Vừa qua, có một bài báo đăng tin một bà cụ ở Thái Bình ly dị ở tuổi 86 vì lý do cụ ông chồng cả đời không giúp việc nhà. [1]
Bản tin kể lại rằng cụ bà LTD hiện đang sống trong một viện dưỡng lão ở Hà Đông (Hà Nội). Trước đó, bà đã quyết định ly hôn với cụ ông chồng vốn là một đồng nghiệp từ hồi xưa. Hai người không có con cái. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình càng ngày càng gặp nhiều trục trặc. Vì không chấp nhận được tình cảnh phải đơn phương gánh vác việc nhà quá nhiều nên bà từng muốn chia tay với cụ ông từ nhiều năm trước (khoảng 1985 và 1992). Song, vào thời điểm đó, gia đình can ngăn nên bà đành chấp nhận sống tiếp. Lẽ thường, càng về già người ta càng mong có vợ, có chồng để nương tựa…Tuy nhiên, đến lúc này tuổi già, sức yếu, không nhận được sự đỡ đần hay chia sẻ, cụ bà không thể tiếp tục chịu đựng được nữa.
Cụ than thở: “Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông nhà tôi nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt”. Rồi những lúc đau ốm ấy, muốn nhờ ông nhà cắm giúp nồi cơm điện, rửa giúp cái bát nhưng đều không được. Bà nghẹn ngào nói: “Nghĩa vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm mà như người dưng, mình hy sinh cho người ta, chứ chưa từng được đáp lại”.
Do vậy, sau nhiều lần hạ quyết tâm, cụ bà D. quyết định đệ đơn ra tòa. Trong mắt các người thân, cụ bà là người quyết đoán, sống tương tác với người xung quanh tốt, tuổi đã cao nhưng bà không ngại thay đổi cuộc sống và có thể thích ứng nhanh.
Tính ra ở tuổi 86, ly hôn chồng là chuyện hiếm gặp. Nó tuy muộn màng nhưng phải làm thôi. Bởi người phụ nữ ấy đã quá cam chịu rồi. Hơn 60 năm ngày nào bà cũng làm việc nhà, cúc cung tận tụy cho chồng, vậy mà đến cái chổi, ông chồng cũng chẳng buồn cầm lên. Đã thế khi bà muốn thuê osin thì người bạn đời gạt phăng đi, chỉ muốn được bà hầu hạ.
Nhưng thà muộn còn hơn không, bởi khoảng thời gian về sau, cụ bà D. sẽ tìm thấy được sự an yên đúng nghĩa. Sáng không còn lo chuyện cơm nước, trưa không còn quần quật lau nhà, tối chẳng cần phải nấu ăn dọn rửa. Cuộc sống giờ đây đã được tận hưởng những giây phút an nhàn quý báu.
Xét như vậy, ta thấy rằng có những sự cách ly cần thiết và có ích, nhưng cũng có nhiều sự cách ly ẩn chứa bi kịch và đau đớn.
Chúng ta sẽ bàn về những hình thái cách ly chủ ý vì có ích lợi, theo nghĩa tích cực và những hình thái cách ly không có lợi, theo nghĩa tiêu cực.
I.- VỢ CHỒNG CÁCH LY TỰ NGUYỆN VÌ LỢI ÍCH CHUNG
Trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào chúng ta cũng được ở gần nhau để sống và làm việc chung với nhau. Có những hoàn cảnh đòi buộc một trong hai người phải tạm thời cách ly người bạn đời mình. Có nhiều khi phải cách ly ngay trong ngôi nhà mình. Nhưng dù có cách ly như thế nào chăng nữa thì tình cảm vợ chồng vẫn thắm thiết và mối quan hệ phu thê vẫn bền chặt. Có thể nói “xa mặt nhưng không cách lòng”.
Ta có thể liệt kê vài trường hợp vợ chồng cách ly tự nguyện, có chủ đích.
