Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ cầu nguyện và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi

266
24 giờ đêm qua giờ Việt Nam, 27/03/2020, tức lúc 18g00 Rôma, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự khoảnh khắc cầu nguyện ngoại thường trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang xảy ra. Sau khi suy niệm Lời Chúa, buổi cầu nguyện được tiếp tục với giờ Chầu Thánh Thể. Hình Đức Mẹ Salus Populi Romani (Sức khỏe của dân Rôma) và Thánh giá của thánh Marcello được đặt tại tiền đường của đền thờ thánh Phêrô. Cuối cùng Đức Thánh cha đã ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi (cho thành phố Roma và thế giới).
        .
Đức Mẹ Salus Populi Romani
Đức Mẹ Salus Populi Romani

        .

Anh chị em thấn mến

“Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Đó là câu mở đầu  đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe. Từ nhiều tuần nay dường như chiều đã xuống. Bóng đêm dày đặc trên các quảng trường, đường phố và khắp phố phường của chúng ta; nó chiếm lấy cuộc sống của chúng ta bằng cách lấp đầy mọi thứ bằng sự thinh lặng đầy sững sờ và bằng sự trống rỗng tang hoang, làm tê liệt mọi thứ khi nó đi qua: người ta cảm thấy nó trong không khí, trong những cử chỉ, nói về nó qua ánh mắt. Chúng ta thấy sợ hãi và hỗn loạn. Giống như các môn đệ trong bài Tin mừng, chúng ta bị mất cảnh giác trước một cơn bão đột ngột và giận dữ. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một chiếc thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết, tất cả được mời gọi cùng nhau chèo chống, mọi người cần an ủi lẫn nhau. Trên chiếc thuyền này… có tất cả mọi người chúng ta. Giống như các môn đệ, cùng nói đồng giọng và trong đau khổ họ kêu lên : “Chúng con sắp chết rồi” (c.38), vì vậy chúng ta cũng dễ nhận ra rằng chúng ta không thể tự mình bước đi mà chỉ có thể đi cùng nhau.

Thật dễ dàng để nhận ra chính chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó khăn là hiểu được thái độ của Chúa Giêsu. Trong khi các môn đệ tự nhiên hoảng hốt và tuyệt vọng, Chúa vẫn tại vị ở đuôi tàu, ở phần chìm sâu dưới nước. Và Chúa làm gì? Bất chấp sự ồn ào lộn xộn, Chúa ngủ ngon lành, Ngài tin tưởng vào Chúa Cha – đây là lần duy nhất trong Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ -. Khi bị đánh thức, sau khi làm cho gió bão và sóng nước lặng im, quay về phía các môn đệ Chúa khiển trách : “Tại sao các con sợ hãi? Các con không còn lòng tin nữa sao?” (c. 40)

Chúng ta hãy tìm cách để hiểu. Điều cốt yếu là sự thiếu vắng niềm tin của các môn đệ có trái ngược với sự tin cậy của Chúa Giêsu không? Thật vậy, các môn đệ không ngừng tin vào Chúa, họ luôn cầu khẩn Chúa. Nhưng chúng ta hãy xem họ cầu xin Chúa thế nào : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao” (c. 38). Chẳng lo gì sao : Chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu không quan tâm đến họ, không săn sóc họ. Trong gia đình của chúng ta, một trong những điều khiến chúng ta đau lòng nhất đó là khi nghe nói rằng : “Sao bạn không quan tâm đến?”. Đó là một câu nói gây tổn thương và gây nên bão tố trong tâm hồn. Câu nói ấy cũng lay động Chúa Giêsu. Bởi vì không ai quan tâm chúng ta bằng Ngài. Thật thế, một khi được kêu xin, Chúa cứu những người môn đệ kém tin của mình.

