Thổn thức

323

“Thổn thức” được hiểu là sự bồi hồi, xao xuyến không yên, xem ra rất đau đớn, đang kẹt lại giữa một thực tại nào đó. Tự bản chất, nó không là vấn đề. Nhưng điều đó lại cho thấy khoảnh khắc đó đang tái diễn nơi suy nghĩ. Và nó là kết quả của một mối bận tâm. “Thổn thức”- một quãng ngắt tôi dừng lại để nghĩ. Để tỉnh. Để đổi mới !

Lúc này ai cũng đã nghe nói về tình hình dịch bệnh gần đây. Mỗi ngày trôi qua, cả nhân loại đang lo sợ trước sự tàn phá lạnh lùng do virus Covid-19 gây ra. Mọi nỗ lực dường như vẫn chìm sâu trong sự thinh lặng đáng sợ. Chứng kiến “thảm kịch nhân loại” đang bủa vây quanh mình. Chúng ta đều mang trong mình nỗi lo lắng cho ngày mai. Liệu rằng tôi, gia đình tôi, người thân tôi có phải là nạn nhân tiếp theo? Trải rộng hơn là quốc gia, dân tộc, người quyền lực, kẻ nhỏ bé. Tất cả đều thao thức. Ai cũng trông chờ vào một phương pháp có thể tiêu diệt con virus quái ác này. Thế nhưng, có phải chúng ta chỉ đang tìm cách cứu vãn lấy thân xác hư nát này không thôi…? hay còn bị lay động bởi điều gì nữa ?

Đứng trước một biến cố có sức đảo lộn thế giới, tôi được mời gọi bước vào nỗi thổn thức sâu xa hơn. Hãy nhìn ra cú ngã bất ổn nơi “bóng mờ” của đời mình. Đó là những thực tại trần thế tôi đang bám víu hàng ngày. Thật khó phân biệt vì nó không rõ ràng như ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối. Chỉ thấp thoáng, lờ mờ, ẩn hiện để kìm kẹp con người. Đan xen giữa ý thức và vô thức. Nó phong tỏa cuộc sống nơi sự bình yên xem ra rất ổn. Bất chợt, sự an toàn mà tôi lẩn trốn bấy lâu nay bỗng chốc bị xé toang. Những gì được xem là có thể, bây giờ lại hóa ra bất lực. Một tiếng chuông chiều, một Thánh Lễ, một nhịp sống bình thường…trở thành nỗi khao khát mãnh liệt hơn bao giờ hết. Giờ đây tôi mới ý thức. Phát hiện ra “bóng mờ” đã gặm nhấm mình. Đó chính là cái trơ trọi, cái bất ổn đang khi tôi được sống trong Ân sủng nhưng lại lãng quên và để nó vụt qua từng ngày.

Sau những kinh nghiệm thương đau, tôi đã được dạy cho biết về sự vô dụng của việc tự tìm đường lối cho mình. Khi thấy Thiên Chúa đã ẩn mình và làm rối loạn mọi ý tưởng, tôi buộc phải tìm tới Ngài để van xin sự sống. Tuy vậy, thổn thức vẫn dâng trào khi tôi nghĩ rằng mục đích của con người trong thời điểm hiện tại không hẳn là “hạnh phúc đích thực” nhưng là “sự an toàn”. Điều đang được ưu tiên là sự tồn vong của con người. Phải chăng nó gieo rắc sự sầu muộn dai dẳng chẳng thể giải thoát. Tôi chạm đến nỗi thổn thức của Đức Giêsu:“Khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (x.Lc 18, 8). Chẳng phải “Chính Người đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta”( x. Is 53,4). Tôi còn lo lắng điều chi nữa ?

Giữa những trật tự bị đảo lộn, đây không phải là thời gian để tôi ngồi phân tích sự kiện, nhưng là để nhìn ra sự bất ổn nơi niềm tin, lối sống, cách đón nhận nơi mình như một thông điệp mà Chúa gửi đến.

Têrêsa Nguyễn Bình, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức