Trung thành theo Chúa đến cùng

385

“Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.” (Mc 15,40-41)

Trong đám đông dân chúng và rất nhiều môn đệ đi theo Đức Giêsu, chỉ có rất ít người đi theo Chúa cho đến cùng, và trong số người ít ỏi đó, nổi bật lên gương mặt của một số phụ nữ, ngoài Đức Maria Mẹ của Đức Giêsu. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu từ Galilê, cùng lên Giêrusalem, và đã đi theo Chúa trên con đường Thánh Giá cho đến đồi Canvê, sau đó đi theo đến nơi an táng Chúa, và rồi từ tờ mờ sáng hôm sau đã chạy đến mồ Chúa, và là những người đầu tiên đón nhận và sau đó đi loan báo Tin mừng Phục sinh.

Điều gì đã giúp cho các bà có thể trung thành theo Chúa đến cùng như vậy? Vì lòng tin và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Các bà đã theo Chúa vì tin Chúa, tin Người là Đức Kitô Con Thiên Chúa, các bà vẫn tin Người là Chúa khi Người bị bắt, bị kết án, bị giết chết. Các bà yêu mến Chúa vì Người là Chúa, không phải vì Người luôn làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho các bà ăn, ngược lại các bà còn giúp đỡ Người rất nhiều; cũng không phải vì Người có quyền năng hay làm phép lạ, nên các bà không đặt vấn đề tại sao Người lại lặng thinh không ra tay uy quyền; cũng không phải vì Người sẽ là vua và các bà cũng sẽ được hưởng vinh hoa phú quý… Do đó, khi chứng kiến cuộc Khổ Nạn, các bà không rơi vào thất vọng, bỏ cuộc. Mặc dù với tâm lý con người bình thường các bà cũng sợ hãi, cũng đau lòng, cũng khóc lóc kêu than, nhưng các bà chỉ hết lòng vì Chúa, không nghĩ đến bản thân mình có bị sao không, có ảnh hưởng gì không, người ta sẽ nghĩ như thế nào. Các bà cũng không dùng lý trí để đắn đo suy xét xem có nên đi theo Chúa hay không, giữ khoảng cách như thế nào. Các bà cũng không để cho những sự vật và biến chuyển chung quanh, là những thứ giác quan nhìn thấy, nghe thấy, ảnh hưởng đến việc tập trung vào Chúa, đi theo Chúa đến cùng qua cuộc Khổ Nạn cho tới Phục sinh. Chúng ta thấy rõ là Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh đã là đối tượng duy nhất của lòng trí các bà trong những ngày đó. Cùng với Mẹ Maria, các bà là những người Mến Thánh Giá đầu tiên.

Là những nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta cũng được mời gọi hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất. Tuy nhiên, trên hành trình bước theo Đức Kitô, có khi chị em mình lại sợ hãi, chán nản, thất vọng, đau khổ, hoặc là chỉ sống nửa vời, tà tà, không thực sự đi theo Chúa trọn vẹn cho đến cùng. Tại sao lại như vậy? Trước tiên phải kể đến ảnh hưởng của xã hội và trào lưu tục hóa, cùng với sự yếu kém về căn tính đời tu, có thể làm cho chúng ta không còn đặt Chúa và các giá trị siêu nhiên lên trên tất cả mọi sự, mà lại lấy chính mình làm trung tâm, muốn đạt cho được những gì mình thích, muốn được tự do theo ý riêng mình, muốn sống tự lập, tự quyết định, muốn ganh đua, muốn được tôn trọng hơn người, suy nghĩ theo kiểu người đời, muốn một cuộc sống dễ dãi thoải mái, đòi hỏi đủ thứ mà không khi nào thấy đã đầy đủ, đã thỏa mãn rồi. Khi tập trung vào bản thân, chúng ta sẽ dần dần ít nghĩ cho người khác, ít quan tâm tới người khác, ít nhường cho người khác, ít tôn trọng người khác. Chúng ta cũng mất dần cảm thức thuộc về cộng đoàn, thuộc về Hội dòng, nên dẫn đến những phê bình chỉ trích tiêu cực hơn là góp sức xây dựng.

