Bài suy niệm Tháng 3/2021
“CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN”
(Cv 20,35)
***
Có một chàng trai nọ trồng mấy chậu hoa ở ban công trong khu chung cư. Sau một thời gian, những chậu hoa buông nhành xuống tầng lầu bên dưới. Lúc đầu chàng trai định kéo chúng lên rồi buộc chặt lại, nhưng sau đó anh cảm thấy làm như thế là quá ích kỷ, nên thôi. Thế là chậu hoa của anh nhanh chóng tạo thành tấm rèm buông xuống lầu dưới trông rất đẹp mắt. Thời gian trôi qua và rồi mùa xuân đến, chàng trai hết sức ngạc nhiên thấy có một dây nho bò lên ban ông nhà mình. Anh nhoài người xuống thì thấy có một cô gái xinh đẹp đang ngẩng lên mỉm cười với anh. Thì ra cô gái ở lầu dưới cảm kích trước món quà thiên nhiên của anh, nên đã trồng một dây nho và cho nó vươn lên trên như một sự đền đáp. Thế rồi họ làm quen với nhau. Sau khi giàn nho cho mùa trái ngọt thứ hai cũng là lúc chàng trai và cô gái đón nhận tình yêu ngọt ngào của nhau. Nên duyên vợ chồng và sống hạnh phúc.
Cho và nhận là quy luật tất yếu trong cuộc sống. Sống ở đời “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy cho đi thì sẽ được cho lại” (Donnez tout et vous aurez tout).
Ngạn ngữ Canada có câu:
“Những gì mà ta có được lúc tuổi già, chính là những thứ mà ta đã dâng hiến cho đời khi ta còn trẻ”. (A la fin de la vie, la seule chose qu’on aura c’est ce qu’on a donné aux autres).
Như thế, việc cho và nhận luôn luôn diễn ra trong suốt cuộc đời từ khi sinh ra đến khi từ biệt cõi trần. Ngay từ lúc thụ thai trong lòng mẹ, thai nhi đã được hạnh phúc lãnh nhận mầm sống nơi người cha người mẹ. Thời gian chín tháng cưu mang, thai nhi được nhận chính sức sống của người mẹ và khi chào đời được nuôi sống bằng nguồn sữa mẹ vô cùng bổ dưỡng và quý giá. Bé thơ cứ thế lớn lên và thành người là do mọi việc lành, trợ lực, bao bọc, dưỡng nuôi bởi người cha người mẹ.
Ơn được hiện hữu thành người và được làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội là hồng ân vĩ đai Thiên Chúa ban cho con người. Hàng ngày chúng ta lãnh nhận từ thiên nhiên, từ cuộc sống siêu nhiên, những ơn lành của Thiên Chúa nhiều hơn những gì chúng ta cho đi. Không khí chúng ta hít thở, ánh nắng mặt trời ấm áp, làn gió mát, mưa thuận gió hòa, rừng cây bao la trở nên lá phổi cho cả nhân loại, sông nước mênh mông, tất cả đều là những ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người. Thời gian qua đi, chúng ta được giáo dục, học hành, có nghề nghiệp thành đạt, cuộc sống ổn định. Đều do công ơn của cha mẹ, thầy cô, các vị mục tử coi sóc đời sống thiêng liêng, và sự giúp đỡ của mọi người trong xã hội.
Tất cả những gì chúng ta có được ngày hôm nay đều phát xuất từ Thiên chúa, từ gia đình đạo đức, từ cộng đoàn xã hội và mọi người.
Nhưng con người tự nhiên thích nhận hơn là cho đi, không ai dễ dàng cho không để bị thiệt thòi, mất mát. Tục ngữ Việt Nam có câu: Hòn đất ném đi hòn chì ném lại, có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Đức Giêsu dạy: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”, “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Kinh nghiệm cho thấy nhận thì dễ hơn là cho đi. Cho biểu lộ một hành vi bác ái, yêu thương: chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó, những người cần đến chúng ta, những người bị xã hội bỏ rơi.
Đối với Kitô giáo, cho vừa có chiều kích xã hội vừa siêu nhiên, Chúa Giê su đã nói: “Cho anh em là cho chính Chúa, giúp anh em là giúp Chúa” (Mt 25,31-46).Chúa Giêsu đã đồng hóa tình Chúa và tình người, yêu Chúa là yêu người. Cho như thế không làm ta nghèo, mất mát, nhưng càng được giàu sang hơn, được lớn lên trong tương quan với Chúa và anh em trong tình thương mến. Trong cái mất lại có cái được. Cái được nhiều hơn cái mất. Mẹ Têrêxa Calcutta có kinh nghiệm sâu sắc về điều này trong việc phục vụ những người nghèo khổ, đau yếu bệnh tật. Mẹ đã tâm sự: “Có một niềm vui sâu thẳm, thanh thoát trong việc cho đi mà quý vị cũng như tôi đã từng cảm nghiệm vì chính khi chúng ta cho đi là chúng ta được nhận lãnh trở lại, mà việc nhận lãnh đó lại nhiều hơn những gì chúng ta chia sẻ”. Ông Winston Churchill, thủ tướng nước Anh thời thế chiến chứ hai cho rằng: “Chúng ta kiếm tìm những thứ mà người khác cho chúng ta, nhưng chúng ta sống thực bằng những thứ mà chúng ta cho”. Quả thực, cho đi phát xuất từ tấm lòng tốt, sự chia sẻ chân thành, sự thông cảm chân tình. Người cho sẽ nhận lại nhiều niềm vui, hạnh phúc: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Đó là món quà tinh thần đầy ý nghĩa. Cũng vậy, khi lãnh nhận với tất cả sự trân trọng, lòng biết ơn, người nhận càng làm tăng giá trị của món quà.
Niềm vui được chia sẻ, niềm vui sẽ tăng lên, nỗi buồn được thố lộ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Havelock Ellis nói: “Tất cả nghệ thuật sống nằm trong sự pha trộn hài hòa của sự cho đi và giữ lại” Đôi lúc cho đi lại là lúc chúng ta nhận lại thật dồi dào. Trái lại, đôi lúc nhận lãnh lại là lúc nhiều mất mát.
Với niềm tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa, chúng ta phát hiện sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh em, những người nghèo khổ, bệnh tật, nơi môi trường sống, trong mọi hoàn cảnh, để chúng ta sẵn sàng và quảng đại chia sẻ cho anh em những gì chúng ta có: tiền bạc, niềm vui, sự giúp đỡ, thăm viếng, khích lệ, nụ cười.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban cho chúng con, được làm con Chúa, được làm người, được an lành. Xin Chúa cho chúng con luôn quảng đại mở tấm lòng để chia sẻ những gì chúng con có cho anh em cần đến chúng con, trong gia đình, trong xã hội, trong môi trường sống để chúng con trở thành những chứng nhân tình thương của Chúa. Đó là cách thức tốt nhất để cảm tạ hồng ân Chúa đã thương ban cho chúng con trong cuộc sống. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Bắc Ninh-Thủ Đức