì rất buồn, chúng mang đến cho người ở lại cảm giác hoang mang, cảm giác bị bỏ rơi. Tuy vậy, điều đó đã không xảy ra cho các môn đệ. Cho dù xa lìa Chúa, họ không tỏ ra chán nản, trái lại, họ vui vẻ và sẵn sàng lên đường rao giảng Tin mừng cho thế giới.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời?

Thăng Thiên là hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu giữa chúng ta. Thật vậy, nếu vì chúng ta mà Chúa Giêsu đã từ trời mà xuống, thì mãi mãi vì chúng ta mà Ngài đã về trời. Sau khi từ trời xuống trong thân phận nhân loại và đã cứu chuộc nhân loại – Thiên Chúa, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, mang lấy thân phận loài người chúng ta và đã cứu chuộc nó – giờ đây Ngài về trời mang theo mình thân xác của chúng ta. Ngài là người đầu tiên về trời, bởi vì Chúa Giêsu là con người, con người thật, là Thiên Chúa, Thiên Chúa thật; thân xác của chúng ta ở trên trời và điều này đem lại niềm vui cho chúng ta. Ngự bên hữu Thiên Chúa, giờ này là thân xác loài người, thân xác của Chúa Giêsu, và qua mầu nhiệm này mỗi người chúng chiêm ngắm được đích điểm tương lai của mình. Đây không hoàn toàn là việc bị bỏ rơi, Chúa Giêsu vẫn luôn ở lại với các môn đệ, với chúng ta. Ngài ở lại trong lời cầu nguyện, bởi vì Ngài, với tư cách là con người, cầu nguyện với Chúa Cha, và với tư cách là Thiên Chúa, con người và Thiên Chúa, Ngài đã cho thấy những vết thương, những vết thương mà nhờ đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là ở đó, với thân xác của chúng ta: làm một với chúng ta, Thiên Chúa làm người, và cầu nguyện cho chúng ta. Điều này đem lại cho chúng ta một sự chắc chắn, một niềm vui, niềm vui lớn lao.

Động cơ tiếp theo của niềm vui và lời hứa của Chúa Giêsu. Chúa đã nói với chúng ta: “Thầy sẽ sai Thánh Thần đến với các con”. Và ở đó, cùng với Chúa Thánh Thần, chúng ta thực hiện mệnh lệnh mà Ngài đã ban trong lúc từ biệt: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian”. Và sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ mang chúng ta vào lòng thế giới, để loan báo Tin mừng. Đó là Chúa Thánh Thần của ngày mà Chúa Giêsu đã hứa, và sau đó chín ngày, Ngài sẽ đến vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chính Chúa Thánh Thần đã làm tất cả mọi điều mà chúng ta có như hôm nay. Đó là một niềm vui lớn lao! Chúa Giêsu đã về trời: người đầu tiên về với Chúa Cha. Ngài về trời cùng với những vết thương, là cái giá phải trả cho ơn cứu rỗi của chúng ta, và cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi Ngài sai Chúa Thánh Thần đến, Đấng Ngài hứa ban cho chúng ta, để ra đi rao giảng Tin mừng. Vì niềm vui của ngày hôm nay là niềm vui của ngày lễ Thăng Thiên này.

Anh chị em thân mến, trong ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã thăng thiên và ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta cầu xin Đức Maria, Nữ Vương Thiên đàng, giúp đỡ chúng ta, trở thành những chứng nhân can đảm của Chúa Phục sinh trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống trần gian.

Sau khi đọc kinh Regina Caeli, hướng về Israel và Palestine, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến!

Tôi đang theo dõi với sự quan tâm sâu sắc diễn biến đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang đang xảy ra ở Gaza và Israel, và có nguy cơ biến thành cái vòng chết chóc và hủy diệt. Nhiều người bị thương, và nhiều người vô tội đã chết. Trong đó có cả trẻ em và điều này thật khủng khiếp, không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là dấu chỉ cho việc không muốn xây dựng hòa bình và người ta muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng, làm hảnh hưởng đến các thành phố khác ở Israel, là một vết thương trậm trọng cho tình huynh đệ và chung sống hòa bình giữa các dân tộc, sẽ khó mà chữa lành được nếu chúng ta không mở ra những cuộc đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: liệu hận thù và trả thù sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng xây dựng hòa bình là phá hủy kẻ khác không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống như anh em với nhau” (xem tài liệu tình huynh đệ con người), tôi kêu gọi mọi người bình tĩnh và những ai có trách nhiệm trong việc này, hãy chấm dứt tình trạng dùng vũ khí ồn ào và hãy đi trên con đường hòa bình, cũng như với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi không ngừng cầu nguyện để người dân Israel và Palestine có thể tìm ra con đường đối thoại và tha thứ, để trở thành những con người kiên nhân xây dựng hòa bình và công bằng, từng bước mở ra một niềm hy vọng chung và chung sống với nhau trong tình huynh đệ.

Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em; chúng ta hãy cầu xin Nữ Vương Hòa Bình cho hòa bình. Ave Maria…

G. Võ Tá Hoàng