– Vợ chồng cách ly do bệnh tật: Khi một trong hai người bạn đời bị mắc một chứng bệnh truyền nhiễm nào đó thì phải tự nguyện cách ly để tránh lây lan cho nhau. Ta biết rằng, bệnh truyền nhiễm là loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc…) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch. Phổ biến nhất là bệnh lao phổi, bệnh cúm, bệnh HIV/AIDS vv.
– Vợ chồng cách ly do công việc làm ăn hay do học hành: Rất nhiều trường hợp vợ chồng phải tạm thời xa nhau một thời gian do đòi hỏi của công việc nghề nghiệp hay do việc học hành. Tuy nhiên dù xa nhau, có khi cả nửa vòng trái đất nhưng người ta vẫn cảm thấy gần nhau và nhớ thương nhau. Không gì chia cắt được tình cảm, tình yêu giữa hai người dù phải xa nhau vạn dặm.
Những hoàn cảnh cách ly trên hoàn toàn đối lập với những hình thái cách ly sẽ được liệt kê dưới đây. Đó là sự cách ly tâm lý, cách ly âm thầm, ẩn giấu gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến cho tình cảm vợ chồng trở nên phai nhạt và mối quan hệ phu thê có nguy cơ đổ vỡ.
II.- NHỮNG HÌNH THÁI CÁCH LY GÂY TỔN THƯƠNG TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG
Khi lập gia đình là chúng ta về ở với nhau. Người nam thì lấy vợ, còn người nữ thì cưới chồng. Cả hai cùng chung sống dưới mái nhà. Họ là quà tặng của nhau, là “vật bất ly thân” của nhau. Thánh Kinh đã nói rõ thế này:
“Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6). Lời Chúa trong Tân Ước nhắc lại ơn gọi hôn nhân đã được khẳng định rõ trong Cựu Ước, “Người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24).
Tuy nhiên, trên thực tế để đạt đến lý tưởng “nên một” ấy, không phải là chuyện đơn giản dễ dàng. Ngay cả những cặp vợ chồng Công giáo, đã sống đời hôn nhân lâu dài cũng phải chiến đấu không ngừng, nhằm tránh sự rạn nứt và đổ vỡ vì lí do “không thể hòa hợp nên một với nhau được”. Không ít trường hợp, các đôi vợ chồng vì những mâu thuẫn bất hòa kéo dài đã phải ra tòa xin ly hôn, hay chí ít cũng chấp nhận ly thân, để “thoát nợ”. Và chúng ta đều biết rằng, sau cuộc ly hôn, là tiếp nối bi kịch gia đình: vợ chồng chia tay, con cái chia lìa, gia đình chia cắt.
Để đi đến giai đoạn phải quyết định ly hôn hoặc ly thân, đôi bạn đã trải qua rất nhiều tình cảnh cách ly tâm lý tức là sống gần mà hóa ra xa. Có khi là thái độ lạnh lùng vô cảm. Có lúc thì mối quan hệ vợ chồng bị đe dọa đổ vỡ. Có trường hợp xảy ra “chiến tranh lạnh” kéo dài khiến cho hai người phải chịu đựng bầu khí ngột ngạt, căng thẳng. Cũng có thời điểm tình cảm vợ chồng nhạt dần vì bóng dáng người thứ ba xuất hiện, tiết lộ câu chuyện “ông ăn chả/ bà ăn nem” vv.
Sau đây, ta thử bàn về mấy hình thái cách ly phổ biến rất dễ xảy ra trong đời sống vợ chồng.
2.1. Cách ly do thái độ lạnh lùng, vô cảm
Có người đã khẳng định rằng: “Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu mà đó là sự vô cảm” (Rollo May). Vợ chồng có thể cãi nhau ầm ĩ nhưng sau đó làm hòa với nhau vui vẻ, êm thắm. Còn nếu rơi vào tình trạng lầm lầm lì lì, đèn nhà ai nấy sáng, mỗi người ăn một nồi ngồi một hướng, chẳng ai ngó ngàng hay đoái hoài tới nhau, thì đó sẽ là điều đáng lo ngại.
