Con đường đón nhận

115

Cuộc sống là tất cả những gì đang diễn ra. Có những điều bạn muốn, bạn thích, làm bạn vui, hạnh phúc và có cả những điều bạn không muốn, không thích, không hiểu. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với mỗi chuyện xảy đến. Trong tông thư Patris Corde, khi chia sẻ một trong bảy đặc tính về trái tim người Cha của thánh Giuse, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Con đường mà thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích mà là con đường đón nhận”. Đó là con đường thiêng liêng, một bài học quý giá, một gương sáng giúp tôi sống đời Thánh hiến theo Thánh Ý Thiên Chúa.

Đón nhận là một thái độ sống tích cực, là can đảm nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh và khách quan, không phủ nhận, không tức giận, phẫn nộ. Đón nhận là chấp nhận sự việc như nó xảy đến, chấp nhận người khác như họ là. Thế nhưng, điều đó không phải ai cũng làm được. Vì thực tế cho thấy, có nhiều người không đón nhận được sự thật, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn. Họ đòi phải hiểu rõ: Tại sao lại là tôi? Tại sao nó lại xảy đến cho tôi, cho người thân của tôi?… Họ mong một sự lý giải thỏa đáng, một con đường giải thích cho những vấn nạn họ gặp. Nhưng cuộc sống lại không đem đến cho ta một câu trả lời thỏa đáng trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, con đường đón nhận là một trong những cách thức đầu tiên giúp ta chữa lành nội tâm, chấp nhận, mở ra và viết tiếp lịch sử của đời mình.

Khi chiêm ngắm cuộc đời của thánh Giuse, bản thân tôi chỉ thốt lên bốn từ “tâm phục – khẩu phục”. Tin Mừng viết rất rất ít về  ngài. Một sự im lặng thánh, sự im lặng của đón nhận. Từ một chàng trai đã đính hôn, nghe biết tin người phụ nữ đã mang thai không phải đứa con của mình. Tâm trạng ngài ra sao? Thử đặt mình vào vị trí của ngài, chắc tôi đã không thể chấp nhận được. Nhưng sự cao thượng nơi tâm hồn ngài đã không cho phép ngài lên án Maria nhưng “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Đó là cách ngài đã áp dụng những gì luật dạy để sống theo tình bác ái. Điều đó rất tốt lành! Nhưng Thiên Chúa lại có kế hoạch riêng dành cho ngài. Qua bốn giấc mơ, thánh Giuse đã làm theo lời Chúa truyền dạy. Ngài đón nhận Maria về nhà mình một cách vô điều kiện, đặt tên cho con trẻ là Giêsu, trở thành cha nuôi Chúa Giêsu. Như thế, con đường đón nhận còn là thái độ vâng phục Ý Chúa, đón nhận trách nhiệm và thi hành trong cuộc sống. Không chỉ thế, ngài chấp nhận biết bao khó khăn xảy đến khi ngài đem con trốn sang Ai-cập, cuộc “vượt cạn” đầy thiếu thốn, nghèo nàn, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, rồi hành trình trở về quê hương, nuôi dạy con cái.

Trong cuộc sống thường nhật cũng thế, có biết bao nỗi lo toan, khó khăn mà dường như Thiên Chúa bỏ rơi ta. Nhưng khi ấy lại vang lên trong tôi câu hát: “Tại sao khi con vấp ngã, bàn tay cha không đỡ lấy? Là vì cha mong muốn thấy, sau này con thêm vững bước”(Phan Đình Tùng, bài hát Cha yêu con, con trai). Hơn thế, con đường đón nhận còn dạy tôi tin vào Thiên Chúa, tin vào kế hoạch của Người. Vì mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người. Chính qua những khó khăn, thử thách, càng làm bật lên những nguồn lực mà ta nghĩ mình không có. Nơi thánh Giuse, sự đón nhận không phải là bị động nhưng là chủ động với đầy sự can đảm và sáng tạo, không phải là chịu vậy nhưng là sự tự nguyện dấn thân phục vụ, hy sinh, từ bỏ ý riêng, dự định riêng để tham gia vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, dù cho ngài chưa hiểu hết về kế hoạch đó. Với tình yêu, với trái tim người cha, thánh Giuse đã đón nhận Chúa Giêsu là con mình, sẵn sàng che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng Con Trẻ, để Giêsu ngày càng lớn lên, thêm khôn ngoan, đầy ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Theo gương thánh Giuse, tôi từ bỏ dự tính riêng của đời mình, bước vào đời sống Thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá, chọn Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi. Dần dần, nhờ ơn Chúa, tôi cũng học biết và sống “con đường đón nhận”. Trước hết, tôi đón nhận sự thật về chính bản thân tôi với những điểm mạnh, điểm yếu, chấp nhận con người chưa hoàn hảo của tôi, chấp nhận những khả năng Chúa ban cùng những giới hạn, những tham-sân-si trong thân phận con người mà chúng luôn kéo ghì tôi xuống. Tôi chấp nhận hoàn cảnh xuất thân, chấp nhận tất cả những gì tôi không thể chọn lựa, chấp nhận cả những khiếm khuyết trên cơ thể làm tôi thiếu tự tin,… Trong đời sống cộng đoàn, tôi học cách đón nhận người chị em sống bên cạnh tôi, người chị em làm việc chung với tôi, nhất là những người quá khác biệt với tôi về tính tình, tuổi tác và nếp suy nghĩ. Vì Chúa yêu tôi, Chúa gọi tôi thì Chúa cũng yêu và gọi chị ấy. Chính sự khác biệt ấy làm cho cuộc sống thêm phong phú, bổ túc cho nhau, và giúp tôi lớn lên trong mọi tương quan. Thứ đến, tôi dần đón nhận và sống “thoải mái” với nếp sống đời tu, với Hiến Chương, Nội quy, lời khấn, với các quy định lớn nhỏ. Tôi ý thức luật lệ là phương tiện bảo vệ và làm tăng trưởng đời tu của tôi. Tôi đón nhận sứ mạng, công việc nhà dòng trao phó với những đòi hỏi và trách nhiệm bổn phận. Khó khăn, thử thách luôn là nấc thang giúp tôi gần Chúa hơn và chinh phục những đỉnh cao mới. Đón nhận giúp tâm hồn tôi nhẹ nhàng hơn, giúp cuộc sống thanh thản, vui tươi và hạnh phúc hơn. Bỗng, tôi nhớ đến một câu nói: “Tất cả chúng ta đều đang hạnh phúc, nhưng chỉ có điều hạnh phúc của ta đang ở trong mắt của người khác”. Vậy nên, đón nhận sẽ giúp chúng ta bằng lòng với những gì chúng ta đang có, biết cám ơn về những gì chúng ta được lãnh nhận, không so đo và ganh tỵ với người khác.

Đón nhận là thái độ cần có và cần thiết để sống hạnh phúc trong đời Dâng hiến. Đó là con đường thánh Giuse vạch ra cho chúng ta, một con đường thiêng liêng, một con đường của sự tin tưởng và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Đấng luôn “chạnh lòng thương” đối với ai trông cậy và thực thi Thánh Ý Người.

Nt. Maria Hương Thảo, Học viện MTG Thủ Đức.