Đại dịch covid-19 đã khiến con người phải lao đao, chông chênh như những chiếc thuyền đang “tùm ngủm” trong sự bấn loạn của “cơn bão khủng hoảng”: khủng hoảng văn hóa, kinh tế, giáo dục, mưu sinh và nhất là sự khủng hoảng tinh thần.… Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể sống trong thời buổi “rối ren” này? Hãy trở nên những vị thánh ngay trong những thách đố đời thường của chúng ta – dường như là đáp án hay nhất. Và đó cũng là lời mời gọi hữu hiệu nhất với mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh, chức vụ, sứ vụ, và lứa tuổi.
Đối với Thánh Nữ Têrêsa, Chị nhìn mọi việc từ nhỏ bé đến vĩ đại đều được đưa lên bàn cân giá trị và phục vụ cho một mục đích duy nhất – hoà hợp sự thánh thiện trong mọi việc. Do đó, mọi ơn gọi đều ngang bằng trong cách nhìn của Chị. Vấn đề không hệ tại ở công việc đang làm nhưng cao trọng hơn là tình yêu dành cho công việc đó. Tình yêu làm cho việc tầm thường trở nên vĩ đại. Điều này giống như Thánh Augustino đã nói: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”.
Mọi người đều được mời gọi nên thánh nhưng điều đó được mời gọi và cổ vũ đặc biệt hơn đối với người Kitô hữu. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng Thánh: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép: ‘Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh’” (1Pr 1, 15-16). Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để nên thánh? Đâu là những phương thế giúp ta nên thánh? Có rất nhiều con đường và mẫu gương giúp ta nên thánh.
Mừng kính Thánh Nữ Têrêsa (01.10), vị thánh mà có lẽ rất nhiều người yêu thích, mến mộ và chọn làm thánh bổn mạng, chúng ta cùng tìm hiểu về đời sống, giáo huấn của Chị trong việc sống thánh thiện theo lời mời gọi của Chúa, ngõ hầu chúng ta cũng sẽ được trở nên thánh thiện như Chị. Khao khát nên thánh là điều kiện tiên quyết cho một lối sống thánh thiện. Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thể hiện điều này trong cuộc sống của Chị. Qua đời lúc chỉ mới 24 tuổi. Sống đời tu chỉ có 9 năm. Nhưng Chị đã trở nên thánh và được Giáo hội tuyên phong là Tiến sĩ Hội thánh.
Con người không thể nên thánh nếu thiếu ân sủng của Thiên Chúa. Vì cũng là con người bằng xương bằng thịt như chúng ta, nên Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có những yếu đuối bất toàn như chúng ta. Trước những yếu đuối bất toàn, những mất mát đau khổ và thử thách, Chị Thánh đã có thái độ, phản ứng và cách sống như thế nào để trở thành một con người thánh thiện? Vâng, bí quyết để sống thánh thiện, con đường để đạt đến sự thánh thiện của Chị Thánh là lao vào vòng tay yêu thương từ mẫu của Chúa để được nâng đỡ và ủi an và nhờ đó, Chị chia sẻ tình thương ấy cho những người chung quanh như lời Thánh Kinh: “Hỡi người bé nhỏ, hãy đến với Ta” (Cn 9,4). “Các ngươi sẽ được ẵm vào lòng, được nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”! (Is 66,12-13). Trước những yếu đuối bất toàn, bí quyết của Chị là “không than phiền”, “giữ thinh lặng hơn là bào chữa” và “lấy bác ái để đối đãi bất công”. Chị viết: “Tôi đã kiểm soát chặt chẽ những hành động của mình”. Và vì ý thức được những yếu đuối bất toàn của mình nên Chị dễ dàng cảm thông và kiên nhẫn chịu đựng những lỗi lầm của người khác. Đó là dấu chỉ của tình yêu đích thực. Đó là chịu đựng yếu đuối lỗi lầm của người khác: “Bây giờ tôi hiểu rằng đức ái hoàn hảo hệ tại việc chịu đựng khuyết điểm của người khác, không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, trong việc biết khen ngợi những hành vi nhân đức nhỏ nhặt nhất mà chúng ta thấy họ thực hành”.Với những mất mát, đau khổ do bệnh tật thử thách, điều giúp Chị Thánh Têrêsa vượt lên trên mọi nỗi đau là cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa: “Tình yêu thương của Chúa đã đi trước con, đã lớn lên với con, và giờ đây nó là một vực thẳm mà con không thể đo được chiều sâu của nó. Nhờ vậy, dù phải sống trong đau khổ, thử thách Chị vẫn vui tươi và hài hước, làm thơ: “Tôi luôn tươi vui và hạnh phúc”. Dù biết rằng mình rất mệt mỏi, nhưng Chị để cho mình ngã vào vòng tay của Thiên Chúa.
Cuộc đời của Thánh Nữ Têrêsa cho chúng ta thấy rằng, các thánh cũng là những con người như chúng ta. Họ cũng phải chiến đấu với những yếu đuối bất toàn của kiếp người. Họ cũng trải qua những đau thương, mất mát trong cuộc đời. Tuy nhiên, qua mẫu gương của Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng : những tật nguyền về cảm xúc, những bệnh tật khác nhau, những mất mát đau khổ trong cuộc sống, không gì có thể tách họ ra khỏi Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhờ “tình yêu táo bạo”, nhờ “lòng can đảm sáng chói” của Chị, Chị đã xua tan mọi sợ hãi để sống và chết cho Tình Yêu trong một cuộc sống rất đỗi bình thường.
Có lẽ đây là điều mà mỗi chúng ta được mời gọi để thực hiện trong đời mình, nhất là trong cơn đại dịch này, là trở nên một Giêsu khác cho tha nhân hay phục vụ Chúa Giêsu trong tha nhân. Nhờ trở nên Giêsu và phục vụ Giêsu trong tha nhân mà họ nhận ra dáng vẻ dễ thương của Giêsu luôn ở trong đời họ; việc mà “Bông Hoa Nhỏ” của chúng ta thực hiện trong đời của Chị, đơn giản là trở nên một Giêsu khác, trải qua những hy sinh nhỏ bé, có những ý tưởng lành thánh, và tử tế như Chúa Giêsu. Qua cách đó, Chị Thánh Têrêsa đã nên thánh trong từng chọn lựa với Giêsu và cho Giêsu.
Đừng bao giờ nghĩ rằng mình quá già để làm điều đó. Hãy thử nghĩ : trong khi nhiều bạn trẻ trong chúng ta ở vào tuổi 24 khó lòng mà trưởng thành trong suy nghĩ và trong tình cảm, thì Chị Thánh Têrêsa đã trở thành Một Vị Thánh.Vậy, một bài học đơn giản để tất cả chúng ta đều trở nên thánh là: “không cần đòi hỏi phải có nhiều thời gian, nhiều bằng cấp và địa vị cao trọng để trở nên một vị thánh, nhưng điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta là lòng yêu mến nhiều.”
Chị Thánh Têrêsa bé nhỏ ơi, mừng lễ Chị hôm nay, em chỉ muốn xin chị ban cho em có một điều: đó là được tự mình cảm nghiệm cách thấm thía câu ngợi khen cảm tạ mà Đức Giêsu trong Thần Khí đã thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã mặc khải điều này cho những người bé mọn” (x. Lc 10,21). Xin chị gia tăng nơi em sự cảm nghiệm rất Tin Mừng này, để sớm trở thành một nữ tu thánh thiện như Chị. Xin Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chuyển cầu cùng Chúa cho chúng em! Amen.
Sr. Têrêsa Phương Chinh, MTG. Thủ Đức