Tên tôi là “Mỏ Neo”

151

Còn nhớ, hồi bé, ba chị em tôi thường có thú vui lật, mở sách Kinh, sách Bổn để đếm xem tên của ai xuất hiện nhiều nhất. Khi đi học ở trường, tôi thường bực mình vì tụi bạn cứ thêm dấu huyền vào tên của tôi. Hay mỗi khi đạp xe ngang qua quán thịt chó, tụi nó hả hê bảo nhau: “Ê, tụi mày, vào ăn cầy tơ bảy món không?”. Cũng vì lẽ đó, tôi ấm ức, khó chịu với cái tên của mình, trách cha mẹ sao đặt cho cái tên xấu thế.

Tôi đã từng nghĩ, giá mà tên của mình là “Trông” thì có phải là hay hơn không. Học cấp ba, cô giáo Anh Văn gọi hỏi bài cũ: “Mời em Nguyễn Thị Cậy.”. Cả lớp cười ồ lên. Cô giáo ngạc nhiên: “Ủa, em là người dân tộc à?”. Tôi ngại, đỏ ửng mặt. Lúc ấy, tôi chưa hiểu tại sao cha mẹ lại đặt cho mình cái tên ấy. Có lẽ, tôi đã quá để ý đến lời trêu chọc của tụi bạn để rồi cứ ấm ức, khó chịu với cái tên của mình.

Sau lần ấy, cái lần học về môn Tu đức, tôi vui sướng thốt lên: “Lạy Chúa! Tên của con là Mỏ Neo. Đó là buổi học đầy ý nghĩa. Bao mặc cảm bấy lâu nay như tan theo làn khói, nhường lại cho niềm vui sướng, hân hoan. Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi khám phá ra ý nghĩa tên gọi của mình. Tên của tôi là một trong ba nhân đức Đối thần: Tin – Cậy – Mến. Đức Cậy là nhân đức Đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước trời và đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta. Đức Cậy giúp ta trông mong những gì Thiên Chúa đã hứa (x.GLHTCG số1817 – 1821). Theo thánh Augustino, “Trông cậy là tin vào cuộc phưu lưu tình yêu, tin vào mọi người, nhảy vào chỗ mình chưa biết và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa”. Đức Cậy được biết đến với hình ảnh mỏ neo. Tác giả thư Do Thái ví niềm hy vọng của ta tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, thả sâu vào nơi Đức Giêsu.

Nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng của mình, tôi mới thấm thía câu nói của cha linh hướng: “Thiên Chúa mời gọi con sống đúng với cái tên của mình”. Trong những lúc gặp khó khăn thử thách ấy, tôi được Thiên Chúa dẫn đi cách kỳ diệu. Nhưng phải qua giai đoạn ấy, tôi mới hiểu được điều ấy. Khi năm lần bảy lượt thi rớt, tưởng như đã đánh mất niềm hy vọng, rằng bản thân có thể vượt qua được chuyện thi cử, tôi vẫn duy trì việc đến với Chúa mỗi ngày. Thực sự, lúc ấy trong tôi vẫn lóe lên một niềm hy vọng. Không phải tôi hy vọng mình sẽ thi đậu nhưng hơn hết là niềm hy vọng rằng Chúa sẽ tỏ cho thấy điều Ngài muốn cho tôi lúc ấy. Tôi tin rằng, nếu Ngài muốn, Ngài có thể giúp tôi thi đậu.

Quả thực, Thiên Chúa cho tôi hiểu rằng, chuyện thi rớt chỉ là phương thế Chúa dùng trong đường hướng huấn luyện Ngài dành cho tôi. Nhờ trải qua kinh nghiệm thi rớt, tôi mới học được thế nào là cảm thông, thế nào là tha thứ, đón nhận. Đặc biệt là tương quan giữa tôi và cha được chữa lành. Kinh nghiệm ấy giúp tôi hiểu và thương cha mình trong những lần quyết tâm bỏ “con ma rượu” mà vẫn thất bại. Cũng trong kinh nghiệm ấy, Thiên Chúa mời gọi tôi thay đổi não trạng, cái nhìn về người cha trong tôi. Cái hơn mà tôi nhận được còn quý giá hơn vàn lần thi đậu. Bởi, nếu Ngài cho tôi đậu ngay từ lần thi đầu tiên hay lần hai, lần ba, có lẽ tôi sẽ không có cơ hội biết mình là ai và không bao giờ hiểu cũng như thương cha của mình. Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã giúp tôi nhận ra điều đó.

Tôi vẫn là tôi. Nhưng cái tôi ấy được cắm chặt, thả sâu trong Đức Giêsu. Chính Ngài đã đặt cho tôi một cái tên mới để tôi không sống trong mặc cảm, khép mình nhưng là sống tràn đầy hy vọng, yêu thương và tha thứ. Bởi tên của tôi là Mỏ Neo.

Thiên San, Tập sinh MTG.Thủ Đức