Cơn bão lột trần điểm yếu của chúng ta và cho phép phát hiện ra những sai lầm, những an toàn không cần thiết mà chúng ta đã dựng nên những lịch trình của mình, dự án của mình, thói quen và những ưu tiên của mình. Nó cho thấy chúng ta đã khờ khạo và mù mờ trước những điều căn cơ nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố đã làm lộ ra mọi ý định “đóng gói” và lãng quên những gì đã nuôi dưỡng linh hồn của các dân tộc chúng ta; tất cả mọi cố gắng làm tê liệt chúng ta bằng những thói quen có vẻ như “cứu rỗi chúng ta” rõ ràng không thể hấp dẫn cội nguồn của chúng ta và không thể gợi lại ký ức của những người cao tuổi, và vì thế tước khỏi chúng ta sự miễn dịch cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Với cơn bão, mưu mẹo của những khuôn mẫu mà chúng ta ngụy trang cho “bản ngã” của mình, luôn lo lắng về hình ảnh của mình, đã bị bị xô ngã; và một lần nữa, chúng ta phát hiện ra rằng (thật may mắn) chúng ta cùng thuộc về nhau trước điều chúng ta không thể chối từ nhau : chúng ta cùng thuộc về nhau như anh em.

“Tại sao các con sợ hãi? Các con không còn lòng tin nữa sao?”. Lạy Chúa, Lời của Chúa chiều tối nay đánh động chúng con và soi sáng cho tất cả mọi người chúng con. Trong thế giới này, Chúa đã yêu nhiều hơn chúng con, chúng con đã tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt, chúng con cảm thấy mạnh mẽ và có khả năng trong tất cả mọi thứ. Tham lam lợi nhuận, chúng con để mình bị lôi kéo vào mọi thứ và bị dụ dỗ bởi sự vội vàng. Chúng con đã không biết dừng lại trước lời nhắc nhở của Chúa. Chúng con đã không thức tỉnh trước những cuộc chiến tranh và những bất công trên toàn thế giới. Chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, của hành tinh lâm trọng bệnh của chúng con. Chúng con tiếp tục ngoan cố, khi nghĩ  rằng mình luôn khỏe mạnh trong một thế giới đau bệnh. Giờ đây, khi đang ở trong vùng biển động, chúng con cầu xin Chúa : “Lạy Chúa xin hãy thức dậy”.

“Tại sao các con sợ hãi? Các con không còn lòng tin nữa sao?”. Lạy Chúa, Chúa đang kêu gọi chúng con, một lời kêu gọi hướng đến đức tin. Điều đó không phải là để tin rằng Chúa tồn tại, nhưng là để đến với Chúa và tín thác vào Chúa. Trong Mùa chay này đang vang lên lời kêu gọi cấp bách của Chúa: “Các con hãy hoán cải”, “hãy trở về với Ta với tất cả tâm hồn” (Gl 2,12). Chúa nhắc nhở chúng con đón nhận giai đoạn thử thách này như thời gian để chọn lựa. Đó không phải là thời gian phán xét của Chúa, nhưng là của chúng con: thời gian để chọn lựa những gì là quan trọng, những gì đã qua, để tách biệt những gì cần thiết khỏi những thứ không cần. Đó là thời gian để thiết lập lại những đổ vỡ trong cuộc sống đối với Chúa và với tha nhân. Và chúng con có thể nhìn vào những người bạn đồng hành mẫu mực, dù lo sợ, họ đã phản ứng bằng cách trao hiến cuộc sống của mình. Đó là sức mạnh đầy hiệu năng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ và nặn đúc nên sự can đảm và quảng đại hiến thân. Đó là sự sống của Thánh Thần, có khả năng cứu chuộc, nâng cao và cho thấy cách mà cuộc sống của chúng con được dệt nên và được nâng đỡ từ nhiều người bình thường – những người thường bị lãng quên – họ không xuất hiện trên các tiêu đề của báo chí và tạp chí cũng như trên các sàn diễn lớn của các chương trình mới nhất, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, hôm nay họ đang viết ra những biến cố đầy quyết định của lịch sử chúng ta: các bác sĩ, y tá, nhân viên siêu thị, người dọn dẹp, chăm sóc, người vận chuyển, nhân viên công lực, tình nguyện viên, linh mục, tu sĩ và nhiều người khác đã hiểu được rằng không ai có thể tự cứu mình.

Đứng trước đau khổ, chúng ta đo lường được phát triển thực sự của các dân tộc, qua đó chúng ta khám phá và trải nghiệm lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu : “để tất cả nên một” (Ga 17,21). Biết bao người từng ngày đang rèn luyện sự kiên nhẫn và khơi gợi niềm hy vọng bằng cách chăm sóc để không gieo rắc sự sợ hãi mà là gieo trồng tính đồng trách nhiệm. Các bậc cha mẹ, ông bà nội ngoại, các giáo viên đang chỉ cho con cái chúng ta, bằng những cử chỉ đơn sơ từng ngày, cách để đối diện và trải qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh lại những thói quen của chúng, hướng nhìn lên cao và khích lệ cầu nguyện. Biết bao người đang cầu nguyện, dâng hiến và chuyển cầu cho thiện ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ trong thinh lặng là vũ khí chiến thắng của chúng ta.