Ta biết rằng, đặc tính của tình yêu vốn có sức mạnh hút nam nữ lại gần với nhau, là truyền thông cho nhau hơi ấm của sự sống, là mở rộng trái tim để đón nhận nhau. Tuy nhiên, khi căn bệnh vô cảm xâm nhập vào đời sống vợ chồng, một trong hai người hoặc cả hai người sẽ rơi vào tình trạng lạnh nhạt, chán nản, buông lơi. Những cảm xúc yêu thương, những tâm tình âu yếm giờ bị đóng băng, mỗi người nhìn về một hướng và mang tâm trạng của những kẻ xa lạ trong cùng một mái nhà. Đây đúng là tình trạng “Đồng sàng dị mộng!” (Vợ chồng chung giường nhưng mỗi người có giấc mơ khác nhau).
Trong bài báo trên trang thegioitre.vn có tựa đề “Hôn nhân nhạt nhẽo bởi có những người đàn ông vô tâm và những người đàn bà im lặng”, tác giả chia sẻ như sau:
Hôn nhân nếu có thể tồn tại và gắn bó lâu dài không chỉ cần có tình yêu hay tiền bạc là đủ, mà còn cần nhiều thứ hơn, đó là sự thấu hiểu, sự sẻ chia từ người bạn đời. Nếu người đàn ông chỉ cần đi làm kiếm tiền về đưa vợ, rồi nghĩ là đã hoàn thành trách nhiệm thì thực sự không phải vậy. Phụ nữ ai cũng thích tiền, nhưng trong hôn nhân họ cần một người chồng thực sự yêu thương, quan tâm đến họ hơn.
Tác giả lưu ý tiếp, nếu ngoại tình là một nhát dao sắc gọn, cắt đứt tình nghĩa trăm năm vợ chồng, thì sự vô tâm giống như một con dao cùn. Mỗi ngày một ít, nó làm người vợ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đau lòng, day dứt. Cảm giác muốn buông tay, muốn rời đi nhưng vẫn không nỡ. [2]
Các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình cho rằng sự lạnh nhạt, vô tâm vô cảm trong quan hệ vợ chồng luôn được xếp vào một trong những nguyên nhân chính gây ra ngoại tình và ly hôn. Có thể nói sự lạnh nhạt, vô cảm trong quan hệ vợ chồng sẽ là tiền đề cho sự đổ vỡ của hôn nhân. Một sự cách ly tâm lý sẽ dễ dàng đem đến sự cách ly thể lý, khởi đầu cho cuộc ly hôn sau này.
Do đó, người ta khuyên vợ chồng nên thường xuyên hâm nóng tình cảm. Bởi vì, sau khi kết hôn, chúng ta thường trở nên bận rộn với nhiều mối lo toan khác nhau mà quên đi nhiều điều quan trọng khiến cho đời sống chung cũng như tình cảm vợ chồng trở nên nguội lạnh. Đặc biệt, việc không thường xuyên hâm nóng lại tình cảm là yếu tố bị nhiều cặp vợ chồng coi nhẹ khiến cho đời sống hôn nhân trở nên tẻ nhạt và chán ngắt.
2.2. Cách ly do những tổn thương trong mối quan hệ
Ông bà xưa thường nói, “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Quả thực, càng yêu nhau người ta càng tự ái và dễ bị tổn thương. Càng yêu nhau, người ta càng dễ dàng biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, càng dễ dàng hờn dỗi, quay mặt lại với nhau.
Chúng ta biết rằng, trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào cũng êm ả, bình lặng. Trái lại, có những lúc sóng gió nổi lên khiến cho đôi bạn bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, bất hòa, bất đồng thường xuyên. Từ đó, cái cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” xảy ra như cơm bữa. Đây là hệ quả của những thái độ ứng xử thiếu nhân bản và bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Có thể kể ra một thái độ tiêu biểu, đó là vợ chồng không tôn trọng nhau.