Nhìn lại những nỗi buồn và những nỗi khổ đau của chính mình, em thấy đa số là do mình chưa ra khỏi được cái tôi của mình. Tại sao mình buồn? Vì bị coi thường, bị vu oan, bị hiểu lầm, bị xúc phạm? Không phải, chính bản thân việc bị coi thường, bị vu oan, bị hiểu lầm, bị xúc phạm không thể làm cho mình buồn, nếu mình biết ra khỏi mình, đừng cho rằng danh dự của mình là quan trọng, nhận mình là tỳ nữ thấp hèn, chỉ biết có Chúa là đủ rồi, thì mình sẽ không còn phải buồn phiền vì mấy thứ đó. Vì sao mình khổ? Vì người thân của mình gặp chuyện chẳng lành, vì chính mình gặp những điều ngoài ý muốn, vì những ước mơ tốt đẹp của mình không thực hiện được, vì những ý định tốt lành của mình bị người khác cản trở? Những chuyện đó sẽ không làm cho mình khổ nếu mình biết phó thác mọi sự trong bàn tay Chúa quan phòng, nỗ lực bao nhiêu có thể theo khả năng của mình, phần còn lại để Chúa lo. Thật thế, nếu chúng ta hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, thì chúng ta mới có thể vững tâm tiến tới, trung thành theo Chúa đến cùng.

Đức Cha Lambert đã cảm nhận điều đó rất rõ trong cuộc đời của ngài. Chẳng hạn như khi ngài bị bất an, bối rối, trước lời mời làm giám đốc trung tâm xã hội, là điều đi ngược lại ý muốn của ngài. Trước đó, ngài đã quyết tâm từ bỏ tất cả, từ bỏ địa vị cao sang phú quý, từ bỏ công việc danh giá, từ bỏ lối sống quý tộc, rút lui vào ẩn viện, để chỉ sống cho Chúa mà thôi. Khi được mời, ngài đã xin ý kiến của linh hướng và cố vấn, ngài đã muốn làm theo ý riêng, từ chối đến hai lần, nhưng sau đó khi vị linh hướng giúp ngài thấy rõ hơn ý Chúa, ngài đã nhận lời, mặc dầu lúc đó ngài nói là ngài có thể nghĩ ra rất nhiều lý do để từ chối. Ngài đã vượt thắng ý riêng của bản thân để thuận theo ý Chúa, khiêm nhường để từ bỏ ý riêng của mình là muốn rút lui vào bóng tối để sống khiêm nhường. Từ bỏ, tự hủy, sống theo những giá trị siêu nhiên chứ không chạy theo những gì trần tục để trung thành theo Chúa, đó là bí quyết hạnh phúc của Đức Cha Lambert. Chính vì thế, ngài đã nhắn nhủ hai nữ tu tiên khởi: “Các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô.” (Btt 10). Vâng, nếu chúng ta không còn sống theo bản tính tự nhiên và lý trí người đời, thì chúng ta sẽ sống hạnh phúc thực sự trên con đường theo Chúa.

Từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Chúa, chúng ta còn được mời gọi sống tinh thần thừa sai, sẵn sàng dấn thân loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Cũng như các bà trong Tin Mừng, không chỉ dừng lại ở chuyện đi theo và khóc lóc trước mồ Chúa, nhưng các bà đã về chuẩn bị thuốc thơm, và hăng hái lên đường từ sáng tinh sương để đến mồ Chúa. Sau khi nhận được Tin mừng Phục sinh, các bà đã ra đi loan tin cho các môn đệ. Trung thành theo Chúa đến cùng, không phải là giữ Chúa lại cho riêng mình, mà là loan báo cho mọi người biết họ được Chúa yêu thương để họ được hạnh phúc. Chân lý này đã được tác giả Thánh vịnh 22 thể hiện một cách thật tuyệt vời, sau khi mô tả về những nỗi đau khổ mà Đức Kitô sẽ phải chịu, cũng như những lời van xin Người dâng lên Chúa Cha, dường như chúng ta không thấy lời đáp trả. Tuy nhiên, việc chuyển đổi tiết tấu và nét vui tươi ở những đoạn cuối, cho thấy rõ Chúa Cha đã nhận lời và đã giải thoát, đã cho Người được phục sinh. Người cầu cứu không còn kêu than nữa, mà đã được ơn giải thoát, và để thể hiện lòng biết ơn, đã dâng lên ước nguyện ra đi loan báo Tin Mừng, và dâng trọn cuộc sống cho Chúa:

“Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa

cho anh em tất cả được hay, …

Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng,…

Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn…

Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa…” (Tv 22,23.26.30)

Nhìn vào gương của những người phụ nữ thời xưa trung thành đi theo Chúa đến cùng, chị em chúng ta được mời gọi theo gương Đức Cha Lambert, yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, ý thức về những lời mình đã khấn hứa cùng Chúa, hướng về Chúa là trung tâm điểm cuộc đời mình, và hướng về chị em, để cảm nhận được tình yêu nơi Đấng Chịu Đóng Đinh, để có đủ nội lực vượt qua mọi thách đố mà trung thành theo Chúa đến cùng, để có hạnh phúc và niềm vui, hăng say dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa trong mọi môi trường sống và phục vụ của chúng ta.

Nt. Anna Vân Nga

Tổng Phụ trách Hội Dòng MTG Thủ Đức