“Tại sao các con sợ hãi? Các con không còn lòng tin nữa sao?”. Sự khởi đầu của đức tin là nhận biết rằng chúng ta đang cần ơn cứu rỗi. Chúng ta không tự lập một mình; một mình chúng ta sẽ đắm chìm: chúng ta cần Chúa tựa như những ngư thuyền xưa kia cần những ngôi sao. Chúng ta mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc sống của mình. Chúng ta dâng cho Chúa nỗi sợ của chúng ta, để Ngài chiến thắng nó. Giống như các môn đệ, chúng ta sẽ cảm nghiệm được rằng, có Ngài trên thuyền, sẽ không làm thuyền đắm. Bởi vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa : biến mọi thứ đang xảy ra cho chúng ta, kể cả những điều xấu, thành điều tốt. Ngài đem bình yên đến trong giông bão, bởi vì khi có Chúa cuộc sống không bao giờ chết.

Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, và giữa cơn bão cuộc đời, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức, khởi động sự đoàn kết và niềm hy vọng có khả năng mang lại sự bền vững, nâng đỡ và thể hiện vào thời điểm mà tất cả chúng ta dường như bị chìm đắm. Chúa thức tỉnh để tỉnh thức và làm sống lại niềm tin phục sinh của chúng ta. Chúng ta có một mỏ neo: nơi thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một người lãnh đạo: nơi thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có hy vọng: nơi thập giá của Chúa chúng ta được chữa lành và được ôm ấp để không có gì và không một ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cách ly mà chúng ta đang phải chịu đựng sự thiếu thốn tình cảm và gặp gỡ, chúng ta đang cảm thấy thiếu thốn mọi điều, chúng ta lại được nghe tin báo rằng Chúa cứu chúng ta : Đấng là sự sống và là sự sống lại ở cạnh chúng ta. Từ thập giá Chúa đòi hỏi chúng ta khám phá lại cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, nhìn đến những người kêu cầu chúng ta, củng cố, nhận biết và khơi dậy ân sủng ở giữa chúng ta. Chúng ta đừng dập tắt tim đèn còn lửa (Is 42,3), không bao giờ chùn bước và chúng hãy để cho hy vọng được nhen nhóm lên.

Hãy ôm lấy thập giá của Chúa nghĩa là tìm lại sự can đảm để nắm lấy tất cả những nghịch cảnh hiện tại, bằng cách từ bỏ phút giây lo sợ về quyền năng tuyệt đối và sự chiếm hữu của chúng ta để nhường chỗ cho sự sáng tạo mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng khơi dậy. Điều đó có nghĩa là tìm thấy can đảm mở ra những không gian nơi mà mọi người có thể cảm nhận được rằng họ được mời gọi và cho phép thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới. Nơi thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ để đón nhận hy vọng, để cho hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những cách thức có thể giúp chúng ta bảo vệ chính mình và những người khác. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng : đó là sức mạnh của đức tin, là điều giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và mang đến hy vọng cho chúng ta. Hãy ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đây là sức mạnh của niềm tin, giải phóng chúng ta khỏi sợ hãi và đem lại hy vọng cho chúng ta.

“Tại sao các con sợ hãi? Các con không còn lòng tin nữa sao?”. Anh chị em thân mến, từ nơi này, nơi nhắc lại niềm tin sắt đá của thánh Phêrô, chiều tối nay, tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ, là Sức khỏe của các dân tộc, là Sao biển giữa bão giông. Từ hàng cột của đền thờ đang ôm lấy Rôma và thế giới này, xin Phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe thể xác và an ủi mọi tâm hồn. Xin Chúa cho chúng con không còn sợ hãi. Nhưng đức tin của chúng con yếu đuối và chúng con đang sợ hãi. Và vì thế, Lạy Chúa, xin đừng bỏ chúng con trong quyền lực của bão tố. Xin Chúa hãy lặp lại lần nữa: “Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô chúng ta “hãy trút cả cho Chúa mọi lắng lo, để Chúa chữa lành chúng con” (x. 1Pr 5,7).

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