Một nguyên tắc vàng trong đời sống hôn nhân, đó là “Tương kính như tân”. Vợ chồng luôn phải coi nhau những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả đối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị…
Ai cũng biết rằng, để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân, điều đó không phải là chuyện dễ. Bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thực tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại. Như một danh nhân có nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton). Hay có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”.
Quả thực, hôn nhân sẽ không thể tiếp tục duy trì nếu một trong hai bên liên tục bị tổn thương bởi sự từ chối, chê bai, hạ thấp. Sẽ rất khó để một người có thể chung sống cùng với một người khi người này luôn coi thường và thiếu tôn trọng mình. Lòng tự tôn của con người rất cao và khả năng sẽ ly hôn khi không được tôn trọng không phải là những trường hợp hiếm khi xảy ra.
2.3. Cách ly do xảy ra thường xuyên chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng
Chúng ta biết rằng nếu giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra chiến tranh lạnh thì đó là dấu hiệu của một sự ly cách tuy âm thầm nhưng rất đáng ngại. Đó không còn là một sự cách ly bình thường nữa, mà đã trở thành một hình thái “Bạo lực tinh thần” rất nghiêm trọng, mà không phải ai cũng nhận ra.
Về mức độ khủng khiếp của những bạo hành về thân xác thì ai cũng rõ rồi. Nhưng người ta nhận định là chiến tranh lạnh còn khủng khiếp hơn bạo lực gia đình rất nhiều. Lý do là vì chiến tranh lạnh nó không ồ ạt, nó diễn tiến âm ỉ, kéo dài, tưởng chừng khó có hy vọng chấm dứt.
Trong một bài báo có tựa đề “Hậu quả nghiêm trọng từ bạo lực tinh thần trong gia đình” trên trang hoinongdan.org.vn, tác giả đã phân tích và đưa ra những thông tin rất đáng lưu ý như sau: [3]
Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong số vụ bạo lực gia đình từ năm 2012 đến hết 2017 đã xảy ra 51.227 vụ bạo lực về tinh thần.
Bạo lực tinh thần rất phổ biến nhưng lại khó nhận dạng hơn so với bạo lực thể chất. Hậu quả của bạo lực tinh thần kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân như trầm cảm và sang chấn tâm lý do phải sống trong môi trường u uất, buồn bã.
Bạo lực tinh thần không sử dụng vũ lực thông thường như đánh đập, hành hạ, chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bạo lực tinh thần rất phổ biến nhưng lại khó nhận dạng hơn so với bạo lực thể chất. Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, nó còn tồn tại dưới dạng như đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý… đẩy nạn nhân đến sự khủng hoảng, phẫn uất.
Bạo lực tinh thần thường xảy ra trong những gia đình trí thức vì những người có học vấn nhận thức được việc bạo hành về thể chất dễ dàng bị phơi bày và sẽ lôi kéo sự can thiệp của pháp luật. Họ sợ bị dư luận đánh giá là “thiếu văn hóa”, đánh mất sĩ diện, danh dự. Chính vì thế họ thường chọn cách giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng bạo lực tinh thần.
Và “Chiến tranh lạnh” là một dạng thức phổ biến và đáng sợ nhất của bạo lực tinh thần. Người vợ hoặc chồng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt vô trách nhiệm với nửa còn lại hay đem so sánh với người khác. Người trong cuộc gọi bạo hành tinh thần là kiểu “hộp đen”, tức là bạo hành không nhìn thấy được, không ầm ĩ, không gây sự chú ý khiến cho người ngoài nhìn vào tưởng rằng gia đình ấy lúc nào cũng cơm lành canh ngọt.
Nhiều người cho rằng bạo hành tinh thần của người phối ngẫu (người vợ hoặc chồng) chỉ là một biểu hiện của sóng gió gia đình, có thể giúp họ tự giải quyết hiệu quả hơn là tìm sự giúp đỡ của các đoàn thể và tổ chức pháp luật. Do đó bạo hành tinh thần nghiễm nhiên tồn tại hợp pháp trong nhiều gia đình trí thức, âm thầm gặm nhấm, hành hạ tinh thần của nạn nhân dẫn đến các bệnh về tâm lý thần kinh, thậm chí có người còn tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã từng thực hiện khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố và thu nhận được kết quả như sau: Cứ bốn (4) gia đình có tình trạng bạo hành, thì có một (1) theo kiểu bạo hành tinh thần “hộp đen”. Một khảo sát khác của Trung tâm tư vấn Hồn Việt TP. HCM cho thấy, bạo hành kiểu “hộp đen” chiếm 72% trên tổng số hơn 500 trường hợp cần tư vấn. Bất ngờ hơn, bạo hành tinh thần gần như chỉ có và phổ biến trong giới trí thức.
Chẳng hạn, có một nữ giảng viên đại học kể rằng sau 10 năm chung sống với chồng trí thức, sau một lần cãi cọ, anh chồng trừng phạt “vợ mất dạy” bằng vài năm im lặng và ly thân mặc dù vẫn sống chung nhà. Trước mặt bạn bè họ hàng anh vẫn lịch lãm, nói năng nhẹ nhàng. Chồng đóng tiền lương đầy đủ nhưng không hé răng, thái độ ghẻ lạnh. Người vợ hoảng loạn vì bị ngắt giao tiếp, “cấm vận” chăn gối, sau đó có dấu hiệu trầm cảm.
Hay như trường hợp gia đình của vợ chồng chị NTT (TP Đà Nẵng) cứ xa là nhớ, nhưng gần lại khắc khẩu. Chính vì thế cảnh hờn ghen, giận dỗi diễn ra như cơm bữa. Khi tức lên, anh chồng sẵn sàng dành cho vợ những từ ngữ như “con điếm”, “con đĩ”; vợ cũng không chịu thua, chê chồng bạc nhược, yếu hèn, kém cỏi, không biết lo kinh tế gia đình, thậm chí không ít lần viết đơn dọa ly dị.
Tối cãi nhau nhưng sáng ra chồng vẫn chở vợ đi làm, đi ăn như không có chuyện gì. Kịch bản này cứ thường xuyên lặp lại khiến chị T. tự hỏi, đó có phải là tình yêu và hạnh phúc gia đình hay không, vì mỗi lần cãi nhau, chị thấy mệt mỏi và bị xúc phạm ghê gớm.
Im lặng để hành hạ chỉ là một trong gần mười biểu hiện của bạo lực tinh thần. Ở Việt Nam chưa từng có ai bị phạt hay bị kiện chỉ vì im lặng. Nghe đến đây khá nhiều người có học bao gồm cả phóng viên giật mình “một năm tôi bạo hành chồng và con đến năm bảy lần”. Phát hiện chồng chơi game, nợ nần vì đầu tư không hiệu quả, “say nắng” ở công sở vv… không ít các bà vợ chọn chiến tranh lạnh để trừng phạt.
Sự im lặng, cam chịu của nạn nhân đã tiếp tay cho hành vi bạo hành tinh thần ăn sâu bám rễ trong lòng nhiều gia đình. Có người chấp nhận như một nghĩa vụ, có người chịu đựng vì sợ mang tiếng, đàm tiếu, có người kêu cứu nhưng bị dập tắt ngay từ khi manh nha suy nghĩ.
Cách giải quyết tốt nhất là vợ chồng ngồi lại với nhau, trao đổi thẳng thắn để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Chỉ khi thay đổi nhận thức, suy nghĩ của chủ thể bạo hành mới mong giải quyết được vấn đề này.
2.4. Cách ly do bế tắc trong giao tiếp và đối thoại
Người ta cho rằng, muốn hạnh phúc, vợ chồng hãy chia sẻ và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhiều người đàn ông vẫn thường hay nói đùa rằng “ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Còn những bà vợ thì than vãn rằng ông chồng tôi “cạy” răng cả ngày chẳng được nửa lời, về nhà cứ im ỉm, nghĩ mà chán.
Thế rồi chính những sự im lặng vô hình ấy đã “giết” chết hôn nhân lúc nào không hay. Vợ chồng lúc vui, lúc buồn, đau khổ đều không chia sẻ với nhau thì tình cảm ngày càng lạnh nhạt, khoảng cách của họ ngày càng xa dần và không thể cứu vãn được.
Chúng ta biết rằng, trong đời sống hôn nhân, giao tiếp hằng ngày đóng vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ gắn kết đôi bạn lại, mà còn giúp cả hai hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một ngày các vợ chồng có thể phải ở xa nhau ít nhất cũng tám giờ do công việc làm ăn, có biết bao chuyện xảy ra xung quanh cả hai người. Do đó, rất cần kể cho nhau nghe mọi chuyện, chia sẻ với nhau những gì xảy ra trong ngày.
Không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu mỗi ngày họ không nói chuyện với nhau được 30 phút.
Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình.
Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay. [4]
Một vị giáo sư nọ, vì thấy rõ tầm quan trọng của đối thoại trong hôn nhân nên đã nói rằng: “Nếu tôi có cơ hội khuyên những đôi vợ chồng sắp cưới chỉ một lời mà thôi, thì tôi sẽ khuyên điều sau đây, đó là để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, bằng mọi giá, vợ chồng phải giữ cho đường dây đối thoại với nhau”. “Giữ” ở đây là nối kết, duy trì và làm mới, không để nó đứt đoạn, mất kết nối và rơi vào tình trạng bế tắc.
Do đó, để cho “Đường dây đối thoại” giữa đôi bạn luôn được thông thoáng, thân thương, liên tục, thiết nghĩ chúng ta nên quan tâm tới vấn đề giao tiếp ứng xử giữa hai bạn đời, làm sao để mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng khi hai người có cơ hội ở gần bên nhau. Khi nói đến giao tiếp thì không chỉ hiểu là những gì liên quan tới lời nói qua lại, cách nói chuyện mà còn là thái độ ứng xử, cung cách giao tiếp nữa giữa hai người nữa.
Các nhà tâm lý học hôn nhân gia đình đều quả quyết rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vợ chồng dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng cũng nên tìm mọi cơ hội để gặp nhau, nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe “chuyện đời chuyện người”, trao tâm sự cùng nhau, thậm chí có thể cùng nhau xem một chương trình giải trí trên truyền hình hay cùng nhau hát một bài hát vv. Đây có thể được coi như một “chìa khóa vàng” đảm bảo hôn nhân bền vững.
óm lại, giao tiếp và đối thoại trong đời sống vợ chồng thực sự rất quan trọng. Khi tìm đến sự tư vấn trong hôn nhân, chúng ta thường nghe nói rằng giao tiếp chính là chìa khóa của mối quan hệ tốt đẹp. Và điều này hoàn toàn đúng. Mức độ giao tiếp của đôi bạn quyết định mức độ hai người sẽ giải quyết mâu thuẫn, tranh luận như thế nào, điều gì sẽ làm người kia tổn thương hay tình bạn trong hôn nhân của hai người sâu sắc như thế nào ./.
_______________
[1]https://ncctv.net/ba-cu-o-thai-binh-ly-di-o-tuoi-86-vi-chong-ca-doi-khong-giup-viec-nha/
[2]https://thegioitre.vn/hon-nhan-nhat-nheo-boi-co-nhung-nguoi-dan-ong-vo-tam-va-nhung-nguoi-dan-ba-im-lang-67686.html
[3]http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/73320/hau-qua-nghiem-trong-tu-bao-luc-tinh-than-trong-gia-dinh
[4] Những quy tắc ứng xử vợ chồng – Alpha Books biện soạn – NXB LĐ-XH Hà Nội 2018 trang 52-53
Tác giả bài viết: Aug. Trần Cao Khải